- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Nói Chuyện Với Vi Thùy Linh

13 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 13794)

w-hopluu93-final-110_0_300x263_1Vi Thùy Linh sinh ngày 4/4/1980 tại Hà Nội. Sau các tập thơ Khát (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 1999) và Linh (NXB Thanh Niên, 2000), cuối năm 2005, Vi Thùy Linh xuất bản tập "Đồng tử" (Văn Nghệ). Thơ trong "Đồng tử" trí tuệ, trầm lắng và lãng mạn hơn hai tập trước, một hành trình dài dường như đã xảy ra trong tâm cảm Vi Thùy Linh và hôm nay chúng tôi xin giới thiệu Vi Thùy Linh của "Đồng tử".

 

Thụy Khuê: Thân chào chị Vi Thùy Linh. Trong năm năm qua từ tập thơ Linh đến tập thơ Đồng tử chị có vẻ im hơi lặng tiếng, vậy chị đã làm những gì trong thời gian năm năm vừa qua?

Vi Thùy Linh: Trong năm năm sau tập thơ Linh, tôi bắt tay làm tập thơ mới, đó là Vili, tôi đã chạy rất nhiều nhà xuất bản khắp ba miền, nhưng cuốn sách không được cấp giấy phép mặc dù không ai trả lời lý do là gì cả. Nếu tôi không nhầm thì Cục xuất bản có một định kiến nào đó với tôi và những định kiến ấy không thể hiện bằng văn bản, không nói rõ lý do. Tôi rất bất bình và rất buồn, nhưng tự nghĩ sẽ cố gắng kiên nhẫn. Trong thời gian chờ đợi đó, tôi đã đọc, đã đi, và đã viết khá nhiều tùy bút và những bài thơ. Khi cảm thấy là mình đã đi suốt ba miền, qua hàng chục nhà xuất bản mà không được giấy phép thì tôi gác Vili lại. Tôi nghĩ chắc nó chưa có số để được ra đời chứ không phải vì nội dung của nó, vì tôi chỉ viết thơ tình và khát vọng tự do của tinh thần.

T.K.: Như vậy sau khi Vili không được in, chị bắt tay viết Đồng tử, xin chị cho biết đó là thời điểm nào?

V.T.L.: Tôi bắt tay làm Đồng tử thực ra từ cuối năm 2003. Sau khi đi Pháp về tôi có động lực rất mạnh để làm Đồng tử. Đồng tử có nghĩa là con ngươi của tình yêu, con mắt của tình yêu. Con mắt mình được mở rộng ra sau chuyến đi Pháp về, chuyến đi nó tác động lớn đến tinh thần và suy nghĩ của tôi, tôi có thể làm việc với tinh thần tự tin hơn trước rất nhiều; ngoài ra tôi cũng phải kiếm sống bằng viết báo và làm một số công việc liên quan đến chữ nghĩa để có tiền sinh sống cũng như tìm kiếm tài trợ. Tuy những việc ấy không thuộc về sở trường của những người làm thơ trẻ, nhưng chúng tôi vẫn phải làm như vậy: rất nhiều năm qua chúng tôi thường phải bỏ tiền túi ra in sách cũng như thực hiện các chi phí xuất bản. Bởi vì những việc liên quan đến xuất bản khá tốn kém, chúng tôi chưa bao giờ được một sự tài trợ nào của Hội Nhà Văn. Những tài trợ là do tôi xin được qua quan hệ xã hội. Và mỗi khi làm xong một quyển sách, tôi cảm thấy hết sức sung sướng nhưng cũng vô cùng mệt mỏi thể xác và cả tinh thần nữa. Thực ra, tư duy xuất bản ở Việt Nam hiện nay chưa đổi mới lắm, trong việc biên tập cũng như đánh giá, thường họ không tìm kiếm cái hay mà họ chỉ xem có đụng chạm đến vấn đề gì không. Tất cả những điều đó khiến mình cảm thấy mệt.

T.K.: Có thể nói rằng thơ trong tập Đồng tử khó hiểu hơn là thơ trong những tập trước, và hẳn là có ít người đọc hơn, vậy đó là sự lựa chọn có chủ đích hay tự nhiên ngòi bút của chị cứ viết ra như thế?

V.T.L.: Đấy là sự lựa chọn có chủ đích của tôi. Ở Việt Nam hiện nay đang lạm phát về truyện hài, kịch hài, sân khấu hài và các nghệ sĩ phất lên rất nhanh bởi vì họ cung cấp, đáp ứng đúng thị hiếu nhất thời. Dân chúng đang thích cười, thích hài, thì họ biểu diễn hài ngay, vì vậy rất nhiều nghệ sĩ hài xây nhà lầu, mua xe hơi. Nhưng tôi không chiều theo thị hiếu như thế, nếu ai cảm thấy tôi khó đọc thì cứ đi tìm người dễ. Thời kỳ, thế hệ của tôi đã khác với thời kỳ, thế hệ của Phan Thị Thanh Nhàn, giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay/ cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm, còn tôi bao giờ cũng trực tiếp tỏ tình, trực tiếp nhìn nhận, trực tiếp đối diện, và với sự mãnh liệt bởi tôi cho rằng trong nghệ thuật cần nhất mình dám là mình, và mình phải là mình. Dấu ấn cá nhân trong nghệ thuật là điều hết sức quan trọng, tôi như thế nào thì tôi phải viết đúng như thế, không thể viết hiền đi để chọn sự an toàn hay viết chung chung, lẫn trong muôn vàn người khác.

T.K.: Nhưng trong tập Đồng tử này, chị viết có hiền lành hơn những tập trước, vậy xin chị cho biết vì lý do gì, có phải do một áp lực nào đó hay không?

V.T.L.: Nếu như Cao Hành Kiện nói trong Linh Sơn rằng ngọn núi lớn nhất, khó vượt nhất là ngọn núi ở trong mình, tôi không muốn bị lãng quên, không muốn bị đào thải, không gì khác là tôi phải vượt qua mình, thay đổi mình. Nữ tính của tôi trong những tập thơ trước mang nhiều dấu vết của bản thân, của bản năng. Bản năng nghĩa là bộc trực, còn khi mình đã là một cô gái trưởng thành (cô gái 25 tuổi khác với cô gái 20 tuổi) sự chín chắn, trải nghiệm cũng giống như một lớp văn hóa khác, tri thức khác đã gây dấu ấn trong trí tuệ của mình rồi, thì mình sẽ chọn cách biểu hiện, để nữ tính kéo dần ra như một bức màn, để mọi người thấy rằng nữ tính của mình không phải chỉ như Linh và Khát, nó sâu sắc hơn, đằm thắm hơn, nó lộ dần ra để hoàn thiện chính nó.

Tôi muốn nói thẳng là tôi làm việc 11 năm qua, không bao giờ sợ hãi bất cứ một sự thách đố, một sự ngăn trở nếu có, hoặc một sự áp chế nào. Bởi vì tôi biết, có một số người, khá đông, cầm bút hay làm phim ở Việt Nam, họ thường tự biên tập, họ tự, tự sợ trước khi gặp hội đồng duyệt, tức là, thí dụ có một cảnh nóng, họ tự cắt đi vì họ sợ đến gặp hội đồng duyệt, hội đồng duyệt xem sẽ cắt, hoặc tự họ cắt những câu ấy ra khỏi văn bản, thì tôi không bao giờ là mù như thế. Tôi sáng tác hết sức tự do và tôi không hề sợ bất cứ một ông bà xét duyệt nào cả bởi vì bản thân mình là tiếng nói của tình yêu, của khát vọng tự do, nghệ thuật. Cái tự do ấy là tinh thần của tôi và tôi không bị ảnh hưởng của bất cứ một thế lực nào hết.

T.K.: Khi Vi Thùy Linh đưa tập Đồng tử ra in, thì chị có bị trở lực gì không?

V.T.L.: Về tập Đồng tử, khi tôi làm việc với nhà xuất bản Văn Nghệ, mọi việc cũng không thể như ý mình 100%, bởi vì biên tập họ có quyền của họ, họ đòi cắt bỏ bài này, câu khác. Những việc ấy thực ra tôi đã được rèn luyện qua, vì đây là cuốn sách thứ ba rồi, tôi cũng biết những chuyện ấy. Có lúc căng thẳng quá, tôi phát khóc vì mệt nhọc. Rồi còn rất nhiều việc khác phải lo và đến khi đối diện với cả ba biên tập, cả giám đốc, phó giám đốc, biên tập viên, một mình mình phải đối diện, thậm chí phải chống chọi, phải giãi bày, phải níu giữ, phải gạn lọc, vì nếu cứ nghe lời biên tập -không phải với riêng tôi mà với tất cả mọi người nói chung- thì có lẽ là tập thơ không còn là của mình nữa.

Tôi nói với họ rằng điều cuối cùng là vươn tới một tác phẩm mang dấu ấn cá nhân của mỗi người, nhà xuất bản không phải là một bao tải đổ ra những củ khoai giống nhau. Mình không ương bướng, không ngang ngạnh nhưng phải biết bảo vệ tác phẩm của mình, và tôi đã cố hết sức làm việc đó mặc dù rất mệt nhọc và căng thẳng. Có lúc biên tập cũng giúp cho tôi, một vài chỗ tôi chưa nhận ra là tôi chưa được tinh. Đây là lần đầu tiên tôi xuất bản với một nhà xuất bản phiá Nam, tôi thấy trong tư duy họ cũng thoáng hơn một chút so với ngoài Bắc, nhưng vẫn chưa thực sự có một cái gì đó là mới và ưu ái với các tác giả trẻ. Chưa có.

T.K.: Chị đã đi theo con đường tìm kiếm và học tập như thế nào, bởi vì Vi Thùy Linh trong Đồng tử là một Vi Thùy Linh khác hẳn với Vi Thùy Linh trong những tập thơ trước? Vậy đâu mới đúng là Vi Thùy Linh, theo ý chị?

V.T.L.: Vi Thùy Linh trong Đồng tử chính là Vi Thùy Linh mà tôi muốn là mình của thời điểm này và dần hoàn thiện về sau. Bởi vì những cảm xúc bộc trực, bản năng, thậm chí yếu đuối, ở những tập trước, không thể là một lượng của cải, một lượng vốn để đi dài. Tôi đã thấy, đã chứng kiến nhiều nhà văn, nhà thơ ở Việt Nam, có sự nghiệp chỉ là một bài, một truyện ngắn, một bài thơ hoặc một tiểu thuyết. Tôi nghĩ đấy không phải là điều đáng tự hào. Tôi rất ngưỡng mộ những người mà lượng tác phẩm họ lớn, nhiều và đa dạng như Marquez hay Balzac chẳng hạn. Tôi thấy rằng, muốn nói gì thì nói, một lượng tác phẩm đồ sộ bao giờ cũng phản ánh một tài năng và một sức sáng tác phong phú, phong nhiêu và điều ấy thì không bao giờ do bản năng. Nếu mình chỉ khai thác bản năng và năng khiếu thì nó sẽ cạn, sẽ hết.

Tôi xác định là tôi chọn đi theo con đường chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp trong ý thức tức là chấp nhận tất cả mọi khó khăn, trở ngại. Chuyên nghiệp trong làm việc, nghĩa là đã đặt ra mục tiêu gì thì phải cố gắng. Và chuyên nghiệp trong sự học, nghĩa là phải đọc không ngừng, xem nghệ thuật trong tất cả mọi hình thức, mà trong đó niềm say mê của tôi là thưởng thức văn học và xem phim Pháp. Nếu như 11 năm qua tôi vẫn may mắn được coi như một trong những nhà thơ trẻ, vẫn tiếp tục làm thơ trong khi có rất nhiều người đã bỏ cuộc, là bởi chính cái ý thức nạp vốn sống và tri thức từ rất nhiều nguồn, từ du lịch, học, đọc, đó. Thực ra trong sâu thẳm thì điều ấy chỉ là tình yêu cuộc sống và tình yêu nghệ thuật.

T.K.: Chị vẫn sáng tác rất nhanh, phải không?

V.T.L.: Vâng. Trước kia, khi viết một bài thơ hay một tùy bút, khi cảm xúc đến, tôi thường thể hiện nó ra giấy ngay và sau đó sửa chữa. Bây giờ, khi cảm xúc đến, đầu tiên là tôi nghĩ đến việc triển khai bằng ngôn ngữ và hình ảnh gì, vì mình không thể lập lại bản thân và càng không thể nạp đúc người khác. Cho nên khi mơ hồ thấy là câu này đã đọc ở đâu đó, tôi loại bỏ ngay. Việc sáng tác bây giờ khó hơn trước đây, bởi vì mình đôi khi cũng bị -tôi có câu thơ: niềm tin thất tán và hành trình tối tăm mặt người- nhiều điều làm mình bị tổn thương và xâm hại nhất định, làm tôi không còn hồn nhiên như trước, để có thể ào ra một cách tự nhiên, mà bây giờ mình gạn lọc hơn, triển khai theo một cấu trúc mà mình biết. Tất nhiên cũng có lúc nó vượt biên, nó vỡ đập tràn do cảm xúc. Nhưng bây giờ nhịp điệu viết, tốc độ viết chậm hơn trước.

T.K.: Chị có thể cho biết cái động lực chính đã thúc đẩy chị làm thơ và làm văn hay không?

V.T.L.: Người ta nói bí mật là điều phải giấu đi, nhưng tôi thường công khai bí mật của mình, đó là tôi không thể viết được khi tôi không được yêu và đang yêu. Tôi luôn phải viết trong tình trạng được yêu và đang yêu. Tình yêu cho tôi một xúc cảm rất lớn, một động lực. Bây giờ tôi còn có cả tình yêu của độc giả vì tôi nhận thấy rằng bất chấp mọi đồn thổi, mọi tranh cãi, mọi tai họa, mọi oan uổng, đối với tôi, thì tôi vẫn có một lượng độc giả hết sức ổn định, họ cổ vũ tôi và tôi thường cắt giấc ngủ của mình để viết; như tôi đã viết rằng tôi tận lực tham ô tuổi trẻ. Ở đất nước của tôi, hiện nay tình trạng tham nhũng đang bị báo động đỏ, nhưng nếu tôi có tham ô, tham nhũng thì tôi chỉ tham ô chính mình thôi. Đấy là tuổi trẻ. Và một trong những khát vọng lớn trong tình yêu thơ của tôi là tình yêu trong thơ tôi bây giờ không còn là tình yêu lứa đôi trai gái nữa, mà là tình yêu sự sống.

Động lực để thể hiện tình yêu ấy và tinh thần biểu lộ trong tình yêu ấy là khát vọng tự do. Khát vọng tự do là một trong những dấu ấn xuyên suốt những tác phẩm của tôi, và tiếp tục sau này, kể cả viết thơ cho trẻ em. Trẻ em cũng chịu nhiều áp chế, nó phải theo người lớn, nó đâu có được tự do là nó đâu! Nó phải mặc cái này, ăn theo người lớn ép nó ăn, ép nó ngủ chẳng hạn. Bọn trẻ con trong thế giới của tôi, thế giới đồng dao, tập Đồng dao Linh sẽ là một thế giới tự do của trẻ con. Người lớn cần lễ hội, họ phải tổ chức lễ hội để có lễ hội, nhưng trẻ con chỉ cần hai đứa với nhau là sẽ có một lễ hội, một ngày hội của chúng nó. Khát vọng tự do ấy, ở nơi tôi, tôi biết rõ. Còn với người khác thì tôi không biết, người ta hay tự kỷ ám thị, người ta tự sợ, người ta tự biên tập bởi vì tinh thần họ không đủ để tự chủ, để kiên cường theo con đường của mình.

T.K.: Cám ơn Vi Thùy Linh về những lời nhận định thẳng thắn vừa qua, trước khi từ giã, xin chị một lời kết cho buổi nói chuyện hôm nay.

V.T.L.: Tôi theo đuổi tự do trong tinh thần. Dám là mình. Được là mình. Và được nói những điều mình nghĩ, được làm những điều mình muốn. Trong tất cả những tác phẩm của tôi, đấy là sự tự do. Bởi vì tinh thần của tôi, thuộc về tôi, và không ai, không điều gì có thể chi phối nó, ảnh hưởng nó, phân hại nó. Ở Việt Nam hiện nay, tình trạng thiếu vắng nhà phê bình là điều... Tôi thấy một số nhà phê bình hơi... hèn, vì họ lảng tránh đương đại. Trong khi đang nước sôi lửa bỏng văn nghệ, thì họ quay ra bàn về Xuân Diệu, Vũ Bằng, Đặng Thùy Trâm...

Nhưng cũng có những nhà phê bình có tâm huyết và thực sự đáng tôn trọng, đó là những người dám đối điện, dám mổ xẻ vào đương đại. Chúng tôi rất cần những nhà phê bình như thế. Tình trạng thiếu vắng các nhà phê bình, đặc biệt trong văn học nghệ thuật, gây tình trạng bát nháo và đôi khi tôi thấy đánh chửi nhau trong văn nghệ như cái chợ. Nhưng đó không phải là việc của mình. Điều quan trọng là có nhà phê bình thì càng tốt, còn không có thì mình vẫn phải làm việc. Và tất cả các tác phẩm tiếp theo của tôi vẫn là khát vọng tự do và tình yêu thương. Đấy là điều tôi sẽ theo đuổi.

T.K.: Xin cảm ơn nhà thơ Vi Thùy Linh.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Mười Hai 202310:07 SA(Xem: 3327)
Như bài viết gần đây của ông về kênh đào Phù Nam của Cam Bốt, và đặc biệt như một tuyên bố gần đây nhất của Thủ tướng Cam Bốt Hun Manet: “Kênh đào Phù Nam không lấy nước từ sông Mekong mà chỉ lấy từ sông Bassac và sẽ dùng cho tưới tiêu, nông nghiệp)\”, xin ý kiến của ông về những vấn đề sau:
27 Tháng Tư 20223:24 CH(Xem: 10184)
Những ngày 11, 12 tuổi, vào những năm 73-74, tôi say mê Phan Nhật Nam. Anh trở thành thần tượng của tuổi thơ, với những ngày dài trên quê hương, những ngày bi thảm, những ngày thê lương, những ngày gẫy vụn, trong nỗi sợ khốn cùng. Nỗi sợ trái lựu đạn đã bật kíp. Nỗi đau vô hình của đồng ruộng ẩn chứa triệu trái mìn. Nỗi đau thắt ruột của người cha xếp xác con, trên đoạn đường từ Quảng Trị về Huế. Trong bất mãn của người lính trước một hậu phương vô ơn. Của người lính miền Nam phải tự vệ giữa một thế giới làm ngơ những thảm sát tập thể ở bãi Dâu, ở trường tiểu học Cai Lậy. Khác những nhà văn quân đội khác, tính chất bi tráng của một xã hội dân sự thời chiến phủ trùm lấy bút ký của Phan Nhật Nam, vượt lên trên các trận đánh. Không phải Mùa hè đỏ lửa, mà Tù binh và Hòa bình, Dọc đường số 1, Dấu binh lửa mới thực sự ghi lại suy nghĩ của một quân nhân trong chiến tranh. Bên cạnh, nhật ký của Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc chỉ là những tiểu xảo của những sản phẩm được biên tập.
07 Tháng Năm 20214:56 CH(Xem: 12990)
...một thập kỷ gian nan của nông dân Dương Nội qua cuộc trò chuyện với anh Trịnh Bá Phương - một trong những người có mặt từ đầu - đã góp phần không nhỏ trong nỗ lực xây dựng sự đoàn kết đấu tranh dai dẳng của bà con. Mong rằng chúng ta sẽ học được nhiều điều từ họ, những người mà nhà thơ Hồng Nguyên gọi là “Áo vải chân không đi lùng giặc đánh”.
14 Tháng Mười Một 20197:35 CH(Xem: 17604)
Hôm 29.10.2019 Lào bắt đầu cho vận hành đập thủy điện Xayaburi và tiếp theo sẽ là con đập Don Sahong. Đây là hai đập thủy điện nằm trên dòng chính sông Mekong, đã và đang gây rất nhiều tranh cãi giữa Lào, Thái Lan, Cambodia cũng như Việt Nam ở hạ nguồn Mekong. Nguồn tin đáng chú ý khác từ MRC Ủy Hội Sông Mekong cho thấy Lào đang chuẩn bị tham vấn dự án thủy điện Luang Prabang có công suất 1410 MW, nằm cách thị trấn Luang Prabang khoảng 30 cây số. Nếu không có gì đột biến, đập Luang Prabang được khởi công xây vào tháng 7/ 2020. Một chuyên gia sông Mekong, bác sĩ Ngô Thế Vinh, tác giả hai cuốn sách ‘Cửu Long Cạn Dòng - Biển Đông Dậy Sóng’ và ‘Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch’, từng có bài tham luận về dự án Luang Prabang liên quan đến Việt Nam, trình bày sự việc qua bài phỏng vấn do Thanh Trúc thực hiện.
21 Tháng Chín 201912:00 SA(Xem: 19989)
Tôi sinh năm 1940 tại Hà Nội, là con út của nhà văn Nhất Linh. Trước năm 1975 ở Sài Gòn tôi dậy học rồi nhập ngũ khoá 2/68 quân trường sĩ quan Thủ Đức
26 Tháng Mười 20188:54 CH(Xem: 26387)
Nhân dịp nhà văn Nguyên Ngọc giõng dạc tuyên bố ra khỏi Đảng Cộng Sản Việt Nam ngày 26/10/2018, xin đăng lại cuộc chuyện trò đã đăng trên Hợp Lưu mới chớp mắt đây mà đã 15 năm truân chuyên vận nước (ND)
22 Tháng Sáu 20184:34 CH(Xem: 26098)
Cũng như nhiều thi sĩ trong thời đại mình, thơ ông còn là phóng chiếu một giai đoạn đầy xáo trộn trong đời sống văn hóa của người Việt. Đầu tháng 6-2018, tuyển thơ Khúc Thụy Du của nhà thơ Du Tử Lê ra mắt độc giả trong nước.
11 Tháng Chín 201711:18 CH(Xem: 32176)
“Giá trị một con người không ở cái chân lý mà người ấy có hay tưởng có, mà ở cái công sức người ấy đã bỏ ra để tìm kiếm nó. (Nguyễn Hữu Đang trong cuốn Trần Dần-ghi 1954-1960, xb Td mémoire, Paris 2001 trg 461.)
13 Tháng Tư 20175:58 CH(Xem: 38423)
Đã 42 năm sau cuộc Chiến tranh Việt Nam, vẫn còn những câu hỏi chưa có lời giải đáp. Chỉ riêng tên tuổi Thích Trí Quang đã gây ra rất nhiều tranh cãi. (1) Có nhiều nhãn hiệu gán cho ông: với một số người Việt chống cộng hoặc còn suy tôn ông Diệm thì cả quyết Thích Trí Quang là cộng sản đội lốt tu hành hoạt động với sự chỉ đạo của Hà Nội; nhưng ngay với giới chức cộng sản cũng đã từng coi Trí Quang là một loại CIA chiến lược; còn theo tài liệu giải mật của CIA thì đánh giá Trí Quang không phải cộng sản, mà là một nhà tu hành đấu tranh cho hòa bình và muốn sớm chấm dứt chiến tranh. Thêm nguồn tài liệu còn lưu trữ về những cuộc đàm luận giữa Trí Quang và các giới chức Hoa Kỳ, cho rằng Trí Quang chống cộng mạnh mẽ và hiểu được sự việc xử dụng quân đội Hoa Kỳ để chống lại Cộng sản Bắc Việt và Trung cộng.
31 Tháng Ba 20171:05 SA(Xem: 28880)
Phùng Nguyễn sinh năm 1950, mất ngày 17 tháng 11 năm 2015. Bàng hoàng với cái chết đột ngột của Phùng Nguyễn ở cái tuổi đang sung mãn nhất về sinh hoạt trí tuệ và sáng tạo, tôi đã viết bài tưởng niệm "Phùng Nguyễn, Như Chưa Hề Giã Biệt" (1), nay nhớ tới Anh, có dịp đọc lại bài viết, mới nhận ra là còn nợ Anh "Ba Câu Hỏi", mang món nợ ấy cũng đã hai năm, nay là lúc tôi phải trang trải, và cũng là thay cho nén nhang tưởng nhớ Phùng Nguyễn.( Ngô Thế Vinh)