- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Rất Nhiều Mùa Say Hesse

01 Tháng Mười Một 200912:00 SA(Xem: 23891)

vietnam-saigon-big_0_300x199_1I

 

Khi tự nhận mình là kẻ ăn trộm, lòng đã nghe tan nát hết. Sự vỡ vụn của những năm tháng thương cho lời dối trá của nhân vật trong Tuổi Trẻ Băn Khoăn cứ theo tôi, dằng dai, ảm đạm mỗi chiều về.

Bữa đó, những đứa thích xàng xê, mà cũng chẳng xàng xê đâu xa hơn quá bản thân mình, hẹn hò nhau. Một bữa rượu kiểu học trò nghèo. Cũng không biết cảm giác say như bây giờ. Chỉ thấm vào họng nhau, mỗi đứa mươi giọt, như doping, đủ để thấy huyễn hoặc được cuộc sống của chính mình...

Rồi không biết đi đâu nữa.

Những lần ngồi rong Hồ Con rùa đã nhàm. Cái bình trà và chiếc chiếu tã, sự đỏm dáng một thời, vênh váo vác mặt đóng vai những kẻ lập dị... Đã nhàm. Đã nhàm. Về ký túc, giam mình trong cái mớ hỗn độn đầy dẫy tiếng ồn thôi cũng đã ngán... Làm chi? Một đứa rủ ra Tân Định uống café chờ mặt trời. Nhưng Tân Định không có mặt trời. Một đứa nói thôi đi xóm Bình Khang ngó người ta. Nhưng tuổi đó, tuổi đó, xóm Bình Khang còn đầy những nhờm gớm...

Sau này, khi rủng rẻng một chút tiền, tôi từng chở Trung sang xóm Bình Khang. Chở qua đó, mà kêu một ly café ngồi chờ Trung. Cũng không dám hỏi Bình Khang có gì. Hay những ngày trước đó nữa, cũng Bình Khang, hùn hạp một mớ tiền còm học bổng, đến cái động thâm u thì chẳng đứa nào đủ can đảm bước vô, như Bầy diều hâu gãy cánh, không khác.

Rồi về cái hang của Minh.

Cái hang hà mã. Minh bật quẹt châm đèn. Cây đèn cầy đổ những bóng dị dạng lên tường. Tuổi trẻ mình méo mó đến khiếp vậy sao? Minh cười hu hú. Cái cười mà hai chục năm rồi chắc chẳng đứa nào quên. Cái cười hà mã. Dù thực sự, nhìn thấy con hà mã ngoài đời và nghe tiếng cười của nó như thế nào, chưa đứa nào biết...

Nhưng Minh vẫn cứ hu hú, và thông báo Minh đang tập cười kiểu hà mã...

Cái hang. Ngôi nhà của một mạnh thường quân vốn mê mấy bức vẽ của Minh, cho ở nhờ giữ nhà khi họ đi nước ngoài, mấy tháng trời không đóng tiền, chẳng có điện và nước, trông như cái nhà ma.

Nó u ám, chẳng khác sự u ám của Minh.

Có một cây đàn đứt dây. Và Minh ôm nó đàn tưng tưng. Giọng khào khào vịt đực, lảm nhảm những gì không rõ. Rồi Trung giựt cây đàn. Trung hát Bee Gees, buồn đến nghẹn tắt. Chỉ có Lãm, nói những gì hình nhi thượng.

Và Trường nữa. Trường đi đâu cũng có một bình trà. Tôi uống ngụm trà đó. Trong cái hang đó. Mà nhớ thật sáng rõ nỗi day dứt, u ám của mình ngày dại dột đọc Hesse khi chưa đủ có một sự lì lợm cần thiết.

Cái hang hà mã đầy dẫy những bức tranh ngựa và mắt. Minh nói, cũng như Picasso có thời kỳ tím, thời kì xanh, Minh vừa qua thời kì ngựa để đến thời kì mắt. Những đôi mắt màu tím trơ trọi trên toan, nhìn đã thấy sợ. Trong cái u ám và ánh sáng đủ chập chờn của cây đèn cầy, vẫn đọc ra đôi mắt của ai...

Hồi đó, sao mà nhiều những mối tình đơn phương.

Nhưng cách mà Minh kí thác tình ái của Minh, nó ít đượm màu trần gian quá.

Rất nhiều năm sau, khi vô tình một đêm ngồi ở trường Mỹ thuật với chiếu rượu nhạt nhòa, tôi gặp lại đôi mắt đó. Những run rủi đời người, lắm khi như một sự sắp đặt đâu đó, chệch chuẩn lạ kì. Cái đôi mắt mà Minh từng chìm trong sự khổ hạnh để vẽ, bên chiếu rượu đêm, không còn một màu tím, và trần thế quá. Cái đôi mắt mà những năm tháng đó, tôi cứ tự dằn vặt hỏi mình sao nó lại có thể là hai hàng ranh dựng lên quanh Minh để con đường Minh đi chỉ là một lối hẹp đến thế, khi đối diện, nó như nghìn triệu đôi mắt khác...

***

Chiều đã vàng phai trên đầu non...

Một lần lên Thái Nguyên, gặp Vương. Một kỹ sư chăn nuôi mà những ngày còn mài đũng quần ở trường đã được vài công ty ngoại nhấp nhổm kí hợp đồng. Nghĩa là Vương rất giỏi. Ở một trường đại học tỉnh lẻ miền sơn cước, mà đã đặt Courier đều đặn mỗi số để đọc, hẳn là Vương đã vượt thoát quá xa cái thường thường ăn học và giáo trình mỗi ngày...

Nhưng tôi gặp Vương, cái áo bộ đội sờn rách, trên rẻo cao hiếm hoi những người Kinh. Cái chòi, như một kiểu chòi hoang. Điếu thuốc rê và nỗi buồn không thấy có giới hạn.

Không nói làm gì những loại tai nạn có tên là lý tưởng. Chỉ thấy trong Vương như ám ảnh bạn bè tôi trong đó.

Hôm đó, rồi Vương đãi tôi món rượu của người H’mông. Cũng đủ vài giọt huyễn hoặc, nghe Vương, như nghe sự cô độc, như nghe cái ngọn núi lừng lững ngoài kia nói, chỉ với chính mình!

Vương chán sự ồn. Chán sự người. Nhưng vẫn phải sống. Vương lên đó, làm một trại nuôi heo và tìm bình an. Nhưng rồi khuya, gió réo ngoài núi ai oán, Vương đột ngột bật khóc...

 

Tôi ngồi cúi mặt cời cho lửa cháy thành ngọn.

Những khuya ở ký túc, cái dáng lầm lũi của Trường vắt vẻo trên lan can, cây đàn cũ, hát xàm. Xàm cho tới lúc chán chê thì lại buông một câu chết điếng: "Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người"... Cặp mắt cau cau sau cặp kiếng bảy độ, như chẳng thấy biết cười.

Mà một hôm cười.

Chỉ vì vắng vài hôm không hát xàm vì cảm cúm sơ sơ, mà có một em gái nào ở ký túc đương khuya dán lên bảng thông báo một mẩu giấy "lầu bốn mất một chú dế mèn hay tra tấn người khác vào giữa khuya. Ai nhặt được xin trả lại cho...". Hóa ra, cũng có một nỗi nhớ nhung khuyết danh nào đó cho cái giọng rền rền, nhựa nhựa màu trà và sỉn khói thuốc của Trường.

Vậy là vui mà cười.

Bỏ Sài Gòn lên Bình Long, thủ trại cho người. Không có tiệc chia tay. Nghèo rớt như nhau, một bình trà ngồi đó tập làm mình già đi, già mau, nói năng huýt hoát, những điều trên trời và dưới âm ty. Hồi đó, ít khi nói chuyện trái đất, là tụi tôi.

Bỏ trường, Trường là đứa đầu tiên. Sau này cái danh sách này còn dài hơn nữa. Cái ống bơm xe đạp và bộ cờ lê không đủ xoay xỏa ở Sài Gòn, Trường lên Bình Long. Đi, Lãm mang tặng cây đàn, đứa nào ngó thấy cũng thèm.

Mà sốt rét. Được vài tháng thì quay về, xanh rớt...

 

II

 

Như lần trốn chui đi coi film sex, run lẩy bẩy con thằn lằn. Cái ký túc HĐ ngày xưa như một cái hạm đội đầy bí ẩn. Mấy thằng trốn đi, giữa những ngoằn nghèo mà cũng không dám dòm mặt nhau, cứ mang cái mặc cảm bị nhuốm bẩn mất rồi. Những thằng trai tơ râu mép đã nhờ nhờ nhưng chưa thoát được vở kịch đời, tội nghiệp!

Hết năm ba thì Lãm chuồn. Danh sách bỏ trường đã có thêm một đứa. Lãm không về Tây Ninh mà ở lại làm tour guide. Lâu lâu đánh qủa về, mua những vịt quay, bánh mì, và tất nhiên rượu nữa, nhi nhô, xồm xoàm cùng nhau... Rồi Trung cũng rời trường, cũng theo Lãm, những tour trên trời dưới biển, những cú "trả thù dân tộc" gái Bỉ, gái Pháp... Đọc trong mắt, biết, lắm trò chỉ là nổ văng mạng để thấy mình đang lớn, đang to...

Hay cũng có thể, chỉ là cố chà mình cho nhơ nhớp lên để khỏa lấp cái mặc cảm bỏ trường bỏ lớp, bỏ ngang cái sự nghiệp mà chẳng phụ huynh nào có thể chấp nhận...

Tôi cũng dợm chân bỏ trường. Cái trào lưu thời thượng ảnh hưởng thì ít. Mà sự cô độc ở giảng đường thì lớn quá. Đôi khi ngồi dòm ra cái sân có mấy cây trứng cá, không còn thấy Lãm hay tha thẩn đi lượm trái ở đó, lòng nghe mênh mông trống vắng.

Mà ngồi đó, cũng chẳng nhặt nhạnh được gì. Bên ngòai, những đại lộ phơi phới gió cứ reo réo gọi...

Hay, cả những nỗi nhớ rừng mông muội.

Một đêm Giáng sinh, mấy thằng về Mỹ Tho. Tối đen. Nhưng vẫn thèm con thuyền. Sông Tiền sóng có duềnh lên lúc ấy không, không đứa nào biết hết. Cồn Phụng chỉ nhờ nhờ những vệt sáng. Trời se se lạnh. Chai rượu ngang và mấy miếng khô đã ướt nhẹp vì nước. Đứa nào thách đứa nào? Không nhớ. Chỉ thấy Trung nhảy vọt xuống nước mà bơi trong cái lạnh Noel. Rồi lập cập bám mạn thuyền mà leo lên, ngồi bó gói khoanh tròn như con mèo...

Chuyến giang hồ sông nước bỏ dở giữa chừng, chưa kịp cho bất kì một mệnh đề triết học nào nảy nòi trong lòng thuyền. Lên bờ thôi...

***

Rồi Trung tương tư...

Cô nữ sinh 14 tuổi trong cái hẻm có quán café mà Minh hay ngồi. Bây giờ đi ngang, toàn Tây là Tây, đen và trắng và không đen không trắng, nhưng thuở đó, nó là con phố sinh viên nghèo với những thức dinh dưỡng bình dân nhưng đủ xung năng lượng cho tuổi trẻ chúng tôi...

Cô nữ sinh ấy thường ra quán café giúp việc hoặc chơi, không để ý lắm. Vậy mà Trung tương tư. Cái tương tư không chỉ là sướt mướt thi ca và u uẩn trong con mắt, mà là thứ bệnh vô phương chữa trị. Những chiều nhạt nhòa ngồi đó, ngay cái quán đó, chỉ chờ đợi một mái tóc đuôi gà ngúng nguẩy, tay cứ bưng khư khư ly café đen và cái ánh nhìn xa xăm đến bất tận...

Một lần tôi ngồi ở đó một mình. Ông chủ quán cũng bưng ly nước ra ngồi chung mà tỉ tê: "Ai đời lại vậy. Chú về nói với bạn chú là không nên vậy...".

Tôi biết. Bạn bè tôi biết. Trung biết. Thế gian này biết. Không nên không nên không nên. Nhưng như một cú dộng của ông trời bổ xuống, lấy gì làm thước tấc, lấy gì mà đong đếm, lấy gì để bảo đảm, chuyện đó, trong một hệ quy chiếu khác, trong một trường không gian khác, là không nên?

Rồi thôi, Trung trốn trong nhà, ru rú như một con mèo. Mẹ Trung nói, làm sao để kéo Trung ra khỏi cái căn gác tối tăm đó? Trung mỗi ngày làm một bài thơ. Mỗi ngày tự đánh với mình vài bàn cờ tướng, tuyệt nhiên cắt đứt hẳn với thế giới bên ngoài.

Đi qua Đồn Đất, dòm lên chỗ Trung ở, biết, sau cái giàn hoa giấy lấm tấm đỏ và trắng đầy nắng kia, là cái gác xép tù mù tối của Trung và Trung đang ở trong đó, đang cố thở thứ không khí sặc mùi mặc cảm.

Một lần, Trung dẫn đoàn khách Phú Lang Sa lên Đà Lạt. Lo cho khách xong hết, giờ rảnh, Trung tự nhiên thả lỏng mình. Trung đi ra phía hồ Than thở rồi ngồi ở đó. Có lẽ đó là một ngày ấm. Vì Trung rồi tự nhiên cởi hết áo quần, ngồi thu lu (chao ôi, cái hình ảnh con mèo Trung thu lu trên chiếc thuyền sông Tiền năm nào, không khác). Người ta đi qua. Người ta đi lại. Là Trung, công xúc tu sĩ. Là Trung, mù màu và sống không có cái barie giới hạn mình. Công an di lý Trung về, và chỗ Trung làm sa thải... Lại thất nghiệp.

 

***

Cũng không thể nhớ ngày giờ nào Trung chui ra khỏi cái tổ kén. Một lần ngồi cùng nhau, tôi kể về Đak Nông, một thời hào khí thanh niên xung phong. Có khi, sự thêm thắt nào đó của tôi, sự điểm xuyết màu sắc, nhấn nhá đúng chỗ đã khiến Trung mở tròn con mắt. Những ngày đó, Trung đi học cắt tóc. Cái bàn tay cứ nháy mãi động tác nhắp kéo lách cách lách cách. Trung nói, sẽ mua một cái hộp bỏ đồ nghề vô để đạp xe đi rong khắp SàiGòn kiếm cơm.

Cứ hình dung vậy, nghe trong lòng quặn thắt và ủ ê đau.

Vậy mà bỏ đi mất biệt. Bức tranh Đak Nông TNXP tôi vẽ ra với quá nhiều nét hồng và đỏ khiến bước chân Trung không kìm lại được. Trung bắt xe đò lên đó. Cạy cục xin một chân giáo viên. Mà Trung biết dạy môn gì ngòai tiếng Pháp và làm thơ, những thức mà, ở nơi con người ta đang cần làm lại cuộc đời mình, hoàn toàn vô bổ.

 

III

 

Bốn năm đứa kéo nhau đi Tây Ninh. Ông già của Lãm, một chức sắc của tòa thánh Cao Đài, một trí thức cũ có cái bình an mà không dễ để tìm ra ở bất kỳ đâu. Buổi sáng, hai ông bà lên tòa thánh, để căn nhà lại cho đám tiểu yêu... Nghĩ gì, đột nhiên Lãm mang ra mấy cái áo dài và khăn đóng, bắt tất cả mặc vào, rồi bật nhạc lên để cả đám nhảy lọan cào cào, cười sặc sụa...

Một tuần ở Tây Ninh. Sáng nào cũng đi lên cái quán café đó, để dòm cái cô chạy bàn có đôi mắt rất lạ và để nghe đi nghe lại cái Sơn ca 7, mono, nhừa nhựa, giọng Khánh Ly thời măng sữa với tiếng đàn guitar thùng giản dị...

Sau này cũng tìm ra Sơn ca, nhưng không cách chi nghe được cái trong trẻo buổi sáng Tây Ninh hồi đó. Lãm hay vỗ ngực nói, nghe Sơn ca a, chỉ có quê tao mới Sơn ca được thôi... Nhưng Lãm quên, cái huyễn hoặc của Sơn ca đó không phải từ cái nắng Tây Ninh hực lên mỗi sáng, mà từ cái đôi mắt lạ lùng của em gái chạy bàn kia...

Đứa nào cũng mê. Đứa nào cũng cố tạo dáng để làm người đẹp chú ý nhưng nhát hít, tới cái tên của ẻm cũng chịu chết. Lẩn quẩn một tuần Tây Ninh, ngó người đẹp, nghe Sơn ca và chiều chiều lại ghé tòa thánh xem con mắt. Trường nói, tao biết bài đạo ca cho tòa thánh này rồi. Ba bốn đứa hỏi, Trường liếc Lãm rồi thè thẹ nói: "Còn hai con mắt khóc người một con...".

Thời đó, ra nhà sách cũ lùng mua được Triết lý với cái búa. Chao ôi, văng mạng những Nietzsche, Sartre, hiện sinh, đa đa, mãi, ông già Lãm hỏi một câu: "Là các ông ấy nói hay là mấy cháu nói đó". Im thét. Đứa nào như cũng vỡ lẽ ra điều gì đó...

 

***

Cũng không nhớ, vì sao Quang Vĩnh Khương lại chọn cái phòng của tôi mà trú. Khương chơi với đàn em là Quốc, cũng dân Bình Định văn chương, ghé kí túc rồi kết bè với tụi tôi. Lúc đó, tập thơ Tạ ơn nỗi buồn vừa xuất bản, Khương mang lên kí túc một giỏ ú nụ những thơ là thơ. Và cũng mang lên đó, một gánh u sầu...

Đói ăn. Đói thở. Đói miên viễn những thứ mà bây giờ thừa mứa ra đó. Khương bày ra đủ trò mưu sinh, mưu sinh miếng ăn, mưu sinh dưỡng khí, mưu sinh ái tình... Lớn hơn bọn tôi năm, bảy tuổi, có cái dáng tất bật và sành sỏi, nhưng nhiều đêm ngồi với nhau, Khương như đứa trẻ ngây ngô, khờ khạo đến tội nghiệp.

Mớ bản in Tạ ơn nỗi buồn ế nhệ. Vài hôm, Khương lại mang đi mươi cuốn. Đi đâu, làm gì, không bao giờ nói. Chỉ biết khi về, thể nào cũng có một ít thức nhắm giàu đạm và chai rượu. Thi thoảng là một bình beer hơi. Những lúc cao hứng như vậy, thể nào Trường cũng gào thơ Khương: "Đêm xưa có một gã khờ. Uống trăng rồi khóc trang thơ đời mình. Uống thơ rồi khóc cuộc tình. Uống tình rồi khóc một mình dưới trăng".

Khương không vui. Nhưng cứ im im vậy.

Rồi Khương ú mớ ậm ừ đâu đó với một cô, hay một bà. Chỉ thấy bảnh chọe hơn, nhưng cái ưu tư khắc khoải thì dày hơn. Khương lao đi làm bầu sô. Cũng veston trắng chĩn chện lên sân khấu lớn làm MC, tiền nhiều từng xếp. Thi thoảng mới quay lại cái phòng của tụi tôi.

Vậy mà một bữa, Khương quay lại khi trong phòng vắng tênh, tôi nằm đó, nói những gì linh tinh. Khương hỏi và tôi trả lời không ăn nhập gì hết. Khương sờ trán. Rồi thảng thốt cõng tôi từ lầu sáu xuống, lấy chiếc xe đạp, dòng dây cột tôi vào lưng, chở mải miết lên trung tâm cấp cứu SàiGòn. Cơn mê sảng lần đầu tiên trong đời, nếu chậm một chút, e là tôi không còn ngồi đây để gõ cái mớ chữ nghĩa hỗn độn này... là duyên nghiệp nào đó với Khương. hay một món nợ tiền kiếp, Khương quay về để trả cho tôi chăng?

Nói không ngoa, tôi thọ một ơn cứu mạng!

Cơn bệnh ngặt, Lãm bán đi cái cassette. Bán luôn cặp sừng bò tót (chao ôi, cái cặp sừng này không phải của Lãm, mà của một người khác nhờ Lãm mang về SaiGon bán cho được giá), bồi bổ cho tôi những sữa ông Thọ, những miếng protein, cho lại thần hồn sức vóc thằng trai đương thì...

Xuất viện về thì Khương đến chia tay.

Khương về Bình Định lấy vợ. Khương lên An Khê lập nghiệp.

Và Khương mệnh yểu. Ô hô ai tai. Ba mươi sáu tuổi, Khương về cõi, hưởng dương.

Những thằng em ngồi lại mảnh đất đô hội này, đốt một nén nhang lòng, khóc cho Khương!

 

IV

 

Thạch ra trường xong thì về Phan Rang gõ đầu trẻ. Từ đó đến nay, không gặp. Chỉ alo một lần. Như ông thầy đồ, nghe học trò Thạch kể, thầy ngồi trên phản, chế bình trà đậm kẹo, ậm ừ ngâm thơ, bình giảng, trò ngồi dưới đất, vây quanh cái phản, kê tập vở lên đó mà học...

Già ngoác rồi, nhưng vẫn cự tuyệt chuyện vợ con. Ba thằng em trai lập nghiệp ở SaiGon đều tài hoa và nổi tiếng. Có đến hai thằng là hội viên Hội chi chi đó, đi dự hội nghị cũng nổ tóe lửa các diễn đàn về viết cho ai? Viết thế nào? Hậu hiện đại và hậu hiện đậu. Tân hình thức và tân hình... cứt!

Nhà, chỉ có Thạch bình tâm và bình an, mải miết theo cái nghề của ông bà già. Bữa Tết, gởi về cho Thạch một ký trà Bắc, nhận lại một cái áo đá banh có quảng cáo trang web của hắn, cười mém té ghế. Chao ôi thầy đồ thời số hóa digital. Vô cái trang web của Thạch, mới biết Thạch vẫn hăm hở văn chương theo cách của Thạch: tổ chức những bút nhóm cho học trò và xuất bản các giai phẩm...

Cái cuộc chơi của Thạch chừng như bình dị mà an lành, không phải lo toan bươn chải và miễn nhiễm với sự đời đang hồi nóng sốt những kịch bản âm tính.

Theo Trường, cắc củm đạp xe qua ký túc của Thạch chơi. Tâm thế lúc đó là tâm thế của mấy con gà choai chuẩn bị ra sới. Có Đan Thanh, ngày đó hồi đó nức tiếng một bài thơ tình trên TTCN. Băm bổ, hăm hở và ngu si, giờ nhớ lại, như cái mặt mình lúc nào cũng đỏ ké vì xấu hổ.

Thạch đưa cả đám ra cái cánh gà của giảng đường (ôi, Vạn Hạnh một thời của tri thức và thức tỉnh), chỉ có một bình trà đậm quẹo, Đan Thanh mang một bịch kẹo nữa là đủ.

Cái cách bình an của Thạch khiến cho sới gà chọi hôm đó bỗng trở thành chuồng bồ câu lành tính. Nào mời trà. Trà như Đạo. Bình tâm mà nhấm từng hớp để nghe cái ngọt hậu và nghe bạn bè kể với nhau những buồn những vui, những nhung nhớ mơ hồ, những khát khao làm người và làm người tử tế.

Vậy đó, như một bài học bạn bè cho nhau, tôi lớn hơn Thạch một tuổi mà dòm Thạch như dòm một minh sư của sự bình yên.

Ở Phan Rang, Thạch có một vườn Đại học với hơn một trăm cây kiểng, mỗi cây là tặng phẩm của một học trò thành danh.

Ngỡ đã vui. Đã bình an. Đã trăng hoa tuyết nguyệt. Mà nào phải thế. Dạy học trò điều Thạch tâm đắc, giảng cho trò những thức thầy cảm thụ từ văn chương, xong rồi lại bảo có đi thi, các em đừng làm theo lời thầy giảng mà nên theo bài mẫu từ giáo khoa, bởi nếu làm theo thầy, trật brem là toi.

Có học trò thi ĐH được 9.5 điểm môn văn, thầy Thạch chia vui cho trò mà chia buồn với đời. Thạch nói: Chia vui vì em được điểm cao, chia buồn với đời bởi bài văn của em hơn được những bài văn khác vì một giọng điệu riêng mà may mắn gặp giám khảo là người đồng cảm.

Cái lần V và H,hai đứa em trai của Thạch "đập" nhau ở ký túc. Thạch đứng đó, lặng câm, như bất lực. Làm thằng anh trưởng lành tính quá, ú ớ trước những xung đột anh em, Thạch, hẳn cũng sẽ thế với cuộc đời, nếu không chọn nghề giáo.

 

***

Trường vô khoa toán, chẳng hiểu sao lại chơi với Thạch khoa văn. Chắc tại cả hai thằng đều dân Thuận Hải (dù bây giờ có tách ra Bình với Ninh thì cái doi nắng gió ven biển đó cũng chỉ là một vùng khí hậu và một giọng nói đặc trưng không khác).

Trường có cái tài hoa mà chỉ khi trao cho nó cây đàn guitar, người ta mới biết thế nào là nỗi buồn. Con mắt lờ đờ cá ươn, khi thăng hoa, như lên đồng với cái giọng nhựa nhựa ám thuốc lá và trà bắc. Phi mão bất thành Trường. Trường tuyên cáo vậy với bàng dân thiên hạ khi trên đầu nó lúc nào cũng chễm chệ một cái bêrê đen.

Một số phận cay nghiệt. Khi hát tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người, là khi con mắt Trường mờ đi. Mãi sau này Thạch mới nói, thằng Trường đẻ ra là không biết mặt mẹ. Mẹ nó sinh khó, đẻ được nó thì mẹ nó ra đi. Cho nên dòm cái mặt nó khó đăm đăm thì có thể giải thích được.

Ông già Trường lấy vợ khác. Mẹ ghẻ con chồng, nhiều nỗi oan khuất đã đành, lại đến cả ông thân Trường cũng không mê nó. Học lớp tám đã được chia gia tài bằng một thùng đồ nghề sửa xe đạp. Đá cá lăn dưa Phan Thiết, học nức tiếng giỏi toán nhưng cũng nức tiếng vô kỉ luật. Vô Đại học nhẹ nhàng nhưng muôn đời không ra được khỏi cổng trường đại học với tấm bằng cử nhân.

Bốn năm liền, vẫn ngồi năm nhất. Vậy là bị đuổi học! Chẳng biết về đâu thuở đó. Lên Bình Long thủ trại, lại trúng mấy trận sốt rét đành quay về phố. Ở trong phòng, anh em đói no có nhau. Rồi thôi bệnh sĩ, vác ống bơm xuống cổng ký túc, sửa xe đạp. Giá cả bao giờ cũng mềm mại hơn với các giai nhân.

Một năm, Tết...

Tôi về ăn Tết mà lòng nghe cứ khắc khoải. Rồi dối gia đình, quày quả trở lại căn phòng sinh viên, mang theo mấy đòn bánh gói sớm của nhà.

Chao ôi tội Trường. Như đã không gặp nhân loại cả trăm năm, Trường vồ lấy tôi, Trường nhìn những đòn bánh tét, mới hiểu bao lâu rồi, bao nhiêu năm rồi Trường không biết cái Tết cùng gia đình.

Chảy nước mắt với bạn.

Mà đùng một cái, Lãm từ Tây Ninh cũng bỏ nhà lên ký túc, Lãm, cũng như tôi, không nhiên chợt nhớ Trường, không biết bạn mình ăn Tết thế nào. Ba thằng, thêm Trung ở Sài Gòn nữa, đã làm ấm lên cái phòng sinh viên mùa Tết vốn bao giờ cũng lạnh.

Rồi nghe Trường nói, đêm Giao thừa một năm, Trường về, mang cái balô lẹt tẹt và một trái lựu đạn nhặt được đâu đó. Những si hận và buồn thảm với cha và dì ghẻ, khiến Trường như thế. Trường muốn nổ tung, nổ tung cả thế giới...

Mà đứng đó, đêm Giao thừa vắng hoe, dòm vô nhà thấy mấy đứa em cùng cha khác mẹ đang quây quần chờ đốt bánh pháo, cuối cùng Trường bỏ đi...

Mấy bữa trước nhớ tụi nó, tôi làm bài thơ Điểm danh

Nguyễn Văn Phụng?

- Tiên sư chúng mày, không được cộc lốc thế

Phan Đình Anh Trường?

- Có đây. Nhưng tao mắc cưới vợ

Lê Việt Trung?

- Tao đang tan...

Lê Việt Trung?

- Xin lỗi đính chính, tao đang tắm mưa

Ma Cẩm Tường Minh?

- Con hà mã cười kiểu nào?

Đoàn Quang Lãm?

- ....

Đoàn Quang Lãm?

-....

Đoàn Quang Lãm?

- Hưởng dương 36 tuổi!

 

V

 

Đêm đốt lửa trên sân thượng ký túc, một đứa lạnh lùng như Dũng lại bật khóc. Không có một lễ nhận bằng hoành tráng với áo thụng nón vuông, chỉ có mấy cái lốp xe đạp bỏ không mang lên sân thượng, bất chấp kỷ luật, đốt để cố sưởi lòng mình...

Không có đứa nào nói gì hay hứa hẹn gì sẽ gặp lại nhau. Những khuôn mặt nhờ nhờ, méo mó trong cái ánh lửa chập chờn, không đủ ấm. Khi Dũng bật khóc, một đứa nào đó đã đến ngồi bên Dũng và quàng tay qua vai nó...

Rồi, bỗng dưng mà quàng tay nhau thành một vòng tròn.

Thế là xong rồi đó. Thế là mạnh đứa nào đứa đó bay vào cái dòng chảy của những con phố rậm rực dưới kia. Cái vòng tròn đó, chỉ có một lần rồi sẽ rã ra, biến mất...

Tôi dạt qua quận Tám, cái xóm nhỏ in hình bóng dáng miền Tây với kênh rạch chằng chịt và những chiếc cầu cá dân dã. Mùa mưa về, nước nổi lềnh bềnh từng dề bèo ngan ngát. Xóm bình dị, thợ thuyền, kính trọng người có chút chữ nghĩa, cứ thấy đâu là kêu bằng thầy đó.

Thỉnh thoảng làm một cuốc xe đạp qua sân bay chơi với Lãm. Bây giờ Lãm chơi lắp ráp mô hình, thứ yêu thích của nó mà những năm tháng hàn vi chỉ có thể nuốt nước miếng nhịn thèm. Dòm Lãm rị mọ sơn phết từng bộ phận rời, hay tỉ mẩn nói về lịch sử của từng chiếc máy bay, xe tăng, tàu thủy, tự nhiên thấy lẩn thẩn quá...

Lãm điệu đàng, quàng một cái khăn fula hàn đới dày cộm trong cái nóng Sài Gòn, chịu không xiết nhưng nói cách nào cũng không nghe. Mà cũng chưa hết. Một lần Lãm rủng rẻng xu teng, dẫn tôi và Trung đến một nhà hàng Phú Lang Sa thết tiệc. Trung cứ lì lợm đôi dép lê, thiên hạ cứ dòm Trung chằm chặp. Rồi Trung phởn phơ móc trong túi ra bịch thuốc rê lá bự, nói tỉnh bơ: Lá diêu bông này.

Cái lá diêu bông của Trung khói phun sặc sụa khiến Lãm e ngại dòm quanh, mắt chừng bối rối. Thôi đi ra ngoài, kiếm một chỗ nào đó thênh thang phố rộng ngày dài mà ngồi...

Lại hồ Con rùa. Mấy trái bắp nướng, con mực khô ngọt đậm, chai beer Sài Gòn rười rượi. Ra ngoài trời đó, như là Trung, con cá được về với sông nước. Trung huyên thuyên nói, huyên thuyên kể...

Rằng bữa Trung lên Đak Nông, Trung yêu một cô. Chao ôi, lại yêu. Mà cô đó bán hoa. Mà cô đó đứng đường. Mà cô đó giờ muốn làm lại cuộc đời có được không? Mà Trung yêu, Trung thương, sao người ta cạch mặt Trung, người ta đuổi việc Trung, người ta lấy xe chở Trung về phố...

 

Trung uống tì tì. Trung nói! Trung nói. Ừ cô đó tóc dài mắt đen. Tụi bây dòm tụi bây sẽ thương. Bây giờ tao buồn. Tao buồn. Tao muốn uống hết beer, hết rượu của thành phố này, gom hết về đây!

Thần kinh mong manh. Con mắt đọng đầy khói và nước, Trung ơi Trung ơi!

Tụi bây dẫn tao lên đó, cưới cô đó cho tao đi!

Nhưng cô đó có yêu Trung không? Trung lảm nhảm đọc thơ có nỗi buồn không biết để vào đâu, đem đổi lấy niềm vui thì uổng quá...

Rồi, một lúc nào đó đãng trí, quay lại, đã thấy Trung trần truồng ngồi khoanh một góc con mèo. Dỗ mãi dỗ mãi mới chịu mặc áo quần vào, rồi dắt díu nhau về sân bay ngồi chờ mặt trời...

 

***

Bao lâu rồi những đứa đó, những đứa đã làm nên một phần tuổi trẻ của tao?

Mà rồi quên nhau. Mà rồi chạy, bơi, bươn chải, rình rập, đánh đấm, chòi đạp đủ hết. Những lần ghé nhau thưa hơn, thưa hơn. Những cuộc điện thoại vắng đi, vắng đi không vì một lý do gì hết...

Nhưng mà rồi gọi. Là Trung...

"Mày rảnh thì alo cho thằng Lãm nghe. Nó nằm ở Phạm Ngọc Thạch đó". "Sao?". "Nó bị ung thư máu rồi!".

Gọi Lãm. Vẫn cái giọng đành hanh lạc quan: "Có sao đâu. Rảnh thì ghé, tao vẫn nằm đây. Ờ, tóc tao rụng sạch rồi, nhưng không chết đâu, đừng lo!".

Lại chần chừ những việc, những vui nào đâu, không ghé. Rồi một hôm nữa, Trung gọi, chỉ để báo Trung vừa chở Lãm đi bát phố, đi qua những kỉ niệm tụi mình ngày xưa. Trung nói Lãm vui lắm...

Rồi lại một bữa, từ Hà Nội Đại gọi về, nói mày coi thằng Lãm thế nào, không nhiên nó nhắn tin vô điện thoại tao, một tin nhắn không nội dung, không một kí tự! Hoảng hồn nhấc máy gọi về nhà Lãm, nghe vợ Lãm òa khóc...

Thôi rồi. Sau Khương, là Lãm, hưởng dương ba mươi sáu tuổi!

Chảy nước mắt đây Lãm ơi!

ĐaMi - 8.08

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 20236:56 CH(Xem: 6323)
Ai cũng ghét kẻ khoe khoang và gọi kẻ ấy là hợm hĩnh khó ưa. "Khoe khoang" có gọi là "phô bày" không? Có đó, vì cả hai đều đồng nghĩa như nhau nhưng tôi thấy kẻ phô bày lại đáng thương hơn là đáng ghét đó. Có ai trong đời này mà không hề có sự phô bày cho người ta thấy chứ, ta thích được người biết cùng, khen cùng ta những điều ta có. Bây giờ có facebook thì điều này thể hiện rõ nhất qua nút chia sẻ đó.
13 Tháng Hai 20232:24 SA(Xem: 6114)
Nhớ lại những tháng năm xưa thời còn ở quê nhà. Đêm giao thừa sau khi đặt mâm cúng xong cả nhà mình đều xuất hành về hướng đông đi lễ chùa, má mặc áo dài màu nâu còn mình và bọn trẻ lại mặc đồ tây bình thường theo má. Má lạy Phật lạy hương linh ông bà chùa Long Khánh rồi sang chùa Tâm Ấn cũng như thế. Mình nhớ ngày ấy trời trong lắm lại mang hương xuân lành lạnh, đường phố sạch đẹp và đâu đó vẫn còn lác đác vài người phu quét lá bên đường còn sót lại. Mình hít hương xuân ngày đầu năm mới vào hồn với cả hân hoan.
06 Tháng Giêng 202312:51 SA(Xem: 6993)
Nhà văn Doãn Quốc Sỹ là thầy dạy tôi. Thầy sinh năm 1923, năm nay tròn 100, còn tôi sanh năm 1936, thầy hơn tôi 13 tuổi, năm nay tôi cũng đã 87. Tính ra năm thầy dậy tôi cách đây đã đến 70 năm rồi. Ở cái thời mà ai cũng gọi người dậy học là “Thầy”, dù là từ lớp vỡ lòng cho đến hết lớp trung học chứ không gọi là “Giáo sư” như những năm sau này. Mà người đi học thì gọi là “Học trò” chứ ít ai gọi là “Học sinh”. Thầy dậy tại trường Chu Văn An năm nào, thì tôi được học thầy năm đó. Tôi không còn nhớ mấy năm, nhưng đọc tiểu sử của thầy, trên mạng Wikipedia cho biết thầy chỉ dậy ở trường CVA có một năm 52-53, sau khi thầy dậy ở Nam Định một năm 51-52. Trang mạng này, có ghi thầy di cư vào Nam năm 54, đoạn sau lại ghi thầy dậy trường Trần Lục tại Saigon năm 53-60. Tôi không nghĩ rằng hai trường Công Giáo Trần Lục và Hồ Ngọc Cẩn dọn vào Saigon trước năm 54.
05 Tháng Giêng 202311:09 CH(Xem: 7078)
Võ Tòng Xuân, sinh ngày 6 tháng 9 năm 1940 (tuổi con rồng / Canh Thìn), tại làng Ba Chúc trong vùng Thất Sơn, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Xuất thân từ một gia đình nghèo với 5 anh em. Học xong trung học đệ nhất cấp, VTX lên Sài Gòn sớm, sống tự lập, vất vả vừa đi học vừa đi làm để cải thiện sinh kế gia đình và nuôi các em... Miền Nam năm 1972, đang giữa cuộc chiến tranh Bắc Nam rất khốc liệt – giữa Mùa Hè Đỏ Lửa, Đại học Cần Thơ lúc đó là đại học duy nhất ở Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), được thành lập từ 31/03/1966 thời Việt Nam Cộng Hòa đang trên đà phát triển mạnh, và đã có khóa tốt nghiệp đầu tiên ra trường (1970). Võ Tòng Xuân đã được GS Nguyễn Duy Xuân (1970-1975) – là Viện trưởng thứ hai sau GS Phạm Hoàng Hộ (1966-1970), viết thư mời ông về phụ trách khoa nông nghiệp – lúc đó trường vẫn còn là có tên là Cao Đẳng Nông nghiệp, với tư cách một chuyên gia về lúa.
11 Tháng Mười Một 202212:24 SA(Xem: 7717)
Mưa rơi trong màn hình laptop, tôi thèm nghe tiếng mưa. Đêm nay. Mưa Cali hiếm hoi, cứ như chẳng bao giờ muốn có. Nhưng dù đã cố gắng cách mấy, tôi vẫn không thể nhận ra cái rì rào ướt át, chút rét mướt của gió đêm, qua những giọt “mưa giả”, ” mưa máy móc”, “ mưa trong computer”.
01 Tháng Mười Một 202212:25 SA(Xem: 8178)
Sáng sớm, ông bác sĩ quản lý vào phòng báo tin: sau khi hội ý với các bác sĩ chuyên khoa, tất cả đồng ý để tôi xuất viện vào trưa hôm nay và một tháng sau trở lại tái khám. Thú thực, tôi mừng lắm, nghĩ mình đã được sinh ra lần thứ ba! Lần đầu, vào lúc khởi diễn cuộc Thế Chiến Thứ Hai, Mẹ sinh tôi tại một làng quê thuộc Tỉnh Hải-Dương, miền Bắc Việt-Nam; lần thứ hai cách đây bốn mươi năm, là lúc tôi được phóng thich khỏi trại tù Vĩnh-Quang, một trong những nơi giam giữ các sĩ quan miền Nam, dưới chân núi Tam-Đảo thuộc tỉnh Vĩnh-Phú, cũng tại miền Bắc Việt-Nam. Và lần này, lần thứ ba được sinh ra, là ngày tôi xuất viện, sau một thời gian trị liệu nhiều “gian khổ”, “cam go” tại một bệnh viện nổi tiếng ở Houston, Texas.
05 Tháng Mười 20225:58 CH(Xem: 3341)
Thật khó ngỡ tôi có thể sống tới tuổi 80—dù chỉ lả tuổi khai sinh. Cha mẹ cho tôi “mang tiếng khóc bưng đầu mà ra” ngày mồng 6 tháng 10 năm Nhâm Ngọ —tức 13/11/1942—tại Phụng Viện thượng, tục gọi là Me Vừng, quận Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên, sau ngày cha thoát khỏi những trại tù khổ sai của Việt Cộng, định cư tại tỉnh lỵ Hải Dương hoang tàn, đổ nát, rổi dàn xếp cho mẹ và hai anh em tôi trốn ra đoàn tụ, khi làm giấy thế vì khai sinh hai anh em tôi đều được khai sinh với năm tây lịch, và ngày tháng âm lịch. Ngày sinh trên giấy tờ trở thành 6/10/1942. Bởi thế, từ buổi di dân qua Mỹ, mỗi năm tôi có tới ba sinh nhật. 6/10, 13/11 và một ngày tây lịch nào đó tương ứng với ngày 6/10 âm lịch. Vợ tôi—người tình đầu đời từ trại Bác Ái xóm Cây Quéo, Gia Định 62 năm trước, cũng nguổn cảm hứng của những vần thơ khởi đầu văn nghiệp—thường tăng khẩu phần lương thực với lời chúc..
01 Tháng Chín 20224:56 CH(Xem: 2882)
Trong quá trình khảo sát kỹ lưỡng đó , một lần nữa , thú thực tôi chỉ có thể xếp tranh của anh vào Trường Phái Chọc Ngứa Thần Kinh Thị Giác (Itchy Poking for Optic Nerve) ! Tranh của anh quá dễ vẽ, chỉ cần cầm cọ lên rồi nhúng vào bảng mầu và quẹt tưới xượi với những nét kéo dài trên mặt vải ! Chả cần phải tĩa tót cho giống đôi mắt , cái mũi, đôi môi hay mái tóc của người mẫu, chả cần có cái nhìn phớt qua của họa sĩ ấn tượng ! Cái anh chàng họa sĩ trong hang động ngày xưa , lúc chán đời cũng có thể quẹt cọ tưng bừng như anh ấy mà ! Nhưng không, anh chàng họa sĩ hang động ấy làm việc nghiêm túc và lao động cật lực hơn anh nhiều, anh ta vẽ con bò ra con bò , con hươu ra con hươu, con ngựa ra con ngựa , con chim cú ra con chim cú ! Vì sao vậy ? Bởi vì khi anh ta cầm cọ để vẽ , trong đầu anh ta đã có một định ý ! Còn anh thì không ! Trong đầu anh không có một định ý nào cả , nên anh gọi các tác phẫm của anh là Ứng Tác , được trưng bày trong Phòng triển lãm tranh có tên là “Improvisation”
21 Tháng Bảy 202211:32 SA(Xem: 8351)
Tôi hiểu nỗi thất vọng, sự đau lòng của em sau đợt thi năng khiếu chuyên ngành đạo diễn vừa rồi; và mọi lời an ủi lúc này là vô nghĩa. Tôi chỉ có đôi dòng tâm sự may ra có thể giúp em bình thản lại, dù lúc này có thể một số người thân gia đình em đang bĩu môi: “Ai bảo cứ khích nó đi vào cái nghề "chân không tới đất cật không tới trời", mơ mộng viển vông! Kỹ sư, bác sĩ còn chẳng ăn ai, nữa là cái nghề “đào giếng” (nhại vui cách nói của người miền Trung Trung Bộ)…
06 Tháng Bảy 20225:37 CH(Xem: 7717)
Người ta nói con trai thương má, còn con gái thì thương ba nhưng tôi là con gái tôi lại thương má tôi lắm, thương tự khi tôi còn nhỏ. Má tôi là một người phụ nữ đẹp và thật nhiều cá tính rất sống động. Nghe Má kể ngày xưa bà Ngoại thuộc loại tân tiến nên Ngoại cho Dì Hai, cho Cậu và cho Má được đi học chứ không câu nệ là con gái con trai gì cả. Hồi đó Má tôi học giỏi lắm nhưng Dì mất sớm rồi Ngoại cũng đột ngột mất, Má ở với bà Cố nên không có điều kiện đi học nữa cho đến lúc lấy chồng.