- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

VƯỢT QUA QUÁ KHỨ

15 Tháng Tư 20211:03 SA(Xem: 4261)

30-4-1975 nhin tu mien NAM

VƯỢT QUA QUÁ KHỨ
-Ban Mai

Ngày này 46 năm trước, tôi đang rong ruổi trên đường cái quan chạy về Sài Gòn. Gia đình tôi và những người dân miền Trung hớt hải tháo thân khi nghe tin bước chân của quân miền Bắc đang tiến vào Nam. Những người bạn thế hệ tôi ngày ấy ra sao, những ngày tàn cuộc chiến?
Những ngày cuối tháng tư, giờ này bà ngoại của Thơ Thơ đang chia gia tài cho con cháu là những lọ xyanua, phòng nếu có điều gì. Mỗi người một lọ thuốc trong vắt, thơm mùi hạnh nhân, thuốc cực độc uống vào vài giây là chết tức khắc, bà nói cầm chắc thuốc độc trên tay là cầm chắc định mệnh của mình. Bà là vợ của nhà văn Hoàng Đạo, giòng họ của nhóm Tự lực văn đoàn, văn đàn vang danh một cõi xứ Bắc. Tôi hiểu tâm trạng của bạn tôi trong đêm cuối ở đài Tiếng nói Tự do trên phòng chờ lầu 2, tất cả gia đình nhân viên trong đài và văn nghệ sĩ miền Nam tập trung để được “ bốc” đi, đêm dài dằn dặc, phía dưới đường phố là sự hoảng loạn của người dân Sài Gòn, mọi người im lặng căng thẳng nghe cả tiếng máy lạnh rì rầm, bạn phải tìm sách đọc để xua tan sự lo lắng, đọc trong khi những người xung quanh bắt đầu thiếp ngủ. Cuốn tiểu thuyết “Giấc mơ tuyệt vọng” mà mấy mươi năm sau bạn không nhớ tác giả là ai, và ai đã dịch.

Đêm dài lắm, đêm rạng sáng ngày 30 tháng 4 tôi và mấy đứa em còn nằm trên vệ cỏ ven đường Bình Thuận trong chuyến di tản vào Nam, ba mẹ thao thức canh đàn con, tôi nhìn thấy những chiếc xe tăng bật đèn sáng treo cờ sao vàng nửa đỏ nửa xanh, những người lính miền Bắc mang ba lô đang hành quân trên đường. Tiếng xe tăng rít trên đường nhựa vẫn còn làm tôi rợn người.

Đêm dài lắm, đêm của Hương sốt li bì nằm bẹp trên thuyền vượt biển, đường Vũng Tàu về Sài Gòn đã bị cắt trên Cầu Cỏ Mây, Hương và chị Hồng Châu đã gỡ hình trong album cho vào túi cá nhân nhét cạnh gói cơm sấy và hai bộ quần áo. Trước đó ba Hương chở gia đình ra ngoài Cầu Đá Vũng Tàu, chỗ bài võng cong, mẹ Hương khóc vì chị Tú phải ở lại không đi được. Chiếc ghe trôi đi lúc 4 giờ chiều ngày 29 tháng 4, các thuyền ghe lớp lớp nối đuôi nhau đến tàu Hạm đội 7 Hải quân Hoa Kỳ.

Những ngày cuối cùng của cuộc chiến, đêm dài lắm, dài như xác những người lính Cộng hòa ngã xuống trong cuộc triệt thoái cao nguyên Ban Mê Thuộc, Pleiku, trên liên tỉnh lộ 7 và cuộc rút quân khỏi tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn. Tôi thấy máu và máu chảy dài trên từng con chữ, trong hồi ký “Ngày N+...” của Hoàng Khởi Phong và “Tháng ba gãy súng” của Cao Xuân Huy. Tôi thấy thịt xương của những chàng trai trẻ nước Việt tôi bị băm nát, bầy nhầy dưới xích xe tăng, xác người nát tan trên biển, đầu người trôi nhấp nhô, cô gái lõa lồ điên loạn trên boong tàu. Sóng biển đỏ ngầu máu.
6h sáng 30/4 gia đình Thơ Thơ cùng những người bạn ở đài Voa xục xạo tin tức trên radio, lúc đó họ mới biết đêm qua phi trường Tân Sơn Nhất đã bị pháo kích dữ dội, và họ đã bị bỏ rơi.

Cũng sáng sớm hôm ấy, ba Vũ lái xe chở cả nhà thoát thân đến phi trường Tân Sơn Nhất, Vũ sợ hãi nhìn người thanh niên lái xe honda mặc đầy máu la lớn “tụi nó chiếm Tân Sơn Nhất rồi”, ba Vũ tuyệt vọng quần xe khắp nẻo đường Sài Gòn mong thoát thân, nhưng cả nhà không biết rằng hai tuần sau ông sẽ mất, nhà Vũ rồi sẽ bị tịch thu, khu biệt thự ở Thủ Đức cũng sẽ không còn nữa.

Cũng sáng hôm ấy, chiếc xe chở gia đình tôi vào cửa ngỏ Sài Gòn lánh nạn cũng là lúc Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, mẹ sợ hãi khóc nức nở ngày miền Nam sụp đỗ, ba chết lặng ngồi im không nói một lời, chị em tôi ngơ ngác nhìn bầu trời trong xanh.
Với chúng tôi những người miền Nam ngày đó, “thế giới sau 30 tháng 4 không rõ ngày tháng nữa”.

Tháng 4 năm 2021

Bạn tôi nói, hè này sẽ trở về thăm quê hương, lâu rồi không biết có còn nhận ra ai, bạn lo lắng, không biết tụi trẻ sau này có biết vì sao tụi mình ra đi, vì sao đất nước mình như vậy?

Thời hậu chiến và sau hậu chiến đói khổ triền miên, cay đắng, đau đớn rồi cũng lùi vào quá khứ, thời mở cửa và hậu mở cửa cũng đang thay đổi hằng ngày, nỗi buồn, niềm đau rồi cũng sẽ lắng để tuổi trẻ ngày nay có một niềm tin mới, một cuộc đời mới.

Sáng nào tôi cũng ra biển sớm, trăng non vẫn còn nằm chếch về hướng Tây.

Mùa này, buổi sáng công viên đã nhộn nhịp. Điệu cha cha cha tươi trẻ của các cô tập nhịp điệu làm tôi nhún nhảy theo, đi lướt qua sân bóng chuyền của mấy ông bà trung niên, là góc sân bóng rổ của các nhóc tuổi teen. Sáng nay lá bàng rụng đầy lối, làm các cô quét rác vừa quét vừa than, thỉnh thoảng tiếng chổi sàn sạt làm tụi chim sẻ đậu bên lối cỏ bay vút lên.

Xuống bậc cấp, tôi đi bộ ven bờ. Cát ẩm mịn dưới đôi chân trần, tôi nghe tiếng cát mềm vỡ xốp dưới bàn chân, dấu chân còng khắp bờ cát, những con còng gió vụt thoáng vụt hiện nhanh như cắt. Biển mát lạnh, sáng nay sóng lớn làm bờ cát dựng đứng như bức tường thành. Và không gian khoáng đãng của đại dương bao trùm lấy tôi. Trên cao bầu trời trong vắt, mùi của biển mặn nồng.

Mặt trời ửng hồng nhô trên đầu núi, nơi ông Trần Hưng Đạo tuốt gươm về phía Bắc, khi đi bộ dọc bờ biển trở về, một cảnh tượng làm tôi chú ý. Phía xa tôi là hai người phụ nữ đứng lặng dưới con sóng, cả hai quay mặt nhìn thẳng ra biển như đang tưởng niệm người đã khuất. Người đàn bà luống tuổi tóc hoa râm búi cao, mặt quần lĩnh đen áo bà ba tím, người phụ nữ bên cạnh có lẽ tầm 40 tóc tém, khoác ba lô. Mới nhìn, ai cũng biết ngay họ không phải là khách du lịch đến ngắm cảnh biển. Nhìn cái cách họ chắp hai tay đứng cuối đầu, hoàn toàn bất động trong một khoảng thời gian. Tôi lặng người, có điều gì tràn ngập trong lòng tôi. Có phải họ là hai mẹ con từ xa đến? Biển đoạn này vắng, 46 năm trước trên bờ biển này sư đoàn 22 của lính Cộng Hòa đã tử nạn rất nhiều, trong số đó có ai là chồng, là cha của họ.

30/4/1975 tôi và gia đình có mặt tại Sài Gòn đúng buổi sáng chiến tranh kết thúc, bao nhiêu năm đã trôi qua. Từ một cô bé 12 tuổi, giờ đây tôi đã là một thiếu phụ trưởng thành. Nhìn lại những chặng đường thăng trầm của đất nước biết bao điều để nói. Cả hai miền Nam - Bắc máu đã đỗ nhiều rồi, xin đừng khơi thêm hận thù. Bạn bè tôi thắc mắc, sao tôi không viết cái gì nhẹ nhàng hơn, sao thường viết về chiến tranh, viết về người lính... có lẽ cô bé 12 tuổi di tản từ Quy Nhơn vào Sài Gòn trên quốc lộ 1 hơn một tháng trời đã chạy trên những xác người, đã chạm vào cái chết nên nó ám ảnh tôi đến suốt cuộc đời. Tình cờ, trong một lần nghiên cứu đề tài liên quan đến chiến tranh Việt Nam, tôi lật lại lịch sử, tôi tìm đọc tất cả các tài liệu viết về chiến tranh Việt Nam ở từ hai phía, chính từ đó tôi khám phá sự thật lịch sử Việt Nam không như tôi học, không như tôi nghe, sự thật và giả dối làm tôi kinh tởm. Điều đó, bắt tôi phải nhìn lại mọi việc, nhìn nhận lại mọi vấn đề.

Nói như ông Trịnh Công Sơn trên xác chết anh em sự vinh quang phải giấu mặt. Không ai ca khúc khải hoàn trên thịt xương của cùng người Việt Nam.
Chỉ mong rằng, những ngày tháng Tư này chúng ta hãy nói đến tình yêu thương để tương lai thế hệ trẻ bước vào đời bằng trí óc độc lập, biết lắng nghe và biết phản biện, biết tự tin trên đôi chân mình hội nhập cùng thế giới, thoát khỏi quá khứ tật nguyền.

Tôi hy vọng vì một thế hệ trẻ tươi sáng hơn.

BAN MAI
Quy Nhơn, 4/2017, chỉnh sửa tháng 4/2021
--------------
Tham khảo tài liệu:
* “30 tháng 4 nhìn từ miền Nam”. Tạp chí Hợp lưu số 82, năm 2005, Cali, USA.
- “Mở tương lai” – Đặng Thơ Thơ
- “Cyanua chẳng mệnh chung” - Nguyễn Hương
* Sài gòn ngày lạ mặt – Trần Vũ
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
09 Tháng Chín 20219:44 CH(Xem: 9721)
Những ngày giãn cách này, tôi khám phá ra mình có một khả năng mới; đọc được tiếng ho! Giữa tháng 8, bẳng đi một tuần, đột nhiên tất cả âm thanh quanh tôi cùng một lúc biến mất! Không có tiếng hát karaoke, không có tiếng bước chân ngoài cửa, không có tiếng người cãi nhau lao xao dưới sân, không có cả tiếng con nít khóc cười rượt đuổi nhau ngoài hành lang… tôi như rơi vào khoảng không im lặng lạ lùng. Đó là lúc tiếng ho bắt đầu trỗi lên. Đầu tiên là tiếng ho của bác hàng xóm sát vách bên trái, âm thanh đùng đục quặn sâu từ trong phổi, rồi bục ra khỏi cuống họng từng chùm tắt nghẽn. Tiếng ho luồn từ cuối dãy hành lang, theo chiều gió lan dài, mới đầu chỉ là khúc khắc, càng về cuối càng dồn dập, khản đặc.
25 Tháng Tám 20219:16 CH(Xem: 10331)
Một năm trôi qua, nỗi sợ hãi càng thấm đẫm hơn. Sợ bệnh dịch hoàng hoành, con virus –cúm Vũ Hán thực quái ác, nó gây nỗi sợ hãi cho cả thế giới. Loài người như điêu đứng vì nó, nó gây bao tang tóc, đau thương không có bút mực nào tả xiết. Thần quyền, sợ chết. Cường quyền, sợ phạt tiền, sợ tù đày, rờ đâu cũng sợ.
17 Tháng Tám 202110:42 CH(Xem: 9914)
Tôi nhỏ xíu, tôi bé xíu. / Cũng chẳng có nghĩa những bóng lớn của Hội Họa Sĩ Trẻ đó đã che hết dáng tôi, cô học trò xinh xinh, chen chân, nhón gót xem tranh trong những chiều trốn lễ, bỏ nhà thờ… / Tôi mượt mà, tóc bay và mắt ướt, tôi thơ mộng như những thiếu nữ trong tranh. Tôi nhìn thấp thoáng chút yêu kiều, thời của những Chagall, Pissarro, Cezanne, Matisse… Và ngay cả rất xa xưa, Rembrandt.
28 Tháng Bảy 20219:48 CH(Xem: 10253)
Một buổi chiều ảm đạm, đầy sương. Hai chúng tôi ngồi nhìn biển, một màu xanh tít tắp gợi lên một nỗi niềm thăm thẳm, xa xăm. Vài chiếc lá me phai rơi đậu trên mái tóc em. Gương mặt em chiều nay buồn ảm đạm như chiều nay, đầy mây và gió lạnh. Em thẩn thờ nhìn vào góc vắng và buồn . Buồn trong đôi mắt và buồn trong cái nhìn của em. Em bảo em lạnh, anh đưa em về.
22 Tháng Bảy 20216:09 CH(Xem: 9784)
Sài gòn cách ly. Tôi chẳng được ra khỏi nhà hơn hai tháng nay từ khi cháu ngoại nghỉ học chứ không phải tới cái " Giờ thứ 25" Sài gòn đã điểm như lúc này. Nếu tôi được rong ruổi ngoài đường mà tận mắt chứng kiến Sài gòn xôn xao, lo toan, thắt thỏm mỗi ngày cho đến lúc hốt hoảng mà chạy trốn dịch như thế nào tôi sẽ viết sống động hơn, nhưng tôi chỉ ở nhà và chỉ biết tình hình mỗi lúc một nghiêm trọng khi thấy các con tôi.
13 Tháng Bảy 20214:16 CH(Xem: 10626)
Saigon không chỉ của những người hàng giờ lên Facebook khoe đẹp, khoe thân, khoe của, khoe tình ái, khoe giàu… Saigon là của những người không có Facebook để khoe, chạy ăn từng bữa, sấp mặt kiếm cơm. Saigon là của công nhân nhập cư chen nhau trong dãy nhà trọ 10m vuông, là của người đẩy xe đi bán rau cải 2000 đồng 1 bó, bán kẹo kéo nhân đậu phộng, tàu hủ nước đường gừng, bán dừa xiêm 15,000 đồng 2 trái, bán bánh su kem, bán thạch dừa nhà làm…
02 Tháng Bảy 20216:21 CH(Xem: 10550)
Tuổi trẻ chúng tôi sinh ra và lớn lên giữa lúc cuộc chiến diễn ra vô cùng khốc liệt. Ngay từ tuổi thiếu niên – tuổi học sinh trung học, lẫn lộn giữa tiếng đạn bom, chúng tôi đã nghe những bài hát, hoà cùng cuộc chiến có, chống lại cuộc chiến có. Trong những bài hát phản đối chiến cuộc, có những bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
10 Tháng Sáu 20216:03 CH(Xem: 9949)
Tôi nhớ xa xôi có người đã từng ví von bên tai tôi " Dù cho sông cạn đá mòn tình cảm này không hề thay đổi". Ngày ấy, tôi cứ nghĩ sông khó mà cạn lắm chứ, nhưng không, dòng sông nơi tôi ở cứ cạn rồi đầy liên tục trong ngày. Lòng người cũng vậy không có gì là mãi mãi với thời gian. Cái mà dễ thay đổi nhất trên đời này nghiệm ra rằng đó chính là tình cảm; những lời yêu xưa chỉ là ví von trong lúc cảm xúc còn đong đầy nên chả trách gì nhau khi người dễ quên nhau...
19 Tháng Năm 202110:35 CH(Xem: 10498)
Tôi thuộc thơ của thi sĩ Hoàng Cầm từ nhiều năm trước khi biết đến Hoàng Kỳ - người con trai đầu của cụ. Qua nhà thơ Thanh Kim, phóng viên báo Bắc Giang, tôi được gặp anh lần đầu tại thư viện của thị xã Bắc Giang (tỉnh Hà Bắc cũ). Mới gặp, anh có vẻ lịch sự xã giao, thậm chí như hơi đề phòng- thói quen hình thành trong một hoàn cảnh gia đình đầy sóng gió đã ảnh hưởng sâu đậm tới cuộc đời anh... Nhưng dần dà, cái vỏ ngoài ấy đã biến mất hẳn sau nửa giờ trò chuyện, khi anh hiểu rõ rằng: trước mặt anh là một "con mọt sách", đang muốn tìm hiểu về văn hóa vùng Kinh Bắc...
07 Tháng Năm 20214:48 CH(Xem: 10348)
Tiếng nói đầu tiên của một em bé khi bắt đầu học nói là Me, Mẹ, Mạ, Má, Mommy, Maman, và nhiều nữa với những ngôn ngữ hay tiếng địa phương khác, đặc biệt hầu như đều bắt đầu bằng chữ “M”. Có lẽ đó là mẫu tự thiêng liêng chung của nhân lọai khi gọi người đã cưu mang, yêu thương và đùm bọc mình suốt cả cuộc đời. MẸ ở kinh thành hay MẸ ở nơi thôn dã, MẸ ở trên núi hay MẸ ở dưới biển, MẸ là lá ngọc cành vàng hay MẸ gặt lúa trồng rau….. MẸ cũng mang nặng con chín tháng mười ngày, MẸ banh da xẻ thịt đưa con vào đời, và khi con khóc tiếng khóc đầu đời, MẸ đã vừa khóc vừa cười ôm con vào lòng mà quên đi hết những nhọc nhằn mang nặng đẻ đau. Khỏang thời gian còn lại của MẸ là ôm ấp, bảo bọc, hy sinh, dạy dỗ….. và nhiều lắm của tình mẫu tử MẸ dành cho đàn con của MẸ, và cứ thế mà nhân lọai tồn tại và phát triển.