- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Gondola

21 Tháng Tám 201112:00 SA(Xem: 95214)


gondola_1

Chuyện này chắc ít ai biết. Nhạc sĩ Thu Hồ ngày xưa vốn là ca sĩ. Lần đầu tiên ông xuất hiện hát ở Huế vào năm 1936, ông đã trình bày bài “La Chanson du Gondolier” và được công chúng hoan nghênh nhiệt liệt. Lúc đó tôi chưa ra đời. Nhưng bài hát anh chèo thuyền gondola thì chúng ta hầu như ai cũng biết. Không phải qua giọng hát của Thu Hồ mà qua giọng ca vàng của cô ca sĩ Dalida. Gondolier / T’en souviens-tu / Les pieds nus / Sur ta gondole / Tu chantais / La barcarole / Tu chantais / Pour lui et moi / Lui et moi / Tu te rappelles / Lui et moi / C’était écrit / Pour la vie / La vie si belle / Gondolier / Quand tu chantais / La la la la la… / Cet air là / Était le nôtre / Gondolier / Si tu le vois / Dans les bras / Les bras d’une autre / Gondolier / Ne chante pas / La la la la la…

Những ngày son trẻ xưa, thế hệ chúng tôi say mê tiếng hát của cô ca sĩ gốc Ý sanh tại Ai Cập. Nói là say mê tiếng hát nhưng thực ra sắc đẹp khá man dại của cô ca sĩ đã từng là Hoa Hậu Ai Cập vào năm 1954 này cũng làm đám thanh niên vừa chớm loe hoe mấy cọng râu chúng tôi ngây ngất. Bài hát là một tình khúc, cho anh và em, lui et moi. Gondola cũng là một thứ thuyền tình, cho anh và em. Vậy thì cớ chi Đức Giáo Hoàng lại đi lạc vào chốn của anh và em này?

Thực ra đã từng buộc những chiếc thuyền tình trên những con nước nhỏ như những đường phố của thành phố Venise vào những cặp tình nhân nên chúng ta cứ nâng niu hình ảnh đó và nhất định gondola phải dành cho những người yêu nhau. Dân thành Venise cũng chẳng thèm cãi làm chi vì hình ảnh này đã đem lại cho họ những huyền thoại và những đồng đô la thơm phức. Tới Venise, cưỡi gondola là điều bắt buộc. Nếu không đặt chân có giầy dép đàng hoàng chứ không phải những bàn chân trần les pieds nus lên sàn gondola về nhà bạn bè hỏi thì quê một cục. Vậy nên, khi tới Venise, tôi cũng phải leo lên chiếc thuyền đã vẽ ra trong đầu tôi những hình ảnh mộng mơ từ hồi nhỏ. Tuy có chậm chân đến vài chục năm. Lui et moi khi ngồi vào lòng thuyền đều đã trải qua cả một quãng đường dài với bao nhiêu hỉ nộ ái ố, đã từng đồng cam cộng khổ qua suốt nhiều cuộc bể dâu. Vậy nên chẳng thể níu lại được thời gian để trở về những ngày yêu đương xưa. Vậy nên một cặp hay ba cặp cũng rứa. Ba cặp là sức chứa tối đa của chiếc gondola. Một cặp là không gian riêng rẽ của hai cái xuân xanh đang đúng mùa.

Ngoài cặp chúng tôi, có một cặp tình nhân trẻ và một cặp đang trong tuần trăng mật. Lẽ ra họ phải là những người rong thuyền riêng lẻ cho tình tứ. Nhưng họ cũng share chỗ với chúng tôi trên thuyền. Vì…rẻ! Được cái chúng tôi đều nói tiếng Việt với nhau tuy mỗi người đến từ một thành phố khác nhau. Vợ chồng tôi từ Montreal, cặp trăng mật từ Cali và cặp tình nhân từ một thành phố khác ở Mỹ. Cả hai cặp đều tiền bạc rủng rỉnh, ăn tiêu thoải mái. Hình như tuổi trẻ bây giờ dễ dãi hơn, thực tế hơn. Một cặp đi riêng phải chi khoảng 100 euro cho một chuyến dạo mát 50 phút, nếu khoái chí muốn dạo thêm thì cứ mỗi 25 phút phải chi thêm 31 euro. Thực ra giá do chính phủ ấn định chỉ có 62 euro cho mỗi chuyến 50 phút, sau 8 giờ tối là 77 euro rưỡi. Nhưng thường thì các chàng gondolier có giá riêng của họ, dĩ nhiên phải nhích hơn giá chính thức. Nếu mặc cả thuê được 100 euro một cuốc thì cũng chẳng có chi là hớ lắm. Anh hướng dẫn viên của chúng tôi, vốn thông thạo đường đi nước bước, cứ xếp mỗi gondola sáu người. Tiền cứ góp vào đưa cho anh là xong. Thiếu thơ mộng nhưng ít hao túi tiền. Lại được cái lợi là thoải mái giỡn nhau bằng tiếng Việt trên những con nước Venise. Anh chèo thuyền cứ ngơ ngác trước thứ âm thanh lạ hoắc.

Giáo Hoàng đi gondola dĩ nhiên chẳng chung đụng với ai tuy chẳng cần chi riêng lẻ. Ngày 8 tháng 5 vừa qua, Giáo Hoàng Benedict XVI đã tới Venise và có một buổi du hành trên gondola. Nhìn hình tôi thấy chiếc gondola của vị giáo chủ khác xa với chiếc gondola tôi…ngự. Cứ như chiếc xe Mercedes bên cạnh chiếc Ford vậy. Ghế ngồi nệm đỏ, lưng ghế cao vút như chiếc ngai nhô quá đầu người, cứ như ở Vatican. Đi gondola như vậy thú vị chi đâu. Gondola phải hơi…bụi một chút với những tượng trang trí bằng đồng bằng sắt quanh mạn thuyền mới ra cái gondola. Màu sắc của thuyền tình phải là chính thống. Đó là mầu đen. Màu gondola Ngài ngự lại đánh véc-ni màu nâu bóng loáng. Mất truyền thống đi! Thực ra màu đen của gondola là qui định của luật sumptuary law, một loại luật nhằm điều hòa những thói quen của tiêu thụ. Nhưng gondola đen quen mắt đi rồi nên nếu có màu khác coi thấy…chướng. Bình dân như tôi nghĩ vậy chứ thực ra chiếc gondola dùng để chở Giáo Hoàng kỳ này là một kiểu sang trọng có tên là Doganessa chuyên dùng để chở các vị Thống Đốc của nước Venise xưa. Hai cuộc thăm dân Venise trước của Giáo Hoàng Paul VI vào năm 1972 và Giáo Hoàng John Paul II vào năm 1985 cũng dùng loại thuyền…Mercedes này!

Những chàng gondolier theo qui định từ xưa tới nay là phải mặc áo sọc đen trắng, quần đen, khăn choàng phải đỏ. Anh chàng gondolier của tôi chắc mất truyền thống nên chẳng khăn quàng chi cả. Kể ra bữa đó trời nóng nực thật nên xí xái là phải. Nhưng những chàng gondolier của Giáo Hoàng thì quá lắm. Họ mặc quần áo trắng toát và đeo khăn vàng! Mà có tới bốn chàng cong lưng chèo chứ không phải một như những chiếc gondola khác. Chẳng lẽ Giáo Hoàng nặng hơn người thường? Được chèo cho Đức Thánh Cha là một vinh dự. Họ tranh dành nhau để được cái vinh dự này. Tranh dành cật lực chứ không phải chơi. Tranh đến nỗi ông sếp của hiệp hội các gondolier Aldo Reato đã phải nói với tờ báo địa phương Il Gazzettino: “Tôi ngấy tới cổ rồi. Tại sao Đức giáo Hoàng không tự chèo lấy cho xong chuyện!”. Đau cái đầu quá, ông này còn nói liều: hay là chọn ngay cô gondolier độc nhất của Venise cho đỡ tranh dành! Từ trước tới giờ có nghe tới gondolier…cái bao giờ đâu. Vậy mà có. Mà cũng mới có đây thôi. Đó là cô Giorgia Boscolo được gia nhập hội các gondolier vào tháng 8 năm 2010!

Rồi cũng có bốn chàng trúng tuyển. Đó là hai anh em Bruno và Francesco Dei Rossi vì cha của họ, ông Albino, đã từng chèo thuyền chở Đức Giáo Hoàng John Paul II khi Ngài ngự vào năm 1985. Hai người kia là hai hảo thủ trong các cuộc đua thuyền tên Gianpaolo D’Este và Igor Vignotto. Ông sếp hội các gondolier coi bộ vất vả trong cuộc tranh dành này. Chàng than van là vì không có một thủ tục tuyển chọn nào cho các trường hợp đặc biệt này nên mới gặp khó khăn, giờ là lúc nên đặt ra các luật lệ. Được chèo thuyền hầu Đức Thánh Cha là một vinh dự cho cả giòng họ thế hệ này và các thế hệ sau nữa nên, mặc dù chúng ta không cảm được cái vinh dự đó to lớn như người dân ở Venise cảm thấy, tôi cũng hài tên họ của cả bốn người được lựa, biết đâu sẽ có lợi ích khi chúng ta tới Venise. Đối với bốn chàng chèo thuyền được lựa thì họ như đã được lên thiên đàng! Anh chàng Bruno Dei Rossi sung sướng cho biết: “Hai ngày nay tôi không ngủ được. Thật là một trách nhiệm lớn lao!”. Còn chàng Igor Vignotto cũng hồi hộp không kém: “Thật quá sức cảm động. Ngày hôm qua tôi đã đi xưng tội rồi!”.

Thực ra kể từ khi biến thành một biểu trưng để thu hút du khách tới Venise, gondola mới rắc rối như vậy chứ xưa kia gondola chỉ là những con đò chở hàng hóa và hành khách trên những con lạch và dòng sông lớn của Venise như một phương tiện giao thông thôi. Chắc cũng cỡ như những con đò tại các vùng sông nước của Việt Nam chúng ta. Trong các thế kỷ thứ 18 và 19, đã có từ tám đến mười ngàn con thuyền hoạt động trên sông nước Venise. Ngày nay chỉ còn khoảng bốn trăm chiếc. Ngày gondola còn tăm tối trong phận chở hàng, mỗi chiếc thường có bốn người làm việc. Ba người chèo và một người thu tiền. Chiếc thuyền là tài sản chung của cả bốn người. Ngày nay gondola thuộc “Hội Bảo Vệ và Duy Trì gondolas và gondoliers” trụ sở đặt tại khu di tích lịch sử ở trung tâm Venise. Từ thế kỷ thứ 19, gondola mới được cải tiến thành những chiếc thuyền gọn nhẹ có hình dáng một trái chuối như hiện nay. Cha đẻ của loại thuyền tân tiến này là ông thợ đóng thuyền Tramontin. Gondola từ đó vẫn được thêm thắt thêm cho tới giữa thế kỷ thứ 20 giới chức thành phố Venise mới cấm mọi thêm thắt sửa đổi để giữ truyền thống. Chiếc thuyền ngày nay được trang hoàng ở phía mũi bằng một tượng bằng sắt, đồng, thép hoặc nhôm gọi là ferro. Tượng này ngoài việc làm đẹp cho con thuyền còn giúp giữ thăng bằng với sức nặng của người chèo thuyền đứng ở phía sau thuyền.

Gondola được chế tạo bằng tay với tám loại gỗ gồm 280 mảnh. Phía bên trái dài hơn phía bên phải để giúp con thuyền chống lại với khuynh hướng nghiêng về phía trái khi chèo về phía trước. Không phải ai cũng được làm gondolier. Họ có nghiệp đoàn đàng hoàng. Muốn chèo thuyền chở du khách, họ phải được nghiệp đoàn huấn luyện và thực tập. Sau đó phải đậu kỳ thi tốt nghiệp. Kỳ thi này không phải chỉ thi kỹ thuật chèo thuyền mà còn thi về lịch sử thành phố Venise và ngoại ngữ nữa. Nghiệp đoàn sẽ cấp giấy phép hành nghề sau đó.

Các gondolier được huấn luyện để làm vui lòng khách đến hài lòng khách đi. Anh chèo thuyền của tôi coi bộ không có những…đức tính như vậy. Thân hình anh dềnh dàng với vẻ mặt rất bặm trợn, nghiêm như thần. Muốn đùa giỡn với anh tí chút coi bộ khó. Anh cứ như một bức tượng lạnh tanh. Du khách thường thả hồn ra với cảnh vật, thích có tiếng cười, thích được tìm hiểu về nơi mình đang du lịch. Vậy mà nói chi thì nói, anh gondolier của sáu người chúng tôi cứ nghiêm và buồn. Hay là tại vì chèo tới sáu nhân mạng nên vất vả hơn khiến anh không hài lòng. May mà cả sáu người chúng tôi đều thon thả không mang sức nặng ra làm phiền anh thêm. Những con phố nước của Venise đều nhỏ hẹp, kể ra chèo chống cũng khó khăn. Làn nước xanh đục mùi tanh tanh không lấy chi làm dễ thở. Cảnh hai bên thường là mặt sau của những xưởng máy vôi vữa đen thui, thỉnh thoảng có những công nhân mặc áo thun mở chiếc cửa sau ra mang đồ ra chất. Chỉ khi ra tới sông lớn Grand Canal thì phong cảnh mới rộn ràng thoải mái. Nhìn thấy một anh chèo chiếc thuyền song song hát tình ca, lũ chúng tôi hứng chí yêu cầu anh chèo thuyền của mình hát, anh lầm lì, chẳng từ chối, cũng chẳng hát hỏng chi. Mãi sau này tôi mới biết là muốn hát thì phải chi thêm tiền!

Làm thân du khách thì phải biết móc hầu bao. Các dịch vụ phục vụ du khách luôn biết cách moi túi tiền của khách. Định luật đó không bao giờ thay đổi! Tôi đã hụt nghe gondolier hát trên gondola nên ghi lại đây bản giá biểu để các bạn đến sau biết đường mà móc hầu bao. Một chuyến gondola thông thường là 40 phút. Theo qui định chính thức của nghiệp đoàn là 50 phút. Nếu bạn là người tày hay muốn hưởng nhiều mà chi ít, bạn có thể mặc cả với cái giá rẻ hơn nhưng nên nhớ là thời gian bạn ngồi trên thuyền sẽ ngắn hơn. Vỏ quít dày sẽ có móng tay nhọn!

Người khôn ngoan thường không phó mặc đồng tiền của mình vào tay của người khác. Hình như có vị nào đã nói như vậy. Nếu không có vị nào nói trước thì đây là túi khôn của tôi. Vậy nên, trong vai du khách, chúng ta chẳng nên ngồi trong khách sạn, chỉ tay năm ngón, phán cho nhân viên ở quầy tiếp tân, đặt thuê gondola dùm. Chẳng ai làm không công cho mấy anh chị rửng mỡ đi chơi. Họ sẽ tính công làm dịch vụ này. Nhiều ít bao nhiêu, tôi không biết, vì tôi ít khi lười biếng như vậy. Cũng cần nói thêm là giá thuê gondola thay đổi theo thời gian trong ngày. Buổi tối giá sẽ đắt hơn. Đó là…luật. Tôi cũng chẳng hiểu buổi tối làm cái trò gì mà lại đắt hơn ban ngày.

Có những gondola có nhạc và không có nhạc. Nếu muốn nghe nhạc thì bạn phải nói trước. Không phải khi đang trên thuyền rồi, thấy thuyền người ta nhã nhạc vang lừng mà thuyền mình êm ru lại lầu bầu với gondolier thì chắc sẽ có cơ may xuống tắm trên làn nước đục của Venise! Còn muốn các chàng trai chèo thuyền hát những tình ca thơ mộng thì chịu khó nhích người lên móc bóp cho phải phép!

Đang nói chuyện thơ mộng mà quẹo qua chuyện giá cả tiền bạc, nghe mất vui đi. Gondola có nhiều chuyện đáng nói hơn là chuyện thực tế mộc mạc đó. Chẳng gì nó cũng là thứ mà hầu như không người nào không biết. Không biết nó ở Venise thì cũng biết ở những nơi khác. Chẳng phải đi đâu xa, cứ ở ngay tại Cali, nơi dân ta…đóng đô, vẫn cứ rong thuyền gondola được như thường. Dĩ nhiên cây nhà lá vườn thì rẻ hơn. Mỗi cặp chỉ tốn 85 đô cho một cuốc dài một tiếng đồng hồ. Nếu không cần riêng rẽ thì chất lên tối đa được tới sáu người, mỗi người chi thêm 20 đô. Ở đâu mà cũng…Venise vậy? Ở ngay Long Beach chứ đâu xa! Mấy ông bạn tôi, dân…thủ đô tị nạn, già rồi, ngồi máy bay mỏi lưng nhưng vẫn muốn gondola với đời, hỏi địa chỉ. Thôi thì cứ ghi lại đây cho mọi người, ngoài các ông bạn tôi, muốn thơ mộng thì thơ mộng dối già. Địa chỉ: 5437 E. Ocean Blvd., Long Beach. Phone: (562) 433-9595. Online: gondolagetawayinc.com

Vậy là tôi quảng cáo không công cho anh chàng Mike O’Toole, chủ nhân ông của đoàn gondola trên con nước Naples này. Kể ra anh chàng này cũng xứng đáng hưởng lộc vì khiếu buôn bán đã sớm phát triển. Khi đang theo học ngành marketing tại Đại Học Southern California vào năm 1981, anh đọc sách thấy nói tới việc Parsons đã chở khách hàng muốn mua đất ở vùng Naples bằng những chiếc gondola mua lại của Hội Chợ Thế Giới Chicago được tổ chức vào năm 1893. Vậy là sau khi tốt nghiệp, anh qua Venise, vào làm tại một bến tàu, cố ý cóp-pi bản vẽ của một chiếc thuyền và học chèo gondola. Trở về Mỹ vào năm sau, 1982, anh bắt đầu biến vùng Naples ở Mỹ thành Venise. Đoàn gondola hiện nay của anh có mười chiếc tất cả trong đó có hai chiếc nhập cảng từ Venise và tám chiếc đóng ở Seal Beach. Với số tiền khá mềm 85 đô, một cặp tình nhân có thể gondola trong 50 phút qua con nước hẹp mà hai bên nhà cửa toàn thứ xịn bạc triệu. Điểm đặc biệt là không nhà nào giống nhà nào. Muốn nhậu chút đỉnh giữa phong cảnh thiên nhiên kỳ thú, khách có thể mang rượu vang hay sâm-banh và ngay cả thức ăn nhẹ tới. Nhà tàu sẽ cung cấp ly nhựa, một bình đá, mền giữ ấm nếu trời lạnh và ô dù nếu trời mưa. Muốn họp bạn trên sông nước, khách có thể đặt trước cho từ sáu tới mười người, sẽ được cung cấp pizza, salade và bánh mì tỏi. Một bàn nhỏ ở giữa thuyền sẽ được trải khăn đỏ cho bữa ăn có…tư cách! Giá cũng khá mềm: 35 đô mỗi người! Mike O’Toole tự hào nói: “Chúng tôi là cửa hàng pizza nổi độc nhất trên thế giới!”.

Nằm sát Cali, Las Vegas của tiểu bang Nevada, cũng có gondola. Đây cũng là thứ gondola nhái như ở Cali nhưng ở Cali ít nhất cũng còn có phong cảnh thiên nhiên thứ thiệt còn ở Las Vegas, gondola cưỡi nước trên con lạch nhân tạo nằm trong khuôn viên của khu khách sạn, sòng bài và thương xá Venetian. Thay vì phong cảnh thiên nhiên, du khách sẽ lướt qua giữa những cửa hàng loại sang. Mỗi gondola nơi đây chỉ chở được tối đa bốn người tuy kiểu dáng cũng giống như những gondola thứ thiệt ở Venise. Được cái các chàng gondolier nơi đây trông diêm dúa và bột hơn các chàng gondolier thứ thiệt ở Venise. Quần áo láng coóng. Mũ có ruban đỏ bỏ thõng xuống ngang lưng, cổ thắt khăn choàng đỏ, lại còn thêm thắt lưng đỏ. Trông cứ như công tử! Ngự gondola thứ dỏm này không có tôi. Chỉ đứng trên cái gọi là bờ hai bên con kênh đào, nhìn cái tù túng của chiếc gondola thu nhỏ di chuyển trên làn nước nhân tạo trước con mắt của các khách mua sắm, thấy đã nản. Phí tiền! Tuy giá chỉ có 16 đô mỗi người. Nếu đi một cặp riêng rẽ thì 64 đô một lượt.

Tại khu cờ bạc Macao cũng có gondola. Mấy chú con trời máu buôn bán nằm vùng trong người nên câu du khách bằng những chiếc gondola có các nàng xinh tươi trẻ trung chèo chống. Nhìn video thấy các cô nàng lúc nào cũng nhe miệng cười trông khá kệch cỡm. Có cho tiền tôi cũng không khoái ngồi trên những chiếc gondola này dù tôi chẳng biết phải tốn bao nhiêu tiền để rong ruổi với các cô gondolier khá xinh xắn.

Io ti amo / Con tutto il cuore / Solo te / Adorerò / E sappendo / Che tu mia ami / Ti amerò / sempre di più. Đó là mấy câu hát tiếng Ý chính hiệu bà lang trọc của bản nhạc Gondolier qua giọng hát của cô nàng nay chắc đã mõm mòm mom Dalida mà tôi đã say mê từ hồi nhỏ ở quê nhà. Bảo tôi dịch mấy câu hát tiếng Ý này thì tôi chỉ có nưóc cười trừ. Bảo tôi nhớ mấy câu…thần chú này thì tôi cũng bù trất. Nhưng khi ngồi gondola trên sông nước Venise, trên năm chục năm sau ngày say mê tiếng hát gondolier của Dalida, tôi bỗng thấy những câu hát trên vang vọng trong đầu. Nửa thế kỷ, quá nửa đời người! Chiếc gondola nhỏ bé đã chở tôi đi quá xa!

Song Thao  
05/2011
 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Ba 20236:56 CH(Xem: 6400)
Ai cũng ghét kẻ khoe khoang và gọi kẻ ấy là hợm hĩnh khó ưa. "Khoe khoang" có gọi là "phô bày" không? Có đó, vì cả hai đều đồng nghĩa như nhau nhưng tôi thấy kẻ phô bày lại đáng thương hơn là đáng ghét đó. Có ai trong đời này mà không hề có sự phô bày cho người ta thấy chứ, ta thích được người biết cùng, khen cùng ta những điều ta có. Bây giờ có facebook thì điều này thể hiện rõ nhất qua nút chia sẻ đó.
13 Tháng Hai 20232:24 SA(Xem: 6177)
Nhớ lại những tháng năm xưa thời còn ở quê nhà. Đêm giao thừa sau khi đặt mâm cúng xong cả nhà mình đều xuất hành về hướng đông đi lễ chùa, má mặc áo dài màu nâu còn mình và bọn trẻ lại mặc đồ tây bình thường theo má. Má lạy Phật lạy hương linh ông bà chùa Long Khánh rồi sang chùa Tâm Ấn cũng như thế. Mình nhớ ngày ấy trời trong lắm lại mang hương xuân lành lạnh, đường phố sạch đẹp và đâu đó vẫn còn lác đác vài người phu quét lá bên đường còn sót lại. Mình hít hương xuân ngày đầu năm mới vào hồn với cả hân hoan.
06 Tháng Giêng 202312:51 SA(Xem: 7044)
Nhà văn Doãn Quốc Sỹ là thầy dạy tôi. Thầy sinh năm 1923, năm nay tròn 100, còn tôi sanh năm 1936, thầy hơn tôi 13 tuổi, năm nay tôi cũng đã 87. Tính ra năm thầy dậy tôi cách đây đã đến 70 năm rồi. Ở cái thời mà ai cũng gọi người dậy học là “Thầy”, dù là từ lớp vỡ lòng cho đến hết lớp trung học chứ không gọi là “Giáo sư” như những năm sau này. Mà người đi học thì gọi là “Học trò” chứ ít ai gọi là “Học sinh”. Thầy dậy tại trường Chu Văn An năm nào, thì tôi được học thầy năm đó. Tôi không còn nhớ mấy năm, nhưng đọc tiểu sử của thầy, trên mạng Wikipedia cho biết thầy chỉ dậy ở trường CVA có một năm 52-53, sau khi thầy dậy ở Nam Định một năm 51-52. Trang mạng này, có ghi thầy di cư vào Nam năm 54, đoạn sau lại ghi thầy dậy trường Trần Lục tại Saigon năm 53-60. Tôi không nghĩ rằng hai trường Công Giáo Trần Lục và Hồ Ngọc Cẩn dọn vào Saigon trước năm 54.
05 Tháng Giêng 202311:09 CH(Xem: 7141)
Võ Tòng Xuân, sinh ngày 6 tháng 9 năm 1940 (tuổi con rồng / Canh Thìn), tại làng Ba Chúc trong vùng Thất Sơn, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Xuất thân từ một gia đình nghèo với 5 anh em. Học xong trung học đệ nhất cấp, VTX lên Sài Gòn sớm, sống tự lập, vất vả vừa đi học vừa đi làm để cải thiện sinh kế gia đình và nuôi các em... Miền Nam năm 1972, đang giữa cuộc chiến tranh Bắc Nam rất khốc liệt – giữa Mùa Hè Đỏ Lửa, Đại học Cần Thơ lúc đó là đại học duy nhất ở Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), được thành lập từ 31/03/1966 thời Việt Nam Cộng Hòa đang trên đà phát triển mạnh, và đã có khóa tốt nghiệp đầu tiên ra trường (1970). Võ Tòng Xuân đã được GS Nguyễn Duy Xuân (1970-1975) – là Viện trưởng thứ hai sau GS Phạm Hoàng Hộ (1966-1970), viết thư mời ông về phụ trách khoa nông nghiệp – lúc đó trường vẫn còn là có tên là Cao Đẳng Nông nghiệp, với tư cách một chuyên gia về lúa.
11 Tháng Mười Một 202212:24 SA(Xem: 7809)
Mưa rơi trong màn hình laptop, tôi thèm nghe tiếng mưa. Đêm nay. Mưa Cali hiếm hoi, cứ như chẳng bao giờ muốn có. Nhưng dù đã cố gắng cách mấy, tôi vẫn không thể nhận ra cái rì rào ướt át, chút rét mướt của gió đêm, qua những giọt “mưa giả”, ” mưa máy móc”, “ mưa trong computer”.
01 Tháng Mười Một 202212:25 SA(Xem: 8261)
Sáng sớm, ông bác sĩ quản lý vào phòng báo tin: sau khi hội ý với các bác sĩ chuyên khoa, tất cả đồng ý để tôi xuất viện vào trưa hôm nay và một tháng sau trở lại tái khám. Thú thực, tôi mừng lắm, nghĩ mình đã được sinh ra lần thứ ba! Lần đầu, vào lúc khởi diễn cuộc Thế Chiến Thứ Hai, Mẹ sinh tôi tại một làng quê thuộc Tỉnh Hải-Dương, miền Bắc Việt-Nam; lần thứ hai cách đây bốn mươi năm, là lúc tôi được phóng thich khỏi trại tù Vĩnh-Quang, một trong những nơi giam giữ các sĩ quan miền Nam, dưới chân núi Tam-Đảo thuộc tỉnh Vĩnh-Phú, cũng tại miền Bắc Việt-Nam. Và lần này, lần thứ ba được sinh ra, là ngày tôi xuất viện, sau một thời gian trị liệu nhiều “gian khổ”, “cam go” tại một bệnh viện nổi tiếng ở Houston, Texas.
05 Tháng Mười 20225:58 CH(Xem: 3366)
Thật khó ngỡ tôi có thể sống tới tuổi 80—dù chỉ lả tuổi khai sinh. Cha mẹ cho tôi “mang tiếng khóc bưng đầu mà ra” ngày mồng 6 tháng 10 năm Nhâm Ngọ —tức 13/11/1942—tại Phụng Viện thượng, tục gọi là Me Vừng, quận Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên, sau ngày cha thoát khỏi những trại tù khổ sai của Việt Cộng, định cư tại tỉnh lỵ Hải Dương hoang tàn, đổ nát, rổi dàn xếp cho mẹ và hai anh em tôi trốn ra đoàn tụ, khi làm giấy thế vì khai sinh hai anh em tôi đều được khai sinh với năm tây lịch, và ngày tháng âm lịch. Ngày sinh trên giấy tờ trở thành 6/10/1942. Bởi thế, từ buổi di dân qua Mỹ, mỗi năm tôi có tới ba sinh nhật. 6/10, 13/11 và một ngày tây lịch nào đó tương ứng với ngày 6/10 âm lịch. Vợ tôi—người tình đầu đời từ trại Bác Ái xóm Cây Quéo, Gia Định 62 năm trước, cũng nguổn cảm hứng của những vần thơ khởi đầu văn nghiệp—thường tăng khẩu phần lương thực với lời chúc..
01 Tháng Chín 20224:56 CH(Xem: 2902)
Trong quá trình khảo sát kỹ lưỡng đó , một lần nữa , thú thực tôi chỉ có thể xếp tranh của anh vào Trường Phái Chọc Ngứa Thần Kinh Thị Giác (Itchy Poking for Optic Nerve) ! Tranh của anh quá dễ vẽ, chỉ cần cầm cọ lên rồi nhúng vào bảng mầu và quẹt tưới xượi với những nét kéo dài trên mặt vải ! Chả cần phải tĩa tót cho giống đôi mắt , cái mũi, đôi môi hay mái tóc của người mẫu, chả cần có cái nhìn phớt qua của họa sĩ ấn tượng ! Cái anh chàng họa sĩ trong hang động ngày xưa , lúc chán đời cũng có thể quẹt cọ tưng bừng như anh ấy mà ! Nhưng không, anh chàng họa sĩ hang động ấy làm việc nghiêm túc và lao động cật lực hơn anh nhiều, anh ta vẽ con bò ra con bò , con hươu ra con hươu, con ngựa ra con ngựa , con chim cú ra con chim cú ! Vì sao vậy ? Bởi vì khi anh ta cầm cọ để vẽ , trong đầu anh ta đã có một định ý ! Còn anh thì không ! Trong đầu anh không có một định ý nào cả , nên anh gọi các tác phẫm của anh là Ứng Tác , được trưng bày trong Phòng triển lãm tranh có tên là “Improvisation”
21 Tháng Bảy 202211:32 SA(Xem: 8393)
Tôi hiểu nỗi thất vọng, sự đau lòng của em sau đợt thi năng khiếu chuyên ngành đạo diễn vừa rồi; và mọi lời an ủi lúc này là vô nghĩa. Tôi chỉ có đôi dòng tâm sự may ra có thể giúp em bình thản lại, dù lúc này có thể một số người thân gia đình em đang bĩu môi: “Ai bảo cứ khích nó đi vào cái nghề "chân không tới đất cật không tới trời", mơ mộng viển vông! Kỹ sư, bác sĩ còn chẳng ăn ai, nữa là cái nghề “đào giếng” (nhại vui cách nói của người miền Trung Trung Bộ)…
06 Tháng Bảy 20225:37 CH(Xem: 7774)
Người ta nói con trai thương má, còn con gái thì thương ba nhưng tôi là con gái tôi lại thương má tôi lắm, thương tự khi tôi còn nhỏ. Má tôi là một người phụ nữ đẹp và thật nhiều cá tính rất sống động. Nghe Má kể ngày xưa bà Ngoại thuộc loại tân tiến nên Ngoại cho Dì Hai, cho Cậu và cho Má được đi học chứ không câu nệ là con gái con trai gì cả. Hồi đó Má tôi học giỏi lắm nhưng Dì mất sớm rồi Ngoại cũng đột ngột mất, Má ở với bà Cố nên không có điều kiện đi học nữa cho đến lúc lấy chồng.