- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

CÁI LÝ CỦA KẺ HÈN

06 Tháng Ba 202211:33 CH(Xem: 9081)

CÁI LÝ CỦA KẺ HÈN     

 

Trần C. Trí      
   

 



cai ly cua ke hen - tct

The Scream

tranh của hoạ sĩ Na Uy Edvard Munch

 

 

 

Vào thứ Tư, 2 tháng Ba, 2022, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu đại đa số lên án nước Nga xâm lược Ukraine (bắt đầu từ 24 tháng Hai, 2022). Trong số 193 nước hội viên, 141 nước đã bỏ phiếu thuận, yêu cầu Mạc Tư Khoa phải chấm dứt chiến sự và rút quân ra khỏi lãnh thổ Ukraine. Trong số năm nước bỏ phiếu chống, tất nhiên dẫn đầu là lá phiếu của Nga, quốc gia gây chiến, và bốn nước khác là Belarus—đồng minh thân cận nhất của Nga— sau đó là Bắc Hàn, Eritrea và Syria. Tất cả năm nước này đều là những chế độ độc tài toàn trị.

            Điều đáng chú ý hơn cả là trong các lá phiếu trắng của 35 nước (có 12 nước không bỏ phiếu), dẫn đầu là Trung Cộng, có cả một quốc gia mang tên nghe khá kêu là nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

            Bỏ phiếu là một việc làm đòi hỏi sự suy nghĩ, cân nhắc vô cùng thận trọng, vì lá phiếu nói lên trách nhiệm, lập trường lẫn tư cách, phẩm giá của người làm chủ nó. Bỏ lá phiếu trắng trong đại cuộc này, chắc hẳn bắc bộ phủ cũng mất ăn mất ngủ để suy tính thiệt hơn, cũng nghĩ đến những hệ luỵ lâu dài về sau do lá phiếu của mình. Cuối cùng, các đỉnh cao trí tuệ chợt thấy loé lên giải pháp tuyệt hảo: Bỏ phiếu trắng! Thật hết sức đơn giản, có thế mà sao ta lại không nghĩ ra ngay từ đầu. Lá phiếu trắng sẽ làm cho bàn dân thiên hạ không biết mình nghĩ gì, muốn gì, vì nó… trắng toát! Phải cám ơn ai đã nghĩ ra loại phiếu cực kỳ thông minh này. Quyết định bỏ phiếu trắng là một quyết định quá đỗi không ngoan, nghĩa là không phải quyết định, quyết đoạt gì cả!

            Thôi thì ta cứ mũ ni che tai, mặc cho nhân loại đang kêu gào công lý cho nước Ukraine, mặc cho đất nước xinh đẹp này—với lá cờ hiền hoà có màu xanh làm biểu tượng cho bầu trời và màu vàng biểu tượng cho cánh đồng lúa chín—đang bị chiến tranh tàn phá trong từng giây từng phút, mặc cho thường dân Ukraine vô tội, nhất là đàn bà trẻ em, đang ngã xuống dưới làn bom đạn của lính Nga. Ta cứ ngồi thụp xuống, bịt hai tai, che hai mắt lại. Nếu ta không thấy ai nữa thì chắc cũng không ai có thể thấy ta. Giải pháp sao mà êm đẹp!

            Bỏ phiếu “Không” thì trắng trợn quá, ta đâu có muốn bị đánh đồng với những nước mang tiếng độc tài, vì chẳng gì nước ta cũng có một nền “dân chủ tập trung” độc đáo, chẳng có quốc gia nào trên thế giới vỗ ngực xưng là dân chủ có thể theo kịp. Nhưng bỏ phiếu “Có” thì… kẹt ơi là kẹt, há miệng mắc quai! Vì bỏ phiếu phải cần đến bàn tay, đúng là phen này thật “bó tay”! Vẫn biết thế nào đa số các nước trên thế giới cũng sẽ bỏ phiếu “Có”, lên án cuộc xâm lăng Ukraine của Putin, nhưng thật là khó ăn khó nói cho ta. Nói “Có” một cái là trước mắt thấy kẹt với hai đàn anh to tướng trên đầu, đâu phải chuyện chơi.

            Đàn anh thứ nhất không ai khác hơn là đại ca phương bắc, đang áp đặt xuống nước ta (cái này chỉ rỉ tai cho nhau nghe thôi đấy) thời kỳ Bắc thuộc lần thứ V. Ta sợ “anh ấy” một vành. Sợ từ trên xuống dưới, sợ từ trong ra ngoài, sợ từ trái qua phải. Lấy ví dụ cụ thể: Mỗi khi có một chiếc tàu ngó như tàu của đàn anh, tấn công tàu và ngư dân của ta ngoài biển Đông, ta cứ gọi đó là “tàu lạ” cho tiện việc, chỉ mặt đặt tên làm gì cho rắc rối về sau. Đến nỗi có bài báo “phản động” phải thốt lên một câu mà ta nghe cũng thấy nhột nhột ở gáy (người Huế kêu là “ốt dột”): “Tàu thì lạ, sự hèn hạ thì quen”! Nhất nhất, đàn anh làm cái gì thì ta cũng hụ hợ mà làm theo cái nấy, suy tính mần chi cho mệt, miễn không mang vạ vào thân là được rồi. Làm mất lòng đàn anh thì chỉ có thiệt, thà mất nước còn hơn là mất đảng!

            Đàn anh thứ hai cũng không khó gì mà nhận diện, ta đội lên đầu “đồng chí” này từ thuở còn mồ ma cái gọi là Liên Xô. Mối tình hữu nghị Việt-Xô này quả là độc nhất vô nhị trên cõi đời vô thường này. Tình hữu nghị Việt-Xô đời đời bền vững! Những ai yếm thế, thấy cái sắc sắc không không của cuộc đời, nghe câu này trước kia ắt phải bật cười: “Trên đời này làm gì có chuyện nào mà lại ‘đời đời’?!” Ấy vậy mà chuyện khó tin này lại có thật. Bởi chưng tuy Liên Xô đã chết mấy chục năm nay, nó đã luân hồi trở thành nước Nga độc tài ngày nay. Chết mà không chết. Chết mà vẫn là như đang sống là vậy đó.

            Tình yêu Liên Xô của “nhân dân” Việt Nam nó sâu xa, sâu sắc như bắt đầu tự thuở nào, không ai biết được. Ồ, không, thật ra nó bắt đầu từ khi thế giới biết đến hai chữ “cộng sản”, khái niệm và thực thể đã được đức Đạt Lai Lạt Ma diễn tả như sau: Cng sn là loài c di mc trên hoang tàn ca chiến tranh và là loài trùng đc sinh sôi ny n trên rác rưởi ca cuc đi.

Từ những ngày đầu tiên trong thế giới đại đồng, các thi nô, văn nô miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã viết không ngượng tay, nói không ngượng mồm những lời lẽ sống sượng, trơ trẽn như “Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ. Đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thuỵ Sĩ” (Việt Phương). Chắc ngày nay con cháu cái nhà ông thi sĩ này không du học ở Trung Quốc mà đang nhởn nhơ ở một khuôn viên đại học ở Mỹ nào đó, để đêm đêm ngắm vầng trăng méo Huê Kỳ; trên tay đeo Rolex hay Omega thì ngó mới được con mắt, chứ đeo đồng hồ hiệu Vostok thì chả có em nào nhìn đến.

Có kẻ còn táo bạo, phản thiên nhiên, phản luân lý, phản ngôn ngữ học hơn, nói “Yêu biết mấy nghe con tập nói, tiếng đầu lòng con gọi Xít-ta-lin” (Tố Hữu). Cha mẹ ơi! Con nít mới biết nói thường gọi tiếng “Mẹ” hay “Má”, vì đó là người cho nó sự sống, cho nó dòng sữa ngọt ngào hằng ngày, mà cũng vì phụ âm /m/ là phụ âm dễ nhất cho người mới học nói, chỉ việc khép hai môi lại với nhau. Xít-ta-lin là cái tiếng chi chi, vừa đa âm, vừa có những phụ âm xa lạ, khó đọc. Nhưng mặc kệ, tình anh em xã hội chủ nghĩa đã vượt lên trên tất cả.

            Chưa hết, nhà thơ “thần đồng” Trần Đăng Khoa còn trìu mến Việt hoá nhà lãnh tụ vô sản Nga như thế này: “Ông Lê Nin ở nước Nga, mà em lại thấy rất là Việt Nam”! “Em” thiếu nhi quàng khăn đỏ này bị tẩy não quá xá, nay cũng ở độ tuổi “U70”, không biết đọc lại những vần thơ này có biết đỏ mặt không, hay “dây thần kinh ngượng” của ông ta bị đứt mất rồi..

            Vẫn chưa hết. Trong lúc các tượng đài Lê Nin đã bị giật sập ở khắp các nước Liên Xô cũ, kể cả ở nước Nga, thì tượng ông trùm cộng sản này vẫn còn sờ sờ ở công viên Thống Nhất ở Hà Nội (mới đổi tên lại vì thấy tên “Công Viên Lê Nin” có vẻ lộ liễu, vô duyên quá). Trước cảnh chướng tai gai mắt này, một nhà thơ vô danh bèn xuất khẩu “Ông Lê Nin ở nước Nga, cớ sao ông đến vườn hoa nước này?”

            Ngày nay, Nga là một trong những nước tiếp tế vũ khí quan trọng nhất cho quân đội cộng sản Hà Nội. Theo một bản tin của Reuters (2018), trong năm đó, Việt Nam cộng sản đã đặt hàng mua vũ khí và quân dụng của Nga với trị giá 1 tỷ đô-la. Việc buôn bán giữa hai nước cũng khá phát triển. Cũng theo Reuters, hai nước đạt tới khoảng 10 tỷ đô-la về mậu dịch song phương trong năm 2020.

            Còn quan hệ giữa Việt Nam cộng sản với nước Mỹ thì sao? Nếu ngày xưa khẩu hiệu “chống Mỹ cứu nước” đâu đâu cũng nghe thấy trên cửa miệng người miền Bắc, thì ngày nay, tuy không ai tiện nói ra, người nào cũng thấy cả nước Việt Nam đang “đón Mỹ cứu nước”. Tư bản đỏ ở Việt Nam xài đô-la chứ chẳng bao giờ biết đồng rúp của Nga là tròn méo ra sao. Qua rồi cái thời du học Liên Xô, bây giờ phải du học Mỹ, thậm chí phải cho con cháu định cư ở Mỹ để dễ tuồn của cải qua từ từ. Đi xe thì cũng xe Mỹ chứ chẳng ma nào lái xe Nga, có cho không cũng chẳng lấy. Đi ra phố thì ghé McDonald’s hay KFC ăn uống, hoặc vào H&M sắm quần áo, nhìn đâu đâu cũng thấy bóng dáng đế quốc Mỹ. Phim ngoại quốc thì cũng là phim “bom tấn” của Mỹ, chứ cấm có thấy cuốn phim Nga nào.

            Hoa Kỳ như một người yêu hào phóng, sẵn sàng cung phụng những nhu cầu vật chất lẫn tinh thần cho cô gái bán phấn buôn hương không biết sĩ diện. Nga thì như ông chồng già khó tính, đã lỡ duyên nợ với hắn ta thì cũng phải cắn răng mà chịu. Đói lòng ăn trái khổ qua. Nuốt vô thì đắng, nhả ra bạn cười. Lại còn thêm ông chồng đại hán nữa, thân này ví xẻ làm đôi, khổ không khác gì bà táo trong bếp. Nên nhất định phải bỏ phiếu cái kiểu lửng lơ con cá vàng. Mỹ đang dẫn đầu thế giới tự do lên án nước Nga, nhưng ta cũng không có gan dạ nào mà chạy theo Mỹ được. Bây giờ ta mới cám cảnh của Tôn phu nhân khi quy Thục, Thà mất lòng anh, đặng bụng chồng.

            Còn quan hệ Việt Nam-Ukraine thì ra sao? Trong thời hoàng kim của chủ nghĩa cộng sản, tình nghĩa trong “phe xã hội chủ nghĩa” mới thắm thiết làm sao, nhất là lúc đó Ukraine đang thuộc về Liên Bang Xô Viết, có bảo kê đàng hoàng nên thân mật với Ukraine thì tha hồ yên chí. Mới đây thôi, quan hệ giữa hai nước vẫn còn khá mặn nồng về ngoại giao lẫn kinh tế.  Song le, lúc này không phải là lúc bênh Ukraine, phải bênh đúng nước, đúng phe. Ukraine là cái gì so với Nga, Tàu, Mỹ? Mỹ mà ta còn chưa dám theo thì hà cớ gì phải chịu thiệt thòi mà nhảy ra bênh Ukraine? Thôi thì ta cứ dùng ngôn ngữ ngoại giao chung chung, nói như con vẹt, kiểu “khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam về giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở tôn trọng luật quốc tế.” (đại sứ cộng sản Việt Nam phát biểu tại Liên Hiệp Quốc, 1 tháng Ba, 2022). Cứ chờ khi nào Ukraine bình yên trở lại, lúc ấy, khi vui lại vỗ tay vào, ta sẽ lại tung hô hoà bình, ca tụng tình hữu nghị như ngày nào, có gì đâu mà phải bận tâm.

            Nhưng biết đâu ta có thể tính lầm! Nghĩ cho cùng, lá phiếu trắng, tuy… trắng tinh, lại nói nhiều hơn là hơn là hai lá phiếu kia. Nó tố cáo với mọi người là ta muốn nói “Có” mà không dám nói “Có”, muốn nói “Không” cũng không dám nói “Không”. Lá phiếu trắng là một thái độ để ngõ cho những chuyện trong tương lai, “khoán trắng” cho những thái độ của thế giới đối với ta trong những ngày sắp tới. Mai kia mốt nọ, giặc tàu đem quân vô xâm lăng thủ đô ngàn năm văn vật, ta hô hoán lên với thế giới, liệu ta có sẽ được 141 nước bỏ phiếu “Có” chống giặc Nga xâm lược bỏ phiếu chống tàu ủng hộ ta không? Lúc đó ta có khác nào Ukraine hay không? Hay lúc đó có “biết ăn nhạt mới thương đến mèo” thì e cũng đã muộn rồi.

            Nói của đáng tội, ngày trước ta cũng hào hiệp, cũng anh hùng mã thượng lắm chứ, nhưng đó là sự hào hiệp, sự anh hùng có tính toán, có chỗ chống lưng. Chả là khi Liên Xô xâm lược Afghanistan trong thập niên 80, chẳng phải ta đã từng anh dũng hò hét bênh vực chính phủ thân cộng tại đây—dưới danh nghĩa là bênh vực nhân dân Afghanistan—, say sưa qua lời ca tiếng hát “Afghanistan! Afghanistan! Chúng tôi ở bên bạn!”.

            Nhưng lúc này, buộc lòng ta phải bỏ phiếu trắng. Tuy nhiên, ta có biết đâu rằng lá phiếu trắng này cũng giống như tờ giấy có tẩm hoá chất, hơ lên lửa mới thấy có nét viết bằng một loại mực đặc biệt, đọc ra thấy một chữ HÈN to tướng. Ta bây giờ hèn hơn cả Cam Bốt! Chính quyền xứ chùa tháp cũng lệ thuộc vào Trung Cộng mà vẫn còn can đảm để hoà giọng vào bản đồng cả nhân quyền và hoà bình của nhân loại. Ta hèn hơn cả Miến Điện, tuy mang tiếng là một chính quyền độc tài, cũng đã hiên ngang bỏ phiếu lên án tên đồ tể Putin.

Nhưng ta phải hèn mới mong sống sót. Tội gì phải ra mặt, cứ lập lờ đánh lận con đen đi, cứ đu dây giữa những thế lực lớn như ngày xưa đã từng đu dây giữa Liên Xô và Trung Cộng trong chiến tranh Việt Nam đi. Nhưng chắc ta chưa chịu hiểu rằng cái trò đu dây trong kỷ nguyên chiến tranh lạnh đó ngày nay không còn hợp thời nữa. Thời thế đã thay đổi rồi. Bây giờ ta hãy cứ tạm nhơn nhơn, thấy nước ta “chưa bao giờ to đẹp, đàng hoàng như hôm nay” cái đã. Như lời của một lãnh tụ miền bắc có ní nuận đã có lần huênh hoang tuyên bố “Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang toả sáng ở Việt Nam”.

            Ta còn hèn hơn cả chính người dân của ta. Chính quyền không dám lên tiếng chống đối quân Nga xâm lược trên trường quốc tế, nhưng trong nước đã có hàng trăm người ký tên vào lá thư ủng hộ quốc gia và người dân Ukraine trong thời điểm căng thẳng hiện tại. Một số người đại diện đã mang lá thư ủng hộ có hằng trăm chữ ký này đến tận toà đại sứ Ukraine để trao cho viên đại biện lâm thời ở đó.

            Có thể cộng đồng thế giới sẽ trách ta là kẻ xu thời phụ thế, nhưng điều tréo cẳng ngỗng ở đây là ta làm chuyện này như kẻ lội ngược dòng, đi theo thiểu số chứ không đi theo đa số, không go with the flow. Tuy vậy, kẻ hèn cũng có cái lý của hắn. Ta phải hèn thì mới mong sống qua con trăng này, dù biết đoạn đường trước mắt cũng chông gai ghê gớm. Nếu mai này Trung Cộng thôn tính Đài Loan, ta sẽ biết nói sao đây? Lên án họ thì… thà chết còn hơn, mà ủng hộ họ thì có khác chi ngỏ lời mời họ sau đó hãy cứ đường hoàng mang quân nam tiến về đất Thăng Long để “dạy cho Việt Nam một bài học”, cho rằng đất An Nam cũng là một phần trong đại gia đình Hán tộc thì sao?

            Ta hèn, nhưng mà hèn có chính nghĩa, vì sự sống còn của đảng, còn sự sống còn của đất nước và dân tộc chỉ là thứ yếu. Ta chỉ biết một điều duy nhất là còn đảng thì còn mình. Và ta chỉ mong sao cho biến động lịch sử  này sẽ nhanh chóng qua đi, mong cho thế giới mắc bệnh mau quên, không còn nhớ lá phiếu trắng của ta vừa bỏ nữa. Đến lúc đó, ta sẽ lại anh dũng sánh vai cùng cộng đồng nhân loại, chia nhau thức ngủ để canh giữ cẩn thận cho nền hoà bình thế giới.

 

Trần C. Trí

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Ba 20235:16 CH(Xem: 5620)
Chẳng thể cứ tự hào Việt Nam nay là đất nước phát triển nếu như dân cư của cả nước vẫn phải sống với nguồn nước bẩn và một môi trường đầy ô nhiễm. “Không có kỹ nghệ không gian các quốc gia vẫn sống được, nhưng không thể sống nếu không có nước.” Oded Distel [chuyên gia về nước của Do Thái] Đề nghị chọn Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 là Ngày Nước Việt Nam / Vietnam Water Day. [Nhóm Bạn Cửu Long]
26 Tháng Hai 20238:39 CH(Xem: 6583)
Mai An Nguyễn Anh Tuấn Ủng hộ lời kêu cứu cho Đồng Bằng Sông Cửu Long của nhà khoa học Ngô Thế Vinh trên vanviet.info và bauxitevn.net
13 Tháng Hai 202312:43 SA(Xem: 6742)
順天者存,逆天者亡 Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong Thuận với thiên nhiên thì còn. Nghịch với thiên nhiên thì mất. [Mạnh Tử] “Kế hoạch phát triển nào cũng phải tính tới cái giá môi sinh phải trả – environmental costs – đối với sức khoẻ của người dân và cả trên nguồn tài nguyên lâu dài của đất nước.” Ngô Thế Vinh
06 Tháng Giêng 202312:11 SA(Xem: 6522)
Nguyễn Du chỉ thốt lên một lần duy nhất: Ta vốn có tính yêu núi khi ông Bắc hành, ở đoạn cuối sứ trình; nhưng cái tính đó, ông đã bộc lộ biết bao lần trong 254 bài qua cả ba tập thơ chữ Hán của mình! Ai ham đọc sách mà không biết câu nói có tự cổ xưa: Trí giả lạc thủy, nhân giả lạc sơn (Kẻ trí thì vui với sông nước, người nhân thì vui với núi non); song cái ý tưởng sách vở thể hiện khát vọng thoát tục thanh cao, mơ ước được tựa vào non xanh để tìm sự yên tĩnh vĩnh hằng của nội tâm đó đã được Nguyễn Du trải nghiệm bằng toàn bộ cảm giác buồn, vui, qua các đoạn đời phong trần của mình, và ông miêu tả chúng qua bao vần thơ chữ Hán thực thấm thía, rung động.
14 Tháng Mười 202211:28 CH(Xem: 7721)
Năm 2020, đã có một lúc bao nhiêu triệu cư dân vùng hạ lưu sông Mekong thở phào nhẹ nhõm khi nghe tin Bộ Điện Lực Cam Bốt tuyên bố hoãn mọi dự án thuỷ điện trên sông Mekong trong 10 năm tới [1], như vậy là ít nhất có một thời kỳ dưỡng thương cho dòng sông bị đầy những vết cắt do chuỗi đập thuỷ điện của Trung Quốc và Lào phía thượng nguồn. Nhưng rồi mới đây, chỉ hai năm sau, 2022, là một tin chấn động khác: Phnom Penh tuyên bố cho tái phục hoạt / resurrection dự án thủy điện Stung Treng 1.400 MW trên dòng chính sông Mekong phía đông bắc Cam Bốt sát ranh giới với Lào. Dự án này không chỉ sẽ tàn phá sinh cảnh các khu đất ngập được bảo vệ bởi Công ước Ramsar ký kết từ năm 1971, mà còn gây tác hại vô lường trên hai vùng châu thổ phì nhiêu Tonlé Sap và ĐBSCL. Đây là bài đầu tiên trong loạt 3 bài viết nhìn lại toàn cảnh cuộc hành trình gian truân của một dòng sông – Sông Mekong hơn nửa thế kỷ qua.
13 Tháng Chín 20221:26 CH(Xem: 7421)
Tôi biết đến tên tuổi nhà thơ Thạch Quỳ từ hồi sinh viên văn khoa, từng đọc thơ ông, nhưng lần đầu tiên mới được gặp ông tại một đám đông hội hè, giữa khu lưu niệm Nguyễn Du - Nghi Xuân, Hà Tĩnh đầu năm 2019. Đó là một ông già gầy gò, người quắt lại như lõi lim, đôi mắt sáng có vẻ hơi chế diễu nhưng không mất đi sự nhân hậu đằm thắm…
31 Tháng Tám 202210:27 CH(Xem: 7647)
Những năm qua, công luận kêu ca phàn nàn nhiều về tình trạng khá suy đồi của sinh hoạt Tôn giáo - nổi bật ở đạo Phật Việt Nam, trước sự tàn phá thiên nhiên để xây dựng những khu Du lịch Tâm linh trá hình khủng nhằm lợi dụng Tôn giáo để kinh doanh… Và mới đây nhất, tràn ngập Mạng Xã hội là hình ảnh những con chim phóng sinh tội nghiệp bị nhốt trong lồng sắt để rồi sau đó ngắc ngoải trước cửa chùa, hình ảnh các vị sư đạo mạo mãn nguyện đặt tay lên đầu phụ nữ, trẻ em đang cúi rạp sát đất tựa Đức Chúa Trời ban phước lành, hình ảnh nhà sư ôm bát vàng đi “khất thực” song lại quơ tay vơ tiền cúng dường, v.v.
10 Tháng Tám 202210:45 CH(Xem: 8770)
Lời Dẫn Nhập: Bài viết về TS Eric Henry với dự kiến ban đầu kết hợp với Chân Dung Phạm Duy. Nhưng rồi, riêng phần Phạm Duy đã dài tới ngót 50 trang giấy, nên Chân Dung Eric Henry phải tách ra một bài khác, vẫn mong bạn đọc có cái nhìn kết hợp hai chân dung do tính bổ sung của hai nhân vật Phạm Duy và Eric Henry trên chặng đường tìm hiểu nền Tân nhạc Việt Nam cùng với các bước gian truân để hình thành và xuất bản bộ Hồi Ký tiếng Anh The Memoirs of Phạm Duy, dự trù sẽ do Cornell University Press xuất bản. Tưởng cũng cần nói thêm,Thư viện Đại Học Cornell là nơi còn lưu trữ đầy đủ nhất di sản 20 năm Văn học Miền Nam 1954-1975, và “ngọn lửa phần thư” của những người Cộng sản Việt Nam muốn tận diệt nền văn hóa ấy đã không sao lan tới được.
01 Tháng Tám 20226:34 CH(Xem: 8087)
Trong cái thời buổi “Mạt” đủ thứ này, biết bao hiện tượng được gọi là “văn hóa” giống như “Huyền thoại” liên tục nảy nở, khiến thiên hạ khóc dở mếu dở, cười trong chua chát, thậm chí lo âu và hoảng sợ đến thót tim…
03 Tháng Bảy 20222:06 CH(Xem: 7618)
Cám ơn bạn hữu gần xa, những người yêu mến nhạc và cả con người Phạm Duy,trong sự tin cậy,đã gửi và cả cho phép sử dụng các nguồn tài liệu quý giá trong đó có những thư từ trao đổi riêng tư với Phạm Duy cách đây cũng đã ngót30 năm,không ngoài mục đích giúp người viết có chất liệu –đủ cho một cuốn sách,nhưng đó là công trình của tương lai. Đây chỉ một bài viết ngắn, nhưng cũng mong phác thảo được đôi nét chân dung của một nghệ sĩ lớn Phạm Duy -- thần tượng của nhiều người qua nhiều thế hệ,với một cuộc sống đầy cảm hứngnhưng cũngrất phức tạp.Phạm Duy đã sống qua hai thế kỷ,“khóc cười theo vận nước nổi trôi”trong suốt chiều dài của một bi kịch Việt Nam cận đại,vừa hào hùng và cũng vô cùng bi thảm.(NTV)