- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Một bức hình bằng cả ngàn chữ?

07 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 103793)

 

Vì câu nói gần như cliché đó mà nhiều người khi nhận được tấm hình Osama bin Laden với khuôn mặt nát bấy đầy máu me đã vội vã chuyển đi như sợ người khác chuyển trước mình, đoạt mất niềm tự hào mình là người nắm được cái tin nóng hổi “vừa thổi vừa xem” đó trước tiên.

Tôi không còn nhớ nổi đã nhận được bao nhiêu ấn bản bức hình “nóng” đó trong hộp thơ điện tử của mình vào ngày 2 và 3 tháng 5, sau khi có tin Osama bin Laden bị giết ngày 1 tháng 5, từ những người quen cũng như không quen nhưng sợ tôi bị hụt xem bức hình vô cùng quan trọng đó -- một bằng chứng hùng hồn là bin Laden đã chết thật rồi.

 

Từ bức ‘hình tử thi’ của bin Laden…

Lần đầu nhận được “hình tử thi” bin Laden tôi còn chịu khó trả lời cho người gửi, một phần vì người đó là ông anh rể của tôi. Ông ấy năm nay đã 76 tuổi, nguyên trung tá của quân lực Việt Nam Cộng Hoà, vô cùng thanh liêm, đánh giặc mấy lần suýt chết, di tản sang Mỹ từ 1975, đi làm thợ hàn để nuôi con ăn học, rất quan tâm tới thời cuộc, nhất là chuyện Việt Nam, và là người tôi vẫn khuyến khích dùng computer cho cái óc hoạt động để nó sinh sản tế bào mới giúp làm chậm lại việc mất trí nhớ.

Tôi cho ông ấy biết là mới hồi sáng tôi nghe trên National Public Radio là các viên chức tòa Bạch Ốc còn đang thảo luận nên hay không nên phổ biến những hình ảnh chắc chắn là ghê rợn của xác chết bin Laden, đầu não của vụ không tặc 9/11 và của tổ chức khủng bố al Qaeda, sau khi bị toán Navy SEAL Team Six triệt hạ.

“Anh cẩn thận đừng phổ biến khi chưa biết chắc, vô tình đổ thêm dầu vào lửa đấy,” tôi viết dặn dò ông. “Chỉ nên phổ biến tin tức hình ảnh từ các hãng tin lớn như CNN, ABC, NBC, CBS, AP, Reuters, vv., và từ các báo như NY Times, LA Times hoặc Washington Post thôi. Mà ngay cả khi nhận được các tin này dán trong e-mail, nói là của các hãng tin trên, thì cũng nên xem lại, bằng cách copy và paste cái tựa vào Search box của Google nhờ kiểm chứng lại giùm, trước khi chuyển đi. Chính phủ Mỹ cẩn thận lắm, họ còn đang tranh luận xem có nên phổ biến hình mà chỉ có mình họ có thôi, vì có thể bị phản ứng ngược trong giới Muslims còn nhiều người ngưỡng mộ ông bin Laden và rất cực đoan.”

Thực ra thì không chỉ những người đã gửi “hình” bin Laden bị bắn chết vì sợ tôi chưa được thấy. Nhiều báo chí thế giới, kể cả một số bên Âu châu, cũng vội vã in hình này lên trang nhất. Ngoài ra, có ít ra ba thượng nghị sĩ Mỹ thuộc đảng Cộng Hoà tuyên bố đã được thấy hình bin Laden chết, và có vị cũng đã blackberried bức hình đó đi bốn phương. Trong khi thượng nghị sĩ Dianne Feinstein, chủ tịch Ủy ban Tình Báo Quốc Hội, một trong một số nghị sĩ có mặt tại các buổi họp báo cáo của Giám đốc cơ quan tình báo CIA Leon Pannetta, cơ quan đã điều động cuộc đột kích vào sào huyệt của bin Laden ở Abbottabad, Pakistan, cho biết không có một nghị sĩ nào đã từng thấy hình xác bin Laden, kể cả bà.

Trang Lens – Photography, Video and Visual Journalism trên Web site của tờ New York Times, ngày 4 tháng 5, chạy một cái tít mà tôi không khỏi mỉm cười khi đọc: “Wanted – Dead, Alive or Photoshopped”, với bài blog của David W. Dunlap, tóm gọn những vụ việc xung quanh bức hình “lịch sử” đó, tại http://lens.blogs.nytimes.com/2011/05/04/wanted-dead-alive-or-photoshopped-2/?nl=todaysheadlines&emc=tha2 .

Cùng ngày trên vào buổi chiều, Tổng thống Barrack Obama tuyên bố dứt khoát là toà Bạch Ốc sẽ không phổ biến hình ảnh xác bin Laden sau khi bị bắn hạ.

Tôi thở phào nhẹ nhõm, vì đã sợ có chuyện ngược lại.

Cho đến ngày hôm qua, tôi, một cử tri không đảng phái (non-partisan) -- nghĩa là không thuộc đảng nào, Dân chủ hay Cộng hoà hay Độc lập hay cả Xanh (Green) mặc dù tôi rất quan tâm tới việc bảo vệ môi trường, đã lái xe hybrid từ gần 10 năm nay cũng vì vậy – đã đồng ý với từng việc làm của chính phủ của ông Obama, mà tôi đã mô tả qua bài “Từ phòng họp tại toà Bạch Ốc… tới sàn bay hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson”, đã đăng tại http://www.diendantheky.net/2011/05/tu-phong-hop-tai-toa-bach-oc-toi-san.html.

Tôi tán thành việc Hoa Kỳ chôn cất tử tế bin Laden trong vòng 24 tiếng đồng hồ theo đúng với phong tục của Hồi giáo, cả việc dành cho người quá cố một buổi lễ thủy táng (vì không có quốc gia nào nhận cho đất chôn và cũng không đủ thì giờ thu xếp) vào 2 giờ sáng ngày 2 tháng 5 từ boong tầu của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson (và đấy là lý do tôi chọn bức hình của chiếc Vinson chụp vào lúc sắp rạng đông cho phù hợp, vì hãnh diện với việc làm của Hoa Kỳ, quê hương bây giờ của tôi, hơn là vì lý do nào khác).

Một số người phản đối việc thủy táng này, vì thủy táng vốn là một vinh dự đối với người thủy thủ, sao lại dành cho một trùm khủng bố đã giết hại và gây tàn phế cho bao nhiêu ngàn con người dân cũng như quân. Theo tôi, việc gì có thể làm để giảm thiểu phản ứng bạo lực của những phần tử qua khích Hồi giáo thì nên làm. Ta không cần thêm người chết hoặc mang thân tàn phế suốt đời họ nữa.

Tất nhiên vẫn có nhiều người đòi phải có hình bin Laden chết mới chịu tin là bin Laden đã chết thực rồi. Họ còn thách thức sao ông Obama đã đăng tải mẫu khai sinh dài của mình trên Web site của tòa Bạch Ốc để chứng mình ông thực sự được sinh ra Hawaii, thì tại sao không phổ biến hình bin Laden tử thương để chứng minh bin Laden đã bị giết. Tôi lại không khỏi không nghĩ tới cái tít viết rất khéo trên trang Lens hôm qua của tờ NY Times: “Wanted – Dead, Alive or Photoshopped”.

Và những người đòi phổ biến hình xác chết bin Laden viện dẫn là “một bức hình trị giá bằng cả ngàn lời” và đòi phải có nó, bằng mọi giá. Tôi chợt nghĩ: Người Việt tị nạn chắc chưa quên bức hình định mệnh của Eddie Adams chụp ông tướng Nguyễn Ngọc Loan bắn chết tên Việt cộng vào dịp Tết Mậu thân 1968, tuy cũng trị giá cả ngàn lời, cộng với giải thưởng danh giá Pulitzer Prize cho phóng viên nhiếp ảnh, vậy mà vẫn không nói lên được chuyện gì thực sự xẩy ra ở đằng sau bức hình đó, khiến bao tai ương sau đó đã đổ xuống thân phận của VNCH.

Họ đòi phải trưng hình bin Laden sau khi bị bắn chết bằng mọi giá. Bất kể giá nào? Kể cả việc phe quá khích Hồi giáo sẽ dùng hình xác bin Laden để tập hợp, nuôi chí phục thù, để rồi gây thêm những vụ đánh bom giết hại người vô tội? Tưởng tượng ta nhìn thấy ảnh người thân của mình bị giết, mặt mũi tan nát, máu me lênh láng? Phản ứng của ta ra sao? Phẫn nộ? Nổi điên? Và nếu có súng ống, bom đạn trong tay, liệu ta có đi tìm kẻ đã giết người thân yêu của mình để thanh toán?

Tôi có ông handyman, tên Ed, thường sửa nhà cho tôi, trung niên, tráng kiện, đầy nam tính, rất tận tâm. Chúng tôi chưa hề nói chuyện chính trị, ngay cả thời cuộc. Nhưng tôi biết ông ta thuộc loại bảo thủ thứ nặng vì một lần, khi không, ông ta chuyển cho tôi (và trên 100 người quen và khách hàng của ông, vì ông ta không dùng Bcc, nên tôi thấy cả trăm địa chỉ e-mail trên điện thư), một bài liệt kê con số những người có súng ống trong tay ở Mỹ, lên tới mấy chục triệu, vì quyền mang súng của họ đã được Tu chính pháp số hai (Second Amendment) của Mỹ công nhận. Rồi tác giả cái điện thư đó kết luận Hoa Kỳ không cần phải duy trì một lực lượng quân đội đông đảo và tốn kém như vậy, vì đã có những đoàn dân quân (militia) này sẵn sàng bảo vệ đất nước nếu cần. Biết các nhóm dân quân này thường có tinh thần kỳ thị chủng tộc và cả phụ nữ, tôi đã tính hỏi đùa Ed liệu anh có chịu bảo vệ tôi, một phụ nữ Á đông, khi cần, không. Nhưng tôi bỏ qua, xoá điện thư Ed chuyển cho tôi đi. Tuy vậy, tôi biết Ed là người bảo thủ, có thể cả kỳ thị chủng tộc, mặc dù anh ta đối với tôi rất tốt, ân cần, vì tôi là khách hàng của anh ta.

Hai hôm sau khi tin bin Laden bị giết, có lẽ kềm lòng không nổi nữa, Ed chuyển đi một cái “Cáo phó” (Obituary) của ai đó gửi cho anh, cho cả thẩy trên 140 người thân và quen mà anh ta có địa chỉ e-mail, kể cả tôi. Thoạt tiên tôi tưởng là cáo phó về bin Laden. Hoá ra là cáo phó cho… nước Mỹ: sinh 1776 (năm Hoa Kỳ tuyên bố độc lập với Anh Quốc), chết 2008 (năm Obama đắc cử tổng thống). Thứ này tôi đã nhận được nhiều, từ khi nước Mỹ có vị tổng thống đầu tiên là người (nửa) da đen. Đây là một thứ urban legend, tiên đoán ngày mạt vận của nước Mỹ với việc đắc cử của Obama, một người da đen, dù chỉ có 50 phần trăm đen. Thế nhưng nó lưu hành trên Internet và được nhiều người tin, như đã tin hình bin Laden bị bắn chết.

Ed, cũng như tác giả của “cáo phó” cho nước Mỹ và chắc còn nhiều người khác nữa, có lẽ không chấp nhận được việc Obama và ban tham mưu của ông đã làm được cái việc mà tiền nhiệm của ông, Tổng thống George W. Bush của đảng Cộng Hoà, đã không làm được trong suốt thời gian từ 2001 đến 2008, với bao nhiêu ngàn lính Mỹ đã bị hy sinh và nhiều ngàn người phải mang thương tích suốt đời, đấy là chưa kể dân sự bị chết oan tại Iraq và Afghanistan, và một nước Mỹ kinh tế te tua, nợ nần có lẽ tới đời con cháu của chúng ta cũng không trả hết được.

Thực ra, công bình mà nói, ông Bush hồi ấy chưa thành công vì cũng tại chưa đến lúc vậy thôi, vì không ai phủ nhận được sự thành công của chính phủ của ông Obama đã được xây dựng trên chính những nỗ lực liên tục của chính phủ tiền nhiệm, với sự phối hợp của nhiều cơ quan trong chính phủ, từ tình báo tới quân đội, trong suốt 10 năm qua.

Tôi không dám hình dung chuyện gì sẽ xảy ra nếu chính phủ Mỹ công bố hình ảnh xác bin Laden. Tôi đồng ý với ông Obama khi ông tuyên bố: “[Phổ biến hình ảnh để minh chứng bin Laden đã thực sự bị giết] không phải là bản chất của chúng ta. Mọi người biết đấy, chúng ta không khoe những thứ này như một thành tích.” (That’s not who we are. You know, we don’t trot out this stuff as trophies.)

Có nhà báo nói, nửa đùa nửa thật, thôi thì đành chờ… WikiLeaks cung cấp những hình đó vậy.

 

… tới bức ‘Situation Room Photo’

Đến hôm nay, ngày 6 tháng 5, bức hình nay có tên là Situation Room Photo, tự nó đã có đời sống riêng của nó, và người chụp vốn là nhiếp ảnh viên chính thức của toà Bạch Ốc, đã hẳn không còn là cha tinh thần của nó nữa. Hàng triệu người đã thấy nó, đã bị lôi cuốn, đã thích thú, đã soi bói, đã bàn luận và phân tích, cả chất vấn, và mặc sức… hoán đổi (altered, hoặc tiếng nhà nghề là photoshopped).

nganloi_trungduong_1-content


Bức hình chụp vào tối ngày mồng 1 tháng 5, trong lúc Tổng thống Obama, phó TT Joe Biden và ban tham mưu an ninh quốc gia đang theo giõi cuộc hành quân chớp nhoáng của toán Hải quân SEAL Team Six ập vào sào huyệt của đầu não Osama bin Laden của tố chức khủng bố al Qaeda ở Abbottabad, Pakistan, mà kết quả như mọi người đã biết.

Bức hình thu hút tôi mãnh liệt, mà nếu không phải là do một công chức nhiếp ảnh viên chụp (và do đấy không có quyền sở hữu hình đó vì nó thuộc vào của công, public domain), thì, như tôi đã viết trong bài “Từ phòng hội toà Bạch Ốc…”, rất đáng được giải nhiếp ảnh báo chí danh giá Pulitzer.

Trước hết về kỹ thuật, đó là một bức hình có bố cục rất chặt chẽ, với mọi người có mặt trong hình, trừ ông tướng Marshall B. “Brad” Webb ngồi cạnh Obama đang táy máy với cái laptop của ông, còn thì ai cũng dán mắt vào một màn hình mà ta không thấy, trên đó có lẽ đang diễn ra cảnh đột kích sào huyệt bin Laden xẩy ra cách đó trên 7,000 miles. Trên từng khuôn mặt là sự căng thẳng tột độ.

Đặc biệt là hình ảnh của Bộ trưởng Ngoại Giao Hillary Clinton với một tay bụm miệng như ngăn một phản ứng trước những diễn biến trên màn hình, nói lên sự căng thẳng trong phòng hội trước các diễn biến có thể là ngộp thở đang diễn ra trên màn ảnh trực tiếp truyền hình cuộc đột kích. Đặc biệt cũng vì bà là người đàn bà duy nhất ngồi trong phòng hội (nếu không kể tới bà Giám đốc cơ quan chống khủng bố Audrey Tomason nhỏ con đứng ở hậu cảnh bên lối cửa vào), một hình ảnh chưa hề thấy trong những hình chụp sinh hoạt của Situation Room kể từ khi được thành lập vào năm 1961 dưới thời Tổng thống John F. Kennedy.

Phản ứng của bà Clinton đối với tôi là một diễn tả độc đáo, may mắn có được khiến bức hình thêm phần sống động, nếu không nói đấy chính là trung tâm điểm của bức hình. Thế nhưng có nhiều người thuộc nhóm ủng hộ nữ quyền (feminism) không hài lòng, cho là phản ứng của bà Clinton nói lên sự yếu đuối của người đàn bà. Nhận xét này đã khiến bà Clinton phải lên tiếng rằng thì là bà bụm miệng chẳng qua là để ngăn một cơn ho do bị dị ứng mùa xuân (spring allergy) đấy thôi, và bà không thể nhớ được lúc đó đang thấy gì trên màn ảnh.

Tất nhiên, trên tất cả là sự kiện vị tổng thống trong hình là Obama, một người da đen mà lần đầu tiên lịch sử Hoa Kỳ có được. Nhà báo John Black đã, sau khi nghiên cứu bức hình và phỏng vấn một số các chuyên gia chính trị và xã hội, đã viết một bài tiểu luận ngắn song giá trị, “What ‘Situation Room Photo’ reveals about us.” (http://articles.cnn.com/2011-05-05/us/iconic.photo_1_black-men-photo-national-security-team?_s=PM:US)

Black đã gọi đó là bức hình cổ điển (classic) mang nhiều tính chất lịch sử. Lịch sử không những vì nó đã ghi lại giây phút mấu chốt trong chiến dịch lùng bắt trùm khủng bố bin Laden thành công sau 10 năm tốn bao công lao và sinh mạng; mà còn là một bức chân dung của xã hội Mỹ ngày nay với một vị tổng thống da mầu, một nữ bộ trưởng ngoại giao (mặc dù không phải là đầu tiên), nói lên kết quả, dù mới chỉ là khởi thủy, của những phấn đấu cho nguyên tắc bình đẳng – All men are created equal -- giữa những người khác chủng tộc, tôn giáo, chính kiến, và phái tính nhằm thực hiện lý tưởng đã được đề ra khi Hoa Kỳ tuyên ngôn độc lập khỏi sự đô hộ của Anh Quốc vào ngày 4 tháng 7 năm 1776. (http://www.ushistory.org/declaration/document/)

Tất nhiên vẫn có người cho là bức hình do dàn cảnh (staged), như lời cáo buộc của Alex Jones thuộc PrisonPlanet.com, có khuynh hương thích gây bút chiến, và có nguyên một Web site, InfoWars.com, và cả một cơ sở truyền hình, PrisonPlanet.TV, để làm việc này.

Trong khi đó, không thiếu người cũng đã, bất chấp lưu ý của toà Bạch Ốc trên trang hình tại Flickr.com, “vô tư” biến đổi bức Situation Room Photo tùy theo cảm hứng của mình. Đến Forbes.com, một Web site chuyên về tài chánh và thương mại cũng nhẩy vào sân chơi, với hai đề nghị về cái mà các nhân vật trong Sit Room Photo đang nhìn. Một là, Forbes đoán, họ đang nhìn cái… đồng hồ đếm nợ nần của Mỹ (The National Debt Clock); và hai là danh sách Forbes về những phụ nữ quyền lực nhất (Forbes List of the Most Powerful Women).

 

nganloi_trungduong_2-content
Ảnh blogs.forbes.com


Forbes còn cho cái Web link, http://www.forbes.com/pictures/hf45hfd/obama-playing-playstation#content, để vào xem những hình kiểu “vô tư” hơn thế, nhưng với sự trợ giúp của chương trình PhotoShop, mà họ đã thu lượm được đó đây trên Internet, và đặt tựa là “The White House Situation Room Internet Meme.”

Phần tôi là một câu hỏi khá đơn giản (vì tôi mắc “bệnh” ghi-xuất-xứ và vốn vẫn dốt về cách chụp hình bằng Manual): Bức Sit Room Photo ấy do nhiếp ảnh viên nhà nước tên gì và đã dùng máy gì và settings ra sao vậy? Thì đây là câu trả lời: Photo credits and settings: Photographer: Pete Souza; Canon 5D MkII, 35mm f/1.4L USM, f/3.5, 1/100s, ISO 1600. Nghe… rõ chửa?

(TD, 05/2011)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Mười Một 200912:00 SA(Xem: 29024)
"... anh vẫn nhìn thấy đôi mắt em trong những đêm mơ... đừng nói lời vĩnh biệt... hãy về lại Sorrento..." Đây là những lời tôi dịch vội từ bản tiếng Anh, Back to Sorrento , của bản tình ca bất hủ Torna a Surriento của Ernesto de Curtis. Tôi mê bản nhạc này từ những ngày mới bước chân vào trung học...
12 Tháng Mười Một 200912:00 SA(Xem: 30538)
Thập niên 80 âm u giọng hát Khánh Ly «Ai trở về xứ Việt, nhắn giùm tôi người ấy ở trong tù…», không mấy thuyền nhân tin có thể trở về xứ Việt. Thập niên 80, tôi ước ao trở về Huế. Về Huế! Chỉ có hai chữ này thôi mà sao âm vang cả hồn mình.
02 Tháng Mười Một 200912:00 SA(Xem: 27446)
Hai mươi hai năm đã trôi qua kể từ khi tôi tìm thấy mảnh giấy ép trong cuốn nhật ký của Thiện. Tôi đã hỏi quanh một số bạn bè trong giới văn nghệ xem có ai biết tác giả của hai câu thơ đó, song chẳng ai nhớ.
01 Tháng Mười Một 200912:00 SA(Xem: 24924)
Khi tự nhận mình là kẻ ăn trộm, lòng đã nghe tan nát hết. Sự vỡ vụn của những năm tháng thương cho lời dối trá của nhân vật trong Tuổi Trẻ Băn Khoăn cứ theo tôi, dằng dai, ảm đạm mỗi chiều về.
26 Tháng Mười 200912:00 SA(Xem: 26399)
...Mẹ tôi bước vào tuổi 92. Mẹ ở với gia đình cô em út, miền nam bang Cali, cách nơi tôi định cư hơn ba giờ bay. Không thể thu xếp sang mừng tuổi Mẹ dịp đầu Xuân, tôi thấy thiếu sót và áy náy trong lòng...
20 Tháng Chín 200912:00 SA(Xem: 32952)
Tôi là độc giả của Mai Thảo, nhóm Sáng Tạo , và hầu như tất cả các tác giả Việt Nam Cộng Hòa từ tuổi 15-17. Dù là học sinh ban Toán, trên trung bình, tôi ham thích đọc bất cứ lúc nào có thì giờ rảnh rỗi.
20 Tháng Chín 200912:00 SA(Xem: 37992)
Khái Hưng đã chết như thế nào? Từ rất lâu, mỗi lần gặp lại tên Khái Hưng, tôi lại nghĩ đến điều đó và cùng lúc tôi vẫn muốn biết Khái Hưng, cùng Tự-lực văn-đoàn, cũng như tất cả những người ở thế hệ Khái Hưng đã làm cách mạng như thế nào, họ đã nghĩ gì, làm gì. Họ đã hoạt động trong giai đoạn kháng chiến giải phóng dân tộc ra sao?
16 Tháng Tám 200912:00 SA(Xem: 122726)
Nhà văn Nhật Tiến, trong phần phát biểu cảm tưởng tại đám giỗ anh ở phòng sinh hoạt Người Việt, đã kể lại một chuyện cảm động, đó là niềm xúc động đẫm nước mắt khi cầm tờ báo Người Việt trên tay ở trong trại tị nạn vào năm 1979 sau khi ông và những thuyền nhân đồng hành còn sống sót, trong đó có cả cặp ký giả tên tuổi Dương Phục và Vũ Thanh Thủy, sau một thời gian bị hải tặc bắt, giam cầm và hành hạ trên đảo Ko Kra trong Vịnh Thái Lan suốt cả tháng trời.
01 Tháng Tám 200912:00 SA(Xem: 29863)
Việt Nam đang trên đà tiến triển văn minh hội nhập, người phụ nữ trong một vài môi trường nào đó cũng đang được đề cao, tưởng thưởng. Nhưng đồng thời trong một góc khuất vắng mà rất gần với đời thường, một số phụ nữ Việt vẫn úp mặt vào hai bàn tay che khuất những tủi nhục của riêng mình.
05 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 25960)
Không biết đã bao đêm, cứ khoảng hai giờ sáng, tôi lại bị rất nhiều cánh tay gió, mưa hối hả lay, giựt tôi ra khỏi giấc ngủ, muộn. Hai giờ sáng, tôi tỉnh dậy giữa tiếng gió khua, đập, cùng cảm giác giông, bão không nguôi nện gót giầy giận dữ, dưới thấp.