- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Khó Quên Những Ngày Tạ Chí Đại Trường Ở Phan Thiết!

04 Tháng Tư 201612:59 SA(Xem: 29796)



Sach-TCDT-bw

Khi nghe tin nhà sử học Tạ Chí Đại Trường tạ thế ngày 24.3.2016 sau thời gian ngắn khoảng 5 tháng khi từ Mỹ quay về sống những ngày cuối đời tại Việt Nam với di nguyện được gởi nắm tro tàn bên cạnh mẹ ở quê hương. Ở tuổi đời 81, độc thân và với những công trình nghiên cứu không những về mảng lịch sử gần như bị lãng quên mà còn là người giải mã những giá trị văn hóa tâm linh trong dòng chảy văn hóa dân tộc. Nhà sử học Dương Trung Quốc đã đánh giá: “Tác giả đã giúp diễn biến của Việt từ thời tối cổ cho đến thời cận đại, qua đó mà hiểu thêm diễn biến của tín ngưỡng thờ thần của dân tộc ta, đi sâu vào cuộc sống tâm linh của dân tộc qua các thời đại”, khi đề cập đến tác phẩm “Thần, người và Đất Việt” của Tạ Chí Đại Trường, tái bản tại Việt Nam năm 2006 nằm trong số hàng chục tác phẩm nghiên cứu qua 21 năm định cư ở nước ngoài.Tưởng chừng cuộc đời anh lặng lẽ nhưng khi mất có nhiều báo, tạp chí trong nước đưa tin với những bài viết về sự nghiệp nghiên cứu của anh đã đóng góp cho lĩnh vực văn hóa, lịch sử đất nước một cách khâm phục là điều rất đặc biệt. Như giáo sư  sử học Nguyễn Thế Anh, chủ biên tập san Sử địa- Sài Gòn trước 1975, đã nhận xét: ”Tạ Chí Đại Trường luôn sẵn sàng chấp nhận một sự chung thân với truyền thống xa xưa của các sử gia xứng với tên gọi này”. Tạ Chí Đại Trường có một bút pháp rất riêng, nhẹ nhàng giàu cảm xúc cùng với cái nhìn riêng biệt nhưng thật sự nghiêm túc, khoa học và chân xác. Thật hiếm có một nhà nghiên cứu sử học nào được các nhà sử học trong nước có những ghi nhận với lòng trân trọng như thế.

      Trở lại chuyện đời thường. Tôi có cơ may sống bên anh tại Quân y viện Đoàn Mạnh Hoạch từ khoảng đầu năm 1969 đến năm 1972. Đơn vị này đóng bên cạnh phi trường quân sự Phan Thiết (Bình Thuận) có tên Camp ESEPIC, xung quanh là bãi tha ma nối dài đến Bia đài- Cổng Chữ Y, cách trung tâm thị xã Phan Thiết khoảng 3 cây số. Khi Tạ Chí Đại Trường từ một đơn vị quân y của Thủy quân lục chiến về với cấp bậc Trung úy, là sĩ quan hành chánh quân y. Anh được giao chức vụ Trưởng phòng Tiếp liệu của Quân y viện. Dáng người anh cao lêu nghêu, lại đeo kính cận không có gì mang vẻ một người lính của binh chủng dữ dằn với bộ quân phục rằn ri như lúc mới trình diện. Lúc đầu, tôi có chiếc mobylette, muốn nổ máy phải bật chân chống lên đạp máy tua rồi mới chạy được. Tôi chở anh đi quanh khắp thị xã nhỏ này, nhưng anh thích nhất là đến dinh Vạn Thủy Tú, Chùa Ông, chùa Bà và đồi Phú Hài… Anh mê mẫn với từng câu đối, hoành phi chữ Hán nhưng không bao giờ ghi chép mà chỉ lẩm nhẩm trong miệng như người lẫn tính. Dưới mắt anh bao giờ cũng là câu hỏi và cuối cùng cũng chính anh tự trả lời. Những ngôi mộ cổ trên Lầu Ông Hoàng, anh phân ra nào là mộ của người Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến… qua kiểu xây, họa tiết. Theo anh, các bài vị của người chết, tử nạn trên biển thờ cúng tại Chùa Ông, đền miếu của các bang Hoa kiều còn có ý nghĩa nhắc nhở người sống đừng xa rời tinh thần quê hương nữa. Chùa Ông uy nghi với với lễ hội nghinh Ông, múa rồng trong màu sắc rước đèn, chưng cộ rầm rộ trở thành tập tục từ sự thờ cúng vị anh hùng mặt đỏ đất Ba Thục. Qua đó người ta có thể tìm ra trong văn hóa Nam hà những yếu tố dị biệt với Bắc hà do bởi ảnh hưởng Trung Hoa nam Trường Giang và cận đại.

         Thực ra công việc hành chánh cũng khá nhàn nhã, trừ khi nghe tiếng trực thăng Shinook đáp xuống khoảnh đất cạnh Quân y viện với hàng chục chiếc băng ca chuyển lính trận bị thương về mới thấy chuyện bận rộn, kinh hoàng. Khi nghe Hồ Tà Dôn, một nhà thơ trẻ trong nhóm văn nghệ ở Phan Thiết, ở Phú Hài vừa san ủi đất công trình đã lộ ra một số chum sành có nhiều đồng tiền cổ,Tạ Chí Đại Trường vội đến ngay, không biết bằng cách nào anh xin được vài chục đồng tiền điếu, có xu đã mòn hết chữ nhưng cẩn thận xếp vào valy sưu tập cất ở đầu giường. Sau này, không hiểu sao valy tiền cổ bị mất cắp, anh như người mất cả hồn phách, rồi cạo trọc đầu và trông anh thất thểu.Trong quân đội cấm lính để râu, cạo trọc nhưng là đơn vị chuyên môn cho nên cấp trên cũng lờ đi. Khi làm tập san Quê Hương (1969) do Lê Văn Chính, Nguyễn Bắc Sơn đứng ra vận động, tôi và anh cùng dự họp các buổi ban đầu tại nhà của Sơn, số 1 đường Chu Văn An, đến số thứ 2 cũng là cuối cùng thì anh đã rời Phan Thiết. Với bài biên khảo “Phan Thiết, thành phố trong khuôn khổ” anh có một cái nhìn khá thú vị: “Phan Thiết, cái tên thông tục của danh từ Mân Thít từ sử sách nhà Nguyễn, chuyển âm của một làng chài xứ Chàm xưa, lúc này cũng vẫn còn là một làng chài, tuy có phức tạp hơn. Thành phố nằm trên lượn uốn khúc cuối cùng của sông Cà Ty. Trông ra một cửa biển nhiều cá, là nơi lý tưởng cho ngư dân sắc tộc địa phương tụ tập”. Anh thường đặt ra câu hỏi và chia sẻ mỗi lần đi điền dã với anh, khi đề cập đến ngọn đồi cao của làng biển Phú Hài, nơi có tháp Chăm cổ đã đổ nát và dấu tích Lầu Ông Hoàng với câu chuyện tình thơ mộng của Hàn Mặc tử. Theo anh dãy đồi cao đó là cư xứ của người Chăm ngày xưa, còn vùng đất Phan Thiết hàng trăm năm trước là vùng trũng ngập nước biển. Đúng cách gọi phải là Phố Hời, vì Hời, Chàm theo cách gọi thời đó nhưng sau bị coi là miệt thị. Như chúng ta thường nghe đến những phát hiện vàng làm thành nãi chuối, cau trầu tục thờ cúng chôn trong đất, người ta gọi là vàng Hời. Điều này phù hợp cách đọc của người dân bản địa bị trại âm từ ơ ra a. Đến năm 1970, Tạ Chí Đại Trường nhận được giải thưởng văn chương toàn quốc với tác phẩm “Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802”, đây là luận văn cao học của anh từ năm 1964 nói về cuộc nội chiến giữa nhà Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Đến năm 1971 với tên tuổi về tác phẩm này mà anh được điều về Ban Quân sử của Bộ TTM ở Sài Gòn. Đời lính từ nơi đối mặt với chiến trường, rồi về một bệnh viện quân y tưởng yên ổn nhưng lại phải thường xuyên ám ảnh cảnh chết chóc, những chiếc quan tài vội vàng bọc lớp tôle kẽm mỏng giao cho thân nhân hoặc đưa chôn ở nghĩa địa. Đêm đêm nghe tiếng rên rú của lính trận bị thương … mà nay được về Sài Gòn, ai cũng mong được vì đó là chỗ nương thân không gì bằng, nhất là đối với những người luôn sợ hãi chiến tranh. Có người nói do nội dung tác phẩm được giải này mang nội dung đề cao vai trò lịch sử của Gia Long, hạ thấp Quang Trung mà anh gặp nhiều rắc rối sau ngày giải phóng. Theo tôi, với cái lý lịch sĩ quan ngành quân y thì cũng được nhìn nhẹ nhàng thôi, nhưng đúng hơn có một phần chịu tiếng là một “sử quan” ngụy quân càng thêm nhiều nỗi thăng trầm, là thế!

            Lần gần nhất, anh về Việt Nam và ghé Phan Thiết vào cuối năm 2011, anh tặng tôi tập “Người lính thuộc địa Nam Kỳ 1861- 1945” vừa do nhà xuất bản Tri Thức(VN) ấn hành. Đây là bản thảo luận án Tiến sĩ sử học trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, đã có từ đầu 1975. Trông anh có vẻ già hơn tuổi 75, nhưng không nghe anh nói về bệnh tật của mình. Tôi có hỏi anh, thời gian ở Mỹ điều kiện nào để có tư liệu mà hình thành nhiều công trình nghiên cứu như vậy và nếu phát hành ở đất người sẽ có không nhiều người đọc, nhất là còn cuộc sống ở Mỹ phải cật lực kiếm sống nữa. Anh tâm sự và nhận ra ở anh có một phương pháp nghiên cứu riêng cho mình, thoát ra khỏi cái khuôn khổ quen thuộc và lặng lẽ viết… Cứ thế, anh không bao giờ nghĩ đến lúc sẽ in, sẽ được công bố, kể cả sẽ được xuất bản tại Việt Nam như ngày nay.

PHAN CHÍNH

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
29 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 96804)
...T hoắt đó họ ngã xuống, họ la làng, ông thầy_ngưng bắn rồi mà sao em chết. Thản nhiên. Cuồng nộ nếu có đã bị dìm vào thinh lặng, cuồng nộ trắng. Cái vô lý dửng dưng của Cao xuân Huy đứng bên cái dằn vặt đớn đau tha thiết của Phan nhật Nam như hai mặt của một đồng tiền... 
28 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 91071)
... C hung quanh tôi là ngôn ngữ Việt, thứ ngôn ngữ hào hùng như những lời ca vang vang trên loa công viên. Sân khấu lộ thiên tỏa sáng [...] Cờ bay, cờ bay, oai hùng trên thành phố thân yêu, vừa chiếm lại đêm qua bằng máu. Cờ bay, cờ bay tung trời ta về với quê hương... [...] Núi đồi Bataan ngàn đời câm lặng, đã mở ra đón những người tỵ nạn xa lạ.
11 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 85603)
Ai nghe thấy tên thành phố Seattle đều ngán về cái mưa dai dẳng, một năm gần sáu tháng trời. Biểu tượng của Seattle là một người cầm dù. Nắng ở đây hiếm hoi như hạnh phúc Anh có về gọi nắng đến cho em…( Trần Mộng Tú) Vậy mà chúng tôi đã ở thành phố Seattle gần 36 năm trời .
31 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 91031)
C on gái lớn của chúng tôi lấy chồng đã nhiều năm, có hai con. Ông bà thông gia theo đạo Phật. Ông là cư sĩ của một đạo tràng và ăn chay trường từ mấy chục năm qua. Vốn là một dược sĩ, nhưng ông lại nghiên cứu về đạo Phật và có bằng cử nhân Phật Học của trường đại học Vạn Hạnh, Saigon. Kỳ nào có ông đến giảng pháp lý là được nhiều người đến đón nghe. Chúng tôi không phải Phật tử thuần thành, nhưng mỗi năm cũng đi chùa mươi lần và ít khi bỏ lễ Giao Thừa trong đêm trừ tịch.
31 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 88943)
L ời tác giả : Viết Ký ức Hà Nội, tôi xem như là một sự đối thoại với Hà Nội, ba mươi sáu phố phường của chị Ban Mai. Cái nhìn của tác giả Ban Mai là của một người phương Nam về Hà Nội với nhiều suy nghĩ và ưu tư. Còn tôi, là cái nhìn của một người trẻ đã từng sống và học tập ở đây...
28 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 98349)
T ôi và nhà thơ Trần Hữu Dũng hiện lưu giữ khoảng 200 số tạp chí Văn, nói không phải “khoe”, đó là một số lượng không phải nhỏ. Có người gạ mua với giá cao, nhưng tôi không bán, bạn tôi tiến sỹ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu yêu đồ cổ nói bán làm gì; dĩ nhiên có thể copy lại để lưu giữ, tuy vậy đọc bản chính vẫn sướng hơn.
26 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 81247)
C húng tôi tới thị xã Cẩm Phả vào hồi mười giờ sáng. Một cơn mưa bất thường ập xuống, làm như trời cũng cảm được lòng người, nhỏ những giọt nước mắt của trời để làm chất xúc tác cho những giọt nước mắt của người có dịp tuôn trào.
15 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 85765)
N hư nhiều người, khi đọc bài “Tìm Thăm Nguyễn Hữu Đang” của Phùng Quán, chúng tôi rất xúc động. Cụ là một người xuất sắc về đủ mọi lãnh vực: văn chương, khoa học, chính trị, thông thạo nhiều thứ tiếng, mà suốt hơn 50 năm qua đã bị đọa đầy đến cùng cực...
08 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 97061)
... Ở đây các nhà thơ đều phải bỏ tiền ra in thơ. Mà họ có giầu gì cho cam. Phải dành dụm từng đồng, bớt xén tiền ăn của cả nhà, có khi đến mấy năm mới in được tập thơ. Mà in rồi chỉ đem đi tặng cũng đủ hết hơi. Thì ra trên thế gian này, thơ văn sinh ra để làm vất vả cho con người...
05 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 28092)
Khách sạn VIBE ở ngay góc đường Goulburn và Elizabeth. Buổi sáng lúc tôi xuống phòng tiếp tân đẩy cánh cửa kính bước ra đường trời mưa lất phất và lạnh. Cái lạnh làm tôi khựng lại vài giây dưới mái hiên khách sạn. Tôi sực nhớ là mình không mặc đủ áo ấm. Thời tiết vùng này thật khó đoán.