- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

VƯỢT QUA QUÁ KHỨ

15 Tháng Tư 20211:03 SA(Xem: 4399)

30-4-1975 nhin tu mien NAM

VƯỢT QUA QUÁ KHỨ
-Ban Mai

Ngày này 46 năm trước, tôi đang rong ruổi trên đường cái quan chạy về Sài Gòn. Gia đình tôi và những người dân miền Trung hớt hải tháo thân khi nghe tin bước chân của quân miền Bắc đang tiến vào Nam. Những người bạn thế hệ tôi ngày ấy ra sao, những ngày tàn cuộc chiến?
Những ngày cuối tháng tư, giờ này bà ngoại của Thơ Thơ đang chia gia tài cho con cháu là những lọ xyanua, phòng nếu có điều gì. Mỗi người một lọ thuốc trong vắt, thơm mùi hạnh nhân, thuốc cực độc uống vào vài giây là chết tức khắc, bà nói cầm chắc thuốc độc trên tay là cầm chắc định mệnh của mình. Bà là vợ của nhà văn Hoàng Đạo, giòng họ của nhóm Tự lực văn đoàn, văn đàn vang danh một cõi xứ Bắc. Tôi hiểu tâm trạng của bạn tôi trong đêm cuối ở đài Tiếng nói Tự do trên phòng chờ lầu 2, tất cả gia đình nhân viên trong đài và văn nghệ sĩ miền Nam tập trung để được “ bốc” đi, đêm dài dằn dặc, phía dưới đường phố là sự hoảng loạn của người dân Sài Gòn, mọi người im lặng căng thẳng nghe cả tiếng máy lạnh rì rầm, bạn phải tìm sách đọc để xua tan sự lo lắng, đọc trong khi những người xung quanh bắt đầu thiếp ngủ. Cuốn tiểu thuyết “Giấc mơ tuyệt vọng” mà mấy mươi năm sau bạn không nhớ tác giả là ai, và ai đã dịch.

Đêm dài lắm, đêm rạng sáng ngày 30 tháng 4 tôi và mấy đứa em còn nằm trên vệ cỏ ven đường Bình Thuận trong chuyến di tản vào Nam, ba mẹ thao thức canh đàn con, tôi nhìn thấy những chiếc xe tăng bật đèn sáng treo cờ sao vàng nửa đỏ nửa xanh, những người lính miền Bắc mang ba lô đang hành quân trên đường. Tiếng xe tăng rít trên đường nhựa vẫn còn làm tôi rợn người.

Đêm dài lắm, đêm của Hương sốt li bì nằm bẹp trên thuyền vượt biển, đường Vũng Tàu về Sài Gòn đã bị cắt trên Cầu Cỏ Mây, Hương và chị Hồng Châu đã gỡ hình trong album cho vào túi cá nhân nhét cạnh gói cơm sấy và hai bộ quần áo. Trước đó ba Hương chở gia đình ra ngoài Cầu Đá Vũng Tàu, chỗ bài võng cong, mẹ Hương khóc vì chị Tú phải ở lại không đi được. Chiếc ghe trôi đi lúc 4 giờ chiều ngày 29 tháng 4, các thuyền ghe lớp lớp nối đuôi nhau đến tàu Hạm đội 7 Hải quân Hoa Kỳ.

Những ngày cuối cùng của cuộc chiến, đêm dài lắm, dài như xác những người lính Cộng hòa ngã xuống trong cuộc triệt thoái cao nguyên Ban Mê Thuộc, Pleiku, trên liên tỉnh lộ 7 và cuộc rút quân khỏi tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn. Tôi thấy máu và máu chảy dài trên từng con chữ, trong hồi ký “Ngày N+...” của Hoàng Khởi Phong và “Tháng ba gãy súng” của Cao Xuân Huy. Tôi thấy thịt xương của những chàng trai trẻ nước Việt tôi bị băm nát, bầy nhầy dưới xích xe tăng, xác người nát tan trên biển, đầu người trôi nhấp nhô, cô gái lõa lồ điên loạn trên boong tàu. Sóng biển đỏ ngầu máu.
6h sáng 30/4 gia đình Thơ Thơ cùng những người bạn ở đài Voa xục xạo tin tức trên radio, lúc đó họ mới biết đêm qua phi trường Tân Sơn Nhất đã bị pháo kích dữ dội, và họ đã bị bỏ rơi.

Cũng sáng sớm hôm ấy, ba Vũ lái xe chở cả nhà thoát thân đến phi trường Tân Sơn Nhất, Vũ sợ hãi nhìn người thanh niên lái xe honda mặc đầy máu la lớn “tụi nó chiếm Tân Sơn Nhất rồi”, ba Vũ tuyệt vọng quần xe khắp nẻo đường Sài Gòn mong thoát thân, nhưng cả nhà không biết rằng hai tuần sau ông sẽ mất, nhà Vũ rồi sẽ bị tịch thu, khu biệt thự ở Thủ Đức cũng sẽ không còn nữa.

Cũng sáng hôm ấy, chiếc xe chở gia đình tôi vào cửa ngỏ Sài Gòn lánh nạn cũng là lúc Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, mẹ sợ hãi khóc nức nở ngày miền Nam sụp đỗ, ba chết lặng ngồi im không nói một lời, chị em tôi ngơ ngác nhìn bầu trời trong xanh.
Với chúng tôi những người miền Nam ngày đó, “thế giới sau 30 tháng 4 không rõ ngày tháng nữa”.

Tháng 4 năm 2021

Bạn tôi nói, hè này sẽ trở về thăm quê hương, lâu rồi không biết có còn nhận ra ai, bạn lo lắng, không biết tụi trẻ sau này có biết vì sao tụi mình ra đi, vì sao đất nước mình như vậy?

Thời hậu chiến và sau hậu chiến đói khổ triền miên, cay đắng, đau đớn rồi cũng lùi vào quá khứ, thời mở cửa và hậu mở cửa cũng đang thay đổi hằng ngày, nỗi buồn, niềm đau rồi cũng sẽ lắng để tuổi trẻ ngày nay có một niềm tin mới, một cuộc đời mới.

Sáng nào tôi cũng ra biển sớm, trăng non vẫn còn nằm chếch về hướng Tây.

Mùa này, buổi sáng công viên đã nhộn nhịp. Điệu cha cha cha tươi trẻ của các cô tập nhịp điệu làm tôi nhún nhảy theo, đi lướt qua sân bóng chuyền của mấy ông bà trung niên, là góc sân bóng rổ của các nhóc tuổi teen. Sáng nay lá bàng rụng đầy lối, làm các cô quét rác vừa quét vừa than, thỉnh thoảng tiếng chổi sàn sạt làm tụi chim sẻ đậu bên lối cỏ bay vút lên.

Xuống bậc cấp, tôi đi bộ ven bờ. Cát ẩm mịn dưới đôi chân trần, tôi nghe tiếng cát mềm vỡ xốp dưới bàn chân, dấu chân còng khắp bờ cát, những con còng gió vụt thoáng vụt hiện nhanh như cắt. Biển mát lạnh, sáng nay sóng lớn làm bờ cát dựng đứng như bức tường thành. Và không gian khoáng đãng của đại dương bao trùm lấy tôi. Trên cao bầu trời trong vắt, mùi của biển mặn nồng.

Mặt trời ửng hồng nhô trên đầu núi, nơi ông Trần Hưng Đạo tuốt gươm về phía Bắc, khi đi bộ dọc bờ biển trở về, một cảnh tượng làm tôi chú ý. Phía xa tôi là hai người phụ nữ đứng lặng dưới con sóng, cả hai quay mặt nhìn thẳng ra biển như đang tưởng niệm người đã khuất. Người đàn bà luống tuổi tóc hoa râm búi cao, mặt quần lĩnh đen áo bà ba tím, người phụ nữ bên cạnh có lẽ tầm 40 tóc tém, khoác ba lô. Mới nhìn, ai cũng biết ngay họ không phải là khách du lịch đến ngắm cảnh biển. Nhìn cái cách họ chắp hai tay đứng cuối đầu, hoàn toàn bất động trong một khoảng thời gian. Tôi lặng người, có điều gì tràn ngập trong lòng tôi. Có phải họ là hai mẹ con từ xa đến? Biển đoạn này vắng, 46 năm trước trên bờ biển này sư đoàn 22 của lính Cộng Hòa đã tử nạn rất nhiều, trong số đó có ai là chồng, là cha của họ.

30/4/1975 tôi và gia đình có mặt tại Sài Gòn đúng buổi sáng chiến tranh kết thúc, bao nhiêu năm đã trôi qua. Từ một cô bé 12 tuổi, giờ đây tôi đã là một thiếu phụ trưởng thành. Nhìn lại những chặng đường thăng trầm của đất nước biết bao điều để nói. Cả hai miền Nam - Bắc máu đã đỗ nhiều rồi, xin đừng khơi thêm hận thù. Bạn bè tôi thắc mắc, sao tôi không viết cái gì nhẹ nhàng hơn, sao thường viết về chiến tranh, viết về người lính... có lẽ cô bé 12 tuổi di tản từ Quy Nhơn vào Sài Gòn trên quốc lộ 1 hơn một tháng trời đã chạy trên những xác người, đã chạm vào cái chết nên nó ám ảnh tôi đến suốt cuộc đời. Tình cờ, trong một lần nghiên cứu đề tài liên quan đến chiến tranh Việt Nam, tôi lật lại lịch sử, tôi tìm đọc tất cả các tài liệu viết về chiến tranh Việt Nam ở từ hai phía, chính từ đó tôi khám phá sự thật lịch sử Việt Nam không như tôi học, không như tôi nghe, sự thật và giả dối làm tôi kinh tởm. Điều đó, bắt tôi phải nhìn lại mọi việc, nhìn nhận lại mọi vấn đề.

Nói như ông Trịnh Công Sơn trên xác chết anh em sự vinh quang phải giấu mặt. Không ai ca khúc khải hoàn trên thịt xương của cùng người Việt Nam.
Chỉ mong rằng, những ngày tháng Tư này chúng ta hãy nói đến tình yêu thương để tương lai thế hệ trẻ bước vào đời bằng trí óc độc lập, biết lắng nghe và biết phản biện, biết tự tin trên đôi chân mình hội nhập cùng thế giới, thoát khỏi quá khứ tật nguyền.

Tôi hy vọng vì một thế hệ trẻ tươi sáng hơn.

BAN MAI
Quy Nhơn, 4/2017, chỉnh sửa tháng 4/2021
--------------
Tham khảo tài liệu:
* “30 tháng 4 nhìn từ miền Nam”. Tạp chí Hợp lưu số 82, năm 2005, Cali, USA.
- “Mở tương lai” – Đặng Thơ Thơ
- “Cyanua chẳng mệnh chung” - Nguyễn Hương
* Sài gòn ngày lạ mặt – Trần Vũ
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
16 Tháng Năm 20181:22 SA(Xem: 28477)
Tôi rời Hà Nội vào Nam rất sớm. Năm 1951 tôi đã theo bố tôi và người chị cả vào định cư ở Sài Gòn trong khi mẹ tôi và các anh chị tôi vẫn còn ở Hà Nội cho đến ngày di cư. Vào Nam ba bố con tôi ở chung với gia đình người bác ở đầu đường Hồng Thập Tự gần sở thú Sài Gòn. Thời gian chúng tôi ở đó tôi thường theo các anh họ tôi đạp xe đi tắm ở hồ bơi mà hồi đó chúng tôi gọi là "đi pít-xin". Hồ bơi ở xa lắm, mãi tuốt trong Chợ Lớn. Tôi nhớ là để tới hồ bơi chúng tôi phải dắt xe đi ngang một con đường sắt, rồi lại phải băng qua một bãi đất trống rất rộng mấp mô đầy những mồ mả.
07 Tháng Năm 20184:58 CH(Xem: 25064)
Một sợi dây dừa nối hai sinh linh tật nguyền để tạo thành một sinh thể thống nhất, mang tính bù đắp, tối ưu của thích nghi nhưng không thoát khỏi vẻ dị hình, sự mất định hướng đến vụng về của một phần cơ thể mù lòa được kéo lê phía sau. Nhìn họ di chuyển như hình ảnh một con sâu đo, bị chiếp dép quằn nát khúc giữa, ngúc ngắt vô vọng nhưng trong đó là cả hai thân phận con người và tự thân, chừng như họ cũng đang quằn quại với nỗi đau mưu sinh. _ Lại cho chú thương phế binh kia năm chục đi con! Là một người suốt đời sống với cái chợ, má tôi thường nói với tôi khi nhìn thấy hai con người thống khổ ấy. Tôi cầm tờ giấy bạc, chạy tới, bỏ vào cái cà mèn và đáp lại, luôn là một tiếng “Cám ơn” nhẹ nhàng, của những con người có tâm hồn thật tử tế. ... "
30 Tháng Tư 20189:14 CH(Xem: 25096)
Trung Quốc đang khống chế không chỉ Biển Đông mà còn trên toàn Lưu Vực Sông Mekong, Việt Nam là một quốc gia cuối nguồn, giới cầm quyền VN thì lệ thuộc về chính trị vào Trung Quốc và do đó hoàn toàn bị động. Cho dù Việt Nam thỉnh thoảng có lên tiếng phản đối yếu ớt nhưng thực tế không có chiến lược gì cụ thể và hầu như không làm được gì để bảo vệ sự sống còn của hơn 17 triệu cư dân ĐBSCL và cũng là vựa lúa của cả nước. Đó là một sự thật.
31 Tháng Ba 20181:21 SA(Xem: 26894)
Đúng 14G40, tàu chuyển bánh. Chúng tôi nô nức nhìn sang hai bên đường, quan sát cảnh vật. Sài Gòn vẫn đỏ rực màu cờ và biểu ngữ, dấu tích của những cuộc “diễu hành” và “diễu binh” mừng “đại thắng mùa Xuân 1975,” “giải phóng miền Nam” từ Bắc chí Nam suốt một tháng qua—với chi phí khá lớn, hẳn có thể sử dụng một cách tốt đẹp hơn cho các kế hoạch an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, với tiêu chuẩn phân chia giàu nghèo 150,000 đồng mỗi tháng. Nhưng những chính quyền chuyên chính—hay, “dân chủ tập trung,” nếu muốn—thường dành cho ngành tuyên truyền ngân khoản lớn...
25 Tháng Ba 201812:47 SA(Xem: 26855)
Thời gian trôi nhanh, trên nửa thế kỷ qua đi, tôi vẫn không quên kỷ niệm cuộc “hành quân”đầu tiên trong đời binh nghiệp tại làng 13Bis. Hình ảnh những thi hài dù được thu lượm về hay còn nằm phơi mình dưới nắng mưa ngoài trận địa, hoặc được chôn vùi một cách đơn sơ trong rừng sâu khiến tôi tự hỏi tất cả những hy sinh của họ đã được đền bù xứng đáng chưa? Đem thể xác yếu như “cây sậy” của họ thách thức bom đạn, để phục vụ một lý tưởng nào quá xa xôi và mơ hồ, liệu có tàn nhẫn không? Những danh hiệu, những mỹ từ, những truy phong, truy tặng v.v có đủ để đánh đổi mạng sống của họ hay chăng? Dù gì đi nữa, một điều chắc chắn là thân xác những người đã hy sinh ấy nay đã thành “cát bụi”…Và không biết ba mươi năm chiến tranh Việt Nam 1945-1975 mà nhiều người gọi là cuộc chiến tranh “phúc đức”, có bao nhiêu triệu người dân Việt trở thành cát bụi ?
04 Tháng Ba 20182:00 CH(Xem: 23983)
"Không Cần Phải Đốt Sách để phá huỷ một nền văn hoá, Chỉ Cần Buộc Người Ta Ngừng Đọc mà thôi." "You don't have to burn books to destroy a culture. Just get people to stop reading them." Ray Bradbury phát biểu câu trên cách đây mới có 24 năm khi trả lời phỏng vấn của Misha Berson, của tờ The Seattle Times (12 March 1993)
15 Tháng Hai 20182:18 SA(Xem: 26837)
Trong y khoa, khi khảo sát não trạng vô thức của đám đông, qua nghiên cứu hành vi/ behavior của loài cá, khoa học gia Đức đã làm một thử nghiệm: thả một con cá bị huỷ não bộ vào một hồ cá, không có gì ngạc nhiên là con cá ấy mất định hướng bơi tán loạn, nhưng điều kỳ lạ là đàn cá lành mạnh thì lại ngoan ngoãn bơi theo con cá mất não ấy. Phải chăng "thử nghiệm hành vi" của nhà khoa học Đức, đã phần nào giải thích hiện tượng cả một dân tộc Đức văn minh đã có một thời kỳ nhất loạt tuân theo một lãnh tụ như Hitler xô đẩy cả thế giới vào lò lửa của cuộc Thế chiến thứ Hai.
12 Tháng Giêng 201812:14 SA(Xem: 9542)
Trước Bạc Liêu, tỉnh duyên hải Bình Thuận cũng đã có nhà máy điện gió tại huyện Tuy Phong, quy mô nhỏ hơn gồm 20 trụ turbin điện gió với công suất 30 MW. Bình Thuận, còn có dự án Điện gió trên đảo Phú Quý với 3 trụ turbin công suất 6 MW. Về khai thác điện gió, Bình Thuận là tỉnh "đi trước về sau" so với tỉnh Bạc Liêu nơi ĐBSCL. Hiện có 5 nhà máy điện gió đã đi vào hoạt động ở Việt Nam với tổng công suất 160 MW, tuy chậm và sơ khai nhưng nhiều hứa hẹn, sẽ cùng với điện năng mặt trời dần thay thế cho nguồn điện than gây ô nhiễm khủng khiếp.
01 Tháng Giêng 20181:14 SA(Xem: 24724)
Về tới Cao Lãnh cũng đã gần nửa khuya. Trên chiếc xe Van của tài xế Sang có Wi-Fi di động, nên suốt cuộc hành trình nếu muốn, chúng tôi vẫn có thể kết nối mạng và làm việc với iPhone, iPad. Ngày hôm sau 12.12.2017, chúng tôi vẫn thức dậy sớm để khởi hành đi vào Đồng Tháp Mười, ghé qua Gò Tháp.
14 Tháng Tám 201712:57 SA(Xem: 27048)
Đây là bài mới bổ sung cho một bài viết khởi đầu chỉ là hồi tưởng và những kỷ niệm rất riêng tư với Giáo sư Phạm Biểu Tâm nhân dịp lễ tưởng niệm 100 năm ngày sinh của một vị danh sư đã để lại những dấu ấn lâu dài trong Ngành Y của Việt Nam từ thế kỷ trước.