- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

TRỞ VỀ TỪ TẦNG … 14

01 Tháng Mười Một 202212:25 SA(Xem: 7462)
TrieuVu
Tác giả Triệu Vũ


TRỞ VỀ TỪ TẦNG … 14 
& CUỘC CHIẾN TRANH CỦA PHƯỚC ĐỨC.   

Triệu-Vũ      

I  -  THÁNG  TƯ  LẠI  VỀ .

Sáng sớm, ông bác sĩ quản lý vào phòng báo tin: sau khi hội ý với các bác sĩ chuyên khoa, tất cả đồng thuận để tôi xuất viện vào trưa hôm nay và một tháng sau trở lại tái khám. Thú thực, tôi mừng lắm, nghĩ mình đã được sinh ra lần thứ ba! Niềm vui lớn dâng trào, bay bổng! Tôi muốn la thật to, hét thật lớn - nhưng rất tiếc không thể làm được - cho mọi người, cho cả “thế giới” biết là tôi vừa sinh ra đời lần thứ ba! Lần đầu, vào lúc khởi diễn cuộc Thế Chiến Thứ Hai, Mẹ sinh tôi tại một làng quê thuộc Tỉnh Hải-Dương, miền Bắc Việt-Nam; lần thứ hai cách đây bốn mươi năm, là lúc tôi được phóng thích khỏi trại tù Vĩnh-Quang, một trong những nơi giam giữ các sĩ quan miền Nam, dưới chân núi Tam-Đảo thuộc tỉnh Vĩnh-Phú, cũng tại miền Bắc Việt-Nam. Và lần này, lần thứ ba được sinh ra, là ngày tôi xuất viện, sau một thời gian trị liệu nhiều “gian khổ”, “cam go” tại một bệnh viện nổi tiếng ở Houston, Texas. Thật tuyệt vời và kỳ diệu! Nhưng trong lịch sử loài người, từ cổ chí kim, có ai mới sinh ra mà đã 83 tuổi không nhỉ? Thế nào cũng có người cho rằng tôi đã giầu trí tưởng tượng và có một chút trào lộng chăng?  Chắc chắn không phải tưởng tượng hoặc nói cho vui; mà thực tế, như đã được thông báo, chỉ vài tiếng đồng hồ nữa là tôi được rời bệnh viện, về nhà tự chăm sóc, từ từ hồi phục…

Trên đường từ bệnh viện về nhà, xe chạy ngang khu thương mại của người Việt. Bây giờ là tháng Tư, thời tiết mới vào Xuân, bầu trời xanh cao, gió nhẹ; một vài cụm mây trắng mỏng lang thang. Những chùm lá xanh non trên hàng cây thấp bên đường, đang vươn lên đón nắng ấm. Rất nhiều cờ Mỹ và cờ Vàng ba sọc đỏ của Việt-Nam-Cộng-Hòa, cắm hai bên đại lộ, phất phơ theo làn gió như vẫy tay đón chào, khiến lòng tôi thấy nôn nao, man mác nhớ về những kỷ niệm khó quên năm nào. Thành phố Houston, nơi gia đình tôi định cư từ hơn ba chục năm qua, cách Saigon nửa vòng trái đất, có thời tiết và khí hậu dễ chịu nhất trong năm là tháng tư và tháng mười. Houston lại có hơn hai trăm ngàn người Việt sinh sống, khá đông, nên cứ mỗi độ tháng Tư về, Cộng Đồng lại tổ chức Lễ Tưởng-Niệm Ngày 30 tháng 4. Tháng Tư buồn năm ấy! Đã bốn mươi bẩy năm trôi qua, thời khoảng không phải là ngắn, gần nửa thế kỷ mà tưởng như mới hôm nào. Tháng Tư năm ấy, chính xác là Tháng 4 năm 1975, bạn ở đâu, bạn là một vị cao niên, trung niên, chủ gia đình, một tráng niên hay một học sinh, hay còn là một em bé nằm trong lòng Mẹ? Và bạn đã thấy gì, nghĩ gì? Cả chục triệu người, gia đình ly tán, nhà tan cửa nát, đau buồn, uất nghẹn, oán hờn và nguyền rủa. Người ta đưa hàng trăm ngàn người biệt xứ, lao động khổ sai, nơi rừng thiêng nước độc. Ngày tháng sau đó, biết bao người Việt đói ăn thiếu mặc; đau ốm không thuốc men, lại còn bị hành hạ tinh thần với chính sách hà khắc, bất công, phân biệt kỳ thị; nên  có hàng trăm ngàn người khác, mang nặng niềm đau đứt ruột, trốn chạy, rời bỏ quê hương yêu dấu, dù phải hy sinh mạng sống nơi biển cả, rừng sâu. Thảm cảnh này đã lay động, nhói buốt trái tim, tấm lòng nhân đạo của cả thế giới! … Cho nên gọi ngày 30 tháng 4 năm 1975 là ngày Quốc Hận và tháng 4-1975 là Tháng Tư Đen, thực hợp với lòng người và không có gì quá đáng. Nhưng cũng có người lại vỗ tay reo mừng ngày tháng này đấy bạn ạ!! Riêng tôi cũng như trong tâm khảm của bao người khác: Niềm đau vẫn còn đó, vẫn quặn thắt, vẫn xé nát tâm can. Người ta có thể tha thứ, nhưng không thể nào quên! ...

-“Tới nhà rồi Ba!”

Đang suy nghĩ miên man, lời nhắc nhở của con gái, kéo tôi về thực tại. Thực vất vả cho con gái! Gần một năm trời đưa đi, đón về, ra vào bệnh viện, lui tới tiệm thuốc, di chuyển từ phòng khám này tới khu xét nghiệm kia, từ tòa nhà này sang tòa nhà khác trong khu trung tâm y tế rộng lớn, nổi tiếng khắp thế giới. Hầu như suốt cuộc hành trình chữa căn bệnh nan y, quái ác, chỉ nghe tên cũng thấy “không vui”, con gái tôi lúc nào cũng có mặt, và thường trở về nhà riêng lo cho chồng con vào quá nửa khuya … Xe dừng lại trước đèn đỏ rồi rẽ vào khu “Rừng Thông”, có khoảng hơn ba trăm căn nhà xây dựng từ lâu, ẩn mình dưới những cây thông già cao vút. Nhà tôi trong khu đó, cũng có những cây thông già bao bọc, che chắn … Chiếc xe từ từ vào ga-ra. Vợ tôi, người bạn đời, người tôi thương quý từ hơn sáu mươi năm qua, nay gần tám chục tuổi, gầy ốm đi nhiều,  không chịu nhuộm tóc,  đứng chờ đón tôi ngay trước lối vào …

Vừa qua khỏi cửa, vào trong nhà, tôi ngạc nhiên hết sức. Tất cả bàn ghế, kệ tủ, vật dụng, sô-pha, máy móc điện tử, sách báo, tranh ảnh treo tường v.v đều xếp gọn về một bên. Những thùng giấy, túi nhựa loại lớn, chồng lên nhau … giống như một nhà kho tạm bợ, sắp xếp vội vàng, không thứ tự ngăn nắp cho lắm. Như nhìn thấu được suy nghĩ của tôi trước việc dọn dẹp trong nhà, vợ tôi nói nhỏ: “Các con tạm thu gọn lại mọi thứ để ông an toàn khi di chuyển.” Đúng thế, từ giường tôi nằm ra hành lang, ra cửa trước, cửa sau, không có một đồ vật gì trên lối đi .Căn nhà này, chúng tôi mua đã trên một phần tư thế kỷ, rất nhỏ, xây dựng cách đây hơn năm mươi năm, gồm ba phòng ngủ nhỏ, phòng sinh hoạt nhỏ, phòng ăn nhỏ.., chỉ có sân vườn khá rộng. Nhưng nơi đây đã thực sự là tổ ấm của vợ chồng tôi và năm đứa con. Những ngày các con còn ở chung, chưa học xong, chưa lập gia đình, như những chú chim non còn nương náu trong tổ ấm của mẹ. Thế rồi, thời gian qua mau, vào những ngày đẹp trời, các chú chim non đủ lông, đủ cánh, lần lượt rời xa, bay vào vùng trời bao la, xây đắp cho mình một cuộc sống đáng sống trên vùng đất của “cơ hội”, hay còn có thể gọi là quê hương thứ hai … Nhưng khi rời nhà Bố Mẹ ra ở riêng, các con tôi, không biết vô tình hay cố ý đã “quên” không mang theo những vật dụng cá nhân, quần áo, giầy dép, va li, túi xách v.v  đặc biệt không mang theo những chiếc máy điện toán cũ kỹ, thô kệch, những cuốn sách giáo khoa bìa cứng và dầy, những tập giấy làm bài, có ghi tên họ; nhiều và nặng lắm, tích lũy từ những năm học trước khi tốt nghiêp… Bảo rằng đây là một “nhà kho” cũng không sai. Lại có hai ông bà thủ kho, tuổi già sức yếu, không đủ sức xếp dọn cho ngăn nắp; không biết vứt bỏ thứ nào, giữ lại những gì, nên căn nhà trở thành chật chội, lộn xộn, ngổn ngang. Đôi lúc cảm thấy hơi “lúng túng, ngượng ngùng” mỗi khi có khách đến thăm …

Đã gần một năm ra vào bệnh viện, nay được thực sự nằm trong căn phòng ở nhà mình, tôi đã phần nào tìm lại cảm giác yên bình, thư giãn; lòng nhủ thầm mình thực có phước và may mắn quá, được xuất viện về nhà, đặc biệt hơn nữa đã về nhà trước cuối tháng “Tư”; không như bốn mươi bẩy năm trước, trong lúc Saigon tháng Tư hoang mang, trông chờ, sôi sục, hỗn loạn, tôi lại chậm chân, không kịp về nên tới ngày nay còn ân hận… Niềm đau “Tháng Tư không kịp về” theo tôi mãi, có lẽ theo tôi suốt đời, sang tận bên kia thế giới!

Thấm thoắt về nhà đã hai tuần lễ. Bây giờ, khi di chuyển, tôi dùng cây gậy (cane) không cần ngồi xe đẩy, xe lăn và vẫn phải đeo kính đen chống nắng, loại kính đặc biệt do bệnh viện cung cấp. Chắc phải vài tháng nữa tôi mới dám lái xe. Những lời dặn dò và khuyến cáo của bác sĩ trước khi xuất viện, vẫn còn trong trí nhớ. Ví dụ như nên sinh hoạt bình thường, không nên nằm nhiều trong phòng; an toàn tối đa trong di chuyển, không để bị té ngã; khi tiếp xúc với bên ngoài phải cẩn thận vì hệ miễn dịch còn rất yếu; dinh dưỡng đầy đủ để tăng hồng huyết cầu v.v, tôi hầu như thực hành nghiêm chỉnh! Ngoài ra một lời khuyên tôi thấy có ý nghĩa và hữu dụng nhất, là sống vui và đừng nghĩ mình đã bị bệnh!!

Trong thời gian điều trị, tôi đã không thể trả lời điện thoại của người thân và bè bạn xa gần. Liên lạc với sinh hoạt bên ngoài hoàn toàn gián đoạn. Hơn nữa, tôi không muốn mọi người “suy nghĩ” về bệnh tình của tôi, một căn bệnh mà hiện nay các nhà khoa học đang nghiên cứu, tìm thêm phương thuốc trị liệu khác, ngoài xạ trị và hóa trị …

Đôi khi suy nghĩ lẩn thẩn rằng cả chục năm tôi chưa hề bị bệnh tật gì, ngoài việc cứ sáu tháng đi “kiểm tra” đôi mắt hoặc đến văn phòng bác sĩ gia đình khám theo định kỳ; cân đo đong đếm, thử máu, thử nước tiểu, đo nhịp tim và đã gửi đi chụp hình phổi, soi ruột v.v Tất cả tốt, không có dấu hiệu gì cần lưu ý. Với tuổi đời khá cao, tình trạng sức khỏe tổng quát tạm ổn, tưởng rằng sẽ an vui trong tuổi già …Nào ngờ…tôi mắc một căn bệnh, nó không phải chợt đến chợt đi, mà từ xa xưa, dân gian thường xếp vào loại “Trời kêu ai người nấy dạ” và sự thật, tôi đã trải qua một cuộc “hành trình” dài ngày, nhiều cam go, gian khổ để chữa căn bệnh nan y, hiểm nghèo, quái ác này…

 

II  -  H À N H   T R Ì N H   C H ỮA   B Ệ N H .

 Nhớ lại buổi chiều đầu hè hôm ấy, trời vẫn còn nắng nóng, trên đường lái xe về nhà, tôi cảm thấy đôi mắt có vẻ mệt mỏi, tầm nhìn như bị hạn chế, cứ phải chớp mắt liên tục. Những ngày tiếp theo, tôi vẫn lái xe nhưng thỉnh thoảng có nhiều gợn mây rất mỏng, tựa như những con muỗi, con ruồi nhỏ, bay lượn qua lại trước mắt. Sau đó, tôi liên lạc văn phòng bác sĩ đã từng mổ cườm mắt cho tôi cách đây hơn mười năm và cứ sáu tháng trở lại tái khám; tôi đã gọi xin một cuộc hẹn, nhưng thực không vui và một chút lo lắng, khi văn phòng cho biết ngày hẹn của tôi là một tháng sau. Thấy mình vẫn còn lái xe được nên hoàn toàn không nghĩ tới việc đến một bác sĩ mắt khác… Nhưng chỉ vài ngày sau, lúc điều khiển xe, theo thói quen, trước khi đổi làn đường, tôi phải nhìn sang trái hoặc phải. Nay lạ quá! Nghiêng đầu sang bên nào, tôi cũng không thấy được gì và phải cố gắng, khó khăn nhìn kính chiếu hậu. Tôi không lái xe lúc tối trời hoặc ban đêm nữa và gọi ngay đến văn phòng bác sĩ, trình bầy là mắt của tôi có “vấn đề lớn”,  xin được khám sớm hơn. Vậy mà phải hai tuần sau mới có cuộc hẹn …

Kể từ đây, gia đình không muốn tôi lái xe. Và ngày hẹn đã đến, con gái tôi xin công ty cho nghỉ để đưa tôi đến phòng khám. Sau khi qua những thủ tục cần thiết, tôi theo một nhân viên vào phòng chụp hình mắt. Như mọi khi, người ta nhỏ hai, ba loại thuốc nước vào mắt trước khi chụp. Hôm nay không hiểu sao, việc chụp hình không xuông xẻ, thuận lợi, khác với những lần trước. Nhân viên đi ra đi vào, thay nhau chụp đi chụp lại. Họ nhìn nhau, trao đổi những câu nói rất nhỏ. Vài phút sau, tôi được đưa đến một phòng khác để chờ bác sĩ tới khám.

Cánh cửa phòng vừa mở, bác sĩ Ec. nhanh nhẹn bước vào, theo sau là một nữ nhân viên với máy điện toán nhỏ - Ipad - trên tay. Ông bác sĩ yêu cầu tôi để cằm và tựa trán vào chiếc máy khám mắt quen thuộc, Ông ngồi đối diện, quan sát mắt tôi qua một hệ thống quang điện học tối tân và ra hiệu tôi nhìn lên, nhìn xuống, rồi nhìn phải, nhìn trái; hết mắt này tới mắt kia. Thỉnh thoảng ông nhìn vào màn ảnh lớn máy vi tính, đặt trên bàn, ngay bên cạnh. Chừng vài phút sau, đẩy máy khám qua một bên, ông đứng dậy, hỏi tôi:

-“Sao Bác không đến khám sớm hơn?”

Một thoáng ngạc nhiên và linh tính cho tôi biết có điều gì không bình thường, vội trả lời:

-“Tôi gọi cách đây một tháng, nhưng văn phòng của bác sĩ không cho tôi cuộc hẹn sớm, như tôi đã yêu cầu!”

-“Cháu sẽ gửi Bác đến một Bác sĩ chuyên khoa võng mạc. Ngày mai Bác đến gặp bác sĩ La. Văn phòng đây sẽ lấy hẹn cho Bác…”

            Ngồi trong phòng chờ đợi lấy giấy hẹn, lòng tôi hoang mang, mơ hồ… Qua khung cửa sổ, những hàng cây xanh ngoài bãi đậu xe chìm trong màn sương trắng mỏng, tạo nên một bức tranh mùa thu man mác, dù rằng trời đang vào hạ, chưa sang thu. Nghe tôi khen cảnh đẹp ngoài trời, một chút lo lắng, con gái hỏi:

-“Bên ngoài đang mưa nhẹ mà Ba! Ba không nhìn thấy trời mưa sao?”

Ngay lúc ấy, người ta gọi tên tôi, đến lấy giấy hẹn…

Sáng hôm sau, trên đường chở đến bác sĩ La, con gái cho biết đã liên lạc với cô em út tôi ở miền nam bang Ca-li. Cô là một bác sĩ, có nhiều kinh nghiệm trị bệnh cho người già và thực may mắn, phước đức, hai cô cháu đã lo cho tôi suốt cuộc hành trình chữa mắt này! Phòng khám của bác sĩ La nằm trong khuôn viên một bệnh viện lớn, cách trung tâm thành phố khoảng hai chục dặm, lại có những phòng xét nghiệm máu, phòng quang tuyến v.v ở cùng một tòa nhà, rất thuận tiện. Tôi có mặt trước giờ hẹn khoảng một tiếng đồng hồ. Hôm nay bác sĩ La cũng khám mắt giống như bác sĩ Ec làm hôm qua nhưng đặc biệt có thêm siêu âm. Ông yêu cầu tôi nhắm mắt, rồi thoa một chất lỏng xung quanh hai mắt, xong ông dùng hệ thống rà soát, đưa vòng theo hốc mắt, mí mắt nhiều lần. Ông chăm chú quan sát trên màn ảnh của máy điện toán, rồi chậm rãi và tự tin cho biết:

-“Phía sau hai bên mắt của Bác, giáp với võng mạc, bị sưng! Cháu tiêm thuốc và sẽ viết toa mua thuốc nhỏ mắt”.

 Bác sĩ La cũng trao đổi với cô em tôi qua điện thoại, về bệnh tình mắt của tôi. Sau đó, ông dùng loại dụng cụ đặc biệt, kẹp vào hai mí, để mở lớn tối đa tròng mắt. Ông đã bôi thuốc tê trước khi chích vào phần cơ vòng xung quanh mắt, mỗi bên hai mũi; tôi thấy hơi bị xót, mặt nhăn nhó, nhưng không đau. Con gái tôi có mặt trong phòng, không dám trực tiếp nhìn những động tác của bác sĩ. Tiêm xong, gỡ dụng cụ kẹp mí mắt, trước khi rời phòng ông yêu cầu:

-“Lát nữa Bác chụp hình phổi và thử máu ở lầu một, tuần sau cháu gặp lại Bác.”

Tôi đã làm theo lời dặn và một tuần sau trở lại. Bác sĩ nói mới nhận được kết quả thử máu. Kiểm tra mắt của tôi xong, ông bảo hãy tiếp tục nhỏ thuốc và hẹn hai tuần sau tái khám. Đúng hẹn, tôi trở lại, bác sĩ La khám xong, ông cho biết diễn tiến tốt nhưng vẫn chưa có kết quả chụp hình phổi (?), thuốc tiêm trước đây vẫn còn trong mắt, về tiếp tục nhỏ thuốc nước, bốn tuần sau trở lại. Con gái tôi phân vân, không hiểu sao chụp hình phổi đã lâu, chưa có kết quả và muốn biết tại sao mắt đau lại liên hệ đến phổi? Bác sĩ La giải thích lao phổi có thể ảnh hưởng đến mắt và ông hứa yêu cầu văn phòng liên lạc lấy kết quả chụp phổi! Ngay hôm sau, bác sĩ La đích thân gọi điện thoại cho biết, kết quả chụp hình phổi không có gì ảnh hưởng đến mắt của tôi. Trong khi ấy, mỗi ngày tôi đã có thể nhìn cảnh vật rõ hơn. Vui hơn nữa là khoảng tuần lễ sau, lái được xe!  Được biết bác sĩ La đã chích loại thuốc chống sưng, lại cho toa mua thuốc nước nhỏ mắt, kể cả nước mắt nhân tạo. Lòng mừng thầm, tôi nghĩ biết đâu chừng đã gặp đúng thầy đúng thuốc và hy vọng mọi chuyện sẽ êm xuôi.

Trong khi chờ ngày tái khám, tôi có chút thời giờ lái xe đó đây gặp gỡ người thân, họp mặt bạn bè, lui tới cà phê, hoặc đưa vợ đi chợ hay ghé thăm các con các cháu. Và thực bất ngờ, dịp này có anh bạn tù Phạm-Đức-Vượng, từ San Jose, bang Cali bay sang; Vượng là người đã chứng kiến ngày đầu tiên tôi vào tù và chứng kiến ngày tôi được phóng thích, mà tôi gọi là ngày sinh ra đời lần thứ hai…Tôi vẫn nhớ, mùa hè bốn mươi sáu năm trước, 1976, cả trăm ngàn tù nhân phải khổ sai biệt xứ, đưa từ miền Nam ra vùng thượng du Bắc-Việt. Vượng và tôi nằm trong số gần năm trăm tù nhân, cựu sĩ quan miền Nam chuyển tới trại 5, dưới chân núi Hoàng-Liên-Sơn trưa ngày 2 tháng 7. Gọi là “trại” nhưng thực ra chỉ gồm ít túp lều thấp lè tè, bốn phía không vách che chắn, dựng tạm trên một bãi đất trống… Hôm sau, ngày lao động đầu tiên, lên rừng đốn cây về dựng trại; một nguời tù vác cây gỗ dài, vô ý quay ngang, cây quẹt vào mắt tôi, mí mắt rách, chảy máu và sưng húp. Vượng đã ân cần săn sóc cho tôi chu đáo. Chưa hết, ít năm sau, khi chuyển về trại giam Vĩnh-Quang, dưới chân núi Tam-Đảo; vì thiếu ăn, sức yếu, lại lao động cực khổ, tôi bị cây đè lên bàn chân. Vết thương không nặng nhưng kết quả, một nửa bàn chân của tôi đã bị cắt “oan uổng” và để lại dưới chân núi Tam-Đảo thuộc tỉnh Vĩnh-Phú xa xôi ấy.. Một điều khá đặc biệt là trong hoàn cảnh tù đầy, khó khăn lúc đó, không biết cách nào mà Vượng kiếm được cho tôi ít viên thuốc kháng sinh “tê tơ-ra” và làm cho tôi một cây nạng gỗ rất đặc biệt; chúng tôi đặt tên “chiếc nạng ân tình”, “nó” theo tôi sang đất Mỹ, đến bây giờ vẫn giữ làm kỷ niệm …Thực tiếc quá, Vượng sang Houston lần này, không có thuốc men, không có băng gạc để băng bó bảo vệ mắt tôi; anh sang đây với danh xưng “diễn giả” trong một buổi hội thảo. Tôi không kể anh nghe chi tiết việc đi chữa mắt trong gần hai tháng vừa qua, chỉ vui đùa: Mắt của tôi dạo này không được tốt, có vấn đề, hình như “hỏa nó bốc”! ...

Tính ra, bác sĩ La đã trị liệu cho tôi được gần hai tháng. Mỗi lần tái khám, bác sĩ La đều trao đổi với cô em tôi qua điện thoại. Hôm nay đến hẹn tái khám lần thứ tư. Tôi vui vẻ trình bầy là mắt của tôi có phần khá hơn. Tuy rằng vẫn còn lờ mờ bay lượn mấy đốm đen như con ruồi con muỗi, tôi nhìn mọi vật đã rõ hơn; ban ngày tôi có thể lái xe được, dĩ nhiên không đi trên xa lộ cao tốc. Ánh mắt bác sĩ La như hiểu được và chia sẻ niềm vui của tôi; ông ngồi vào trước máy khám mắt như thường lệ. Nhưng lần này ông khám khá lâu, cứ rọi những ánh đèn cực sáng vào mắt và yêu cầu tôi đưa mắt sang trái, sang phải, lên xuống nhiều lần. Rồi với vẻ nghiêm trọng trên nét mặt, ông cho biết:

-“ Cháu thấy tệ hơn, không phải khá hơn !”

Tôi hơi ngạc nhiên và bối rối, bác sĩ La nói tiếp:

-“Có những cục u nhỏ đang phát triển phía sau mắt phải! Trước khi lấy mẫu gửi xét nghiệm (biopsy), cháu muốn có một ý kiến thứ hai.” Ông  tiếp :

-“Văn phòng sẽ lấy hẹn, ngày mai Bác đến gặp bác sĩ Sta. Việc lấy mẫu gửi đi xét nghiệm, cháu có thể làm ở bệnh viện.”

Một chút hoang mang, lo âu và tôi cảm thấy việc chữa trị có lẽ chuyển sang hướng mới, nhiều phức tạp, không đơn giản! Cô em tôi cũng đã được thông báo việc này. Nghĩ tới đoạn đường sắp tới của cuộc hành trình chữa bệnh mắt, lòng tôi buồn vui lẫn lộn và càng bối rối hơn khi bác sĩ La cho biết “Gửi mẫu xét nghiệm cũng chưa chắc tìm ra nguyên nhân”…

Bác sĩ Sta cũng là bác sĩ chuyên về võng mạc. Hầu hết những động tác, khám nghiệm, hướng dẫn, yêu cầu đều giống bác sĩ La đã làm. Cũng là việc đo thị lực, đo áp xuất, nhỏ thuốc giãn nở đồng tử, rồi chụp hình ở nhiều phía của tròng mắt và làm siêu âm. Sau cùng, bác sĩ Sta có chung nhận định với bác sĩ La, lấy mẫu khối u và chất dịch trong mắt, gửi viện ung thư để xét nghiệm.

Biết rằng đây là những dấu hiệu, triệu chứng căn bệnh nguy hiểm đến đôi mắt, cô em tôi đề nghị nếu muốn khám, chữa trị mắt ở một bác sĩ khác và tiện việc em tôi theo dõi, hỗ trợ, tôi nên sang bang Cali. Tôi đang phân vân, chưa biết quyết định thế nào; đúng  lúc ấy, người em trai của con rể tôi là một bác sĩ giải phẫu đã giới thiệu một nhóm bác sĩ nổi tiếng tại Houston, chuyên trị bệnh về mắt từ A tới Z, mà trưởng nhóm điều hành là nữ bác sĩ tên A.Sh. Đặc biệt đây là một trong số rất ít vị bác sĩ chuyên trị ung thư mắt. Lòng tôi lo lắng hoang mang và tự hỏi không lẽ bệnh tình mắt tôi nghiêm trọng vậy sao? Chỉ là nhiễm trùng và sưng tấy đã biến thành “ung thư” sao? Tôi đã thực sự cảm nhận được cuộc hành trình chữa trị sắp rẽ sang một cung đường khác…

Hồ sơ hành chánh cho việc trị liệu còn có công việc phụ như xác định việc chi trả của bảo hiểm. Thông thường, bác sĩ gia đình “đề nghị” bệnh nhân nên ghi tên vào chương trình bảo hiểm y tế mà văn phòng bác sĩ cộng tác. Nhưng trường hợp của tôi, Trung Tâm Ung Thư – cũng như văn phòng bác sĩ Sta - không nhận bảo hiểm hiện có! Do vậy tôi phải trở lại bác sĩ gia đình, “năn nỉ” cho tôi ra khỏi chương trình bảo hiểm hiện tại. Đây cũng là một kinh nghiệm, một điều nên lưu ý, khi ghi tên gia nhập một công ty bảo hiểm sức khỏe.. Ngoài ra tôi còn làm một giấy ủy quyền cho cô em, được quyết định những vấn đề chăm sóc y tế của tôi, khi cần thiết. Thực may mắn, moi việc cũng qua, không trở ngại gì…

Thế là kể từ nay, việc chữa mắt của tôi, coi như khởi đầu từ văn phòng bác sĩ A.Sh. Tôi lại phải trải qua những kiểm nghiệm từ đầu. Từ kiểm tra tim mạch đến thử máu v .v Ngoài ra bác sĩ cho biết vì mắt rất gần não bộ nên gửi đi chụp hình cắt lớp (MRI) não bộ và chụp rà soát toàn thân, trước khi lấy mẫu khối u và chất dịch trong mắt gửi đến Trung tâm xét nghiệm ung thư. Và cũng kể từ thời điểm này, cô em út, ngoài việc liên lạc với bác sĩ qua điện thoại, hàng tuần còn bay về Houston để trực tiếp trao đổi với nhóm bác sĩ chuyên khoa trong suốt hành trình chữa trị.

Nhớ lại lúc chụp MRI não, hoặc rà soát toàn thân; tôi cứ tưởng giống như lúc đến phòng quang tuyến X để chụp hình phổi, chỉ đứng áp sát ngực hoặc tựa lưng vào một tấm bảng rồi hít vào và nín thở. Thời gian khoảng vài chục giây là chụp xong. Hôm nay, người ta yêu cầu tôi nằm trên một cái bàn, nhắm mắt lại. Một chiếc mền trắng phủ từ chân lên đến cổ; Người ta dùng miếng nhựa che kín cả hai mắt và để vật cản âm thanh áp sát hai bên tai. Tôi chưa chụp MRI lần nào, cũng chưa nhìn thấy hình dáng máy chụp ấy ra sao. Tuy vậy, khi máy làm việc, những tiếng kêu cành cạch kình kịch liên tục âm vang trong đầu; tôi tưởng như mình nằm trên một toa xe lửa chạy bằng than đá ở thế kỷ trước. Có khi những tiếng động ròn rã, vang vang trong đầu, như những tràng đạn từ họng súng liên thanh ngoài trận địa, hoặc giống những tiếng búa đập chát chúa trên đe của bác thợ rèn, tựa như một cảnh tra tấn trong phim ảnh. Tôi không biết phải mất bao nhiêu phút mới chụp xong. Nhưng với tôi, một phút trong lúc này cũng là lâu lắm rồi… Sau đó, tôi lại được gửi đi thử máu, đo nhịp tim, chuẩn bị giải phẫu mắt để lấy mẫu. Tinh thần tôi lúc này có phần thụ động, làm theo mọi hướng dẫn, yêu cầu và nghĩ rằng may mắn đã có cô em út và con gái lo liệu mọi việc…Tôi đã đặt tất cả niềm tin vào cô em bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm chữa trị toàn khoa, đặc biệt về người cao niên…

 

III  -  LẤY  MẪU  XÉT   NGHIỆM .

Rồi việc gì đến, đã đến. Hôm nay là ngày giải phẫu mắt, lấy mẫu. Dù đã được giải thích, rằng không nên lo lắng quá, đây là công việc bình thường thôi, không đau đớn gì cả; nhưng sao tôi vẫn không yên lòng. Ngồi trên ghế của bệnh nhân chờ bác sĩ đến khám, lòng nghĩ thầm không may mà mắt của tôi …Tôi chỉ nghĩ không may thôi, vì có gì để bảo đảm an toàn trăm phần trăm đâu. Từ lâu rồi, vẫn thoáng bên tai, có người ví von “đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”. Tôi không biết nó là cửa sổ hay cửa ra vào, chỉ đơn giản nghĩ rằng mắt là một giác quan rất nhạy cảm, hệ trọng và rất tuyệt vời! Chỉ một hạt bụi nhỏ, chỉ một sợi lông mi rơi rụng vào mắt hoặc một tia nắng gắt, một làn gió trái chiều cũng làm mắt khó chịu, không bình thường …Nếu chẳng may, bây giờ mắt nhìn thấy tất cả phía trước toàn là mầu đen, chỉ một màu đen thôi, thế là bao nhiêu cảnh đẹp của tạo vật như biển trời bao la, núi rừng hùng vĩ, ruộng đồng bát ngát, bình minh hoàng hôn, con người muông thú, thời gian không gian v.v  đã bị cuốn hút vào “hố sâu” đen tối, thăm thẳm đó sao? Thực không còn gì buồn hơn!..

Có tiếng gõ cửa; Bác sĩ A.Sh.vào phòng, theo sau là hai nữ nhân viên. Con gái và cô em tôi cũng có mặt, họ trao đổi với nhau rồi cho biết hôm nay gây mê để giải phẫu lấy mẫu mắt phải, còn mắt trái nhẹ hơn, để tuần tới. Tôi được đưa sang phòng giải phẫu ở kế bên. Người nhà bệnh nhân không được vào theo…Chiếc ghế tôi ngồi được ngả ra sau, mặt hướng lên trần nhà. Tôi chỉ còn nhìn được bên phải là bác sĩ đeo khẩu trang, đội mũ vải trắng, ôm sát da đầu để che tóc; bên trái có túi nhựa nhỏ đựng một dung dịch, treo trên cây giá bằng kim loại…Rồi tôi thiếp đi, chìm vào giấc ngủ. Khi tỉnh lại mắt phải của tôi không nhìn thấy gì và được che kín lại. Phản xạ tự nhiên, tôi đưa tay lên mắt, chạm phải một miếng nhựa lớn, đặt ngoài lớp băng gạc dầy, áp sát che kín hốc mắt; phía ngoài cùng, có băng keo dính vào da mặt nên không sút ra được. Đúng là không đau đớn và cũng bình thường như đã được nhắc nhở .. Trước khi ra khỏi phòng, bác sĩ A.Sh yêu cầu ngày mai trở lại để kiểm tra. Bà đặc biệt lưu ý: tuyệt đối không nằm ngửa, chỉ nằm nghiêng, mắt giải phẫu hướng lên trên. Dĩ nhiên vì bảo vệ tối đa cho mắt nên khi ngủ trên giường, tôi có đủ cả gối chặn phía sau lưng, gối ôm trước bụng để lúc nào cũng giữ thế nằm nghiêng. Đôi lúc tôi cười thầm tự chế nhạo, 83 tuổi mà nằm ngủ giống một em bé. Tư thế này khiến tôi nhớ lại lúc các con tôi còn nhỏ, nằm ngủ là phải có một gối ôm phía trước, mốt gối chặn sau lưng và một chiếc khăn lông dầy đắp ngang người…

 Đúng hẹn, hôm sau tôi đến tái khám; sau khi lấy miếng nhựa và băng che mắt bên phải của tôi ra, bác sĩ A,Sh mở đèn cực sáng đã gắn sẵn trên trán, rọi vào mắt tôi, quan sát rất kỹ. Sau khi tắt đèn, bà lấy một miếng nhựa che mắt trái tôi và đưa bàn tay lên rồi hỏi “mấy ngón tay”? Trước mắt tôi, may mắn làm sao, không phải là hố đen sâu thẳm, không phải là năm ngón tay trên một bàn tay, rõ ràng là có hai ngón, đúng là hai ngón tay.Tôi đã nhìn được rồi!  Vui mừng quá,  thực nhanh, tôi la lớn: “HAI”. Có những tiếng cười vui thích thú quanh đây. Tôi còn ngơ ngác, bác sĩ bảo “Tốt”. Hóa ra mọi người cười vui vì bác sĩ đưa lên một ngón tay, nhưng tôi lại tự tin và “hùng dũng” trả lời…sai! Bà bác sĩ cho biết đây là trạng thái bình thường, 24 giờ sau khi giải phẫu. Bà nói thêm mắt tiến triển tốt đồng thời nhắc nhở giữ tư thế ngủ nghiêng, mắt đau hướng lên trên và hẹn ba ngày sau trở lại. Bà còn nhắc nhở ghé văn phòng lấy giấy hẹn và toa mua thuốc nhỏ mắt … Hôm nay, văn phòng còn đặc biệt tặng tôi một kính đeo mắt, to và thô; gọng và mắt kính bằng nhựa màu đen xậm, giống kính của thám tử, điệp viên hoặc nhân viên mật vụ. Thế là từ giờ, mắt phải của tôi đã bị che kín, tôi chỉ nhìn cảnh vật bằng con mắt trái; di chuyển phải cần cây gậy giúp sức và có lẽ còn lâu lắm mới lái xe. Tôi nhớ đến những lúc lái xe xuống phố, lái xe ra chợ, lái xe đến thăm các con các cháu…

 Rồi ngày hẹn đã tới, tôi đến văn phòng bác sĩ, lòng hoang mang khó tả. Nhiều khi tôi nghĩ mình đã ở thế bị động, không khác một toa tàu của chuyến xe lửa, chuyển động hay dừng nghỉ là do đầu máy kéo điều khiển. Sau khi kiểm tra mắt phải của tôi, lần này bà bác sĩ không đưa ngón tay lên để hỏi mấy ngón; bà hỏi tôi nhìn thấy gì không? Tôi tả lại rất trung thực: “Trước mắt tôi là màn trắng đục, che kín mắt; đặc biệt có một giải băng màu đen vắt ngang, chạy từ đầu tới đuôi mắt, giống như một xa lộ băng ngang cánh đồng tuyết vào giữa mùa đông.” Bà bác sĩ cho biết mọi việc tốt, tiếp tục nhỏ thuốc, tuần sau có thể lấy mẫu mắt trái và không quên nhắc nhở giữ đúng tư thế nằm nghiêng. Trên đường về tôi suy nghĩ miên man, không biết hành trình chữa trị còn bao nhiêu thác ghềnh và kéo dài tới đâu?….

Một tuần sau, trong tâm trạng lo lắng ưu tư và cơ thể phần nào mỏi mệt, tôi trở lại tái khám và giải phẫu lấy mẫu bên mắt trái. Không mệt mỏi sao được khi suốt một tuần lễ chỉ nằm nghiêng, không được trở mình hoặc thay đổi thế nằm. Cơ thể của một người cao tuổi như tôi đã có những biến đổi tâm sinh lý khác thường, từ giấc ngủ không sâu, chỉ chợp mắt khoảng vài chục phút đã thức giấc, đến tư thế nằm nghiêng khi ngủ, không trở mình, không nằm ngửa. Khớp xương tay chân đau nhức, hơi thở dồn dập v.v Nhưng tôi vẫn chịu đựng và nghĩ rằng đây chỉ là bước chuẩn bị, thu thập các dữ liệu cần thiết. Chuẩn bị tốt mới hy vọng đạt thành quả tốt …Thế rồi hôm nay, sau khi tháo miếng nhựa và băng che mắt phải của tôi, bác sĩ hỏi có nhìn thấy gì không? Oh My God !Trời ơi! Cái giải băng màu đen chạy từ đầu tới đuôi con mắt, giống một xa lộ, nay biến thành dòng sông lớn tựa một tấm kính, một chút mờ mờ đục, nhưng qua tấm kính ấy, tôi có thể nhìn thấy khá rõ những gì phía trước và đã trả lời chính xác khi bà bác sĩ đưa 1 hay 2 ngón tay lên…Bác sĩ cho biết: “Mọi việc rất tốt” rồi bà nói với y tá đưa tôi qua phòng giải phẫu. Một chút vui vui trong lòng! Vì mắt trái không nặng bằng mắt phải, nên hôm nay không gây mê, chỉ chích thuốc tê. Khi ghế tôi ngồi ngả ra phía sau, tôi chỉ nhìn được hình ảnh cũ: chiếc khẩu trang và cái mũ vải nhỏ trùm trên đầu bà bác sĩ…Sau khoảng thời gian không lâu, việc giải phẫu lấy mẫu ở mắt trái hoàn tất, rồi băng kín lại. Tôi không cảm thấy đau đớn, chỉ thấy hơi bị ê và không nhìn thấy gì vì đã bị che kín giống lần giải phẫu mắt phải. Trước khi ra khỏi phòng, bác sĩ lại nhắc nhở là nằm nghiêng và ngày mai trở lại tái khám. Cô em út và con gái tôi chờ đón bên ngoài, rất vui vì biết tôi sắp sửa vượt qua được giai đoạn “chuẩn bị” của cuộc hành trình chữa trị …Tuy là vui trong lòng nhưng tôi vẫn không biết bác sĩ đã làm gì trong lúc gọi là “giải phẫu mắt” để lấy mẫu? Con gái tôi cho biết: Hôm trước bác sĩ đã nói sơ qua và cho xem tiến trình trên màn hình của máy điện toán. Người ta dùng loại kim đặc biệt, xuyên thẳng vào khối u phía sau mắt, cắt một chút làm mẫu và một kim khác lấy chất dịch trong lòng mắt gửi đi làm biopsy. Hình như tiếng Việt gọi biopsy là “sinh thiết”? Tôi chưa nghe từ ngữ này bao giờ!..

Một ngày qua mau, sáng nay tôi đến để bác sĩ kiểm tra cả hai mắt. Cứ mỗi lần nghe bác sĩ nói “tốt” là niềm hy vọng trong tôi lại dâng cao. Hôm nay, sau khi khám xong, bà bác sĩ không hỏi gì, không đưa ngón tay trước mắt tôi, bà nói “tốt” và thêm “rất tốt”. Bà còn trao đổi với cô em và con gái, tôi chỉ loáng thoáng nghe được “mọi việc diễn tiến rất thuận lợi”, ba ngày sau trở lại. Thế là việc lấy mẫu gửi xét nghiệm đã xong ... Đúng hẹn, ba ngày sau, tôi trở lại. Lần này, bà bác sĩ tháo băng che mắt và khám lâu hơn, đặc biệt chụp hình toàn diện cả hai mắt, từ nhiều phía. Bà còn giải thích để tôi yên lòng là mắt bị ngứa hoặc thấy chẩy nước mắt, cứ yên tâm, nguyên nhân do những vết mổ chưa lành. Bà còn cho biết hồ sơ đã hoàn tất, sẽ chuyển đến văn phòng bác sĩ Pi tại Trung Tâm Ung Thư và đã lấy hẹn cho tôi, một tuần sau đến đó. Bà không quên nhắc nhở nhỏ thuốc đều đặn và khi ngủ  hãy nằm nghiêng ...

Tôi có một tuần lễ nghỉ ngơi và có thời gian chuẩn bị cho đoạn đường mới của cuộc hành trình. Suốt ngày quanh quẩn trong nhà, đi ra đi vào; tôi thèm và nhớ không gian bên ngoài. Tôi nhớ con phố đông người và xe cộ. Tôi nhớ quán cà phê mà thứ bẩy nào cũng gặp gỡ thân tình với những người cùng trang lứa. Tôi nhớ những ngôi nhà, mái ấm của các em và các con cháu …Tiếc thay, bây giờ nơi xa nhất mà tôi tới được chỉ là sân vườn phía sau; lại nữa, dù trong nhà hay ngoài sân, cảnh vật  toàn là một màu xám xanh! Không phải ai đó đã nhuộm màu cho tạo vật mà chính vì cặp kính “thám tử, điệp viên” màu đen, thô kệch, bác sĩ tặng hôm nào và yêu cầu tôi phải mang thường trực để bảo vệ đôi mắt. Tuần lễ trước nằm ngủ nghiêng, mắt phải hướng lên trên; tuần này ngược lại. Dù cơ thể mệt mỏi nhưng tôi vẫn cố gắng vượt qua…

Thời gian trôi nhanh quá! Bây giờ trời đã chớm đông. Những ngọn gió mùa đông bắc mang theo khí lạnh tràn về. Hàng cây lớn hai bên đường vươn những cánh tay khẳng khiu gầy, lên bầu trời nhiều mây xám đục. Người dân thành phố giăng đèn, kết hoa đón mừng Giáng Sinh và Năm Mới. Riêng tôi thầm nghĩ rằng không biết các ông bà bác sĩ sẽ đưa tôi về đâu? Cuộc hành trình chắc còn nhiều bất ngờ, bất ngờ còn tạm được, xin đừng có bất trị!.. Hôm nay, đến hẹn, con gái đưa tôi đến văn phòng bác sĩ Pi nằm trong Trung tâm ung thư, ở tầng 14 của một bệnh viện lớn, nổi tiếng trên thế giới. Bác sĩ Pi vào phòng khám, đội ngũ theo sau hùng hậu; ngoài một bác sĩ y khoa đang thực tập, có thêm hai y tá mặc đồng phục xanh dương. Ông cho biết đã duyệt toàn bộ hồ sơ bệnh lý và đã có kết quả xét nghiệm mẫu lấy từ hai mắt là “dương tính” (+). Không nghi ngờ gì nữa! Tôi đã bị ung thư hai bên mắt! Lòng tôi trùng xuống, hoang mang và hoàn toàn thụ động. Qua điện thoại, bác sĩ Pi trao đổi với cô em tôi khá lâu. Được biết việc chữa trị ung thư hiện nay chưa có phương cách nào hữu hiệu hơn là xạ trị và hóa trị. Tùy theo tình trạng sức khỏe, có những bệnh nhân xạ trị và hóa trị song hành, có nghĩa là hóa trị và xạ trị xen kẽ nhau; riêng tôi là một bệnh nhân lớn tuổi, bác sĩ Pi đề nghị tôi làm xạ trị xong, nghỉ một vài tuần, nếu tình trạng sức khỏe cho phép, sẽ hóa trị. Ông cho biết thêm ung thư mắt của tôi rất hiếm gặp, bệnh này có dạng của loại ung thư hạch và đặc biệt hơn nữa, nó được chính thức chữa trị hiệu quả mới được 50 năm!..Tôi chỉ là một người bình thường, vốn liếng y học là con số không to lớn, tôi nghĩ đơn giản: bệnh nhân hãy theo lời khuyên của bác sĩ, hơn nữa phía sau tôi còn cô em và con gái. Nhưng bác sĩ Pi chưa chịu để tôi ra về nghỉ ngơi. Để tránh việc di chuyển nhiều, ông yêu cầu hôm nay lấy mẫu xương và tủy trước khi tiến hành xạ trị. Tôi theo ông bác sĩ thực tập và hai y tá sang một phòng khác, không cần thay quần áo của bệnh viện, nằm sấp trên một cái bàn dài; người ta chích thuốc tê vào mông bên phải. Tôi nghe có tiếng khoan vào xương hông, khô khan, ê ẩm, không cảm giác. Tôi không ngờ lấy mẫu xương và tủy lại ở vị trí này. Bỗng tôi thấy đau, nhói buốt và kêu lên hơi lớn, nhưng đó cũng là lúc mẫu đã lấy xong. Nó chỉ là một miếng xương rất nhỏ, bằng một hạt gạo, đựng trong ống nghiệm mà ông bác sĩ thực tập cầm trong tay …

 

IV  -  XẠ   TRỊ   &  QUÁI    VẬT  “TUỐC - BIN” .

Theo đề nghị của bác sĩ Pi và đã lấy được ngày hẹn, hai tuần sau, con gái đưa tôi đến trung tâm lo về xạ trị. Những gì tôi trải qua trước đây như thử máu, chụp MRI não bộ, chụp PET rà soát toàn thân, chụp mắt, giải phẫu lấy mẫu cục bướu trong mắt, lấy mẫu xương và tủy v.v mới chỉ là giai đoạn nghiên cứu, bước đầu chuẩn bị cho việc chữa trị. Lại một chút “méo mó nghề nghiệp”, hoặc là nói theo kiểu “quân sự hóa”, bác sĩ A.Sh hoàn tất việc ghi nhận, định vị những mục tiêu và cung cấp không ảnh, phóng đồ cho phụ bản của “lệnh hành quân”. Nó rất quan trọng vì đây là phần nghiên cứu “tình hình địch”, một ưu tiên hàng đầu … Và hôm nay mới chính thức mở cuộc “hành quân”, dùng phóng xạ oanh kích tiêu diệt địch, đồng thời triệt hạ căn cứ, địa đạo, giao thông hào, hầm trú ẩn của địch. Ngày N đã tới! Cuộc chiến khởi diễn! Sống tức là chiến đấu, hay nói khác đi: đời là một cuộc chiến mà! Ngoài việc chiến đấu chống địch quân, ta còn chiến đấu với bản thân, chống cái xấu, cái ác, sự ngu dốt, chiến đấu chống bệnh tật v.v và nhiều thứ khác nữa …

Tòa nhà lớn màu trắng với hàng chữ “Radiation Center” màu xám phía trên cao, hiện ra   trước mặt. Xe đậu nơi dành cho người khuyết tật, gần lối vào; tôi chống gậy theo con gái. Vì đang mùa dịch covid-19 nên phải qua những nơi kiểm tra nhiệt độ cơ thể và giữ khoảng cách cần thiết. Trong khi con gái lo thủ tục, tôi ngồi tại phòng chờ đợi. Dưới ánh sáng mờ mờ, không gian tĩnh lặng, nơi đây có khoảng hơn hai chục người, bao gồm bệnh nhân và người thân đi theo; có người phải ngồi xe đẩy hoặc xe lăn. Đặc biệt ai nấy đều gục mặt cúi đầu. Bệnh nhân cúi đầu vì cơn đau hành hạ, buồn lo bệnh tình; người thân đi theo cúi đầu, vì chăm chú nhìn vào chiếc máy điện thoại nhỏ trên tay, có thể họ tranh thủ làm việc hoặc giải trí trong khi chờ đợi. Tất cả giống như những pho tượng xám xịt, ngồi trên ghế đá, co ro trong gió rét. Toàn cảnh này làm tôi liên tưởng đến những vần thơ của thi sĩ Nguyên Sa ở thế kỷ trước:

“Không có anh nhỡ ngày mai em chết

Thượng- Đế hỏi anh sao tóc em buồn

Sao tay gầy sao đôi mắt héo hon

Anh sẽ phải cúi đầu đi về địa ngục”

 

Tôi không biết làm thơ, không phải là nhà thơ; tôi hôm nay đến đây để bắt đầu cuộc hành quân đặc biệt đánh đuổi và tiêu diệt “địch quân”. Tôi là một chiến sĩ trên đường ra mặt trận, tôi phải ngẩng cao đầu tiến lên phía trước và trở về trong chiến thắng vinh quang. Tôi sẽ trở về mái ấm thân thương, bên người vợ hiền gầy ốm hao mòn vì ngóng trông, tóc ngả màu sương theo ngày tháng lo buồn, và tôi, nhất định không “cúi đầu đi về…”

Những thủ tục hành chánh cần thiết đã xong, một nhân viên từ phía trong ra gọi tên tôi và hướng dẫn đến phòng chờ bác sĩ khám. Ít phút sau, bác sĩ vào, tự giới thiệu ông là bác sĩ Te, chuyên khoa xạ trị cấp cao, theo sau là một bác sĩ đang thực tập và một nhân viên. Toàn bộ hồ sơ bệnh lý nằm trong máy điện toán, trước mặt bác sĩ Te. Cô em tôi, từ Cali trao đổi với bác sĩ Te qua điện thoại. Ông cho biết rất may phát hiện sớm nên chỉ làm xạ trị 20 lần, mỗi lần hơn mười phút. Xạ trị xong ra về bình thường. Việc xạ trị phải mất bốn tuần, mỗi tuần năm ngày, thứ hai đến thứ sáu, cuối tuần không làm. Nhưng trước hết ông yêu cầu làm mặt nạ ngay hôm nay và thứ hai tuần sau đến làm xạ trị lần đầu. Trước khi ra khỏi phòng, bác sĩ Te hỏi tôi có cần hỏi gì không? Dĩ nhiên câu trả lời là không vì có biết gì về xạ trị đâu mà đặt câu hỏi, tuy thế tôi không quên hai tiếng cám ơn ông.

 Hai nhân viên mặc đồng phục màu xanh dương đưa tôi đến một phòng, ngay cửa vào có những chỉ dấu “nơi nguy hiểm”; bên trong, sừng sững giữa phòng là một ống tuôc-bin lớn màu vàng nhạt, đường kính khoảng một mét, dài khoảng hai mét, miệng ống hướng ra phía cửa phòng. Thoáng nhìn, nó có dáng dấp của một động cơ phản lực gắn dưới cánh máy bay của các hãng hàng không. Nhìn vào trong lòng ống, một vòng kim loại màu xám có xẻ răng cưa. Ngay trước tuôc-bin là một chiếc bàn dài khoảng 2 mét rộng khoảng 70 phân, một đầu bàn  kê sát vào miệng ống tuôc-bin . Mặt bàn trải khăn trắng tinh, đặt trên khung có thể di động trên hai thanh sắt song song, giống đường xe lửa, như sẵn sàng hút vô, hoặc đẩy ra từ lòng ống .. Tôi được yêu cầu nằm trên bàn đó, không cần tháo giầy, chỉ cởi áo lạnh khoác ngoài. Tôi nghĩ hôm nay làm mặt nạ, chưa chính thức xạ trị nên không phải thay quần áo riêng của bệnh viện.

Theo trí tưởng tượng, tôi đoán người ta sẽ làm cho tôi một cái mặt nạ, bằng nhựa hay bằng một nguyên liệu đặc biệt nào đó, che kín hết, chỉ chừa hai con mắt, giống hiệp sĩ thời trung cổ, cưỡi ngựa cầm thương xông về phía trước, trong tiếng reo hò cổ vũ cuồng nhiệt. Nhưng không, sau khi yêu cầu tôi không được mở mắt, người ta dùng miếng vải dầy che mắt tôi rồi lấy một miếng nhựa mềm, đục sẵn nhiều lỗ như một tấm lưới dầy và hơi nặng, phủ trùm kín mặt tôi, che cả hai bên tai, che từ mái tóc xuống qua cằm. Cái bàn tôi nằm không di động; máy tuốc bin “hiền hòa” đứng im, không cuốn hút tôi vào trong bụng. Một vật lạ, không biết xuất phát từ đâu, như một cái khuôn, không hiểu bằng kim loại hay hợp chất gì, từ từ và nhẹ nhàng chụp trên mặt. Rồi có những tiếng lách cách hai bên tai như khóa chặt và giữ đầu của tôi ở nguyên vị trí, đồng thời một luồng hơi nóng chậm rãi phà ra qua miếng lưới bằng nhựa, lan tỏa trên da mặt. Độ nóng tăng dần, nóng đến mức tôi tưởng như mình đưa mặt lại gần một lò lửa hoặc lúc không đội mũ nón, đi dưới trời nắng gắt, mà thường gọi là nắng rát mặt. Cùng lúc ấy, một mùi thực khó ngửi tỏa ra, giống như có ai đốt một chất nhựa dẻo quanh đây, vừa hôi vừa hắc; một mùi mà tôi chưa từng ngửi thấy trong đời. Tôi đoán có lẽ do phản ứng hoá học khi làm khuôn nhựa và chợt nghĩ tới những cảnh tra tấn thời trung cổ hay dưới những chế độ độc tài phát xít…Cuối cùng mọi chuyện cũng qua! Mặt nạ làm xong, trung tâm cất giữ; tôi không kịp nán lại trong phòng để nhìn xem hình dạng nó thế nào và ra về với giấy hẹn thứ hai tuần sau, trở lại bắt đầu giai đoạn …“xạ trị”.

Trở lại đúng hẹn để làm xạ trị lần đầu, tôi theo nhân viên vào phòng hôm trước đã làm mặt nạ. Người ta yêu cầu tôi xác nhận hình ảnh, tên họ, ngày sanh trên một màn ảnh nhỏ ngay cửa vào. Tên họ và ngày sanh thì hoàn toàn đúng nhưng hình của tôi ở trên màn ảnh này, bằng cỡ hình trên thẻ thông-hành hay bằng lái xe, không biết ai chụp ở đâu, lúc nào, trông đúng là một cụ già bệnh hoạn mà thoạt nhìn tôi không nhận ra… Cái ống tuốc-bin màu vàng nhạt vẫn còn ở giữa phòng. Hôm nay nó không hiền hòa vô cảm như một động-cơ phản lực. Tôi có cảm tưởng nó là con quái vật hung dữ, sẵn sàng nuốt tôi vào bụng. Hình ảnh gục mặt, cúi đầu như những pho tượng đá, tôi đã gặp ngoài phòng đợi, bám theo tôi vào tận phòng xạ trị này. Tôi tự nhủ, phải chiến đấu, chiến đấu để sinh tồn, hoặc hãy kiên trì, vững tâm hơn, oai hùng hơn, và quyết chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, để không hổ danh là chiến sĩ. Làm gì có Diêm-Vương ở đây! Đó là máy phóng tia bức-xạ để chữa bệnh mà! Các khối u giáp võng mạc xung quanh hai mắt sẽ bị đốt cháy hết. Hãy nghĩ nó là những phi pháo nã đạn triệt hạ nơi trú ẩn và tiêu diệt địch quân…

Tôi được yêu cầu nằm trên bàn, đầu hướng vào phía trước tuốc- bin, gối trên một miếng nhựa; hai bàn tay áp trên bụng; hai chân duỗi thẳng. Sau khi đắp tấm chăn dầy từ cổ xuống chân, nhân viên để mặt nạ lên mặt và úp một khuôn khá nặng lên trên rồi có tiếng lách cách bên tai như khóa chặt lại. Toàn bộ phần đầu của tôi ghìm chặt xuống bàn, không nhúc nhích, hai hàm răng cắn chặt vào nhau, bất động.Tôi vẫn thở được nhưng không nhìn thấy khuôn chụp và mặt nạ. Cô em và con gái luôn đề nghị cũng như nhắc nhở tôi hãy sử dụng “vũ khí” tập trung hít thở và niệm chú, hình dung Đức Phật hiện về độ trì; tất cả hướng tới mục tiêu là không nghĩ đến và quên đi gần mười lăm phút xạ trị. Tôi đã ở thế bị động nên rất vô tư tuân theo những lời khuyên. Mấy ngày đầu, hít vào thở ra tương đối bình thường. Khi mặt nạ và khuôn chụp lên mặt, mọi người ra khỏi phòng, ống tuốc-bin hút tôi vào là tôi bắt đầu “thở”. Tôi hít vào từ phía chân trời, xa thật xa, một luồng khí tưởng tượng chạy chầm chậm tới trán, theo đường cong qua buồng phổi, xuống bụng, nén lại đó chừng mươi giây đồng hồ, rồi thở ra; luồng khí thở ra này đi ngược chiều đường cong cũ, khi vừa ra tới trán, phải tăng tốc nhanh hơn và mạnh hơn, rồi cuồn cuộn như giông bão, làm ngả nghiêng, gẫy đổ cây cối, hoặc chướng ngại vật phía trước. Hít thở như vậy khoảng vài ba chục lần là đúng lúc tuôc- bin đẩy tôi ra, động tác này tương đối đơn giản. Trong lúc hít thở, có khi tôi dùng trí tưởng tượng, hình dung Đức Phật hiện về, nhưng không thấy được đầy đủ, chỉ thấy hiện ra ánh hào quang phía sau, rồi tới phần tóc trên đầu, phần trán tới ngang chấm đen lớn giữa hai chân mày; không thấy được phần dưới khuôn mặt. Nhưng khi ống tuốc-bin vừa đẩy tôi ra, nhắm mắt lại, hình ảnh Đức Phật hiện về rất dễ dàng, trong ánh hào quang rực rỡ. Có lẽ vì lo lắng, hồi hộp nên tôi bị phân tâm, không tập trung tư tưởng được. Phải trải qua ba, bốn lần xạ trị, tôi mới hình dung được trọn vẹn hình ảnh đức Phật hiện về, độ trì tôi vượt qua giai đoạn xạ trị này … Tôi vẫn nhớ trước khi tuốc bin đẩy tôi ra, có những luồng ánh sáng xanh cực mạnh, loé lên, chạy vòng theo hốc mắt hai lần; không biết đây có phải là lúc hỏa lực bức xạ đang triệt hạ căn cứ, địa đạo, giao thông hào và tiêu diệt địch quân không? Rồi sau đó vang bên tai, những tiếng động lách cách “êm ái dễ thương” như khi mở khóa và chiếc bàn được đẩy ra, báo hiệu xong một lần xạ trị. Chỉ có mười mấy phút trong lòng tuốc-bin quái vật, nhưng tôi cảm thấy lâu quá chừng!

 Thực không ngờ xạ trị lại đơn giản, khác với trí tưởng của tôi rất nhiều. Nó chỉ làm tôi hoang mang, bối rối, mà không hề hành hạ đau đớn thể xác. Ở đây không cân đo, không kiểm tra áp huyết, không đo thị lực và không ghi toa mua thuốc. Nhiều khi tôi tự hỏi trong lúc đang xạ trị, nếu tôi muốn ho hay là ngứa mũi hắt hơi thì chuyện gì xảy ra? Nhưng thực may mắn, mọi việc trôi qua bình thường, không xảy ra điều gì đáng tiếc. Tuy nhiên, có một lần, sau khi mọi người đã ra khỏi phòng, tuốc bin hút tôi vào, rồi ít phút sau lại đẩy tôi ra. Ngay lúc ấy hai nhân viên đến điều chỉnh lại vị trí mặt nạ, rồi ra khỏi phòng. Tuốc bin lại hút tôi vào và hoạt động bình thường như những lần trước. Tuy vậy, tôi vẫn thắc mắc liệu hôm nay tôi có làm xạ trị hai lần không? Những nghi vấn của tôi đã được bác sĩ Te làm sáng tỏ: Tất cả các chi tiết của bệnh nhân đã cài đặt và tự động điều khiển qua điện toán. Chỉ sai hoặc thiếu một chi tiết rất nhỏ, máy không hoạt động. Không có bệnh nhân nào xạ trị 2 lần trong ngày. Trường hợp của tôi có thể là đầu nằm chưa đúng vị trí nên máy không làm việc và đẩy ra để điều chỉnh…

Hai mươi lần xạ trị cũng qua; vũ khí “hít thở và niệm chú” để đức Phật hiện về cứu độ quả nhiên hiệu nghiệm, giúp tôi quên vẻ hung dữ của con quái vật tuốc- bin, giúp tôi gạt bỏ ngoài tai những tiếng ì ầm của bom đạn bức xạ, trút xuống triệt hạ căn cứ, địa đạo, giao thông hào v.v và tiêu diệt quân địch.…Còn gì vui sướng hơn khi nghe bác sĩ Te, chuyên viên đặc biệt về xạ trị, trước khi rời phòng khám, nói với tôi “Chúc Mừng Ông!” Tôi không biết nói gì hơn ngoài tiếng cám ơn bác sĩ và theo con gái ra ngoài phòng đợi…Nhân viên văn phòng đưa giấy chứng nhận đã “tốt nghiệp” xạ trị kèm theo giấy hẹn trở lại gặp bác sĩ A.Sh và đề nghị tôi đến chiếc chuông đồng có màu vàng bóng loáng, nơi góc phòng, để tự tay tôi rung chuông báo hiệu niềm vui xạ trị thành công tốt đẹp. Những tiếng “chúc mừng”, “chúc mừng” vang vang theo tôi suốt dọc đường về nhà … Sau hai mươi lần các con tôi thay phiên nhau đưa đi xạ trị, nay giai đoạn chữa trị này đã hoàn tất.

Tính ra hành trình chữa mắt, từ đầu mùa hè tới nay đã được nửa năm, đã vượt qua một chặng đường dài, nhiều thử thách cam go, nhưng cũng có nhiều trải nghiệm thú vị. Đôi mắt của tôi đã khác trước rất nhiều. Tuy đôi lúc còn bị nước mắt “lưng tròng” hoặc bị “ngứa mắt”, do phản ứng phụ của xạ trị, nhưng các đốm đen, các giải mây mỏng giống những con ruồi con muỗi đã biến hết, không còn lảng vảng trước mắt như xưa nữa. Hiệu quả của xạ trị thật là tuyệt vời! Càng ngày mắt tôi càng nhìn cảnh vật bên ngoài rõ hơn; đường phố thẳng tắp, nhà cửa khang trang, cỏ cây hoa lá rõ nét tươi màu; người người tung tăng dập dìu trên các con phố; cánh bướm cánh chim chao lượn trên không …Tôi đã lái xe rong ruổi trên xa lộ thênh thang, đã mượt mà tay lái lụa trên các con đường ngang dọc trong thành phố. Niềm vui trong lòng làm sao nói hết … Một minh chứng hùng hồn là hôm nay trở lại văn phòng bác sĩ A.Sh để kiểm tra, bác sĩ chỉ vào màn ảnh máy điện toán, hai tấm hình màu chụp mắt của tôi: một tấm trước khi xạ trị, phía sau con mắt giáp võng mạc, hiện ra một đường cong có nhiều răng cưa, giống những vây trên lưng con khủng long thời tiền sử; trong khi tấm hình sau khi xạ trị, đường cong ấy trơn láng, không một nếp nhăn …

 

V – TẦNG  14  &  CHÉN  “CHÁO  ĐẮNG  CHEMO” .

Như thế là sau giai đoạn xạ trị, mắt của tôi nay đã gần như trở lại bình thường. Tuy vậy, các bác sĩ cho biết: Trước đây, địch tập trung và tấn công vào mắt, gần não bộ, rất nguy hiểm; nay tuy chúng đã bị đánh bật ra khỏi căn cứ địa, nhưng tình hình chưa phải tuyệt đối an toàn. Để đề phòng, ngăn ngừa địch có thể tái phối trí lực lượng, trở lại tấn công, các bác sĩ khuyên tôi nên mở cuộc “hành quân”, tảo thanh, truy quét tàn quân địch, không cho chúng có cơ hội phản công. Đó là hóa trị, nói một cách dễ hiểu, là đưa một loại hóa chất vào cơ thể, để hóa chất này luân lưu khắp toàn thân, đi đến tận hang cùng ngõ hẻm, tìm và diệt tàn quân địch còn sống sót, đang lẩn trốn. Câu nói “lấy độc trị đôc” mà tôi đã nghe từ thưở nào, xa xưa lắm, nay thật có ý nghĩa và hy vọng mọi người được yên vui khi cuộc hành quân “ truy quét” này kết thúc. Riêng tôi, vẫn cảm thấy có điều gì không ổn. Lòng hoang mang: Đưa hóa chất hay là truyền “chất độc” vào cơ thể một bệnh nhân 83 tuổi như tôi, biết đâu có nguy cơ cao, hủy hoại các bộ phận lành mạnh khác thì sao? Đã có nhiều năm kinh nghiệm trị bệnh cho người lớn tuổi, cô em út khuyến khích và trấn an tôi: hãy yên tâm! Bác sĩ luôn cân nhắc, chú ý đến tình trạng cơ thể bệnh nhân để ấn định liều lượng hóa chất truyền vào. Ngoài ra có các bác sĩ chuyên môn khác hỗ trợ, theo dõi mọi diễn biến trong cơ thể người bệnh …Hãy thử sức! Cố lên!..

Nhưng thực bất ngờ, gần tới ngày hẹn đi làm hóa trị, con “cúm Tàu” cô vít 19 thâm độc đã lén lút xâm nhập cơ thể, hành hạ tôi. Cuộc hẹn làm hóa trị phải hoãn lại. Đúng là “bệnh” vô đơn chí, bệnh này chưa khỏi, bệnh khác lại đến. Cổ họng khô cứng và đau buốt như có hàng ngàn cây kim đâm vào! Khí quản tắc nghẹn, rất khó thở, khạc ra đờm liên tục và hình như buồng phổi không tiếp nhận đủ oxy, thân nhiệt cao và thiếu ngủ…Nhưng may sao, cô em tôi đã ghi toa để mua thuốc kịp thời chữa trị và khoảng ba tuần lễ sau, xét nghiệm nhanh, kết quả âm tính (-) mới gọi lấy hẹn đi hóa trị.

Rồi ngày hẹn đã tới. Cuộc hành quân truy lùng và diệt địch đang lẩn trốn khởi sự. Nghĩ đến hành quân, lòng tôi vui lắm! Là chiến sĩ phải lập chiến công! Do vậy tôi vui vẻ đi vào cuộc hành quân mới, rất hăng say và khí thế. Hôm nay, từ mờ sáng, cô em và con gái đưa tôi đi làm hóa trị. Khu hóa học trị liệu nằm trong trung tâm ung thư (Cancer Center) ở tầng 14 của bệnh viện, khác hẳn khu xạ trị. Phòng đợi không có một bóng dáng tượng đá gục đầu nào. Tôi thầm nghĩ những bệnh nhân đến đây không phải là trên đường xuống địa ngục, cũng không phải là chuẩn bị vào trình diện Diêm Vương. Hành lang rất rộng, hướng vào phía trong, chạy theo hình bầu dục. Các thủ tục hành chánh đã xong, nhân viên của trung tâm hướng dẫn chúng tôi đến phòng 1414 - con số dễ thương - và chỉ dẫn cũng như dặn dò một vài điều bệnh nhân cần biết. Phòng tôi nằm khá lớn, lớn hơn phòng một khách sạn trung bình. Tôi đưa mắt dò tìm thật nhanh, không có ống tuốc-bin hoặc một máy móc nào giống động cơ máy bay phản lực. Không có bóng dáng “quái vật” nuốt người ta vào bụng rồi lại đẩy ra! Từ ngoài vào, phía tay trái là một chậu rửa tay bằng kim loại xinh xinh; kế đó, dọc theo tường là bàn ghế để bác sĩ làm việc, máy móc vật dụng y tế rồi tới giường bệnh nhân, một loại giường rất thông dụng trong bệnh viện. Phòng có nơi nghỉ cho người thân, đặc biệt buồng tắm và vệ sinh khá lớn, thiết kế rất an toàn cho người bệnh; không gian rất thoáng, xe lăn, xe đẩy di chuyển dễ dàng. Trên tường có treo một truyền hình mỏng và chiếc đồng hồ chạy bằng điện. Sát vách tường có những tủ bằng gỗ đựng chăn gối, tấm trải, khăn v.v. Ở đây tôi phải mang vớ (tất) chống trơn trượt và mặc áo choàng dành cho bệnh nhân. Quần áo mang theo và tư trang để trong ngăn tủ có khóa…Theo quy định của bệnh viện, tối đa hai người thân được ở lại trong phòng với bệnh nhân. Con gái tôi thì hầu như thường xuyên có mặt. Các cậu con trai ở gần nhất hơn hai chục dặm, xa hơn nữa là hơn hai trăm dặm và hơn hai ngàn dặm, cũng lo lắng, thay phiên nhau lui tới chăm sóc tôi…

Bác sĩ Pi vào phòng, theo sau vẫn là bác sĩ thực tập và hai nhân viên đồng phục xanh dương mà tôi đã gặp trước đây. Sau những lời thăm hỏi xã giao thông thường, ông bác sĩ trao đổi với cô em tôi khá lâu về tiến trình hóa trị, về lượng thuốc truyền vào cơ thể, về thời gian phải ở lại bệnh viện sau mỗi lần hóa trị .v.v Hôm nay người ta sẽ lấy mẫu dịch não tủy (CSF- cerebrospinal fluid) và sẽ bơm một lượng hóa chất ngược lên não; đồng thời đặt một ống nhỏ vào mạch máu nằm dưới lớp da bên ngực phải. Đây là nơi có thể lấy máu thử nghiệm, cũng là nơi đưa hóa chất vào cơ thể; thuật ngữ y học gọi là (port). Ít phút sau có hai nhân viên khác đẩy một chiếc giường đến, yêu cầu tôi nằm lên rồi đưa tới phòng đặc biệt để lấy mẫu, thân nhân không được đi theo. Họ chuyển tôi nằm sấp trên một cái bàn, vén áo lên để lộ khoảng lưng trần từ ngang ngực xuống thắt lưng. Bỗng có một dụng cụ lạ chụp xuống, ôm thật chặt vùng lưng và bụng, ngang những đốt xương sống dưới cùng.Thế nằm sấp khiến tôi khó thở, mệt mỏi; thỉnh thoảng lại kêu la, rên rỉ từng hồi vì nhói buốt phía sau lưng, như có những cây kim đâm sâu vào các đốt xương sống. Tôi liên tưởng đến những cảnh tra tấn trong các bộ phim! Nằm trong phòng lạnh nhiệt độ thấp mà toát mồ hôi. Một lúc sau, màn “tra tấn” xong, các nhân viên y tá lật tôi nằm ngửa;  hình như họ gây mê cho tôi trong một thời gian ngắn để đặt cái “port” phía trên ngực phải. Cơ thể trong trạng thái vô cảm giác, tôi nửa mơ nửa tỉnh rồi thiếp đi! Chợt thức giấc, nhận ra mình đang ở trong phòng 1414 và thấy nhức đầu, chóng mặt. Trên người tôi bây giờ có nhiều ống dây nhựa chằng chịt; ống dẫn vào mũi, ống dẫn vào port, ống ép sát trên ngực, ống vào mạch máu ở cánh tay v.v Tôi nhớ lại hình như tôi đã ói mửa nhiều lần trên đường về phòng này. Nhìn sang bên, treo trên giá cạnh giường, một túi plastic mờ đục, đựng khoảng 2 lít dung dịch hỗn hợp - thường được gọi là nước biển - đang nhỏ từng giọt qua ống nhựa, đưa vào cơ thể tôi. Thế cũng chưa yên, cứ khoảng mười lăm hoặc hai mươi phút, nhân viên, y tá lại vào đánh thức để đo áp huyết, đo nồng độ oxy và nhiều thứ khác. Thực phiền phức, lúc này tôi chỉ muốn ngủ thôi! Hình như y tá đã cho tôi uống thuốc giảm đau và an thần ... Đồng hồ điện trên tường chỉ 7 giờ tối. Thời gian và không gian với tôi lúc này không ý nghĩa gì cả và cũng không phân định rõ ràng! Nhưng rồi y tá lại vào phòng, treo một túi nhỏ khoảng 200ml chất lỏng cạnh bịch lớn nước biển và trao đổi với cô em tôi. Được biết đây là hóa chất để truyền thật chậm, 24 giờ mới chẩy hết, đi đến từng hang cùng ngõ hẻm, lục phủ ngũ tạng trong người tôi. Những giọt nước biển, những giọt hóa chất cứ chầm chậm, đều đều nhỏ xuống ống nhựa, đi qua cái “cửa khẩu” (port) bên ngực phải. Tim tôi đập nhanh hơn; hai bên thái dương lùng bùng, hơi thở dồn dập, tôi thấy nóng nực và khó thở. May sao cô em tôi đã kịp thời bấm nút gọi y tá đến điều chỉnh lượng hóa chất truyền vào …và tôi thiếp đi. Hình như trong lúc mơ mơ tỉnh tỉnh đó, tôi có nhận ra gương mặt quen thuộc của vợ tôi trong phòng. Suốt đêm qua, tôi phải thức giấc nhiều lần, vẫn là những kiểm tra quen thuộc: áp huyết, nhịp tim, oxy v.v. Đặc biệt, gần sáng, y tá đánh thức, lấy mẫu máu, nước tiểu đem xét nghiệm để kịp có kết quả trước khi các bác sĩ hội ý vào đầu giờ hành chánh.

Có những tiếng ồn ào khiến tôi thức giấc. Trong phòng, cạnh giường tôi nằm, một nhóm bốn, năm người mặc áo choàng trắng, ngực bên trái có tên và chữ MD. Họ lần lượt thăm hỏi tôi và tự giới thiệu là những bác sĩ chuyên khoa về tim, thận, gan, phổi v.v. Thực sự lúc đó vì quá mệt mỏi, rã rời nên tôi không chú tâm nhiều, nhưng một suy nghĩ thoáng hiện về trong trí: chỉ một bênh nhân là tôi mà cần nhiều bác sĩ vậy sao?...

Thế rồi 24 giờ qua đi, túi nhỏ đựng hóa chất đã cạn, đồng thời những tiếng “pip pip pip” vang lên liên tục như réo gọi y tá vào làm việc. Trên giá treo chỉ còn túi nước biển. Rồi sau đó, y tá kiểm tra, kiểm tra rồi lại xét nghiệm, xét nghiệm … Nhiều lúc tôi nghĩ không biết mình có phải là một cơ thể để các nhà khoa học thí nghiệm nghiên cứu lâm sàng hay không? Bác sĩ bảo đây là những điều cần thiết và bắt buộc, để theo dõi những phản ứng của cơ thể bệnh nhân trong tiến trình điều trị. Tôi đã hoàn toàn thụ động. Nhớ lại khi hóa chất truyền vào người, dù từng giọt nhỏ rất chậm, tôi có cảm giác như có hàng đoàn con sâu, con kiến, hàng đoàn côn trùng nhỏ li ti, nối đuôi nhau di chuyển trong các mạch máu luân lưu toàn thân …Tôi đã ở trong trạng thái mơ mơ màng màng, bay bổng, lơ lửng trong không trung; tưởng như đã ra khỏi hấp lực của trái đất, chẳng khác gì các phi hành gia đang bay lượn trong khoang phi thuyền và chỉ chợt tỉnh ít giây đồng hồ mỗi khi có y tá đến để kiểm tra, xét nghiệm… Rồi một ngày nữa qua, một ngày nữa qua. Tôi cảm thấy hơi lạnh, muốn đắp thêm mền, thân nhiệt thấp nhưng lại tỉnh táo hơn và nhận biết ra rằng trong mấy ngày qua, mọi sinh hoạt của cá nhân tôi, chỉ ở trên giường bệnh. Hình như từ hôm đầu tiên làm hóa trị, tôi không ăn gì. Một phần vì không thấy đói bụng, một phần vì thực phẩm không hợp với khẩu vị; may thay, những túi nước biển liên tục đưa vào cơ thể, giúp tôi có tạm đủ năng lượng và dinh dưỡng… Tính ra tôi nằm viện đã năm ngày, cảm thấy người rất yếu, chân tay run rẩy, đi đứng không vững. Nhưng y tá khuyến khích và giúp đỡ tôi rời khỏi giường, di chuyển bằng xe đẩy một vòng quanh hành lang của tầng lầu. Sáng hôm sau, một lần nữa nhân viên bệnh viện đưa tôi đi, nhưng không dùng xe đẩy, mà yêu cầu tôi nắm hai tay trên hai thành khung kim loại của walker - dụng cụ hỗ trợ tập đi bộ - có bốn bánh xe nhỏ lăn trên sàn; từ từ đi bộ một vòng quanh hành lang. Về tới phòng, được biết kết quả xét nghiệm sáng nay, cái chỉ số nồng độ gì đó đã xuống ở mức 0.05. Tuy không hiểu nhưng tôi đoán, đó là một tín hiệu đáng mừng. Thực vậy, cô em tôi sau khi trao đổi với bác sĩ, cho biết nồng độ hóa chất trong máu ở mức an toàn, rồi từ từ thải hết ra ngoài. Sau đó, cô cùng con gái tôi lo thủ tục giấy tờ, kiểm tra  thuốc men, chuẩn bị mọi thứ để đưa tôi về nhà. Một nhân viên bệnh viện đem xe đẩy tới, đưa tôi xuống lầu một, đẩy ra tận chỗ xe đậu và cho biết bệnh nhân giữ luôn xe đẩy này để sử dụng ...

Thực rất khó kể lại cảm giác được về nhà sau hơn một tuần nằm bệnh viện để hóa trị. Đầu óc trống rỗng, không nhớ hết những diễn biến đã qua; cơ thể mệt mỏi rã rời; di chuyển phải ngồi xe đẩy; bù lại tôi không “bị” chăm sóc hết sức nhiệt tình của y tá và nhân viên bệnh viện. Nhiều khi muốn ngủ lại bị đánh thức để kiểm tra, kiểm tra; xét nghiệm, xét nghiệm. Nhưng hôm nay, tôi thấy yên bình thoải mái, lại được nghe tâm sự của vợ tôi. Vẫn còn đâu đó, tràn đầy cảm xúc rưng rưng:

“ Hôm ấy, tưởng Ông không qua khỏi con trăng này!” Rất tự tin, tôi trấn an:

“Bà yên tâm, không chỉ qua khỏi con trăng này, còn qua khỏi nhiều con trăng nữa! Mình nhờ phước đức cao dầy mà!”…

Theo kế hoạch của các bác sĩ, lần hóa trị tiếp theo, cách lần trước 21 ngày (ba tuần lễ). Thời gian này là một chu kỳ đủ để các tế bào lành mạnh và cơ thể người bệnh phục hồi, cũng là thời điểm tiếp tục hành quân truy lùng và diệt gọn địch trong chiến dịch “phòng ngừa”. Thế là tôi có hơn hai tuần lễ dưỡng bệnh tại nhà. Ưu tiên hàng đầu là dinh dưỡng đầy đủ để tăng lượng hồng huyết cầu, tăng khả năng hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng của cơ thể vốn đã bị hao mòn, sút giảm sau lần hóa trị vừa qua. Rồi thời gian qua đi, qua đi. Được bồi dưỡng đúng cách, theo khuyến cáo và hướng dẫn của bác sĩ, sức khỏe của tôi đã khá nhiều, không cần xe đẩy khi di chuyển, nhưng cũng chính là lúc phải trở lại bệnh viện để tiếp tục  hóa học trị liệu…

 Hôm nay con gái đưa tôi đến bệnh viện. Cô em tôi vì công việc nên hôm sau mới bay qua. Những thủ tục cần thiết đã xong; các y tá với đồng phục mầu xanh dương vào phòng, nhịp nhàng, nhanh nhẹn trong thao tác quen thuộc. Cạnh giường nằm, vẫn những dụng cụ y tế như máy theo dõi nhịp tim, áp huyết và giá treo túi nước biển, túi hóa chất với dây nhựa lòng thòng. Những giọt nước biển, những giọt hóa chất lại chậm chậm nhỏ xuống ống nhựa, chảy qua cái port (cửa khẩu) đã gắn bên ngực phải ba tuần lễ trước, từ từ chảy vào cơ thể tôi. Lần này, rất khác lạ, không phải là đoàn côn trùng nhỏ như con sâu con kiến di chuyển; tôi cảm thấy như có đoàn thú rượt đuổi nhau trong rừng hoang, lòng vòng từ đầu xuống chân, từ chân lên đầu. Tim đập nhanh, hơi thở dồn dập. Rồi tôi chợt nhận ra thân thể mình rất nhẹ, bay bổng lên cao, nhưng bên tai lại văng vẳng tiếng “pip pip pip” liên hồi như tín hiệu báo động. Tôi không dừng, tiếp tục lơ lửng như những gợn mây mỏng lang thang trên bầu trời. Tôi tự biết mình không phải là cánh thiên thần, chỉ đơn thuần là một cái gì đó, không tên tuổi, không hình thể, không trọng lượng, không có quá khứ và tương lai, không biết từ đâu đến và đi về đâu. Tôi không nghĩ đến ai và không có ai để nghĩ đến; không hề ưu tư hoặc dự tính điều gì và không có cả niềm vui lẫn nỗi buồn; Tôi không biết cách nào diễn tả lại cho đúng những lúc thoát xác và bay bổng như thế. Có người bảo rằng trạng thái này là lúc hồn lìa khỏi xác (?) May sao, khi y tá vào lấy máu, lúc gần sáng, làm tôi tỉnh lại, nhận ra mình còn hiện hữu và đang trải qua thời kỳ hóa trị ở tầng 14 của bệnh viện. Thực hú hồn và thực may mắn!..

Tính ra, trở lại để tiếp tục hóa trị lần này, đã sang ngày thứ tư. Bác sĩ không muốn tôi nằm nhiều trên giường, nên y tá giúp tôi vịn vào xe đẩy, đi bộ một vòng quanh hành lang. Đồng hành với tôi những ngày trong viện làm hóa trị, cô em tôi luôn nhắc nhở, nhiệt tình khuyến khích tôi hãy cố lên, hãy thử sức và có thể ngừng hóa trị bất cứ lúc nào. Hôm bay về Houston, cô đã đi thẳng từ phi trường tới bệnh viện. Tôi đoán có lẽ cô e rằng nếu chậm trễ, chẳng may lúc không có sự hiện diện của cô, tôi thay vì chỉ ăn chén “cháo đắng chemo”, lại ăn lầm chén “cháo lú”, rồi quên đường về thì ối thôi! Quá muộn rồi!
                      

Bác sĩ Pi vào phòng, nụ cười tươi, tiến lại gần giường: “Hôm nay Ông khỏe không?”, rồi ông trao đổi với cô em và con gái tôi. Được biết cái chỉ số gì đó vẫn còn hơi cao một chút nhưng sức chịu đựng của cơ thể tôi suy giảm rất nhiều. Hình như em tôi có bàn bạc và đề nghị điều gì đó; bác sĩ Pi cho biết, sau buổi họp với các bác sĩ chuyên môn vào sáng mai, sẽ có quyết định cuối cùng. Ông cho biết nhân viên sẽ đưa tôi đi chụp MRI và làm một vài xét nghiệm khác …Thế rồi, sáng sớm hôm nay, ông bác sĩ quản lý vào phòng báo tin: sau khi hội ý với các bác sĩ chuyên khoa, tất cả đồng thuận để tôi xuất viện …

 

VI – C U Ộ C   C H I Ế N   T R A N H   C Ủ A   P H Ư Ớ C   Đ Ứ C.

Rời tầng 14 của một bệnh viện lớn với nhiều dấu ấn khó quên, nay tôi đã thực sự về nhà   mình; tinh thần bớt căng thẳng, sinh hoạt dễ chịu hơn, sức khỏe cũng từ từ hồi phục. Vui hơn nữa, sau vài lần tái khám và chụp MRI, kết quả không có dấu hiệu gì nguy hiểm hoặc cần quan tâm lưu ý. Với riêng tôi, cuộc chiến chống căn bệnh nguy hiểm, quái ác đã yên. Niềm vui lớn không sao tả hết, nhưng đôi lúc hình ảnh nằm viện trong quá khứ lại hiện về. Nhát chém để lại vết sẹo hằn sâu nhất trong đầu, từ bốn mươi năm trước, đó là trong thời gian bị giam cầm, tôi gặp tai nạn khi đang lao động! Lúc ấy, đã thiếu ăn lại làm việc cực khổ, tôi bị cây đè lên chân, không còn sức để tiếp tục lao động, phải đưa đi bệnh viện. Tôi còn nhớ, ngày ấy, tại khoa chấn thương của Bệnh Viện Nhân Dân Vĩnh-Yên, câu đầu tiên bác sĩ hỏi tôi: “Anh cấp bậc gì”? Tiếp theo là: “đơn vị nào, chức vụ gì”? Tôi hơi ngạc nhiên và một nghi vấn hiện ra: Lạ nhỉ, người này là viên công an thẩm vấn hay là thầy thuốc?... Đúng ra, không nên và không thể so sánh được! Khác hẳn với nằm viện nơi đây, câu đầu tiên bác sĩ hỏi: “Hôm nay ông khỏe không?” Rồi: “Ông thấy trong người ra sao?” hoặc là: “Ông cần gì không?” Và trước khi ra khỏi phòng: “Ông có muốn hỏi gì không?”… Dạo đó, người ta lấy thù hận chứ không lấy tình người để chữa trị. Kết quả, tôi đã để lại nửa bàn chân dưới chân núi Tam-Đảo. Không cách nào khác, tôi tự an ủi: mạng sống còn lấy đi được, huống chi bàn chân. Có còn ý nghĩa chăng khi đó đây, trên hành lang, trên bờ tường bệnh viện, ở vùng đất đáng thương, xa xôi tít mù kia, người ta vẽ những hàng chữ “lương y như từ mẫu”?. Đã bao lần tôi nhủ lòng hãy cố quên đi và chỉ nghĩ mình thực nhờ phước đức, may mắn, được phóng thích khỏi nhà tù nhỏ, trở về nhà, như đã được sinh ra lần thứ hai; cho dù phải sống trong xã hội bên ngoài, không khác chi một “nhà tù lớn”. Bốn mươi năm trước là thế. Và hiện tại, kết thúc cuộc hành trình gần một năm để chữa bệnh ung thư mắt, mà theo thống kê, tỷ lệ mắc bệnh rất thấp, cả chục triệu người, mới có một người; chữa khỏi được thực là một phép lạ và nhờ ơn đức cao dầy. Chính những vị bác sĩ ở đây, là những bậc “Từ Mẫu” đã giúp tôi sống lại. Cho nên tôi nghĩ đã được sinh ra đời lần thứ ba, đó không phải, một trăm phần trăm không phải là giàu trí tưởng tượng hay trào lộng, hoặc văn từ cường điệu…

Nếu ai hỏi tôi: “Địa ngục có bao nhiêu tầng?” Tôi không ngại ngùng, xấu hổ, thản nhiên   trả lời: tôi không biết! Mà tôi không biết thực; nếu ai đó biết được, vui lòng mách bảo, rất cám ơn! Trên đường rong ruổi vào đời, lúc thênh thang ngập ánh hào quang trên đại lộ, hoặc lúc âm thầm câm nín trong ngõ hẹp tối tăm, suốt tám mươi ba năm qua, chỉ thỉnh thoảng nghe người ta nhắc đến cụm từ “mười tám tầng địa ngục”. Nhưng một điều chắc chắn tôi biết, là tôi đã điều trị bệnh ung thư mắt ở một bệnh viện lớn, nổi tiếng thế giới, có gần ba chục tầng lầu. Sau hai mươi lần xạ trị, nghỉ ngơi ít tuần lễ, gia đình và người thân khuyến khích, cổ vũ tôi tiếp tục trị liệu bằng hóa chất. Khu hóa trị thuộc Trung tâm ung thư lại nằm ở tầng 14. Đôi khi, có lẽ vì thần kinh căng thẳng và khủng hoảng; năng lượng bốc hơi và tuột dốc gần như triệt tiêu, nên tôi, như một chiến sĩ bị trọng thương lúc đang điều binh xông pha nơi trận địa, chỉ còn đủ sức rên rỉ nhè nhẹ: mình đã xuống tới tầng 14 địa ngục rồi sao? Không được, không thể được! Dù chỉ còn chút hơi tàn, tôi quyết chiến đấu để vượt thắng, thoát khỏi nơi đây ngược dòng trở về dương thế, nơi ấy có biết bao người đang cầu nguyện, đang trông ngóng tôi từng phút, từng giây!...

Tôi đã sống sót sau cuộc chiến 30 năm (1945-1975) mà người ta khoác cho nhiều tên gọi nào là chiến tranh chống thực dân đế quốc, nào là cuộc chiến chống bành trướng của làn sóng đỏ, nào là chiến tranh quốc cộng, chiến tranh bảo vệ miền Nam, chiến tranh giải phóng, cuộc chiến ủy thác v.v Và ngay tại thời điểm này, tôi lại sống sót sau cuộc chiến chống lại bệnh quái ác nan y, chỉ nghe tên cũng rùng mình run sợ. Thôi thì đủ loại tên gọi. Nhưng dù tên gọi gì gì đi nữa, với riêng tôi, đó là “Cuộc Chiến Tranh của Phước Đức”! Tám mươi ba năm cuốn hút theo dòng đời dâu bể, biết bao lần vượt qua phong ba bão tố, bao lần chế ngự thác ghềnh chướng ngại, tôi đã luôn được bàn tay của đấng vô hình linh thiêng, che chở, phù hộ. Và gần đây nhất, lúc tôi đang trôi nổi, vật vờ, bồng bềnh trong thảm cảnh, tưởng chừng khó thoát khỏi lưỡi hái Tử Thần, lại một lần nữa, dang rộng đôi tay cứu vớt và đưa tôi trở về từ “tầng địa ngục thứ 14”… Ôi! Lòng biết ơn ghi nhớ mãi trong óc trong tim. Tôi không thể và không biết làm sao nói hết; nói bao nhiêu cho cạn, cho vơi. Ngoài kia, không khí rộn ràng mừng vui mùa lễ hội đã về nơi góc phố. Chỉ ít ngày nữa, gia đình tôi đón mừng Lễ Tạ Ơn; năm nay chắc có nhiều ý nghĩa lớn, niềm vui lớn và thật tuyệt vời. Mong sao những lời Tạ Ơn xuất phát tự đáy lòng tôi, cuốn theo làn gió bay đi, bay đi mãi, đến những phương trời xa xăm, tận chốn hư vô….

 

Triệu – Vũ,

Houston, TX. Mùa Tạ Ơn 2022.

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
13 Tháng Hai 202411:21 CH(Xem: 1273)
Tôi còn nhớ một cái Tết năm xưa, tôi lái xe đưa gia đình từ Seattle xuống Tacoma một thành phố lân cận để đến lễ đầu năm tại một ngôi chùa và chọn cho đúng hướng xuất hành năm mới. Ngôi chùa này và nhà sư trụ trì còn trẻ, lại là một nhà thơ mà tôi đã nghe một người bạn nhắc đến và đây là lần đầu chúng tôi đến lễ. Tên chùa là Phước Huệ, nhà sư trụ trì có pháp danh là Thích Phước Toàn, hai cái tên thật là chân phương. Danh vị của nhà sư là Tỳ Kheo, khác với nhiều chùa các vị trụ trì đều là Hòa Thượng hay Thượng Tọa, điều đó không có gì khác biệt đối với sự hâm mộ của tôi với nhà sư.
13 Tháng Hai 202410:58 CH(Xem: 1470)
Từ California khi trở lại thăm Saigon trong một dịp tết, điều thú vị nhất là tôi được một mình rong ruổi trên những chuyến xe bus, tôi đi khắp Saigon, Chợ Lớn, Phú Lâm. Chẳng cần biết trạm sẽ dừng nơi đâu, tôi đi hết đường hết sá, ngắm nhìn mọi thứ xe lớn xe nhỏ, phố bé xíu hay đường rộng thênh thang. Và để tôi thấy hết mọi người, cùng nhìn luôn mọi thứ… Hôm nay tôi cũng bước đại xuống một trạm dừng, chẳng cần biết tên gọi. Loanh quanh rồi tôi định ngồi ăn trưa ở lề đường nào đó. Nắng và bụi sẽ là gia vị cho những dĩa cơm đường chợ, ly nước mía sẽ làm dịu bớt ồn ào của những tiếng còi xe không bao giờ dứt, khiến thiên hạ chỉ muốn điên đầu. Saigon, những ngày giáp tết, mọi sự vội vàng như đã được nhân lên qua đủ thứ màu trang trí nóng nảy, kiểu xanh vàng và tím đỏ.
07 Tháng Hai 20241:29 SA(Xem: 2164)
Sài Gòn những ngày cuối năm trời ấm dần hơn, nắng mang hương xuân vương trên hoa cỏ dịu dàng làm lòng người chao lại nỗi nhớ quê. Tạ xa Qui Nhơn đến nay đã 5 năm rồi, thời gian như chớp mắt ngoảnh lại thấy những ngày cũ ở quê lùi xa dần xa dần mất hút. Nơi nàng ở khá yên tĩnh thích hợp với người ở cái tuổi chiều thu cận kề. Buổi sáng thức dậy, nàng có những phút yên ắng nhìn dòng sông êm trôi lặng chảy đón bình minh vừa lên, nghe chim ríu rít chuyền cành, nàng còn có thể dắt cháu đi học qua các con đường im vắng mà nghe cháu nói bi bô bên tai rồi còn có những phút đi rải cơm cho chim cho cá ăn, có những buổi chiều nhìn nắng tắt bên song mà nhớ, nhờ bớt nói lại nên bớt thị phi.
03 Tháng Giêng 202412:43 SA(Xem: 2443)
Mùa dịch Cô-vít hay còn gọi là Cúm Tàu đã qua đi. Thực sự đã đi xa nhưng còn để lại nhiều hệ lụy, ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống thường nhật. Những người gọi là cao niên như chúng tôi, thực khó tìm lại, những buổi sáng Thứ Bẩy hẹn hò gặp gỡ; lòng háo hức nôn nao trên đường đến quán cà phê thân quen, nơi góc phố Bellaire ồn ào náo nhiệt. Tưởng rằng không còn cơ duyên hội ngộ tâm tình, nhưng Trời chiều lòng người. Mới vài tháng nay, mỗi sáng Thứ Bẩy, chúng tôi lại có cơ hội, hẹn gặp nhau tại một quán cà phê khác, dù không ưng ý, để có dịp họp mặt hàn huyên tâm sự, trao đổi những câu chuyện văn chương, hoặc tâm tình thế sự trải khắp nhân gian.
25 Tháng Mười Hai 202311:01 CH(Xem: 2561)
Trong cái không gian lành lạnh của một mùa Giáng Sinh, trong tiếng chuông ngân của nhà thờ như đón chào thiên chúa giáng trần, tôi bỗng nhớ đến một nơi chốn lặng lẽ, tối tăm, nơi có lẽ chúa đang hiện hữu từng giờ từng khắc cho riêng một người. Ở nơi ấy, anh cũng đang thầm lặng đón Giáng Sinh giữa bốn bức tường xám lạnh. Phạm Chí Dũng, một nhà báo dũng cảm, một người bạn chưa từng gặp mặt ngoài đời nhưng lại vô cùng thân thiết.
19 Tháng Mười Hai 202311:46 CH(Xem: 3393)
Dạo này sao mình hay nghĩ về cái chết. Mình giống như ba mình hồi trước thường bâng khuâng day dứt khi thấy tuổi già của nhiều người sắp rời bỏ dương trần thường sẽ bị đau yếu nằm yên một chỗ sống tật nguyển trong một thời gian. Ngày ấy ba đã phản kháng sợ kiểu sống như thế trước khi chết. Ý niệm của ba là khi hết số thì đi liền không đau bệnh. Và ước nguyện ấy đã thành sự thật, không đợi đến già yếu, đến lúc phải làm cho con cháu lo lắng buồn phiền, ba đã ra đi nhanh nhẹ nhàng không kịp cho ai phụng dưỡng ba dù chỉ một ngày.
14 Tháng Mười Một 202312:15 SA(Xem: 3654)
Anh về nhà không có em ! Anh đẩy cửa bước vào, anh xô cửa bước ra. Sắc sắc không không , một trời vô vọng. Em ở đâu ? Anh dáo dác tìm tìm kiếm kiếm. Em đi rồi ư? Ô chao ! Sao nghe buồn nẫu ruột.
24 Tháng Mười 202310:38 CH(Xem: 4526)
Hàng ngày trên con đường kiếm sống, thỉnh thoảng ta vẫn nghe trên cây khế trước nhà tiếng kêu của một loài quạ “ăn khế trả vàng, may túi ba gang mà đựng”. Dân ta ai cũng may sẵn những chiếc túi ba gang. Thời mở cửa, ai cũng hăm hở, ai cũng tưởng mình đã hốt đầy vàng trong cái kho của trời đất. Có biết đâu rằng vàng đã cho đi cả, chỉ còn lại sỏi và đá trong chiếc túi ba gang của mình. / Ta cho đi hết, cho hết cả … từ tài nguyên, của cải cho đến những giá trị cốt lõi. Và thế là đất không còn lành, chim không muốn đậu. Bầy chim túa đi thiên di mang theo tất cả, cả tuổi trẻ, tình yêu, nhiệt huyết,… rời bỏ đất nước mình!
24 Tháng Mười 20233:58 CH(Xem: 3699)
Người ta thường ví Mèo như một người phụ nữ, bởi Mèo có vẻ nhẹ nhàng nhỏ nhẻ từ cách ăn, cách ngủ cả đến lúc Mèo gần gũi, nũng nịu bên chủ để được che chở vuốt ve. Tôi không thích Mèo và không bao giờ có ý nghĩ là mình sẽ nuôi Mèo. Tôi cho rằng cái cách dịu dàng của Mèo như một sự dối trá ẩn sau cái ác. Bởi lẽ lúc nhỏ, tôi đã từng chứng kiến và xót đau khi cái lũ mèo nhà hàng xóm xé tan xác ăn thịt mấy con chim bồ câu nhà mình nuôi. Nửa đêm khuya khắc tôi hay bị thức giấc vì tiếng kêu, tiếng chạy đuổi nhau trên mái tôn nhà ông Lý sát cạnh nhà mình, nghe bắt rợn người. Và có lẽ vì Mèo nó có cái vẻ yểu điệu, dịu dàng tương phản với cái vẻ thô thô, cứng ngắt của tôi nên tôi ghét nó...
24 Tháng Mười 20233:22 CH(Xem: 3432)
Mọi thông tin luôn nhanh chóng hiển thị trước mán hình vi tính . Chuỗi sự kiện của cuộc sống quanh tôi và tôi cảm nhận nó bằng tâm hồn mình./ Mỗi buổi sáng, khi thức thức dậy, bước xuống giường, vén mùng là tôi đã start máy, rê chuột là cả thế giới hiển thị trước mặt . Cây trong vườn vẫn xanh như độ nào, cành nhãn nở chùm bông trắng đầu mùa in bên khung cửa sổ như một bức tranh. Ngày nắng cũng như mưa, nó luôn hiển thị. Một thế giới hiện thực đầy hư ảo! / Tôi thích mơ mộng, trong tôi luôn hình dung những sự kiện rồi huyễn tưởng và sống với niềm hạnh phúc chứa chan trong cõi mộng đó.