- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

NGHÌN TRÙNG XA CÁCH

27 Tháng Tư 201611:25 CH(Xem: 32382)
2514216_Tangoulis-Misty-Scapes-6-710x701
Ành- Vissilis Tangoulis

 


Sau 60 ngày ba tôi nằm bệnh viện , và sau ngày hôm nay, ngày tôi đưa tiễn đưa ba tôi, tôi muốn viết.

Tôi không viết cho tôi, cho nỗi mất mát của tôi.

Tôi không viết cho Người đã ra đi.

Tôi viết cho Người ở lại.

Tôi viết cho Mẹ tôi.

 

Đêm qua, đêm cuối cùng với ba tôi, mẹ tôi nói:

- Mẹ muốn tiễn ba đi bằng bài hát “Nghìn trùng xa cách”.

Tôi đã làm theo ý thích của mẹ tôi, đầu tiên chỉ vì muốn chiều chuộng mẹ tôi một chút. Những ngày này mẹ tôi đã buồn nhiều.

Khi 6 người âm công trong đồng phục trắng, vừa ghé khiêng áo quan của ba tôi lên vai, tôi vào playlist của iphone, chọn bài hát đã download từ đêm qua, và nhấn nút play.

Dòng nhạc đầu tiên vang lên đầy tràn không gian trống trải sau quan tài,

 

“ Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi Còn gì đâu nữa mà khóc với cười

Mời người lên xe về miền quá khứ

Mời người đem theo toàn vẹn thương yêu”

 

Một cơn rùng mình chạy dọc từ trên đầu xuống đến chân, bất giác tôi không kiềm chế được nữa, nước mắt trào ra chan hòa trên mặt.

 

Lời bài hát trải dài, trọn quảng đường hơn 500m từ nhà, băng qua con hẻm chợ họp buổi sáng đông đúc nhộn nhịp , hai lần quẹo ngã tư là hai lần quan tài được hạ xuống cho ba tôi chào từ biệt hẻm chợ quen thuộc, là hai lần mẹ tôi đi liu xiu bên chị hai tôi , cúi đầu chào từ tạ người đàn ông của cả cuộc đời mình.

 

 “Trả hết về người chuyện cũ đẹp ngời

Chuyện đôi ta buồn ít hơn vui

Lời nói, lời cười

Chuyện ngắn chuyện dài

Trả hết cho người, cho người đi”

 

Khi ba tôi ra đi, nổi buồn đau của những đứa con chỉ là nỗi đau của một phần máu thịt phải rời chia, rồi nỗi đau đó cũng lành theo thời gian, và nỗi buồn đó còn có chỗ để neo đậu , neo đậu vào người vợ, hoặc người chồng, với những đứa con, neo đậu ngay cả vào những lo toan, trách nhiệm kéo người ta tiếp tục sống.

 

Chỉ có nỗi buồn đau của mẹ tôi là biết neo đậu vào đâu? Khi không thể neo đậu vào ly cà phê sữa hòa tan lẻ một mỗi sáng, không có ai để chỉ đơn giản hỏi:

- Ông uống cà phê chưa, tôi pha cho ông một ly nhé!

Hay là neo đậu vào chén cơm lẻ một mỗi buổi ăn, thay vì chia đôi đũa cho người ngồi bên cạnh, lại nâng ngang trán mà mời người ngồi nhìn mình đăm đăm, lặng lẽ sau khói nhang?

Hay là neo đậu vào ly trà nụ hoa cúc lẻ một mỗi buổi chiều, và lẻ một bình trà chiều một mình mẹ tôi ngồi uống cạn?

Hay là neo đậu vào không gian trống của căn phòng-không-còn-ba-tôi, chiếc giường nhỏ-không-còn-ba-tôi?

Nổi buồn ngay cả không thể neo đậu vào những chiếc áo chemise trắng của ba tôi, vào hàng nút áo đã bị cắt rời khỏi khuy áo, mà mới đó chỉ hơn 60 ngày trước, và suốt trong 60 năm chính tay mẹ tôi đã cẩn thận và âu yếm cài từng chiếc nút áo vào khuy áo?

 

“Trả hết cho người, cho người đi

Trả hết cho ai cả những chua cay

Ngày chia tay, lặng lẽ mưa rơi

Một tiếng thương ôi, gửi đến cho người “

 

Nếu ly biệt đến sau một cuộc hôn nhân trọn vẹn hạnh phúc làm người ở lại đau đớn một, thì ly biệt từ một cuộc hôn nhân trộn lẫn ngọt ngào với chua cay, hạnh phúc và sóng gió, những tổn thương thầm lặng giấu kín không thể chia sẻ, dù là “buồn ít hơn vui” (như cuộc hôn nhân của mẹ tôi) còn đau đớn gấp nhiều lần hơn, vì mẹ tôi đã sống trọn vẹn đến ngày cuối cùng của cuộc hôn nhân đó. Tôi tin là tình yêu của mẹ tôi, sau tất cả, là một tình yêu sâu sắc và bền bỉ, hơn tất cả những thể hiện mộc mạc giản dị thường ngày.

 

“Trả hết cho người, cho người đi

Trả hết cho ai ngày tháng êm trôi

Đường ta đi trời đất yên vui

Rừng vắng ban mai, đường phố trăng soi “

 

Lúc xe dừng lại ở BHH, mẹ tôi nhẹ nhõm nói:

- Bây giờ thì ba vui lắm, ba đã nghe trọn bài hát này.

 

Đêm qua có một cơn mưa rào nhỏ, sau tháng nóng nhất của mùa nóng Saigon. Bầu trời sáng hôm nay vừa trong xanh, vừa cao vợi , nắng thì dịu dàng.

 

Tôi cũng tin đường ba tôi đi trời đất trong trẻo và yên vui như thế.

Vì mắt mẹ tôi cười, miệng mẹ tôi cũng cười , long lanh. Tôi cũng tin, không phải mất mát này là mãi mãi, sinh ly tử biệt này là cắt chia vĩnh viễn , dù đau đớn này như đâm vào tim, cứa vào da thịt.

 

Thì tôi vẫn tin có một điều miên trường, vĩnh cữu , mãi mãi trường tồn.

Đó là tình yêu của người ở lại, cho một người đi xa.

 

“Nghìn trùng xa cách đời đứt ngang rồi”...

 

UYÊN LÊ

(Sài Gòn ngày 28-04-2016)

 

 

Nghìn Trùng Xa Cách (Phạm Duy- Thái Thanh) - Thu Âm Trước 1975

 


 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
18 Tháng Tám 20152:21 SA(Xem: 32322)
“ Nói về Nhục Cảm, thì có thể biểu đạt như một cảm giác hưởng thụ.” Cô bạn tôi, sau khi cái miệng xinh đã thỏa mãn chừng vài thỏi chocolate, liền phán tiếp, “ Miếng Chocolate đầu tiên là Thiên đàng, miếng thứ tư thì vẫn còn ngon, nhưng đến miếng thứ mười lăm thì có thể gần như vô vị.
12 Tháng Tám 20153:54 SA(Xem: 30071)
Dù ai có nghệ sĩ tính tận mây xanh, vốn coi tiền chả ra gì, chắc cũng có lúc phải lúng túng im lặng, khi vắng nó. Ít tiền mà để anh bạn mới quen bao cho bữa nhậu lớn hai người, để nợ mãi một bữa nhậu, thì chắc chừng nào bao lại được thì mới dám bè bạn tiếp với người ta. Ít tiền sao dám rủ rê ai, không rủ không đến với ai thì có ai chơi với mình.
12 Tháng Tám 20153:27 SA(Xem: 32286)
Thời đó, và có thể còn đậm nét ở thế hệ của tôi (1940), văn nghệ, văn chương theo định nghĩa của Xuân Diệu là “run với gió, mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”. Mây gió trăng, sao, bầu trời xanh biền biệt vẫn là những đề tài muôn thưở của văn hoá, văn học. Thiên nhiên vẫn mãi là cái nền để thị hiện sự hiện hữu và tâm cảm của con người. Cái vở tuồng đời sống cần có mộït sân khấu để người ta yêu nhau, ghét nhau, ham muốn, thù hận, chiến tranh. Mặt trời lên, mang hơi ấm và sự bao bọc yên bình, đêm về với niềm đe doạ nhưng cũng đầy quyến rũ của một vũ trụ thăm thẳm “thiên la địa võng” vây bủa chung quanh.
04 Tháng Tám 20151:25 SA(Xem: 31607)
“ Tôi nhìn người đàn bà qua lớp gương mờ - tái nhợt như một cái xác chết di động. Gương mặt người đàn bà còn tinh tươm những trăn trở, héo úa. Cơn hoảng loạn còn in sâu vào đồng tử, nó trao tráo như mắt của một con cá đang mắc vào chiếc lao móc.”
01 Tháng Tám 20153:20 CH(Xem: 31876)
LTS: Lần đầu cộng tác cùng Tạp Chí Hợp Lưu. Đoàn Khuê định cư ở Canada, anh có một lối viết thật đặc biệt... Nói một cách khác là Đoàn Khuê viết "trúng tim đen" và thật hay. Chúng tôi hân hạnh mời quí bạn đọc và văn hữu cùng đi vào thế giới tạp bút của tác giả "Tạp bút, tìm tôi".
21 Tháng Bảy 20154:54 CH(Xem: 28146)
Căn phòng im như một góc quá khứ, dù Má chỉ mới rời nhà chưa quá một tuần. Mây ngồi lên chiếc giường đôi, chỗ Má vẫn nằm. Tấm chăn phủ giường xô lệch, chiếc xe đẩy tay của Má đứng xéo góc với tủ đựng quần áo, soi bóng cô đơn trong tấm gương.
07 Tháng Bảy 20152:08 SA(Xem: 28467)
“ Bản quyền cho những công trình trí tuệ đã tự động có hiệu lực ngay từ phút đầu khi được sáng tạo mà không cần phải được xác nhận hay công bố. Tác giả không cần phải đăng ký, hoặc xin biên lai bản quyền (copy right) ở những quốc gia sở tại .
17 Tháng Năm 20155:10 SA(Xem: 31441)
…Tôi bước lên những bậc thềm mịn rêu, bước chậm, sợ mình sẽ bị trượt ra sau, cái ngã ngửa chẳng khác nào cái rớt xuống trần gian đầy ngỡ ngàng của hai chàng Lưu Nguyễn. Tôi chưa muốn thế, tôi đang muốn sống cõi phi thực kia với từng rung động e dè chậm chậm, để nghe chạm vào cánh cổng đã hoen rỉ tháng năm, và dù nhẹ nhàng đến thế nào cũng sẽ ghê răng bởi tiếng rít của một cánh cửa lâu ngày không mở.
14 Tháng Năm 201510:01 CH(Xem: 30458)
Lần đầu cộng tác cùng Hợp Lưu, Nguyễn Việt Thanh với lối viết nhẹ nhàng và sâu lắng sẽ đưa chúng ta trở về nông thôn Việt Nam bằng những “Ao làng”, “Nắm lá ngày Đoan ngọ”, và lối đánh bắt cá độc đáo của rất ít người và bây giờ cũng không còn ai sử dụng nữa đó là “Bơi dể”. Chúng tôi trân trọng gởi đến quí văn hữu và độc giả những tản văn của Nguyễn Việt Thanh.
14 Tháng Năm 20159:34 CH(Xem: 30560)
Trong số mười người chúng tôi bị bắt bởi chiến dịch khủng bố mùa thu tháng 9 năm 2008 thì Ông Nguyễn Kim Nhàn là người duy nhất hiện vẫn đang còn bị tù đày. Tôi thường gọi những người dân oan như ông, như chị Trần Ngọc Anh, chị Phạm Thị Lộc, vợ chồng chị Cấn Thị Thêu... là “dân oan hóa dân chủ” vì họ đã không chỉ dừng lại ở việc đòi quyền lợi chính đáng cho bản thân và gia đình mình, mà đã tham gia vào các công việc, các phong trào đấu tranh vì Nhân quyền, Tự do và Dân chủ.