Dưới chân núi Tam-Đảo có xã Đạo-Trù, huyện Lập-Thạch, tỉnh Vĩnh-Yên. Nơi đây còn có trại giam Vĩnh-Quang, một trong hàng trăm trại ở Bắc Việt đã giam cầm những người, trước 30/4/1975, phục vụ trong chính quyền Việt-Nam Cộng Hoà ở miền Nam. Trong số phạm nhân ấy có những người được gọi là "Sĩ Quan Ngụy đi tù cải tạo".
Chúng tôi được chuyển về trại giam Vĩnh-Quang vào đầu mùa thu 1978. Dạo ấy việc chuyển tù, từ trại này sang trại khác, người ta gọi là "hành quân"! Khi nghe tin mấy quân đoàn Trung Hoa áp sát biên giới phía Bắc, chúng tôi cấp tốc được rời trại T3, liên trại 4, thuộc đoàn 776, do Bộ Quốc-Phòng quản lý, để hành quân đến vị trí mới. Từ mờ sáng, trong khí lạnh và sương mù của vùng rừng núi Hoàng-Liên- Sơn, đoàn xe mô-lô-tô-va phải mở đèn, nối đuôi nhau trên đường đèo gồ ghề, chật hẹp, bỏ lại sau lưng xã Cẩm-Nhân, huyện Yên-Bình cùng với Hồ Thác-Bà có làn nước trong xanh nhìn thấu đáy. Nhớ lại ngày đầu tháng 7/1976, dưới ánh nắng gay gắt của buổi trưa hè, đoàn ca-nô đưa chúng tôi từ đập thủy điện Thác Bà (Yên- Báy) vào đây. Thoắt đã trên hai năm. Hôm nay, bỏ lại vùng rừng thiêng nước độc này, không biết nên vui hay buồn, chỉ thấy bùi ngùi thương tiếc một số người cùng cảnh ngộ, không may phải nhận nơi đây làm nơi yên nghỉ cuối cùng. Nhưng biết đâu, những người nằm trong mộ không ai chăm sóc kia, có khi lại thấy mãn nguyện và ái ngại cho chúng tôi còn tiếp tục trên đường "học tập cải tạo".
Trại giam Vĩnh-Quang, thuộc Bộ Nội-Vụ, cách thị trấn Vĩnh-Yên khoảng hơn 20km, chia ra hai trại A và B. Trại A ở phía ngoài; trại B, nơi tôi bị giam, xa hơn 5km về phía chân Tam-Đảo. Đây là nhà tù tiêu chuẩn, tường dầy 40cm, có chấn song sắt, cửa chắc chắn với 3 ổ khoá từ trên xuống dưới. Một tường gạch cao khỏi đầu người và nhiều lớp hàng rào kẽm gai bao quanh. Lại còn những vọng gác bốn phía, suốt ngày đêm có công an vũ trang canh giữ. Trong những năm đầu, ai trong chúng tôi nhắc đến tiếng "đi tù" là bị kiểm điểm và kỷ luật ngay. Từ ngày về Vĩnh-Quang này, ngay nơi cổng trại, một tấm bảng chỉ rõ "Phạm nhân báo cáo đứng cách xa 5 mét" đã xác định thân phận chúng tôi. Việc lao động ở đây khác hồi còn ở Hoàng-Liên-Sơn, không đưa ra chỉ tiêu; nhưng câu tục ngữ "nước sông công tù" cũng được áp dụng triệt để. Học tập chính trị, chỉ nghe đọc báo Nhân Dân hoặc báo Công An Nhân Dân vào buổi tối. Thỉnh thoảng, những ngày trời mưa, không lao động ngoài trại, chúng tôi phải tập họp trên hội-trường để nghe Ban Chỉ-Huy nói chuyện. Chúng tôi luôn được nhắc nhở là cứ yên tâm lo "cải tạo", đừng nghĩ đến thời gian! Chừng nào tình hình xã hội bên ngoài ổn định, sẽ được phóng thích!
Nhưng biết đến bao giờ ngoài xã hội mới ổn định? Chiến tranh giữa Trung Quốc và Việt-Nam sắp xẩy diễn, ngày về chắc còn xa lắm. Theo năm tháng, những người tù không bản án tiếp tục hao mòn và rơi rụng dần.
Trời đã trở lạnh, cái lạnh của những ngày giáp Tết. Đã bao lâu rồi, chúng tôi quên mất ý nghĩa của ngày Tết, ngày Xuân; chỉ còn nhớ một điều là Tết sẽ nghỉ lao động một ngày và . . . được ăn cơm. Ôi! Làm người mà được ăn cơm thì sướng biết bao! Nhớ thuở ấu thơ, mới ba, bốn tuổi, tôi cứ đòi cầm đũa ăn cơm. Những hạt cơm rơi vãi trên sàn nhà. Bà Nội tôi vừa lượm những hạt cơm vừa mắng yêu "Bố mày! Ăn uống thế này, mai mốt không có cơm mà ăn đâu con ạ!" ... Có một bạn tù, được tin mẹ già vừa qua đời; thường xuyên bị cơn đói hành hạ, anh chỉ cầu xin Mẹ linh thiêng, phù hộ cho anh không bị chết đói trong tù. Còn ở tù bao lâu, anh cũng chấp nhận …
Mùa Xuân, mùa của hy vọng và niềm vui sum họp, nay chỉ còn nhớ thương và thù hận. Tưởng rằng cảnh chém giết, bom đạn trong những ngày đầu Xuân đã lùi xa vào dĩ vãng, nào ngờ Tết năm ấy, Kỷ Mùi 1979, người Việt lại phải lao mình vào cuộc chiến với người "anh em" thân thiết phương Bắc năm xưa.
Như để hòa nhịp với tình hình căng thẳng chuẩn bị cho cuộc chiến, chiếc loa phóng thanh hướng vào bên trong trại giam lúc nào cũng lớn giọng cao rao, lên án Trung Hoa. Nào là chúng theo đuổi chủ nghĩa bá quyền nước lớn, tiến hành chiến tranh xâm lược, xua quân tiến công các tỉnh biên giới phía Bắc nước ta. Nào là đảng, nhà nước, nhân dân ta đẩy mạnh công tác ngoại giao, kêu gọi cộng đồng quốc-tế hỗ trợ, đồng thời điều động quân sĩ lên biên giới phía Bắc ứng chiến, vận động quần chúng chuẩn bị chống xâm lăng. Khẩu hiệu "Không được đụng đến Việt Nam" lập đi lập lại nhiều lần. Phạm nhân trong trại thường phải tập họp tại hội trường để nghe thông tin về cuộc chiến tranh chống lại bá quyền phương Bắc. Đó đây, làm sao tránh khỏi xôn xao, bàn tán. Tuyệt vọng và hy vọng. Buồn vui lẫn lộn. Phải chăng đôi khi người ta phải cổ vũ chiến tranh dù đó là điều nghịch lý và đáng hổ thẹn? Tình hữu nghị nay không còn đời đời bền vững. Môi đã hở và răng ắt phải lạnh. Có những tù nhân đề nghị tình nguyện cầm súng ra chiến trường giết giặc. Tiếc thay khi cuộc chiến tàn, vẫn chưa có ai được đưa ra mặt trận, dù chỉ làm dân công tải đạn hoặc lấp lỗ châu mai. Người ta kể rằng chiến trận chấm dứt, quân đội Trung-Hoa rút về sau khi đã phá hủy một số lớn cơ sở vật chất tại các tỉnh biên giới. Đôi lúc tôi lẩn thẩn nghĩ đến những doanh trại, nương khoai, đồi sắn do bàn tay hàng chục ngàn tù cải tạo chúng tôi đã đổ mồ hôi tạo dựng nên. Chẳng hiểu chúng có thoát khỏi "bài học" của Đặng-Tiểu-Bình trong dịp Đông-Xuân 1979?
Rồi mùa xuân binh lửa cũng qua mau. Tù nhân vẫn lao động và lao động. Một sáng, bên trong chu vi trại giam, khi được điều ra tăng cường cho toán làm chòi canh gác, không may một cây cột gỗ lớn và dài đổ nghiêng về phía tôi. Phần vì sức yếu, lại không có khoảng trống để tránh né, tôi chỉ kịp nép đầu và thân vào sát hàng rào. May quá! (không biết có phải là may?) Cột gỗ không văng vào đầu, vào thân, mà rơi mạnh trên bàn chân trái. Vết thương hở, chảy nhiều máu khiến tôi mê man và thiếp đi. Tỉnh lại, thấy mình nằm trên võng, cáng ra bệnh xá trại A. Bàn chân trái được bó kín bằng chính cái áo tôi mặc hồi sáng. Toàn thân tê dại, không còn chút năng lực.
Hai người bạn tù khiêng tôi đặt trên bực thềm bệnh xá để chờ lệnh.
- "Trời ơi! Lại làm sao thế này?" Đang mơ mơ màng màng, tôi nhận ra tiếng của Vượng - Đúng là Phạm-Đức-Vượng. Đang lao động sửa chữa nhà cửa gần đó, Vượng hốt hoảng chạy lại, ân cần hết nhìn mặt lại nhìn chân tôi. Anh lúng túng và bực tức vì không làm gì được cho tôi lúc này. Tôi và Vượng quen nhau từ xế trưa ngày 23 tháng 6 năm 1975, một ngày khó quên trong đời. Ngày ấy, theo lệnh chính quyền mới, sĩ quan chế độ cũ, cấp Đại-úy phải trình diện để đi học tập cải tạo. Thông báo còn nhấn mạnh mang theo lương thực đủ ăn trong mười ngày. Vì quá hốt hoảng và "ngây thơ" nên không hiểu rằng chúng tôi đã tự nguyện đăng-ký để đi tù không ấn định ngày về! Biết bao lần, tôi tự trách mình đã ba mươi sáu tuổi đầu còn khờ dại, không hiểu rằng ngôn từ "luật pháp" của kẻ chiến thắng có thể diễn dịch theo nhiều cách ...
Ngày đó, tình cờ xếp hàng kế bên nhau, rồi cùng tổ, cùng phòng, rồi giắt dìu nhau từ trường nữ trung học Lê-Văn-Duyệt (sau đổi là Võ-thị-Sáu, một trong nhiều địa điểm trình diện ở thành phố Saigon) lên trại Long-Giao (Long-Khánh) ở miền Nam, ra tới Hoàng-Liên-Sơn ở miền Bắc. Tuy kém tôi vài ba tuổi, Vượng khôn ngoan, hiền hòa và có sức khỏe tốt. Lại có chút vốn y khoa, nên trong chỗ riêng tư, anh thường săn sóc các bạn đồng tù, và được tiếng là mát tay.
Ngày đầu tiên ở Hoàng-Liên-Sơn, khi lao động chặt cây, một bạn tù đã vô ý làm tôi bị thương ở mắt. Vượng săn sóc cho tôi. Vừa chấm băng vào vết thương, Vượng vừa nhỏ nhẹ, "Bà cho cháu theo cậu. Bà dặn dò phải săn sóc, trông nom Cậu đàng hoàng. Cậu mà có bề gì, về Bà chửi cháu chết". Khoảng giữa năm 1977, Vượng và một số tù nhân bị chuyển trại, chẳng biết lưu lạc đến "cơ sở" nào. Hôm ấy, tình cờ gặp lại trong cảnh hoạn nạn, tôi không nén được xúc động, nước mắt cứ vô tư trào ra.
Tại bệnh xá trại giam, người tù y vụ rửa vết thương bằng nước muối rồi lấy băng vải màn quấn nhiều vòng quanh bàn chân. Máu đỏ thấm qua các lớp băng. Và phải ba, bốn ngày sau, tôi mới được chở ra bệnh viện ...
Để tôi nằm trong phòng chờ làm thủ tục, người công an vũ trang có nhiệm vụ áp giải bước ra ngoài. Lát sau trở lại với một thanh niên khoảng ngoài ba chục tuổi. Anh ta mặc áo sơ mi nâu nhạt, ngắn tay, bỏ ngoài quần. Nơi cổ áo, phía sau gáy, và hai bên mông chiếc quần ka ki màu cỏ úa có những đường chỉ mạng khác màu, khéo tay tạo thành những hình vuông xếp đều đặn, từ trong ra ngoài, như những mạng nhện. Mớ kiến thức chữ Hán lõm bõm của tôi khiến liên tưởng đến chữ "đồng", - tiểu đồng, đại đồng, đa đồng …
Tác phong nhanh nhẹn, anh ta tiến sát bên giường tôi, lên tiếng:
- "Anh cấp bậc gì?"
Tôi hơi lúng túng:
- "Báo cáo Cán Bộ, Đại Úy".
- "Tôi không phải cán bộ. Tôi là Bác sĩ Phụng, trưởng khoa chấn thương ở đây".
Một thoáng ngạc nhiên, tôi trả lời:
- "Xin lỗi bác sĩ, tôi không biết".
- "Anh đơn vị nào?" Bác sĩ Phụng hỏi tiếp.
Lấy lại bình tĩnh, một cách ngắn gọn, tôi đáp:
- "Sư 5!"
- "Anh có biết Núi Bà Đen không?"
- "Biết".
- "Đơn vị tôi chiến đấu ở đó!"
Bác sĩ Phụng gọi y tá tháo băng. Máu thấm qua nhiều lớp băng, đã ngả màu tím xẫm, kết lại khô cứng. Người y tá hình như quên tưới nước để băng mềm trước khi tháo và thản nhiên gỡ hết những lớp băng quấn quanh bàn chân. Tôi như đang bị lột da!
- "Phải hy sinh 4 ngón!" Bác sĩ Phụng nói xong, đi ra.
Lát sau người y tá mang một mẫu phiếu đến và yêu cầu tôi ký, bằng lòng hy sinh 4 ngón. Khoảng 3 giờ chiều cùng ngày, người ta đưa tôi lên phòng giải phẫu. Căn phòng một chiều khoảng 3m, một chiều khoảng 5m. Tường gạch, quét vôi trắng, trần bằng cót cũng quét vôi trắng. Người ta đặt tôi nằm trên một cái bàn gỗ ở giữa phòng, phía dưới hai ngọn đèn ống 1m20 đã bật sáng. Một cái giá cao, đặt ngay đầu bàn, treo một chai huyết thanh cỡ 1 lít với ống nhựa nhỏ để thòng xuống. Phòng chỉ có cửa ra vào, không cửa sổ. Tường bên trái, thông sang phòng kế bên là một ô chữ nhật cỡ 40x60 cm, cao ngang ngực. Tôi đoán các dụng cụ như dao, kéo v.v. sẽ đưa qua ô trống này. Người y tá lấy một thanh gỗ dẹp, rộng khoảng 10cm, dài gần hai thước, luồn vào dưới vai tôi và yêu cầu tôi dang hai tay rồi cột mỗi cổ tay vào một đầu thanh gỗ, xong, anh ta cột chặt thanh gỗ vào bàn. Người giầu tưởng tượng, hẳn liên tưởng đến cây thập tự giá để nằm giữa sàn nhà.
Chắc sắp đến giờ bác sĩ làm phẫu thuật nên y tá bắt đầu truyền huyết thanh vào mạch máu cánh tay phải. Tôi bình tĩnh chờ đợi những tiếng va chạm nhau của dụng cụ giải phẫu, mắt hướng về cái ô trống bên tường phía trái. Miên man suy nghĩ, mí mắt thấy nặng trĩu, tôi chìm thiếp vào giấc ngủ. Giật mình tỉnh lại, thấy mình đã sang phòng hồi-lực. Phòng đã lên đèn. Trời bên ngoài xẩm tối. Phản ứng đầu tiên là nhìn xuống bàn chân. Rồi lại thiếp đi vì thuốc mê trong chai huyết thanh vẫn còn tác dụng.
Thức giấc lần thứ hai giữa những tiếng ồn ào. Trời chưa sáng hẳn. Đèn trong phòng chưa tắt. Bác sĩ Phụng và người công an vũ trang đứng ngay cuối chân giường.
- "Anh Triệu!" Giọng Bác sĩ Phụng lạnh tanh. "Chúng tôi đã cố gắng nhưng không thể làm tốt hơn được. Phải tháo khớp hy sinh nửa bàn chân. Tối hôm qua, anh chửi chúng tôi! Anh bảo chúng tôi trả thù anh! Anh còn nhục mạ chúng tôi".
Quay sang người công an, bác sĩ Phụng yêu cầu anh ta lo thủ tục cho tôi xuất viện ngay sáng đó.
- "Bác sĩ!" Tôi định phân trần.
- "Anh không cần nói gì nữa. Những người nằm trong phòng này đã báo cáo hết rồi". Bác sĩ Phụng cắt ngang.
Chiếc xe tải hiệu mô-lô-tô-va và người công an vũ trang lại đưa ngược tôi trở về bệnh xá trại giam. Tất cả mọi người, từ cán-bộ y tế, tù nhân làm y vụ đến tù nhân bị bệnh ngạc nhiên thấy tôi xuất viện trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Riêng tôi, không biết trả lời sao. Lòng trùng xuống, đầu óc trống rỗng. Tinh thần và thể xác để mặc trôi bềnh bồng. Ai cũng muốn biết vết thương của tôi được chữa trị ra sao. Thực ra nhìn vết thương, chỗ tháo khớp nửa bàn chân giống một miếng thịt trâu bị cắt bằng một con dao cùn. Nếu như ở nông thôn, ngay khi bị thương, người ta nhai một nắm lá, hoặc giã nát, với một ít thuốc lào, đắp lên vết thương, quấn băng lại, chừng mươi ngày là có thể lành và cứu được bàn chân. Tôi nghĩ lại, cả thân xác này còn không cần cứu huống gì bàn chân ... Tội nghiệp Vượng! Làm tổ mộc gần đó mà cứ tìm mọi cách lén vào bệnh xá thăm tôi. Không biết Vượng xoay xở ở đâu được hơn chục viên kháng sinh "tê-tơ-ra", quý hơn cơm gạo hồi đó. Tuy ít nhưng còn hơn là chỉ ngâm nước muối ngày hai lần. Vết thương hở quá lớn, ngoài tầm tay chữa trị của một bệnh xá nhỏ trong trại giam. Tình trạng không khả quan chút nào.
Khoảng ba, bốn ngày sau, một sáng, cánh cửa lớn bệnh xá vừa mở, ánh nắng ùa tràn vào phòng. Cán bộ y tế, trung úy Kiên, đến với tin Ban Chỉ Huy trại chấp thuận đưa tôi trở ra bệnh viện vì trại giam không đủ khả năng chữa lành. Hôm ấy, cùng ra bệnh viện, có thêm Nguyễn-Đức-Châu. Không biết Châu bị bệnh gì. Người Châu mỏng như tầu lá, xanh rớt và đặc biệt nói không ra tiếng.
Chiếc mô-lô-tô-va màu lá mạ, không có bạt che phía sau, rời trại giam khoảng 9 giờ sáng. Cán bộ y-tế và công an vũ trang ngồi trên buồng lái. Tôi, Châu và một tù hình sự của miền Bắc, đi theo làm hộ lý, ngồi phía sau, cùng một số vật dụng ngổn ngang trên sàn. Chiếc xe chồm lên, chúi xuống trên đoạn đường đất lồi lõm dài gần hai chục cây số, khi thì băng qua suối cạn, lúc leo dốc qua đồi thấp. Cứ mỗi lần xe xóc, lắc lư, tôi phải nghiến chặt hai hàm răng, vã mồ hôi. Một tay bám vào thành xe, tay kia đỡ bàn chân, giơ lên cao, mặc cho thân hình đong đưa, cố giữ bàn chân bị thương không va chạm vào thành xe hoặc các vật dụng khác. Ánh mắt Châu đầy ái ngại, như muốn chia xẻ, thông cảm cái đau đớn, khó khăn của tôi. Vì phải lo chống đỡ với cơn đau, tôi không được ngắm nhìn cảnh đẹp buổi sáng đầu thu nơi miền trung du, dưới chân Tam-Đảo. Chiếc xe lại vượt thêm gần mười cây số đường nhựa rồi tiến vào thị-xã và sau cùng đậu trước cổng Bệnh Viện Nhân Dân Vĩnh Yên. Mặt trời đã đứng bóng. Người ta khiêng tôi xuống xe, đặt trên chiếc băng-ca và để ngoài hành-lang, trước cửa văn-phòng khoa chấn thương.
Trước khi vào bên trong lo thủ tục, người cán bộ y tế còn cố dặn dò, nhắc nhở tôi phải giữ lời hứa, phải thay đổi thái độ, không nên oán trách, nhục mạ các bác sĩ hay nhân viên bệnh viện để ông ta yên tâm trao đổi, can thiệp cho tôi được tiếp tục điều trị vết thương ...
Bác sĩ Phụng, hôm nay mặc áo choàng trắng của bệnh viện, bước lại gần tôi.
- "Hết chửi rồi hả?" - Giọng ông như còn trách móc, rồi tiếp: - "Cho nhập viện đi!"
Theo sau một y công hướng dẫn, viên công an vũ trang và người tù hình sự hộ lý khiêng tôi vào phòng điều trị. Phòng rộng khoảng 10m, dài khoảng 15m. Phía trước là hành lang có hai cửa ra vào. Tường phía sau có hai cửa sổ đối xứng và có chừng mươi bệnh nhân đang điều trị. Hai dãy giường bằng gỗ đơn sơ kê song song, đầu quay vào tường, chân hướng ra lối đi ở giữa phòng. Tôi nằm gần cửa sổ. Qua cửa ra vào, có thể thấy rõ mọi hoạt động ngoài hành lang. Kể từ hôm ấy, mỗi ngày y tá tiêm một mũi trụ sinh pê-ni-xi-lin vào một bắp tay bên vai và ngâm chân vào nước pha thuốc tím 2 lần. Trong vài ba ngày, tôi không thể cử động được hai cánh tay. Nhức và buốt kinh khủng. Bắp thịt hai bên vai còn nhức hơn vết thương nơi chân. Tôi muốn được uống thuốc, không muốn tiêm. Bác sĩ và y tá cho biết không có chọn lựa, trừ khi muốn tháo khớp tới mắt cá. Cơn đau nhức hành hạ khiến tôi không để ý đến những ánh mắt tò mò của bệnh nhân cùng phòng.
Khi khiêng tôi vào phòng, người y công đã thông báo cho mọi người không nên quan hệ với tôi, vì tôi là "Sĩ Quan Ngụy ở miền Nam đưa ra đây cải tạo". Bộ quần áo tôi mặc cũng đủ tách biệt tôi với mọi người. Ngày ra tới trại cải tạo miền Bắc, người ta thu gom hết quần áo cũ mang theo và cấp phát cho chúng tôi loại quân phục "rằn ri". Đây là quân phục ngụy-trang của Nhảy dù, Thủy quân lục chiến, v.v., còn dự trữ trong kho một số lượng khá lớn ở miền Nam, trước ngày tàn chiến cuộc. Lấy cấp phát cho tù thực tiện và lợi.
Tính ra, nằm viện đã hơn một tuần. Bác Trang, người tù hình sự đi theo làm hộ lý sốt sắng giúp tôi mọi việc từ giăng màn ngủ, giặt quần áo, lấy cơm, lãnh thuốc, v.v. Ngay đến việc dìu tôi đi vệ sinh, bác cũng lo giúp. Năm ấy, bác Trang khoảng ngoài năm chục tuổi, người tầm thước, khỏe mạnh. Bác quê ở Kim-Thành tỉnh Hải-Dương, đi tù với tội danh làm thất thoát tiền bạc của Hợp Tác Xã. Vì sắp mãn hạn, bác được trại tin tưởng cho làm hộ lý những tù nhân nằm viện. Mỗi khi có những cặp mắt tò mò nhìn bác dìu tôi, bác lại oang oang, "Sĩ quan miền Nam ra cải tạo đấy." Nếu còn sống, bác bây giờ cũng xấp xỉ tám mươi. Qua bác Trang, tôi biết Nguyễn-Đức-Châu, tù cải tạo ra bệnh viện cùng chuyến xe với tôi, đã vào khu lây lan. Bệnh nặng, không thuốc chữa, cuối cùng Châu được cho về gia đình lo việc mai táng.
Bệnh nhân vào chữa trị tại khoa chấn thương đủ thành phần. Họ không nằm lại lâu, khoảng một tuần hoặc mươi ngày là xuất viện. Có những em bé trên dưới mười tuổi, chăn trâu cho hợp tác xã. Con trâu lồng lên, em ngã lộn đầu xuống đất. Bất tỉnh và tắt thở khi vừa đưa tới bệnh viện. Tôi chứng kiến hai trường hợp bố mẹ hai em chăn trâu khóc lóc van xin bác sĩ cứu mạng sống con mình nhưng cuối cùng đành mang hai em về để chôn cất. Quên sao được hình ảnh bà mẹ ngồi bệt trên nền nhà, đầu gục xuống thành giường bệnh viện. Đôi vai rung rung theo nhịp tiếng nức nở, trong khi đứa con trai mươi tuổi, nằm bất động trên giường, máu rỉ ra từ lỗ tai. Tôi liên tưởng tới những người viết văn và nhà soạn nhạc từng ca ngợi chăn trâu là sướng, là thần tiên. Thực ra chỉ là những cường điệu, dối gạt trẻ thơ hay chứng hoang tưởng về một miền quê thuở thanh bình đã chìm sâu trong dĩ vãng.
Bệnh nhân giường kế bên tôi là thanh niên rất trẻ, tên Hùng. Hùng trông khỏe mạnh, tuổi chưa quá hai mươi, cao khoảng 1m70. Đặc biệt, Hùng có nụ cười tươi và hồn nhiên. Nơi bác Trang ăn ở thuộc khu khác trong bệnh viện. Bác thường nhờ Hùng để ý lo cho tôi khi bác đi chợ, giặt quần áo hoặc bận việc khác. Hùng chỉ hơn con lớn tôi chừng bốn, năm tuổi thế mà đã đi bộ đội và có tham gia trận chiến chống Trung quốc. Phục viên, làm ở đội sản xuất hợp tác xã. Hùng nhập viện sau tôi ít ngày vì xe cải tiến trên đà xuống dốc, đâm vào chân. Bị chấn thương, không nặng lắm. Buổi sáng đi khập khiễng lên phòng khám, lãnh thuốc về uống, ăn theo chế độ bệnh nhân. Một trưa, có người trẻ tuổi dìu một bệnh nhân trung niên, khoảng gần năm chục tuổi vào phòng. Hùng nhanh nhẩu, dù chân chưa khỏi hẳn cũng phụ với người thanh niên đỡ bệnh nhân mới tới, đặt trên giường gần cửa ra vào.
- "Anh nằm chỗ này thoáng! Để em đi gọi bác sĩ Phụng. Chắc không nặng đâu anh ạ! Anh nằm đây nhá!" Người thanh niên vội vã ra ngoài.
Lát sau, Bác sĩ Phụng và một y tá hối hả vào.
- "Bị sao thế Anh Tín? Tai nạn giao thông à?" Bác sĩ Phụng lên tiếng hỏi từ cửa.
- "Thằng em lái xe. Nó đâm vào gốc cây."
Người thanh niên xen vào:
- "Anh chờ xe con em lái thì đâu có xẩy ra chuyện gì."
Bác Tín kêu đau ở cổ, sau lưng và đầu gối. Bác sĩ Phụng nắn cổ, xoa lưng và quan sát đầu gối của ông, rồi thân mật nói: "Anh cứ nằm viện ít ngày hãy về."
Ngày hôm đó, cả phòng ồn ào hẳn lên. Bác Tín là cán bộ sở Giao Thông Vận Tải tỉnh. Lính của bác là tài xế, gây tai nạn. Nhân viên cùng sở, bạn bè nối đuôi nhau vào thăm. Cậu thanh niên tài xế xe con cũng đưa gia đình bác Tín vào. Một hôm, có người đến thăm, tay ôm một gói quà lớn, trịnh trọng đặt xuống giường:
- "Em nghe Thủ Trưởng nằm viện. Vừa đưa xe về đội là em đến thăm Thủ Trưởng ngay".
Qua những câu chuyện trao đổi giữa họ với nhau, bác Tín trước là sĩ quan trong quân đội nhân dân, phục viên năm 1973. Nay là cán bộ vào hàng lãnh đạo trong sở và có con trai học lái máy bay ở Liên-Sô. Nhờ sự hiện diện của bác Tín, không khí buồn tẻ của phòng bệnh bỗng sinh động, có màu sắc hơn.
Hôm sau, người ta chở vào khoa chấn thương một bệnh nhân mới tên Lộng. Bác Lộng cũng trạc tuổi bác Tín. Bác bị ngã khi lái xe gắn máy từ nhà đến cửa hàng bách hóa. Nhiều vết bầm tím và xây xát, rướm máu trên mặt, cánh tay và chân.
Bệnh viện báo tin cho cửa hàng. Chừng một tiếng đồng hồ sau, hai ba nhân viên tới, ríu rít, ân cần thăm hỏi vì bác Lộng là cửa hàng trưởng. Bác sĩ Phụng dĩ nhiên đích thân săn sóc bác Lộng và bác Tín. Dường như họ quen biết nhau đã lâu. Nghe nói bác Lộng từng là du kích thời chiến tranh Việt Pháp. Ngày nào bác sĩ Phụng cũng vào thăm hai bệnh nhân cán bộ, nằm hai bên cửa ra vào. Đôi lúc còn trao đổi với nhau về việc phân phối hàng mới nhập theo chế độ tem phiếu.
Bác Tín, bác Lộng được hưởng chế độ ăn riêng dành cho cán bộ, nhưng không ăn cơm bệnh viện. Thân nhân nấu ở nhà mang vào hàng ngày, ăn uống, chuyện trò vui vẻ. Hùng, giường cạnh tôi, bấy lâu nay cũng không thấy thân nhân vào thăm. Hùng cho biết bố mẹ ở nông thôn, đang mùa thu hoạch lúa, rất bận rộn. Tôi không khỏi chạnh lòng nghĩ về nơi xa xôi ngàn dặm phương Nam, nơi có Bố, có Mẹ, có vợ con, có các em ...
Phần cõi riêng của tôi, người công an vũ trang cứ đều đặn, ngày hai lần sáng và chiều, sắc phục nghiêm chỉnh với súng ngắn kè kè bên hông vào phòng. Anh đến gần bên giường tôi quan sát chừng một phút rồi đi ra. Bệnh viện đề nghị đưa cho tôi cặp nạng gỗ để di chuyển, giải quyết những việc cần thiết. Nằm lì một chỗ, cơ thể sẽ suy nhược và các bắp thịt không hoạt động, không có lợi cho việc chữa trị. Người công an lúc đầu không thuận. Sau có lẽ do ý kiến của trại giam nên tôi được sử dụng nạng gỗ.
Một sáng, như thường lệ, sau khi vào phòng kiểm tra, người công an vừa ra tới cửa, ngang giường bác Tín và bác Lộng, Bác Tín lên tiếng:
- "Này cậu! Chúng tớ đâu có phải là tù. Ngày nào cậu cũng mặc sắc phục công an và đeo súng vào kiểm tra. Tớ đề nghị cậu ..."
Bác Lộng thêm vào:
- "Chân tay nó thế kia, làm sao đi đâu mà trốn được."
- "Cậu làm thế coi chừng mất chính sách đấy!" Bác Tín tiếp.
Không ngờ chỉ vài câu trao đổi ấy mà từ chiều hôm đó, cậu công an vũ trang ngưng vào phòng. Sự hoài nghi của tôi về nghề nghiệp của cậu công an được giải đáp ít hôm sau. Một sáng, tình cờ nhìn ra cửa sổ phía sau dãy nhà, thấp thoáng thấy bóng dáng cậu công an mặc thường phục, đi dạo chơi qua cửa sổ.
Các bệnh nhân cùng phòng cũng bắt đầu lân la hỏi chuyện tôi. Thoạt tiên, tôi giữ thói quen "thế thủ". "Quan hệ với nhân dân" là vi phạm nội quy của trại. Nhưng khó thể quay mặt làm ngơ trước những hành động của bệnh nhân cùng phòng. Có những buổi sáng, bác Tín, bác Lộng mua tặng tôi bánh cuốn, bánh mì của những hàng rong gánh qua hành lang bệnh viện. "Chú cứ ăn đi, không sợ! Bác sĩ Phụng cũng như tớ phải giúp đỡ chú để cải tạo cho tốt chứ! Hùng, mày mang cho chú ấy". Tôi từ chối và cám ơn. Riêng thuốc lá và thuốc lào thì tôi không thể không nhận.
Bác Tín và Bác Lộng xuất viện sau gần một tuần điều trị. Bệnh nhân mới hay cũ, ai nấy nhìn tôi với ánh mắt khác thường. Nhiều người chăm sóc bệnh nhân ở khoa khác, cũng ghé lại phòng tôi để được thấy tận mắt tên "Sĩ Quan Ngụy". Những câu hỏi mồi đầu chỉ là quê quán, gia đình v.v. Rồi ngày qua ngày tôi phải kể về đủ thứ chuyện ở miền Nam. Không biết tôi kể thế nào và không nhớ đã kể những gì mà ai nấy say sưa theo dõi. Nhiều người đã ngỡ ngàng, cứ tưởng năm 1954, những chiếc tàu há mồm, chở đoàn người di cư từ Bắc vào Nam, đã đổ biết bao người xuống biển như người ta đã tuyên truyền. Và có những người nhận ra chuyện "Ngụy mổ bụng, ăn gan" là hoàn toàn bịa đặt.
Hùng có lần phát biểu: "Cháu chưa nhìn thấy thằng ngụy và không biết thằng ngụy thế nào!"
Một bệnh nhân ra chiều hiểu biết: "Rõ người đời! Chú ấy là ngụy đấy thôi!"
Hùng hình như vẫn còn lờ mờ. chưa hiểu, chỉ cười vu vơ. Đối với nó, tôi cũng giống như những bệnh nhân nghèo khổ khác, không người chăm sóc. Hùng mường tượng được gia đình và người thân của tôi ở xa lắm, chắc chắn không phải ở tỉnh Vĩnh Yên.
Một hôm Hùng hỏi: - "Chú đã báo gia đình biết chưa?"
- "Làm sao mà báo được. Chú không có tiền mua tem, mua phong bì."
- "Không bao nhiêu đâu chú ạ", Hùng sốt sắng. "Chú cứ viết thư, cháu mang gửi cho".
Qua ngày sau, Hùng lại nhắc tôi về việc viết thư báo tin về gia đình. Tôi ngần ngừ: "Chú không có giấy bút."
Ngay buổi trưa hôm đó, Hùng mang về một tờ giấy học trò, một phong bì và một cây bút bi, nói: "Ngày mai cháu xuất viện rồi. Chú viết đi. Trên đường về, tiện thể cháu bỏ thư giúp chú". Lựa lúc phòng vắng, không ai để ý, tôi "tranh thủ" hoàn tất thư trong vòng vài, ba phút. Đã suy nghĩ, tính toán trước nên đề tên người nhận là mẹ tôi. Tôi không muốn vợ tôi bỏ lũ con nheo nhóc ở nhà, rồi lặn lội đường xa hơn ngàn cây số ra đây để … thấy bàn chân. Nội dung thư ngắn gọn, giản dị, không suy diễn xuyên tạc được. Chỉ báo tin bị tai nạn lao động. Được đối xử tốt và điều trị tốt tại Bệnh viện Vĩnh Yên. Ba hoặc bốn tháng là khỏi. Gia đình yên tâm! (Lại ngôn từ lừa dối?)
Hôm sau Hùng xuất viện. Trước khi rời phòng, vẫn nụ cười tươi và hồn nhiên. Tối hôm ấy, nhìn sang giường trống kế bên, tôi nghĩ đến Hùng, nghĩ về gia đình. Tôi mang vào giấc ngủ niềm ước mơ thế hệ của Hùng, của lứa tuổi các con tôi hãy giữ được trái tim hồn nhiên của những em bé sơ sinh, chưa bị những cái ác, cái xấu làm hoen ố.
Tiết trời đã ở cuối thu. Những lúc di chuyển ngoài hành lang ngập nắng vàng dìu dịu, tôi nhớ đến một bản nhạc vào đầu thập niên 1950. Người thương binh trên đôi nạng gỗ, chân trái hơi co lên, dưới mắt một họa sĩ trường phái lập thể, là hình bìa bản nhạc "Ngày trở về". Hình dáng người thương binh ấy ám ảnh tâm trí tôi và giờ đây, nơi hành lang bệnh viện này đã biến hóa thành hiện thực.
Thời gian cứ trôi đi. Có lẽ tôi là bệnh nhân nằm ở khoa chấn thương lâu nhất và cũng là bệnh nhân đặc biệt nhất. Hùng xuất viện đã ba tuần. Tin nhà vẫn im vắng. Hình như có điều gì đó khiến tôi không an tâm. Lòng hoang mang, nghi ngờ. Không biết gia đình có nhận được hay thư thất lạc? Biết đâu chừng đây là một cách để theo dõi và tôi đã thiếu cảnh giác. Đôi lúc tôi còn tự trách tại sao hành động thiếu suy nghĩ đến thế? Dù cho Hùng có thực lòng giúp tôi, một cách vô tư, vô vị lợi, với tấm lòng của người đối với người. Nhưng nếu không may, ai đó bắt được quả tang Hùng giữ lá thư của một tù "Sĩ Quan Ngụy" thì hậu quả thực khó lường. Nhớ khi còn ở trại Long Giao trong miền Nam, tù nhân Lê-Đức-Thịnh bị đưa ra pháp trường cũng chỉ vì tội viết thư, lén nhờ người chuyển về gia đình. Phần tôi đã đành. Nhưng còn Hùng. Cho dù Hùng đã hứa không để ai biết, tôi vẫn lo lắng, đôi khi hoảng hốt, bần thần.
Nhưng rồi, ít ngày sau, một buổi trưa êm ả, người ta báo tin tôi có thân nhân đến thăm nuôi. Đôi nạng gỗ giúp tôi tiến ra hành lang, hướng về phía cổng lớn. Mẹ tôi, đã ngoài sáu mươi, hai tay xách hai giỏ cói, tất tả băng qua sân rộng của bệnh viện. Hình như nụ cười héo hắt của mẹ tôi đang gợn sóng. Ngày nào, thật xa rồi, mẹ bao lần chuẩn bị khăn tang, áo xô đi tìm xác cha miền thượng du. Và hôm nay, vẫn tấm thân còm cõi, hai giỏ quà tìm thăm con, tù dưới chân Tam-Đảo. Mắt tôi bỗng nhạt nhòa, có phải vì nắng vàng cuối thu hay vì những mạch sóng xúc động thắp hồng ngọn nến tình người. Tiếc rằng Hùng đã xuất viện và không biết giờ này đi về đâu?
Triệu Vũ.
(7 – 2008)