- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

ĐỢI NẮNG

12 Tháng Chín 20219:32 CH(Xem: 9873)
SAI GON LOCKDOWN
Saigon - photo Hoàng Cương

 

 

 

Thái Thanh

ĐỢI NẮNG

 

Buổi sáng thức dậy thật sớm, tôi có những phút bình yên ngồi bên song cửa sổ lặng nhìn thành phố còn trong màn đêm yên tĩnh. Từ ngày thành phố có lệnh cách ly, khoảng trời của tôi được thu nhỏ chỉ trong khung cửa sổ này. Nhìn từ nơi xa xa tít ngoài xa là con đường cao tốc, cửa ngõ cho người đi người về lại Sài gòn, ngày trước xe lúc nào cũng nối đuôi còn bây giờ thưa thớt một vài xe trên đường. Những ngày dịch bệnh nơi ấy bớt hẵn bóng người, không còn những chuyến xe đi sớm về muộn trên đường xuôi ngược.

 

Tôi bắt đầu yêu tiếng xe chạy tự năm 1972 hồi ấy tôi chỉ mới 12 tuổi, lúc cả nhà tôi đi tản cư ở Cam ranh. Tiếng xe làm tôi nao lòng bởi trong trí óc trẻ thơ của tôi hồi ấy là sự lo lắng, phập phồng chờ đợi. Dù là lúc ấy tôi chỉ là con bé học lớp 6 nhưng cũng đủ cảm nhận được cái nguy hiểm của thời chiến tranh, mọi bất trắc dễ xảy ra nên đã khiến tôi sợ, bởi tôi thường đợi tiếng xe quen thuộc của ba tôi rong ruỗi trên đường trở về... Mong ba được bình an.

Rồi đến năm 1975 thời loạn lạc chiến tranh và di tản, âm vang của những tiếng xe chạy hoài trong trí nhớ cho đến bây giờ dẫu khuất lấp theo thời gian vẫn không mất hút.

 

Những ngày này tôi có lại trong lòng mình cái cảm giác thấp thỏm chờ đợi. Mong cho dịch bệnh tiêu trừ dù đôi lúc thấy nỗi mong mình sao có vẽ vô vọng quá. Tâm trạng này sao giống ngày ấy năm xưa trong thời chiến khi mạng sống con người đang quá đỗi mong manh... Người chết vì covid mỗi ngày một tăng. Chung cư tôi đang sống, tôi ấn tượng trước cái chết của một chàng trai trẻ khỏe mạnh, vui vẻ, tự tin người Hàn quốc, chết vì Covid, để lại cô vợ trẻ người Việt ôm đứa con gái 5 tuổi, cả hai đều mặc đồ trùm kín ở khu cách ly, còn một đứa con nhỏ của họ đang được cấp cứu... Rồi đến cái chết của ông bảo vệ chung cư, mới ngày nào còn khỏe mạnh, vui vẻ ân cần giờ đã ra đi. Đi mau quá chắc họ không nghĩ được rằng mình sẽ chết trong một ngày gần đến vậy.

 

Sáng nay mở facebook lại thấy hình ảnh một cậu thanh niên ( giấy tờ mang trong mình quê ở Tân Vinh) bị ngất xỉu bên đường ngay chỗ chờ xe buýt, đối diện công ty Pouyen. Đường phố vắng người, nên không ai phát hiện ra em, đến lúc tìm thấy em thì hơi thở em quá yếu rồi, gọi tên em không còn phản ứng gì và người ta sợ covid nên không dám lại gần, họ đành gọi xe cấp cứu... Chờ đến lúc xe cứu thuớng đến chắc không còn kịp nữa. Tưởng tượng ở một nơi nào đó mẹ cha nóng lòng mong đợi em về. Tôi thấy quặn lòng... Nhưng may quá, đến tối tôi lại được tin vui vì em đã được đưa đến bệnh viện kịp thời, thử covid thì em âm tính, em đã được cứu sống và hiện đang chờ liên lạc với gia đình. Cảm ơn lắm những người đã cứu giúp cho em.

 

Tôi lại thấy hình ảnh hai mẹ con bị f0, mẹ 55 tuổi và con trai 34 đang lội bộ tìm khu cách ly vì ở nhà vừa đói vừa bệnh. Con đường xa hun hút mà họ vẫn đi để tìm sự sống. Họ may mắn gặp được Tri san một tình nguyện viên đưa họ đến y tế xã ở Bình hưng Hòa. Rồi bước tiếp theo nữa họ sẽ được đưa đến khu cách ly. Tôi lo lắng dõi theo họ và cuối cùng được biết: hiện hai mẹ con ổn, đang điều trị tập trung bên quận 8. Có các bạn học viện quân y theo dõi, chăm sóc rất tốt...

Cầu xin cho họ được cái may tiếp theo nữa là được cứu chữa lành bệnh trở về.. Sự sống thật quý giá, dẫu cùng cực bên đời vẫn cứ thiết tha được sống, được yêu.

...Còn quá nhiều khổ đau, đau khổ mà mình không đủ sức để giúp, chỉ để thấy và biết. Ai cũng đáng thương dù họ là ai. Tôi cầu nguyện cho họ và hát lẩm nhẩm trong đầu bài của Trịnh: " Đừng tuyệt vọng. Tôi ơi đừng tuyệt vọng...". Ngoài kia còn biết bao người tốt họ mang sứ mệnh cứu người như Bồ tát như Chúa Giê su.

 

Những ngày trốn trong nhà vì dịch bệnh. tôi thấy thương cuộc sống này, thương những người ở bên đời đau khổ.Thương người đi đến cuối con đường...

Ai rồi cũng sẽ đi đến cuối con đường, chỉ sai khác nhau là dài hay ngắn.

Bởi vậy nên kiếp sau của mỗi một người có thể trong tích tắc, có thể là mai mốt, ngày kia hoặc dài hơn nữa tùy theo phần số của mỗi người...

 

Tuổi già như chiếc xe thổ mộ đi cọc cạch qua vùng ngoại ô buồn, xin cho cái chết đến được bình an không đau đớn hoảng sợ. Người xưa bảo rằng: Khi một người đang sống cùng ta bỗng dưng thay đổi tính tình là người ấy sắp rời bỏ ta mà đi... đi mãi không về.

Thế nên mỗi ngày nhìn lại... ta nên rút ngắn cái khoảng cách khắt khe trong tâm mà thương cho người sống cạnh mình trong cõi nhân gian này. Từ trước đến giờ người dịu dàng vui vẻ thứ tha, người cau có xét nét khó chịu cùng ta, mà bỗng dưng thay đổi tính ngược lại bất ngờ... Là duyên tình của ta và người sắp hết. Bạn thử nghiệm lại xem, tôi đã thấy điều đó rồi trong những người thân của tôi.

 

Tôi cứ lẩn thẩn mà suy ngẫm khi nhìn thấy những gì quanh tôi nhưng bây giờ thì không có nghĩa gì cả bởi dịch bệnh, cái chết mau quá đến ngỡ ngàng không phân biệt được ai. Điều quý nhất bây giờ là sự bình an.

Thương cho người già đã trăn trở cả một kiếp người đến lúc chết vì Covid lại đớn đau cô độc một mình.

Thương cho người trẻ còn bao nhiêu hoài bão, bao yêu thương ràng buộc bên mình đành đoạn cắt ngang, đợi lúc tái sinh.

Thương cho người ở lại ngẩn ngơ trước cái chết của người thân yêu nhất quá mau chưa kịp cầu xin Trời Phật cứu giúp...

Biết phải sống làm sao đây trong những ngày còn lại bên đời trước sự mất mát quá lớn này...

Họ đều là những người đi đến cuối con đường...

 

Nhưng theo quy luật tuần hoàn. Trời mưa dầm mãi lâu đến lúc cũng phải ngưng rồi trời sẽ nắng. Tôi đợi nắng về. Cái nắng ấm áp hiền hòa xua tan mọi khổ đau vương vấn trong đời này. Cái nắng ấm áp tràn về trên quê hương bé nhỏ này của tôi.

Mỗi ngày tôi đều ĐỢI NẮNG.

 

Thái Thanh

(Viết trong mùa đại dịch. Sài gòn ngày 31/8/2021)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
12 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 35831)
X uân Lộc là nút chặn đường tiến vào Sài gòn của quân Bắc Việt. 35 năm, thời gian tuy dài, nhưng có khi không thể xóa nhòa một vui buồn, huống chi những mất mát đớn đau trong đời người. Trong ký ức của người dân Long Khánh, và người dân miền Nam, trận chiến Xuân Lộc, không thể phôi pha.
03 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 29373)
rồi thiên anh hùng ca cũng từ từ khép lại nghìn năm sau nại hà sông vẫn dài thêm tuổi đường trần sao quá vội ngày hai buổi không về cùng chiều lặng. chiều tê
23 Tháng Ba 201412:00 SA(Xem: 38643)
T ôi vẫn đi lên đi xuống dọc theo bờ biển miền Tây Hoa Kỳ. Được hỏi khi nào ngưng, tôi chỉ biết cười và trả lời là tới khi nào không còn lái xe được nữa. Tôi thèm những lúc thả hồn giữa những cụm rừng đại thụ gỗ đỏ cao thấu trời mây; giõi theo những cánh chim thiên di hàng năm không biết mỏi, và tưởng tượng từng đàn cá voi bận rộn xuôi nam ngược bắc...
21 Tháng Ba 201412:00 SA(Xem: 33527)
H oàng Cung Cambodia, tôi chết lặng trước tấm bản đồ xứ Miên. Bao gồm đất nước tôi, trãi dài từ Miền Trung xuống Miền Nam ngày xưa là đất của Cham Pa và Chân Lạp. Người Việt tôi khởi đầu từ nhà Trần, nhà Nguyễn đã mở rộng bờ cõi như thế này đây…
21 Tháng Ba 201412:00 SA(Xem: 34765)
“ B ất cứ lúc nào bất cứ ở đâu” tưởng là kể chuyện tình, nhưng không tôi nghĩ khác. Dù chúng ta không bắt gặp những hình ảnh bắn giết trên chiến trường, nhưng bàng bạc trong từng chuyện là tâm trạng chán nãn, hỗn loạn, bất cần đời, sống không biết ngày mai của một lớp thanh niên, của một Sài Gòn trong thời chiến tranh.
15 Tháng Ba 201412:00 SA(Xem: 32036)
Sống trọn vẹn đời mình như đã muốn, phải là, điều ấy đẹp như một bài thơ dù là bài thơ đắng. Xin mượn lời Vũ Hoàng Chương tiễn một nhà thơ để giã biệt Vũ Ánh: Người thơ nằm xuống đó hiên ngang Như một câu thơ trắng thẳng hàng Đẩy mãi bàn chân tìm đất đứng Ngoài ba chiều cũ sắp tan hoang .
15 Tháng Ba 201412:00 SA(Xem: 36238)
N hững ngày này, năm Bảy Lăm, tháng Ba, ”Mặt Trận Miền Tây Vẫn Yên Tĩnh”. Đơn vị tôi là một tiểu đoàn Địa Phương Quân (TĐ 497/ ĐP Tiểu Khu Châu Đốc), vẫn trấn đóng trên ngọn 554 thuộc núi Giài, Thất Sơn, Châu Đốc. Bộ Chỉ Huy đặt tại Ba Xoài.
13 Tháng Ba 201412:00 SA(Xem: 34518)
L ần đầu cộng tác cùng Hợp Lưu. Vũ Khuê là bút danh. Sinh sống và làm việc tại Khánh Hòa. Như một món quà gặp mặt người viết xin gởi đến quí độc giả và văn hữu của tạp chí Hợp Lưu một "ức ký" về những ngày cuối của chiến tranh Việt Nam. Chúng tôi hân hạnh giới thiệu bài viết "Anh Đã Biết Gì về Cuộc Chiến?" của Vũ Khuê. (TCHL)
21 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 37210)
A nh đi rồi còn ai vuốt tóc Lời tình thơm sách vở học trò Đêm xuống rồi em buồn không hở Trời xa mù tầm tay với âu lo…
02 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 37914)
C uối cùng, tôi cũng đến Phnom Penh. Phnom Penh của Hậu, Phnom Penh của tôi trong trí tưởng tượng. Tôi đẩy xe hành lý qua hải quan. Tôi chờ đợi những âm thanh náo động bên ngoài như năm nào tôi về phi trường Tân Sơn Nhất. Hai cánh cửa mở ra. Hơi nóng ngột ngạt bốc lên mặt. Tiếng lá cây rì rào xen trong tiếng người nói nhè nhẹ khiến tôi bỡ ngỡ. Phi trường Phnom Penh vắng vẻ như thành phố tỉnh nhỏ. Buổi trưa nắng chói. Những cánh phượng rực rỡ nở trên bầu trời xanh. Chúng tôi ra lề đường chờ xe nhà đến đón.