- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Cyanide chẳng mệnh chung

15 Tháng Tư 202112:27 SA(Xem: 16231)
Nguyen Huong-chang menh chung

NGUYỄN HƯƠNG

Cyanide chẳng mệnh chung

 

 

Chiếc xe gài số lui ra khỏi sân nhà, ngang mấy hàng lan Hoa Hậu và gốc nhãn đang đậu trái nhỏ li ti, thành chùm.

Tôi hỏi: Xe nhà mình lúc đó là xe gì?  Ba nói Con không nhớ sao?  Tôi gấp lại dãi khăn tang trắng. Hôm mãn tang Ba, ở chùa về, tôi đã định đốt dãi khăn trong lò sưỡi. Tháng này trời Cali chưa chiều đã nhá nhem. Tôi để cuộn khăn trở lại bàn nhỏ cạnh đầu giường. Ba không còn ngồi trên ghế gần cửa ra vào. Trong phòng còn có mình tôi.

Các bạn tôi đa số ở rất xa, thường thư email hay điện thoại. Mai năm ngoái nhủ viết về Ba đi Hương. Vũ năm nay dặn cứ viết những điều thật, đã xảy ra.

Tôi hỏi: Nãy giờ Ba đi đâu mất? Ba nói: Liệt nằm 16 năm, bây giờ thì không ngồi được một chỗ, người cứ bay đi bất tử, sang kinh tuyến khác.

Tôi hỏi: Điều gì đã xảy ra?

Ba cười, miệng méo như khóc vì loạt tai biến mạch máu não.

Các bạn tôi dặn: chỉ viết những gì đã xảy ra.

Tôi muốn hỏi: Làm sao để đọc một lịch sử? Làm sao biết chắc điều gì đã xảy ra? Không lẽ chung cuộc của người thua hay kẻ thắng sẽ quyết định giá trị trung thực của quá khứ?

Thơ nói chỉ biết chắc khi mình có ống thuốc độc cyanure để dành, đảm bảo mọi biến cố. Tôi hỏi thuốc hạt kết tinh hay hòa tan trong nước? Thơ nói chỉ nhớ tên thuốc bằng tiếng Pháp vì nghe Mẹ gọi như thế vào những ngày cuối tháng 4. Và bây giờ thì Thơ muốn nó trong vắt, nằm trong ống thủy tinh cá nhân: mỗi người một ống, một định mệnh. 30 năm. Thơ nói cầm thuốc độc trong tay là cầm chắc số mệnh, nhưng nằm mơ thì ngược lại.

Còn hồi ức thì là uống cyanide/ cyanure/ xi-a-nuya hay nằm mơ?

 

1

 

28 tháng 4, 1975. Chị Hồng Châu và tôi, mỗi đứa đã gỡ hình trong album ra cho vào túi cá nhân nhét cạnh gói cơm sấy và hai bộ quần áo từ mấy hôm nay. Đường Vũng Tàu về Sài Gòn bị cắt ở Cầu Cỏ Mây. Ba tất tả đi suốt buổi sáng. Lúc Ba về nói có chỗ trên ghe của Vũ Cao Thanh, tôi còn mặc bộ đồ vải sợi, in những đường vòng bông tím. Mẹ nói mặc vậy được rồi, nó còn đang sốt. Tôi muốn cãi lại, Con không còn sốt, con tỉnh lắm rồi.

Mẹ hỏi: Còn con Tú?

Ba nói: Họ cho có năm chỗ, mà con Tú sẽ không chịu bỏ Dì Bảy với hai em nó. Chị Tú là con của Dì tôi, nhưng Ba Mẹ nuôi chị hồi nhỏ nên coi như con.

Xe chạy không nhanh. Tôi nghe Mẹ khóc khe khẻ kêu Tú. Tôi nhắm mắt thấy chị Tú cao nhồng mặc bộ đồ vải sợi của tôi ngắn cũn cỡn, đứng nhìn tôi, nhìn tôi chăm chăm. Chỗ chị đứng đang sụp lở, đất đá tan nát bay như bụi. Tôi quay kiếng xuống, thò tay ra ngoài. Gió thổi ngược lòng tay, suốt đường ra biển.

30 năm sau, Thơ sẽ nói: Hương chuẩn bị đi. Tôi sẽ hỏi: làm sao chuẩn bị cho điều đã xảy ra? Thơ kêu: Hương phải nằm xuống, áp sát lòng thuyền, lắng nghe.

Chiếc ghe cập ngoài Cầu Đá Vũng Tàu, chỗ bãi vòng cong. Người chủ ghe đòi tiền. Tôi nghe Ba trả lời: “Ông Vũ Cao Thanh dàn xếp rồi.” Chung quanh, trẻ nít chống những chiếc thúng tròn chất đầy vali, quay ngược quay xuôi trên mặt nước. Tiếng người xôn xao. Lúc Ba đang sắp vali vào lòng ghe, mẹ đi theo hỏi: “Bao nhiêu? Vàng đâu mà trả?”

Tôi nằm trong góc, mi mắt bắt đầu nóng lên dần. Cơn sốt trở lại.

 

Xế trưa hôm đó có tiếng súng chỉ thiên. Người nào nói:

“Chạy luôn đi. Ghe toàn đàn bà con gái. Không để lính lên được.”

“Không cập bến họ bắn.”

Những người lính, tôi thu mình nhìn họ ngồi bó gối trong lòng thuyền. Tôi nhìn những đôi giày bốt tác chiến vấy bùn cát sắp phải cởi bỏ. Họ chỉ muốn ghe chở họ sang Cần Giờ. Để làm gì? Họ đi về đâu giữa một đất nước đang tan rã?  

Khuya tôi lẻn ra ngồi ngoài mạn ghe nhìn hỏa châu và đạn pháo đốt sáng thành phố. Mặt biển như đám cháy. Vũng Tàu trông nhỏ lại, như xác người vừa mất, co rút xuống để chuẩn bị phình chương thối rữa.

Mưa lắt rắt. Đầu mùa?

Vũ tả: Vũng Tàu những ngày sau 30-4 như thành phố chết, bãi biển la liệt quân trang, quân dụng của lính vất bỏ lại. Tôi nghĩ đến những đôi giày bốt tác chiến đã cởi, quăng trên bãi cát, muối ăn vào da thuộc.

Mãi sau này dù có trở về, tôi sẽ không gặp lại Vũng Tàu nữa, trong sinh thì của nó.

 

2

 

Lịch sử đã đúc khuôn như cái chết đã xảy ra, không ai ngăn được? Chắc nịch như cyanide trong vắt? Tôi kéo mền lên tận cổ. Cơn sốt mấy hôm nay vẫn trở lại vào buổi chiều. Cali nắng xế vàng đỏ, giữa hai cơn bão. Tôi nằm trong giường gọi điện thoại cho Thơ. Thơ ơi, đi chơi Hawaii về có nằm mơ gì không? Thơ nói: Nằm mơ thấy Hương máu xối xả đổ ra từ lỗ hổng giữa mặt. Hương phải gục mặt vào vai từng người bạn để cầm máu, đi quanh sân nhà chờ xe cấp cứu. Tôi cười: Nếu mình chận lại ký ức thì tương lai trong những giấc mơ có khác đi không? Hơi lạnh chạy dọc sống lưng. Mi mắt tôi bắt đầu nóng dần:

Người đàn bà. Không. Tôi. Tôi đang đứng dưới hàng ba, trước cửa căn nhà chiều Ba Mươi Tết một năm cuối thập niên 60. Tôi đưa tay lên gõ cửa. Cửa cánh xếp, sơn xanh lá cây bạc màu. Gió Lào im lặng cuốn lấy bụi lá trên đường. Đường vắng người. Tôi nghe được cả tiếng sóng ở xa, trong tíc tắc trước khi những đốt ngón tay chạm vào thớ gỗ.  Tôi chờ nghe tiếng gõ, như chờ tay ai vuốt dọc sống lưng.  Tiếng gõ không phát ra từ dàn cửa cánh xếp. Hai tiếng cộc cộc vang lên, dội lại từ khắp đường phố như thanh âm dàn nổi. Thời gian mênh mông.

Tôi gõ thêm hai tiếng nữa. Cộc Cộc. Dàn cửa bật mở. Đường phố bật tiếng người. Gió Lào rít trên mặt nhựa.

Tôi quay lại lúc có tiếng nhảy huỵch vào hàng ba. Tôi nhận ra người đàn ông mặc đồng phục cảnh sinh. Tôi nhìn Ba đang đứng ở hàng ba, bế tôi 4 tuổi trên tay. Thời gian đổ cuốn về phía trước.

Người cảnh sinh chạy vào nhà. Ba bế tôi chạy theo. Tôi biết mình phải chạy theo họ, đóng dàn cửa cánh xếp, gác thanh gỗ chắn bên trong, trước khi toán thủy quân lục chiến ập vào. Tôi phải giữ hai tốc độ khác nhau giữa những động tác phải làm và thời gian. Tôi phải chạy nhanh hơn và thời gian phải trôi chậm lại.

Cái chết không ngăn được, trong căn nhà cũ của tôi ở Vũng Tàu. Căn phòng ngủ của tôi, anh Minh, và chị Hồng Châu có cửa mở xuống khoảng sân trong, trời mưa nước chảy róc rách dọc đường mương. Chỗ này chiều Ba Mươi Tết, người cảnh sinh bị lính thủy quân lục chiến rượt vào nhà đá phọt con mắt. Tôi không nhớ máu có xối xả đổ ra như trong giấc mơ của Thơ không. Tôi chỉ nhớ giày bốt tác chiến. Và con mắt. Ông cảnh sinh quì mọp chỗ lu nước mưa cạnh đường mương. Ba bế tôi trên tay, năn nỉ: Người ta đã lạy mình, các anh tha đi, mã thượng.  Tụi tui chết ngoài chiến trường, ai thương? Nhóm lính quay đi, người cảnh sinh còn nài lại chiếc đồng hồ: Tui nghèo quá, mấy anh thương. Toán lính quay trở lại. Người cảnh sinh bị giày bốt tác chiến đạp bể lá lách tắt thở chiều hôm đó.

 

3

 

Ngày cuối của năm. Seal Beach nước ròng, bãi cạn loang loáng sáng lúc trời vừa tối hẳn. Tôi đi hết bãi không thấy ai. Chim sandpiper lố nhố chạy theo sóng.  Tháng 12 năm 1979 nước bãi này cũng lạnh, nhưng chúng tôi mười mấy tuổi, rủ nhau xuống tắm. Bi xăn quần đứng chỗ sóng đánh đến đầu gối. Tôi bơi ra. Lạnh cóng. Bi gọi. Tiếng đứt quãng trong gió. Hồi bé tí, lúc tơí nhà chơi, Bi vẫn dành đạp chiếc xe của tôi có hai bánh nhỏ hai bên. Vừa đạp vừa inh ỏi gọi tôi bí bo bí bo. Xe tôi màu gì Bi nhớ, tôi không nhớ. Bi nhắc chiếc xe đạp khi vừa gặp lại, lúc lần đầu từ Albany, New York sang Cali ở chơi với gia đình tôi, lúc Bi đòi tôi gọi tên hồi còn bé. Tôi chỉ nhớ những buổi tối ở Vũng Tàu, người lớn đi hết, chỉ có hai đứa vừa la cá sấu cá sấu lên bờ vừa nhảy từ giường này sang giường khác trong căn phòng ngủ của anh chị em tôi, căn phòng mở xuống sân trong, trời mưa nước róc rách chảy, dọc đường mương.

Nước biển nhìn xuống tối đục, trên mặt sáng rỡ ánh đèn hắt từ cầu. Tôi lội dở, sóng dập mấy lần, mũi nồng nước mặn, loi ngoi trở lên bãi choàng khăn, xuống đứng cạnh Bi: Nhát. Nó cười: Coi ai lạnh? Chị Hồng Châu ra đứng cùng. Chân chúng tôi lún sâu vào cát. Bi hát khi nhỏ khi to. Như tiếng vọng lại của chiêm bao.

“Bi thuộc hết lời nhạc Trịnh Công Sơn. Băng cassette chị Tần đưa. Bi nói không có ai trong gia đình nuôi người Mỹ để nói tiếng Việt. Tối nằm áp tai vào máy, nó hát nho nhỏ: Tôi vẫn yêu anh yêu Việt Nam/Ngày gió lớn tôi đi môi gọi thầm.”

Ba nhìn tôi hồi lâu.

“Đi với Ba lên cầu coi người ta câu cá.”

“Ba có gặp Bi không?”

Cầu không có ai câu cá. Cầu không có ai. Đèn Giáng Sinh sau lễ thắp sáng hai bên.

“Ba không lạnh?”

Ba cười nhướng mày:

“Hồi xưa Ba đi câu cá với Bác Thông ngoài Cầu Đá.”

Mẹ kể nhà đó anh em tên Thông, Ngôn, Ký, Lục, Sự. Những giấc mơ ấm êm chừng mực thời thuộc địa của một bà mẹ góa ở dãy phố sáu căn của ông ngoại tôi, bán bánh in nuôi con. Lúc trả tiền nhà ông ngoại không lấy, bà nói: ‘Tui dạo này bán bánh khá lắm anh Bảy.” Mẹ nhớ giờ chơi chạy ra sân trường mua từng cặp bánh in hình hai con vịt có chấm mắt đỏ, gói trong giấy quyến trắng.

Ba nói: “Ảnh câu cá giỏi lắm.”

Tôi thấy miệng những con cá hanh, cá đối ngam ngáp, mắt đục từ từ, gĩay trên Cầu Đá, chỗ bãi vòng cong. Lúc Ba bị tai biến mạch máu não, cũng thở ngam ngáp, Ba nói vì ngày xưa câu cá nhiều quá, vây nghiệp.

“Vậy Bác Thông có phải trả nghiệp câu cá không?”

 

1931

Con không ngăn được cái chết.

Vì cái chết đã xảy ra? Như quá khứ?

Không, vì con không ngăn được tương lai.

       

Mùi rong, con còn nhớ không? Mùi mặn của muối. Buổi chiều hồi Ba nhỏ, đi tắm biển, ngoài xa có chiếc bè nổi. Bọn con trai tiểu học lội ra bè, nằm nghe tiếng sóng, mây trôi ở trên cao. Hôm đó, mấy đứa con nít Việt làm chủ chiếc bè, bọn Tây lội tới, muốn leo lên bè là bị đạp tay.

Nhà ba tôi ở xóm Vườn, mái lá, vách lá, sàn đất, thứ đất mịn màu vàng nhạt, trời mưa đọng thành bùn, vàng đậm. Mưa xong, đất dắn lại, dán đầy xác phượng nát nhàu. Ba chắc có máu Chàm, da đen, hốc mắt sâu, tóc dợn. Ông Nội hồi xưa từ Trung vào kiếm sống trong Nam, đi lính sang Pháp thời Thế Chiến Thứ Nhất, trở về làm sở giây thép cho Eastern Extension của Anh, đường giây Miến Điện-Mã Lai-Hương Cảng, qua trạm Vũng Tàu, lúc đó còn là Cap Saint Jacques, gọi là Cấp.  Nhà tiện tặn lắm, cộng thêm tiền học bổng, Ba mới đi được qua Bà Rịa học, rồi Sài Gòn. Cá nhám kho tiêu. Hai năm cá nhám kho tiêu.

Ba, còn Bác Thông?

Anh Thông hơn Ba khoảng 7 tuổi, học hết sơ học về nhà làm nghề dệt vải. Ba lúc đó không biết gì hoạt động của Thông, nhưng rất phục phong cách. Có lần Ba đi xe đò cùng với Thông, lơ đòi tiền, anh Thông lấy giấy ra viết: “chờ độc lập sẽ cắt đất trả cho,” rồi ký tên vào đó. Ông ngoại con là chủ hãng xe đò, nghe chuyện cười thích thú. 

Ba đi câu cá với bác Thông?

Ừ, bác Thông câu được cá, hên xui may rủi, như rút thăm định mệnh. Nhưng đó là mãi sau này, năm 1945.

Còn năm 1944?

 

1944

Năm 1944 Ba bị tuyên án 20 năm khổ sai Côn Đảo, 20 năm biệt xứ và tịch thu tài sản. Tội danh: Trahison, et association des malfaiteurs ayant pour but la démoralisation de l’armée.

Lùi lại, trước đó, sao Ba đi đến chỗ án tù?

Năm 1937, đang học năm thứ ba ở Petrus Ký, buổi chiều Ba đạp xe ra tòa soạn La Lutte của Cộng Sản Đệ Tứ theo thuyết của Trotsky, tìm gặp Tạ Thu Thâu, trên 30 tuổi, học luật bên Pháp về, điềm đạm, thuyết phục, nhiệt huyết. Anh Thông lúc đó đã vào Đệ Tứ.  Ba hoạt động bán chính thức với hai Bác Thông và Ngôn. Ông Cò (môi) Xệ Clayzière dưới Cấp hiền lắm, chỉ cho người đi nói Ông Nội coi chừng.

Năm đó, chánh phủ Mặt Trận Bình Dân của Léon Blum cử phái đoàn do Tổng Trưởng Thuộc Địa Marius Moutet dẫn đầu đi kinh lý Indochine. Hội Đồng Thành Phố Sài Gòn do dân cử, đa số là Cộng Sản Đệ Tứ đang chuẩn bị dâng Đông Dương Sách đòi hỏi cải tổ. Chánh quyền thuộc địa sợ chánh phủ Blum nhận nên tống giam Hội Đồng Thành Phố. Tạ Thu Thâu, Nguyễn An Ninh, Trần Văn Thạch, Huỳnh Văn Tạo tuyệt thực để vận động quần chúng phản đối. Ba tổ chức học sinh Petrus Ký hưởng ứng bãi khóa, bị đuổi học.

Vừa được trở lại, đậu bằng Thành Chung, thì Ba đau ban nặng, phải về Cấp dưỡng bệnh 6 tháng.

       

Cấp có tiếng sóng.

Ừ, đêm khuya, tiếng sóng len lỏi trong vách lá. Ngoài bãi, nước ròng lấp lánh màu trăng. Con thấy còng gió chạy đêm chưa?

Dưới trăng?

Ừ, bóng chúng khẳng khiu, vụt chạy tán loạn. Mình đuổi theo, ngã dài trên bãi. Cát ướt mát lạnh. Vỏ còng dòn mỏng, ngọ nguậy trong lòng tay. Còng chiên bột tới giờ Ba còn thèm.

Nhưng Ba mất rồi, sao còn thèm?

Ừ, hay là thèm khát không thể mất? Nó là bóng mình đổ về phía trước, lẫn vào vết chạy của còng gió.  Con nhớ không?

Con không muốn nhớ. Vì ký ức dẫn đến tương lai, bằng đường thẳng.

Không phải vậy. Rồi con coi.

 

Bỏ học, Ba thi vào công chức. Đi làm sở Trước Bạ ở Sóc Trăng, lương 49 đồng một tháng. Sau vài tháng, Ba mua cho nhà chiếc xe đạp giá 50 đồng. Và nuôi Chú Trọn đi học thợ đồng, vì Ba không đủ tiền cho chú đi học trên Sài Gòn.

Chú Trọn mà sau này, thời kháng chiến, bị Tây bắn ở Vũng Tàu?

Ừ, Chú Trọn dẫn trung đội về hoạt động ở Cấp, bị Tây phục kích.

Ngoài động cát?

Ngoài động cát.

Máu sẽ rút xuống cát khô, tổng thể dung lượng trong người.

Ừ.

 

Thế Chiến Thứ Hai bắt đầu, nhà nước Pháp thay Jules Brévie bằng tướng Catroux để chuẩn bị đánh Đức và Nhật. Nhưng Đức chiếm Pháp, Pétain của chính phủ Vichy Pháp thay Catroux bằng Decoux.  Nhật tháng Chín năm 1940 công nhận chủ quyền của Pháp ở Đông Dương để ép Pháp cho sử dụng Cảng Hải Phòng, ba phi trường ngoài Bắc, và đóng quân phía Bắc Sông Hồng. Sau khi Đức đánh Liên Xô năm 1941, Nhật đòi đóng quân khắp Đông Dương và Pháp phải cung cấp quân nhu. Chánh phủ thuộc địa Decoux một mặt chiêu dụ lòng dân, mở thêm trường, cho thêm học bổng cho dân bản xứ du học sang Pháp, tổ chức phong trào hội hè đình đám, thể dục thể thao, đề xướng ra Liên Bang Đông Dương gồm ba kỳ và Lào, Cam Bốt, cho dân bản xứ tham gia nhà nước nhiều hơn. Một mặt đàn áp chống đối, ban đầu còn xét xử, sau tống hết vô trại tập trung. Decoux ra lệnh thả bom nhiều làng mạc. Ở Mỹ Tho, Sóc Trăng, hằng ngàn người bị xỏ xâu qua lòng bàn tay, bỏ lên xà lan phơi nắng. Thêm nhiều phần tử chống Pháp bắt đầu tổ chức võ trang.

Ba bị động viên vào lính làm section de commis ở Sài Gòn. Đây là lúc Ba vô Thanh Niên Ái Quốc Đoàn, lấy chìa khóa kho ăn cắp súng cho Đoàn sử dụng vào ban đêm, ban ngày thì mang trả lại kho. Mãi về sau Ba mới biết họ lấy súng đi cướp xe đò để lấy tiền hoạt động. Đêm đầu, Ba nằm chờ anh em mang súng trả trong ống cống trước khi trời sáng.

Ẩm, lạnh, và thời gian ngừng lại.

Lằn ranh của tội phạm, vượt qua sẽ không quay lại được?

Ừ, sẽ không quay lại.

Buổi chiều đang làm việc, Deuxième Bureau ập tới bắt, đem bỏ bót Catinat của Police Spéciale de l’Est của Commissaire Bazin. Họ lôi vào đánh chục cú tầm vong vào đầu và lưng trước khi tống giam xuống xà lim 2mX1.5m cho sáu người. Mồ hôi người rịn trên vách sơn dầu đen. Suốt đêm nghe tiếng la của người bị tra tấn. Ba cố nhớ tên những người Ba nghe họ kêu đi lấy cung, để khi đến lượt mình thì chỉ khai những anh em đã bị bắt. Rồi cũng đến lượt mình. Dụng cụ tra tấn rất thô sơ: tầm vông đập vào lưng, củi đòn đập vào ngực. Họ bắt Ba đối chất với Danh trong Thanh Niên Aí Quốc Đoàn. Danh là con ông Trần Thành Huân làm cố vấn cho Đoàn cũng bị bắt, và là cháu nội của người hay bị gọi là Việt Gian Trần Bá Lộc.

Ngược lại, cha của thanh tra mật thám Robert Trần Chánh lại là Gilbert Trần Chánh Chiếu, nhà ái quốc trong phong trào Đông Du. Cô cháu của Robert Trần Chánh là Thérèse, bạn Ba, năn nỉ cho Ba bớt bị tra tấn phần nào.

Trong khám, Ba làm thẻ bài giả, trốn qua khu giam tù chánh trị Cộng Sản Đệ Tam để thương thuyết việc Thanh Niên Aí Quốc Đoàn cộng tác nhưng không xong, vì Ba không chịu hợp tác với phe Pháp theo Đồng Minh để đánh Nhật coi bên nào cũng là thế lực thực dân; không chịu chuyên chính vô sản mà chỉ muốn thể chế dân chủ phục vụ người nghèo; không chịu kinh tế tập trung. Cai ngục bắt gặp chuyện đi lại trái phép, biệt giam vào xà lim cá nhân chỉ có một lỗ thở trên cao và xô phân, chân tay xiềng xuống thanh sắt chôn dưới sàn, nên không thể đứng lên được, trong một tháng. Lúc nào cũng nhìn vào lớp sơn trên vách. Và ngọn đèn tù mù.

Một mình, người ta không đo được thời gian.

Năm năm sau, 1949, người cộng sản Thổ Nhỉ Kỳ Nazim Hikmet, trong một nhà tù khác bên kia lục địa, sẽ dặn dò:

Nửa phần anh sống một mình trong đó,

        như hòn đá dưới đáy giếng sâu,

Nhưng nửa kia anh cột vào

        cuộc đời biến động

        để phải rùng mình

        khi bên ngoài, cách bốn mươi ngày đường, một chiếc lá lay.

 

Mùi muối, con có ngửi thấy không? Lúc tù nhân bị họ bỏ vào khoang tàu là trời đã chiều. Chật tối, bít bùng, chân xiềng vào cây sắt dưới sàn tàu, dọc theo đó là những thùng gỗ để đi tiêu. Hơi người, hơi phân ngập ngụa. Tàu neo ở sông chờ, chưa chạy. Ai cũng sợ bị đem thủ tiêu. Lúc Ba nghe mùi muối là biết tàu ra biển. Mùi muối như ở nhà, ngoài Cấp.

Một ngày một đêm sau thì tới Côn Nôn.

Cũng chỗ biển bao quanh, như Cấp. Cai tù đánh xối xả suốt đường trải đá, từ bến tàu vào tới Khám Số Hai, để dằn mặt tù nhân. Ba được phân đi sở kéo cây, bên Ông Câu. Hôm ra sở cây, dọc đường Ba thấy người nào đứng chờ bên đường, trần truồng, đen thui, ốm giơ xương. Lúc Ba đi tới, người này chạy lại kêu tên, dúi vào tay Ba gói giấy. Lúc nghe tiếng, Ba mới ôm chầm lấy Bác Thông. Bác Thông trong équipe Mathieu, làm đường, phải để dành quần áo mặc ban đêm chống lạnh. Ban ngày phải trần truồng làm việc.

Anh Thông quay đầu chạy băng đồng mất hút.

Cái gì trong gói giấy?

Cả trăm viên thuốc ký-ninh.

Vậy Ba thoát sốt rét?

Không ai thoát sốt rét. Toán tù sở gỗ phải đốn cây, xong mang về bằng cách dạt nhọn đầu cây, kéo dây cho tuột xuống sườn đồi. Cậu Nguyễn văn Công, lúc đó 20 tuổi, thuộc Thanh Niên Aí Quốc Đoàn bị cây tuột dọc người, lột da lưng, làm độc, rên la một tháng sau thì chết. Lạnh, thiếu ăn, thiếu thuốc. Có người tự tử, và có người chết bệnh, như Cụ Trần Thành Huân.

Mỗi ngày, nước Côn Nôn đổi màu ba lần: sáng đục ngầu, trưa trong veo, chiều đỏ rực. Phải nấu còn phân nửa mới dám uống, mà vẫn bệnh.

Ở Côn Nôn có hơn hai ngàn tù Cộng Sản Đệ Tam, bị càn quét sau khi Pháp xử bắn Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, cùng Nguyễn thị Minh Khai, và Lê Hồng Phong bị hành hạ chết ngoài Côn Nôn năm 1942. Lê Duẫn, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Tôn Đức Thắng, Tô Ký, thì ra Côn Nôn trước Ba một năm. Ngoài Đệ Tam, còn lại khoảng hơn hai trăm tù khác gồm các cá nhân như Nguyễn An Ninh, và các tổ chức như Nhân Dân Cách Mạnh Đảng, Thanh Niên Aí Quốc Đoàn, Cao Đài, Hòa Hảo, và Cộng Sản Đệ Tứ.

Nguyễn An Ninh thành lập Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất ở Côn Nôn, không thương lượng được sự hợp tác với Đệ Tam. Ông bị bệnh, mấy ngày trước khi chết, có quyển sách hiếm hoi để dành đọc cho qua cơn đau, mấy người Đệ Tam lấy quăng vào thùng phân. Xác ông vô hai bao tải, một trùm đầu, một trùm chân. Hôm đưa ông, ngoài hai người tù đẩy xác, còn có một người Pháp theo Đệ Nhị Quốc Tế coi quản nhà máy phát điện đi theo đưa. Mộ ông mỗi ngày mỗi người tù đi ngang thì lượm một viên đá, chất cao dần lên.

Ba hoạt động cùng với mọi người tổ chức lại Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất của Nguyễn An Ninh, có sự tham gia của tất cả thành phần không cộng sản, và được sự ủng hộ của Cộng Sản Đệ Tứ.  Bác Thông thì trực tiếp tham gia, vì đảng viên Đệ Tứ không theo tổ chức kỷ luật kiểu đảng Lêninít như phe Đệ Tam. Cộng Sản Đệ Tam không hài lòng vì những thương thuyết hợp tác không thành. Họ báo với Tây cai ngục là Ba tổ chức vượt ngục. Ba bị lôi lên tra khảo ba ngày, tống giam vào hầm xây lúa. Hầm đóng kín, tối mù bụi cám, chỉ có mấy lỗ thông hơi trên cao, tù đẩy cối xây, cai ngục đi theo bửa roi lên đầu. Sau ba tuần, Ba kiệt sức, được những người quen trên hành chánh xin Tây lãnh ra sang làm bên văn phòng. Ở đó, Ba mới khám phá ra tài liệu phe Pháp theo Đồng Minh đã hợp tác với Cộng Sản Đệ Tam để tiêu diệt các nhóm quốc gia.

Mặt Trận Quốc Gia lại tiếp tục tổ chức các chi bộ tại các sở tù khác, và lại bị Đệ Tam tố giác manh nha chống cai tù. Phan Khắc Sửu, Trần Quốc Bửu, Đào Duy Phiên, Trần Văn Quế, Huỳnh Ngô, Huỳnh Khai, và Ba lại bị tống giam vào chuồng cọp, lần này 2 tháng. Đào Duy Phiên là anh của hai đảng viên Đệ Tam cũng ngoài Côn Đảo lúc đó là Đào Duy Kỳ và Dzếnh, mà cũng bị hại.

Từ đó trở đi là tương tàn?

Sắp.

Định mệnh của chúng con là kết quả của lịch sử tương tàn, bắt đầu từ năm 1945.

Phải mà không phải.

 

1945

Tháng Ba Nhật đảo chánh Pháp. Ban đầu còn dùng Tây cai ngục. Sau tháng Tư thành lập chánh phủ Trần Trọng Kim thì Ba và khoảng 200 người khác được thả lỏng ở Côn Nôn. Lúc này những người thông ngôn cho Nhật có quyền, họ đã từng bị Cộng Sản Đệ Tam ám hại, nên tố giác các cán bộ lãnh đạo cho Nhật mang ra đánh đập mỗi ngày. Mãi không chịu nổi, biết đám thông ngôn cho Nhật có trong Mặt Trận Quốc Gia cùng với Ba, họ yêu cầu gặp Ba để nhờ can thiệp. Lê Duẫn lúc đó chắc khoảng 40, ốm cao, da ngăm, nói giọng Thanh Nghệ, làm bên sở bản chế đóng bàn ghế. Phạm Hùng độ ngoài 30, người Trung lớn lên ở Vĩnh Long nên lúc đó nói giọng Nam. Tôn Đức Thắng là lớn hơn cả, nói giọng Nam hoàn toàn. Họ nói sẵn sàng cộng tác với những điều kiện mà trước họ không chịu như sẽ theo thể chế dân chủ thay vì chuyên chính vô sản. Ba không tin, nhưng vì nghĩ họ cũng tranh đấu cho độc lập, và không thể làm ngơ cho họ bị hành hạ đến chết, nên phải đi thuyết phục đám thông ngôn trong Mặt Trận Quốc Gia tha cho họ.

Sau này Ba có tiếc không?

Chắc cũng có khi, nhưng không thể làm khác.

Khác với lương tâm hay khác với lịch sử?

Lịch sử trừu tượng, chỉ còn lương tâm.

Tháng 8, 1945 Việt Minh của Đệ Tam tuyên bố độc lập. Ba cùng hơn hai trăm chánh trị phạm được chở về đất liền, cũng bằng xà lan. Có cả sáu cán bộ lãnh đạo trung cấp của Đệ Tam.  Anh em đòi quăng họ xuống biển, Ba phải can và thức đêm canh. Lên bờ, thành phố Sài Gòn rợp màu cờ đỏ.

‘Màu của lá cờ một dòng xuất huyết/Thổ hết ra ngoài dĩ vãng tương lai,’ như thơ Cao Đông Khánh?

Ở thời khắc đó dĩ vãng chưa mang hình tướng, chỉ thấy tương lai. Ai cũng bùi ngùi độc lập, và nhớ những người chết ngoài Côn Đảo. Cho tương lai.

Đến lúc nào thì có dĩ vãng?

Lúc Tạ Thu Thâu của Đệ Tứ ra Hà Nội để gặp chánh phủ Trần Trọng Kim, trên đường về Nam, đến Quảng Ngãi thì bị Đệ Tam bắt giết mở đầu cho cuộc xuất huyết mà Ba thấy trong Nam. Khi nắm chánh quyền, cùng với việc thủ tiêu các lãnh tụ Hòa Hảo, Cao Đài, và quốc gia, Việt Minh bắt sáu lãnh tụ Đệ Tứ là vợ chồng Hồ Vĩnh Ký, Trần Văn Thạch, Phạm Văn Hùm, Nguyễn Văn Số, và luật sư Huỳnh Văn Phương là người đã biện hộ cho Ba trước tòa án thuộc địa. Sư đoàn phó Sư Đoàn 2 Việt Minh lúc đó là Huỳnh Văn Nghệ đem họ giết ở Cầu Bến Phân, Gia Định, chôn cả sáu người cùng một lỗ huyệt, đặt năm người đàn ông nằm dọc, người đàn bà để nằm ngang dưới chân đàn ông.

 

Lịch sử đúc khuôn bằng cái chết đã xảy ra, chắc nịch như cyanide. Tôi thấy ống thuốc trong vắt của Thơ cầm, 30 năm trước, và ngửi ra mùi hạnh nhân.

 

Mẹ nói thời Việt Minh, Ông Ngoại trong Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Vũng Tàu. Họ bắt một người trước làm lâu năm cho Ông Ngoại, khép tội: Hợp Tác Kinh Tế Địch, vì góa vợ nuôi con, quá nghèo, phải chèo thuyền vào thành bán chuối lẻ, trong mớ hàng tạp nhạp, có ống thuốc đánh răng. Ống thuốc biến thành tang vật tinh thần Việt Gian theo Tây trong buổi đấu tố. Bảng án tử hình. Không khổ sai Côn Đảo, không biệt xứ, không tịch thu tài sản nửa buồng chuối chín. Buổi hành quyết, Ông Ngoại không dự, Việt Minh cho người xuống đòi lên kiểm điểm vì là Ủy Ban Nhân Dân mà không hân hoan giết một kẻ thù. Ông Ngoại hỏi: con chó giết cũng phải buồn. Còn con người?

Con người trừu tượng, như lịch sử?

Không. Bác Thông là con người xương thịt.

Ba trở về Vũng Tàu hoạt động với Bác Thông thành lập Thanh Niên Tiền Phong, và Cộng Sản Đệ Tam dùng Việt Minh lập Thanh Niên Cứu Quốc. Ba được bầu làm Phó Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh, Bác Thông là Ủy Viên Thanh Niên. Chánh quyền Việt Minh cho tổ chức công an của họ là Quốc Gia Tự Vệ Cuộc, dùng để tiêu diệt những người quốc gia họ chụp mũ Việt Gian, bắt Bác Thông và Ba. Lần đó thoát chết vì thanh niên địa phương trong Thanh Niên Tiền Phong cầm tầm vông dạt nhọn bao vây trụ sở công an, áp lực Việt Minh phải thả. Ba và Bác Thông biết phải rời Vũng Tàu đi móc nối với những đoàn thể quốc gia khác để cân bằng lại thế lựcViệt Minh.

Cả hai nhường nhau đi. Cả hai đều biết ở lại chết nhiều hơn sống. Ba bẻ nhánh cây nhỏ làm hai khúc: dài đi, ngắn ở. Bác Thông rút thăm định mệnh. Bác ở lại và Ba đi. Ba không về được nên đi luôn vào kháng chiên, Bác Thông ở lại Vũng Tàu bị bắt thủ tiêu mất tích.

Vũng Tàu có tiếng sóng.

Ừ. Và những con cá hanh, cá đối Bác Thông câu. Vẩy cá đánh từ đuôi lên mang, rạch từ mang xuống bụng, móc từ bụng ra lòng. Đỏ, tanh, như sự vắng mặt của Thông, vĩnh viễn về sau.

Sự vắng mặt sao có màu và mùi?

Vì vắng mặt, như thèm khát, không mất. Nó là bóng mình đổ về phía trước, lẫn vào vết chạy của còng gió.  Con nhớ không?

Con nhớ Mẹ kể hoài về em Bác Thông là Bác Ngôn, bị bắt sau khi công an Việt Minh thủ tiêu Bác Thông: Buổi chiều Mẹ đạp xe gặp lúc anh Ngôn bị áp tải. Ảnh bị đánh, bỏ đói, lưng quần rộng ra. Anh Ngôn tay giữ quần, chân sưng tấy, làm mủ. Mẹ rút sợi dây nịt đang mang đưa cho anh thắt lại lưng quần. Họ nói sẽ tải anh đi đâu? Không sao đâu cô Hóa. Đó là lần cuối.

Giả dụ quần Thông tuột xuống thì mình thấy gì? Một con người dõng dạc đứng trước thượng đế và thiên nhiên, hay một thằng người quần tuột lòi khu?

Mình thấy một thân xác con người, khắc lên lịch sử tương tàn.

Hồi thời Việt Nam Cộng Hòa, Ba vận động đặt hai tên đường ở Vũng Tàu là Lê Tấn Thông và Lê Tấn Ngôn. Tên đường thế vào chỗ vắng mặt của hai con người xương thịt. Tên đường là bóng mình đổ về phía trước, cùng với họ.

Sau 30-4, tất cả những câu chuyện này nằm ngoại sử của người chiến thắng đã đành, đến hai tên đường cũng xóa, hoàn tất cuộc sát nhân. Cái chết xóa sổ hoàn tất cái chết máu thịt.

 

4

 

Từ 1945 đến 1975 là 30 năm.

Từ 1975 đến 2005 là 30 năm.

 

Chiếc ghe trôi đi lúc 4 giờ chiều 29 tháng 4.

30 năm sau, Thơ sẽ nói: Hương chuẩn bị đi, đêm nay dài lắm, dài hơn tất cả các đêm. Tôi sẽ hỏi: làm sao chuẩn bị cho điều đã xảy ra? Thơ kêu: Hương phải nằm xuống, áp sát lòng tàu sắt, lắng nghe.

Tôi nghe tiếng rú ọ ọc nhớt dãi của người đàn bà nằm cạnh trong hầm tàu Hạm Đội 7 Hải Quân Hoa Kỳ.

Đoàn ghe nối nhau thành đường chéo tấp vào hông tàu.  Sàn ghe trồi sụt, trơn ướt. Tôi bỏ chân trần theo Ba nhảy từ mạn ghe này sang mạn ghe khác để đến thành tàu, chỗ họ bỏ thang dây. Vách tàu trồi lên, mạn ghe sụt xuống. Nắng hắt trên nước. Chiếc thang dây đong đưa bên hông tàu sắt, cao vọi. Bọt biển tung lên.

Hôm đó tôi bước chân trần lên boong tàu trơn ướt, lính Mỹ mang giày bốt tác chiên và áo giáp sắt, súng M-16 dàn hàng chĩa họng vào người. Tôi không nhìn thấy mặt họ. Tôi không dám ngước nhìn mắt họ. Bộ đồ vải sợi in bông tôi mặc lóp ngóp dán vào da. Nhìn vào tôi, hàng lính Mỹ sẽ thấy gì? Thân thể xấu hổ của đứa con gái da vàng sắp đến tuổi dậy thì? Nhìn vào chúng tôi, những con người lóp ngóp trước họng súng, người ta sẽ thấy gì?

Chúng tôi trần trụi, thân thể của bầy nhộng, hằn lên dấu mốc 1945 hay 1975?

 

Ghe ùn ùn đổ đến. Tàu bắt đầu gia tăng tốc độ. Lính trên tàu cắt dây đã cột chuỗi ghe đang tấp vào hông. Trời còn nắng. Tôi nghe tiếng người kêu, và tiếng nạt của đám lính. Tàu bỏ chạy. Chiếc ghe dạt ra. Lúc chúng tôi đứng trên boong nhìn xuống thì chiếc ghe đang trôi đi với đứa bé bò trên đó một mình. Nắng xung quanh trắng toát.

Người mẹ nằm áp xuống lòng tàu dậy bụi mùi sắt rỉ, rú vào đêm.

Suỵt. Im nghe kìa. Tiếng sóng.

Tôi nghe tiếng tàu rẽ sóng. Lính Mỹ không chịu dừng để vớt đứa bé. Mùi sắt rỉ lẫn vào mùi ói mữa của người mẹ, quận trong hầm tàu.

Mùi sắt giống mùi muối, nhớ không, như Vũng Tàu—Bãi Dâu Bãi Dứa Bãi Trước Bãi Sau.

Tôi ngửi ra mùi mặn của máu khô, mùi chua của chất lỏng trong dạ dày người mẹ. Mùi bạc hà trên hơi thở Wrigley’s spearmint gum của lính Mỹ. Mùi tanh rã mục của thân xác chúng tôi.

Sáng ngày 30 rồi, quá khứ khóa sổ. Nhìn kìa, màu xanh sáng nhạt dưới đáy mắt người lính da trắng trong vắt như ống cyanide lỏng.

Đục. Sữa họ pha loãng, màu đục, đổ vào lon thiếc cho mỗi gia đình sắp hàng trên boong. Chúng tôi lóng ngóng đứng lên, họ quát Ngồi xuống! Chúng tôi không hiểu tiếng Anh, người ngồi kẻ đứng. Họ chĩa súng, mang vòi nước có sức ép đến xịt vào lũ người sắp hàng chờ sữa đục pha loãng. Chúng tôi ngã vào nhau loi ngoi. Bầy nhộng đã kéo màu da. Bên dưới màu da là quá khứ.

Từ 1945 đến 1975 là 30 năm.

Từ 1975 đến 2005 là 30 năm.

 

5

 

Cầu Seal Beach gió. Ba nắm chặt lan can. Tay Ba lật ngửa có vết chàm, lật úp có những đường gân nổi.  

Ba có gặp Bi không?

Quá khứ không dẫn đến tương lai bằng đường thẳng.

Dù con không ngăn được cái chết?

Ừ.

Còn tiếng rú?

Như của Kiện về hàng quốc gia, bị Đệ Tam bắt lại mổ bụng thời kháng chiến?

Như của người mẹ trong hầm tàu đêm tháng 4. Ba nhớ không?

Nhưng quá khứ vẫn không dẫn đến tương lai bằng đường thẳng.

Vì sao?

Vì có nhiều quá khứ mà con sẽ không bao giờ biết hết. Ba đã được người Đệ Tam cứu mạng mấy lần, ngay cả lúc tổ chức họ có chỉ thị giêt Ba. Người cứu Ba lần cuối, người sắp xếp cho gia đình mình lên thuyền ngày 28 tháng 4 là Vũ Cao Thanh, cán bộ Cộng Sản nằm vùng. Thanh hỏi: Sao giờ này anh còn đây? Ba nói không có vàng. Thanh kêu: Anh ở anh chết, để em lo.

Nhưng ông Thanh tự tử trong tù, một hai năm sau đó. Mỗi cái chết đều là cái chết.

Hồi kháng chiến, có thời gian chi đoàn của Ba phải trốn trong Rừng Sát, cây chà là mọc kín, máy bay Pháp tìm mỗi ngày mà không thấy được. Muỗi, sốt rét, nước độc, thiếu ăn, anh em bệnh chết cũng nhiều, kể cả mấy người lính Nhật không chịu đầu hàng, sau thế chiến ở lại theo kháng chiến Việt Nam.

Vẫn là cái chết.

Loại chà là này cao nghệu, không có trái, nhưng phần lõi thân cây gần gốc thì mềm, ăn được, gọi là củ hủ. Con đuông ở trong đó, ăn béo ngậy.

 

Bây giờ Vũng Tàu không còn dấu tích gì của Ba, của tất cả những người trong quá khứ của nó. Về Vũng Tàu như nhìn vào vết bôi cạo, tởm lợm.

Con cứ nhớ, cả những điều nằm ngoài lịch sử, và cả những điều nằm ngoài ký ức.

 

Làm sao nhớ những điều ngoài ký ức?

 

6

 

Thơ nói có thể điều khiển những giấc mơ của cô, và cô hứa sẽ nằm mộng tốt lành về chuyến đi hôm đó của tôi, về định mệnh suốt 30 năm qua. Và tôi cũng hứa sẽ nằm mơ tốt lành về tương lai của Thơ. Vì tôi đi và Thơ đã ở lại. Mà tôi thì chỉ muốn bôi sạch quá khứ, để khỏi lặp lại mãi mất mát.

Những người bạn của tôi ở rất xa. Tôi không thích trở lại những nơi đã ngồi với họ, vì chỉ thấy sự vắng mặt, như quá khứ không ai ngăn được. Hôm tôi gọi phone sang New York tìm Bi, người cha nuôi nói vừa thiêu xác hôm qua. Nếu mình mở máy xe, đóng kín garage, và nằm trong đó thật lâu, bao nhiêu lâu Bi nhỉ? Cánh chuồn chuồn rất mỏng.

Thơ nói Thơ nằm mơ thấy Hương đang ngồi ở một quán bờ biển khác kinh tuyến. Và Hương kêu Thơ chỉ cần xích ghế đi mãi, từng chút thôi, thì chẳng những mặt trời không lặn mà cảm giác đang ngồi với bạn cũng không mất, như bài thơ viết bằng gạch cua, tô lại mãi màu cam lạt. Tôi nghĩ mình sẽ dời ghế như thế, từ lục địa này sang lục địa khác, từ mùa đông đến mùa hè, trong thời tốc vĩnh cửu của thiên thai, giữa hai múi giờ, giữa hai phút giây qui định bằng đồng hồ thị trường tiêu thụ toàn cầu made in China hay Thụy Sĩ.

Như vậy Thơ ơi, những giấc chiêm bao không phải mình điều khiển được từ những điều bất hạnh thành những điều tốt lành. Mà là chúng có thể biến thái, mở ra những điều mình tưởng đã đóng sổ, đã biết chắc nịch như biết định nghĩa cyanide mà thật ra bất ngờ. Giống như người bà con Thơ uống tuột ống thuốc vẫn nhăn răng sống. Cơn đau bụng xoàng khó hiểu, diễu cợt cái chết chẳng mệnh chung. Khiến cyanide/cyanure/xi-a-nuya phải tự cười mũi vào bộ ba tên gọi của nó.

Một người làm thơ dặn chiêm bao đã là thơ, nhưng trong ngôn ngữ riêng của nó, viết lên bản thể. Vậy ngược lại, khi đọc một bài thơ một văn bản một lịch sử, nên liều mạng như nằm mơ, chiêu đãi những điều chưa ai hiểu hết, kể cả tác giả. Vì ý nghĩa còn đổi thay, nhất là lịch sử, của quá nhiều người. Trong chiêm bao, những mùi vị, màu sắc, buồn vui, và cả người nằm mộng là ai cũng biến đổi luôn, như nắng ở mỗi giây giữa những lần dời ghế sang kinh tuyến khác. Những giấc mộng, dữ hay lành, vẫn đi ra ngoài kiểm soát của ký ức, biến đổi liên tục từ điều quen sang điều lạ.

Nằm mơ là cử chỉ của hy vọng, ở những điều chưa biết.

 

7

 

Ba,

Năm kia con có về Vũng Tàu. Con gói ảnh Ba trong tấm vải đen, vân hoa xanh lá cây đậm, có chỉ tua ở hai đầu, mang về nhà Bà Nội cho cô Chín thờ. Hình Ba mặc áo sơ mi cộc tay, tóc dợn xuống trán, cười có đuôi ở mắt. Ba nhớ bức ảnh trắng đen gia đình chụp trên Đà Lạt không? Ba bế con trên tay, đứng giữa anh Minh, chị Hồng Châu, và Mẹ. Hình Ba, Cô Chín để trên bàn thờ cạnh Ông Nội, Bà Nội, Chú Trọn, và nhiều hình khác Cô Chín dạy mà con không nhớ là ai. Trên vách treo bằng tưởng thưởng liệt sĩ của nhà nước đương thời.

Con ra Ô-Quắn đứng nhìn trời mưa từ ngoài khơi dạt vào. Con thấy khoảng nước đổ xám nhạt, nhòa vào khoảng mặt biển xám nhạt. Ba nhớ ngoài Bãi Dâu, hồi con nhỏ, có lần Ba chỉ cho con thấy mưa ngoài khơi như vậy không? Mưa như một điều gì đó có khi vào đất liền chậm rãi và quả quyết, có khi nhẩn nha dạt ngang ngoài khơi. Mưa không phải bao trùm trời đất, mà chỉ như một điều giới hạn. Chỉ ở đó thôi, ngoài khơi đó, chỉ trong khoảng biển màu xám nhạt. Mà trong đó đã là tất cả lịch sử chưa biết, ở quá khứ, ở tương lai, ở ký ức, và ngoài ký ức nữa.

Của bao nhiêu người cộng lại.

 

NGUYỄN HƯƠNG

California, 3-2005

(Nguồn HL 82)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
20 Tháng Tư 20214:59 CH(Xem: 15566)
Tháng tư năm ấy, sao tôi không mấy lao đao về cái chết tự tử của một người chị họ chưa đầy hai mươi tuổi. Năm ấy, một chín bảy lăm, nghe mạ tôi nói chị bị cào nát mặt hoa và ăn đòn phù mỏ chỉ vì lỡ tranh giành một miếng nước ngọt trên chuyến tàu tản cư từ Đà Nẵng vào Nha Trang. Liệu như thế đủ để chị chán sống hay còn vài lý do thầm kín khác mà tôi không đoán được. Ồ phải rồi, nghe kể mẹ chị ấy là mợ tôi ngồi đâu cũng thở dài rất thảm, lâu lâu tuồng như muốn nuốt ực những giọt nước mắt dội ngược vào lòng và lâu lâu thì lại trào ra trăm lời nguyền rủa về những xui xẻo không tránh được, ví dụ nỗi đau rát rực rỡ của mấy bợm máu kinh nguyệt thời con gái chị tôi đã phọc lai láng trên đít quần suốt những ngày chạy giặc thiếu nước và máu ôi thôi là máu của những xác người vô thừa nhận trên con đường lánh nạn.
20 Tháng Tư 20214:23 CH(Xem: 15916)
Tôi đã thay đổi vì biến cố tháng Tư Bảy Lăm, nhưng cũng có thể tôi đã mất thiên đường từ trước khi ra đời. Đó là câu hỏi mà tôi ngẫm nghĩ gần đây. Năm nay tôi 43 tuổi, mặc dù tôi nhuộm tóc và vẫn thích người ngoài khen tôi trẻ, tôi hiểu mình nhiều hơn, và cũng chân thật với mình nhiều hơn lúc còn trong tuổi niên thiếu. Trên nhiều phương diện, có thể tôi cũng đầy đủ hơn ngày xưa. Nhưng tất cả những câu chuyện mà tôi hay kể với bạn bè để biểu lộ tâm trạng “cá ra khỏi nước” mà tôi vẫn cảm thấy đeo đuổi mình thường trực, đều bắt nguồn từ trước biến cố Bảy Lăm.
20 Tháng Tư 20214:18 CH(Xem: 16179)
Tháng 4, 1975, tôi 11 tuổi. Lúc đó tôi sống với cha, em trai và bà nội ở ngang chợ An Đông, Sài Gòn. Mẹ tôi ly dị cha tôi trước đó 2 năm để lấy người tình. Người tình của mẹ tôi làm tài xế cho cha tôi khi hai người còn là cảnh sát. Ông này trẻ, cao, vạm vỡ và đẹp trai hơn cha tôi. Ông cũng galăng, nhỏ nhẹ hơn cha tôi. Có lẽ ông cũng dai và dẻo hơn cha tôi. Vô tư mà chấm, có lẽ hai người xứng đôi. Ai cũng khen mẹ tôi đẹp, nhưng tôi không thấy mẹ tôi đẹp tí nào. Sau này, khi cãi lộn với chồng mới, bà bị bạt tai nên vung lời, “Đồ tài xế!”
15 Tháng Tư 20211:03 SA(Xem: 5325)
Ngày này 46 năm trước, tôi đang rong ruổi trên đường cái quan chạy về Sài Gòn. Gia đình tôi và những người dân miền Trung hớt hải tháo thân khi nghe tin bước chân của quân miền Bắc đang tiến vào Nam. Những người bạn thế hệ tôi ngày ấy ra sao, những ngày tàn cuộc chiến? Những ngày cuối tháng tư, giờ này bà ngoại của Thơ Thơ đang chia gia tài cho con cháu là những lọ xyanua, phòng nếu có điều gì. Mỗi người một lọ thuốc trong vắt, thơm mùi hạnh nhân, thuốc cực độc uống vào vài giây là chết tức khắc, bà nói cầm chắc thuốc độc trên tay là cầm chắc định mệnh của mình. Bà là vợ của nhà văn Hoàng Đạo, giòng họ của nhóm Tự lực văn đoàn, văn đàn vang danh một cõi xứ Bắc. Tôi hiểu tâm trạng của bạn tôi trong đêm cuối ở đài Tiếng nói Tự do trên phòng chờ lầu 2, tất cả gia đình nhân viên trong đài và văn nghệ sĩ miền Nam tập trung để được “ bốc” đi, đêm dài dằn dặc, phía dưới đường phố là sự hoảng loạn của người dân Sài Gòn, mọi người im lặng căng thẳng nghe cả tiếng máy lạnh rì rầm, bạn phải tìm
15 Tháng Tư 202112:10 SA(Xem: 16768)
LTS: Một năm rưỡi trước khi từ trần, tướng Trần Độ đã hoàn thành một tập nhật ký mà ông đặt tên là Nhật Ký Rồng Rắn: bắt đầu từ cuối năm 2000, viết xong tháng 5 năm 2001. Nhật ký Rồng Rắn là một bút ký chính trị trong đó, với tất cả tâm huyết, tác giả trình bày suy nghĩ của mình về các vấn đề chính trị của đất nước. Tháng 6.2001, Trần Độ vào Sàigòn thăm con và nhờ người đánh máy bản thảo. Ngày 10.6, ông đi lấy bản thảo, bản vi tính và sao chụp thành 15 bản. Trên đường về nhà, ông bị tịch thu toàn bộ các bản thảo và bản in chụp, xem là "tang chứng" của tội "viết và lưu hành tài liệu xấu". Cho đến ngày từ trần 9.8.2002, tướng Trần Độ không được trả lại nhật ký của mình. Trích đoạn dưới đây là một phần của nhật ký này. {theo tạp chí Diễn Đàn}.
01 Tháng Tư 20214:31 CH(Xem: 17685)
Vào một ngày đầu hè năm 2019, tôi ngạc nhiên khi nhận được điện thoại của một người lạ, bạn ấy nói muốn gặp tôi trò chuyện vì đang làm ký sự Trịnh Công Sơn của Đài truyền hình Việt Nam. Chúng tôi hẹn gặp ở quán cà phê Trịnh Công Sơn trên đường Xuân Diệu để nghe nhạc và trao đổi cùng vài người bạn. Lúc ấy tôi mới biết bạn là Nguyễn Đức Đệ đạo diễn đang làm phim ký sự “Trịnh Công Sơn nhẹ gót lãng du” gồm 5 tập, kịch bản và cố vấn phim do nhà báo Trần Ngọc Trác ở Đà Lạt một người đam mê nhạc Trịnh đảm nhận. Anh Trác đề nghị cho anh photo tất cả tài liệu mà tôi sưu tầm được khi làm luận văn thạc sĩ Trịnh Công Sơn để làm tư liệu, ngày mai sẽ vào trường Đại học Quy Nhơn quay ngoại cảnh, tìm lại dấu vết cũ nơi Trịnh Công Sơn đã từng học thời gian 1962-1964. Phỏng vấn tôi xoay quanh luận văn thạc sĩ mà tôi đã làm về đề tại Trịnh Công Sơn.
25 Tháng Ba 202111:55 CH(Xem: 17050)
Đó là vào những ngày cả Hãng phim truyện VN như sôi sục lên trong giai đoạn tổ chức sản xuất bộ phim nhựa đen trắng “Tướng về hưu” dựa theo truyện ngắn cùng tên đang rầm rĩ dư luận xã hội của NHT. Sáng hôm ấy, đang ngồi họp xưởng đầu tuần theo thông lệ của Hãng, đồng chí bảo vệ ngó đầu vào nhắn: “Có nhà văn Nguyễn Huy Thiệp muốn gặp đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn”.
25 Tháng Ba 202110:39 CH(Xem: 18440)
Đã 43 năm trôi qua, sự khe khắt về lý lịch, về người của chế độ cũ dần rồi cũng nguôi ngoai. Nhờ đó mà tôi mới được viết lên những dòng này cho chị họ tôi. Chị Bảy Long, vợ một sỹ quan VNCH, người phụ nữ thầm lặng gánh chịu những đau thương mất mát của chiến tranh của nghiệp đời. Chị đã già, tuổi xuân đã qua đi, chị còn bất hạnh hơn cả bà quả phụ đại úy Đương vì không ai biết đến chị. Hết một đời đến khi nhắm mắt, chị sẽ vĩnh viễn không bao giờ được hốt một nắm đất nơi anh đã hy sinh để về chùa cúi lạy. Chị chẳng còn một đứa con nào để nương tựa tuổi già heo hắt bên song. Ôi đất mẹ Việt nam còn có bao người như thế... Thương biết bao!
08 Tháng Ba 20216:50 CH(Xem: 18404)
Nói tới thành tựu của một nền văn học, người ta chỉ nhắc tới những nhà văn, nhà thơ nhưng có lẽ không thể không nhắc tới những bà Tú Xương của mọi thời đại với bao nhiêu công khó hy sinh của họ.
03 Tháng Ba 202112:01 SA(Xem: 16509)
Tôi nhớ rõ ràng như chỉ mới hôm qua. Những năm còn bé nhỏ ở tuổi 12. Có một chiều, tôi ôm con gà đứng khóc tỉ tê, khóc sướt mướt, dai dẳng trước căn lều của người hàng xóm. Đã qua không biết bao nhiêu thăng trầm, trôi nổi của những tháng năm dài… Vậy mà sự rúng động trong trái tim bé nhỏ của tôi vẫn y nguyên, vẫn còn như rất mới.