- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Nói Chuyện Với Ly Hoàng Ly

26 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 16681)

lyhoangly_0_147x300_1Ly Hoàng Ly là khuôn mặt đầu tiên, trong số những khuôn mặt văn nghệ trẻ xuất hiện những năm gần đây, đang tự xác định mình qua tác phẩm nghệ thuật, mà chúng tôi giới thiệu.

Ly Hoàng Ly tên thật là Hoàng Ly, sinh ngày 15/12/ 1975 tại Hà Nội, hiện sống tại Sài Gòn. 1999, in tập thơ đầu tiên Cỏ Trắng (nhà xuất bản Hội Nhà Văn), Cỏ Trắng tuy được nhiều giải thưởng nhưng thơ vẫn còn non. Đến 2005 có tập Lô Lô (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn). Lô Lô mới thực sự xác định phong cách của Ly Hoàng Ly. Vừa làm thơ, vừa là nghệ sĩ tạo hình, Hoàng Ly xông xáo trong nhiều ngành nghệ thuật tiên phong như nghệ thuật Sắp đặt Installation, nghệ thuật Trình diễn Performance... Trong câu truyện hôm nay, Ly Hoàng Ly nói về kinh nghiệm tự học tự tìm kiếm của mình trong các điạ hạt mới nhất của nghệ thuật hiện đại mà ít người thực sự bước vào.

 

Thụy Khuê: Trước hết xin Ly Hoàng Ly cho biết đã bước vào địa hạt thơ và nghệ thuật tạo hình theo một con đường như thế nào?

Ly Hoàng Ly: Đầu tiên Ly tốt nghiệp Đại học mỹ thuật, chuyên ngành sơn dầu. Mặc dù ở Việt Nam, những thông tin về mỹ thuật đương đại thời gian đó rất ít nhưng Ly có may mắn là trong lúc đang học đại học, Ly cũng được xem và đọc một số báo và biết qua những tác phẩm về Installation art của một số họa sĩ ngoài Hà Nội và một vài họa sĩ trên thế giới. Thật ra thì cái hiểu biết của Ly về Intallation art lúc đó chẳng ra gì hết, là số không, nhưng tự nhiên nó kích thích trí tò mò của mình là điều thứ nhất, thứ hai, nó làm cho Ly cảm thấy rất hứng khởi và Ly phát hiện ra rằng ngoài việc chuyển tải những thông điệp của mình bằng cọ và màu trên toile, thì còn có những hình thức khác để chuyển tải, đa dạng hơn, phong phú hơn. Khi ra ngoài không gian đa chiều như thế thì rất thú vị, và Ly bắt đầu mày mò làm những Installation rất nhỏ, bây giờ nhìn lại thì trông rất ngô nghê nhưng vì Ly làm bằng tất cả sự tìm tòi và yêu thích của mình. Ly làm cái installation lớn nhất của Ly cho tới bây giờ là tác phẩm Thác mâm năm 2000. Càng đi sâu vào nghệ thuật blankInstallation Art, tư tưởng của mình càng ngày càng mở rộng ra và tiếp thu thêm một hình thức mới nữa để thể hiện nghệ thuật, đó là Performance Art; Ly càng bị cuốn hút và càng bị cuốn vào thì mình thấy giống như đang bơi vậy, Ly vừa mê lại vừa bơi lội trong đó nhưng Ly không sợ, tại vì mình thích cho nên mình làm bằng tất cả kiến thức và đam mê của mình. Những gì chưa biết thì Ly cố gắng tìm hiểu, tìm mọi điều kiện để có thể có thêm kinh nghiệm, có thêm thông tin về loại nghệ thuật đó, để có thể sử dụng nó trong tác phẩm của mình.

 

T.K.: Lần đầu tiên Ly triển lãm nghệ thuật Sắp đặt ở đâu và trong hoàn cảnh nào?

L.H.L.: Ly bắt đầu làm Installation art từ năm 1996, 95 hay 96 gì đó, Ly không nhớ rõ. Lúc đó chỉ là một tác phẩm rất bé, qua một gallery tại Sài Gòn. Ly thành thật biết ơn chủ nhân của gallery đó, bởi vì họ đã cho Ly cơ hội để đến với nghành nghệ thuật này. Chuyện cũng rất đơn giản thôi: một tổ chức bên Mỹ có idea dùng những hộp gỗ nhỏ xíu, bằng bàn tay, đem phân phát cho các nữ họa sĩ trên toàn thế giới, và từ hộp gỗ đó mỗi người sẽ tự phát triển thành một ý tưởng nghệ thuật của mình, nghiã là làm thành một tác phẩm gì đó, thì người ta gọi là đó Installation.

Lúc đó Ly chả hiểu Installation là gì, chỉ biết tiếp nhận một cái hộp gỗ, và cố gắng làm ra một cái gì "nghệ thuật" của mình, chứ không vẽ trên toile nữa. Ly rất thích và Ly làm tác phẩm đầu tiên, lấy cảm hứng từ chiến tranh Bosnia. Lúc đó có một chuyện tình nổi cộm của một Roméo và Juilliette hiện đại, gây cho Ly xúc động khủng khiếp và Ly đã biến cái hộp gỗ đó thành một "quan tài của tình yêu". Tác phẩm đầu tiên rất đơn giản như vậy. Sau đó Ly có một triển lãm cá nhân. Ngoài những tranh treo, còn có những tác phẩm vẽ trên gốm và Ly cũng có ý không trưng những tác phẩm gốm đó một cách bình thường như trưng bày các tác phẩm tranh vẽ trên gốm nữa, mà Ly kết hợp tất cả các tác phẩm gốm đó trở thành một cái Sắp đặt, lúc đó Ly chỉ làm một cách rất bản năng thôi. Đó là bước thứ hai, năm 1998. Sau này Ly làm nhiều hơn.

T.K.: Còn nghệ thuật Trình diễn Performance, Ly bắt đầu từ năm nào? Có phải từ khi sang Mỹ không?

L.H.L.: Ly bắt đầu Performance Art từ năm 2000. Năm 2000 thì hiểu biết của Ly về Performance Art đến từ một họa sĩ Nhật, giám đốc Nippon International Festival Performance Art gọi tắt là NIFART. Ông giám đốc đó đã đến Việt Nam và có một seminar về Performance art. Galery Không Gian Xanh, lúc đó là một gallery về nghệ thuật đương đại duy nhất tại Sài Gòn đã tổ chức buổi seminar đó với ông giám đốc người Nhật và một số họa sĩ trẻ của Sài Gòn, trong đó Ly, cũng đến tham dự. Lần đầu tiên, Ly lại thấy thêm có một hình thức khác nữa để thể hiện nghệ thuật của mình bằng cái gọi là body art, happening art, performance art. Đối với Ly lúc ấy, những cái đó như những luồng kiến thức, những concept mới, rất lộn xộn chạy qua đầu. Có thể với những người khác, họ nhìn, họ thấy bình thường thôi, không có gì cả, nhưng với Ly không hiểu sao Ly lại rất thích, nó kích thích trí tò mò của Ly. Qua buổi đó, Ly bắt đầu tìm hiểu và lẽ dĩ nhiên là thấy nó phải hợp với mình thì Ly mới bắt tay vào làm. Khi làm thì có nhiều vấp váp ban đầu, vì mình tự học, tự làm, tự nghiên cứu thôi. Ở Mỹ có các trường đại học Mỹ thuật, các khoa về Performance art, Installation art, còn nước mình thì làm gì có, thậm chí sách vở thì cũng cực kỳ hiếm, có thể vì thế cho nên những tác phẩm của Ly mang chất bản năng và sự say mê nhiều hơn, cho nên nó có cái thú vị riêng. Sau này, Ly có dịp đi một số nước, thấy nhiều tác phẩm khác, Ly mới phát hiện ra những idea của mình làm hồi ấy, người ta đã làm cách đây rất lâu rồi. Cho nên nếu ngay từ đầu mà mình biết nhiều quá, chưa chắc mình đã làm được.

T.K.: Người xem và người đọc Ly có cảm tưởng là Ly Hoàng Ly không những đã đi vào những con đường tiên phong của nghệ thuật hiện nay mà dường như là Ly Hoàng Ly đã tìm thấy mối giao hòa giữa các ngành nghệ thuật, có đúng như vậy không?

L.H.L.: Điều đó rất chính xác bởi vì, thí dụ như lúc trước, khi Ly chưa làm Installation và Performance art, thì trong thơ của Ly một số người cũng nhận xét là có rất nhiều hình ảnh của tranh, của hội họa, màu sắc, đường nét. Đến khi Ly tiếp tục con đường đi qua hình thức nghệ thuật đương đại Installation, Performance art, thì tất nhiên những thứ đó cũng ảnh hưởng và tạo cảm hứng rất nhiều khi Ly làm thơ. Người ta thường phân biệt rõ như thế này mới là hội họa, như thế kia mới là thơ, nhưng đối với Ly cho đến nay, Ly không quan trọng chuyện đó nhiều nữa mà Ly cho rằng: Người nghệ sĩ làm nên tác phẩm gì và tác phẩm ấy như thế nào? Mình có làm được điều mình suy nghĩ, mình cảm xúc về nó hay không? Còn ai muốn gọi nó là gì cũng được, Ly chẳng quan tâm. Thí dụ như khi làm thơ thì dĩ nhiên nó xuất phát từ những con chữ, nhưng con người Ly lúc đó đầy hình ảnh về Installation, Performance art, những suy nghĩ về nó, chắc chắn không cần phải cố tình gì cả, tự nó bật ra thôi. Ly nghĩ ngay cả trong Installation art, Performance art của Ly nó cũng có mang cái tinh thần gì đó về thơ của mình, nhưng Ly cũng chẳng bận tâm. Bây giờ ngồi phân tích thì Ly nghĩ như thế nhưng khi sáng tác thì Ly chẳng để ý đến chuyện đó, cứ tự nó tuôn ra vậy thôi.

T.K.: Nghệ thuật trình diễn thơ cũng là một nghệ thuật rất mới, Ly Hoàng Ly đã tiếp nhận được cái mới này trong hoàn cảnh nào?

L.H.L.: Hình thức Performnace Art kết hợp với thơ mà người ta gọi mà Poetry Performance, Ly được biết lần đầu tiên khi tham dự Mekong project. Đó là một workshop kéo dài ba tuần tại Chiengmai và Luangprabang, kết hợp và tập họp những người làm nghệ thuật trong các lãnh vực khác nhau từ múa đương đại, đến rối, rồi họa sĩ, Installation, nhà thơ v.v.... Trong cuộc làm việc chung đó, Ly gặp một chị vừa là họa sĩ, vừa là poetry performance artist, chị đã thể hiện các tác phẩm poetry performance của mình rất mãnh liệt. Qua lần đó Ly mới biết được là có một hình thức mới nữa là Poetry Performance. Dĩ nhiên chị họa sĩ đó từ Chicago sang, chị ấy có một đường lối riêng của mình, sau đó Ly tìm hiểu thêm và thấy có rất nhiều cách để thể hiện thơ bằng hình thức Performance art và mỗi người đều có một cách thể hiện rất khác nhau. Điều đó làm Ly rất thú vị vì Ly đang thích kết hợp các loại hình nghệ thuật lại thành một tác phẩm. Đối với Ly đó là thêm một luồng thông tin và một phương tiện để tạo ra tác phẩm, Ly rất thích.

T.K.: Tháng 11 năm 2005, Ly Hoàng Ly đã qua Paris dự Liên hoan quốc tế các nhà thơ tại Val de Marne, Liên hoan quốc tế này đã đem lại cho Ly những kinh nghiệm gì về những cách thể hiện nghệ thuật tiên phong này?

L.H.L.: Nhân dịp qua Paris dự Liên hoan thơ này, Ly cũng được tiếp xúc với những hình thức Poetry performance khác nữa của các nghệ sĩ Pháp và mỗi người cũng có một cách khác nhau, kết hợp cả video art nữa. Tức là nhà thơ không chỉ đọc thơ bình thường trước công chúng mà trước đó anh hay chị ta đã thu âm lời nói của mình, hoặc những đoạn thơ của mình vào băng để tạo nên những hiệu ứng, hiệu ứng mềm rất đặc biệt. Những âm thanh đó, có thể lúc to, lúc nhỏ, lúc phát tán, lúc loang đi, sấp chồng lên nhau, tạo nên những cảm hứng rất đặc biệt và khi anh ta đọc thơ, có thể không đọc hết một bài mà chỉ đọc từng phần nào đó và những phần còn lại anh ta bật băng, nhưng chúng kết hợp với nhau rất nhuần nhuyễn. Có khi cái băng bật lên cùng một lúc với giọng nhà thơ đọc thơ, cộng với ánh sáng, tạo hiệu ứng cho người thưởng ngoạn -ví dụ như Ly, mặc dù Ly không biết một chữ tiếng Pháp, không hiểu gì cả- nhưng về cảm xúc, thì Ly có thể theo được cái cảm xúc của nhà thơ không chỉ qua giọng đọc thơ của anh ta mà còn qua những hiệu ứng về âm thanh, ánh sáng và những thể hiện nét mặt, chân tay của anh ta cũng rất đặc biệt. Điều đó khiến cho Ly xúc động và có thể cảm thấy được là anh ta muốn nói lên điều gì.

T.K.: Xin cảm ơn Ly Hoàng Ly. 

THUỴ KHUÊ
RFI 18/2/2006

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
26 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 13625)
Viên Linh, tên thật là Nguyễn Nam, quê ở Đồng Văn, Phủ Lý (Hà Nam). Rời Hà Nội ra Hải Phòng vào Sài Gòn đêm 25 tháng 12 năm 1954. Tác phẩm đầu tay: Hoá Thân , thi phẩm, 1964. Định cư tại vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn từ tháng 8.1975.
26 Tháng Mười 200812:00 SA(Xem: 14276)
Đỗ Hoàng Diệu sinh ngày 5/2/ 1976 tại Thanh Hoá, đỗ cử nhân luật và cử nhân báo chí. Làm việc tại Hà Nội. Xuất hiện lần đầu trên văn đàn hải ngoại với truyện ngắn Tình chuột, in trên Hợp Lưu số 74 (tháng 12/2003- 1/2004), rồi liên tiếp: Những sợi tóc màu tang lễ (HL 75), Cô gái điếm và năm người đàn ông (HL 76), Bóng đè (HL 78), Dòng sông hủi (HL 80) và Vu quy (HL 82).
26 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 14049)
Lúc bấy giờ tôi cũng ở quân đội về tiếp quản thủ đô, tôi phụ trách một đoàn văn công. Lúc bấy giờ văn công quân đội chia làm ba đoàn: Thủ đô, Khu ba và Khu bốn. Tôi phụ trách đoàn 1, về tiếp quản Hà Nội. Trong giai đoạn đầu cuộc tiếp quản thủ đô -độ 3 tháng- thì lúc bấy giờ việc làm thơ của tôi cũng không tiến hành được bao nhiêu, bởi vì công việc của đoàn văn công choán khá nhiều thời giờ. Nhưng đến Tết, cái Tết năm 1955 sang 1956, tôi và anh Lê Đạt bàn nhau là bây giờ ta phải tiến hành một cuộc đổi mới thơ đi
26 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 12393)
Dự định tìm lại dấu vết phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, đã đến với chúng tôi từ cuối năm 1984, khi trở lại lần đầu, sau 30 năm xa Hà Nội. 1984, lúc ấy tôi chưa hề cầm bút, và 1954, khi rời Hà Nội, tôi mới lên mười. Như phần lớn học sinh miền Nam, tôi đã thuộc lòng, không chỉ những câu thơ nổi tiếng của Trần Dần
26 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 15075)
Thực tế gần như bất biến là chính sách văn hóa của nhà nước, một chính sách vẫn còn ngăn cấm tự do tư tưởng và sáng tác. Vì thực tế ấy, những người muốn tìm hiểu về sáng tác thơ trong nước gặp khó khăn. Tôi hình dung đó là một tảng băng thạch, chúng ta chỉ thấy được phần nổi. Thỉnh thoảng chúng ta đọc được một tập thơ của Đặng Đình Hưng, hay gần đây thơ Phùng Cung hoặc nhật ký Trần Dần vừa được công bố, ngoài ra còn biết bao tác phẩm hay khác vẫn còn nằm trong bóng tối.
26 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 11868)
Trong các tài liệu chính thức, lớp đấu tranh Thái Hà được gọi là hội nghị: "Đầu năm 1958, có hai cuộc hội nghị của anh chị em công tác văn nghệ, nghiên cứu nghị quyết của Bộ chính trị Ban chấp hành trung ương đảng Cộng Sản Việt nam, kết hợp với hai bản tuyên ngôn và tuyên bố của hội nghị các đảng Cộng Sản và các đảng công nhân họp ở Mạc Tư Khoa, cuối năm 1957. Hội nghị đầu, tháng 2 năm 1958, gồm có 172 người dự. Hội nghị sau, tháng 3 năm 1958, gồm có 304 người dự.
25 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 13005)
Tôi có một người bạn mà anh ta làm cán bộ cao cấp trong chính quyền hẳn hoi, anh ta nói với tôi cứ mỗi buổi chiều, sau khi tan sở hoà mình vào phố phường đông đúc của Hà Nội, anh lại thấy cô đơn, lạc lõng khủng khiếp. Và có lúc cô đơn đến cùng cực, anh ta đã tìm đến cái chết.
24 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 11402)
Trong một bài in trên Đông Pháp Thời báo, số ra ngày 1/9/1928 giữa thời Pháp thuộc, Phan Khôi viết: “Ở vào thế kỷ XX là thế kỷ mà thiên hạ làm phách hô lớn lên hai chữ tự do, nói rằng đâu đâu cũng phải tôn trọng sự tự do, đâu đâu cũng phải tôn trọng quyền ngôn luận, quyền xuất bản. Bỗng dưng nghe đến hai chữ “cấm sách” thì há chẳng phải là một sự lạ hay sao.
21 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 12953)
Đêm giao thừa Bính Tuất chúng tôi có dịp nói chuyện văn nghệ tản mạn với nhà thơ Lê Đạt, và như thường lệ, nhà thơ luôn luôn có những ý kiến độc đáo, những kinh nghiệm thực tiễn, những nhận định sâu sắc về tình hình văn học nói chung và những người viết trẻ nói riêng. Chúng tôi ghi lại buổi nói truyện này (đã phát thanh trên đài RFI ngày, 28/1/2006) để gửi đến bạn đọc Hợp Lưu.