- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

NGUYỄN HUY THIỆP VỚI ĐIỆN ẢNH

25 Tháng Ba 202111:55 CH(Xem: 12130)


NHThiep-dien anh
Ảnh NHT thời mới ở Tây Bắc về

Về văn chương của Nguyễn Huy Thiệp, nhiều nhà văn nhà phê bình lý luận văn học có uy tín đã viết, tôi chỉ xin nói về mối “lương duyên” của anh với điện ảnh – như một nén nhang tưởng nhớ anh, ngày tiễn đưa anh rời Cõi Tạm…

Xin bắt đầu bằng một cuộc trò chuyện phiếm.

Đó là vào những ngày cả Hãng phim truyện VN như sôi sục lên trong giai đoạn tổ chức sản xuất bộ phim nhựa đen trắng “Tướng về hưu” dựa theo truyện ngắn cùng tên đang rầm rĩ dư luận xã hội của NHT. Sáng hôm ấy, đang ngồi họp xưởng đầu tuần theo thông lệ của Hãng, đồng chí bảo vệ ngó đầu vào nhắn: “Có nhà văn Nguyễn Huy Thiệp muốn gặp đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn”. Các bậc lãnh đạo và nghệ sĩ tên tuổi của xưởng nhìn quanh, vẻ ngơ ngác, không tin nổi một nhà văn đang được các nhà biên kịch, đạo diễn của một hãng phim lớn nhất nước này săn đón mời chào lại đến để gặp riêng một kẻ vô danh tiểu tốt mới chỉ làm “phó đạo diễn”- tức là kẻ “bưng bê tráp điếu hầu hạ” các đạo diễn tên tuổi. Bác xưởng trưởng bảo: “Có khi anh Thiệp nhầm với ai đó? Hãng này có mấy Tuấn cơ!” Anh bảo vệ: “Không, anh ấy nói là Tuấn cận, mới về xưởng Ba”. Thế là tôi được phép ra ngoài, dưới cái nhìn vừa nể vì vừa hơi ghen tỵ của các bậc trưởng thượng.

NHT đang ngồi ở một quán nước ngoài cổng Hãng đợi tôi – một trong những nơi mà từ đó các đoàn làm phim được sơ khởi thành lập, đạo diễn chọn người cộng tác, các hợp đồng ký tắt giữa tác giả văn học và người làm phim, v.v. Lúc đó, anh như đang ngầm quan sát những người ra vào và trò chuyện để nhét vào cái kho nguyên liệu truyện ngắn của anh, mà sau mấy phút gặp tôi, anh gọi đích danh đó là “Chợ người”, “Chợ lao động” của giới làm phim… Trong cái lần duy nhất tôi gặp anh Thiệp tại cổng Hãng phim này, tôi xin kể lại qua lời thoại:

NAT: Chào anh! Anh phải đợi lâu à? Xin lỗi, vì phải qua một đợt « rà xét lý lịch » - không phải là lý lịch của khách tới thăm mà là của chủ nhà…

NHT: (Cười nhẹ hồn hậu) Chứng tỏ cậu cũng có cái giá nào đó chứ nhỉ?

NAT: Có lẽ thế, mà nhờ anh thằng này lại được thêm mấy cái «chân kính» nữa!

NHT (Cười to) : Lỗi tại tớ, mấy lần trước tới Hãng làm việc về kịch bản chuyển thể, tớ không biết rằng cậu đã về đây… Hôm nọ, có dân viết Tây Bắc cũ kể về cậu, tớ mới biết, nên hôm nay rỗi rãi đến tìm cậu tại « hang hùm »…

NAT : Này, anh dọa tôi đấy à ? «Hang hùm nọc rắn ở đâu chốn này» ? Các bậc trưởng thượng ở đây ưu ái bọn trẻ lắm, đặc biệt là «con cháu nhà»…

NHT (Nghiêm mặt lại, như một kịch sĩ, chỉ thẳng tay) : Nếu quả thế thì cậu chỉ là loại «con rơi» thôi! Đừng ra vẻ đóng kịch lừa tôi!

NAT: Nếu có lừa anh thì cũng là mong anh đừng tỏ ra quan tâm đến tôi trong những cuộc làm việc sắp tới với Hãng, khiến tôi bị trù thêm…

NHT: Thứ nhất là cậu đã bắt đầu mắc cái bệnh «bách hại cuồng», thứ hai là tôi đâu có cái khả năng đặc biệt mà cậu gán cho ấy…

NAT: Anh thăm tôi tại Hãng hôm nay, vô tình để các bậc trưởng thượng xăm soi xét nét tôi, xem tôi có đủ tư cách để quan hệ với một nhà văn lớn mà phức tạp như anh hay không? Tôi cố tình giấu biệt đã có mối thân tình với anh từ hồi ở Sơn La, đã từng tới Hát Lót thăm anh và anh lên Thuận Châu thăm tôi… Nếu tôi hé ra mấy cái thư anh viết cho tôi, trong đó có bài thơ tứ tuyệt đầu tiên của anh gửi tôi, nhiều người sẽ chửi tôi là kẻ hợm mình, « thấy người sang bắt quàng làm họ »… Thôi, để đó sau này anh được giải Nobel, tôi sẽ bán đấu giá chúng, có làm kẻ « ăn theo » như thế mới bõ !

NHT ( Cười khùng khục) : Đúng cùng là dân ăn Sư ở Phạm lại là « Quân Khu Tây Bắc» với nhau… Cứt thật, thói đời! Thôi, chuyện vớ vẩn bỏ đấy đã. Tớ gặp cậu vì muốn xem «cái mặt không chơi được» của cậu có phù hợp với bối cảnh nửa nghệ thuật nửa kỹ thuật - nửa Nàng tiên nửa con đĩ chăm chăm moi tiền thiên hạ tới xem phim hay không? Và muốn, qua cậu… (Tôi nhìn thăm dò xem «cái mặt không chơi được» của anh đang có « âm mưu » gì ?) – Nhiều truyện của tớ đã có mấy đạo diễn sừng sỏ săn đón rồi, nhưng thâm tâm, hiện tại, tớ mới tin có mỗi ông Đặng Nhật Minh… Theo cậu ? Cậu thì mới về, chẳng nói làm gì, đừng có tự ái…

MAT (Gật đầu): Theo tôi biết, anh ĐNM đang lý thú với cái «Thương nhớ đồng quê » của anh.

NHT ( Gần như reo lên khe khẽ) : Tuyệt! Ông ấy có con mắt xanh! Chất «Thương nhớ đồng quê » rất ăn ý với «Bao giờ cho đến tháng mười»!

NAT: Ngoài ra, còn có đạo diễn Tự Huy nữa !

NHT: Hàng xóm Lủ của tớ đấy, tớ rất thân anh Tự Huy. Anh ấy đang thích truyện «Mưa Nhã Nam» của tớ, mong đưa lên màn ảnh…

NAT: Hình như anh có điều gì băn khoăn với cái «Tướng về hưu» chuẩn bị lên «bàn mổ»?

NHT: Mày đúng là thằng ma xó! Phải! Cái ông đạo diễn chính được giao cầm cờ phim này mặc dù đã học ở Đại học điện ảnh Liên Xô về, song có dáng vẻ và suy nghĩ của một chính trị viên tiểu đoàn thời bộ đội Cụ Hồ hơn là một nghệ sĩ hiện đại…

NAT: Xưởng trưởng của tôi đấy! Ông ấy tốt bụng, chân thành lắm…

NHT: Mày nhìn người vẫn bằng lăng kính của một ông giáo, lại là «giáo khổ» Tây Bắc, phải cắt cái đuôi đó đi ngay, hiểu chưa?

NAT: Vâng, thưa ông nhà văn nhớn đang mong giật giải Nobel!

NHT: Mày đểu vừa thôi, vuốt mặt phải nể mũi kẻ hàn sĩ Tây Bắc chứ? Nghe đây này: làm nghệ thuật, mà chỉ có lòng tốt, sự chân thành, thì dễ bị định hướng chính trị giật dây điều khiển. Mà nếu thế thì… Cứt !

NAT: Chịu ngài rồi! Nhưng với loại phim như «Tướng về hưu», phải là người có phẩm chất chính trị tốt, được thử thách, là Đảng viên lâu năm mới được giao «cầm cờ» ông ơi !

NHT: Khá khen mày đã học được cách nói của lãnh đạo! Nhưng chớ để nó lọt vào tư duy sáng tạo, hiểu chưa? Mà ít ra, nếu ông ấy làm chính, thì phải có những thằng phó như mày bên cạnh trợ giúp thì may quá…

NAT: Ngài lại ảo tưởng mất rồi! Cái chức Phó ấy của loại phim hoành tráng như «Tướng về hưu» cũng là một thứ béo bở mà đàn em của bậc «hàn sĩ Tây Bắc» chẳng thể chen chân được nổi, sẽ bị gạt từ ngoài vòng gửi xe!

NHT (Thở dài): Thú thực, có cậu là dân văn gốc tham gia vào phim này, tớ sẽ yên tâm hơn… Nhưng thôi, c’ est la vie, và nói như ông Hoàng Ngọc Hiến : « Cái nước mình nó thế », đành ăn quả đắng chờ đợi thôi…

NAT: Nếu được chọn kịch bản làm phim từ truyện của anh thì đầu tiên không phải là «Tướng về hưu» - chẳng phải vì là thằng đạo diễn chưa cắt được cái «đuôi nhà giáo» như anh nói… - NHT chăm chú chờ đợi, vẻ ngạc nhiên – Đúng, «Tướng về hưu» là truyện hay, nổi bật của anh, sản phẩm mà chỉ nhờ Thời Đổi Mới và bác Nguyên Ngọc mới có được, song nó chỉ là sản phẩm của một thời, lại theo cái mạch văn chương của Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan… Nếu là tôi, tôi sẽ chọn cái truyện «Huyền thoại phố phường» hoặc vở kịch «Còn lại tình yêu» cơ!

NHT thoáng giật mình, trợn mắt nhìn tôi giây lát: Nếu là người khác, tớ sẽ thụi cho quả đấm, hay nhổ nước bọt bỏ đi. Nhưng cậu là «quân khu Tây Bắc», cũng từng theo một công-voa (convoi) giáo khổ lên Sơn La sau tớ vài năm, cũng gần 10 năm vùi đầu đọc sách giữa rừng quên buồn như tớ, lại cũng có lý… Sao, tay giáo khổ còn đuôi kia, cậu sòng phẳng tiếp đi nào?

NAT: Cảm ơn anh đã không cậy là người của công chúng hâm mộ mà ăn hiếp tôi - kẻ «dưới đáy» của giới văn nghệ - để đòi tôi sòng phẳng với anh…

NHT (Vội vã cắt lời): Đáo để thế, chính cậu mới là người chặn họng trước đấy!

NAT: Truyện «Huyền thoại phố phường» mới là truyện mang tính triết lý vượt biên giới và thời gian; dù anh có mượn cảm hứng từ truyện «Con Đầm Pích» của Puskin, song nó đã thâu tóm được thần thái và ung nhọt tinh thần xã hội Việt Nam trong thời buổi thị trường dị dạng này cho tới hàng vài thập niên nữa…

NHT (Gật gù): Được, tớ cho cậu điểm 8 +. Thế còn vở kịch «Còn lại tình yêu»?

NAT: Trên Tây Bắc, tôi với anh đã từng xem bộ phim «Mối tình qua những bức thư» ở bãi chiếu phim huyện đúng không nào? Trong khi dân dạy văn chúng tôi chỉ biết thán phục bộ phim, thì anh sau đó đã «hoán cốt đoạt thai» cốt truyện phim này để thành «Còn lại tình yêu», mượn những ngày giờ cuối cùng của nhà yêu nước Nguyễn Thái Học để gửi gắm thông điệp, qua thoại của ông thiếu tướng công an biểu tượng cho quyền lực: «Mọi sự rồi sẽ qua đi, rất nhiều biến cố rồi sẽ qua đi, bao nhiêu số phận rồi cũng qua đi, những người anh hùng cũng sẽ chết, chỉ có tình yêu thôi, chỉ có tình yêu mãi mãi còn lại…» Cái cảm hứng mọi cuộc chiến tranh hủy diệt và mọi cuộc tàn sát lương dân sẽ chấm dứt, chỉ còn lại Thế giới tràn đầy tình yêu – vốn là nguồn cảm hứng lớn của nhiều nhà văn phương Tây và Nga trong hơn thế kỷ tàn bạo vừa qua, đã được anh hình tượng hóa, sinh động hóa trong một vở kịch lịch sử giàu chất điện ảnh. Và tôi thiển nghĩ nó sẽ phải trở thành chủ đề lớn của văn học nghệ thuật nước ta trong những thập niên, và thập kỷ tới…

NHT lặng đi, mắt anh ngầu đỏ. Lát sau anh thì thầm: Thế thì chắc cậu cũng nhận ra: tất cả những truyện tớ đã và sẽ viết, nói nhiều về cái ác, cái đồi bại, cũng là mong khơi lại, và hoàn nguyên cái thiện trong con người - đó mới là cái gốc của Tình yêu. Nhưng tớ e rằng, hiện giờ cái đề tài này, cái ý tưởng này chắc khó được nhà nước đầu tư thích đáng cho điện ảnh, sân khấu! Cái vòng kim cô «Ta thắng - địch thua» và lòng căm thù giai cấp còn thít chặt trong đầu không ít những người lãnh đạo văn nghệ mà còn trong nhiều ông bà cầm bút mà tôi vẫn gọi đùa là «giặc-già-thơ-phú-lăng-nhăng»…

Sau lần gặp đó, suốt nhiều năm sau, tôi không gặp NHT lần nào, và chúng tôi cũng chẳng liên lạc với nhau. Điện ảnh VN tan tác, tất cả các rạp chiếu phim biến thành quán bia, vũ trường, quán ăn, tôi phiêu bạt vào phía Nam tìm đường làm phim… Cho tới lần, một đạo diễn trẻ tìm đến tôi, với tập bản thảo kịch bản phim sơ sài dựa theo truyện ngắn «Truyện tình kể trong đêm mưa» của NHT do chính tác giả chuyển thể kịch bản. Anh ta nhờ tôi chỉnh sửa kịch bản, tôi dãy nảy: «Đây là kịch bản anh NHT viết, tớ dính vào để mà gãy tay à?» Sau đó, trước sự khẩn khoản của cậu ta, tôi đành tìm đến nhà NHT, theo chân đạo diễn đàn anh Tự Huy. NHT nhăn mặt: «Khổ, hắn cứ nằn nì tớ viết scénario, tớ biết gì kịch bản điện ảnh đâu, cứ liều viết, xong rồi bảo hắn: tìm đến một nhà biên kịch giàu kinh nghiệm nào đó chỉnh sửa đi, phá hết ra cũng được, để làm sao có thể quay thành phim là ổn!» Tôi thẳng thừng: «Nếu anh tin cậy, tôi sẽ thực hiện theo yêu cầu của quy luật điện ảnh, chứ không theo yêu cầu của đạo diễn cũng như của anh, và sẽ thành thứ để có thể quay thành phim. Vì nể anh và tay đạo diễn một phần, nhưng chính là vì đây là đề tài miền núi và lịch sử mà tôi thích!».

NHT cười hềnh hệch: «Cái thằng, đa sự quá!»

Thế là tôi đã thực sự chuyển thể một truyện ngắn của NHT thành kịch bản văn học hoàn chỉnh - ngoài dự tính và mong muốn ban đầu. Sau đó, anh bạn đạo diễn trẻ mời tôi đi giúp chọn bối cảnh. Hai tuần liền, tôi theo chân đạo diễn của phim đi qua nhiều vùng núi của tỉnh Lao Cai, dưới sự tài trợ của các nhà đầu tư sản xuất phía Nam, thực sự làm «cố vấn» cho anh ta tới cả số lượng đèn quay trong từng bối cảnh - theo đề nghị của nhà đầu tư đi theo. Rồi đoàn làm phim được thành lập, có văn phòng giao dịch và tổ chức sản xuất tại Hà Nội. Họa sĩ thiết kế chính phim này là một họa sĩ cao niên, nhiều kinh nghiệm trong những phim phức tạp, ông đã cho mua cả một ngôi nhà sàn tận Lai Châu về làm bối cảnh, và tôi cũng giúp ông dựng một vườn hoa thuốc phiện giả… Nhưng tới ngày bấm máy, các nhà đầu tư hình như nhận thấy anh chàng đạo diễn này không đủ tư cách thực hiện một phim lớn có khả năng giúp họ thu hồi vốn/ có lãi, nên họ đã stop lại dự án, đành chịu mất khoản đầu tư giai đoạn chuẩn bị. Khi tôi tới nhà NHT, kể lại anh nghe chuyện này nên bức tượng Phật lớn sân nhà anh, anh nhún vai «ô là là» như một «ông Tây An Nam», và vĩ thanh bằng một câu triết lý: «Trong cái không may nhỏ bao giờ cũng hé lộ một cái may mắn lớn…»

Lần cuối cùng tôi tới thăm NHT tại nhà riêng - cũng đi cùng đạo diễn Tự Huy. Khi tôi hỏi anh nói về bộ phim «Thương nhớ đồng quê» ( Hãng phim truyện VN) quay theo truyện cùng tên của anh, anh không nói nhiều, chỉ tỏ một thái độ «tâm phục khẩu phục » với câu nói: «Quả là phim của bậc «mét» làm cũng có khác!» Nhưng chính tôi lại là người nói nhiều về cái «đòn hội chợ» của một số nhà báo hòng hạ bệ, vùi dập bộ phim này bởi những lý do mà sau này có dịp tôi xin kể lại. 

Khi tổ chức chiếu ra mắt bộ phim nhựa đầu tay của tôi - phim «Vầng trăng lửa» (HODAFILM sản xuất 1995) tại Hội Điện ảnh để đưa phim ra rạp, tôi có gọi điện thoại mời NHT tới xem. Anh bảo: «Tớ đang ốm lắm, thực đấy, cậu tha cho. Với lại, cậu nghĩ hộ: nếu phim cậu hay, tớ mà khen thì mọi người sẽ bảo: ôi dào, dân Tây Bắc cũ họ bao che bênh vực nhau. Còn nếu phim cậu có cái để chê, thì tớ nỡ lòng nào chê cậu. Mà tớ tin rằng phim đầu tay thì khó mà trở thành kinh điển lắm, đừng tự ái nhé!» Tôi không tự ái, chỉ trả lời: «Vâng, chỉ có truyện đầu tay của bậc «mét» NHT là «Những ngọn gió Hua Tát» mới trở thành «kinh điển» và hy vọng ẵm giải Nobel được thôi! Mong anh chóng khỏe để được «hành» anh bằng các phim khác của tôi nhé!»

Mấy năm sau, qua điện thoại, tôi có hỏi anh về phim «Những người thợ xẻ» ( Hãng phim truyện VN) được quay từ truyện ngắn cùng tên của anh, hình như NHT cố tình lảng tránh không trả lời bằng hàng loạt câu hỏi : «Mấy năm nay cậu làm gì? Tại sao không đến tớ nữa? v.v. » Không ngờ, đó lại là những câu trao đổi cuối cùng giữa tôi và NHT.

Anh Thiệp ơi, tôi biết giờ này dưới suối vàng, anh đang thầm mong những người làm điện ảnh VN sẽ tiếp tục đưa những trang viết tâm huyết của anh lên màn ảnh - trong đó có «Truyện tình kể trong đêm mưa» và «Mưa Nhã Nam», hai bộ phim tương lai ấy đều có mưa gió của số phận anh và mưa gió của số phận Dân tộc đau thương nhưng anh dũng này…

Xin vĩnh biệt anh!

Hà Nội, 23/ 3/2021

Đạo diễn Mai An Nguyễn Anh Tuấn ( Hội viên Hội Điện ảnh VN)

( Ảnh NHT thời mới ở Tây Bắc về)

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
17 Tháng Tư 201710:53 CH(Xem: 28465)
Sau khi phần I, Én Liệng Truông Mây, được nhà xuất bản Trẻ Sài Gòn phát hành năm 2014, tôi bắt tay viết tiếp phần II của trường thiên TÂY SƠN TAM KIỆT, tức Nhất Thống Sơn Hà. Cuối năm 2015, Nhất Thống Sơn Hà đã được đại công ty Amazon của Hoa Kỳ in và bán khắp thế giới qua hệ thống Internet. Thông qua một loạt các buổi ra mắt sách tại các tiểu bang Florida, Pennsylvania..
09 Tháng Tư 20173:24 CH(Xem: 27155)
"Đúng 50 năm kể từ số báo cuối cùng của Tình Thương, một tin vui đến từ Thư Quán Bản Thảo, trong một nỗ lực phải nói là phi thường, qua hệ thống interlibrary loan, anh Trần Hoài Thư đã hy sinh rất nhiều công sức và cả tốn kém tiền bạc để có thể sưu tập lại được gần trọn bộ báo Tình Thương, đồng thời cũng qua bộ Tình Thương, 11 chương sách tác phẩm Nuôi Sẹo của nhà văn Triều Sơn đã được phục hồi..." Ngô Thế Vinh
12 Tháng Hai 20172:13 SA(Xem: 27199)
Không thể có một Vũ Huy Quang thứ nhì trên đời này, dù là trong đời thường hay khi cầm bút. Bởi vì, anh độc đáo một cách tự nhiên, cả trong giao tiếp lẫn chữ nghĩa. Khi ngồi nói chuyện với anh vài câu, bạn biết ngay không mấy ai có nhiều kiến thức sách vở như anh, nhưng cái nhìn luôn luôn mang theo nhiều chất vấn, nêu lại rất nhiều vấn đề không mấy người nhìn thấy.
30 Tháng Giêng 20172:36 SA(Xem: 25170)
Người ta bảo rằng Mahatma Gandhi có một khả năng thuyết phục tuyệt vời khi giúp cho người dân Ấn Độ nhận ra rằng vận mệnh của kẻ cầm quyền đang nằm trong chính bàn tay của họ, chỉ cần quăng đi nỗi sợ hãi họ có thể đối diện để nói chuyện sòng phẳng với chính quyền. So với VN ngày nay, số phận dân tộc VN cũng thế. Có thực sự đáng tiếc là chúng ta không có một Gandhi không?
09 Tháng Giêng 201712:12 SA(Xem: 26596)
Mỗi buổi sáng khi sương mù còn là một biển hơi trắng xoá chưa tan biến trên khắp vùng Missouri City, khi sân chơi mênh mông của ngôi trường tiểu học địa phương đối diện với cái địa chỉ văn chương Blue Ridge 1802 còn hoàn toàn vắng lặng, khi cách đó 5 dặm đường đồng, nhà thơ trẻ Hoàng Ngọc Ẩn, người hàng xóm Việt Nam còn ngủ vùi sau một ngày làm việc ở các tiệm sách nhạc mới mở dưới phố, nhà văn Mặc Đỗ đã một mình thức dậy.
18 Tháng Chín 20167:54 CH(Xem: 30911)
Bài viết "Con Đường Mặc Đỗ Từ Hà Nội - Sài Gòn Tới Trưa Trên Đảo San Hô" hoàn tất ngày 20.06.2015, biết nhà văn Mặc Đỗ không dùng internet, qua Priority Mail tôi đã gửi ngay tới Anh một bản in, tôi nghĩ Anh cũng đã nhận được và đọc bài viết ấy. Thỉnh thoảng tôi vẫn có dịp nói chuyện điện thoại với anh, vẫn một Mặc Đỗ giọng nói còn sang sảng và tinh thần thì rất ư là minh mẫn.
19 Tháng Bảy 20162:38 SA(Xem: 32675)
Trên đám mây có khuôn mặt của người mình thương / Ký ức tuổi nhỏ của em gắn liền với cái hàng ba. / Bây giờ chắc không ai biết “cái hàng ba” là gì? Đi đâu rồi em cũng trở về với cái hàng ba.
30 Tháng Tư 20161:32 SA(Xem: 36480)
"Thảm kịch của dân tộc Việt suốt hơn 70 năm qua phần nào khởi nguồn từ sự thiếu hiểu biết chính xác về Côn [Hồ], cũng như Đảng Cộng Sản Việt Nam, và ngay cả cái học thuyết dịch sai thành “Cộng Sản,” của “Mã Khắc Tư.” Nói rộng hơn, sự hận thù, phân hóa giữa các giai tầng, phe nhóm Việt phần lớn do sự cận thị lịch sử mà ra: chúng ta đã phải chia phe phái bắn giết, hận thù, chửi rủa nhau suốt bao thập niên, đúng hơn hàng chục thế kỷ qua, cũng chỉ do bị nhiễm độc bởi những ngụy sử, do tài liệu tuyên truyền tinh vi của nhiều phe nhóm, chính quyền và cường quốc tạo nên; hoặc do những người thiếu kiến thức, lại tham vọng bắt lịch sử phải uốn quanh “chiếc giường tên tướng cướp trên lưng” mình." (NGUYÊN VŨ)
27 Tháng Tư 201611:25 CH(Xem: 32396)
Nổi buồn ngay cả không thể neo đậu vào những chiếc áo chemise trắng của ba tôi, vào hàng nút áo đã bị cắt rời khỏi khuy áo, mà mới đó chỉ hơn 60 ngày trước, và suốt trong 60 năm chính tay mẹ tôi đã cẩn thận và âu yếm cài từng chiếc nút áo vào khuy áo?
04 Tháng Tư 20161:35 CH(Xem: 29226)
Từ nhiều năm nay trước khi lên giường ngủ, tôi phải uống ba loại thuốc an thần một lúc. Ngày Đinh Cường còn, chúng tôi thường trao đổi nhau về tên vài loại thuốc trị chứng mất ngủ này. Anh có uống thử, nhưng rồi vẫn trở về với Ambien 5mg, dù thuốc chỉ giúp anh chợp mắt vài ba tiếng, không ngủ lại được.