Sau khi phần I, Én Liệng Truông Mây, được nhà xuất bản Trẻ Sài Gòn phát hành năm 2014, tôi bắt tay viết tiếp phần II của trường thiên TÂY SƠN TAM KIỆT, tức Nhất Thống Sơn Hà. Cuối năm 2015, Nhất Thống Sơn Hà đã được đại công ty Amazon của Hoa Kỳ in và bán khắp thế giới qua hệ thống Internet. Thông qua một loạt các buổi ra mắt sách tại các tiểu bang Florida, Pennsylvania.. cùng với các cuộc phỏng vấn trên các phương tiện truyền thông, truyền hình như SBTN – Cali.. SBTN Boston.., riêng tại hải ngoại, Én Liệng Truông Mây và Nhất Thống Sơn Hà đã được đông đảo độc giả tìm đọc và khen ngợi. Hai tác phẩm được đánh giá là đồ sộ trên không chỉ được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng người Việt hải ngoại, sách còn có mặt trong hệ thống thư viện liên bang Hoa Kỳ và được lưu trữ tại Library of Congress, thư viện quốc gia lớn thứ nhì thế giới.
Tháng 11 - 2016, nhà xuất bản Hội Nhà Văn Sài Gòn nhận được bản in Én Liệng Truông Mây và Nhất Thống Sơn Hà của Amazon do tôi gởi về giới thiệu, họ lập tức đồng ý cấp phép và tiến hành in ấn. Ngày 20-2-2017, 1.000 bộ = 4.000 cuốn sách của phần I&II của Tây Sơn Tam Kiệt đã được nxb Hội Nhà Văn hoàn thành. Như vậy, sau hơn một năm vắng bóng trên thị trường trong nước vì sách đã bán hết, Én Liệng Truông Mây đã được tái bản lần thứ nhất và Nhất Thống Sơn Hà được phát hành lần đầu tiên tại nước nhà. Sách sẽ được phát hành qua hệ thống FAHASHA, THĂNG LONG và TIKI.vn… kể từ ngày đầu tháng 4-2017.
ĐÊM RA MẮT 11-3-2017 TẠI SÀI GÒN
Tôi đã có mặt ở Sài Gòn ngày 1-3-17 để chuẩn bị cho đêm ra mắt sách tại Hội trường đa năng của trường Dự Bị Đại Học, dự kiến diễn ra vào tối 11-3-17. Vì có sự kiện đột ngột, vào phút chót nhà trường đã đề nghị thay đổi địa điểm ra mắt sách, chuyển sang một giảng đường tuy khá lớn nhưng thiếu điều kiện cho một đêm ra mắt sách, chúng tôi đã dời địa điểm đến nhà hàng Alma House thuộc quận Phú Nhuận. Mặc dù có sự thay đổi địa điểm đột ngột vào giờ chót, số thân hữu tham dự đêm ra mắt sách vẫn đông đủ trong một không khí vừa ấm cúng vừa thân tình.
Ngoài hai diễn giả: Thạc sĩ Hán Nôm Dương Đức Hiếu và Thạc sĩ Võ Thanh Vân giới thiệu về hai tác phẩm, phần phát biểu của hai sinh viên Luật khoa Võ Bảo và sinh viên Kinh tế Hoàng Quân về cảm nhận của các em sau khi đọc Én Liệng Truông Mây và Nhất Thống Sơn Hà đã nói lên sự thu hút của hai tác phẩm đối với giới trẻ trong nước, đặc biệt là giới sinh viên học sinh. Điều đó cũng chứng minh nền văn hóa đọc trong giới trẻ nước nhà vẫn còn sức sống, không giống nhiều nhận định bi quan của một số người. Vấn đề còn lại là tác phẩm. Nếu nhìn kỹ hơn vào đêm ra mắt sách, chúng ta sẽ thấy ngoài sự hiện diện của rất đông những khuôn mặt trẻ là khán giả tham dự, còn có rất nhiều bạn trẻ trong nhóm Đôi Cánh Tình Nguyện đã xung phong đảm trách tất cả các khâu tổ chức từ trang trí cho đến tiếp đón khách mời tham dự trong những tà áo dài trang trọng. Và, đặc biệt hơn hết đó là phần vụ MC của đêm ra mắt sách đã được hai khuôn mặt rất trẻ Xuân Quỳnh và Thành Danh đảm nhiệm.
Hiện diện trong đêm ra mắt còn có đại diện các công ty phát hành sách như Fahasha, TiKi.vn.. và phóng viên các báo trong nước như báo Thanh Niên, báo Pháp Luật, Quân Đội Nhân Dân, PetroTimes, Văn Hóa & Giáo Dục, Sinh Viên Việt Nam, Sài Gòng giải phóng…v..v.. Ngay sáng hôm sau, những bài tường tình về đêm ra mắt trường thiên TÂY SƠN TAM KIỆT đã có mặt khắp nơi trên nhiều trang báo mạng cũng như báo giấy.
Bên cạnh những phát biểu về nội dung hai tác phẩm, sự góp mặt của các ca sĩ trẻ: Tương Phùng của Quy Nhơn, Quang Thành, Đức Trung, Kim Hiền của Sài Gòn, Mai Khắc Đức của Hà Nội và Hùng Thái trở về từ Ukraina… đã khiến bầu không khí của đêm ra mắt sách thêm phần vui tươi, sinh động.
Và một lần nữa, chúng ta có thể khẳng định một cách hùng hồn rằng: mặc cho sự cám dỗ của truyền thông mạng qua những chiếc iPhone cầm tay, giới trẻ ngày nay, tương lai của dân tộc, vẫn còn hăng say tham gia những hoạt động văn hóa bổ ích và đam mê đọc sách như các thế hệ cha anh ngày trước. Hãy tin tưởng và khích lệ họ.
Điểm đáng ghi nhận cuối cùng đó là sự nhiệt tình ủng hộ tác phẩm của những thân hữu tham dự đêm ra mắt sách. Con số hơn 30 bộ sách được ký bán trong đêm 11-3 đã khiến chúng tôi vừa phấn khởi vừa rất ấm lòng.
Cảm ơn bạn bè thân hữu. Cảm ơn các bạn trẻ của nhóm Đôi Cánh Tình Nguyện. Cảm ơn các ca sĩ trẻ. Cảm ơn Sài Gòn yêu dấu. Tạm biệt.
ĐÊM GIAO LƯU CÙNG SINH VIÊN ĐẠI HỌC QUY NHƠN 20-3-2017
Tôi có mặt tại Quy Nhơn chiều 17-3-17. Buổi café sáng hôm sau tại quán Mỹ Phú bên bãi biển, dành để gặp gỡ các ca sĩ địa phương, mời họ tham gia đêm giao lưu. Cô nữ phóng viên Báo Bình Định là Sao Ly đã không bỏ lỡ cơ hội, thực hiện một cuộc phỏng vấn chớp nhoáng. Sáng thứ Hai, 20-3-17 đã có một bài viết về hai tác phẩm Én Liệng Truông Mây và Nhất Thống Sơn Hà trên báo Bình Định online và nửa trang báo giấy.
Tối 20-3-17. Hội trường với sức chứa hơn 500 người đã chật cứng, được trang hoàng lộng lẫy bằng những lẵng hoa, bình hoa tươi thắm, nước uống tinh khiết cho quan khách… Một ban nhạc sống với 5 nhạc công, gần 10 nữ sinh viên trong những tà áo dài đủ màu sắc dàn chào nơi cửa sảnh để tiếp đón quan khách. Thêm vào sự hiện diện của các giảng viên, khoa trưởng khoa Ngữ văn, khoa Sử địa của Đại Học Quy Nhơn, cùng các quan chức Sở thông tin văn hóa, Công an văn hóa, Hội nhà văn, Câu lạc bộ thơ Xuân Diệu… một số các cây bút lớn của tỉnh Bình Định, rất nhiều thân hữu cùng với hơn 300 sinh viên… đã khiến tôi hết sức xúc động nhủ thầm: Thật hoành tráng và trọng thị! Rất chuyên nghiệp!
Nghe tôi khen, một người bạn đã nói: Tất nhiên rồi. Đại Học Quy Nhơn được xem như là bộ mặt văn hóa của Tỉnh mà!
Tôi đùa: Cũng chính vì sự hoành tráng đó mà tớ sẽ trở thành tấm bia cho một số người nã súng.
Bạn tôi hỏi: Nhập gia tùy tục. Sợ à?
Tôi đưa tay chỉ vào mấy trăm nam nữ sinh viên đang ngồi trong hội trường, mỉm cười: Nếu sợ tớ đã không về. Hun đúc hào khí Quang Trung, giữ gìn anh khí của tiền nhân cho bọn trẻ, bảo tồn văn hóa cho dân tộc, đó là việc phải làm của kẻ cầm bút. Tớ tuy không chuyên, nhưng đó là mục đích của tớ, và tớ sẽ dành quãng đời còn lại để thực hiện nó.
Bạn tôi mỉm cười không nói gì, chỉ dơ bàn tay ra: High-fight!
Thay lời giới thiệu cho tiết mục mở đầu đêm giao lưu là tiếng nhạc hùng tráng của màn vũ nhạc kịch về những chiến tích, võ công của triều Tây Sơn do sinh viên trường thực hiện. Tiếp theo là một vũ điệu của những người sắc tộc anh em miền Thượng đạo và cuối cùng là một bài côn truyền thống “roi Thuận Truyền” của một nữ võ sĩ trẻ đẹp, tài cao, mô tả đúng với hình ảnh trong hai câu ca dao:
Ai về Bình Định mà coi
Con gái Bình Định múa roi đi quyền.
Xem cô võ sinh họ Võ múa xong bài roi tôi bỗng tiếc thầm. Giá mà tôi được xem màn biểu diễn này trước khi tôi viết bộ Nhất Thống Sơn Hà, tôi tất sẽ xin phép được đưa tên của cô ta vào trong đoàn quân Tây Sơn dưới trướng Bùi Thị Xuân, như tôi đã đưa tên một cô gái bên bờ cửa biển Đề Gi là Đoan Trang vào câu chuyện Hòn Vọng Phu trên đỉnh Núi Bà, hay tên cô gái Trần Hương Nam của đất Ninh Bình vào bên cạnh Ngọc Hân công chúa. Việc đưa những con người thật của từng địa phương vào tác phẩm vừa lý thú vừa giúp cho việc mô tả hình ảnh nhân vật được dễ dàng, sinh động và thực tiễn hơn. Tôi đặc biệt thích thú và lưu tâm đến việc này trong những lần đi thực địa.
Sau phần giới thiệu quan khách hiện diện là lời chào đón chân tình và cởi mở của vị Khoa trưởng Ngữ văn, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đấu. Ông đã dành cho tôi những lời chúc tốt đẹp. Ông nêu rõ ý nghĩa của lần gặp gỡ hôm nay như một sự chào đón đứa con xa xứ vẫn nặng lòng với quê hương qua những tác phẩm văn học nay trở về để giao lưu và truyền lại những kinh nghiệm xứ người cho lớp sinh viên trẻ. Tôi bày tỏ lòng biết ơn với tâm tình vô cùng xúc động.
Vị Thạc sĩ trẻ Dương Đức Hiếu một lần nữa rất hào hứng được xuất hiện trên diễn đàn Đại Học Quy Nhơn để nói về lịch sử, về những con người Hiệp sĩ của vùng đất võ thời Quy Nhơn hãy còn là miền biên tái.
Thạc sĩ Võ Thanh Vân trình bày cho các sinh viên về “một cách tiếp cận với tiểu thuyết của Vũ Thanh”, nói tóm tắt về sự thăng hoa cái “anh hùng tính” trong con người Hiệp sĩ Việt trải dài trong hai tác phẩm. Từ tinh thần nghĩa dũng cứu khốn phò nguy của các Hiệp sĩ Truông Mây mang tính cách cá nhân như Chú Lía, lên đến bình diện quốc gia, đến đức độ một bậc quân vương của Quang Trung - Nguyễn Huệ.
“Chàng Lía, do vậy, là mẫu người hoang dã, đơn giản; là mẫu anh hùng xăn tay áo, tuốt gươm lướt tới. Một số nhân vật khác trong Én Liệng Truông Mây có tính văn học hơn, và được nâng lên tầm tiêu biểu cho tinh thần “hiệp sỹ Việt”, nhưng tất cả đều không thoát khỏi lớp vỏ cá nhân. Anh và hùng trong Én Liệng Truông Mây là kiểu anh hùng tự phát. Tư tưởng tự phát, hành động tự phát và rời rạc.
Trong Nhất Thống Sơn Hà, anh hùng tính được nâng lên tầm vóc lớn hơn, cao hơn: Anh hùng của khí chất, thể hiện qua tướng cách, tính cách, tấm lòng và từng hành vi, cử chỉ; là anh hùng biết tiến, thoái, biết khắc nghiệt và bao dung. Đó là Anh hùng của toàn dân, là khí tượng của đấng quân vương. Nguyễn Huệ trong Nhất Thống Sơn Hà đã được Vũ Thanh khắc họa không những là một đấng anh hùng như thế mà còn hòa quyện với tính cách dung, dị, hòa, nhã của dân ta để trở thành một mẫu quân vương tiêu biểu của dân tộc Việt Nam”.
Xa hơn nữa ông nêu lên câu hỏi: Vậy cái tinh thần Hiệp sĩ đó sẽ được mô tả như thế nào trong Gia Định Tam Hùng khi cuộc chiến giữa nhà Nguyễn Gia Miêu và Tây Sơn diễn ra? Và cuối cùng là trò chơi “viết tiếp phần III – Gia Định Tam Hùng cùng với tác giả Vũ Thanh”.
Những tràng pháo tay vang dội khắp hội trường đã thể hiện sự quan tâm và hào hứng của các sinh viên về nội dung tác phẩm sau những phát biểu của cả hai diễn giả.
Hai ca khúc của Vũ Thanh: Đá Vọng Phu viết cho Trường thi Hòn Vọng Phu được trình bày qua tiếng hát tuyệt vời của nữ ca sĩ Lê Tuyền và Quy Nhơn Đôi Mắt Người Xưa, viết cho bản trường ca Quy Nhơn Đôi Mắt Người Xưa được thể hiện bởi nam ca sĩ Dương Quang Hiếu đã giúp khán thính giả trong hội trường cảm thấy thư giãn trở lại sau những phút giây tinh thần bị cuốn hút theo những bài phát biểu.
Nhưng ấn tượng hơn cả trong đêm giao lưu là phần phát biểu của vị Hội phó Hội văn bút Bình Định, nhà văn Lê Hoài Lương, về phần II Nhất Thống Sơn Hà. Ông nhận bộ sách từ phóng viên Sao Ly trước đó vài hôm, đọc ngấu nghiến gần 2.000 trang sách trong hai ngày rồi viết một mạch trong nửa ngày cho bài phát biểu mà ông đã đặt cho cái tựa: “LỬA TÂY SƠN RỰC SÁNG Ý CHÍ, TINH THẦN DÂN TỘC”. Thời gian cập rập nhưng ý tưởng trong bài phát biểu cho thấy ông đã cảm nhận một cách hết sức sâu sắc nội dung tác phẩm, soi thấu những nhắn gởi thầm kín của tác giả trải dài trong 4 tập sách dày cộm. Thêm vào đó là nghệ thuật điêu luyện, giọng nói hùng hồn đầy tính thuyết phục của một diễn giả giàu kinh nghiệm đã khiến cả hội trường phăng phắc lắng nghe.
“Tôi không có ý so sánh, nhưng nếu lịch sử như cái vin tựa để nhà văn Nguyễn Mộng Giác làm văn chương và giải mã rốt ráo những yếu tố tâm thức mọi thời về quyền lực và chính trị trong nhân sinh, Vũ Thanh đơn giản hơn, lịch sử với ông, là cuộc nối tiếp tâm thế dân tộc, ý chí và tinh thần dân tộc, dù bi thương hay chất ngất hào khí. Ý chí và tinh thần dân tộc xuất phát từ lòng dân. Những thịnh suy của các triều đại trên đất nước này, dân tộc này từ chính ánh chiếu minh triết và riết róng đó”.
Cuối cùng ông nói:
“Dù không muốn trích dẫn, cũng xin khép lại những cảm nhận lan man của mình bằng lời nhắn gửi của vị sư Tịnh Quang đến hoàng đế Quang Trung: “Tâm Phật là tâm dân tộc - lấy ý muốn thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tâm thiên hạ làm tâm của mình”.
Hưng, vong, bỉ, thái có thì, nhưng nếu trị nước bằng nhận thức này, đất nước và dân tộc đó sẽ hưng vượng. Nói tiểu thuyết lịch sử “Nhất thống sơn hà” của Vũ Thanh đã vượt khỏi “tự hào bản địa” là vậy”.
Tôi bước lên diễn đàn tặng ông bó hoa tươi với nỗi lòng khâm phục thay lời cảm ơn.
“Đứng trên đất Bình Định mà nói về những chiến tích, những công lao của nhà Tây Sơn thì cũng chẳng khác nào đem rìu múa trước cửa Lỗ Ban”. Đó là lời mở đầu của tôi trong đêm giao lưu với các sinh viên Đại Học Quy Nhơn. Thay vào đó tôi đề cập sơ về quá trình hình thành trường thi Hòn Vọng Phu và phần I&II của trường thiên tiểu thuyết Tây Sơn Tam Kiệt. Nói sơ qua những bước chân xiêu tán, những dặm đường gian nan của những người dân Việt thời mở cõi, cũng chính là bối cảnh lịch sử xuyên suốt câu chuyện, mà vùng đất Quy Nhơn biên tái xưa, ngày nay đã trở thành vùng “Đất võ - Trời văn” là một chứng tích. Nói cho các em nghe về đức “DUNG”, cái “điểm son của Tâm Thức Việt”, cái tồn đọng lại qua hơn 4.000 năm của nền Minh triết thời Bách Việt nguyên sơ; cái đức “DUNG” mà nhờ nó dân tộc ta đã trường tồn qua bao thăng trầm của lịch sử dựng nước hào hùng ở phương Bắc, và mở nước một cách “Thuận – Hòa” vào phương Nam.
Thay vì nhắc lại những chiến tích vang dội của vị tướng được vinh danh:
Cổ kim bách thăng Long Nhương tướng
Nhất thống sơn hà Bắc Bình vương.
Tôi đã nói cho các em nghe một chứng tích lịch sử về uy vũ và hào khí của Quang Trung hoàng đế đã uy phục triều thần Mãn Thanh trước cũng như sau cuộc chiến tốc thắng Ngọc Hồi – Đống Đa, mà bộ Cao Tông Thực Lục đã minh định rõ nét trong hàng ngàn chỉ dụ của vua Thanh Cao Tông - Càn Long. Nhắc cho các em nhớ rằng cái hào khí đó không chỉ có ở triều đại Tây Sơn của Quang Trung – Nguyễn Huệ, mà nó đã và vẫn tiềm tàng trong tâm thức người Việt qua mọi thời đại. Cái hào khí mà nhờ vào đó vị danh thần Ức Trai Nguyễn Trãi đã hùng hồn khẳng định trong bài Bình Ngô Đại Cáo: “…vận nước có lúc cường lúc nhược nhưng anh hùng thì đời nào cũng có”.
Vì vậy, lời trao đổi cuối cùng của tôi với các em là: Tôi mong mỏi các em hãy yêu mến và trân trọng lịch sử nước nhà hơn nữa.
Sau vài phút trao đổi ý kiến, trả lời một số thắc mắc của giáo sư Tuấn, Khoa trưởng khoa Sử Địa, là phần giao lưu văn nghệ giữa các thầy, cô giáo trường Đại Học Quy Nhơn cùng các ca sĩ nổi tiếng thành phố biển như Lê Tuyền, Mỹ Phụng, Uyên Trinh, Thanh Huệ, Lê Phương.... Không khí đêm giao lưu hào hứng đến độ vị Khoa trưởng Ngữ văn Nguyễn Văn Đấu cũng đã lần đầu tiên bước lên sân khấu hát tặng mọi người.
Đêm giao lưu kết thúc rất khuya, dù là tối thứ Hai. Tôi nhìn thấy sự thoải mái, vui vẻ trên nét mặt của mọi người lúc chia tay. Tất nhiên, tôi hình dung, hiện rõ nhất vẫn là trên nét mặt của tôi.
Thay lời cảm tạ, tôi gởi tặng Phòng lưu trữ truyền thống của nhà trường và Khoa Ngữ văn hai thùng sách trước đó tôi đã ký để lưu niệm.
Tạm biệt những con sóng nhỏ và làn gió nhẹ trên biển Quy Nhơn thân thương với nhiều kỷ niệm, tôi đến ngồi bên bờ Hồ Gươm lịch sử, hưởng thụ cảnh sắc êm đềm, thơ mộng của đêm Hà thành sương xuống. Âm thanh ngọt ngào của thiếu nữ Hà Nội tôi được nghe đầu tiên là của cô cháu trưởng nhóm Hát Rong Từ Thiện – Trần Phương Anh: “Chú ạ, chú phải tập phớt lờ thiên hạ. Mình hãy sống và làm việc của mình. Chú song ca với cháu bài “Phải chi..” nhé?”.
Và cô hồn nhiên cất tiếng hát: “Chiều chiều ra đứng bên này sông”. Tôi đành cất tiếng hát theo: “Trông vời bên ấy khói mênh mông. Nơi đó có em tôi đang sống với chồng. Chỉ tấc gang mà xa ngút ngàn”. “Anh bên bồi”. “Còn em bên lở”… Và cứ thế, một cách hồn nhiên, bài hát Phải Chi Em Lấy Chồng Xa của tôi đã được song ca LiveStream cho cả nhóm Hát Rong đang ở đâu đó khắp Hà thành nghe và xôn xao lên tiếng “Cháu chào chú ạ..”.
Rất hay! Chính quan điểm sống phớt lờ thiên hạ này mà cả nhóm Hát Rong của họ đã bỏ mặc những lời ra tiếng vào, bị cấm đoán, bị xua đuổi… suốt gần một năm qua vẫn hàng tuần, hai lần xuống đường ca hát, gạt bỏ hết những tự ái cá nhân, cúi gập mình trước khách ăn đêm trên khắp phố phường Hà Nội để quyên góp tiền giúp đỡ các bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện nhi trung ương. Số tiền hơn trăm triệu sau một năm xuống đường ca hát quyên góp là quá nhỏ so với mức tiêu xài xa xỉ của người dân Thủ đô, nhưng nó chứa đựng rất nhiều, rất nhiều tình thương của những tâm hồn cao thượng – Những kẻ Hát Rong Từ Thiện mà tôi được làm quen.
Và tôi đã theo chân bọn trẻ, mặc chiếc áo Hát Rong, xuống đường đêm hôm sau để rèn luyện cho mình một tâm hồn cao thượng. Cái đã khiến cho tôi, và loài người xưa nay, phải sống thấp hèn chính là lòng tự ái, là cái tôi, cái “duy ngã độc tôn”. Bạn có dám cúi gập mình trước thiên hạ chỉ vì muốn giúp cho những người mà bạn không hề quen biết không? Dù đã ôm hòm tiền theo chân bọn trẻ vào quán ăn, nhưng vì lòng tự ái, vì vốn không quen cúi đầu, tôi đã không thể cúi gập mình xin tiền như bọn trẻ. Lòng tự ái đã khiến tôi nhỏ nhen, thấp hèn. Bọn trẻ thì không! Nhóm bên ngoài hồn nhiên ca hát mua vui, lấy lòng thiên hạ, nhóm bên trong hồn nhiên gập mình trước khách ăn đêm, nhã nhặn xin từng ngàn đồng một, chỉ vì muốn giúp cho những bệnh nhi mà chúng chưa từng gặp mặt. Cái gập mình đó đã bẻ gãy tính vị kỷ, ươm lớn lòng vị tha, nâng tâm hồn bọn họ lên cao. Họ là những con người trẻ với những Tâm Hồn Cao Thượng.
Giữa lòng Thủ đô tráng lệ. Nơi mà tiền bạc khắp nước đổ về một cách vô tội vạ, cuộc cạnh tranh sinh tồn hẳn rất khốc liệt, hình ảnh của một nhóm trẻ sống xả kỷ, vị tha ấy hiện ra như một bức tranh tuyệt mỹ của thế gian để cho nhân loại ngắm nhìn.
Bằng cách nhìn minh triết, bức tranh đó tồn tại cũng chỉ là lẽ biến thiên tự nhiên của tạo hóa, cái lẽ âm thịnh, dương suy, trong thái âm có thiếu dương vậy. Nó cũng giống như hình ảnh đóa sen tinh khiết, mọc và vươn lên khỏi đám bùn nhơ.
Thế bọn trẻ Hát Rong có phải là những nhà hiền triết, thấu đáo lẽ huyền vi của tạo hóa không? Tất nhiên là không. Đơn giản, họ chỉ là những con người hồn nhiên, cao thượng. Đơn giản hơn nữa, họ là những kẻ biết thương người.
Họ là những mầm sen trong đầm lầy. Tôi vẫn đi tìm những mầm sen đó.
Và tôi đã ghé thăm Café Gác, nơi quyên góp sách vở để lập nên một thư viện nhỏ cho các bạn yêu sách tìm đọc, nơi mà sinh viên ở xa về trọ học tại Thủ đô có thể mượn không gian yên tĩnh làm nơi ôn bài, thậm chí ngủ qua đêm. Nơi thiết lập một trang web tên gacsach.com để giúp đỡ những cây bút trẻ tập viết và đăng bài của mình. Tiếc là đang mùa ôn thi, lại báo tin cập rập nên đêm giao lưu ở Gác chỉ có một số ít sinh viên tham dự. Tuy vậy tôi cũng nhận được một bó hoa tươi từ tay một cô cháu thi sĩ trẻ thay lời cảm ơn tôi đã làm sống dậy trong lòng cô cái thời thơ mộng đã qua.
Tôi góp vào thư viện Gác hai tác phẩm của mình. Mong những con chữ trong 8 tập sách đó làm nẩy mầm những đóa sen ngát hương cho mai hậu.
Tạm biệt Hà Nội. Tạm biệt nhóm Hát Rong.
Tôi ghé thăm cô Hướng Dương, giám đốc Thư Viện Sách Nói Dành Cho Người Mù ở số 5 Đinh Tiên Hoàng, Q.1, Sài Gòn, nơi tôi đã gởi tặng bộ Én Liệng Truông Mây để hai cô ĐỌC THẬT là Đồng Linh và Phương Minh biến thành audio sách nói cho các trẻ em khiếm thị nghe. Đây lại là những con người có Tâm Hồn Cao Thượng nữa giữa lòng Sài Gòn hoa lệ. Các bạn yêu audio sách nói có thể vào nghe và ủng hộ thư viện để họ có điều kiện phục vụ hàng triệu trẻ em mù trên khắp nước.
Tạm biệt Việt Nam.
Hẹn nhau khi hoàn tất phần III - Gia Định Tam Hùng.
Florida – 4/3/2017.
Vũ Thanh.
Đắp Mộ Cuộc Tình
Nhạc sĩ Vũ Thanh Hát Rong Từ Thiện
Nhạc sỹ Vũ Thanh đã cùng nhóm Hát rong từ thiện đi hát ngoài đường để quyên tiền từ thiện.
- Từ khóa :
- Vũ Thanh