- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

CHIẾC VÒNG MÃ NÃO

31 Tháng Tám 202410:09 CH(Xem: 1691)



kinh-nghiem-chon-vong-tay-da-ma-nao-chuan-hinh1
Vòng tay mã não là sản phẩm trang sức từ đá tự nhiên - ảnh Internet


Thái Thanh

CHIẾC VÒNG MÃ NÃO


Tôi bán đồ trang sức si mạ ở chợ lớn QuI Nhơn gồm kẹp tóc, nơ cài và cả vòng đeo tay cho con gái. Có một thời tôi bán rất đắt hàng kể cả bán sỉ và lẻ.

Trong chợ có một chị làm công cho các quầy hàng bún phở. Chi tên Xíu, chuyên đi bưng bê các tô bún, tô cháo, hoặc là trà đá chanh, sinh tố cho bạn hàng buôn bán trong chợ. Ngày nào chị cũng ngang qua hàng của tôi mà ngắm nhin. Một buổi chiều sau khi xong việc, chị dừng lại hàng tôi và chỉ chiếc vòng mã não Mỹ mà tôi chưng bày trong tủ kính ( hồi thời đó vòng mã não rất quý).

-Bao nhiêu cái vòng này?
-Sáu ngàn đó chị!

Chị cười bẽn lẽn rồi đi. Và cứ thế ngày nào chị cũng đến chỉ để dòm. Chân chị bị quỷnh, miêng răng vàng đục, cái mặt méo mó đen đúa xấu xí. Tôi nghĩ có lẽ chị mua về làm quà cho ai đó. Tôi lại chạnh lòng khi nhớ chuyện của mình. Năm con gái tôi tròn 5 tuổi nó mơ ước có được một con búp bê để chơi mà không dám vòi vĩnh mẹ, ngày nào nó cũng lên phòng mợ ( chị dâu tôi) để được chơi cùng con búp bê của hai đứa con gái của mợ. Đó là thời bao cấp đồ chơi không bán nhiều ở bên ngoài. Trong các quầy hàng mậu dịch của nhà nước bán ở chợ bên dãy Phan bội Châu chỉ có bày bán vài con búp bê trong tủ kính. Mỗi lần tôi dắt cháu đi ngang qua nó đều ngoái cổ quay nhìn con búp bê trong tủ. Tôi tất bật buôn bán nuôi con, tiền bạc còn rất khó khăn, nên cũng như chị này cứ hỏi giá rồi lại không mua vì chưa đủ tiền. Cho đến một ngày tôi gom đủ được tiền, tôi chạy đến quầy hàng bách hóa trong chợ nhưng con búp bê đã bị bán mất. Tôi đứng ngẩn ngơ tiếc rẻ. Thấy vậy chị bán hàng đưa ra con búp bê còn sót lại nhưng nó bị trầy trụa làm nám mặt, lem luốc xấu xí. Các quày khác cũng không ai còn hàng bán. Thời bao cấp hàng hiếm, cho trẻ chơi búp bê là đồ xa xỉ. Tôi mua con búp bê đó với giá rẻ hơn, mặc dù nó cũng nhắm mắt mở mắt như búp bê trước nhưng con gái tôi nó buồn xo ... nó vốn kỹ tính ngay từ lúc nhỏ ... vì món quà mua về không đúng ý nó.

Nhìn cái dáng chị Xíu xiêu vẹo quay đi. Tôi chạnh lòng. Sao mình không bán rẻ cho chị một chiếc nhỉ. Như vậy con chị nó sẽ mừng đến bực nào. Nghĩ như thế nên lần sau chị lại đến nữa. Tôi ngõ lời mời.

-Mua đi chị em bán rẻ cho!
-Rẻ là bao nhiêu ?
-Năm ngàn thôi!
-Ừ dẫy thì bán cho tao cái phía trong này nè.

Sau khi chọn lựa chiếc ưng ý, chị chìa tay ra.

-Đeo dô tay tao đi.
-Ủa, chớ hổng phải mua cho con chị à?
-Chồng đâu có đâu, mà có con!

À, thì ra chị này không có chồng con. Thôi thì cứ bán cho chị đi. Phụ nữ mà. Ai lại chẳng muốn làm đẹp. Tôi đeo chiếc vòng vào cái tay đen đúa của chị. Thời đó tôi đeo vòng giỏi lắm, khách tới mua vòng tôi đều đeo trót lọt vào tay họ. Nhưng lần này thì không được. Tay chị Xíu to mà cứng ngắc hà. Khi lắc vòng gần vào chị lại lấy gân làm chiếc vòng "bụp" một phát vỡ ra ngay. Như những người khách khác thì họ nhân nhượng chịu một nửa tiền nhưng với chị thì chắc chắn là không như vậy được. Tôi lại phải cho chị chọn chiếc khác.

Sau khi đeo chiếc mới trót lọt vào tay. Chị móc hết túi ra và đưa cho tôi chỉ 3 ngàn.

-Năm ngàn mà!
-Có ba ngàn, còn nhiêu nữa bán nợ đi.

Thế rồi chị ngoe nguẩy bỏ đi. Sau đó hàng ngày chị vẫn đi bưng bê, vẫn còn đeo chiếc vòng mã não trên tay ngang qua hàng tôi nhưng không hề trả nợ. Kỳ đó tôi lỗ mất 9 ngàn đồng. Tôi ghét chị!

Một buổi chiều chạng vạng tối tôi đi thăm mộ về trễ. Đường vắng chỉ vài chiếc xe máy chạy qua. Chợt từ xa tôi thấy một người phụ nữ ngồi ở ngoài đường đang dơ tay quắc người đi xe máy  "Cho tui quá giang với!". Nhưng hết người này sang người khác mà không ai dừng lại. Tôi nhận ra ngay người đó chính là chị. Thấy tôi chị mừng rỡ vẫy tay lia lịa "làm ơn cho tui đi dới!". Tôi ghét chị vì hôm đó sao chị không nói trước cho tôi chị chỉ có 3 ngàn. Tôi ghét chị vì chị thấy rõ tôi đeo cho chị đã vỡ mất vòng, tôi đã chịu lỗ mà chị lại quỵt tiền của tôi. Thà chị nói một tiếng cho tôi nhẹ lòng chứ...
Tôi đạp xe đạp chạy vụt qua. Nhưng đôi mắt van lơn của chị " làm ơn... làm ơn". Tôi lại áy náy không đành lòng. Cuối cùng tôi quay xe lại. Chị mừng rỡ đứng lên, lúc này tôi mới thấy chân chị bê bết máu.

- Chị sao dậy?
-Bị cái thằng quỷ kia tông dăng ( văng) dô đây nó chạy mất rầu! (rồi)!
- Giờ đi đâu?
-Dìa chợ đi!

Tôi im lặng khom lưng mà đạp. Không thèm nói chuyện với chị. Đến nơi tôi bỏ chị xuống rồi đi về nhà. Trong lòng tôi dù vẫn còn giận chị nhưng lại thấy nhẹ lòng vì không nỡ bỏ chị bên đường đó.

Mấy năm sau. Tôi hầu như quên mất chị dù chị vẫn còn bưng bê ở chợ Qui Nhơn. Một đêm kia, má tôi bị đau bụng dữ dội. Má lại bi tăng huyết áp cao. Tôi liên lạc với bác sĩ thường điều trị má mời ông đến nhà nhưng ông chỉ hướng dẫn cách xử lý tình huống và bảo chở vào bệnh viện ngay.Tôi đã nhét viên thuốc dưới lưỡi của má rồi đi kêu xe. Buổi tối không có xe thồ mà thời đó không có tắc xi, lại không nhờ được ai quanh xóm vì họ đã đóng cửa ngủ. Nhà đơn chiếc chỉ có hai má con tôi. Má tôi nhờ có viên thuốc huyết áp cấp thời đó nên đỡ bớt nhưng vẫn còn đau bụng. Tôi chở má bằng chiếc xe đạp cà tàng của mình, xe đi đến đường Nguyễn Huệ thì bị xì lốp không chạy được. Đường về đêm vắng teo. Tôi khóc ngay vì không biết làm sao, tự nhiên tôi nghe có tiếng.

-Bà bác leo lên lưng con cõng cho.

Tôi thấy chị. Chị sớt má tôi lên lưng gọn hơ rồi chạy. Tôi kéo cái xe đạp chạy theo sau. Chị cõng má tôi vào phòng cấp cứu. Miệng la bài hãi:" Cấp cứu, cấp cứu mau bịnh nặng lắm." Bác sĩ thăm khám và cho thuốc, má tôi đi tiêu được bà nhẹ bụng dần . Lúc tôi đi làm thủ tục đóng tiền viện phí, chính chị là người đổ bô, chùi rửa, thay áo quần và vệ sinh cho má tươm tất. Má tôi dần ổn... Chị đi về trước khi trời dần sáng. Một đêm dài ở bệnh viện chị như một đứa con xa của má trở về.

Tôi muốn tỏ lòng cảm ơn với chị nhưng chị về quê mất không gặp được.

Thời gian trôi đi. Tôi không còn bán chợ lớn Qui Nhơn nữa. Năm 2019 trong lần đi chùa quê tôi gặp lại chị. Cả hai chúng tôi đều " Ồ" lên vui mừng khi gặp lại nhau. Chị kéo tay áo tràng màu xám lên cho tôi thấy chiếc vòng mã não năm xưa vẫn còn trên tay chị.

- Coi cái dòng (vòng) nó lên nước đẹp chưa nè... cho tao tiền nợ nghen, hôm kỳ đó tao còn nợ mầy 2 ngàn đó.
-Chiện xưa lắc mà nhắc lại làm gì!
-Hầu đó 2 ngàn lớn lắm. Tao muốn trả lắm nhưng làm quài mà trả hổng nổi.
-Em phải cảm ơn chị nhiều hơn chứ ... nhờ chị mà đêm đó má em được cứu sống. Cảm ơn chị nhiều lắm.
-Có gì đâu, bà má mầy bã nhẹ hìu hà. Tao ở nhà quê tao làm quen rầu. Giờ bác sao rầu?
-Má em mất rồi. Em nhớ ơn chị lắm. Chị cầm ít tiền nè cho em dzui
-Mầy cho tao tiền tao nợ là quý rầu... chớ không tao nợ mầy kiếp sau trả sặc sừ.

Duyên trời. Tôi và chị lại gặp nhau và lại chia tay. Tôi ấm lòng khi nhớ đến chị. Một người phụ nữ xấu xí mà sao tôi lại thấy đẹp ngời lên trong trí nhớ của tôi khiến tôi yêu chị.

Thai Thanh

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
12 Tháng Chín 20242:10 CH(Xem: 468)
Ngày xưa hồi còn nhỏ, tui hay nghe bà cố tui đọc câu: "Còn duyên kẻ đón người đưa. Hết duyên đi sớm về trưa một mình". Tui thấy ngồ ngộ dễ thương nên tui nhớ luôn câu ấy ở trong đầu. / Mấy mươi năm trôi qua cho đến giờ tuổi đã về chiều, ngồi ngẫm lại đời mình. À! người ta thì "còn duyên kẻ đón người đưa" còn mình hết cả một đời người trôi qua mà mình có chút duyên nào đâu, vì từ nhỏ cho tới lớn đâu có ai đón đưa, thương nhớ mình chứ ... Xấu hổ thiệt nhưng cũng phải thú thiệt vì ở cái tuổi này rồi, có níu kéo gì nữa đâu hè!! Nói thiệt may ra ông trời ổng thấy tội tội mà kiếp sau ổng cho mình có chút "diên" (duyên)làm vốn lận lưng.
18 Tháng Tám 20243:37 SA(Xem: 1928)
Tôi không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ là cô giáo. Nhưng có lẽ là duyên trời nên tôi đã từng đứng trên bục giảng, dưới kia là những đôi mắt thơ ngây của các em thơ ngày ấy- học trò nhỏ của tôi và tôi đã là cô giáo.
05 Tháng Tám 202412:31 SA(Xem: 3583)
Ông Võ Phiến gọi Nguyễn Mộng Giác là một người “thàng”(hậu). Ông Nguyễn Mộng Giác cũng gọi Võ Phiến là “thàng”. Và, hai ông định nghĩa thàng như sau: Nguyễn Mộng Giác: "Thàng" không phải là hiền. "Thàng" là một chữ định hình, chứ không định tính. Người thàng, là người ít nói, tránh né những tranh chấp rắc rối, sẵn sàng chịu phần thua thiệt để giữ hoà khí, cố giữ bề ngoài đơn giản lùi xùi để không bị ai xem là kẻ quan trọng. Người thàng có thể hiền lành vì không dám làm việc dữ. Nhưng người thàng cũng có thể có những phản ứng bất ngờ dữ dội khi đột nhiên không thể chịu đựng được mãi sự thua thiệt. Người ta bảo người thàng hay cộc.” (Đặc san Tây sơn –Bình Định,1999) Và Võ Phiến: “Thàng là chữ riêng của người Bình Định, và cũng là chữ riêng để mô tả người Bình Định. Thàng cũng nói là thàng hậu; thàng hậu nghiã gần như hiền hậu, nhưng còn đi xa hơn hiền hậu nữa kia, vì nó có khả năng mô tả, hiền hậu thì không. Hiền hậu, thực thà là một đức tình, một nết hay; thàng hậu còn là một...
16 Tháng Bảy 202411:32 CH(Xem: 3212)
Năm tôi 37 tuổi tôi đã chia tay chồng, tôi gặp một người đàn ông do sư thầy ở chùa giới thiệu để giúp tôi một công việc. Ông lớn hơn tôi đúng 12 tuổi, là phật tử hay làm công quả ở chùa tư cách đứng đắn đàng hoàng; thật lạ ngày đầu tiên vừa thấy tôi, ông nhìn sững như quen tự đời nào, ông đưa tay chùi một vết lấm lem trên mặt tôi và sau này bảo rằng ông yêu tôi ngay từ ngày đầu gặp mặt. Mà hồi đó tôi ốm nhom xơ xác xấu xí tựa như con chim bị mắc mưa rủ cánh giữa đông tàn. Qua ngày sau, ông ta đem tới tặng tôi hai quả xoài cát và bảo rằng: "cây xoài nhà anh trồng hơn mười năm đến năm nay nó mới có trái anh hái liền cho em" Tôi cảm thấy cảm động. Tôi thấy mình được quan tâm, cái mà 15 chung sống cùng chồng tôi chưa hề có được ...
05 Tháng Bảy 202410:37 CH(Xem: 3843)
Tình cờ tôi gặp một tấm ảnh trên mạng, trong một album ảnh cũ về Nha Trang - Khánh Hoà trước năm 1975. Tấm ảnh được chụp trên đồi Trại Thuỷ, từ phía sau lưng Kim Thân Phật Tổ (tượng Phật trắng), có lẽ vào quãng những cuối những năm 60 của thế kỷ trước.
05 Tháng Bảy 202410:17 CH(Xem: 3801)
Năm tới 2025, người Việt gốc Mỹ sẽ kỷ niệm 50 năm định cư tại Hoa Kỳ. Chúng tôi cũng sẽ có thêm một kỷ niệm định cư tại Seattle đươc nửa thế kỷ. Thời gian không còn nhiều sao tôi cứ băn khoăn không hiểu mọi người sẽ chuẩn bị tổ chức ra sao?
05 Tháng Bảy 20249:12 CH(Xem: 3536)
Tháng 6. Sài Gòn buổi chiều thường mưa. Mưa to lắm, mây đen kịt kéo nhanh làm tối cả bầu trời, nhìn xa xa sau màn nước mưa mù trời những đoàn xe trên đường cao tốc xuôi ngược nối dài nhau trên con đường quốc lộ xa tắp mịt mù.
15 Tháng Sáu 20244:38 SA(Xem: 4104)
Trước hết, tôi cần nhắc lại với bạn câu nói: “Sự thật cũng là một thứ Nhân đức” của nhà triết học cổ Hy Lạp Aristotle. Ngắn gọn thôi nhưng chân lý đó đủ sức vượt bao thế kỷ để trở thành bài học quan trọng nhất đối với một kẻ cầm bút, cầm máy quay, và vĩnh viễn không bao giờ cùn mòn, mất tính thời sự!
15 Tháng Sáu 20243:48 SA(Xem: 3865)
Những đổi thay khốc liệt sau cuộc chiến 75 đã đưa đẩy một nhóm bạn bè chúng tôi gần gũi, siêng năng gặp gỡ nhau hơn những ngày tháng trước đó. Một ngày của mùa hè 1978, đi với anh Nguyễn Đình Toàn đến nhà chúng tôi ở cư xá Thanh Đa là Trần Quang Lộc trạc tuổi hai mươi tám, ba mươi, với cây guitar trên vai. Nghiêu Đề và tôi luôn vồn vã, thân thiện rất nhanh với bạn mới gặp, nhất là lại có thêm cây đàn. Ham vui như chúng tôi, sự thân thiện sau đó đã tăng lên gấp bội.
14 Tháng Sáu 202411:10 SA(Xem: 4151)
Ngày xưa, muốn ăn bánh tro phải đợi đến ngày mùng 5/5 âm lịch, thì các cô các bác ở quê mới gánh xuống Qui Nhơn, ngồi trước nhà ba má tôi mà bán. Bánh tro được gói tựa như bánh Ú nhưng bé hơn. Bánh được làm từ gạo nếp ngâm qua nước tro và gói lá đem luộc chín trong nồi. / Ba tôi thích ăn bánh tro chấm với đường cát. Món ăn dân dã đậm đà hương vị quê hương mà người lớn thường thích. Cũng như ba, đến tuổi này tôi mới thích bánh tro như ba ngày ấy...