- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Đường số 18 / PHÙ THỦY!

05 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 28551)

lenguyetminh_112

Đường số 18


Hồi mới tới con đường này lần đầu tiên, là khi sang thăm Loan. Loan ở trong một cái ngách nhỏ, đi vào đã nghe tiếng Loan đon đả chào cô chủ nhà, Loan hay bảo cô chủ tốt lắm, dễ thương lắm. Hồi đó Loan làm ở gần nhà, trưa nào cũng chạy về ăn cơm với cô Sáu, mặc dù quán cơm ngay dưới chân công ty.
Rồi sau đó Loan chuyển qua một con đường khác, nằm trong phố Tàu. Con đường ngoằn nghèo, bí hiểm, toàn mùi thuốc bắc và những chữ tàu nhấp nhô trên thềm cừa mỗi căn hộ.
Loan đi. Còn mình thì chuyển tới đây ở.
Khi người ta mới bắt đầu với một con đường, cảm giác ban đầu bao giờ cũng là xa lạ. Rồi sau đó thấy có cái quen, cái hồi hộp, cái ngạc nhiên và những tấm tắc vỡ òa ra khi mỗi ngày phát hiện ra một vài thứ khác nhau trên con đường ấy.
Mình có cái tính thích khoe khoang, rất đặc trưng của nơi mình sinh ra. Khi đã vào Nam, cái tính cách ấy, cũng không vì thế mà vơi đi. Hồi mới chuyển qua bên này ở, bạn bè gọi điện, gào lên trong máy điện thoại: Má ơi, sao ở xa vậy má ơi.
Bởi vì để tới được cái nơi mình ở ấy, phải băng qua một con sông rộng, mênh mông có nhiều ngày thủy triều dâng, nhìn từ bên này sang bên kia, cảm giác như cái khu mình ở đang bị chết đuối giữa cái mênh mông của dòng sông.
Sau này, kéo cả Tú tới ở, mỗi khi có ai hỏi, mày ở đâu, Tú thường rất hớn hở, khoe khoắng cái kiểu cũng rất đặc trưng của cái nơi mình đã sinh ra: Đường số 18, khu dân cư thành ủy.
Có lần, hai đứa cháu gọi mình bằng dì, chiều tan học, chạy xe máy qua thăm dì. Trong lúc đợi mình từ cơ quan về nhà, hai đứa đã làm một vòng dạo quanh khắp cái khu dân cư như lời Tú khoe này, không hiểu sao lại “vớ” được một căn phòng rất lý tưởng, giống như sự mơ mộng và đòi hỏi kiểu sinh viên của chúng. Vừa bước chân vào nhà, sau câu xuýt xoa: Sao nhà dì đẹp thế, là việc thông báo cháu sắp tới đây ở đấy nhé.
Thế là có thêm hai đứa cháu và một thằng bạn ở cập kè bên nhau. Nghĩa là bàn trà chỉ thiếu một người nữa là đủ. Nếu mà còn Trang ở đây thì hay hơn.
Trang là một cô bạn học cùng trường Viết văn ngày xưa, hay đọc thơ mỗi khi uống say, đã có lúc cao hứng ào qua như một cơn bão ở con đường này. Cũng thuê một căn phòng sang trọng hí hửng ở đây. Nhưng không được lâu. Sau đó một tháng Trang chuyển đi khỏi căn phòng mà mình còn chưa kịp có lần nào ngồi nóng chỗ, với lý do cái chỗ đó, xe hơi không đậu được.
Sau này Trang còn chuyển nhà lặt vặt ba bốn nơi khác, nơi nào xe hơi cũng vào tận ngõ được. Chỉ có chiếc xe máy của bọn mình là nghèo hơn những lần tới. Bởi cái chỗ đó, không có sông nước, càng không có những cái ngõ nhỏ xinh ấm áp như bên này. Nghe nói, Trang lại mới chuyển sang một cái nhà nữa, to hơn và đẹp hơn. Ồ, đôi lúc, lại nghe nói những điều mơ hồ rất mông lung nhưng lại thật hào hứng.
Rồi bạn bè cũng dần quen, cuối cùng cái nhà mình ở đường số 18, thành ra một cái nhà thu hút nhất. Quanh năm uống trà, quanh năm nói cười rôm rả và bàn những chuyện phiếm. Có ngày, ngồi với vài đứa bạn, lôi máy tính ra, vừa ngồi uống trà, vừa cắm mặt vào màn hình viết như ma đuổi. Đến giờ vẫn thích những cái cảm giác đó.
Cũng là cái nơi một trưa nắng cháy da thịt, chị gái yêu chạy xe máy phăm phăm từ quận một sang tận nhà, mua quá trời đồ ăn, trễ nải ngồi giữa nhà bày biện làm món gỏi nhà cho lũ em ăn nhậu. Vừa làm, vừa tính chuyện sẽ làm món này món kia vào lần sau, khi chị tiếp tục vào Sài Gòn. Lâu lắm rồi, không thấy chị yêu vào đây, không nghe thấy cái giọng oang oang như… lệnh vỡ mà lại rất truyền hình ấy.
Đường số 18. Có lẽ sẽ là nơi một gã nào đó lái chiếc xe hơi đỏ chót, chở ông bạn của mình tới đây. Và cái ông bạn lẩm cẩm đó, lần nào cũng bắt bạn dừng xe ở đầu hẻm và lững thững đi vào. Gã bạn kia chẳng hiểu gì, và lần nào khi ông bạn mở cửa xe bước xuống, cũng đằng hắng: Bác vào đây là vào nhà cô nào mà bí hiểm thế?
Bí hiểm thế?
Cái nơi bí hiểm ấy, chỉ có một giò hoa dừa mỗi sáng vẫn nở tươi hồng, rực lên ở ban công màu trắng, mỗi chiều vẫn héo hắt vì nắng và tối đến lại xanh tươi như chẳng có chuyện gì.
Nơi bí hiểm ấy, nhiều khi mình đã từng đi lại chóng cả mặt quanh cái gian bếp bên xưởng vẽ và nấu một bữa nhậu cho đám họa sĩ già mồm thích rao giảng con cà con kê. Cả tuần nay, mỗi khi đi làm về, qua xưởng vẽ, cái cổng sắt hoen rỉ đóng kín mít, im lìm, chẳng còn thấy ai về nữa. Nhất là từ ngày San bỏ đi ra Hà Nội theo Cẩm.
Nơi ấy, còn là nơi một người đã lặng lẽ biến mất như một con ma ủ ê. Người ấy bây giờ, chắc đã lại biến mất sau một cánh cổng sắt khác. Hay thật, tình yêu nhiều khi y như một cái nhếch mép rất lạnh lùng nhưng khó cưỡng, đôi khi lại giống một tiếng chìa khóa bập lại một cái sau cánh cổng bên ngoài và đóng lại mãi mãi, nhưng lại mở ra cánh cổng phía sau.
Mình nhớ hôm nào, có một người đi chơi tá lả về khuya, sáng sớm đã đứng dưới cổng nhà mình, tay cầm một chùm hoa đu đủ, thơm nức cả lòng và chúm chím: Tặng em nè, anh vừa hái trộm xong!
Nơi ấy, có một thằng nhóc con thích mình, đã từng ngồi suốt đêm bên cổng, lại đúng vào cái hôm mình ra Hà Nội để đi uống cà phê với một thằng nhóc khác.
Thật buồn cười. Hôm nay Sài Gòn trở lạnh một cách bất tử. Mình ngồi vẽ vời những ý nghĩ này trên bàn phím. Nếu sau này, xa con đường có nhiều chung cư và dòng sông Sài Gòn mênh mang này, ắt hẳn lòng sẽ nhớ, mông lung và sâu đậm. Như chính tuổi hai mươi của ta đã qua đi thật vội vàng, chóng vánh, như một cơn bão.
Sài Gòn, 17-12-2010

PHÙ THỦY!
(Bé nhỏ và vĩ đại như một chiếc đèn ngủ!)

Nàng có một nhược điểm rất đáng yêu, là trước khi có thể lên đồng để viết như ma nhập một bài viết nào đó cho tạp chí lá cải nhà nàng hay những tạp chí khác, nàng phải làm rất nhiều việc lặt vặt. Có thể đi loanh quanh trong phòng, chỉ để chải tóc và soi gương, tự hình dung ra khuôn mặt điện ảnh của mình nếu tham gia một vai thứ chính nào đó. Nàng sẽ là một diễn viên xuất sắc. Nàng có đủ bằng cớ để tin vào điều đó. Hoặc là thay đi thay lại những chiếc váy đen giống nhau và uốn éo trước gương. Hoặc là nàng sẽ ngủ. Buổi trưa trên phòng ngủ của nàng rất nóng, điều đó khiến nàng không khi nào ngủ được dài hơi và lại lăn xuống nhà rửa đống chén đĩa trong bồn nước từ hôm qua hoặc mới sáng nay, hoặc nàng sẽ cao hứng đi lau nhà...
nàng làm tất cả những thứ linh tinh ấy, chỉ để chờ đợi cơn cảm hứng kéo tới, và nàng sẽ ngồi như một kẻ bị thôi miên, gõ điên đảo lên bàn phím, và chỉ ba mươi phút sau, bài báo đã xong. Nàng nghĩ, nàng là một người viết báo nhanh nhất trên đời này. Và cực kỳ chuẩn về tiêu chí bao nhiêu chữ cho một bài. Nếu là một bài 1200 chữ cho hai trang, khi dừng tay, đương nhiên sẽ là 1200 chữ. nàng thích điều đó. Nó cho nàng biết, nàng chuyên nghiệp.
Nàng đã viết xong về một cuộc tình. tất cả những chữ nghĩa cần có. Nàng đã phô diễn lên mặt giấy. Một cuộc tình nhạt nhẽo của một phụ nữ kín kẽ với ông chồng là biên tập viên thời sự và đứa con gái nhỏ gầy nhom, không có gì hấp dẫn. Những điều đó mới là một sự thật mà nàng nghĩ về họ. Ngoài ra, còn có một sự khâm phục nho nhỏ. Người phụ nữ dịu dàng ấy, là CEO của một hãng phim có hơn 100 nhân viên. Tốt. Sứ mệnh của nàng không phù hợp, nếu như nàng phải điều hành một tổ chức nào đó.
Nàng đứng lên và đi xem phim. Bài báo đã xong. Đương nhiên sẽ được in. Nàng đương nhiên viết là in. Điều đó khiến nàng thấy tẻ nhạt và mỗi ngày mất dần đi cái bản năng đấu tranh cho những chữ nghĩa của mình nếu như nó bị sa thải. Nàng tự thưởng cho mình bằng cách đi xem phim.
Bây giờ là năm giờ. Giờ kẹt xe. Cả thành phố này giống như một cái ổ chuột khổng lồ, lở loét, những cao ốc ngất trời mỹ lệ cũng không che đi được những ngóc ngách hẻm kiệt đầy những phòng trọ nhỏ xíu, bẩn chật hoặc là đắt đỏ. Nhưng nàng vẫn phải lao đi xem phim. Nàng thích cảm giác ngồi trong phòng lạnh và thưởng thức một bộ phim nào đó.
Đời không như là mơ. Cần hai tiếng chờ đợi để xem bộ phim ấy. Nàng và Phương ăn rất nhanh hai đĩa đồ ăn kiểu tây. Nhạt và hời hợt, đem lại một cảm giác chướng bụng. Phương không thích nơi này, có thể vì nó chung chung quá, sạch sẽ quá và hơn cả là nó quá ồn ào bởi cái băng đang gào thét những bản nhạc thị trường rẻ tiền.
Nàng và Phương đi bộ vòng quanh con đường nhỏ. Chiều tan tầm. Từng mảng không gian như bị nén lại và sắp sửa vỡ ra. Nếu đi bộ ngược lại cái dòng xe nườm nượp đông đảo kia, sẽ rất chóng mặt. Nàng reo lên khi thấy một ngôi chùa nhỏ ngay ngã tư. Nàng sẽ cầu xin. Nàng nghĩ về gã nhà văn nổi tiếng kia. Một kẻ có khả năng khinh bỉ tới 95% đồng nghiệp của mình mà không biết chính bản thân hắn cũng rất đáng khinh bỉ. Một kẻ có thể vừa nhậu tràn lan với các chiến hữu có thể âm thầm khinh bỉ chính bạn bè của mình. Giống như một gã Trần Dương trong Khách không mời. Tại sao nàng lại cầu nguyện khi nghĩ về hắn. Nàng đã đi mỏi cả chân trong công viên, lại đi ngược lại đối với chiều của những người đi bộ. Sao hôm nay nàng lại thích đi ngược như thế?
 Đi qua Bùi Thị Xuân, còn rất nhiều tiền trong túi. Lúc đi ra khỏi nhà, nàng đã nhét một nắm tiền vào túi quần. Nàng tạt ngang vào một quán cà phê có rất nhiều khách tây và ngồi nhâm nhi một ly cà phê chính hiệu. Nàng thích điều đó. Sự sang trọng (dù là giả dối) nó cũng cho người ta cảm giác sạch sẽ.
Đời không như là mơ. Đó là một bộ phim của Mỹ. Phương đã gào lên, không thích phim Mỹ. Phương ghét cái sự lừa phỉnh giả dối của người Mỹ. Phương thích phim hoạt hình. Nàng bảo, phim Mỹ có bạo lực và tình dục, tính giải trí cao. Hãy xem đi. Đừng có gào lên như thế. Nàng ghét những bộ phim hoạt hình, toàn những phép màu nhiệm, lừa đảo giả dối. Bọn trẻ con sẽ vỡ dần ra khi lớn lên, sẽ yêu và thích. Chúng sẽ chuyển dần từ phim hoạt hình sang phim Mỹ. Tại sao Phương lại không đi theo cái quy trình đó nhỉ? 
Cuối cùng là một chiếc đèn ngủ. Đèn ngủ có giá là 340.000 đồng. Đèn xinh và tỏa ánh sáng dìu dịu, cho người ta cảm giác yêu đời. Lúc trả tiền cho cái đèn cũng là lúc hết tiền trong túi. Nàng không có bằng lái xe. Dù đã đi xe máy mười năm. Nếu công an tóm cổ nàng, nàng sẽ trả cho anh ta cái đèn ngủ này. Phương cười phá lên. Một ý nghĩ quái gở.
Tú bảo: Cái đèn với thiết kế như thế này mà 340.000 à, mấy chục ngàn thôi. Với Tú, nếu dắt nó đi mua 1 căn hộ có giá là 2 tỉ: Nó sẽ nói, cái căn hộ thiết kế tệ hại thế này mà 2 tỉ à. Chỉ ba trăm triệu thôi.
Mọi thứ đều có thể định giá được, nếu ta thích. Nhưng mọi sự định giá đều không thể nào định giá chính xác được. Giống như Geling Yan đã phải gào lên bởi câu chuyện ngụ ngôn của mình, dài những 375 chữ. Bà ta không cứu nổi đất nước Trung Quốc.

Tạm thời hãy yêu bà ta. Bà ta đã làm cho nàng thấy phải trở nên lớn hơn và tỉnh táo hơn. Nhận ra rằng, một nhà văn lớn, còn phải là một mụ phù thủy nữa.
 Lê Nguyệt Minh
Sài Gòn 2010
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
14 Tháng Năm 20159:34 CH(Xem: 30502)
Trong số mười người chúng tôi bị bắt bởi chiến dịch khủng bố mùa thu tháng 9 năm 2008 thì Ông Nguyễn Kim Nhàn là người duy nhất hiện vẫn đang còn bị tù đày. Tôi thường gọi những người dân oan như ông, như chị Trần Ngọc Anh, chị Phạm Thị Lộc, vợ chồng chị Cấn Thị Thêu... là “dân oan hóa dân chủ” vì họ đã không chỉ dừng lại ở việc đòi quyền lợi chính đáng cho bản thân và gia đình mình, mà đã tham gia vào các công việc, các phong trào đấu tranh vì Nhân quyền, Tự do và Dân chủ.
07 Tháng Ba 20153:05 CH(Xem: 34790)
LTS: Trong những ngày đầu năm Ất Mùi 2015 Tạp Chí Hợp Lưu nhận được bài viết của tác giả Kim Long viết về nhà thơ Thanh Tâm Tuyền. Kim Long là bút hiệu của một nhà nghiên cứu khoa học. Vì sự tế nhị cùng nhậy cảm, và để tránh những hiểu lầm không cần thiết, chúng tôi sẽ sẵn sàng đăng trên Hợp Lưu những phát biểu (nếu có) của những vị đã viết về Thanh Tâm Tuyền mà tác giả Kim Long có đề cập trong bài. Hợp Lưu trân trọng gởi đến quí bạn đọc và quí văn hữu bài “Viết nhân ngày giỗ thứ chin của nhà văn nhà thơ Thanh Tâm Tuyền”. TẠP CHÍ HỢP LƯU
26 Tháng Hai 20154:33 SA(Xem: 31332)
Nah có nghĩa là Không, và em bảo em đã đi hết vòng tròn của chữ không trong đạo phật rồi. Đối với tôi, em là một loài chim lạ, con chim tuyết trong bài hát Snowbird của ca nhạc sĩ xứ Quebec, Gene MacLellan.
26 Tháng Hai 20154:17 SA(Xem: 32456)
Hôm nay, chúng tôi trở về thăm lại nền nhà xưa của nội. Ngày ba sống đã từng ao ước sẽ dẫn đàn con trở về thăm quê cũ. Bây giờ nếu ba còn sống, chắc ông sẽ hạnh phúc lắm. Khu vườn của nội cây chằng chịt, nền đất cũ hoang tàn, ngôi nhà tranh vách đất của nữa thế kỷ trước vẫn đứng im lìm trong nắng sớm. Cây cổ thụ có một tổ ong to đang làm mật. Chu vi khuôn viên đã bị lấn chiếm nhiều.
18 Tháng Hai 20156:51 SA(Xem: 28787)
Tết thường được nhắc đến với những món ăn đặc trưng “thịt mỡ dưa hành,” và những mùi hương gây nhớ “thoảng mùi khói pháo thoảng mùi nhang.” Nhưng mỗi đứa trẻ mang theo nó một món ăn một hình ảnh một mùi hương riêng, không hẳn giống như những gì chúng ta thường gợi nhắc.
17 Tháng Hai 20153:10 SA(Xem: 29612)
Năm Mùi lại sắp đến và ta thường hỏi là tại sao tên gọi là Mùi, không là dê, dương hay vị ...? Phần này đưa ra vài cách nhìn hầu giải thích phần nào các lý do dẫn đến hiện tượng trên.
28 Tháng Giêng 20151:28 SA(Xem: 32071)
Anh G thân mến, Gửi bài cho anh về hội họa để cho vào Văn Học số sau, chẳng nhớ tôi có nói gì về hai cái truyện ngắn của Mai Kim Ngọc và Vũ Quỳnh Hương không? Hai truyện của Thế Giang quả là đặc biệt. Nhưng tôi nghĩ “khám phá” lớn kỳ này của Văn Học là MKN và VQH. Rất khó tin rằng đó là hai cây bút mới. “Mới” từ lúc nào?
13 Tháng Giêng 201512:08 SA(Xem: 31912)
Sài Gòn tháng Mười Hai, tôi về trời nóng dịu và nắng êm. Nơi phi trường, anh Hải quan trẻ tuổi hỏi nơi sinh của chúng tôi và lập lại _ Sài Gòn, Hà Nội _ với một nụ cười. Ra khỏi phi trường em gái tôi nói cho tôi hiểu, anh ta nháy mắt với bạn đồng nghiệp đứng kề là không có tiền kẹp vào passport đó.
09 Tháng Giêng 201512:49 SA(Xem: 32509)
Cách đây ít lâu tôi đọc một bài viết của nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai với tựa đề “Hầu chuyện với anh Trương Tấn Sang” bài viết của ông xoay quanh hiện trạng của đất nước. Như một lời nói thẳng, nói thật, một lời tâm tình dựa trên câu nói mớm của ông Trương Tấn Sang khi tiếp xúc cử tri tại Sài Gòn. Ông Sang nói: “Chúng tôi sẵn sàng nghe những ý kiến cay đắng”.
21 Tháng Mười Hai 201412:28 SA(Xem: 30489)
Rỗng, vì điểm lại, từ hồi tôi biết đến giờ, từ hồi cụ ngoại tôi còn sống đến giờ, cả họ nhà tôi, chưa ai có được một mối tình đầu bạc răng long, chung thủy một lòng, nồng nàn như nhất để tôi có dịp nắc nở ghen thầm và mơ thầm.