- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

VỀ HUẾ QUA THƠ VĂN CỦA THẾ HỆ KẾ THỪA

21 Tháng Giêng 202510:14 CH(Xem: 4344)
BIA TAN VAN HUE QUE HUONG DI DE MA NHO



VỀ HUẾ QUA THƠ VĂN CỦA THẾ HỆ KẾ THỪA

(Bài viết của GS TS, nhà văn Trần Kiêm Đoàn)

 

Trên nẻo đường Nam Bắc Việt Nam, những bước chân lãng tử của giới văn nghệ sĩ dừng lại đậm nét nhất với cả Hà Nội, Huế, Sài Gòn với nguồn cảm hứng sáng tác phong phú, nhưng nếu xét về số lượng tác phẩm và tầm ảnh hưởng thì có thể ghi nhận rằng:

 

Hà Nội đứng đầu với số lượng tác phẩm phong phú và đa dạng.

Sài Gòn tươi mới với những tác phẩm đầy màu sắc năng động.

Huế lắng đọng với những tác phẩm mang chiều sâu trữ tình và trĩu nặng tâm hồn.

 

Người sinh ra và lớn lên ở Huế cũng như khách thăm Huế đều có cùng cảm nhận tương tự về tầm nhỏ nhắn, cảnh quang núi sông thơ mộng, điệu sống êm đềm trầm mặc của xứ nầy; nhưng khác nhau là tâm lý đòi đoạn (Emotional Fragmentation in Psychology) mà chỉ có những người Huế rặt chân quê mới trải nghiệm “nắng cháy da cháy thịt, mưa héo úa tâm hồn” của vùng đất quê huơng độc ngự cảm quan từ thời thơ ấu. Nguồn tâm lý nầy là khởi điểm của dòng cảm nhận: “Huế là quê hương đi để mà nhớ; chứ không phải ở để mà thương”!

 

Một người Huế nào đó đã đi khắp “ba đồng bảy đội” (tầm xa trái ngược với “ba đồng bảy đọi”) mới thấu cảm hết câu hỏi: “vì răng mà lạ rứa? (xin trả lời “tại rứa chớ mần răng”) như một loại công án về ngôn ngữ đặc chất đất lề quê thói rất Huế!

 

Có dịp đến những vùng đất cổ tích từ đấu trường La Mã ở Ý, Kim Tự Tháp ở Ai Cập đến bến sông Tiền Đường ở Trung Hoa nơi còn đượm dấu chân luân lạc nàng Kiều của Tố Như… thì chỉ càng thêm nhớ Huế. Mãi cho đến khi đối diện với Bức Tường Than Khóc (Wailing Wall) của Do Thái ở Jerusalem vào tháng Ba năm ngoái, nhìn dòng người khóc lóc tiếc thương, nguyện cầu chí thiết dưới chân bức thành được cho là huyền nhiệm đã gần hai nghìn năm, tôi mới hiểu Huế để cảm nhận trực tiếp nguồn tâm cảm vì sao Huế đi để mà nhớ chứ không phải ở để mà thương vẫn còn mịt mờ giữa cảm xúc mông lung và lý giải rạch ròi.  Huế từng là Ô Châu Lạc Địa của Ma Hời vong quốc. Huế là dòng trung chuyển của hào khí dân tộc mở mang bờ cõi của tổ quốc tiến về Nam. Huế là kinh đô vương quốc đầu tiên trong lịch sử dân tộc thống nhất giang sơn từ Bắc vô Nam. Huế là cái bể cạn nhỏ bé chứa những ước mơ đại hải sông hồ. Nhưng hiện thực, Huế vẫn còn vất vả gieo neo đồng hành với bước chân thời đại. Hệ luận thuận tình mà nghịch lý “đi dễ nhớ, ở khó thương” mang dấu ấn Tâm Huế nầy thật không ngờ vẫn còn là dòng chảy luân lưu xuyên thế hệ.

 

Thật ngạc nhiên và cảm động khi từ bên này bờ đại dương vừa được đọc một tác phẩm của thế hệ đàn em: Huế, Quê Hương Đi Để Mà Nhớ; tác giả là Bùi Hoàng Linh, đang ở độ tuổi tiền trung niên, tam tứ thập, lại là một người chuyên ngành khoa học kỹ thuật (Kiến trúc sư). Thật thú vị khi đọc Bùi Hoàng Linh cảm nhận về ý nghĩa Nhà và Quê Hương:

 

“Huế bình thản ngày tạ từ mà đau đáu ngày đoàn viên. Huế để người ta đi xa ngái mà day

dứt thương nhớ cố quận khôn nguôi. Với tôi Sài Gòn là nhà mà Huế là quê hương!”

 

Quê hương không chỉ là nơi lai lịch của mình thuộc về mà còn là nơi ẩn dấu cảm xúc miên mật từ trái tim

như nhà thơ M. Darwish nói lên từ cảm xúc chân phương rằng, “mái nhà là nơi để sống nhưng quê hương là nơi nương náu của tâm hồn cho dẫu nghìn trùng xa cách (A home is a place where you live, but a homeland is where your heart belongs, even when you're far away."

 

Có chăng thiên nhiên là thành quách rêu phong của một nguồn tình cảm Huế đã nảy mầm và trấn ngự mà Bùi Hoàng Linh đã thể hiện trong tác phẩm, rằng:

“Những cơn mưa dầm như một món đặc sản đã làm cho tình cảm Huế ít phát triển hướng

ngoại mà thường hướng về chiều sâu của nội tâm, âm thầm mà chung thủy. Thế nên,

người ở lại thì vẫn năm tháng đợi chờ gót lữ hành của kẻ ‘khăn gói đi xa’. Người viễn xứ

thì luôn có một ‘góc Huế’ trong mớ hành trang của ký ức để luôn canh cánh trở về mỗi

khi thấy nhớ.”

 

Và, Huế đây rồi. Huế mang ngữ cảnh của Bức Tường Than Khóc Jerusalem qua cảm nhận của chàng tuổi trẻ văn nhân xứ Huế:

 

“Trên những dấu vết của đền đài dường như nghe được cả trăm năm với lời cỏ cây xa xưa

vọng lại ...Và mỗi lần về Huế tôi cứ có cảm giác như được chạm tay vào từng dấu rêu,

được đặt chân vào quá khứ. Cứ ngỡ như là một cuộc hành hương về lại với những ký ức

ngậm ngùi bởi Huế mang riêng mình một nét đẹp mà buồn, rất buồn. Cái buồn của Huế

không rõ ranh giới, không mang hơi hướng của lý tính vì thế mà nó lãng đãng như một

nửa câu thơ ...chỉ một nửa thôi, nửa còn lại chờ người cố xứ mang về xứ thâm trầm của

mưa, của nắng, của bỏng rát gió Lào mùa hạ.”

 

Quả nhiên không phải là sự tình cờ chợt bắt gặp Huế qua nắng hàng cau hay nàng áo tím qua cầu… mà bằng nguồn cảm xúc gieo mầm, đâm chồi và nở hoa trong tư tưởng nghệ thuật của Bùi Hoàng Linh khi tác phẩm đầu tay về Huế là một thi phẩm… đậm tình với Huế có nhan đề là Lời Thương Gửi Huế.

Cách viết của Bùi Hoàng Linh giàu cảm xúc và tinh tế: Văn phong giàu chất thơ, thấm đẫm tình yêu đối với Huế, nhưng không quá lụy về quá khứ mà luôn mang một sự trăn trở và hoài niệm sâu sắc. Đặc biệt là nét Huế thật hồn nhiên mà cũng rất nồng đượm, thâm cung:

 

“Cái mặt hiền khô của người Huế cũng như dòng sông không gợn sóng mà đáy sâu chỉ giữ lại cho riêng mình những gì riêng nhất...Tình Huế có cái chi đó thâm trầm, khiêm cung, lặng lẽ, chìm khuất. Để khi xa rồi, tưởng sẽ quên dần theo thời gian mà có đâu ngờ nỗi nhớ theo tháng theo năm đã hóa thành trầm tích, lắng đọng lại cái tình lắm khi như cái roi tre của tình cảm vừa đủ ngậm ngùi rưng rức, để rồi có người giữa phố thị không có ngõ sau vẫn luôn ngoái về quê mẹ.”

 

Huế đang chuyển mình cùng chung với tầm cao, hướng xa và độ nhanh của thời đại. Mong dáng xưa, hồn cũ của Huế sẽ không biến tướng với thời gian. Trong cuộc thế xuôi dòng không ngừng nghỉ thế hệ văn nghệ trẻ như Bùi Hoàng Linh sẽ không bị mất hút vì đi quá xa về phía trước; nhưng cũng không trơ vơ ngồi lại bên cầu. Cực đoan trong nghệ thuật sáng tạo văn học nghệ thuật thường không có chỗ đứng của dòng văn học nghệ thuật Huế.

 

Chúc mừng, cảm khái và khen tặng tác phẩm viết về Huế của Bùi Hoàng Linh.

      

California ngày 18-1-2025

Trần Kiêm Đoàn

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
14 Tháng Mười 202211:28 CH(Xem: 19966)
Năm 2020, đã có một lúc bao nhiêu triệu cư dân vùng hạ lưu sông Mekong thở phào nhẹ nhõm khi nghe tin Bộ Điện Lực Cam Bốt tuyên bố hoãn mọi dự án thuỷ điện trên sông Mekong trong 10 năm tới [1], như vậy là ít nhất có một thời kỳ dưỡng thương cho dòng sông bị đầy những vết cắt do chuỗi đập thuỷ điện của Trung Quốc và Lào phía thượng nguồn. Nhưng rồi mới đây, chỉ hai năm sau, 2022, là một tin chấn động khác: Phnom Penh tuyên bố cho tái phục hoạt / resurrection dự án thủy điện Stung Treng 1.400 MW trên dòng chính sông Mekong phía đông bắc Cam Bốt sát ranh giới với Lào. Dự án này không chỉ sẽ tàn phá sinh cảnh các khu đất ngập được bảo vệ bởi Công ước Ramsar ký kết từ năm 1971, mà còn gây tác hại vô lường trên hai vùng châu thổ phì nhiêu Tonlé Sap và ĐBSCL. Đây là bài đầu tiên trong loạt 3 bài viết nhìn lại toàn cảnh cuộc hành trình gian truân của một dòng sông – Sông Mekong hơn nửa thế kỷ qua.
13 Tháng Chín 20221:26 CH(Xem: 19417)
Tôi biết đến tên tuổi nhà thơ Thạch Quỳ từ hồi sinh viên văn khoa, từng đọc thơ ông, nhưng lần đầu tiên mới được gặp ông tại một đám đông hội hè, giữa khu lưu niệm Nguyễn Du - Nghi Xuân, Hà Tĩnh đầu năm 2019. Đó là một ông già gầy gò, người quắt lại như lõi lim, đôi mắt sáng có vẻ hơi chế diễu nhưng không mất đi sự nhân hậu đằm thắm…
31 Tháng Tám 202210:27 CH(Xem: 19447)
Những năm qua, công luận kêu ca phàn nàn nhiều về tình trạng khá suy đồi của sinh hoạt Tôn giáo - nổi bật ở đạo Phật Việt Nam, trước sự tàn phá thiên nhiên để xây dựng những khu Du lịch Tâm linh trá hình khủng nhằm lợi dụng Tôn giáo để kinh doanh… Và mới đây nhất, tràn ngập Mạng Xã hội là hình ảnh những con chim phóng sinh tội nghiệp bị nhốt trong lồng sắt để rồi sau đó ngắc ngoải trước cửa chùa, hình ảnh các vị sư đạo mạo mãn nguyện đặt tay lên đầu phụ nữ, trẻ em đang cúi rạp sát đất tựa Đức Chúa Trời ban phước lành, hình ảnh nhà sư ôm bát vàng đi “khất thực” song lại quơ tay vơ tiền cúng dường, v.v.
10 Tháng Tám 202210:45 CH(Xem: 20621)
Lời Dẫn Nhập: Bài viết về TS Eric Henry với dự kiến ban đầu kết hợp với Chân Dung Phạm Duy. Nhưng rồi, riêng phần Phạm Duy đã dài tới ngót 50 trang giấy, nên Chân Dung Eric Henry phải tách ra một bài khác, vẫn mong bạn đọc có cái nhìn kết hợp hai chân dung do tính bổ sung của hai nhân vật Phạm Duy và Eric Henry trên chặng đường tìm hiểu nền Tân nhạc Việt Nam cùng với các bước gian truân để hình thành và xuất bản bộ Hồi Ký tiếng Anh The Memoirs of Phạm Duy, dự trù sẽ do Cornell University Press xuất bản. Tưởng cũng cần nói thêm,Thư viện Đại Học Cornell là nơi còn lưu trữ đầy đủ nhất di sản 20 năm Văn học Miền Nam 1954-1975, và “ngọn lửa phần thư” của những người Cộng sản Việt Nam muốn tận diệt nền văn hóa ấy đã không sao lan tới được.
01 Tháng Tám 20226:34 CH(Xem: 20536)
Trong cái thời buổi “Mạt” đủ thứ này, biết bao hiện tượng được gọi là “văn hóa” giống như “Huyền thoại” liên tục nảy nở, khiến thiên hạ khóc dở mếu dở, cười trong chua chát, thậm chí lo âu và hoảng sợ đến thót tim…
03 Tháng Bảy 20222:06 CH(Xem: 20118)
Cám ơn bạn hữu gần xa, những người yêu mến nhạc và cả con người Phạm Duy,trong sự tin cậy,đã gửi và cả cho phép sử dụng các nguồn tài liệu quý giá trong đó có những thư từ trao đổi riêng tư với Phạm Duy cách đây cũng đã ngót30 năm,không ngoài mục đích giúp người viết có chất liệu –đủ cho một cuốn sách,nhưng đó là công trình của tương lai. Đây chỉ một bài viết ngắn, nhưng cũng mong phác thảo được đôi nét chân dung của một nghệ sĩ lớn Phạm Duy -- thần tượng của nhiều người qua nhiều thế hệ,với một cuộc sống đầy cảm hứngnhưng cũngrất phức tạp.Phạm Duy đã sống qua hai thế kỷ,“khóc cười theo vận nước nổi trôi”trong suốt chiều dài của một bi kịch Việt Nam cận đại,vừa hào hùng và cũng vô cùng bi thảm.(NTV)
22 Tháng Sáu 20221:34 SA(Xem: 19682)
I. Mấy câu hỏi, đúng hơn là những ý tưởng như bâng quơ, có gì hơi cổ lỗ, song vốn nằm sâu trong tiềm thức và có khả năng đánh thức sự lười biếng của tư duy giữa bao lo toan bề bộn đời thường lắm khi thấm máu và nước mắt: “Vì sao tôi viết“, “Văn học có ích gì cho xã hội?”, “Ngày hôm nay, văn học có cần thiết lắm không? Cần cho ai?”, “Văn học với thực tại xã hội?”, “Điện ảnh cần gì ở văn học”, v.v.
11 Tháng Sáu 202211:28 CH(Xem: 21736)
Nhiều người đã kể rõ và lý giải hiện tượng CHẠY cho đến nay đã trở thành những guồng quay điên cuồng trên các lĩnh vực, trong các giới xã hội - chạy Quyền, chạy Chức, chạy Dự án, chạy Danh hiệu, chạy Bằng cấp, chạy Giải thưởng, chạy Cúp vàng, chạy Thành tích, chạy Điểm, chạy Vai diễn, chạy Lớp, v.v. Đã “Chạy” thì phải bắt buộc “Mua”, mua bằng bất cứ giá nào, thậm chí bằng cả nhân phẩm.
25 Tháng Năm 20226:30 CH(Xem: 20276)
Cách đây mấy năm, trong khi làm phim tài liệu chân dung “Lê Đại Cang - nhân cách bậc quốc sĩ”, nhà báo - Tổng BT tạp chí Văn Hiến Nguyễn Thế Khoa đã đưa tôi tới sông đào Ngũ Huyện Khê để ghi hình ảnh bộ cho phim này.
13 Tháng Tư 20229:16 CH(Xem: 20081)
Nói một cách đầy đủ là: Nguyễn Du - người Việt Nam đầu tiên đã tìm mọi cách giúp Dân tộc mình “thoát Trung” - một khái niệm hiện đại mang ý nghĩa Địa-Chính trị, Địa-Lịch sử trọn vẹn, có tính thời sự sâu sắc.