- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

HƯƠNG VÔ HƯƠNG

18 Tháng Hai 20156:51 SA(Xem: 35799)
ChoHoa-BW


Tết thường được nhắc đến với những món ăn đặc trưng “thịt mỡ dưa hành,” và những mùi hương gây nhớ “thoảng mùi khói pháo thoảng mùi nhang.”  Nhưng mỗi đứa trẻ mang theo nó một món ăn một hình ảnh một mùi hương riêng, không hẳn giống như những gì chúng ta thường gợi nhắc.

 

Với tôi, hương Tết bắt đầu từ mùi khói củi của bếp nhà hàng xóm nấu bánh chưng.  Mượn cái tường nhà lân cận, chỗ nhà thụt ra thụt vào thành góc, má thằng Lù sẽ đặt nồi nấu bánh chưng.  Kê cái thùng phi đã được chế biến thêm 2 quai lên 3 chồng gạch, xếp bánh chưng vào, đổ nước và nổi lửa.  Nhúm một bếp củi không phải là dễ, củi ướt: không cháy, củi có mắt: không cháy, củi gỗ: mau tàn, hay gẫy.  Nhưng má thằng Lù là người đàn bà đảm đang, chỉ một loáng là lửa đã cháy ngỏn ngoẻn.  Thằng Lù phe phẩy đứng bên, chờ Bố với Má sai canh chừng nồi bánh thì kể như trúng mánh được thức đêm, nhưng má nó đã xua tay đuổi nó vào nhà.  Cái mối canh bánh chưng là của anh Hùng tôi cùng lũ bạn nhân dân tự vệ như Ba Gà, anh Ngọc, Khánh băng, Thắng Đinh tiệm (tôi quên chưa bao giờ hỏi anh ý nghĩa cái tên này).  Khi lửa đã cháy ngọt, nồi bánh bắt đầu sôi, má thằng Lù coi đồng hồ và giao lại cho anh tôi dặn dò cách châm thêm nước.  Bên cạnh cái bếp to đùng đó phải có một bếp nhỏ nấu nước sôi sẵn, để khi nồi bánh chưng cạn nước thì châm thêm vào.

 

Anh Hùng bắt đầu dạo đàn.  “Tôi thường đi đó đây…” anh hát một lèo 3, 4 bài nhạc lính, hát rất ngọt và giọng rất chuẩn, anh vẫn còn nói được giọng Bắc chứ không lai căng như lũ em.  Bây giờ đàn chuyển qua tay anh Ngọc, anh Hùng ngồi hút thuốc.  Anh Ngọc thường thích hát những bài nhạc tình nhẹ nhàng, “tôi đưa em sang sông, chiều xưa mưa rơi âm thầm…”  Anh nói giọng Nam nhưng gốc Bắc và cũng hát rất êm.  Lửa bùng tỏa hơi ấm, đã bắt đầu có than, anh Hùng sai Khánh băng đi mua bắp và khoai lang về lùi vào đống than để ăn chơi cho thơm râu!  Đám trẻ ham vui từ từ kéo vây quanh để nghe hát, để hóng mấy anh lớn cợt đùa.  Thằng Lù đứng trên ban công ngó xuống thèm thuồng, nhưng Bố nó canh nó dữ lắm, sợ nó lêu lổng nên không cho đàn đúm bao giờ (kết quả: vừa hết lớp 12 má nó phải lật đật đem trầu cau tới hỏi cô nữ sinh chung lớp vì nàng đã có bầu).

 

Đã qua một đợt củi, một đợt châm nước.  Bây giờ nhà nào cũng đã gọi con về đóng cửa tắt đèn, ban văn nghệ bánh chưng phải hạ đàn sợ bà con chửi.  Các anh bắt đầu thay phiên nhau đứng lên đi đây đi kia, đi mua cà phê thuốc lá, về qua nhà cho ông bà bô thấy mặt, v.v…  riêng anh Hùng tôi ngồi nguyên chỗ, vì nhà tôi sát vách nhà thằng Lù, ngay sau lưng nồi bánh chưng.

 

Tôi cũng phải vào nhà giắt mùng đi ngủ, nhưng không ngủ được.  Tiếng củi lách tách, tiếng các anh nói lao xao nhỏ nhỏ trong đêm vắng như một tiếng gọi, như một khoảng trời, một đời sống mà tôi không biết nên ước ao.  Mà bé như vậy thì biết cái gì là cái gì mà ước ao.  Tôi ngủ ngon lành trong cái ấm áp của khói củi, và dường như một lúc nào đó trong đêm vắng tôi thức giấc vì mùi thơm của lá tỏa ấm áp quanh xóm nhỏ. 

 

Sáng dậy, tôi chạy liền ra cửa.  Trong hơi sương sớm, khói củi chỉ còn vương nơi những tấm cạc tông che bếp, nhưng mùi lá nồng ấm trong gió thoảng.  Cả xóm như hớn hở dù bánh là của nhà thằng Lù chứ đâu phải của chung.  Mấy anh lấy một cái đòn xiên qua 2 cái quai ở miệng thùng phi để khiêng thùng bánh ra gần nắp cống chắt bớt nước và để dẹp bếp.  Má thằng Lù bắt đầu lùa 8 đứa con ra để sai vặt, nói cho đúng chỉ có 4 đứa lớn sai được, còn thì lấn quấn một lát bị đuổi vào hết.  Má thằng Lù dọn trống cái hè trước, trải giấy báo thật dầy, rồi bắt đầu xếp bánh ra thành 2 dẫy dài.  Bà đè một cánh cửa lên rồi sai thằng Lù và em nó xếp mấy khối gạch vuông lên tấm cửa để ép bánh chưng cho ra hết nước.  Đến chiều, chị Thảo chị Hương ra gỡ giây lạt sũng nước từ những chiếc bánh mới luộc xong.  Bây giờ tới phiên bà Thảo “lao động.”  Bà lấy mớ giây lạt đã cắt sẵn và ngâm mềm cột mỗi cái bánh bốn sợi dây trông tươi mới và vuông vức như một bàn cờ tí hon; bánh chưng thoắt chốc như có tấm áo mới, mỗi cái bánh hoàn tất để qua một bên đều như là một đóa hoa mai nở trong mắt tôi.  Tôi ước ao nhà mình cũng gói bánh nấu bánh như nhà thằng Lù, trong khi nó thì dành môi ra vẻ ngao ngán.

 

Nó chẳng ngao ngán được lâu, tôi chẳng bao giờ được thỏa nguyện, vì chỉ qua một năm là qua một chặng khốc liệt của chiến tranh.  Nhà nào cũng lo lắng bị pháo kích phải tản cư thì còn ai đâu để gói bánh.  Tôi chẳng còn được ngửi mùi khói củi, mùi lá nấu chín, mùi nồng ấm của bếp lửa trong đêm khuya… 

 

Nhưng đang tuổi lớn người ta chóng quên vì có quá nhiều thứ mở ra trước mắt, tôi đã bước vào trung học và đã biết săm soi rộn ràng ngày Tết được sắm quần áo mới.  Má dắt lũ chúng tôi đi mua vải ở chợ Bến Thành.  Giá cả đắt đỏ, má kỳ kèo so đo trả giá từ chút, đi từ sáng 10 giờ đến trưa vẫn chưa mua được một món hàng, vì khi mua là phải mua cho cả 2 đứa con gái giống nhau, 2 đứa con trai giống nhau; một thói quen đáng yêu (nhưng tôi không thích mấy) của mấy ông bà già xưa là cho con ăn mặc đồng loạt _ không biết vì mua nhiều tiết kiệm được chút ít hay vì thích “cúc vạn thọ” ?

 

Mua xong được vải may quần áo thì tôi đã ngửi được mùi chiếc áo mới còn đang nằm ở tiệm may!!!  Ngày ngày đi học về tôi đều phải lượn qua nhà may Thành đầu chợ Vườn Chuối chỉ để ngó vào tiệm dõi xem bà chủ hay các cô thợ may có ai đang cầm đang cắt tấm áo má đã gửi may cho chúng tôi; nhưng tôi luôn thất vọng, năm này qua năm khác, chả bao giờ bắt gặp được món quà Tết của mình đang lúc thành hình.  Đến ngày thử áo, tôi ngõm ngọi đợi chờ, mong sao chóng xong bữa cơm chiều để nhắc má dẫn ra tiệm lấy áo.  Đi bên má tôi thầm cầu sao má hài lòng không bắt thợ sửa đi sửa lại, để tôi được ôm về tấm áo mới mà hít hà.

 

Tấm áo mới, riêng với mũi tôi vẫn còn mang hương vải mới chưa một lần giặt, và dường như thoảng chút mùi phấn vạch, dù tôi vẫn cho rằng phấn thợ may chả có mùi gì.  Tôi sung sướng đặt gói áo bên cạnh lúc ngủ, vì ngày mai má sẽ bảo giặt đi cho hết lằn phấn, xem vải có rút không vân vân…  Khi tấm áo đã ủi xong chờ ngày mùng một Tết mới được mặc, dù lòng tôi vẫn rộn ràng nô nức, mùi hương Tết bỗng đã có chút lạt phai. 

 

Mỗi năm qua đi mỗi lạt lẽo.  Bây giờ ở đây, cây trái to dòn ngon mắt mà hương vị chả như xưa, bánh mứt đủ đầy mà hương Tết dường chỉ là hơi gió lạnh, tôi  thèm ước sao cái mùi khói cay nồng năm cũ, tôi thèm mùi vải của tấm áo mới hàng năm.  Hương kỷ niệm hình như chỉ là thứ hương vô hương trong lòng.

 

 

Lưu Na

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
05 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 29398)
Khách sạn VIBE ở ngay góc đường Goulburn và Elizabeth. Buổi sáng lúc tôi xuống phòng tiếp tân đẩy cánh cửa kính bước ra đường trời mưa lất phất và lạnh. Cái lạnh làm tôi khựng lại vài giây dưới mái hiên khách sạn. Tôi sực nhớ là mình không mặc đủ áo ấm. Thời tiết vùng này thật khó đoán.
05 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 29687)
Mình có cái tính thích khoe khoang, rất đặc trưng của nơi mình sinh ra. Khi đã vào Nam, cái tính cách ấy, cũng không vì thế mà vơi đi. Hồi mới chuyển qua bên này ở, bạn bè gọi điện, gào lên trong máy điện thoại: Má ơi, sao ở xa vậy má ơi.
22 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 97098)
Những ngày cuối cùng của cuộc chiến, tháng 4/1975 như vết nước mắt loang dài của miền Trung ngắn dần đi khi dân chúng di tản vào Nam kiệt sức đến không còn nước mắt khóc cho những xác người ven đường.
21 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 93177)
Ông Nguyễn Hưng Quốc là người rất xục xạo đã lôi ra được những vấn đề văn học độc đáo. Cũng trong một bài viết blog, ông đã phát giác ra là nhà văn Nguyễn Huy Thiệp rất thích cái thứ chúng ta thường thả vào bồn cầu! Ông viết : “Trong các truyện ngắn, ông (Nguyễn Huy Thiệp) cho chữ (cứt) ấy xuất hiện khá nhiều, một cách trần trụi, hung hãn, đầy bạo động.
12 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 97739)
Ngày bốn chị em tôi đến phi trường Houston, Texas, anh Bằng ra đón chúng tôi. Tôi đã ngỡ ngàng khi trông thấy anh. Người anh cả của tôi đã mất dáng vẻ của một cậu công tử được bố mẹ nuông chiều, tóc anh để dài hơn trước nhiều, gương mặt gầy guộc hẳn đi, ánh mắt hòa nhã, không còn một chút khó khăn và bướng bỉnh của ngày xưa.
12 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 95689)
Sau đám cưới, Cung về đơn vị, tôi vẫn ở nhà với cha mẹ, đợi Cung được biệt phái về dậy học lại, (Bộ Giáo Dục hứa sẽ cho các giáo chức được về vào tháng 10/1969) rồi sẽ ra ở riêng.
08 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 105168)
Nguyễn Trung, để đi đến Xám Trắng Đen năm nay hay Bảng Đen năm 2004 là cả một chuổi dài rượt nà theo nghệ thuật. Kể từ những năm năm mươi tại Đàm trường viễn kiến của Nguyễn đức Quỳnh, những năm sáu mươi ký Anh Oanh viết phê bình mỹ thuật trên Văn Nghệ chủ nhiệm Lý Hoàng Phong, thư ký toà soạn Ngọc Dũng, trị sự Phí Ích Nghiễm (Dương Nghiễm Mậu )...
02 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 102451)
LTS: Nguyễn Hạnh Nguyên sinh năm 1985, tốt nghiệp thạc sĩ khoa học ngành Ngữ Văn. Hiện sống và làm việc tại Hạ Long, Quảng Ninh. Năm mới, bài viết mới lần đầu đăng ở trang mạng Hợp Lưu như một món quà xuân gởi đến quí văn hữu và bạn đọc đầu năm Tân Mão 2011. TCHL
15 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 110674)
...Tôi đến Trường Chu Văn An trên đường Thụy Khuê, vào phía sau sân trường tìm bãi cỏ nhìn qua Hồ Tây để nhớ đến nụ hôn đầu tiên Kiên bỡ ngỡ đặt lên môi Phương trong Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Bãi cỏ xanh mướt ngập đầu lưu giữ tình yêu đầu tiên của Kiên không còn nữa. Nếu giờ đây, Phương cũng đã đi nước ngoài và lấy chồng ngoại quốc, nụ hôn của Kiên trao cho Phương, chính tôi nhận và giữ hộ...
19 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 97971)
Thành phố nằm bên một rẻo biển miền Trung yên bình và tĩnh lặng. Những ngày gầ n đây bổng nhiên được khuấy động bởi mấy chú cá mập, không hiểu vì sao lại lang thang vào bờ, chúng lượn lờ nơi bãi tắm trước khuôn viên trường, là bãi du lịch của thành phố. Thỉnh thoảng chúng lại ruỗi theo sóng nước cợt nhã với con người. Có hôm một chú cá mập con nhá vào mông ai đó, có hôm lại ngoạm vào giò của kẻ nào bơi đến gần. Bạn tôi phán: đất này “linh kiệt”. Tôi cười vui: Đất lành chim đậu, biển lành cá mập làm tổ .