- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Nói Chuyện Với Nhà Văn Nguyễn Huy Thắng

29 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 14309)

Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng (ba tập) ghi chép những sự việc xẩy ra hàng ngày trong cuộc đời của nhà văn từ 1930 đến 1960, năm ông mất. Đây là một tác phẩm văn học có giá trị cao về mặt xã hội và nhân văn, do nhà văn Nguyễn Huy Thắng, con trai Nguyễn Huy Tưởng biên soạn và nhà xuất bản Thanh Niên phát hành cuối năm 2006 tại Hà Nội. Xin mời quý vị nghe nhà văn Nguyễn Huy Thắng nói về quá trình biên soạn này.

Thụy Khuê: Thưa anh Nguyễn Huy Thắng, anh là một trong số rất ít những người con của nhà văn đã chăm sóc việc in ấn các tác phẩm của cha sau khi cha mất, một cách trọn vẹn. Có lẽ chỉ có Nguyễn Huy Tưởng và Nhất Linh là có cái may mắn này. Chúng tôi được biết là công việc này anh đã làm từ nhiều năm nay, vậy thưa anh, bắt đầu từ lúc nào anh đã nghĩ đến việc phải sắp xếp lại bản thảo và in lại nhật ký của cha anh?

Nguyễn Huy Thắng: Trước hết xin cám ơn nhận xét của chị. Tôi nghĩ không riêng gì tôi, mà con của nhiều nhà văn tôi biết, nhiều người cũng đau đáu về sự nghiệp của cha mình và cũng rất muốn làm điều này, điều nọ, để bạn đọc và công chúng hiểu thêm về cha mình. Tôi là người may mắn, gần đây biên soạn bộ nhật ký của cha tôi, cũng được nhiều người quan tâm và nhận được những lời khích lệ.

Tôi bắt đầu đọc một cách hệ thống nhật ký của cha tôi từ khi tôi có nhận thức rõ về cha mình và ý thức được trách nhiệm của mình: trước hết là phải hiểu thấu đáo về cha mình vì tôi có nỗi thiệt thòi là cha mất sớm, ông mất khi tôi mới năm tuổi. Ban đầu tôi chỉ được nghe mẹ tôi và các chị lớn kể về cha mình thôi. Từ những điều tôi biết được qua lời kể đó, tôi luôn luôn hình dung cha mình là người rất quý vợ con và đặc biệt là chăm lo cho tôi. Nỗi khát khao muốn tìm hiểu cha mình đã dẫn tôi đến ý thức trước hết tìm đọc ông qua tác phẩm, và đến một ngày nào đó, tôi bắt đầu tiếp cận những trang nhật ký của cha tôi...

Khi đọc nhật ký của cha tôi, tôi thấy toàn bộ con người ông, toàn bộ cuộc đời ông hiện lên một cách rất cụ thể, sống động. Đọc những trang nhật ký đó, tôi thấy ông là người rất thật, ông nghĩ gì thì viết ra như thế chứ không có dè dặt trong việc ghi chép riêng tư của mình. Càng đọc ông, tôi càng hiểu ông. Càng đọc ông tôi càng yêu ông, và tôi nghĩ tại sao mình không giới thiệu nhật ký của cha mình để mọi người cùng hiểu, cùng biết thêm về ông. Khi tôi bắt đầu công bố dần những trang nhật ký của cha tôi, có khi chỉ vài trang thôi, tôi nhận thấy bạn đọc đều quan tâm. Dần dần, tôi nghĩ đến việc biên soạn toàn bộ nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, thứ nhất là để tái hiện toàn bộ cuộc đời ông, thứ hai là để cha tôi hiện diện một cách trọn vẹn nhất, một cách chân thực nhất với đông đảo bạn đọc. Tất nhiên, trong quá trình biên soạn nhật ký của cha mình, tôi cũng có những khó khăn nhất định. Ví dụ như: cha tôi viết nhật ký là chỉ viết riêng cho mình thôi, nên có nhiều điều ông không viết kỹ hoặc không cần giải thích những suy nghĩ của mình. Khi biên soạn, tôi có trách nhiệm phải làm sao để mọi điều nhà văn Nguyễn Huy Tưởng ghi chép riêng cho mình, cũng phải đủ sáng tỏ với bạn đọc.

T.K.: Trong bao nhiêu năm chiến tranh như thế, làm sao mẹ anh giữ được bản thảo một cách tương đối khá trọn vẹn như vậy?

N.H.T.: Như sau này tôi được biết, mẹ tôi đã giữ lại tất cả những gì cha tôi để lại, từ những hiện vật như chiếc khăn mùi-xoa, con dao díp, nhất là chiếc bút máy Parker mà cha tôi đã viết những tác phẩm cuối cùng, và chiếc đồng hồ Omega ông dùng trong thời gian đi kháng chiến đến khi hòa bình lập lại; mẹ tôi đều giữ lại tất cả và đặc biệt mẹ tôi trân trọng những gì có bút tích của ông. Tôi hiểu ra là mẹ tôi, một cách bản năng, vì tình yêu thương của người vợ đối với chồng đã khiến bà giữ gìn tất cả những gì cha tôi để lại. Đương nhiên là mẹ tôi giữ gìn một cách rất cẩn thận những cuốn nhật ký bên cạnh những bản thảo của cha tôi. Bản thảo mẹ tôi xếp riêng ra, nhật ký thì cho vào một va-li nhỏ. Hồi đi sơ tán, mẹ tôi luôn mang theo chiếc va-li đó, bên trong đó hơn 40 tập nhật ký lớn, nhỏ và hai di vật quan trọng hơn cả là chiếc bút máy Parker và chiếc đồng hồ Oméga của cha tôi.

T.K.: Cha anh mất từ năm 1960, sau khi cha mất, mẹ anh làm sao đã có thể tự mình nuôi được ngần ấy người con?

N.H.T.: Cha tôi mất đi là một tổn thất không thể bù đắp được cho gia đình, đó là điều tôi ý thức được, đặc biệt là đối với mẹ tôi. Trong thời gian cha tôi lâm bệnh, mẹ tôi có lúc, có thể nói là đã bị hoảng loạn, rất may là nhờ bạn bè cha tôi động viên, thăm nom, giúp đỡ về vật chất và tinh thần. Tôi nghĩ là trước hết, bản năng nuôi con đã giúp cho mẹ tôi trụ lại được. Bản năng ấy, theo tôi, là yếu tố quan trọng nhất, nhưng đồng thời, sau khi cha tôi mất, nhiều tác phẩm của ông lần lượt được in ra. Số tiền nhuận bút có được, với thời giá lúc đó, là rất quan trọng đối với gia đình tôi, và mẹ tôi đã có sự hỗ trợ vật chất cần thiết. Và với bà, đó cũng chính là sự hỗ trợ tinh thần chồng mình để lại, điều này đã giúp mẹ tôi có phương tiện nuôi con, vượt qua những khó khăn tưởng như khó có thể vượt qua được.

T.K.: Thưa anh, xin hỏi anh một chút về cách anh biên tập Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng. Theo tôi được biết, lần đầu tiên cách đây khoảng 10 năm, anh đã in được một phần ba và lần này anh in toàn bộ?

N.H.T.: Nhật ký của cha tôi đã được biên soạn và công bố dần dần. Bắt đầu là những trang nhật ký in trên các báo. Đến năm 1996, khi nhà xuất bản Văn Học làm Toàn tập Nguyễn Huy Tưởng, giám đốc nhà xuất bản khi đó là nhà thơ Lữ Huy Nguyên, đã ý thức rằng nhật ký Nguyễn Huy Tưởng là một bộ phận cấu thành trong di sản của nhà văn. Hồi đó, theo phân bố của nhà xuất bản, toàn tập của cha tôi gồm 5 tập và nhật ký sẽ đưa vào tập 5. Với phân bố như thế, tôi đã chọn ra khoảng 350 trang nhật ký để công bố. Sau khi toàn tập của cha tôi ra đời, tôi nhận thấy bạn đọc đặc biệt quan tâm đến tập 5. Về tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, thì những người yêu văn học họ đã đọc rồi; nhưng đây là lần đầu tiên những trang nhật ký của ông được công bố khá hệ thống; đó là một điều mới mẻ và nhiều người đã tìm đọc tập 5 với 350 trang nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.

Đến năm 2006, khi đã có thể công bố nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng một cách rộng rãi hơn, tôi đặt ra phương châm là sẽ công bố toàn bộ nhật ký của cha tôi tới mức tối đa. Như chị cũng biết, một tác phẩm văn học - tôi quan niệm nhật ký Nguyễn Huy Tưởng là một tác phẩm văn học - khi ra đời cũng phải được xem đi xem lại, viết đi viết lại, huống chi là nhật ký của cha tôi, trước hết là viết cho mình. Ông mất đi để lại những trang nhật ký đó, tôi là người được thừa hưởng di sản tinh thần của cha tôi và có trách nhiệm công bố nhật ký của ông; đương nhiên tôi cũng phải làm việc giống như sự thao tác của nhà văn, tức là phải biên soạn cẩn thận, kỹ lưỡng, sao cho nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đem lại cho bạn đọc những thông tin bổ ích nhất, những điều thực sự là quan thiết đối với đời sống tinh thần, với chân dung nhà văn.

T.K.: Thưa anh, trong lần in này chắc cũng có những chỗ anh cắt bỏ, vậy anh dựa theo tiêu chuẩn nào để quyết định đoạn nào cắt bỏ, đoạn nào giữ lại?

N.H.T.: Những đoạn tôi không đưa vào có mấy dạng như thế này: Thứ nhất là những sự lặp lại, có khi là chuyện cơm áo gạo tiền thôi, nhưng lúc đó rất hệ trọng đối với cha tôi và ông đã trở đi trở lại; trong trường hợp này, tôi chỉ chọn lấy một đôi lần ông đề cập đến vấn đề đó thôi. Thứ hai, có rất nhiều chuyện riêng tư của cha tôi, chuyện riêng tư trong đời sống vợ chồng của hai ông bà; những chuyện riêng tư, nếu nó giúp soi sáng thêm đời sống tinh thần của nhà văn thì vẫn có thể công bố, nhưng nếu chỉ thuần túy… chuyện buồng the chẳng hạn thì tôi không đưa vào. Ngoài ra, có thể lúc sinh thời cha tôi viết về một chuyện gì đó, hay nhận xét về ai đó, cha tôi viết rất chân thành, viết rất thật những suy nghĩ của mình, nhưng bây giờ người đó không còn nữa và cả hai ông đều đã mất rồi; những nhận xét đó nếu in ra, tôi e rằng sẽ mang tính chủ quan từ một phía; trong trường hợp này, nếu là chuyện tế nhị có thể gây cho người đọc hiểu đây là tiếng nói một chiều, thì tôi không đưa vào.

T.K.: Thưa anh, theo tôi thì ba nhà văn Tố Hữu, Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Đình Thi là ba người đã theo cách mạng từ đầu đến cuối nhưng riêng chỉ có nhà văn Nguyễn Huy Tưởng là giữ được nhân cách nhà văn của mình trong suốt giai đoạn Nhân Văn Giai Phẩm, và cũng qua nhật ký chúng ta có thể hiểu rõ con người Nguyễn Huy Tưởng qua những gì ông viết về Nguyễn Hữu Đang, về Lê Đạt và cũng biết là ông không đồng ý với Tố Hữu và Nguyễn Đình Thi, vậy xin hỏi anh là khi biên tập bộ nhật ký này, có phải vì mối ân tình với các nhà văn Tố Hữu và Nguyễn Đình Thi mà anh đã cắt bỏ những đoạn mà cha anh chỉ trích họ?

N.H.T.: Trước hết, những nhà văn, nhà thơ mà chị vừa nhắc đến như nhà thơ Tố Hữu, nhà văn Nguyễn Đình Thi, hay nhà thơ Lê Đạt hoặc bác Nguyễn Hữu Đang là những người tôi rất kính trọng và tôi hiểu là cha tôi cũng rất quý trọng và rất thân thiết nữa. Trong nhật ký của cha tôi, tôi nghĩ là cha tôi đã dành những lời rất tốt đẹp cho những người bạn thân của mình, những người bạn, người đồng chí của ông. Tôi vẫn nhớ câu cha tôi viết về nhà thơ Tố Hữu trong kháng chiến như thế này: «Nghĩ đến Tố Hữu, rực rỡ như vàng, như ánh sáng.» Tôi nghĩ lúc đó nhà thơ Tố Hữu đã có ảnh hưởng rất mạnh đối với cha tôi. Hay có lần, cũng trong kháng chiến, cha tôi đi công tác về thì nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã đầu quân. Cha tôi có viết: «Thi đi bộ đội rồi. Bàng hoàng nhớ Thi.» Tôi biết là cha tôi đã có mối quan hệ rất gắn bó với nhà thơ Tố Hữu, nhà văn Nguyễn Đình Thi. Còn với bác Nguyễn Hữu Đang, cha tôi cũng rất thân và gắn bó suốt một quãng đường dài. Tuy nhiên hai ông chưa hẳn lúc nào cũng hiểu nhau hoặc như người ta hay nói là nhất trí với nhau đâu. Bác Nguyễn Hữu Đang là người rất sắc sảo, nhiều khi bác nói với cha tôi rất thẳng thắn, có nhiều ý kiến phản biện chứ không phải là không đâu. Tôi nghĩ các ông là những con người của lịch sử, và các ông cũng đã rất sòng phẳng với nhau, rất thẳng thắn với nhau trong cuộc đời cũng như trong công tác. Còn việc biên soạn nhật ký của cha tôi, như tôi đã nói ở trên, tôi có nguyên tắc là trong những trường hợp cha tôi có những nhận xét liên quan đến một người khác mà người đó đã mất rồi, tôi cho rằng sẽ không thỏa đáng nếu để cha tôi có những phán xét trái chiều với người thiên cổ. Tôi nghĩ các ông đều đã mất rồi, bây giờ chỉ một người nói về người kia, mà không có sự trao đổi, không có sự phản bác lại thì tôi cho rằng như thế là không thỏa đáng. Chính vì vậy mà trong một số trường hợp, tôi không đưa vào trong ba tập nhật ký được công bố.

T.K.: Xin anh một câu hỏi chót là theo anh, tại sao cha anh viết nhật ký?

N.H.T.: Bác Lưu Văn Lợi là một người bạn thân của cha tôi, người bạn chí cốt của cha tôi từ thời đèn sách ở Hải Phòng, những năm 30; bác Lưu Văn Lợi có nhận xét về cha tôi thế này: "Anh Tưởng là người vụng ăn nói, vụng ứng xử." Đọc nhật ký của cha tôi thì thấy cha tôi hay băn khoăn với khả năng phát biểu của mình. Nhiều lần trong các cuộc họp, cha tôi, với trách nhiệm của mình phải có ý kiến, phải phát biểu. Nhưng thường cha tôi không hài lòng về khả năng "hùng biện" của mình, thậm chí có thể nói ông đã rất khổ tâm về khả năng ăn nói của mình. Tôi nghĩ chính vì sự hạn chế khả năng ăn nói mà cha tôi tìm cách tự giãi bày mình trong nhật ký.

T.K.: Xin thành thật cảm ơn anh Nguyễn Huy Thắng.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
26 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 16692)
Ly Hoàng Ly là khuôn mặt đầu tiên, trong số những khuôn mặt văn nghệ trẻ xuất hiện những năm gần đây, đang tự xác định mình qua tác phẩm nghệ thuật, mà chúng tôi giới thiệu.
26 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 14287)
Đỗ Hoàng Diệu sinh ngày 5/2/ 1976 tại Thanh Hoá, đỗ cử nhân luật và cử nhân báo chí. Làm việc tại Hà Nội. Xuất hiện lần đầu trên văn đàn hải ngoại với truyện ngắn Tình chuột, in trên Hợp Lưu số 74 (tháng 12/2003- 1/2004), rồi liên tiếp: Những sợi tóc màu tang lễ (HL 75), Cô gái điếm và năm người đàn ông (HL 76), Bóng đè (HL 78), Dòng sông hủi (HL 80) và Vu quy (HL 82).
26 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 14060)
Lúc bấy giờ tôi cũng ở quân đội về tiếp quản thủ đô, tôi phụ trách một đoàn văn công. Lúc bấy giờ văn công quân đội chia làm ba đoàn: Thủ đô, Khu ba và Khu bốn. Tôi phụ trách đoàn 1, về tiếp quản Hà Nội. Trong giai đoạn đầu cuộc tiếp quản thủ đô -độ 3 tháng- thì lúc bấy giờ việc làm thơ của tôi cũng không tiến hành được bao nhiêu, bởi vì công việc của đoàn văn công choán khá nhiều thời giờ. Nhưng đến Tết, cái Tết năm 1955 sang 1956, tôi và anh Lê Đạt bàn nhau là bây giờ ta phải tiến hành một cuộc đổi mới thơ đi
26 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 12407)
Dự định tìm lại dấu vết phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, đã đến với chúng tôi từ cuối năm 1984, khi trở lại lần đầu, sau 30 năm xa Hà Nội. 1984, lúc ấy tôi chưa hề cầm bút, và 1954, khi rời Hà Nội, tôi mới lên mười. Như phần lớn học sinh miền Nam, tôi đã thuộc lòng, không chỉ những câu thơ nổi tiếng của Trần Dần
26 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 15087)
Thực tế gần như bất biến là chính sách văn hóa của nhà nước, một chính sách vẫn còn ngăn cấm tự do tư tưởng và sáng tác. Vì thực tế ấy, những người muốn tìm hiểu về sáng tác thơ trong nước gặp khó khăn. Tôi hình dung đó là một tảng băng thạch, chúng ta chỉ thấy được phần nổi. Thỉnh thoảng chúng ta đọc được một tập thơ của Đặng Đình Hưng, hay gần đây thơ Phùng Cung hoặc nhật ký Trần Dần vừa được công bố, ngoài ra còn biết bao tác phẩm hay khác vẫn còn nằm trong bóng tối.
26 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 11879)
Trong các tài liệu chính thức, lớp đấu tranh Thái Hà được gọi là hội nghị: "Đầu năm 1958, có hai cuộc hội nghị của anh chị em công tác văn nghệ, nghiên cứu nghị quyết của Bộ chính trị Ban chấp hành trung ương đảng Cộng Sản Việt nam, kết hợp với hai bản tuyên ngôn và tuyên bố của hội nghị các đảng Cộng Sản và các đảng công nhân họp ở Mạc Tư Khoa, cuối năm 1957. Hội nghị đầu, tháng 2 năm 1958, gồm có 172 người dự. Hội nghị sau, tháng 3 năm 1958, gồm có 304 người dự.
25 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 13017)
Tôi có một người bạn mà anh ta làm cán bộ cao cấp trong chính quyền hẳn hoi, anh ta nói với tôi cứ mỗi buổi chiều, sau khi tan sở hoà mình vào phố phường đông đúc của Hà Nội, anh lại thấy cô đơn, lạc lõng khủng khiếp. Và có lúc cô đơn đến cùng cực, anh ta đã tìm đến cái chết.
24 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 11411)
Trong một bài in trên Đông Pháp Thời báo, số ra ngày 1/9/1928 giữa thời Pháp thuộc, Phan Khôi viết: “Ở vào thế kỷ XX là thế kỷ mà thiên hạ làm phách hô lớn lên hai chữ tự do, nói rằng đâu đâu cũng phải tôn trọng sự tự do, đâu đâu cũng phải tôn trọng quyền ngôn luận, quyền xuất bản. Bỗng dưng nghe đến hai chữ “cấm sách” thì há chẳng phải là một sự lạ hay sao.
21 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 12963)
Đêm giao thừa Bính Tuất chúng tôi có dịp nói chuyện văn nghệ tản mạn với nhà thơ Lê Đạt, và như thường lệ, nhà thơ luôn luôn có những ý kiến độc đáo, những kinh nghiệm thực tiễn, những nhận định sâu sắc về tình hình văn học nói chung và những người viết trẻ nói riêng. Chúng tôi ghi lại buổi nói truyện này (đã phát thanh trên đài RFI ngày, 28/1/2006) để gửi đến bạn đọc Hợp Lưu.