- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Paris Và Metro

11 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 25889)

w-final3-hopluu92-182_0_94x300_1Buổi chiều về đến nhà sau hơn hai tuần đi xa, hàng cúc sát chân bức tường đá trước thềm nhà nở vàng đẫm, thơm ngát cả buổi chiều, như có ai rót rượu cúc xuống thềm mừng người trở lại. Nhớ khi đi thược dược đang nở, cúc mới ra nụ như những khuy áo nhỏ. Bây giờ những khóm thược dược đã chín nẫu, cúi gập xuống vì giá tháng mười nhường chỗ cho hoa cúc.

Bao giờ cũng vậy, đi xa về nhìn lại căn nhà của mình sao thấy nó ấm áp, thân mật thế! Mở hai cánh cửa ra là bước vào lại cái thế giới đời thường, rất riêng tư của mình. Bao nhiêu việc sẽ phải làm sau cánh cửa! Cứ để đó, từ từ, cái âm vang của đường xa còn tung những hạt bụi lạ trong lồng ngực.

 

Những chuyến metro chật ních người suốt ngày. Thả xuống, nhận vào mỗi trạm những mầu da, ngôn ngữ, vóc dáng khác nhau. Họ hối hả chen vai, lấn chỗ, im lặng, lạnh lùng, thân thiện, cho một nụ cười lạ, một nét lạnh tanh trên mặt, nhìn nhau đăm đăm, ngoảnh mặt, dựa sát, vuốt ve, hôn nhau, tất cả đều bắt được trong cái nhịp rập rềnh, chao đảo của con tầu. Có cả tiếng đàn, tiếng hát bất chợt bước vào ở một trạm nào đó, một cái ly giấy nhầu nhĩ đưa ra xin tiền sau tiếng nhạc cuối, rồi lại biến mất ở trạm tới. Mỗi trạm metro là một bức tranh minh họa đời sống thường nhật của dân Âu Châu. Họ nôn nả vào, nôn nả ra như những con lật đật, vì metro là phương tiện di chuyển chính. Đến sở làm việc, đi khám bệnh, đi học, đi mua sắm, đi đến nơi thương lượng buôn bán, hẹn hò với tình nhân, đều bước vào sau cánh cửa toa tầu, nắm chặt lấy thanh sắt, ôm cái túi, cái cặp sát vào ngực, chăm chú đếm từng trạm tầu dừng lại, sửa sọan sẵn một chỗ đặt chân để bước ra. Một người rời ghế đứng lên, có ngay một người khác thế vào.

Metro (nhất là ở Ý)còn hay bị các họa sĩ tài tử viết (graffiti)kín cả cánh cửa, có khi xịt sơn lên, hành khách đứng ở trong không nhìn được tên trạm để xuống. Họ viết nhằng nhịt, bẩn thỉu làm xấu xí cả những toa tầu.

Du khách ở phương xa tới cũng hòa nhập vào cái dòng xuôi chảy đó. Bỗng thấy nó nên thơ vô cùng. Có lẽ vì nó lạ, nó đông đảo hơn một chuyến bus ở bên địa phương mình, vì trên metro ở Paris và ở Rome có nhiều mầu da, và nhiều tiếng nói khác nhau hơn.Tạo nên một cộng đồng đa văn hóa ngay trong lòng toa tầu. Đi chơi không phải hấp tấp đúng giờ, và tự cho mình cái thú đi lạc. Sá gì, đi quá một trạm thì quay lại. Cứ quần jeans, giầy vải, ba lô, đi cả ngày không mỏi. Lang thang xuống phố, đi thăm các nơi nổi tiếng, ngồi uống cà phê vỉa hè, gặm bánh mì jambon fromage, lại tìm xuống trạm metro, lại cầu thang cuốn lên, cầu thang cuốn xuống, hoặc bước mấy chục buớc cầu thang chân, cúi nhìn xuống lòng con đường sắt, đợi nghe tiếng bánh nghiến vọng lại, nhìn thấy con tầu lừng lững hiện ra ở đường hầm. Tầu tới, chui vào toa tầu, nắm chặt cái cột giữa toa, nghe tiếng rung chuyển của thân tầu trên đường sắt, nghe va chạm vai, hông vào những người lạ hoắc, đọc thơ Tế Hanh trong đầu:

Bánh nghiến lăn lăn quá nặng nề

Khói phì như nghẹn nỗi đau tê

Tầu bây giờ không có khói phun ra ở đầu tầu, vì metro chạy bằng điện, không còn bằng than đá như ngày xa xưa đó nữa. Chưa đọc xong bài thơ là đã đến trạm xuống, đành hấp tấp chen vai, hích khuỷu tay bước ra, để rơi lại những câu thơ xuống sàn tầu, trên vai áo những người vừa đứng cạnh. Đi lang thang tiếp tục, xem nơi này, thăm chỗ kia, ghé nhà hàng ăn chiều, vang đỏ, vang trắng mời nhau. Paris về đêm hay Rome về đêm đều đẹp và trữ tình như nhau. Cứ lang thang đường này sang đường khác, từ khu phố cổ ở Paris hay khu công trường thánh Peter ở Rome cho đến khi bốn bàn chân mỏi (thật ra chỉ có hai bàn chân nhỏ mỏi thôi, còn hai bàn chân lớn đi suốt sáng vẫn đuợc.) Đành trả lại những mối tình của các ông hoàng, bà chúa trong cung điện Versailles cho những căn buồng ngủ thêu vàng dát ngọc. Trả lại bà hoàng Cleopatra, một bà hoàng làm khuynh đảo cả hoàng triều Rome trong hai mươi năm cho Julius Caesar. Khách du lịch dắt nhau tìm xuống đuờng hầm lên metro về khách sạn.

Metro đêm tương đối vắng hơn. Giờ tan tầm đã đi qua, lên toa hầu như ai cũng có chỗ ngồi. Lúc này là lúc những cặp tình nhân tự do ngồi vào lòng nhau hay đứng ve vuốt nhau trước mặt khách đồng hành. Dưới ánh đèn sáng trưng, tầu cứ rập rềnh, môi hôn cứ gắn, bàn tay cứ đặt vào những chỗ khó đặt nhất. Không sao cả! Chỉ có du khách là trố mắt ra nhìn, còn dân địa phương thì quen lắm rồi, trên chuyến tầu khuya họ hấp tấp về nhà, nhìn làm gì cho mỏi mắt.

Một con đường sắt trăm con tầu

Mưa nắng sớm trưa hay chiều

Người nhớ người thương người yêu (Y Vân)

Xuống tầu rồi, còn ngoái đầu quay lại, nhìn con tầu mất hút trong đường hầm. Đẹp và buồn!

Mùa thu Paris chỉ se se gió. Những hàng cây không chín đỏ, vàng muồi như những thành phố ở miền Đông hay Bắc Mỹ. Lá ngô đồng (platane) ở Paris chỉ úa vàng, khô, rồi cong lại và rơi xuống. Du khách bước vào vườn Luxembourg với một chút thất vọng trong lòng. Bài văn tả cảnh lá rơi trong vườn Lục Xâm Bảo thời xa xưa sao mà đẹp thế! Bây giờ cũng mùa thu, cũng lá ngập trong vuờn nhưng sao không thấy cái rực rỡ của thu, chỉ nhìn thấy mấy chiếc ghế bỏ không, những hàng cây chết, mầy người luống tuổi ngồi uống bia trong một cái quán ở giữa vườn. Mầu nâu buồn bã của lá khô vun thành từng đống chưa kịp hốt đi, những cái thùng rác bằng những túi ni lông trong suốt máng vào một cái vòng sắt, trông thấy hết cả rác bên trong, rất thiếu thẩm mỹ.( Người bạn đi cùng cho biết để nhìn rõ những vật lạ- nếu có- của quân khủng bố) Phóng tầm mắt nhìn bao quát một vùng, lá vàng ở đây hiu hắt quá! Người vào vườn ngày cuối tuần cũng thưa thớt. Du khách đi từ gốc cây nọ sang gốc cây kia, hàng cây Hạt Dẻ (Maronnie) lá còn xanh nhưng lại héo quăn từng góc, hỏi người quét vườn thì được biết nhiều cây này đang bị bệnh, chết từ từ mà chưa kiếm ra nguyên nhân. Bỗng thấy thương và tiếc như vừa đánh mất một thiên đường trong cổ tích. Chắc từ nay hết mơ mộng về cái vườn này.

Anh nhặt cho em một chiếc lá vàng rơi trên lưng người

homeless được không?

Con thuyền đi dọc theo dòng sông Seine, cô hướng dẫn tour nói tiếng Anh bằng giọng Pháp nên nghe rất dễ thương. Trời hôm nay đẹp, ngồi trên boong lộ thiên không thấy lạnh, thuyền trôi trên sông nhưng gió không mạnh lắm. Dọc theo hai bên bờ thỉnh thoảng lại thấy những cái túi ngủ. Có cái như con sâu cuộn, tòi ra một cái đầu, có cái chùm lên một người đang ngồi co ro hút thuốc. Hình ảnh này mỗi khi Đưa nhau xuống phố hôm nay rất quen thuộc ở Mỹ.

Dòng sông Seine nổi tiếng của Pháp chẩy qua thành phố Paris là con đường giao thông chính của nước Pháp thời xa xưa, đi bateau- mouche ( gọi là thuyền ruồi, vì trên cao nhìn xuống trông giống hệt một con ruồi khổng lồ)) dọc theo sông nhìn ngắm đựợc hết những phong cảnh ngoạn mục và những di tích nổi tiếng của Paris như Tour Eiffel, Grand Palais, Concorde, Musée du Louvre, Musée d’Orsay và Notre Dame v.v. Đặc biệt là những cây cầu cũ kỹ còn lại rất nhiều bắc qua dòng sông này. Các họa sĩ danh tiếng như Pierre Renoir, Alfred Sisley, Claude Monet và Vincent Van Gogh đã đem những giá vẽ đặt dọc theo bờ sông, họ pha mầu, rửa cọ ở đây làm cho dòng sông Seine càng thơ mộng và nổi tiếng hơn. Sông Seine là linh hồn và trái tim của Paris, nơi gìn giữ những kỷ niệm tuổi trẻ của người dân Paris và là nơi du khách để lại trái tim mình.

Vì ảnh hưởng văn hóa Pháp ở Việt Nam nên người Việt dù có đến Paris lần đầu, hay đến nhiều lần đều có cảm tưởng nơi này rất thân quen với mình. Mỗi nơi ta đến hình như cái tấm ảnh trong một cuốn sách xa xưa, hay một cái tên nào đó trong ký ức lại hiện ra: Montmartre với hương cà phê, khói thuốc, ngồi xuống cho họa sĩ vỉa hè vẽ vội một tấm chân dung của khách phương xa, Quartier Latin, Quartier Sorbonne, Quartier Saint Michel là những nơi lang thang thơ mộng nổi tiếng của sinh viên, Quận 13 của người Á Châu, Panthéon hầm mộ của những vĩ nhân tổ quốc ghi ơn, nơi ta đến để đọc lại những cái tên ngày xưa đã học như Victor Hugo, Marie et Pierre Curie, Jean Moulin, Voltaire v.v hay tên tuổi một thi sĩ, họa sĩ, văn hào nào đó được đọc lại trong đầu. Nếu cứ tả hết những nơi thăm viếng thì e rằng bài viết này sẽ dài thêm mấy trang nữa.

Nhưng đến Paris mà bỏ quên Chevreuse Valley du khách sẽ thiệt thòi lắm. Chevreuse cách Paris 30 cây số về phía tây nam. Du khách sẽ thấy nhánh sông Yvette chẩy qua Saint Michel vào Chevreuse, dưới những cái cầu gạch nhỏ thật là thơ mộng. Cây cỏ mùa thu bắt đầu úa vàng hai bên, những lẵng hoa đong đưa bên thành cầu, đường làng thanh vắng, tiếng chó sủa bâng quơ, nhìn xuống bên dưới thấy có những bực gạch được xây mấp mé dòng nước , một cái bảng đề: Nơi đây ở thế kỷ 17, những người thợ thuộc da đến nhúng những tấm da sống (cowhide) trong dòng nước này. Chắc ngoài những người thợ đó du khách cũng có thể tưởng tượng thêm mấy cô thôn nữ hái nho, hái táo cũng ra đây giặt áo. Chevreuse Valley mà chung quanh nó một diện tích khoảng mười sáu, mười bẩy dặm vuông Abbaye de Port-Royal des Champs có nhiều giáo đường và tu viện đã bị vua Louis XVI ra lệnh phá hủy tất cả, giết hoặc xua đuổi những nữ tu ra ngoài đời vào năm 1711, bây giờ chỉ còn sót lại một phần rất nhỏ kiến trúc phía ngoài của Les Granges (là kho chứa cỏ, ngũ cốc) Thời đó là nông trại nuôi sống cả abbaye Port-Royal đông đúc, náo nhiệt trước khi bị hủy diệt. Hiện Les Granges dùng làm viện bảo tàng và một cái nhà vòm trước xây để nuôi chim hòa bình đưa thư gọi là dovecote cũng còn tồn tại. Du khách bước vào nhà vòm này, ngửng mặt nhìn lên tháp cao sẽ thấy những cái tổ chim còn sót lại, những con chim được nuôi để làm nhiệm vụ đưa thư hồi đó, đã bay mất hút vào vòm trời xanh biếc với những tờ thư trên mỏ. Chúng đã giao thư vào một địa chỉ mây.

Nói đến Port-Royal des Champs du khách cũng nên nhắc đến câu nói bất hủ của Blaise Pascal "Le silence éternel de ces espaces infinis m`effraie - Sự thinh lặng vĩnh hằng của không gian vô tận làm tôi sợ hãi" trong PENSÉES, một cuốn sách bạn bè in cho ông sau khi ông mất (tập hợp những đọan văn, những câu rời rạc bị gạch xóa, tẩy bỏ…của Pascal) Pascal đã một thời ẩn thân trong Port-Royal des Champs như một hermit (ẩn sĩ) thời đó hơn là tu sĩ, ông sống trong tinh thần của một Nguyễn Công Trứ -Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ-

Du khách cúi xuống thả một mảnh tim mình trên nhánh sông Yvette. Bỗng nhớ đến sông Tiền, sông Hậu ở một quê nhà xa lắc, nơi những chiếc thuyền máy chở du khách đi dọc theo bờ, ghé vào từng trạm để chứng kiến đời sống mộc mạc hiền lành của người dân quê miền Nam, nơi những em bé lên mười vừa biết trông em, vừa biết phụ giúp cha mẹ làm bất cứ việc gì để kiếm được hai bữa cơm một ngày, hai bộ quần áo một năm và có tiền đóng học phí hàng tháng.

Trôi đi! Trôi đi sông ơi!

Trần Mộng Tú

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
02 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 101422)
... N hững người mang gia cảnh như cô, và ở nước Mỹ này thì đấy là gia cảnh bình thường, họ không hay có máy điện tóan, và không luôn địa chỉ liên mạng. Hộp thư mang đầy những tin buồn từ chủ nợ, từ nhà trừng giới, tù ngục, bệnh viện tâm thần, những đứa con hoang, tòa án ly dị.
01 Tháng Mười 201112:00 SA(Xem: 95539)
M áy bay hạ cánh ở phi trường Liên Khương, trời Đà Lạt mát lạnh với buổi sáng sớm còn mờ hơi sương. Người đàn ông ngồi bên cạnh trên máy bay hẹn tôi sẽ lấy vé. Rồi anh biến mất trong dòng người. Tôi điện thoại cho Hà đến đón, xe honda 100 phân khối Hà phóng như bay trên con đường lộng gió, hai bên đồi thông bạt ngàn, hoa dã quỳ vàng rực rỡ.
22 Tháng Chín 201112:00 SA(Xem: 95113)
C ơn mưa bất chợt ập xuống phi trường vào chủ nhật của tuần lễ thứ ba trong tháng sáu. Tôi là người hành khách cuối cùng ra khỏi chuyến bay từ Paris trở về trong đêm hôm ấy. Không biết là mình đã ngủ vùi đến mấy ngày. Nhưng khi tỉnh dậy nhìn kim đồng hồ đã ba giờ sáng.
28 Tháng Tám 201112:00 SA(Xem: 93832)
Đ êm qua tôi thấy Mèo con trong giấc mơ. Vẫn nét mặt bầu bầu, vành môi cong lên cười tươi thắm. Trong mơ tôi thấy 2 đứa vẫn trẻ như một ngày năm cũ, nhưng lại có một thoáng ngại ngần, rồi Mèo con lên tiếng như giữa chúng tôi chưa hề có khoảng cách 15 năm. Mười lăm năm, mười lăm năm ấy biết bao tình[...]Chả biết là phòng hội hay phòng ăn, tôi vào lấy thức ăn như khi xưa từng lấy cho nhau.
21 Tháng Tám 201112:00 SA(Xem: 80597)
B ao nhiêu năm qua ở xứ ngưới, anh vẫn còn nhớ lại có những chiều trên đảo, anh đứng một mình trên đồi, nhìn biển rộng mênh mông, nhìn những đám mây bay lang thang trên nền trời xanh, nhìn những đám cỏ may theo gió thổi chạy vờn về cuối đảo, tự nhiên làm cho anh thấy mong nhớ một cái gì xa xôi. Mây và cỏ may thường làm gợi nhớ đến dĩ vãng...
21 Tháng Tám 201112:00 SA(Xem: 95021)
C huyện này chắc ít ai biết. Nhạc sĩ Thu Hồ ngày xưa vốn là ca sĩ. Lần đầu tiên ông xuất hiện hát ở Huế vào năm 1936, ông đã trình bày bài “La Chanson du Gondolier” và được công chúng hoan nghênh nhiệt liệt. Lúc đó tôi chưa ra đời. Nhưng bài hát anh chèo thuyền gondola thì chúng ta hầu như ai cũng biết.
17 Tháng Bảy 201112:00 SA(Xem: 93686)
T ôi điếng người sau cú phôn. Phôn của anh bạn ở Portland. Phụng dính ung thư gan! Tôi loanh quanh chẳng biết mình đang làm gì và đang muốn làm gì. Có lẽ nào! Đang khi không bỗng trời ập xuống.
04 Tháng Sáu 201112:00 SA(Xem: 108186)
L ịch sử 4000 năm đã minh chứng, ta mạnh địch lùi, ta lùi địch sẽ lấn lướt. Vậy tại sao chúng ta không biểu tình ôn hòa phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc, tai sao không rầm rộ kêu gọi cộng đồng quốc tế chú ý, đem Biển Đông ra đàm phán trước Liên Hiệp Quốc. Và quan trọng nữa, phải cho Trung Quốc biết ý chí quyết tâm giữ mỗi thước đất, mỗi thước biển của 90 triệu dân Việt. Hãy để tuổi trẻ Việt Nam nói lên tiếng nói tự trọng của một dân tộc, cho dù yếu sức cũng không đớn hèn.
15 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 84642)
... c ái bản sắc nói chung cho người Việt hải ngọai khắp nơi trong cộng đồng thế giới với biết bao dị biệt. Họ sẽ được giáo dục, có văn hóa, và có tiếng nói khác nhau. Quê hương đáng lẽ phải là những điểm chuẩn chung để mọi người còn có một cái gì để noi theo. Đó là niềm kiêu hãnh, là tình tự dân tộc, là đạo đức chính trị, là đạo đức kinh doanh, nếu chỉ thấy cái thua kém, thù hận, và ô nhiễm mọi mặt. thì có lẽ đã muộn rồi. Như đàn cá hồi khi ra biển rộng, lúc tìm đường về, nhưng cái tổ cũ đã bị phá bỏ, các kinh rạch cũ đã bị rác rưởi lấp kín, thì chắc là lại ra đi, về vùng vẫy tự do ở vùng biển rộng trời cao...
07 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 97025)
Đ ến hôm nay, ngày 6 tháng 5, bức hình nay có tên là Situation Room Photo, tự nó đã có đời sống riêng của nó, và người chụp vốn là nhiếp ảnh viên chính thức của toà Bạch Ốc, đã hẳn không còn là cha tinh thần của nó nữa. Hàng triệu người đã thấy nó, đã bị lôi cuốn, đã thích thú, đã soi bói, đã bàn luận và phân tích, cả chất vấn, và mặc sức… hoán đổi (altered, hoặc tiếng nhà nghề là photoshopped).