- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Nguyễn Đình Toàn. Mưa Hà Nội

11 Tháng Mười Một 202212:24 SA(Xem: 13498)



LeChieuGiang-NguyenDinhToan
NguyễnĐToàn/LêCGiang 10/21

 

 

Lê Chiều Giang     

Nguyễn Đình Toàn. Mưa Hà Nội   

 

“...Mổ trái tim.

Xem:

Không gì trong đó

Mở đôi bàn tay

Những thứ chẳng còn…”

[ LCG ]

 

Mưa rơi trong màn hình laptop, tôi thèm nghe tiếng mưa. Đêm nay.

Mưa Cali hiếm hoi, cứ như chẳng bao giờ muốn có.

Nhưng dù đã cố gắng cách mấy, tôi vẫn không thể nhận ra cái rì rào ướt át, chút rét mướt của gió đêm, qua những giọt “mưa giả”, ” mưa máy móc”, “ mưa trong computer”.

 

Tôi mong, tôi ước ao tìm cho ra cái sướt mướt của anh Nguyễn Đình Toàn, nỗi nhung

nhớ về những đêm mưa Hà Nội, dù là đêm mưa nho nhỏ, mưa bão bùng, hay mưa dầm suốt hết cả đêm thâu.

Có ai tìm ra “mưa” của những năm xưa Hà Nội trong một Saigon vừa bước đến, một Saigon còn lạ xa? Saigon không ấp ủ những cơn mưa mơ màng tuổi mới lớn, khi Anh Toàn bỏ Hà Nội ra đi.

Mưa Saigon xầm xập, chấp chới trong ánh sáng kinh đô. Mưa ào ào, mưa bạt mạng như tiếng reo vui giữa lòng thành phố với trăm ngàn ánh đèn rực rỡ, yêu kiều.

 

Mưa Saigon chỉ đủ cho Nguyễn Đình Toàn, Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo… xót xa, tiếc nhớ thêm về những dấu yêu xưa, những kỷ niệm cũ thời sống với Hà Nội.

 

_________

 

 

Nhưng Saigon là của tôi, nơi sanh ra, ngày mới lớn.

Saigon những chiều Thứ Năm. Thoáng trong gió xa xăm có tiếng nói của Nguyễn Đình Toàn dặt dìu, ấm áp như thơ. Âm vang nhẹ rơi trong chút mơ màng của nắng chiều sắp tắt.

Saigon Thứ Năm, bàng bạc văn chương Nguyễn Đình Toàn với “Nhạc Chủ Đề”.

Nhạc như hương thơm rải trong lòng thanh thoát. Chúng tôi, những cô học trò nhỏ, đã thả hồn mơ theo mưa chiều, nắng sớm. Mắt nồng nàn đếm những chiếc lá vàng lao xao rơi rụng trước sân trường.

Saigon mưa vui, nắng hắt. Saigon líu lo.

Saigon. Chết.

 

Năm 1978, Khánh Vân, cô bạn rất đẹp của tôi ra Thanh Đa ngồi than thở. Chúng tôi nói về những lửa than của đời sống khó khăn, bên những bàng hoàng không tưởng, những biến động bất ngờ nhất của quê hương…

Có thêm chị Nguyễn Thị Thụy Vũ và anh Nguyễn Đình Toàn. Bữa cơm chiều với tô canh đổ thêm nhiều nước lã, đã vui hơn. Khánh Vân như góp thêm chút cười nói, chút rộn rã, xôn xao…

 

Cafe Thanh Đa, chúng tôi không thể bỏ sót dù trời đang mưa. Chị Vũ, Khánh Vân và tôi đội nón lá. Anh Toàn và Nghiêu Đề đi với đầu tóc ướt và luôn cả áo ướt.

Những ánh chớp sáng, với ầm ì tiếng sấm vang vọng, cũng không làm chúng tôi sợ hãi. Chị Thuỵ Vũ luôn bước những bước dài vội vã, làm anh Toàn phải réo theo:” Có phải Thuỵ Vũ sợ Tô Thùy Yên đang rượt sau lưng, đuổi bắt lại đó không?…”. Chúng tôi cười đua cùng với tiếng mưa rơi và sấm trời vang động.

 

Khánh Vân có chút ước ao lạ lùng, xin được ngồi giữa trời với Cafe ướt át. Khánh Vân muốn hai đứa tôi tìm lại chút…tuổi thơ. Thuở bé bỏng với những nỗi buồn mông lung, khờ dại. Chúng tôi cứ hay buồn ngang xương, buồn một cách khơi khơi, buồn vô tội vạ mà tưởng như mình sắp chết...

Những mơ màng vẩn vơ, cũng có khi chỉ vì đã có một chiều Thứ Năm nào đó, lỡ nghe qua Đài phát thanh Saigon, có lời “xúi dại" của Nguyễn Đình Toàn.

Lời thiết tha bay theo mưa gió và nắng ấm của đời: “...Hỡi em yêu dấu".

 

Mọi người xếp bàn ghế ngồi hết ngoài trời, dù mưa làm run lạnh.

Chị Vũ mượn guitar, nhưng chủ quán không bằng lòng vì sợ mưa làm hư hỏng. Tôi hát với mưa, tiếng mất tiếng còn bên gió lộng. Vân còn bầy đặt đốt điếu thuốc xin từ anh Nghiêu Đề. Thuốc không cháy, tôi hít hà mùi khét khét, nồng nồng khói của đêm thơm…

 

“...Nếu một mai

Không còn ai đứng bên kia đời

Trông voi vói…”

[ Phạm Duy ]

 

Nỗi buồn suýt chút nữa đã rớt xuống trầm sâu, uẩn ức, nếu không có tiếng thở dài vội vã của anh Toàn:” Trời ơi, thôi đi chứ, mưa ướt và lạnh đến điên người. Hai bạn mà cứ đi tìm “tuổi thơ” cái kiểu này, thì đúng là hai bạn đã giết chết, đã làm mất tiêu chút thoi thóp của “tuổi già” …”

Nhưng tiếng hát vẫn nỉ non, vẫn ngậm ngùi cùng đêm tối.

 

“...Có hay chăng là

Mưa rơi vì chúng ta

Mưa rơi. Và còn rơi

…Mưa rơi bạc đầu ai…”

[Phạm Duy]

 

_____________

 

 

Mưa Hà Nội âm u, mưa Saigon bạc bẽo không màu, trắng xoá.

Cuối cùng gia đình chúng tôi đành vượt thoát khỏi quê hương, vất vả tìm tới San Diego, nơi có chút màu lam chiều thanh tịnh.

 

Nhưng chỉ sau 14 năm, Anh Nghiêu Đề vội vã bỏ hết mọi thứ vui buồn, bỏ luôn cả cuộc đời, ra đi.

“Sống một mình”, chắc chắn phải là người vững vàng và đầy can đảm. Nhưng tôi lơ

mơ, lại thêm chút vụng dại, cộng với cả vội vàng… Loay hoay chút xíu cho “có lệ” với thế gian, cuối cùng tôi đã rời San Diego theo một Nhân duyên mới. Tôi bỏ đi rất xa, tôi đi thật xa và trong 17 năm dài, tôi đã sống ở một nơi… xa lắm.

 

Anh Nguyễn Đình Toàn nhắn tôi về CA trước khi …quá muộn. Từ nơi xa xôi, biết về thăm rất khó, tôi hứa đại 6 tháng nữa. Anh rên rỉ :” Cái hẹn 6 tháng mới trở lại CA, đã là cái hẹn lãng mạn nhất, với đầy đủ sự trễ tràng, có khi còn cộng thêm luôn cả lời thất hứa …”.

 

Nhưng có gì đâu, 5 năm rồi. Và tôi đã nhiều lần ghé thăm Anh.

Con đường dẫn đến nhà Anh đã chẳng ai cần thay tên, đổi họ. California không như Saigon sau 1975. Saigon, nơi “Họ” đã quyết liệt đổi hết tên của những con đường, đổi luôn cả những phố phường xôn xao nhiều quán xá…

Lặng lẽ nhưng đầy tiếc nuối với sự đổi thay liên miên tên của những góc phố, những đường xưa. Anh Nguyễn Đình Toàn chỉ còn biết phàn nàn, buồn bã thở than trong nhạc. Anh Hồ Trường An đã phải nhớ thuộc lòng bản nhạc này trong những tối ngồi với bạn bè bên Làng Báo Chí.

Khi lên máy bay rời Việt Nam năm 1977,  Hồ Trường An mang theo món quà của Nguyễn Đình Toàn gửi tặng hết cả những ai đã phải từ bỏ quê hương, ra đi.

Người đầu tiên hát “ Saigon niềm nhớ không tên” tại Paris là Jenny Mai, và bản nhạc đã phổ biến rộng rãi ngay trên các đài phát thanh VOA và BBC….

Thời gian đó, khi chúng tôi còn quanh quẩn ở Saigon, biết anh Toàn đã nhiều lần bị công an mời lên làm khó dễ…

 

“...Sài Gòn ơi

Đâu những chiều

Vui, buồn khoác áo đi

Tay cầm tay

Nói nhỏ những gì

Những quầy hoa

Quán nhạc đêm về…”

[Nguyễn Đình Toàn]

 

California khi trở lại, tôi đã chẳng “Lạc lối tìm”. Vẫn những bảng đường quen xưa, ngõ cũ, nơi có Chị Thu Hồng và Anh ấm áp đợi chờ mỗi lần tôi hẹn ghé thăm.

Vẫn căn nhà xưa, với những hoa cúc rực rỡ vàng trong sân nắng.

 

Anh và tôi luôn cười vang sau những lần Anh buông lời đanh đá, có khi còn nhuốm thêm chút khắc nghiệt, chút chì chiết với đời. Anh nói xéo, nói thẳng, ghét khơi khơi… Anh bất mãn kinh niên với hết cả loài người và tất cả mọi điều trên thế giới. Mắng mỏ đời mà vô cùng sâu sắc, mỉa mai hết cả và thiên hạ nhưng lại vô cùng dí dỏm, có duyên…

Những câu chuyện chỉ có Nghiêu Đề, Duy Trác, Nguyễn Đình Toàn, Thuỵ Vũ mới thấm thía, mới cay đắng đủ để cùng nhau cười tung cười toé, cười thú vị trong suốt hết cả những năm dài.

 

—--------------------

 

Tôi viết như phục sinh lại chút hình bóng của người đã ra đi, những Nghiêu Đề, Trần Quang Lộc, Nguyễn Đức Sơn, Trần Tuấn Kiệt, Bùi Giáng, Văn Cao, Trương Đình Quế, Ngọc Dũng, Đinh Cường.

Viết cả cho những người còn đang thở. Dù thở dốc, thở hơi dài, hay hơi ngắn: Nguyễn Thị Thuỵ Vũ, Duy Trác, Phạm Thiên Thư.

Saigon của tôi, mờ mờ những kỷ niệm đang dần xa, đang vật vờ chìm khuất.

 Nhưng Saigon vẫn giữ lại hết những chập chờn, những lung linh sáng của rất nhiều gương mặt bàng bạc như chuyện cổ tích, những năm xưa…

 

Duy nhất Anh Nguyễn Đình Toàn. Tôi viết gửi Anh trong phút cuối của đời, khi mà không ai còn đoán ra, không ai còn kịp thấy, đâu là ranh giới của một chấm hết nghiệt ngã. Rất lạnh lùng, lẫn cả tối tăm:

Phút lãng đãng giữa ra đi, và ở lại.

 

+++++

 

Cali không mưa nhiều như tôi hằng mong đợi. Nhưng đêm nay San Diego mưa, mưa nỉ non, mưa thầm thì, mưa to nhỏ.

Mưa mang theo những não nùng, những giá lạnh của khói hương xưa.

 

Tôi đang tìm lại giùm Anh những ướt át hắt hiu, chút âm u buồn, lặng câm và ảm đạm.

Giữ lại hết cả những lo âu, những sợ hãi đầy hoài nghi về nỗi chết.

 

“...Cố thắp cho anh một ngọn đèn

Dù chẳng còn trông mong gì nữa…”

[Nhạc NĐT]

 

Tôi buông lời réo gọi những cơn mưa trút nước, mưa như điên, mưa bạt mạng của Saigon.

Nhưng tôi giữ lại giùm Anh chút mưa gió lê thê, mang mang cái giá rét âm u đầy thơ mộng của những đêm mưa phùn ngày xa xưa. Hà Nội.

 

Lê Chiều Giang

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
16 Tháng Mười 20235:52 CH(Xem: 10902)
Tôi có duyên với chợ nên đi về cuối đường đời thì dấu ấn sâu đậm nhất trong tôi là cái chợ, nhớ nhất là cái thời còn buôn bán ở chợ nên đến bây giờ cả trong giấc ngủ tôi vẫn thường mơ thấy chợ, nơi ấy là nhà là kỷ niệm ăn sâu nhất không quên được.
12 Tháng Chín 20231:37 SA(Xem: 12840)
Phàm những gì người ta thích thì thường chòi mòi chốc mảy vì thứ ấy. Ví như người mê gái đẹp (thấy gái đẹp ai không mê, người nào nói không mê gái có mà hâm!), cô nào có vóc dáng lả lướt, ngồ ngộ, trang phục hơi sex đôi chút thì con ngươi như dán chặt vào đó. Lại có người thích chơi chim, mỗi lần nghe tiếng hót là như bị hốt hồn. Mỗi cách chơi đều có hội riêng, tập hợp những người cùng sở thích, chủ nhân của những quán cà phê vỉa hè cũng đã tận dụng cái sở thích ấy để mà câu khách. Trên cành cây có treo dăm ba lồng chim, bên ly cà phê mà tán pháo, tán cái vui dân dã của mình. So cọ con chim này hót hay , con chim kia đang bắt đầu thay lông. Và cũng từ đó, có nhiều kẻ tìm được khối tiền vì những trò chơi.
10 Tháng Chín 20238:59 CH(Xem: 12301)
Sau gần một năm, chính xác là 11 tháng và 15 ngày, chữa trị ung thư mắt tại một bệnh viện nổi tiếng ở Houston, Texas, nay tôi đã về nhà yên bình và niềm vui trong lòng dâng cao mãi. Không còn nghi ngờ gì nữa, tôi nhận ra mình thực sự sống sót, thoát chết, trở về trong “chiến thắng vinh quang”, sau cuộc chiến chống lại căn bệnh quái ác. Căn bệnh ấy quái ác thật, nguy hiểm thật, chỉ nghe tên cũng rùng mình run sợ. Điều trị khỏi bệnh ung thư đối với riêng tôi, là một dấu ấn hằn sâu trong tâm não. Đã có biết bao người bỏ cuộc giữa đường. Tôi thì không! Một chiến sĩ trên đường ra mặt trận, được trang bị tinh thần quyết chiến, quyết thắng, lẽ nào tôi không có chiến công mang về. Trung tâm ung thư nằm ở tầng lầu 14 của bệnh viện, đã gợi ý tôi, tưởng tượng rằng mình đã xuống tới tầng địa ngục thứ 14, và không ngại ngùng, ghi lại những cảm xúc chân thực và niềm vui sướng tuyệt vời trong bài hồi ức “Trở về từ tầng…14”.
04 Tháng Chín 20238:52 CH(Xem: 10700)
Mùa thu này, nhà thơ Hoàng Hưng và phu nhân trở lại thăm Thủ đô. Ông có gọi tôi cùng tới studio riêng của họa sĩ Trần Lương. Giữa cơn hứng trò chuyện với họa sĩ, ông tìm đến “quốc hồn quốc túy” qua sợi thuốc lào Vĩnh Bảo, và tôi đã chộp được một hình ảnh của ông để rồi chợt thấm một nỗi buồn…
05 Tháng Tám 20239:50 CH(Xem: 12184)
“Khi người ta 19 tuổi, người ta là bà hoàng” - đó là một câu trong bộ tiểu thuyết sử thi “Con đường đau khổ” của nhà văn Nga A. Tolstoy mà bố từng lấy làm đề từ cho bài cảm ngôn “Viết dành cho con gái năm con 19 tuổi” từ những năm bố còn là một chàng trai mơ mộng lang thang trên những nẻo rừng Tây Bắc. Vài chục năm sau, vào lúc con đọc những dòng này của bố, khi con chuẩn bị bước vào năm thứ hai đại học, cũng là lúc cả xã hội ta đang trong một cơn xáo động kinh hoàng với bao giá trị đảo lộn quay cuồng khiến những cô cậu sinh viên quen sống trong vòng tay gia đình che chở như con phải hoang mang, ngơ ngác, hoảng sợ…
09 Tháng Sáu 20234:29 CH(Xem: 12555)
Con gái tôi thích ăn canh ổ qua xắt mỏng nấu với tôm, khi chín bỏ chút hành ngò rắc chút tiêu, món ăn ngày xưa của mẹ con tôi hay nấu nhưng bây giờ tôi lại hay nấu canh rau mồng tơi với tôm vì bọn trẻ con thích món này hơn chúng chê canh ổ qua đắng. Ngày xưa, mỗi lần cúng giỗ nhà tôi hay nấu canh ổ qua nhồi thịt, món này ba má tôi đều thích ăn, cả chúng tôi cũng hưởng ứng nên ngày thường cũng nấu. Sau 75 lại ít có vì thời khốn khó mà, thứ gì cũng không dễ có mà ăn.
08 Tháng Ba 20236:56 CH(Xem: 12340)
Ai cũng ghét kẻ khoe khoang và gọi kẻ ấy là hợm hĩnh khó ưa. "Khoe khoang" có gọi là "phô bày" không? Có đó, vì cả hai đều đồng nghĩa như nhau nhưng tôi thấy kẻ phô bày lại đáng thương hơn là đáng ghét đó. Có ai trong đời này mà không hề có sự phô bày cho người ta thấy chứ, ta thích được người biết cùng, khen cùng ta những điều ta có. Bây giờ có facebook thì điều này thể hiện rõ nhất qua nút chia sẻ đó.
13 Tháng Hai 20232:24 SA(Xem: 12469)
Nhớ lại những tháng năm xưa thời còn ở quê nhà. Đêm giao thừa sau khi đặt mâm cúng xong cả nhà mình đều xuất hành về hướng đông đi lễ chùa, má mặc áo dài màu nâu còn mình và bọn trẻ lại mặc đồ tây bình thường theo má. Má lạy Phật lạy hương linh ông bà chùa Long Khánh rồi sang chùa Tâm Ấn cũng như thế. Mình nhớ ngày ấy trời trong lắm lại mang hương xuân lành lạnh, đường phố sạch đẹp và đâu đó vẫn còn lác đác vài người phu quét lá bên đường còn sót lại. Mình hít hương xuân ngày đầu năm mới vào hồn với cả hân hoan.
06 Tháng Giêng 202312:51 SA(Xem: 13059)
Nhà văn Doãn Quốc Sỹ là thầy dạy tôi. Thầy sinh năm 1923, năm nay tròn 100, còn tôi sanh năm 1936, thầy hơn tôi 13 tuổi, năm nay tôi cũng đã 87. Tính ra năm thầy dậy tôi cách đây đã đến 70 năm rồi. Ở cái thời mà ai cũng gọi người dậy học là “Thầy”, dù là từ lớp vỡ lòng cho đến hết lớp trung học chứ không gọi là “Giáo sư” như những năm sau này. Mà người đi học thì gọi là “Học trò” chứ ít ai gọi là “Học sinh”. Thầy dậy tại trường Chu Văn An năm nào, thì tôi được học thầy năm đó. Tôi không còn nhớ mấy năm, nhưng đọc tiểu sử của thầy, trên mạng Wikipedia cho biết thầy chỉ dậy ở trường CVA có một năm 52-53, sau khi thầy dậy ở Nam Định một năm 51-52. Trang mạng này, có ghi thầy di cư vào Nam năm 54, đoạn sau lại ghi thầy dậy trường Trần Lục tại Saigon năm 53-60. Tôi không nghĩ rằng hai trường Công Giáo Trần Lục và Hồ Ngọc Cẩn dọn vào Saigon trước năm 54.
05 Tháng Giêng 202311:09 CH(Xem: 13027)
Võ Tòng Xuân, sinh ngày 6 tháng 9 năm 1940 (tuổi con rồng / Canh Thìn), tại làng Ba Chúc trong vùng Thất Sơn, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Xuất thân từ một gia đình nghèo với 5 anh em. Học xong trung học đệ nhất cấp, VTX lên Sài Gòn sớm, sống tự lập, vất vả vừa đi học vừa đi làm để cải thiện sinh kế gia đình và nuôi các em... Miền Nam năm 1972, đang giữa cuộc chiến tranh Bắc Nam rất khốc liệt – giữa Mùa Hè Đỏ Lửa, Đại học Cần Thơ lúc đó là đại học duy nhất ở Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), được thành lập từ 31/03/1966 thời Việt Nam Cộng Hòa đang trên đà phát triển mạnh, và đã có khóa tốt nghiệp đầu tiên ra trường (1970). Võ Tòng Xuân đã được GS Nguyễn Duy Xuân (1970-1975) – là Viện trưởng thứ hai sau GS Phạm Hoàng Hộ (1966-1970), viết thư mời ông về phụ trách khoa nông nghiệp – lúc đó trường vẫn còn là có tên là Cao Đẳng Nông nghiệp, với tư cách một chuyên gia về lúa.