Mai An Nguyễn Anh Tuấn
“KHI NGƯỜI TA 19 TUỔI, NGƯỜI TA LÀ BÀ HOÀNG”
(Viết cho con gái ngày con tròn 19 tuổi)
“Bà hoàng” mà bố nói đây chính là một Tư cách sống đàng hoàng, tử tế, khi con hiểu rõ về giá trị cùng trách nhiệm của bản thân mình trước Tổ quốc và Nhân dân – dù là một “Nhân dân” từng được nhà văn Vũ Thư Hiên khái quát: “Thế hệ chúng tôi bất hạnh: chúng tôi ra đời trong thân phận nô lệ, lớn lên trong khói lửa chiến tranh và trưởng thành trong nỗi sợ hãi các đồng chí” (Hồi ký: Đêm giữa ban ngày). Con sẽ là một “Bà hoàng” đáng tự hào như vậy, không phải để được tuyên dương trên báo chí, truyền hình mà để những “thế hệ bất hạnh” như các bác Nguyễn Hữu Đang, Trần Độ, Trần Dần, Vũ Thư Hiên, Phùng Quán, Bùi Minh Quốc, Hoàng Hưng… cũng phải ấm lòng, được an ủi, và thêm tin rằng: cái Dân tộc khốn khổ đau thương này dù có bị cố tình hay vô tình đưa vào quỹ đạo hủy diệt, song vẫn có những thế hệ kế tiếp xứng đáng đương hàng ngày lặng lẽ vượt qua muôn trùng sự đểu cáng, lừa đảo, cướp bóc, tìm cách lấy lại danh dự Quốc gia lâu nay đã bị đánh mất một cách đau xót và oan uổng!
“Khi người ta 19 tuổi, người ta là bà hoàng” - đó là một câu trong bộ tiểu thuyết sử thi “Con đường đau khổ” của nhà văn Nga A. Tolstoy mà bố từng lấy làm đề từ cho bài cảm ngôn “Viết dành cho con gái năm con 19 tuổi” từ những năm bố còn là một chàng trai mơ mộng lang thang trên những nẻo rừng Tây Bắc. Vài chục năm sau, vào lúc con đọc những dòng này của bố, khi con chuẩn bị bước vào năm thứ hai đại học, cũng là lúc cả xã hội ta đang trong một cơn xáo động kinh hoàng với bao giá trị đảo lộn quay cuồng khiến những cô cậu sinh viên quen sống trong vòng tay gia đình che chở như con phải hoang mang, ngơ ngác, hoảng sợ…
Và bố cùng nhiều bậc phụ huynh lương thiện cũng phải hoang mang, ngơ ngác, hoảng sợ chẳng kém, bởi những tấm gương, những nguyên mẫu đời sống-lịch sử mà các con cần noi theo như các bậc nữ anh hùng Bà Trưng, Bà Triệu, Zoya… thời trước, Đặng Thùy Trâm, Dương Thị Xuân Quý, Phạm Thị Đoan Trang… thời nay đã bị chìm đi, bị nuốt chửng trước những “tấm gương” đen ngòm mà bố từng miêu tả trong bài viết “Sắc đẹp và trái tim chứa đầy nọc độc” (*) : những “mẫu hậu”, “nữ hoàng”, “hoa hậu”, “đại sứ văn hóa-tình yêu”, v.v. mang cái vỏ mỹ miều đã /đang /sẽ liên kết với những “thế lực đen”, “quyền lực nhóm” đủ các cấp đương góp phần tàn phá mọi giá trị nhân văn tốt đẹp mà bao thế hệ đã phải đổ máu xương để tạo ra và gìn giữ…
Khái niệm “Bà hoàng” bố mượn ở trên khác rất xa, đúng hơn là đối lập với cái mà người ta vẫn vỗ ngực rêu rao về tính chất “Quý tộc”, “Tinh hoa” của những kẻ ở tầng lớp thượng lưu thối nát, hư hỏng hiện nay đương tìm cách đục khoét ngân khố quốc gia, hút máu dân lành để sống ngập ngụa xa hoa, để ngang nhiên hưởng thụ “những bữa ăn láo xược” (Lưu Trọng Lư) - kệ thây và trâng tráo dẫm đạp lên nỗi khổ đau đói nghèo đã tới tận đáy của đồng bào họ!
“Bà hoàng” mà bố nói đây chính là một Tư cách sống đàng hoàng, tử tế, khi con hiểu rõ về giá trị cùng trách nhiệm của bản thân mình trước Tổ quốc và Nhân dân – dù là một “Nhân dân” từng được nhà văn Vũ Thư Hiên khái quát: “Thế hệ chúng tôi bất hạnh: chúng tôi ra đời trong thân phận nô lệ, lớn lên trong khói lửa chiến tranh và trưởng thành trong nỗi sợ hãi các đồng chí” (Hồi ký: Đêm giữa ban ngày). Con sẽ là một “Bà hoàng” đáng tự hào như vậy, không phải để được tuyên dương trên báo chí, truyền hình mà để những “thế hệ bất hạnh” như các bác Nguyễn Hữu Đang, Trần Độ, Trần Dần, Vũ Thư Hiên, Phùng Quán, Bùi Minh Quốc, Hoàng Hưng… cũng phải ấm lòng, được an ủi, và thêm tin rằng: cái Dân tộc khốn khổ đau thương này dù có bị cố tình hay vô tình đưa vào quỹ đạo hủy diệt, song vẫn có những thế hệ kế tiếp xứng đáng đương hàng ngày lặng lẽ vượt qua muôn trùng sự đểu cáng, lừa đảo, cướp bóc, tìm cách lấy lại danh dự Quốc gia lâu nay đã bị đánh mất một cách đau xót và oan uổng!
Và con sẽ là một “Bà hoàng” đúng nghĩa và cao quý nhất của khái niệm này một khi con mang được trong trái tim con Tình thương lớn của Dân tộc, cái Tình thương mà Đại thi hào Nguyễn Du đã mang cả cuộc đời vất vưởng “nơi thì lừa đảo, nơi thì xót thương” cùng “cuốn kinh của Tình thương” - kiệt tác Truyện Kiều của ông để minh chứng: “Thương thay cũng một kiếp người!”. Chính cái tình thương bản năng hồn hậu của con hồi mới lớp năm, khi bố đưa con tới thăm một khuôn viên tuyệt đẹp từng là Dinh thự Toàn quyền ở miền Trung đã cho bố ý tưởng sâu sắc để viết thành truyện “Bí mật về ông Nguyễn Thái Học” mà bố tâm đắc: “… Hai bố con đang ngồi trên ghế đá ngắm cảnh, có một người đàn bà lớn tuổi thọt chân bưng thúng bánh lá tới chào hàng. Hắn nhìn qua vào lòng thúng, rồi lắc đầu. Con gái hắn, một lúc sau lay vai hắn, nước mắt lưng tròng. “Bố ơi, mua cho bà ấy đi, bố”. Nó kéo tay hắn tới chỗ bà bán rong, ngồi sụp xuống chọn nhanh mấy chiếc bánh, rồi chủ động lục ví hắn để trả tiền. Thì ra, trong lúc hắn mải mê ngắm cảnh thơ mộng, đứa con gái mười một tuổi lại chăm chú theo dõi nỗi vất vả của bà bán rong. Một nỗi bàng hoàng chợt xông lên làm nhòa mắt hắn. Lúc đó, hắn lờ mờ hiểu ra cái bí mật sâu thẳm đang điều hành cơ chế tâm hồn con gái lâu nay, như muốn biến thành bí mật chung của hai bố con và làm hành trang còi cọc song chưa có gì thay thế nổi để phân biệt những giá trị Thật - Giả trong cõi đời phù du này…”
Vậy đó con, nếu không có thứ Tình thương này, con người ta dẫu xinh đẹp lộng lẫy tựa tiên giáng trần cũng chỉ có thể thành một Bà Chúa Tuyết lạnh giá nguy hiểm, thù địch với đời sống! Nhưng để có được Tình thương ấy, trước hết con cần có lòng Dũng cảm. 15 năm trước, bằng quãng thời gian lưu lạc của nàng Kiều, bố đã viết cho con bài cảm ngôn: “Dũng cảm lên con”, nhắc lại con đoạn kết:
“Dũng cảm lên con, để mai sau nếu có khóc bên thảm án Lệ Chi Viên, con còn có nụ cười sáng lệ trước ngọn đèn xanh hoà mưa đêm… Con sẽ cần tới lòng dũng cảm không chỉ để cõng nổi chiếc cặp sách quá tải trên lưng hay chịu đựng được ánh mắt của cô giáo khi chẳng chịu học thêm mà còn để có sức dùng được ngọn trúc của Ức Trai dò lòng suối tìm đến cánh rừng Mai nguyên thuỷ của Tình người…
Con cần đủ lòng dũng cảm để có thể hiểu thực chất hai chữ "đồng bào" chính là sự dâng hiến cao cả cho phần máu mủ ruột rà của con đang chịu bao khổ đau bất hạnh trong cuộc mưu sinh rủi ro và để biết căm giận những kẻ tham lam độc ác chà đạp lên đồng bào mình.
Lòng dũng cảm giúp con bớt nghĩ về bản thân để cảm thương cho số phận cô con gái bé bỏng bị bão cuốn trôi giữa khi người cha lấn biển gian nan và khi đó con đã vô tình mang tâm hồn của Đức Mẹ Maria hay Đức Quán Âm Tống Tử khiến bố nghiêng mình trước con đúng hơn là trước cái lý do bố tồn tại trên cõi đời này.
Lòng dũng cảm cũng chính là tình yêu của con trước mọi điều trong lành chỉ có trong thần thoại cổ tích giúp bố vượt qua cái thời buổi mà sự đểu giả đốn mạt thường không bị trừng trị nhưng lòng dũng cảm nhỏ bé của con sẽ là đốm lửa nhỏ góp vào đống lửa của Lương tri đang phẫn uất cần được thổi bùng.
Sau này nếu con hỏi: con tiếp tục lấy đâu ra lòng dũng cảm? Con có cả cuộc đời trước mặt cộng với nỗi buồn và sự phẫn nộ của bố trước những gì đểu cáng để tìm câu trả lời!”
15 năm sau, bố lại lại chúc con Lòng Dũng cảm này, trong dịp Sinh nhật con vào tuổi làm “Bà hoàng”!
_________
(*) https://vanviet.info/van-de-hom-nay/sac-dep-v-tri-tim-chua-day-noc-doc/
Mai An Nguyễn Anh Tuấn
- Từ khóa :
- MAI AN NGUYỄN ANH TUẤN