- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Sài Gòn vẫn đẹp

18 Tháng Mười 201511:15 CH(Xem: 34749)


SACH-PHOTO DH
Sách - photo ĐẶNG HIỀN


Sài Gòn quả thật vẫn đẹp mà nó vẫn đẹp theo cái cách mà tôi nhìn ngắm nó, nó vẫn đẹp như mơ, cực kỳ hoàn hảo và trác tuyệt.  Vì đâu mà tôi có thể thấy như vậy nhỉ?  Có lẽ nó xuất phát từ cái chủ quan riêng biệt của tôi mà tôi thấy như vậy.  Nếu như một người nào đấy lên Sài Gòn mà tìm được cái nét yên bình của chốn bồng lai từ một không gian địa lý nào đó trong thành phố thì cái đó cứ như là việc tìm ra ốc đảo giữa sa mạc mênh mông khét nắng của một người du hành khát nước bị lạc trong nhiều ngày.  Đối với cá nhân tôi thì cái chốn bồng lai ấy dẫu có hiện hữu thật đi chăng nữa thì nó cũng không nằm trong cái khuôn mẫu vẻ đẹp được soạn thảo trong tâm trí tôi và cái tâm trí mà mang trong nó sẵn cái bản thảo của vẻ đẹp ấy sẽ thông qua đôi mắt cảm nhận của tôi mà phóng chiếu lên không gian bên ngoài đôi mắt tôi về cái hình ảnh của Sài Gòn – thế nên đấy sẽ là Sài Gòn của riêng tôi – chứ không của ai khác, nó sẽ mang vẻ đẹp như một thuộc tính trong cảm nhận của tôi mà hình tượng chốn bồng lai có vẻ như là một chốn hoang dại, lạc loài nếu như chúng tồn tại trong bản thảo vẻ đẹp này.

Sài Gòn từ khi tồn tại trong lịch sử đến nay đã hơn ba trăm năm.  Tôi nghiền ngẫm lại lịch sử nước nhà thì thấy xứ Sài Gòn-Gia Định từ xưa đã là xứ đặc biệt của đất Đàng Trong.  Tại xứ này vừa có đất rộng để lập chợ buôn, có cảng lớn để thương thuyền cập bến, đường xá lại thuận tiện để đi bất cứ đâu, đất này từ xưa đã là đất dung nạp người dân tứ xứ vì người ta nhìn thấy ở đây sự phát tài phát lộc, hoặc giả như không được thế thì cũng sống được nếu chịu khó làm lụng.  Vì thế những người di dân Việt từ xứ ngoài vào đây để khai hoang lập bến mở chợ, rồi đến cả người Hoa, người Miên, người Khmer cũng chọn đây là nơi lập nghiệp.  Ai đến đất này thấy ưng thì dừng chân mà không ưng nữa thì cứ đi, chẳng cần níu kéo, Sài Gòn từ xưa đã mang trong mình cái khí chất là đất của muôn người, xưa đã thế và giờ vẫn vậy.

Nhớ lúc trước Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi phải cùng thuộc hạ và gia quyến chạy khắp nơi để tránh sự truy đuổi, thế rồi cuối cùng cũng nhân cơ hội thuận lợi để tái chiếm lại thành Gia Định từ tay Đông Định Vương Nguyễn Lữ, rồi tổ chức binh lực, tập trung sức người sức của, chờ thời cơ mà đánh bại dần dần lực lượng Tây Sơn rồi lên ngôi lập nên triều đại nhà Nguyễn.  Nêu đến đây cũng thấy đất này cũng là đất làm nên cơ nghiệp của đế vương chứ không phải chỉ là phiên trấn hạng xoàng.  Lướt lại chuyện xưa chỉ là để thấy Sài Gòn trong rất hoành tráng, vẫn đầy câu chuyện cả văn lẫn võ.

Đến nay thì thành phố có đến gần tám triệu dân, gấp đôi với thời trước 1975, đông nhất Việt Nam bây giờ, gấp gần chín lần Đà Nẵng, đông hơn cả Hà Nội, mặc dùng Hà Nội bây giờ sát nhập thêm tỉnh Hà Tây nhưng dân số cộng lại vẫn chưa bằng Sài Gòn.  Làn sóng đông đúc của dân cư chủ yếu là từ các tỉnh thành vào Sài Gòn làm ăn sinh sống tấp nập, ai quen sống nhàn hạ kiểu nông tri điền ở làng quê mà lên đây là ngộp thở chịu không nổi với nếp sống công nghiệp, sẽ thấy ngột ngạt vì cảnh tấp nập ấy.  Ở chốn làng quê vắng vẻ đìu hiu nên băng sang bên này băng sang bên kia vô tư nhưng nếu băng sang bên kia đường ở Sài Gòn thì phải tính toán rất kỹ như nhà vật lý, lúc băng sang bên kia mà nhìn thấy chiếc xe đang đi đến thì trong đầu dần dần ước lượng đoán định, đo đếm chiếc xe ấy còn cách bao xa và nó chạy nhanh hay chậm để mà còn bước đi hay đứng yên để chờ cái xe ấy đi qua để bước tiếp sang bên kia đường.  Chuyện này phải thật sự cẩn trọng vì nếu không sẽ không biết chuyện gì xảy ra, khoảnh khắc của cái tính toán này nếu miêu tả thì thấy dài dòng nhưng thực ra nó diễn ra rất nhanh trong tiềm thức tựa như đã trở thành một kỹ năng được thuần thục khi đối diện với 'dòng sông xe' như thế hàng ngày mà chẳng cần cái máy tính hay công thức gì cả.  Những người ngoại quốc từng nói rằng “Nếu bạn cảm thấy leo núi băng rừng là chưa đủ mạo hiểm thì hãy đến và tham gia giao thông ở Việt Nam”.  Câu nói này đủ để thấy cái thực trạng chung của đất nước mà Sài Gòn cũng là ở trong cái nỗi niềm ấy.

Theo dòng dân cư từ khắp nơi đổ về cũng mang theo cái đa dạng, mọi người đến đây để học tập và sinh sống mà lâu dần trở thành cư dân thành phố nhưng vẫn mang cái sự riêng biệt của địa phương nhưng thống nhất trong một chỉnh thể là “người Sài Gòn”, một trong rất nhiều biểu hiện trong cái sự đa dạng mà người Sài Gòn đã làm nên nó ví như trên một con đường có thể vừa có cả mì Quảng, cơm tàu người Hoa hay phở gà miền Bắc …ấy là về ẩm thực.  Rượu ở Sài Gòn thì có nơi bán cả rượu Gò Đen Long An, Bàu Đá ở Bình Định, rượu nếp Bắc, vodka Hà Nội, rồi có cả rượu ngoại nhập như Sochu của Hàn Quốc … dù là thật giả đủ loại nhưng sức phong phú cho các bàn nhậu về rượu thì có thừa.  Đa dạng còn biểu hiện ở chỗ là khi chúng ta thử vào một khu dân cư nào đó hoặc khu ký túc xá của khu đô thị Làng Đại Học thuộc phường Linh Trung thuộc quận Thủ Đức giáp ranh với Bình Dương là có thể nghe thấy các âm điệu của các giọng nói: trọ trẹ như Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi hay cao ngất “tau,mi  mô, răng, rứa” như Huế, Quảng Trị, Nghệ Tĩnh …. nhờ thế mà làm cho Sài Gòn sôi động hẳn lên, tạo nên một nền văn hóa mở, thu hút sự riêng biệt vào một chỗ, tạo nên cái đa dạng trong thống nhất.  Chính vì đa dạng như thế nên muốn tồn tại thì phải chấp nhận nhau, chứ không thể có một chủ thể hùng mạnh che lấp các chủ thể khác, vì nhu cầu cộng sinh mà tồn tại nên cái tính cục bộ địa phương bị xóa mờ mà thay vào đó là sự hòa hợp, ít xung khắc, đây có thể nói là cái đặc biệt hiếm có trong số các đô thị của Việt Nam.

Cái khí chất là “đất muôn người” làm người dân tựu lại đây để mưu sinh, thế nên chẳng có cái lề đường vỉa hè nào ở Sài Gòn là vắng vẻ cả.  Đi bộ trên phố mà đói bụng thì cứ sà vào cái quán hủ tiếu bên lề, gọi một tô hủ tiếu, ăn xong thì ngó sang bên kia đường cũng sẽ thấy một cái quán nước trên lề thì ghé qua đấy để giải khát, hoặc có khi nếu từ bên này đến bên kia mà gần nhau thì gọi vọng sang thì người bên đó nghe thấy cũng sẽ mang đồ giải khát sang cho mình.  Rồi có những quán nước mà quán ăn gần kế bên nhau cùng một chủ quán trên cùng một lề đường thành ra vào quán “2 trong 1” này cũng rất tiện, có những quán chỉ có ghế mà không có bàn bởi vì bàn cũng chính là cái ghế để cho khách để chai nước lên hay ly cà phê lên vừa ngồi nhấp môi từng ngụm vừa ngắm đường phố và thể nào lát nữa cũng sẽ có người ghé đến mời mua vé số.  Rồi nếu nhìn sang phía cuối lề đường của những con đường gần ngã tư hay ngã ba thì sẽ thấy các chú xe ôm mặc áo quần xuề xòa, ngồi trên chiếc xe Dream hay Wave đã cài trống xe dựng đứng để chờ được chạy một cuốc xe ôm, tay thì cầm điếu thuốc hiệu Jet hay Craven A thỉnh thoảng lại rít một hơi phả vào không trung, đầu đội nón che nắng nhưng nước da thì đen ngòm vì nắng, khuôn mặt thì trầm ngâm và thỉnh thoảng lại ngáp ngắn ngáp dài vì chờ mãi mà chưa chở được cuốc nào cả … thế mới thấy lề đường Sài Gòn ra sao.

Các hoạt động của cư dân diễn ra trên lề rất yên ổn nhưng có khi thì lại rất bát nháo, tôi đã từng chứng kiến cảnh những người buôn bán trên lề đường cãi nhau rồi đánh nhau làm inh ỏi khu dân cư quanh đấy.  Người dân hiếu kỳ chạy ra xem, can ngăn, hỏi kỹ mới biết ông bán phá lấu và ông bán cháo lòng này không ưa nhau từ trước.  Mâu thuẫn tích tụ dần mà lại buôn bán kề bên nhau, liên tục đụng mặt nhau, nên đến lúc bộc phát mà sinh sự mà thôi.  Rồi có lúc ông quán cà phê nọ dắt xe khách nhầm vào chỗ để xe khách của ông ở quán bên cạnh mà cũng xảy ra cự cãi xô xát, kêu cả người quen vác hung khí để dằn mặt, sau cùng công an phải ra giải quyết.  Hai bên hòa giải được nhưng hai quán cà phê lề đường này cũng sẽ không được phép tiếp tục buôn bán nữa vì họ đã gọi công an nhờ giải quyết mâu thuẫn mà luật pháp quy định là không được buôn bán trên lề đường.  Kể từ đấy không còn thấy quán nước của họ ở lề đường vỉa hè này nữa.  Vậy nên những người buôn bán trên lề, nếu họ xảy ra mâu thuẫn thì thường phải tự giải quyết, nếu nhờ công an thì buộc phải chấm dứt buôn bán nhưng nếu để họ tự giải quyết thì cũng sẽ không ổn mà có khi dẫn đến hậu quả lớn.

Sở dĩ tôi nói dông dài về chuyện buôn bán lề đường để cho thấy rằng chính trên cái lề đường mà người ta còn phải vất vả lam lũ và đôi khi bất hòa với nhau vì cái không khí hoạt động kinh tế sôi nổi, thế thì cũng đủ biết các lĩnh vực khác cần trình độ thì chúng sẽ diễn ra như thế nào.

Khi xưa là nơi trù phú sầm uất buôn bán của lái buôn thì đến nay được gọi là trung tâm kinh tế đầu tàu của Việt Nam, Sài Gòn có vai trò mà theo chiều dài lịch sử vẫn không hề thay đổi nhưng kèm theo đấy cũng là sự đa dạng nhiều chiều trong tâm tính của người Sài Gòn, lúc thì nắng lúc thì mưa.  Có lẽ vì bộ mặt kinh tế cũng phản ánh bộ mặt tâm tính này trên nền tảng đa dạng dân cư, chính vì hoạt động kinh tế đa dạng nên dẫn đến cái khuôn mặt của con người cũng muôn kiểu muôn vẻ như vậy, khi thì cười nói hả hê vì bán hàng chạy, khi thì méo mó trầm buồn vì một ngày làm việc không hiệu quả ít lời mà nhiều lỗ, lúc nào rộng rãi hay hẹp hòi thì cũng phải căn cơ vào cái bát cơm có nhiều hay không, có lúc những sự căng thẳng của mưu sinh chín mùi đến mức độ không thể kềm nén thì phát ra tiếng than thở lẫn giọt nước mắt hoặc những sự cãi cọ nhau vì cơm áo gạo tiền mà quan hệ con người bị rạn vỡ.  Có những trường hợp sinh kế túng quẫn làm con người tiêu hao dần nghị lực mà dẫn đến những sự thương tâm đáng tiếc, đó cũng là vì con người phải oằn mình trong cái lo cho vô vàn thứ,có người thì lo đến khoản nợ chưa trả khi sắp đến hạn phải trả, lo đến khoản tiền thuê nhà hay phải mua bảo hiểm y tế để phòng khi ốm đau bệnh tật, người thì dư dả của ăn của mặc thì dự tính mua này sắm nọ cho sự lợi ích tiện nghi của mình nhưng cũng có kẻ vung vãi tiền bạc của mình vào những thứ vô bổ mà chẳng hề suy nghĩ gì cho ngày mai, thậm chí có nhiều những người túng thiếu mà làm liều như một mặt trái trong mâu thuẫn đến từ sự lo toan cái miếng cơm manh áo.

Tựu chung lại cái con người ở Sài Gòn muốn mình phải đủ sống, sống để làm và làm để sống, vậy nên Sài Gòn mới trở thành trung tâm kinh tế, là chỗ dựa của nhiều người, nhưng cũng là trung tâm của sự lo toan, mưu tính.  Có lẽ những điều này cũng có thể thấy ở những thành phố khác nhưng ở đây tác giả lại muốn chọn nơi đầu tàu của đất nước để miêu tả như một sự nhấn mạnh rằng dân cư ở đây đa dạng phong phú và đông nhất Việt Nam thì hoạt động của các tầng lớp tứ dân “sĩ nông công thương” ở đây cũng vào loại nhộn nhịp nhất cả nước.

Nhân tiện muốn nói cho rõ một chi tiết là đến cả tầng lớp “nông” vốn chẳng liên quan gì đến phố xá thành thị mà cũng đến thành phố làm lụng thì cũng đã cho thấy có tồn tại một niềm hy vọng ở họ mà trong đó có sự mong thay đổi những hiện trạng của mình khi còn bên ruộng đồng, mặc dù không phải tất cả nhưng thật sự là có rất nhiều lao động xuất thân là nông dân tại các vùng quê mà lên thành phố làm việc.

Người nhiều thì lao động nhiều mà lao động càng nhiều thì bộ mặt xã hội bộc lộ ra càng nhiều cái hiện tượng cũng như cái bản chất biến thiên nhiều vẻ mặt: tốt đẹp, lương thiện, chân thật, nghiêm túc, kỷ luật hoặc là xấu xa, thâm hiểm, dối trá, hời hợt, cẩu thả v..v..  mà muốn quan sát và khắc họa về những mặt này thì thiết nghĩ rằng Sài Gòn là nơi thích hợp hơn cả.

Vì nó đông đúc và bon chen xô bồ như thế nên cái chốn bồng lai như tôi nêu ở trên chỉ là cái chốn lạc loài rỗng tuếch trong bản thảo của tâm trí đó, bởi vì Sài Gòn là phải bao gồm tất cả cung bậc cảm xúc của một thành phố năng động.  Không phải bây giờ nó mới như vậy mà từ trong lịch sử nó đã như vậy.  Có lẽ cái chốn bồng lai tĩnh lặng đứng trong cái căn tính náo nhiệt chỉ là làm cho cái đẹp của Sài Gòn bị lệch đi mà thôi, cái tĩnh lặng có giá trị nhất có lẽ là cái tĩnh lặng trong tâm trí, tĩnh lặng giữa chốn náo nhiệt.  Tìm lại chính mình trong cảnh chợ búa là một việc rất khó khăn khi mà xung quanh đầy lời rao vặt, tiếng kỳ kèo thách giá mời gọi làm chúng ta bị cuốn vào chúng, bị lôi vào cái lo toan thường nhật khi đó sự tĩnh lặng nổi lên như một chốn bồng lai duy nhất trong tâm hồn chứ nó không hề có ý nghĩa của một không gian địa lý hiện hữu nào đó.  Sài Gòn là nơi hiếm cho thấy sự tĩnh lặng của chốn bồng lai hiện hữu về không gian địa lý vì vậy mà sự tĩnh lặng trong tâm hồn con người mới là cái quý giá.

Có người cho rằng Sài Gòn thời nay không còn như Sài Gòn thời “Hòn Ngọc Viễn Đông” nữa nhưng tôi lại không cho là thế.  Tại sao phải là thời chính thể miền Nam Việt Nam thì nó mới là đẹp? Thực ra với tôi, Sài Gòn thời nào mà chẳng giống nhau, cũng đều phải năng nổ vận động, trật tự xen lẫn bề bộn, thế mới làm nên Sài Gòn.  Có người gọi Sài Gòn là miền đất hứa nhưng xin thưa rằng Sài Gòn là miền đất hứa nhưng cũng là miền đất khổ nhọc, miền đất này đã cõng trên lưng của nó những người lao động từ tứ xứ thế nên có thể thấy rằng miền đất này từ xưa đã vất vả như thế, vất vả như những con người sinh sống trên nó mà theo kinh nghiệm người đời thì vất vả trước thì mới sung sướng được, vậy mới là hợp quy luật của cuộc đời, phải làm lụng cực nhọc thì mới có ngày mai no đủ và dư dả, thế thì kết luận đây vừa là đất hứa mà vừa là đất khổ nhọc là vì vậy, hai cái thái cực này đến bây giờ cũng chẳng khác khi xưa ở Sài Gòn mà dầu là nơi nào cũng như thế.  Sài Gòn vừa phải có hai mặt như vậy thì nó mới là cái đẹp của Sài Gòn, ở những biểu hiện khác thì nó cũng có thể trang hoàng và ngăn nắp nhưng cũng có thể là hỗn độn bừa bãi nhưng với tôi cái sự hỗn độn bừa bãi đấy cũng là cái tuyệt vời của nó, mặt phải và mặt trái của vấn đề được phản ánh mới chính là phản ánh tuyệt hảo và đa chiều toàn diện, cũng giống như vẻ đẹp Sài Gòn không chỉ gồm cái đẹp mà bao gồm cả cái không đẹp, vậy nên nếu chỉ nói về cái đẹp của Sài Gòn như từng nghe nhiều về nó thì đó cũng chỉ tự ru ngủ hão huyền, từ chối bức tranh thật sự của thành phố.  Chẳng lẽ ở nơi mà đến nay đã gần tám triệu con người như thế mà chỉ nói về cái thật thà thằng thắn, hào sảng phóng khoáng mà không lấy một ai lừa lọc lươn lẹo, hà tiện hẹp hòi hay sao?  Mà trong cái guồng máy kinh tế khổng lồ và cạnh tranh như vậy đôi khi người ta cũng trải đủ đắng cay lẫn ngọi bùi mới là làm nên cái sự đa dạng của tinh thần và vật chất chứ nó không chỉ nghiêng về một cực.

Sài Gòn vẫn đẹp lắm vì là nó tồn tại nhiều hiện tượng trong sự trái ngược và đối lập nhau như vậy, dẫu biết rằng những thành phố khác có những điều tương tự nhưng sự biểu hiện chưa thể bằng Sài Gòn, vì nó có những đặc trưng, ưu việt riêng.  Đối với những người cầm bút như tôi, được sinh ra ở một thành phố như vậy là một điều may mắn vô cùng, được có sẵn cái khung cảnh chứa đựng nhiều sắc thái tinh thần và vật chất tồn tại trong hai cực khác nhau và viết về những điều này thì không thể trong một bài văn mà viết hết được, nó như một chủ đề vô hạn mà tôi thật sự như được dọn sẵn một mâm cỗ của Thạch Sanh và ăn không bao giờ hết.  Chẳng có điều gì hạnh phúc hơn việc được cảm nhận rồi viết về thành phố quê hương của mình và viết không bao giờ hết như vậy.  Vậy thì Sài Gòn đối với tôi vẫn còn đẹp lắm chứ, đẹp ngay cả cái không đẹp của nó, nó cũng hoàn hảo lắm chứ, nó hoàn hảo vì nó không hoàn hảo, nó cũng thật trác tuyệt vì nó tồn tại sự không trác tuyệt.

 

 LỮ HÀNH GIA

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Ba 20153:05 CH(Xem: 34806)
LTS: Trong những ngày đầu năm Ất Mùi 2015 Tạp Chí Hợp Lưu nhận được bài viết của tác giả Kim Long viết về nhà thơ Thanh Tâm Tuyền. Kim Long là bút hiệu của một nhà nghiên cứu khoa học. Vì sự tế nhị cùng nhậy cảm, và để tránh những hiểu lầm không cần thiết, chúng tôi sẽ sẵn sàng đăng trên Hợp Lưu những phát biểu (nếu có) của những vị đã viết về Thanh Tâm Tuyền mà tác giả Kim Long có đề cập trong bài. Hợp Lưu trân trọng gởi đến quí bạn đọc và quí văn hữu bài “Viết nhân ngày giỗ thứ chin của nhà văn nhà thơ Thanh Tâm Tuyền”. TẠP CHÍ HỢP LƯU
26 Tháng Hai 20154:33 SA(Xem: 31346)
Nah có nghĩa là Không, và em bảo em đã đi hết vòng tròn của chữ không trong đạo phật rồi. Đối với tôi, em là một loài chim lạ, con chim tuyết trong bài hát Snowbird của ca nhạc sĩ xứ Quebec, Gene MacLellan.
26 Tháng Hai 20154:17 SA(Xem: 32475)
Hôm nay, chúng tôi trở về thăm lại nền nhà xưa của nội. Ngày ba sống đã từng ao ước sẽ dẫn đàn con trở về thăm quê cũ. Bây giờ nếu ba còn sống, chắc ông sẽ hạnh phúc lắm. Khu vườn của nội cây chằng chịt, nền đất cũ hoang tàn, ngôi nhà tranh vách đất của nữa thế kỷ trước vẫn đứng im lìm trong nắng sớm. Cây cổ thụ có một tổ ong to đang làm mật. Chu vi khuôn viên đã bị lấn chiếm nhiều.
18 Tháng Hai 20156:51 SA(Xem: 28806)
Tết thường được nhắc đến với những món ăn đặc trưng “thịt mỡ dưa hành,” và những mùi hương gây nhớ “thoảng mùi khói pháo thoảng mùi nhang.” Nhưng mỗi đứa trẻ mang theo nó một món ăn một hình ảnh một mùi hương riêng, không hẳn giống như những gì chúng ta thường gợi nhắc.
17 Tháng Hai 20153:10 SA(Xem: 29634)
Năm Mùi lại sắp đến và ta thường hỏi là tại sao tên gọi là Mùi, không là dê, dương hay vị ...? Phần này đưa ra vài cách nhìn hầu giải thích phần nào các lý do dẫn đến hiện tượng trên.
28 Tháng Giêng 20151:28 SA(Xem: 32183)
Anh G thân mến, Gửi bài cho anh về hội họa để cho vào Văn Học số sau, chẳng nhớ tôi có nói gì về hai cái truyện ngắn của Mai Kim Ngọc và Vũ Quỳnh Hương không? Hai truyện của Thế Giang quả là đặc biệt. Nhưng tôi nghĩ “khám phá” lớn kỳ này của Văn Học là MKN và VQH. Rất khó tin rằng đó là hai cây bút mới. “Mới” từ lúc nào?
13 Tháng Giêng 201512:08 SA(Xem: 32009)
Sài Gòn tháng Mười Hai, tôi về trời nóng dịu và nắng êm. Nơi phi trường, anh Hải quan trẻ tuổi hỏi nơi sinh của chúng tôi và lập lại _ Sài Gòn, Hà Nội _ với một nụ cười. Ra khỏi phi trường em gái tôi nói cho tôi hiểu, anh ta nháy mắt với bạn đồng nghiệp đứng kề là không có tiền kẹp vào passport đó.
09 Tháng Giêng 201512:49 SA(Xem: 32522)
Cách đây ít lâu tôi đọc một bài viết của nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai với tựa đề “Hầu chuyện với anh Trương Tấn Sang” bài viết của ông xoay quanh hiện trạng của đất nước. Như một lời nói thẳng, nói thật, một lời tâm tình dựa trên câu nói mớm của ông Trương Tấn Sang khi tiếp xúc cử tri tại Sài Gòn. Ông Sang nói: “Chúng tôi sẵn sàng nghe những ý kiến cay đắng”.
21 Tháng Mười Hai 201412:28 SA(Xem: 30611)
Rỗng, vì điểm lại, từ hồi tôi biết đến giờ, từ hồi cụ ngoại tôi còn sống đến giờ, cả họ nhà tôi, chưa ai có được một mối tình đầu bạc răng long, chung thủy một lòng, nồng nàn như nhất để tôi có dịp nắc nở ghen thầm và mơ thầm.
13 Tháng Mười Hai 20142:47 CH(Xem: 32878)
Bài viết chỉ là hồi tưởng với những kỷ niệm rất riêng tư về một người bạn tấm cám Nghiêu Đề, với mối giao tình hơn nửa thế kỷ; người viết không ở trong giới hội hoạ nên cũng không dễ dàng để viết một hoạ sĩ tài hoa, sáng tác tuy ít nhưng đã để lại dấu ấn lâu dài trong lãnh vực nghệ thuật tạo hình của Việt Nam, qua một giai đoạn đầy sáng tạo trong những năm 1960-1970 với Hội Hoạ Sĩ Trẻ Việt Nam mà Nghiêu Đề là một trong những thành viên sáng lập với cá tính nổi bật. (Ngô Thế Vinh)