- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

CHIẾC VÒNG MÃ NÃO

31 Tháng Tám 202410:09 CH(Xem: 2598)



kinh-nghiem-chon-vong-tay-da-ma-nao-chuan-hinh1
Vòng tay mã não là sản phẩm trang sức từ đá tự nhiên - ảnh Internet


Thái Thanh

CHIẾC VÒNG MÃ NÃO


Tôi bán đồ trang sức si mạ ở chợ lớn QuI Nhơn gồm kẹp tóc, nơ cài và cả vòng đeo tay cho con gái. Có một thời tôi bán rất đắt hàng kể cả bán sỉ và lẻ.

Trong chợ có một chị làm công cho các quầy hàng bún phở. Chi tên Xíu, chuyên đi bưng bê các tô bún, tô cháo, hoặc là trà đá chanh, sinh tố cho bạn hàng buôn bán trong chợ. Ngày nào chị cũng ngang qua hàng của tôi mà ngắm nhin. Một buổi chiều sau khi xong việc, chị dừng lại hàng tôi và chỉ chiếc vòng mã não Mỹ mà tôi chưng bày trong tủ kính ( hồi thời đó vòng mã não rất quý).

-Bao nhiêu cái vòng này?
-Sáu ngàn đó chị!

Chị cười bẽn lẽn rồi đi. Và cứ thế ngày nào chị cũng đến chỉ để dòm. Chân chị bị quỷnh, miêng răng vàng đục, cái mặt méo mó đen đúa xấu xí. Tôi nghĩ có lẽ chị mua về làm quà cho ai đó. Tôi lại chạnh lòng khi nhớ chuyện của mình. Năm con gái tôi tròn 5 tuổi nó mơ ước có được một con búp bê để chơi mà không dám vòi vĩnh mẹ, ngày nào nó cũng lên phòng mợ ( chị dâu tôi) để được chơi cùng con búp bê của hai đứa con gái của mợ. Đó là thời bao cấp đồ chơi không bán nhiều ở bên ngoài. Trong các quầy hàng mậu dịch của nhà nước bán ở chợ bên dãy Phan bội Châu chỉ có bày bán vài con búp bê trong tủ kính. Mỗi lần tôi dắt cháu đi ngang qua nó đều ngoái cổ quay nhìn con búp bê trong tủ. Tôi tất bật buôn bán nuôi con, tiền bạc còn rất khó khăn, nên cũng như chị này cứ hỏi giá rồi lại không mua vì chưa đủ tiền. Cho đến một ngày tôi gom đủ được tiền, tôi chạy đến quầy hàng bách hóa trong chợ nhưng con búp bê đã bị bán mất. Tôi đứng ngẩn ngơ tiếc rẻ. Thấy vậy chị bán hàng đưa ra con búp bê còn sót lại nhưng nó bị trầy trụa làm nám mặt, lem luốc xấu xí. Các quày khác cũng không ai còn hàng bán. Thời bao cấp hàng hiếm, cho trẻ chơi búp bê là đồ xa xỉ. Tôi mua con búp bê đó với giá rẻ hơn, mặc dù nó cũng nhắm mắt mở mắt như búp bê trước nhưng con gái tôi nó buồn xo ... nó vốn kỹ tính ngay từ lúc nhỏ ... vì món quà mua về không đúng ý nó.

Nhìn cái dáng chị Xíu xiêu vẹo quay đi. Tôi chạnh lòng. Sao mình không bán rẻ cho chị một chiếc nhỉ. Như vậy con chị nó sẽ mừng đến bực nào. Nghĩ như thế nên lần sau chị lại đến nữa. Tôi ngõ lời mời.

-Mua đi chị em bán rẻ cho!
-Rẻ là bao nhiêu ?
-Năm ngàn thôi!
-Ừ dẫy thì bán cho tao cái phía trong này nè.

Sau khi chọn lựa chiếc ưng ý, chị chìa tay ra.

-Đeo dô tay tao đi.
-Ủa, chớ hổng phải mua cho con chị à?
-Chồng đâu có đâu, mà có con!

À, thì ra chị này không có chồng con. Thôi thì cứ bán cho chị đi. Phụ nữ mà. Ai lại chẳng muốn làm đẹp. Tôi đeo chiếc vòng vào cái tay đen đúa của chị. Thời đó tôi đeo vòng giỏi lắm, khách tới mua vòng tôi đều đeo trót lọt vào tay họ. Nhưng lần này thì không được. Tay chị Xíu to mà cứng ngắc hà. Khi lắc vòng gần vào chị lại lấy gân làm chiếc vòng "bụp" một phát vỡ ra ngay. Như những người khách khác thì họ nhân nhượng chịu một nửa tiền nhưng với chị thì chắc chắn là không như vậy được. Tôi lại phải cho chị chọn chiếc khác.

Sau khi đeo chiếc mới trót lọt vào tay. Chị móc hết túi ra và đưa cho tôi chỉ 3 ngàn.

-Năm ngàn mà!
-Có ba ngàn, còn nhiêu nữa bán nợ đi.

Thế rồi chị ngoe nguẩy bỏ đi. Sau đó hàng ngày chị vẫn đi bưng bê, vẫn còn đeo chiếc vòng mã não trên tay ngang qua hàng tôi nhưng không hề trả nợ. Kỳ đó tôi lỗ mất 9 ngàn đồng. Tôi ghét chị!

Một buổi chiều chạng vạng tối tôi đi thăm mộ về trễ. Đường vắng chỉ vài chiếc xe máy chạy qua. Chợt từ xa tôi thấy một người phụ nữ ngồi ở ngoài đường đang dơ tay quắc người đi xe máy  "Cho tui quá giang với!". Nhưng hết người này sang người khác mà không ai dừng lại. Tôi nhận ra ngay người đó chính là chị. Thấy tôi chị mừng rỡ vẫy tay lia lịa "làm ơn cho tui đi dới!". Tôi ghét chị vì hôm đó sao chị không nói trước cho tôi chị chỉ có 3 ngàn. Tôi ghét chị vì chị thấy rõ tôi đeo cho chị đã vỡ mất vòng, tôi đã chịu lỗ mà chị lại quỵt tiền của tôi. Thà chị nói một tiếng cho tôi nhẹ lòng chứ...
Tôi đạp xe đạp chạy vụt qua. Nhưng đôi mắt van lơn của chị " làm ơn... làm ơn". Tôi lại áy náy không đành lòng. Cuối cùng tôi quay xe lại. Chị mừng rỡ đứng lên, lúc này tôi mới thấy chân chị bê bết máu.

- Chị sao dậy?
-Bị cái thằng quỷ kia tông dăng ( văng) dô đây nó chạy mất rầu! (rồi)!
- Giờ đi đâu?
-Dìa chợ đi!

Tôi im lặng khom lưng mà đạp. Không thèm nói chuyện với chị. Đến nơi tôi bỏ chị xuống rồi đi về nhà. Trong lòng tôi dù vẫn còn giận chị nhưng lại thấy nhẹ lòng vì không nỡ bỏ chị bên đường đó.

Mấy năm sau. Tôi hầu như quên mất chị dù chị vẫn còn bưng bê ở chợ Qui Nhơn. Một đêm kia, má tôi bị đau bụng dữ dội. Má lại bi tăng huyết áp cao. Tôi liên lạc với bác sĩ thường điều trị má mời ông đến nhà nhưng ông chỉ hướng dẫn cách xử lý tình huống và bảo chở vào bệnh viện ngay.Tôi đã nhét viên thuốc dưới lưỡi của má rồi đi kêu xe. Buổi tối không có xe thồ mà thời đó không có tắc xi, lại không nhờ được ai quanh xóm vì họ đã đóng cửa ngủ. Nhà đơn chiếc chỉ có hai má con tôi. Má tôi nhờ có viên thuốc huyết áp cấp thời đó nên đỡ bớt nhưng vẫn còn đau bụng. Tôi chở má bằng chiếc xe đạp cà tàng của mình, xe đi đến đường Nguyễn Huệ thì bị xì lốp không chạy được. Đường về đêm vắng teo. Tôi khóc ngay vì không biết làm sao, tự nhiên tôi nghe có tiếng.

-Bà bác leo lên lưng con cõng cho.

Tôi thấy chị. Chị sớt má tôi lên lưng gọn hơ rồi chạy. Tôi kéo cái xe đạp chạy theo sau. Chị cõng má tôi vào phòng cấp cứu. Miệng la bài hãi:" Cấp cứu, cấp cứu mau bịnh nặng lắm." Bác sĩ thăm khám và cho thuốc, má tôi đi tiêu được bà nhẹ bụng dần . Lúc tôi đi làm thủ tục đóng tiền viện phí, chính chị là người đổ bô, chùi rửa, thay áo quần và vệ sinh cho má tươm tất. Má tôi dần ổn... Chị đi về trước khi trời dần sáng. Một đêm dài ở bệnh viện chị như một đứa con xa của má trở về.

Tôi muốn tỏ lòng cảm ơn với chị nhưng chị về quê mất không gặp được.

Thời gian trôi đi. Tôi không còn bán chợ lớn Qui Nhơn nữa. Năm 2019 trong lần đi chùa quê tôi gặp lại chị. Cả hai chúng tôi đều " Ồ" lên vui mừng khi gặp lại nhau. Chị kéo tay áo tràng màu xám lên cho tôi thấy chiếc vòng mã não năm xưa vẫn còn trên tay chị.

- Coi cái dòng (vòng) nó lên nước đẹp chưa nè... cho tao tiền nợ nghen, hôm kỳ đó tao còn nợ mầy 2 ngàn đó.
-Chiện xưa lắc mà nhắc lại làm gì!
-Hầu đó 2 ngàn lớn lắm. Tao muốn trả lắm nhưng làm quài mà trả hổng nổi.
-Em phải cảm ơn chị nhiều hơn chứ ... nhờ chị mà đêm đó má em được cứu sống. Cảm ơn chị nhiều lắm.
-Có gì đâu, bà má mầy bã nhẹ hìu hà. Tao ở nhà quê tao làm quen rầu. Giờ bác sao rầu?
-Má em mất rồi. Em nhớ ơn chị lắm. Chị cầm ít tiền nè cho em dzui
-Mầy cho tao tiền tao nợ là quý rầu... chớ không tao nợ mầy kiếp sau trả sặc sừ.

Duyên trời. Tôi và chị lại gặp nhau và lại chia tay. Tôi ấm lòng khi nhớ đến chị. Một người phụ nữ xấu xí mà sao tôi lại thấy đẹp ngời lên trong trí nhớ của tôi khiến tôi yêu chị.

Thai Thanh

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
03 Tháng Giêng 202412:43 SA(Xem: 9481)
Mùa dịch Cô-vít hay còn gọi là Cúm Tàu đã qua đi. Thực sự đã đi xa nhưng còn để lại nhiều hệ lụy, ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống thường nhật. Những người gọi là cao niên như chúng tôi, thực khó tìm lại, những buổi sáng Thứ Bẩy hẹn hò gặp gỡ; lòng háo hức nôn nao trên đường đến quán cà phê thân quen, nơi góc phố Bellaire ồn ào náo nhiệt. Tưởng rằng không còn cơ duyên hội ngộ tâm tình, nhưng Trời chiều lòng người. Mới vài tháng nay, mỗi sáng Thứ Bẩy, chúng tôi lại có cơ hội, hẹn gặp nhau tại một quán cà phê khác, dù không ưng ý, để có dịp họp mặt hàn huyên tâm sự, trao đổi những câu chuyện văn chương, hoặc tâm tình thế sự trải khắp nhân gian.
25 Tháng Mười Hai 202311:01 CH(Xem: 9359)
Trong cái không gian lành lạnh của một mùa Giáng Sinh, trong tiếng chuông ngân của nhà thờ như đón chào thiên chúa giáng trần, tôi bỗng nhớ đến một nơi chốn lặng lẽ, tối tăm, nơi có lẽ chúa đang hiện hữu từng giờ từng khắc cho riêng một người. Ở nơi ấy, anh cũng đang thầm lặng đón Giáng Sinh giữa bốn bức tường xám lạnh. Phạm Chí Dũng, một nhà báo dũng cảm, một người bạn chưa từng gặp mặt ngoài đời nhưng lại vô cùng thân thiết.
19 Tháng Mười Hai 202311:46 CH(Xem: 10358)
Dạo này sao mình hay nghĩ về cái chết. Mình giống như ba mình hồi trước thường bâng khuâng day dứt khi thấy tuổi già của nhiều người sắp rời bỏ dương trần thường sẽ bị đau yếu nằm yên một chỗ sống tật nguyển trong một thời gian. Ngày ấy ba đã phản kháng sợ kiểu sống như thế trước khi chết. Ý niệm của ba là khi hết số thì đi liền không đau bệnh. Và ước nguyện ấy đã thành sự thật, không đợi đến già yếu, đến lúc phải làm cho con cháu lo lắng buồn phiền, ba đã ra đi nhanh nhẹ nhàng không kịp cho ai phụng dưỡng ba dù chỉ một ngày.
14 Tháng Mười Một 202312:15 SA(Xem: 9839)
Anh về nhà không có em ! Anh đẩy cửa bước vào, anh xô cửa bước ra. Sắc sắc không không , một trời vô vọng. Em ở đâu ? Anh dáo dác tìm tìm kiếm kiếm. Em đi rồi ư? Ô chao ! Sao nghe buồn nẫu ruột.
24 Tháng Mười 202310:38 CH(Xem: 10605)
Hàng ngày trên con đường kiếm sống, thỉnh thoảng ta vẫn nghe trên cây khế trước nhà tiếng kêu của một loài quạ “ăn khế trả vàng, may túi ba gang mà đựng”. Dân ta ai cũng may sẵn những chiếc túi ba gang. Thời mở cửa, ai cũng hăm hở, ai cũng tưởng mình đã hốt đầy vàng trong cái kho của trời đất. Có biết đâu rằng vàng đã cho đi cả, chỉ còn lại sỏi và đá trong chiếc túi ba gang của mình. / Ta cho đi hết, cho hết cả … từ tài nguyên, của cải cho đến những giá trị cốt lõi. Và thế là đất không còn lành, chim không muốn đậu. Bầy chim túa đi thiên di mang theo tất cả, cả tuổi trẻ, tình yêu, nhiệt huyết,… rời bỏ đất nước mình!
24 Tháng Mười 20233:58 CH(Xem: 9002)
Người ta thường ví Mèo như một người phụ nữ, bởi Mèo có vẻ nhẹ nhàng nhỏ nhẻ từ cách ăn, cách ngủ cả đến lúc Mèo gần gũi, nũng nịu bên chủ để được che chở vuốt ve. Tôi không thích Mèo và không bao giờ có ý nghĩ là mình sẽ nuôi Mèo. Tôi cho rằng cái cách dịu dàng của Mèo như một sự dối trá ẩn sau cái ác. Bởi lẽ lúc nhỏ, tôi đã từng chứng kiến và xót đau khi cái lũ mèo nhà hàng xóm xé tan xác ăn thịt mấy con chim bồ câu nhà mình nuôi. Nửa đêm khuya khắc tôi hay bị thức giấc vì tiếng kêu, tiếng chạy đuổi nhau trên mái tôn nhà ông Lý sát cạnh nhà mình, nghe bắt rợn người. Và có lẽ vì Mèo nó có cái vẻ yểu điệu, dịu dàng tương phản với cái vẻ thô thô, cứng ngắt của tôi nên tôi ghét nó...
24 Tháng Mười 20233:22 CH(Xem: 8656)
Mọi thông tin luôn nhanh chóng hiển thị trước mán hình vi tính . Chuỗi sự kiện của cuộc sống quanh tôi và tôi cảm nhận nó bằng tâm hồn mình./ Mỗi buổi sáng, khi thức thức dậy, bước xuống giường, vén mùng là tôi đã start máy, rê chuột là cả thế giới hiển thị trước mặt . Cây trong vườn vẫn xanh như độ nào, cành nhãn nở chùm bông trắng đầu mùa in bên khung cửa sổ như một bức tranh. Ngày nắng cũng như mưa, nó luôn hiển thị. Một thế giới hiện thực đầy hư ảo! / Tôi thích mơ mộng, trong tôi luôn hình dung những sự kiện rồi huyễn tưởng và sống với niềm hạnh phúc chứa chan trong cõi mộng đó.
16 Tháng Mười 20236:02 CH(Xem: 9550)
Sau mấy stt. của hắn trên MXH về chuyện vu cáo tồi tệ của vài vị “chức sắc” ở Hội Kiều học (Hội khoa học nghiên cứu Nguyễn Du & Truyện Kiều), cô con gái hắn - sinh viên năm thứ hai ĐH KHXH&NV vừa về tới nhà đã xộc tới bàn làm việc của hắn, với gương mặt đỏ bừng mà ngày thường vẫn lạnh như bà hoàng Băng giá, nó tức tối chất vấn, như hành hạ ông bố đã thất bại đủ thứ và đang khốn khổ đủ điều
16 Tháng Mười 20235:52 CH(Xem: 10042)
Tôi có duyên với chợ nên đi về cuối đường đời thì dấu ấn sâu đậm nhất trong tôi là cái chợ, nhớ nhất là cái thời còn buôn bán ở chợ nên đến bây giờ cả trong giấc ngủ tôi vẫn thường mơ thấy chợ, nơi ấy là nhà là kỷ niệm ăn sâu nhất không quên được.
12 Tháng Chín 20231:37 SA(Xem: 12014)
Phàm những gì người ta thích thì thường chòi mòi chốc mảy vì thứ ấy. Ví như người mê gái đẹp (thấy gái đẹp ai không mê, người nào nói không mê gái có mà hâm!), cô nào có vóc dáng lả lướt, ngồ ngộ, trang phục hơi sex đôi chút thì con ngươi như dán chặt vào đó. Lại có người thích chơi chim, mỗi lần nghe tiếng hót là như bị hốt hồn. Mỗi cách chơi đều có hội riêng, tập hợp những người cùng sở thích, chủ nhân của những quán cà phê vỉa hè cũng đã tận dụng cái sở thích ấy để mà câu khách. Trên cành cây có treo dăm ba lồng chim, bên ly cà phê mà tán pháo, tán cái vui dân dã của mình. So cọ con chim này hót hay , con chim kia đang bắt đầu thay lông. Và cũng từ đó, có nhiều kẻ tìm được khối tiền vì những trò chơi.