- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

NGHÌN TRÙNG XA CÁCH

27 Tháng Tư 201611:25 CH(Xem: 32455)
2514216_Tangoulis-Misty-Scapes-6-710x701
Ành- Vissilis Tangoulis

 


Sau 60 ngày ba tôi nằm bệnh viện , và sau ngày hôm nay, ngày tôi đưa tiễn đưa ba tôi, tôi muốn viết.

Tôi không viết cho tôi, cho nỗi mất mát của tôi.

Tôi không viết cho Người đã ra đi.

Tôi viết cho Người ở lại.

Tôi viết cho Mẹ tôi.

 

Đêm qua, đêm cuối cùng với ba tôi, mẹ tôi nói:

- Mẹ muốn tiễn ba đi bằng bài hát “Nghìn trùng xa cách”.

Tôi đã làm theo ý thích của mẹ tôi, đầu tiên chỉ vì muốn chiều chuộng mẹ tôi một chút. Những ngày này mẹ tôi đã buồn nhiều.

Khi 6 người âm công trong đồng phục trắng, vừa ghé khiêng áo quan của ba tôi lên vai, tôi vào playlist của iphone, chọn bài hát đã download từ đêm qua, và nhấn nút play.

Dòng nhạc đầu tiên vang lên đầy tràn không gian trống trải sau quan tài,

 

“ Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi Còn gì đâu nữa mà khóc với cười

Mời người lên xe về miền quá khứ

Mời người đem theo toàn vẹn thương yêu”

 

Một cơn rùng mình chạy dọc từ trên đầu xuống đến chân, bất giác tôi không kiềm chế được nữa, nước mắt trào ra chan hòa trên mặt.

 

Lời bài hát trải dài, trọn quảng đường hơn 500m từ nhà, băng qua con hẻm chợ họp buổi sáng đông đúc nhộn nhịp , hai lần quẹo ngã tư là hai lần quan tài được hạ xuống cho ba tôi chào từ biệt hẻm chợ quen thuộc, là hai lần mẹ tôi đi liu xiu bên chị hai tôi , cúi đầu chào từ tạ người đàn ông của cả cuộc đời mình.

 

 “Trả hết về người chuyện cũ đẹp ngời

Chuyện đôi ta buồn ít hơn vui

Lời nói, lời cười

Chuyện ngắn chuyện dài

Trả hết cho người, cho người đi”

 

Khi ba tôi ra đi, nổi buồn đau của những đứa con chỉ là nỗi đau của một phần máu thịt phải rời chia, rồi nỗi đau đó cũng lành theo thời gian, và nỗi buồn đó còn có chỗ để neo đậu , neo đậu vào người vợ, hoặc người chồng, với những đứa con, neo đậu ngay cả vào những lo toan, trách nhiệm kéo người ta tiếp tục sống.

 

Chỉ có nỗi buồn đau của mẹ tôi là biết neo đậu vào đâu? Khi không thể neo đậu vào ly cà phê sữa hòa tan lẻ một mỗi sáng, không có ai để chỉ đơn giản hỏi:

- Ông uống cà phê chưa, tôi pha cho ông một ly nhé!

Hay là neo đậu vào chén cơm lẻ một mỗi buổi ăn, thay vì chia đôi đũa cho người ngồi bên cạnh, lại nâng ngang trán mà mời người ngồi nhìn mình đăm đăm, lặng lẽ sau khói nhang?

Hay là neo đậu vào ly trà nụ hoa cúc lẻ một mỗi buổi chiều, và lẻ một bình trà chiều một mình mẹ tôi ngồi uống cạn?

Hay là neo đậu vào không gian trống của căn phòng-không-còn-ba-tôi, chiếc giường nhỏ-không-còn-ba-tôi?

Nổi buồn ngay cả không thể neo đậu vào những chiếc áo chemise trắng của ba tôi, vào hàng nút áo đã bị cắt rời khỏi khuy áo, mà mới đó chỉ hơn 60 ngày trước, và suốt trong 60 năm chính tay mẹ tôi đã cẩn thận và âu yếm cài từng chiếc nút áo vào khuy áo?

 

“Trả hết cho người, cho người đi

Trả hết cho ai cả những chua cay

Ngày chia tay, lặng lẽ mưa rơi

Một tiếng thương ôi, gửi đến cho người “

 

Nếu ly biệt đến sau một cuộc hôn nhân trọn vẹn hạnh phúc làm người ở lại đau đớn một, thì ly biệt từ một cuộc hôn nhân trộn lẫn ngọt ngào với chua cay, hạnh phúc và sóng gió, những tổn thương thầm lặng giấu kín không thể chia sẻ, dù là “buồn ít hơn vui” (như cuộc hôn nhân của mẹ tôi) còn đau đớn gấp nhiều lần hơn, vì mẹ tôi đã sống trọn vẹn đến ngày cuối cùng của cuộc hôn nhân đó. Tôi tin là tình yêu của mẹ tôi, sau tất cả, là một tình yêu sâu sắc và bền bỉ, hơn tất cả những thể hiện mộc mạc giản dị thường ngày.

 

“Trả hết cho người, cho người đi

Trả hết cho ai ngày tháng êm trôi

Đường ta đi trời đất yên vui

Rừng vắng ban mai, đường phố trăng soi “

 

Lúc xe dừng lại ở BHH, mẹ tôi nhẹ nhõm nói:

- Bây giờ thì ba vui lắm, ba đã nghe trọn bài hát này.

 

Đêm qua có một cơn mưa rào nhỏ, sau tháng nóng nhất của mùa nóng Saigon. Bầu trời sáng hôm nay vừa trong xanh, vừa cao vợi , nắng thì dịu dàng.

 

Tôi cũng tin đường ba tôi đi trời đất trong trẻo và yên vui như thế.

Vì mắt mẹ tôi cười, miệng mẹ tôi cũng cười , long lanh. Tôi cũng tin, không phải mất mát này là mãi mãi, sinh ly tử biệt này là cắt chia vĩnh viễn , dù đau đớn này như đâm vào tim, cứa vào da thịt.

 

Thì tôi vẫn tin có một điều miên trường, vĩnh cữu , mãi mãi trường tồn.

Đó là tình yêu của người ở lại, cho một người đi xa.

 

“Nghìn trùng xa cách đời đứt ngang rồi”...

 

UYÊN LÊ

(Sài Gòn ngày 28-04-2016)

 

 

Nghìn Trùng Xa Cách (Phạm Duy- Thái Thanh) - Thu Âm Trước 1975

 


 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
02 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 38110)
C uối cùng, tôi cũng đến Phnom Penh. Phnom Penh của Hậu, Phnom Penh của tôi trong trí tưởng tượng. Tôi đẩy xe hành lý qua hải quan. Tôi chờ đợi những âm thanh náo động bên ngoài như năm nào tôi về phi trường Tân Sơn Nhất. Hai cánh cửa mở ra. Hơi nóng ngột ngạt bốc lên mặt. Tiếng lá cây rì rào xen trong tiếng người nói nhè nhẹ khiến tôi bỡ ngỡ. Phi trường Phnom Penh vắng vẻ như thành phố tỉnh nhỏ. Buổi trưa nắng chói. Những cánh phượng rực rỡ nở trên bầu trời xanh. Chúng tôi ra lề đường chờ xe nhà đến đón.
02 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 41631)
Bài viết chỉ là hồi tưởng và những kỷ niệm rất riêng tư với giáo sư Phạm Biểu Tâm, với tâm niệm khi viết là làm sao vượt qua được cái tôi thường tình trong một bài tưởng niệm 100 năm ngày sinh của một vị danh sư đã để lại những dấu ấn lâu dài trong Ngành Y của Việt Nam từ thế kỷ trước. (Ngô Thế Vinh)
08 Tháng Tám 201312:00 SA(Xem: 53697)
“Kính gửi chị…..Tạp chí Văn đã đình chỉ đã vài tháng rồi nhưng chúng tôi chưa thông báo cho độc giả kịp. Thành thật xin lỗi chị”. Một cảm giác hụt hẩng và bàng hoàng xâm chiếm hồn tôi. Một mất mác vô cùng lớn bỗng làm tôi xốn xang như tôi vừa đánh mất một điều gì quí giá trong cuộc đời mình...
27 Tháng Sáu 201312:00 SA(Xem: 53254)
T háng 3 năm 75, cái hiền hòa thơ mộng của thành phố Nha Trang đã biến mất. Đà Nẵng đã thất thủ, dân và lính từ Kontum, Pleiku đang ào ạt đổ về thành phố biển. Thành phố bụi bặm và đông nghẹt người di tản với khuôn mặt ngơ ngác lo âu, những chiếc xe M-113 phủ lá cây ngụy trang từ Tây Nguyên ầm ì chạy vào thành phố và ngồi sau những khẩu đại liên là những người lính mệt mỏi đăm chiêu.
12 Tháng Năm 201312:00 SA(Xem: 54235)
K hi nói tới kinh nghiệm làm việc với ông Chu Tử, một chi tiết chợt bật ra trong đầu mà đã từ lâu tôi quên bẵng đi mất. Đó là việc làm “ghost writer” cho người tự nhận đã bắn ông Chu Tử năm 1966, vào một giai đọan có thể nói là một trong các thời kỳ chính trị nhiễu nhương nhất của Việt Nam Cộng Hoà.
30 Tháng Ba 201312:00 SA(Xem: 62553)
“… (Bệnh viện) Ung Bướu VN đã làm một điều quá tàn nhẫn với em là chuẩn đoán sai và phẫu thuật cẩu thả. bây giờ, mỗi khi nhìn xuống ngực mình là em rớt nước mắt. không biết nó đã cứu em hay đã giết chết em bằng 1 cách nào đó. em rất muốn gặp 1 người phụ nữ mất ngực để hỏi xem bằng cách nào mà họ vượt qua nỗi đau đó mà sống yên vui. em chưa thể...” ...Từ chỗ nằm gần như suốt ngày đêm, thư của Trang khiến tôi bật dậy..
08 Tháng Hai 201312:00 SA(Xem: 65773)
Đ àn chim với những con Rose breasted màu nâu nhạt, ngực đỏ;con Western King with fledgling cũng màu nâu nhưng cái cái ngực vàng hườm; con Red headed woodpecker mình gọi là chim gõ kiến có cái đầu màu đỏ, con Indigo Bunting tròn như con sáo quê nhà, nhưng lại xanh biếc như da trời. Tất cả bọn chúng, mỗi buổi sáng, theo nhau về ríu rít trong vườn nhà tôi...
22 Tháng Chín 201212:00 SA(Xem: 108867)
T ôi đến thăm anh một chiều mưa Huế. Nói chính xác là một chiều mưa rằm Huế. Trời xầm xì và mưa lách nhách. Lá cây ướt đầm...
22 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 105419)
K hi tôi viết những dòng chữ này, thì ở Nam California gia đình và thân hữu của nhà văn Nguyễn Mộng Giác đang tiến hành những nghi thức cuối, tiễn anh về nơi an nghỉ cuối cùng. Trước đây gần hai năm cũng tại địa điểm này, cũng những thân hữu này, đã tiễn đưa nhà văn Cao Xuân Huy trong chuyến đi chót cùng của đời anh. Nguyễn Mộng Giác là Chủ nhiệm kiêm Chủ bút đầu tiên và Cao Xuân Huy là chủ nhiệm kiêm chủ bút cuối cùng của tạp chí  Văn Học ...
20 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 107336)
N guyễn Mộng Giác sinh năm 1940 tại Bình Định, trong một gia đình gồm 7 anh chị em. Ông là người con thứ hai. Cha ông, một nhà giáo trong thời Pháp thuộc, thưở nhỏ ông cắp sách theo cha đi nhiều nơi vì thời gian đó nhà giáo luôn được thuyên chuyển công tác liên tục. Ông thừa hưởng nếp sống mô phạm từ cha mình.