- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Đọc Thơ Di Cảo Mới Của Lưu Quang Vũ

22 Tháng Ba 200912:00 SA(Xem: 28189)

blankNhững câu thơ âm thầm
Muốn nói hết sự thực
Về đất nước của mình

(Lưu Quang Vũ)

 

 

"Mới" đây là mới được công bố. Trong sự nghiệp sáng tạo nhiều mặt của mình, Lưu Quang Vũ ký thác tâm sự sâu nặng nhất, thể hiện mình rõ nhất ở thơ. Nhưng sinh thời anh chỉ mới có một tập thơ in chung với Bằng Việt (Hương cây- Bếp lửa, 1968). Mãi đến khi anh mất (1988), di cảo thơ của anh được công bố một phần (Mây trắng đời tôi, Bầy ong trong đêm sâu) người đọc mới biết rõ hơn khuôn mặt nhà thơ của Lưu Quang Vũ và hiểu vì sao thơ anh viết nhiều những năm tháng ấy nhưng không in ra được. Năm nay, nhân kỷ niệm hai mươi năm ngày mất của anh, thêm những bài thơ Lưu Quang Vũ viết từ giữa thập niên 1970 được in ra trong sách "Lưu Quang Vũ – Di cảo, thơ và nhật ký" (Nxb Lao Động, 2008). Trong khối thơ di cảo mới này, tôi đặc biệt quan tâm tới những bài thơ nói về chiến tranh của anh và xin ghi nhanh lại đây những cảm nhận ban đầu, như một nén hương tưởng niệm một tiếng thơ khác biệt.

Lưu Quang Vũ sinh năm 1948, và như mọi thanh niên thế hệ mình, anh nhập ngũ ở độ tuổi hai mươi, khi đất nước có chiến tranh. Thời Vũ nhập ngũ là giữa những năm sáu mươi của thế kỷ hai mươi.

Thời đoạn 1968 – 1972 ở Việt Nam là gì? Là chiến tranh. Chiến tranh ở hồi bi kịch nhất và bi tráng nhất. Nhưng Vũ, như các chàng trai cùng thời, khi mới nhập ngũ là vào bộ đội - trường học lớn của cách mạng, là đi đánh Mỹ, là tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Thơ của anh khi mới khoác bộ quân phục màu xanh lên mình là mang chở nhận thức và tình cảm chung của thời cuộc hồi đầu.

Công sự pháo

Phủ đầy ngụy trang xanh

Trong những chùm cây dại

Có vài cành bưởi cành chanh

Cả quê nhà

Cùng ta chiến đấu

Từng viên đạn lắp vào nòng pháo

Bồi hồi nghe hương bưởi lá chanh

(Lá bưởi lá chanh, 1965)

Cám ơn thời gian cám ơn hôm nay

Người chiến đấu mang nụ cười đẹp nhất

Ngày ấy ta chưa thấy hết tầm đất nước

Ngày ấy ta chưa hiểu rõ lòng ta

Anh chưa biết yêu em như bây giờ

(Ngày ấy..., 1967)

Thơ Tố Hữu ngày ấy từng viết: "Hoan hô anh giải phóng quân! Kính chào anh con người đẹp nhất!".

Thời cuộc hồi sau khắc nghiệt hơn, tàn nhẫn hơn. Giai đoạn "vào bộ đội" chuyển nhanh sang giai đoạn "đi lính". Người lính Lưu Quang Vũ trải đời quân ngũ và cuộc chiến đã thấy ra "Giữa chiến tranh hiểu đời thực hơn nhiều / Rách tan cả những làn sương đẹp phủ". Không phải từ những bi kịch đời riêng của Vũ mà anh có cái nhìn sẽ bị coi là "u ám, đen tối" như vậy về đất nước, nhân dân. Đọc hết thơ anh thì thấy có một cái gì đấy từ thẳm sâu trong anh đã khiến anh sớm và nhanh nhìn cuộc đời ở phía "viển vông, cay đắng, u buồn". Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn, một người bạn cùng thời Vũ, trong một bài viết có nhắc lại câu thơ như đã thất lạc của Vũ: "tuổi hai mươi khốn khổ của tôi ơi / tuổi tai ương dằng dặc trận mưa dài". Cuộc chiến với sự chết chóc đổ vỡ của nó chỉ mài sắc và đào sâu thêm nhiều nữa, mạnh nữa cảm quan ấy trong anh và của anh. Từ đây, với Vũ, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã là cuộc chiến tranh Việt Nam mà đối tượng bị tàn phá là đất nước Việt Nam và nạn nhân là con người Việt Nam. Lưu Quang Vũ đã đi lính và đã bỏ lính. Hành động bị coi là "đào ngũ" của anh, có thể, là do phản ứng của tuổi trẻ nơi anh đối với những bó buộc, cứng nhắc của hoàn cảnh quân ngũ. Nhưng trong thơ anh thì lý do không đơn giản như vậy, không phải chỉ do ngoại cảnh, nó đi từ tâm thức. Đọc di cảo thơ Vũ thấy khẳng định điều này. Những bài thơ lạc thời cuộc chiến được viết ra để bày tỏ một cách nhìn, một thái độ, biết là không thể đăng được nhưng không thể nào không viết ra, chúng tập hợp thành một di cảo để khi đưa ra dưới ánh mặt trời phát lộ một điều là Lưu Quang Vũ đã thay đổi nhận thức và tình cảm của mình khi đi qua cuộc chiến. Đất nước nhân dân trở thành cảm hứng lớn của thơ Lưu Quang Vũ thời chiến, được anh trình bày dưới cái nhìn thời chiến đầy khắc khoải đau đớn, tuyệt vọng và bi quan. Điều quan trọng đáng nói ở đây là anh viết những điều đó ngay khi đang trong cuộc chiến, và ngay ở tuổi đời rất trẻ.

Anh gọi những người trẻ nối nhau ra trận là "những đứa trẻ buồn ướt lạnh". Họ đi với tâm trạng "lòng chỉ muốn yêu thương / mà cứ phải suốt đời căm giận", cho nên "giết xong quân giặc / chẳng thấy lòng thảnh thơi nhẹ nhõm / chỉ nỗi buồn trĩu nặng / dâng lên như đá trên mồ". Và trong mắt những đứa trẻ buồn cầm vũ khí giết người ấy kẻ thù hiện ra thế này:

xác ngụy nằm ruồi muỗi bâu đầy

những đôi mắt bệch màu hoa dại

những gương mặt trẻ măng xanh tái

những bàn tay đen đủi chai dầy

các anh ơi, đừng trách chúng tôi

các bà mạ, tha thứ cho chúng tôi

chúng tôi chẳng thể làm khác được

quả đồi cháy như một phần quả đất

bao đời người ta đã giết nhau

với các anh tôi oán hận gì đâu

nhưng còn có cách nào khác được

Đó chính là nỗi buồn có thực đau buốt ngực Vũ. Và dù anh có nói theo truyền thông thời cuộc là phải bắn giết nhau thế để "con người được làm con người trở lại" thì thực chất anh đã hiểu khác: "nhưng mãi mãi chẳng bao giờ sống dậy / những tháng năm đã mất / những nhịp cầu gẫy gục / những toa tàu đã sụp đổ tan hoang". Sau đổ máu, tất cả đã nhuốm máu.

Cùng thời gian Lưu Quang Vũ viết những câu thơ để trong sổ tay này, ở bên kia chiến tuyến có một người lính và một nhà thơ là Nguyễn Bắc Sơn in tập thơ "Chiến tranh Việt Nam và tôi", trong đó có những câu thơ đồng vọng tâm tưởng với Vũ: "Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước / Vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi". Cũng cùng thời gian này, Tố Hữu có tập thơ "Ra trận": "Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận / Có Đảng ta đây, có Bác Hồ".

Từ Hiệp định Paris về kết thúc chiến tranh Việt Nam 1973 đến kết thúc chiến tranh Việt Nam 1975, thơ Lưu Quang Vũ vừa trần trụi hiện thực vừa mong manh dự cảm. "Hòa bình đến mong manh / Nhiều tin đồn mà chẳng có gì ăn". Trong một bài thơ viết năm 1973 nhan đề "Nơi tận cùng", Vũ viết:

Nơi tận cùng mọi con đường

Một chiếc mũ rách

Úp trên nấm mồ sỏi cát

Nơi tận cùng mọi con đường

Pho tượng đá cụt đầu đứng sững

Nơi tận cùng hoàng hôn

Trên vỏ chai trống rỗng

Trước đó, Vũ đã lập hồ sơ mùa hạ 1972, đã dựng một Guernica bằng thơ về Khâm Thiên dưới bom B52. Cái năm 1972 kinh hoàng, một mùa hè đỏ lửa. Bản hồ sơ ngày đó của anh đến hôm nay vẫn còn là một tài liệu lịch sử của tư tưởng và tâm hồn, không chỉ của một con người, một nhà thơ, mà còn của một thời đại, một giống nòi.

những siêu nhân vĩ đại

những tư tưởng lớn lao nghe đến kinh người

những thần tượng tiêu vong những đứa trẻ ra đời

bóng tối nắm tay nhau, tình yêu chưa hợp lại

thế giới lo âu đầy xấu xa phản bội

ngày càng ít những điều đáng để ta tôn trọng

nền văn minh lạ lùng của những trái bom

những đám mây gây mưa những mìn nổ từ trường

dân tộc mấy mươi năm giết và bị giết

mỗi phút sống của tôi đều có người đang chết

(Bài thơ "Hồ sơ mùa hạ 1972" này không nằm trong tập sách).

Anh sẽ nói lại những điều này trong phiên tòa anh muốn lập ra để xét xử những kẻ đã gây ra thảm họa Khâm Thiên 1972.

những kẻ nào đã gây ra tội ác

những kẻ nào để tội ác gây ra

những chính khách những nhà thơ

những bộ óc chế súng bom hủy diệt

các tư tưởng cầm quyền các nước

lãnh tụ tối cao của mọi đảng trên đời

các ông kêu: vì hạnh phúc con người

nay con người chết đi

cái phúc ấy ai dùng được nữa!

chục chiếc B-52

không đổi được một trẻ nghèo Ngõ Chợ

không thể nhân danh bất-cứ-cái-gì

bắt máu vạn dân lành phải đổ

Tôi trích thơ nhiều. Nhưng không có gì hùng hồn và thuyết phục hơn những câu thơ Lưu Quang Vũ tự nói lên những suy tư nhà thơ đã nung nấu dằn vặt từ trong cuộc chiến, nói lên ở thời tuổi trẻ không còn là trẻ nữa khi đã cầm khẩu súng lên tay và bóp cò.

 

Tất cả nỗi đau đớn của anh cho dân tộc dồn lại trong hai tiếng gọi tên đất nước: Việt Nam! Âm hưởng tiếng gọi này trong thơ Vũ không phải ngợi ca mà là xót xa. Có phải câu thơ anh kết bài thơ "Tiếng Việt" nguyên là "Tiếng Việt ơi, tiếng Việt xót xa tình" chứ không phải "thiết tha tình"? Tố Hữu ngợi ca: "Ôi Việt Nam tổ quốc thương yêu / Trong khổ đau người đẹp hơn nhiều". Chế Lan Viên ngợi ca: "Ta mọc dậy trước mắt nhìn nhân loại / Hai tiếng Việt Nam đồng nghĩa với anh hùng". Lưu Quang Vũ thì xót xa: "Nước Việt thân yêu nước Việt của ta / sao người phải chịu nhiều đau đớn thế / thân quằn quại mọi tai ương rách xé". Anh kêu lên "Việt Nam ơi" với cõi lòng rách nát khi thấy tổ quốc mình bị trở thành miếng mồi cho các thế lực xâu xé, băm vằm. "Tất cả sẽ ra sao / Mảnh đất nghèo máu ứa? / Người sẽ đi đến đâu / Hả Việt Nam khốn khổ? / Đến bao giờ bông lúa / Là tình yêu của Người?". Những câu hỏi của anh không chỉ đặt ra trong cuộc chiến, khi chúng được đọc hôm nay. Bởi từ tháng 5. 1975 Lưu Quang Vũ đã tỉnh táo, rất tỉnh táo, giữa cơn nồng nàn cảm xúc chứng kiến cuộc chiến cuối cùng cũng đã chấm dứt, dự báo công việc thời hậu chiến: "Sắp tới là những ngày khó nhất". Khó, vì sau đổ vỡ phải dựng xây, sau ngăn cách phải hàn gắn, và nhất là sau máu đổ không được để nhạt máu, "máu con người không phải thứ bán mua".

Lưu Quang Vũ nhìn cuộc chiến như vậy là với tất cả tinh thần công dân và thi sĩ. Người công dân trong anh không cho anh lảng tránh sự thật đau thương của đất nước mình. Người thi sĩ trong anh không cho anh viết những câu thơ nhàn nhạt, dửng dưng trước nỗi đau của nhân dân mình. Thơ Vũ nồng nàn, có lúc là nồng nã, nhưng ở những bài thơ viết trực diện cuộc chiến giọng thơ anh đã nhiều khi nấc lên, uất nghẹn và uất hận. Những bài thơ di cảo của anh thường dài, đọc chúng thấy như một tiếng nói thốt ra liền một mạch, nói gấp gáp, dồn dập, dâng lên cao trào, đạt đến nốt cao nhất của cảm xúc rồi vỡ ra gay gắt, và đọng lại ở cuối bài là một nỗi niềm tê tái và xót xa. Con chữ của anh ở đây trực diện và thẳng băng, không còn những hình ảnh bóng bẩy, những từ ngữ đẹp đẽ. Anh nói và anh nói, tiếng thơ nằm trong cung bậc của giọng nói và cường độ của cảm xúc. Đọc những câu thơ, bài thơ đó, ngỡ như dừng lại giữa chừng là gục ngã, là đau đớn không thể nào chịu nổi, cứ phải đọc tiếp, đọc hết, để nỗi đau thấm sâu vào tận tâm can. Anh có một tâm hồn nhạy cảm và dễ tổn thương, "anh muốn ác mà không sao ác được / cứ yêu thương chờ đợi ích gì không?". Trong cuộc chiến, hơn một lần, anh thú nhận trong thơ mình bất lực không cách gì che chở, cứu đỡ được cho đất nước, nhân dân trước cơn đổ máu không biết để làm gì. Nhưng anh xác nhận tư cách nhà thơ của mình là người đập cửa, người đi mở những cánh cửa, cho con người đến với/đến bên con người, không hận thù chia cắt.

Người nổi gió. Người đập cửa. Người mở cửa. Đó chính là Lưu Quang Vũ. Sứ mệnh của nhà thơ anh đã xác định cho mình từ những ngày chiến tranh:

anh hãy đập vào ngực mình giục giã

hãy nổi gió cho cánh người rộng mở

và mai sau, sẽ có những nhà thơ

đứng trên tầng cao ta ao ước bây giờ

họ sẽ vẫn không ngừng đập cửa

không ngừng lo âu không ngừng phẫn nộ

bởi vô biên là khát vọng của con người

Hai mươi năm sau ngày anh mất ở tuổi bốn mươi (29/8/1988), đọc những bài thơ anh viết tuổi hai mươi thấm đầy máu và lửa và nước mắt, tôi gọi Lưu Quang Vũ là nhà thơ nhân dân, nhà thơ yêu nước. Danh hiệu này không dễ gọi cho nhiều nhà thơ. 

Phạm xuân Nguyên
Hà Nội 15. 8. 2008

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
13 Tháng Tư 20229:16 CH(Xem: 8492)
Nói một cách đầy đủ là: Nguyễn Du - người Việt Nam đầu tiên đã tìm mọi cách giúp Dân tộc mình “thoát Trung” - một khái niệm hiện đại mang ý nghĩa Địa-Chính trị, Địa-Lịch sử trọn vẹn, có tính thời sự sâu sắc.
18 Tháng Ba 20229:28 CH(Xem: 8294)
Ngày 25/2/2022, một ngày sau khi Vladimir Putin cho lệnh đại quân Nga xâm lăng Ukrania từ ba hướng Đông Nam, Đông Bắc và Tây Bắc, trong khi oanh tạc cơ và tên lửa đủ cỡ tàn phá, khủng bố các thành thị, bất ngờ nhận được e-mail của Vũ Thái Khiêm, sinh viên electrical engineering tại Đại hoc Texas-Tyler: “Gỉa sử Mỹ không có support từ NATO mà Nga & Trung Quốc cả 2 đánh Mỹ cùng lúc thì ông nội nghỉ Mỹ có thắng được không?
06 Tháng Ba 202211:33 CH(Xem: 8961)
Vào thứ Tư, 2 tháng Ba, 2022, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu đại đa số lên án nước Nga xâm lược Ukraine (bắt đầu từ 24 tháng Hai, 2022). Trong số 193 nước hội viên, 141 nước đã bỏ phiếu thuận, yêu cầu Mạc Tư Khoa phải chấm dứt chiến sự và rút quân ra khỏi lãnh thổ Ukraine. Trong số năm nước bỏ phiếu chống, tất nhiên dẫn đầu là lá phiếu của Nga, quốc gia gây chiến, và bốn nước khác là Belarus—đồng minh thân cận nhất của Nga— sau đó là Bắc Hàn, Eritrea và Syria. Tất cả năm nước này đều là những chế độ độc tài toàn trị. Điều đáng chú ý hơn cả là trong các lá phiếu trắng của 35 nước (có 12 nước không bỏ phiếu), dẫn đầu là Trung Cộng, có cả một quốc gia mang tên nghe khá kêu là nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
18 Tháng Hai 20224:41 CH(Xem: 8249)
Đó là cảm xúc mạnh nhất, là ấn tượng bao trùm trong tôi về bộ phim Nga “Chống lại Tình yêu” trên FB Khoanglangnuocnga, kể từ những cảnh dài không âm thanh ở đầu phim do máy quay lặng lẽ trượt qua hồ với những cây cối chìm trong băng tuyết, dưới mắt một cậu bé - tới cảnh cuối, sau cảnh tờ rơi tìm trẻ mất tích dán cột bê tông phủ tuyết, lại trở về cảnh đầu phim tựa trong thời tiền sử, giống như ở bộ phim "Leviathan" của chính đạo diễn bộ phim này: Andrey Zvyagintsev!
11 Tháng Hai 20224:35 CH(Xem: 9571)
Bắc Kinh có khả năng dùng “vũ khí nước” như một đòn ngoại giao bắt 25% dân số thế giới làm con tin / holding hostage. Khác với những hồ chứa đập thuỷ điện, vừa giữ nước vừa xả nước, Sông Cờ Đỏ là một chiến lược đổi dòng lấy nước – có nghĩa là 100% lượng nước này sẽ bị mất đi – không bao giờ được đền bù, đối với các quốc gia hạ nguồn. [1]
24 Tháng Giêng 202210:09 CH(Xem: 8706)
Nguyễn Du từng viết: Tri giao quái ngã sầu đa mộng - Bạn bè thân thiết lấy làm lạ rằng sao ta hay sầu nhiều mộng? Và ông trả lời luôn: Thiên hạ hà nhân bất mộng trung - Nhưng thiên hạ ai là người không ở trong mộng? (Ngẫu đề). Ông tuyên bố: Trần thế bách niên khai nhãn mộng - Cuộc trần thế trăm năm chỉ là giấc mộng khi mắt mở, và: Mộng trung minh phân kiến - Nay trong mộng thấy rõ ràng (Ký mộng)(1).
05 Tháng Giêng 20228:41 CH(Xem: 9480)
Dẫn nhập – Chiến tranh, không phải là chấp nhận hiểm nguy, không phải là chấp nhận giao tranh. Ở một thời khắc nào đó, với người chiến binh, là sự chấp nhận thuần túy và giản đơn cái chết. La guerre, ce n’est pas l’acceptation du risque, ce n’est pas l’acceptation du combat. C’est, à certaines heures, pour le combattant, l’acceptation pure et simple de la mort. A. de Saint-Exupéry (Pilote de guerre)
01 Tháng Giêng 20224:09 CH(Xem: 11488)
Bắt đầu sau năm 1975, những thế hệ sinh ra và lớn lên ở Việt Nam không hề biết đã từng có một nền văn học nghệ thuật Miền Nam vô cùng gía trị với nhiều thể loại “trăm hoa đua nở”, đề cao tự do, dân chủ, với ý thức khai phóng, nhân bản, theo kịp trào lưu thế giới. Thế nhưng, ở một nơi xa kia, có một ông già gầy gò, ốm yếu, tóc bạc hàng ngày đến thư viện các trường đại học ở Mỹ để photo các tài liệu về văn chương Miền Nam Việt Nam, hàng ngày ông “ngồi khâu lại di sản”, vá lại một nền văn học đã bị đốt cháy trên chính quê hương mình, tự mình thành lập tủ sách di sản văn chương Miền Nam nhằm lưu giữ, chia xẻ lại cho đời sau, đó là nhà văn Trần Hoài Thư.
28 Tháng Mười Hai 202110:43 CH(Xem: 9954)
Cuộc triển lãm này nêu ra luận điểm rằng bản chất nội tại của sự sống và của tất cả các sinh vật là không đồng nhất, mà đúng hơn là được kết cấu bằng nhiều mối tương quan dị biệt để tạo ra Cái Khác. Luận điểm này, vì thế, đã phá vỡ mọi tôn ti dựa vào những khái niệm áp đặt về bản sắc và tính đồng nhất.
15 Tháng Mười Hai 20219:00 CH(Xem: 9981)
Dohamide, người gốc Chăm, sinh năm 1934 tại làng Katambong, Châu Đốc (An Giang), có thêm ba bút hiệu nhưng ít được biết đến: Linh Phương, Châu Giang Tử, Châu Lang. Khi Dohamide có bài viết đầu tiên “Người Chàm tại Việt Nam ngày nay” đăng trên tạp chí Bách Khoa năm 1962, Chủ nhiệm Lê Ngộ Châu đã giới thiệu anh với độc giả như sau: “Bạn Dohamide, tác giả loạt bài sau đây, là người gốc Chàm, sanh tại làng Katambong, Châu Đốc (An Giang). Bạn đã có can đảm thoát ly những ràng buộc khắt khe của tập tục địa phương để lên thủ đô Sài Gòn vừa đi làm nuôi gia đình vừa đi học, và hiện nay bạn đã tốt nghiệp ở Học Viện Quốc Gia Hành Chánh. Ngoài tiếng Chàm là tiếng mẹ đẻ, bạn Dohamide biết nói và viết các thứ tiếng Việt, Pháp, Anh, Á Rập, Mã Lai, Cam Bốt, những thứ tiếng này đã giúp bạn Dohamide rất nhiều trong những thiên khảo cứu như trình bày với bạn đọc.” [Bách Khoa, số 135, 15/8/1962]