- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Lê Ký Thương, Khép Lại Những Hẹn Hò...

14 Tháng Ba 20258:55 CH(Xem: 2485)
LE KY THUONG 2

Họa sĩ Lê Ký Thương (1946 - 2025) bên một tác phẩm của mình

tại triển lãm Lạy Tạ (2009) – Nguồn: vnexpress.net 



TRẦN THỊ NGUYỆT MAI

Lê Ký Thương, Khép Lại Những Hẹn Hò...

 

 

Sáng sớm hôm nay, khi mở hộp thư, nhận được tin, tôi liền điện thoại cho anh Phạm Văn Nhàn, người bạn thân với anh chị Thương – Quy. Hỏi, “Anh Nhàn ơi, anh hay tin gì chưa? Anh Lê Ký Thương đã ra đi lúc 9 giờ 50 phút sáng hôm nay 14/2/2025. Cả hai anh em đều buồn. Im lặng một lúc, anh kể mới gọi thăm anh LKT cách nay mấy tuần. Chị Quy nói chuyện rồi đưa phone qua cho anh Thương, nhưng khi đó miệng anh Thương đã cứng, không nói được gì...

Nhớ anh Lê Ký Thương là nhớ tới một người rất tài hoa và rất hiền, có biệt danh là Cóc, mà lúc đầu tôi nghĩ có lẽ anh đặt vui do câu “Con Cóc là cậu Ông Trời”. Nhưng không phải vậy, mà sâu sắc hơn nhiều. “Bọn trẻ con chúng tôi ngày ấy có hôm bắt được một con cóc, cho cóc ngậm thuốc lá. Thế là cóc say thuốc, quay mòng mòng. Chúng tôi được một bữa cười thỏa thích. Ngẫm lại thấy có tội trong việc hành hạ một sinh vật. Hình ảnh ấy chẳng khác gì những kẻ thủ ác đối với con người… Năm nay tôi đã ngoài 60 mà vẫn ám ảnh đến chuyện đó. Tôi bày Họ nhà Cóc để xin được xá tội. Vả lại tôi cũng thích một câu dân gian ‘Cóc cắn ba năm trời gầm mới nhả’ – sự quyết liệt trong một hành động mà tôi luôn phải học tập…” [1]

Mở lại thư ngày cũ, tháng 4/2023, khi về Sài Gòn thăm gia đình, tôi có hẹn với anh chị LKT và những anh chị khác trong nhóm Ý Thức cùng với Hoàng Kim Oanh ở café Đường Sách. HKO đã giữ lại cho chúng tôi khoảnh khắc quý giá đó bằng những hình ảnh thật đẹp. Các anh Đỗ Hồng Ngọc, Thân Trọng Minh, Châu Văn Thuận, anh chị LKT, Hoàng Kim Oanh và tôi, như trẻ hơn. Ai có thể ngờ đây là những “cụ ông, cụ bà” trong khoảng tuổi U70 – U90, khiến tôi tự hỏi hạnh phúc có phải là liều thuốc tiên? Oanh và tôi còn có hình chụp riêng với anh chị LKT và tôi có mấy tấm đứng với anh Thương cười rất tươi nữa. Rồi tháng 9 cùng năm tôi lại về. Lần này anh Đỗ Hồng Ngọc ra mắt cuốn “Một ngày kia đến bờ” (mới lấy từ nhà in ra nên còn nóng hổi) ở quán chay Phương Mai trên đường Võ Thị Sáu (Hiền Vương cũ). Lại được dịp gặp anh chị LKT. Tôi rất cảm động khi thấy anh khá mỏi mệt do mới cùng con đi thăm sui gia ở tỉnh về, nhưng vẫn ráng đến dự để gặp bạn xa...

Năm ngoái, nghe tin anh bệnh nặng, nhưng bác sĩ cho về nhà và chị Kim Quy chăm sóc anh rất tận tình 24/7. Do đó, tháng 9/2024 khi trở lại Saigon, tôi hẹn đến thăm anh. Chị Kim Quy rất chu đáo đã mời các bạn đến chơi để cùng gặp nhau. Bữa đó có anh Vũ Trọng Quang, Hoàng Kim Oanh và những ai nữa tôi không nhớ rõ. May sao anh Thương khỏe hơn, rất tỉnh và vui, còn đùa với các bạn là chị Quy chỉ đứng thứ nhì, còn hạng nhất thì anh không chịu tiết lộ. Tuy nhiên, ai cũng thấu hiểu trong “tim đen” của anh, chị Quy luôn là số 1. Chẳng thế mà năm xưa anh cầu hôn cùng chị, cô giáo dạy Sử cấp 3 người Huế, bằng bài thơ:

ANH MONG

Anh mong trong mái nhà này

Cùng em san sẻ đắng cay ngọt bùi

Con mèo khe khẽ ngoắt đuôi

Vờn qua những quyển sách đời anh mê

Và tình bạn suốt bốn mùa

Thiếu bao thứ ấy hóa thừa đời anh.

(Lê Ký Thương phỏng dịch từ nguyên tác Le Chat của Guillaume Apollinaire)

Và càng xác tín sau này: “Anh đã chọn con đường gian khổ/ Đâu bằng em chọn anh san sẻ cuộc đời/ Những đêm trắng, trắng trang giấy trắng/ Anh hiểu rằng: Em can đảm lắm, em ơi”.

Lê Ký Thương sinh năm 1946, quê quán làng Vĩnh Điềm Thượng, quận Vĩnh Xương, nay thuộc TP Nha Trang (cách Thành – Diên Khánh 6 cây số). Trong một lần trò chuyện với “người nhà quê già” Hai Trầu Lương Thư Trung, LKT cho biết đã “coi văn chương và nghệ thuật là NGHIỆP. Đã mang lấy nghiệp vào thân. Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa (ND). Và mê vẽ trước khi biết tập tễnh làm thơ.” [2] Anh chia sẻ với nhà thơ Phan Vũ về thuở ban đầu đến với hội họa do cha là một nhà nho, chữ đẹp. Nên khi có người nhờ cha viết sớ thì anh phải mài thỏi mực to và cứng cả tiếng đồng hồ rất mỏi tay và chán nản, bù lại được xem cha “múa bút và rất thích thú với đường nét bay lượn của những con chữ. Ý thức về hội họa có lẽ bắt nguồn từ những giờ phút mệt mỏi và thú vị ấy…” [1]  Lê Ký Thương có tranh trong các bộ sưu tập cá nhân ở các nước: Mỹ, Pháp, Thụy Sĩ, Hàn Quốc, Hong Kong, Singapore”. [2] Đã tham gia nhiều cuộc triển lãm. Có thể kể: triển lãm tranh sơn dầu tại Trung Tâm Văn Hóa Pháp – Đà Lạt (1974). Sau 1975 là những cuộc triển lãm tại phòng tranh Tự Do (Sài Gòn), chung với Thân Trọng Minh (1998); triển lãm cá nhân loạt tranh sơn dầu “Ký Ức Tuổi Thơ” (?), triển lãm tranh và tượng gốm “Họ nhà Cóc” (2007), triển lãm loạt tranh “Lạy tạ” (2009). Đó cũng là lần triển lãm cuối cùng của anh, do năm 2010 bị tai biến, tưởng không qua khỏi. May mắn thay, anh tâm sự, “sau 21 ngày nằm điều trị tại BV 115 SG, tôi hồi phục một cách thần kỳ. Từ đó, tôi bị yếu cơ tay mặt, chỉ sử dụng tay trái gõ bàn phím, điều khiển chuột hay cầm cọ vẽ trên khổ giấy A4 tối đa.” [2]

Tác phẩm thơ: Bếp lửa còn thơm mùi bã mía, Ý Thức 1974 (phổ biến hạn chế, in những bài thơ đã đăng trên tạp chí Đất Nước, Đối Diện, Ý Thức); Trò chơi Trời cho: Hành Trình Nghiệp Thơ (Bản Thảo 2018); Góp Nắng Cho Cây, (dành cho lứa tuổi Nhi đồng 6 – 11, Nhà xb Kim Đồng 2023).

 Về dịch thuật, Lê Ký Thương đã chuyển ngữ ba tác phẩm lớn: Một nỗi đau riêng dịch từ bản tiếng Anh tiểu thuyết của nhà văn Nhật Bản Kenzaburō Ōe, Nobel Văn chương 1994 (Nxb. Văn Nghệ, 1997); Phù thủy xứ Oz được dịch từ nguyên tác The Marvellous Land of Oz của nhà văn Mỹ L. Frank Baum (Nxb. Văn Nghệ, 1997) và Tchékhov – cuộc đời và tác phẩm dịch từ bản tiếng Pháp của Sophie Laffitte (Nxb. Thời Đại, 2009). Và bốn truyện thiếu nhi: Phép mầu – Mary Kay Roth, Con bướm cuối cùng – Michael Welzenbach, Kỷ niệm ngày mãn trường – Shirley Lord Bachelder, Nàng tiên cá – Selma  Lagerlöf.

Bên cạnh đó, anh có nhiều tạp văn và ký đi trên trang mạng Văn Chương Việt rất hay: Bài chòi quê ngoại, Bánh căn trên phố Saigon, Cơm cháy nồi đồng, Cơm mo cau giữa lòng thành phố, Dấu ấn từ một dòng sông, Hồn sách cũ, Hương vạn thọ, Lộc đầu năm, Như đường mía lau, Những người thiện tâm...

Chưa kể những tác phẩm còn trong dạng bản thảo dành cho những người thân trong gia đình và bạn thân:

– Nobel Văn chương Thế kỷ 20 (1901 – 2000) biên dịch theo tài liệu của Viện Hàn lâm Thụy Điển, S. 2004.

– 14 Họa sĩ Mỹ tiêu biểu (từ Gilert Stuart đến Jackson Pollock), S. 2004.

– Hành trình Nghiệp Vẽ – S.  2014

– Hành trình Nghiệp Văn [2]

Anh Hai Trầu chia sẻ, “Đọc hồi ức của Lê Ký Thương tôi dễ hòa nhập vào những trang đời mà tác giả đã từng trải… Chính cái “đức thành thật”, óc quan sát tỉ mỉ, với cách dùng chữ giản dị mà tinh xác và thuật miêu tả vừa phải mà tự nhiên trong những trang hồi ức của LKT, tác giả đã làm cho tôi thích thú và cảm động” [2]. Còn đối với nhà phê bình văn học Nguyễn Thị Tịnh Thy, “Chiêm ngắm chân dung Lê Ký Thương qua văn chương, tôi thật sự có ấn tượng với hình ảnh chàng trai tuổi đôi mươi trong một thời với Ý Thức và hình ảnh của “lão ngoan đồng” thích chơi với trẻ con trong độ bạc đầu. Tuổi thanh niên sôi nổi, dũng cảm chống chiến tranh, bất công, bạo quyền; tuổi lão niên đằm thắm, hiền lành góp từng tiếng lòng phụng sự lứa măng non. Vậy thì, xin mượn hai câu thơ của văn hào Lỗ Tấn để phác thảo chân dung văn học của Lê Ký Thương: “Trợn mắt coi khinh nghìn lực sĩ/ Cúi đầu làm ngựa các nhi đồng”. Trợn mắt hay cúi đầu đều là sự lựa chọn thái độ sống dấn thân, hết mình rất đáng trân trọng. Thái độ đó đã được lưu giữ trong hành trình sáng tác lắm chông gai, nhọc nhằn của đời “phu chữ” được Lê Ký Thương kín đáo gửi gắm trong bài thơ Nợ văn chương như sau:

“Suốt một đời

Tường dính mồ hôi

đậm dấu lưng người – máu rỉ

Nhòe mặt chữ

Tình bằng duyên nợ cái văn chương!” [3].


LE KY THUONG

Lê Ký Thương
do Đỗ Hồng Ngọc vẽ.

02.08.2003



Họa sĩ, nhà thơ, nhà văn, dịch giả Lê Ký Thương cuối cùng đã chọn ngày Lễ Tình Nhân để “dừng bước giang hồ”. Thôi thì, “Những hẹn hò từ nay khép lại. Thân nhẹ nhàng như mây...” [4]. Anh thanh thản giã từ cõi tạm ở tuổi 80, để lại tiếc thương cho những người ở lại cùng bài thơ MƠ HOÀI NHỮNG GIẤC MƠ… ngọt ngào thấm đẫm thương yêu:

1.- Tháng mười, tiếng ễnh ương giục người gặt lúa. Cha lót ổ bên bụi chuối sau hè cho mẹ nằm. Con từ nơi đó sinh ra. Hương bưởi trong vườn phảng phất lưỡi dao tre. Bà mụ già run tay cắt rún. Giọt máu đầu đời con thấm sâu lòng đất ẩm. Biến thành những giấc mơ.

2.- Con lớn lên bằng nước cơm sôi và sữa mẹ thất thường. Ngày thôi nôi con cha mẹ nguyện cầu tám hướng bốn phương. Xin Ơn Trên cho con chọn một nghề nhàn hạ. Chiếc nia bày những mẫu vật tượng trưng. Con toét miệng cười sung sướng, giơ bàn tay nhỏ bé chụp vội nắm xôi. Nắm xôi tròn ôm trọn những giấc mơ con.

3.- Con thích rong chơi với những bạn chăn bò. Vô núi bẫy chim, ra đồng bắt dế. Chơi những trò chơi trời cho dân dã. Có lần con được làm vua. Ngồi trên chiếc ngai vàng làm bằng đôi cánh tay của hai “đô lực sĩ”. Nhưng con không mơ mình là thiên tử. Con chỉ mơ luôn là “hoàng tử bé” của người lớn thôi.

4.- Hoàng tử bé thì rất thảnh thơi. Khi chán học i tờ hay đồ tô theo nét chữ (bài học vỡ lòng Cha dạy với hy vọng con mình lớn lên thành thầy thông thầy ký), con chạy ra đường ngồi trên trụ cây số trước nhà. Ngóng chờ cha mẹ cày thuê gặt mướn đồng xa mau về. Thương cha mẹ con mơ mình thành họa sĩ.

5.- Con thả giấc mơ lên bất cứ nơi nào có thể được. Với cục than trên tay, con biến mái nhà tranh thành tòa lâu đài, bữa cơm độn bắp khoai thành cao lương mỹ vị, chiếc áo lành cho Cha, chiếc nón mới cho Mẹ, tán đường cho các em, những giọt nước miếng thèm thuồng thành những que kem… Con sung sướng thấy mình là ông Tiên… trong mơ.

6.- Con vẽ hoài, vẽ hoài những giấc mơ. Những giấc mơ không xa đời thực. Đầu đã bạc nhưng những giấc mơ của con chưa hề thành hiện thực. Nên con cứ mơ hoài mơ hoài những giấc mơ… (LKT)

 

Trần Thị Nguyệt Mai

Valentine’s Day 2025

 

Tham khảo:

(1)   Lê Ký Thương – Tranh và Cóc

https://tranthinguyetmai.wordpress.com/2018/07/09/le-ky-thuong-tranh-va-coc/

(2)   Trò chuyện với nhà văn Lê Ký Thương

https://tranthinguyetmai.wordpress.com/2021/06/22/tro-chuyen-voi-nha-van-le-ky-thuong/#more-39037

(3)   Lê Ký Thương: “Tình bằng duyên nợ cái văn chương!”

https://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/l-k-thuong-tnh-bang-duyn-no-ci-van-chuong/

(4)   Lời bài hát Như một lời chia tay – Trịnh Công Sơn.

 

---

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
16 Tháng Tư 20253:38 CH(Xem: 464)
Tuổi đã về chiều. Cải tuổi dần hiểu đời sâu đậm hơn trong tháng ngày còn lại bên đời, để biết mình không còn trẻ nữa và thời gian ngắn dần lại. / Năm ngày trước. Buổi sáng thức dậy tôi bỗng bị choáng váng cả đầu. Có lẽ là do huyết áp tăng sao?/ Tôi cố nhớ, mình đã không ăn thức ăn nhiều đạm và nước chấm mặn quá thì không thể do huyết áp. / Nhưng tôi cũng uống một viên huyết áp, cộng một viên trợ tim, rồi cho rằng mình ổn nên đi ra đường cùng con cháu. Khi về nhà tôi nấu cơm cho các cháu, tôi giặt và phơi đồ rồi lau nhà và bưng chậu, đem hoa đi phơi, đi tưới. Tôi nghĩ chắc sẽ không sao đâu! / Cho đến khi tôi thắp hương lạy Phật thì đầu óc bỗng quay cuồng và tôi té xuống dưới đất bất lực không ngẩng lên được, phải điện thoại cho con gái về. Và nó đưa tôi đi bịnh viện.
15 Tháng Tư 202511:27 CH(Xem: 512)
Tôi đã trở lại Mỹ vừa tròn một tháng, sau chuyến về thăm quê hương dài ngày. Cưỡi mây lướt gió, tổng cộng hơn 20 tiếng đồng hồ, suốt chặng đường dài nửa vòng trái đất, chỉ một lần chuyển máy bay ở Đài-Bắc, Đài-Loan. Với tuổi đời khá cao, giờ giấc khác biệt, nên tôi cần một thời gian điều chỉnh để sống lại đời bình thường. Quê hương tuy xa rồi nhưng vẫn còn đó. Những ghi nhận, những suy tư, cảm xúc; những tao ngộ khó quên; những ước mong đã thành hiện thực; vẫn còn đây, còn trong trí tưởng, chưa phai mờ. Lòng tôi chất đầy luyến lưu thương nhớ khi rời xa và hòa quyện với những niềm vui khó tả. Đôi lúc tôi tự trách: đã một tháng trôi qua mà đầu óc còn mơ mơ màng màng, mgười bồng bềnh như đi trên mây, ngẩn ngơ ngơ ngẩn; đáng tiếc nhất là chưa ghi lại một dòng chữ nào, chưa đem tâm tình trải dài trên trang giấy.
25 Tháng Ba 20252:10 CH(Xem: 2136)
Chúng tôi định đứng nói chuyện lâu hơn, nhưng bị mấy người dưới ghe to tiếng gọi. Chúng tôi chia tay, tôi nghe thấy người bạn trong bộ áo choàng linh mục bên cạnh bình thản nói với tôi: “Nếu mày còn ở vùng này, nhớ đến thăm tao”. Tôi bỗng thấy cả một thời trung học quay trở lại, tôi rưng rưng ôm lấy hắn và buột miệng: “Cha ơi là Cha”. Lúc ghe đã xa bờ, tôi cố nhìn lại, thấy hắn trong chiếc áo choàng đen vẫn còn đứng như in hình trong bóng trời chiều cho đến khi chiếc ghe rẽ quặt sang một hướng khác.
25 Tháng Hai 20253:15 SA(Xem: 3491)
Hai chục năm qua, những lúc không làm phim, Tuấn cận tôi thường “ngứa tay” viết nhật ký, tản văn, tạp bút, tùy bút – mà động lực chính yếu là cần trò chuyện với đứa con gái đầu lòng từ lúc sinh ra đến khi bước vào đời sinh viên, để nó sẽ có điều kiện hiểu thêm về thời nó đã sinh ra, lớn lên, và trưởng thành như một Công dân xứ Đông Lào đầy ngổn ngang; đồng thời cảm thông với ông bố vào tuổi làm lễ “Khao” cổ truyền mà suốt ngày lầm lụi viết thuê, làm các loại phim thượng vàng hạ cám để nuôi sống một gia đình nhỏ và mong nói được điều gì đó với Cuộc đời – điều mong mỏi nhỏ nhoi vô hại nhưng khiến nó từng hờn dỗi phát khóc: “Bố thôi kiểu “phản biện” ấy đi, tránh “mồm chó vó ngựa” cho con nhờ, con được yên thân học hết đại học và kiếm được cái nghề…” Tôi buộc phải nghe lời, chỉ vì thương nó, nếu lỡ bị liên lụy bởi dính phải cái tội “yêu thư yêu ngôn” do ông bố dở hơi từ thời ngây dại trót ảnh hưởng cái ý tưởng cao siêu “Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ”, thì tôi thực có tội và đáng ân hận
17 Tháng Hai 202512:12 SA(Xem: 3590)
Mấy hôm rày tôi không hát "ầu ơ ví dầu..." để ru cháu ngủ mà lại hay hát cái bài "Đón Xuân Này Tôi Nhớ Xuân Xưa". Cái thằng cu Ben em cu Tèo nghe êm tai mà "phê" vào giấc ngủ bình yên. Có lẽ do "ruột gan" của Ngoại nó có gởi qua đó để hát mà lị!
13 Tháng Hai 20258:11 CH(Xem: 3698)
Tuổi yêu đương ngọt ngào thì mình đã qua rồi! Có thả hồn về dĩ vãng với một thời tuổi trẻ mình vẫn nhả ra thơ tình tha thiết đắm say không khác kẻ đang yêu đâu! Thật đấy! Văn nghệ sĩ mà! Lùi về dĩ vãng, hiện tại hay tương lai, nhập vai, hóa thân có thể đưa mình về thuở xuân xanh 18, hay bất kỳ đoạn đời nào. Trí tưởng tượng có thể đưa người sáng tác đi bất cứ đâu mà họ muốn.
03 Tháng Hai 20255:45 CH(Xem: 3788)
Lâu lắm rồi tôi không còn nghe được tiếng chuông chùa ngân lên mỗi buổi sáng thật sớm trong màn đêm còn dày đặc khi thành phố còn ngủ yên. Tiếng chuông ngân hiền hòa lắng lại không xôn xao lay động bởi những muộn phiền sót lại trong ngày. Ai trong đời lớn lên mà không có nỗi buồn vấn vương trong sâu thẳm, tôi cũng buồn cũng lẩn thẩn với vô vàn những khắc khoải riêng tư. Nhưng tiếng chuông chùa thanh thoát là cái nét, cái hồn quê hương cho tôi cảm nhận sự an bình.
03 Tháng Hai 20254:56 CH(Xem: 4093)
Nhớ lại 50 năm trước, một điều dĩ nhiên là thế giới không phải như ngày hôm nay, nước Mỹ không phải như ngày hôm nay và người Việt ở Mỹ hay ở khắp các nơi cũng không hẳn là người Việt ngày hôm nay. Trong thời gian ấy, ít nhất hai thế hệ mới đã ra đời./ Nhớ lại 50 năm trước, đêm cuối cùng, một phép lạ đã đưa chúng tôi lọt được vào quân cảng Saigon và trèo lên được chiếc chiến hạm cuối cùng đang nằm ụ, bỏ nước ra đi. Những ngày dài chen chúc nhau trong một con tầu chết máy trôi trên biển mãi mới đến được đảo Guam. Những ngày lang bạt, tất tưởi rời trại này qua trại khác, cuối cùng được đưa vào vào đất liền, và tạm trú tại Camp Pendleton trại Thủy Quân Lục Chiến miền Nam Cali. Trại trải dài hàng cây số, với hàng trăm căn lều vải đón nhận hàng trăm ngàn người tị nạn.
03 Tháng Hai 20252:18 CH(Xem: 4726)
Tấm hình ai đó chụp nhà văn Vũ Thư Hiên trở về Tổ quốc mình ôm bó hoa với nụ cười sáng rực trước Tết Dân tộc khiến không ít người dù đang lo âu, buồn bã bởi gia cảnh & thế sự cũng chợt cảm thấy lòng được ấm áp đôi chút… Người sở hữu nụ cười quý giá và hiếm hoi ấy là người từng trải qua bao giông tố của số phận, đã tiếp nối một cách xót xa dòng văn “lưu vong” bắt đầu từ cụ Hồ Nguyên Trừng với “giấc mộng của ông già nước Nam” (Nam ông mộng lục) nhiều thế kỷ trước…
27 Tháng Giêng 20253:02 SA(Xem: 4615)
"Thời gian tựa bóng chim câu. Nó đi đi mãi không chờ đợi ai..." Bây giờ là những ngày cuối cùng của năm. Tôi chuẩn bị đón năm mới tại Sài Gòn thành phố mới của con và cháu Ngoại.