- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

KỊCH BẢN TUỒNG "CHỮA BỆNH GHEN" - MỘT TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT TÂM LÝ HIỆN ĐẠI

03 Tháng Sáu 202110:29 CH(Xem: 10641)

QuynhPhu

 

Mai An Nguyễn Anh Tuấn

 

KỊCH BẢN TUỒNG "CHỮA BỆNH GHEN" -

MỘT TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT TÂM LÝ HIỆN ĐẠI

 

 

Kịch bản tuồng "Liệu đố" (chữa bệnh ghen) có thể nói là một kịch bản văn học khá kỳ lạ. Khoác cái vỏ lụng thụng của những điển tích cổ, thơ Đường, Kinh thi..., nhưng kịch bản được viết ra từ trên một thế kỷ này tận cốt lõi lại là sự sống dân gian Việt, và điều đặc biệt nhất là chứa đựng nhiều yếu tố hiện đại trong nội dung tâm lý cũng như về hình thức biểu hiện. Tôi xin mạn phép được minh chứng điều này bằng chính văn bản vở tuồng "Liệu đố" mà tôi có được trong tay nhờ các nhà nghiên cứu dịch thuật Hán Nôm của Trời Văn Bình Định (“Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu - ông đồ nghệ sĩ” - Nxb Sân khấu, 2011).

 

Theo nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn, "Liệu đố thuộc dòng dân dã như các vở Trương Ngáo, Trương Đồ Nhục, Nghêu Sò Ốc Hến, Lưu Bình-Dương Lễ… không cân đai mũ mãng". Nghĩa là, nó không có xuất xứ từ một tích cổ từng ghi trong sử sách nào hết, tức không dính líu tới bất kỳ sự kiện lịch sử hoặc nhân vật có thực nào! Về nội dung, nó đề cập trực diện tới Cái Ghen. Xưa cũng như nay, chứng bệnh khó chữa này rất phổ biến, và thời hiện tại, có lẽ nó càng phát triển gay gắt. Còn trong văn chương nước nhà, cái ghen của một người đàn bà quý tộc khiến Truyện Kiều vốn đã lừng danh về quá nhiều phương diện phải lưu lại cho đời cái biểu tượng đặc sắc "Nhà Ghen Hoạn Thư"!...

 

"Liệu đố" bắt đầu bằng câu chuyện anh cử nhân Châu Anh cùng với vợ là Ngọc Mai bàn tính chuyện đến kinh dự thi Hội. Lúc này, Ngọc Mai đã chứng tỏ tính hay ghen của mình khi nhất quyết không cho chồng đi, vì sợ chồng lúc công thành danh toại (đắc lộ) thì sẽ "Kiếm hầu xinh hầu tốt...chốn thị thành kiếm năm bảy đứa hầu áo đỏ, quần tía...". Nhưng không thể cản nổi bước phong vân, Ngọc Mai đành căn dặn chồng kỹ lưỡng, bắt thề bồi, trao cho chồng vòng ngọc uyên ương làm tín chấp... Châu Anh cùng hề đồng trên đường đến kinh kỳ thì gặp bọn tướng cướp Hắc Sát, Bạch Hoạch dẫn lâu la đón đường cướp của. May nhờ có cha con Thạch Nghị - Kim Liên giỏi võ đánh bọn cướp cứu giúp. Thầy trò Châu Anh chạy vào nhà Thạch Nghị trốn, riêng Châu Anh tình cờ lọt vào buồng ngủ của Kim Liên...Trước đó, Kim Liên nằm chiêm bao thấy một con cọp chạy vào buồng ngủ của mình, giờ đây thấy người lạ trong buồng, nàng sợ quá đánh thức cha dậy nhờ đoán xem điềm lành- dữ. Cha nàng đoán định là điềm lành, con gái sẽ gặp đức ông chồng là trang hào kiệt. Khi hỏi kỹ nguyên do, ông biết được Châu Anh đã đậu cống sĩ khoa Nhâm Dần, cho là "Bà nguyệt đã se duyên", ông bèn đề nghị Châu Anh kết nghĩa Châu Trần với con gái mình, mặc dù Châu Anh nói thật là mình đã có vợ nhà. Kim Liên mới đầu phản đối cuộc hôn nhân mà theo cô là ""đem con đi biếu", nhưng trước "Lời cha nói xót xa", nàng cũng vâng lời. Còn Châu Anh cũng rơi vào cái thế buộc phải ưng thuận, bởi theo lời Thạch Nghị, "Giường con tôi ông đã đặt mình" làm nhơ danh con gái lão... Thế là Châu Anh mặc nhiên có thêm vợ hai, dù miệng nói "Đã phỉ nguyện non sông/ Lại bén duyên cầm sắt", nhưng trong lòng thì lại nhờn nhợt lo sợ sư tử Hà Đông ở quê nhà!

 

Châu Anh từ biệt vợ mới đến kinh kỳ dự Hội thí, được nhạc phụ Thạch Nghị tiễn chân một đoạn dài. Kim Liên đã lục lấy vòng ngọc của chồng để làm kỷ niệm. (Đó là một đạo cụ quan trọng liên quan đến sự phát triển kịch tính về sau).

 

Ngọc Mai ở nhà đang trong tâm trạng nhớ thương, lo lắng cho chồng thì có dì Bảy Nhạn tới chơi, cho biết Châu Anh đã "Mua một hầu tốt tựa tiên sa"... Trong đoạn này, chúng ta thấy tác giả rất khéo léo khi miêu tả sự phát triển và xung đột tâm lý giữa hai nhân vật. Trước hết, ta cần lưu ý cái lối nhẩn nha đưa chuyện của Bảy Nhạn: từ nỗi buồn của mình lân la sang nỗi buồn của Ngọc Mai, đến nhận xét chung về đàn ông ("Được phòng này, khuây phòng nọ/ Ăn miếng cá, nhả miếng cơm") làm cơ sở cho tin "đồn lởn vởn"; từ đó Bảy Nhạn bắt đầu tung hoành trí tưởng tượng thay cho Ngọc Mai về cuộc tình kia, lại có sự phán xét chắc nịch về thứ đàn ông đã coi vợ nhà như "ngựa già trâu mỏi bất dụng". Kết cục là Ngọc Mai nổi điên lên, túm tóc Bảy Nhạn cho một trận. Tâm trạng Ngọc Mai lúc đó được nữ đồng nói hộ: "Bởi tại dì nói lẻo/ Làm cho mệ sợ thầm".

 

Khi sang nhà ông bà Hương mục xin thang thuốc "hạ hỏa", trước lời khuyên "Xin đừng ghen bóng" thì Ngọc Mai đã lại như lửa đổ thêm dầu, nàng đã thốt lên những lời chửi rủa của dân gian đối với người vợ bé của chồng: "Mả mẹ", "Mồ cha"... Với chữ nhẫn của bà Hương mục, người hiểu phận "Thân con gái mười hai bến nước" và hiểu thói thường đàn ông qua chồng mình, và nhất là trước lời khuyên cần bình tĩnh ra tận ngoài đó để "gặng đục lóng trong" rồi hành sự cũng chưa muộn, Ngọc Mai đã nguôi dần. Trước mặt gia đình hàng xóm trí thức, nàng đã trở lại lịch thiệp với những câu chữ bóng bẩy: "Muốn biết tuổi vàng/ Phải nhờ sức đá"... Nhưng khi về tới nhà, nàng đã lộ nguyên hình là một Sư tử cái Hà Đông với tất cả cơn cuồng nộ, gọi đối phương là "con đĩ ngựa" và thề "Quyết không dung mạng nó"! Kịch tính đã được đẩy lên một cao trào mới trong lúc Ngọc Mai hờn giận và bất cần truyền lệnh cho gia đinh trông coi nhà cửa để ra đi tìm chồng, cùng những lời nguyền rủa đối phương thật cay độc; sau đó thì nàng mường tượng ra cảnh chồng mình đang "kề vai dựa vế" cùng vợ mới, tự độc thoại bằng cách than khóc với chồng... Ở đây có hai nấc thúc đẩy tâm trạng ghen với những sắc thái phong phú, bởi sự can thiệp của hai người đàn bà đã tác động sâu sắc tới Ngọc Mai.

 

Xin hãy nhớ lại trường đoạn miêu tả cái ghen của dũng tướng da đen trung thực Ô-ten-lô trong vở kịch cùng tên của U. Sêc-xpia đã được đẩy lên từng bước như thế nào qua những lời đưa đẩy nham hiểm của I-a-gô để dẫn tới án mạng khủng khiếp sau đó, sẽ nhận ra: ông đồ Tú Diêu với tư cách là một nghệ sĩ ngôn từ cũng thực đáo để trong lĩnh vực hiểu biết và vận dụng tâm lý con người cho nhân vật của mình!

 

 

"Ngày phục thù báo oán" của Ngọc Mai cũng là ngày bọn tướng cướp Hắc Sát - Bạch Hoạch trả thù riêng với Thạch Nghị ngay tại tư dinh, nhân lúc lão đi vắng. Kim Liên bị chúng bắt sau một cuộc giao chiến. Trong khi hai tên tướng cướp đang tỏ ra cao thượng nhường nhịn nhau "chiến lợi phẩm" là trang thục nữ để làm người "vầy duyên tơ tóc", Ngọc Mai vô tình lạc vào lãnh địa của chúng; và giữa lúc nàng còn đang hận đến độ muốn "móc tròng con mắt" đối phương thì bị sa vào tay bọn cướp. Ngọc Mai bị giam cùng với Kim Liên.

 

Trong ngục tối, Ngọc Mai đau khổ vật vã, được Kim Liên bình tĩnh an ủi. Tình cờ, Ngọc Mai nhìn thấy vòng ngọc của Kim Liên thì bật khóc, hỏi ra mới biết: "Ngọc đó tức là ngọc đây/ Chồng em tức là chồng chị". Sau khi nghe Kim Liên giải thích mọi nguồn cơn, Ngọc Mai đã trân trọng ơn nghĩa trời biển của cha con Kim Liên, và thừa nhận rằng mình đã nhất thời oán trách người vô tội... Còn Kim Liên không những tỏ ra là một phụ nữ biết điều khi cúi xin Ngọc Mai tha thứ cho sự vô tình của mình (dù là cái vô tình "thiên duyên" - duyên trời ban), nàng còn thể hiện là một nữ lưu sáng suốt, thông minh, dũng cảm: Kim Liên bày mưu cùng Ngọc Mai hạ độc tên Bạch Hoạch rồi rủ nhau trốn thoát. Hắc Sát dẫn lâu la truy đuổi hai người.

 

Trong hoạn nạn, tình chị em thân thiết đã gắn kết Ngọc Mai với Kim Liên. Suốt chặng dài chạy trốn, Kim Liên luôn động viên giúp đỡ Ngọc Mai, và họ đã phải đối diện với lưỡi gươm tanh máu của bọn cướp truy sát đến cùng... Giữa khi nguy cấp, Kim Liên phải vừa đỡ gươm giáo vừa cõng Ngọc Mai tìm cách thoát vòng vây, thì cha nàng là Thạch Nghị kịp tìm đến nơi. Hắc Sát bị Thạch lão giết chết trong cuộc giao chiến...

 

Tất cả trở về dinh cơ Thạch Nghị. Tại đó, Ngọc Mai chìm trong nỗi nhớ thương, uất hận đến độ chết ngất đi, lâm trọng bệnh. Hiểu rằng Ngọc Mai đã mắc bệnh nội thương do chính mình gây ra, Kim Liên rất xót xa, nàng nguyện mắc tội bất hiếu là cắt da thịt mình lấy máu hòa vào thuốc cho Ngọc Mai uống... Ngọc Mai tỉnh lại, lòng tràn đầy nghi hoặc: vì sao mình vẫn còn sống an toàn cho đến lúc này…

 

Hiểu được tâm sự ngổn ngang của Ngọc Mai - mà căn cốt của chúng là mối ghen tuông dày vò, thần Thổ địa đã đưa linh hồn mẹ Ngọc Mai là bà Kim Cảnh từ cõi âm về cõi dương mong giải tỏa được mối ghen tuông đó. Trong chiêm bao, nhờ những lời lẽ giàu lý nặng tình của mẹ, và nhất là khi được mẹ báo mộng cho biết: Kim Liên đã cắt thịt hòa huyết cho mình uống, Ngọc Mai đã đột nhiên tỉnh ngộ về cái ơn nghĩa sánh với "trời sinh đất dưỡng" kia...

 

Đúng vào lúc đó, Kim Liên sinh hạ được một bé trai. Trước niềm hạnh phúc của người mẹ trẻ cùng nỗi "cảm thương" cho đứa bé "chưa thấy mặt cha", trái tim Ngọc Mai mềm lại; và nàng như bật khóc trước tấm lòng của một người làm cha được làm ông, trước nỗi mừng mừng tủi tủi của ân nhân Thạch lão - người mà nàng đã tự nhiên thốt gọi là "thân phụ". Nàng đề nghị được đáp đền ơn nghĩa "Cho trọn vẹn cha đâu con đó". Từ giờ khắc ấy, dù chồng chung còn đang lận đận đâu đó với công danh, nhưng ở nơi này "Chị em hòa thuận phỉ nguyền cùng nhau"...

 

Cái kết "Cha con chồng vợ sum vầy ấm êm" theo triết lý "ở hiền gặp lành" phù hợp với tâm lý chờ mong của dân gian, và cũng xuất phát từ những tình huống tâm lý chân thực, không hề có chút gượng ép nào!

 

Cảnh thần Thổ Địa hiện về và giấc chiêm bao gặp mẹ của Ngọc Mai là yếu tố phi thực duy nhất của "Liệu đố". Nhưng, thần Thổ Địa trong kịch bản này thực ra chỉ là  hiện thân của lương tri dân gian- người phát ngôn cho những điều của đạo lý tồn tại vượt qua mọi dây nhợ trói buộc xã hội. Và hồn bà Kim Cảnh, xét cho cùng cũng chỉ là tiếng nói của đáy sâu tâm hồn Ngọc Mai! Nếu như Ngọc Mai không sẵn có một trái tim lương thiện, lại không trải qua bao đận gian nguy để có dịp thấu hiểu lòng người, thì dù có hàng ngàn lần hồn mẹ hiện về cũng không thể gỡ bỏ nổi cơn ghen khiến nàng "Ôm lòng chịu trăm đường tức tối"! Những lời giảng giải của mẹ về đạo nghĩa làm người trong chiêm bao thực ra đã sẵn có trong lòng Ngọc Mai, hơn thế, chúng đã được kiểm nghiệm, được soi sáng bằng thực tiễn khốc liệt đầy máu lửa! Mượn hồn ma để khắc họa & khai thác tâm lý nhân vật chính một cách thấm thía, rung cảm, đầy sức thuyết phục - phải nói đó là sự tìm tòi sáng tạo quý báu của tác giả. Và, cũng như ở những vở tuồng khác của cụ Tú Diêu- ví như "Ngũ hổ bình liêu", cảnh ngộ càng éo le nguy hiểm bao nhiêu thì tình cảm con người càng có điều kiện bộc lộ sự gắn kết bấy nhiêu. Phải chăng, đó cũng là một trong những bí mật của sức cuốn hút người xem trong các tác phẩm nghệ thuật lớn xưa nay - đặc biệt là kịch?

 

Sự kiện kịch ở đây dồn dập nhưng không hề che lấp diễn biến phức tạp của tâm lý; còn sức mạnh của tâm lý tình cảm nhân vật đã dẫn dắt câu chuyện kịch một cách tự nhiên và hấp dẫn! Đằng sau/ bên cạnh cái hồi hộp do tình tiết câu chuyện đem lại, là cái thổn thức âu lo, cái quặn đau xé lòng xé ruột, là nỗi chua xót đắng cay… trong nội tâm nhân vật do ngoại cảnh tác động, do những quan hệ mới, những khám phá sự thật mới nảy sinh bởi các tình huống xung đột. Ngược lại, nhiều tình huống xung đột được tạo ra lại xuất phát bởi chính tâm trạng và các động lực tâm lý! Ngoài ra, kịch bản "Liệu đố" xử dụng khá điệu nghệ những lời độc thoại nội tâm và những cơn mơ, những ảo giác, sự mê man  của thủ pháp điện ảnh hiện đại khiến cho tác phẩm càng có sức thấm sâu và bùng nổ trong lòng người đọc kịch bản/ người xem diễn (mà cuộc gặp của Kim Liên với mẹ ở Âm phủ hiện về là tiêu biểu...). Đó cũng là bài học khá sinh tử đối với nhiều người làm nghề Sân khấu & Điện ảnh hôm nay; và trong các khoa Văn hay các khoa của Nghệ thuật biểu diễn, vở "Liệu đố" có thể được đưa vào giảng dạy như một kiểu mẫu của bộ môn Kịch học! Ở góc độ điện ảnh, tôi cho rằng, nếu được chuyển thể, kịch bản "Liệu đố" chứa đựng khá đầy đủ những yếu tố để hứa hẹn trở thành một bộ phim ăn khách và có giá trị nghệ thuật…

 

Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn đã có một nhận xét chí lý về căn bản nội dung nghệ thuật vở tuồng "Liệu đố": "Phương thang của Quỳnh Phủ tiên sinh chữa cái bệnh kinh niên này (bệnh ghen - MA NAT) là kêu gọi lương tri, lương năng của con người thông cảm, chia sẻ cho nhau những vui buồn; nhường nhịn thương yêu nhau những được mất mới giải quyết nổi một vấn đề xã hội thường xảy ra mà không ai muốn cả. Điều quan trọng trong phương thang là vị thuốc sống thật, là sự thật. Biết được sự thật thì con người có thể sướng khổ sống bên nhau." (Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu - ông đồ nghệ sĩ- Sđd). Tôi thiển nghĩ, đó cũng là nguyên do chính khiến cho vở "Liệu đố" mang hơi thở của cuộc sống hiện đại và có sức sống lâu bền qua thời gian.

                    

 

Mai An Nguyễn Anh Tuấn

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Năm 201712:36 SA(Xem: 27520)
"Trung Quốc là gã khổng lồ đang im ngủ. Hãy để nó yên giấc, vì khi thức dậy nó sẽ chuyển dịch cả thế giới". Napoléon Bonaparte "China is a sleeping giant. Let her sleep, for when she wakes she will move the world." Napoléon Bonaparte, 1816 à Saint Hélène
23 Tháng Ba 201710:52 CH(Xem: 24597)
Đã từ rất lâu rồi, tôi hài lòng với việc đọc thơ trong màu xám của một nỗi tuyệt vọng - nỗi tuyệt vọng không bao giờ phân tách nổi trắng đen giữa đám sương mù xám đặc dường như chỉ có dấu hiệu đậm dần lên trong những lớp lang chữ nghĩa, trong cách ngắt nhịp, buông vần. Tôi đọc Song tử của Quỳnh cũng trong cùng đám mây tuyệt vọng đó, với tâm thế của một kẻ mộng du lạc bước vào chốn mơ của một kẻ mộng du khác.
06 Tháng Ba 201712:11 SA(Xem: 28275)
Hai tác phẩm Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng và Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch, của bác sĩ Ngô Thế Vinh, vừa được trao giải Văn Việt 2017. Hai tác phẩm Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng và Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch, của nhà văn, bác sĩ Ngô Thế Vinh, vừa được trao giải Văn Việt 2017, ngày 3/3, tại Sài Gòn. Theo tin VOA nhận được từ nhà văn Ngô Thế Vinh hiện đang ở California, Hoa Kỳ, ông được nhà văn Nguyên Ngọc, Chủ tịch Hội đồng Giải Văn Việt trao quyết định tặng Giải Đặc biệt cho hai tác phẩm Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng và Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch. Hai tác phẩm này đã được đăng trên Văn Việt năm 2016. Vì không thể về Việt Nam trực tiếp nhận giải thưởng này, nhà văn Ngô Thế Vinh đã ủy quyền cho nhà thơ Lý Đợi tiếp nhận và đọc diễn từ nhận giải thưởng Văn Việt 2017.
12 Tháng Hai 20172:31 SA(Xem: 30594)
"Với những ghi chú bằng tiếng Anh, cùng với những nét minh hoạ tinh vi của hơn 10,500 chủng loại, bộ sách Hoạ Hình Cây Cỏ Việt Nam / Illustrated Flora of Vietnam của Giáo sư Phạm Hoàng Hộ đã cung cấp cho giới độc giả tiếng Anh lần đầu tiên và cập nhật một tài liệu tham khảo thấu đáo mà chúng tôi ít biết đến. Công trình này sẽ đứng như một tượng đài của sự quyết tâm, cống hiến, và uyên bác với lòng can đảm của tác giả. Giáo sư Phạm Hoàng Hộ hầu như đơn độc hình thành một công trình sinh học thực vật có tầm vóc hàn lâm/ academic tại Đại Học Sài Gòn giữa những năm tháng khó khăn. Trong hoàn cảnh cực kỳ thử thách ấy, giáo sư Hộ đã sưu tập được những chất liệu cho bộ sách đặc sắc này và cả những chuyến du khảo nhằm thu thập những mẫu vật để minh hoạ. Và nay công trình được xuất bản, đó sẽ là nguồn khích lệ cho các nhà sinh học trẻ ở Việt Nam và cả ở hải ngoại. (Peter Shaw Ashton, Giáo Sư Charles Bullard ) Ngành Lâm Học, Đại Học Harvard
11 Tháng Giêng 20171:19 SA(Xem: 30675)
Khoảng ba trăm triệu năm trước, Tây Tạng còn nằm dưới đáy biển Tethys nguyên là một đại dương mênh mông bao trùm cả diện tích Châu Á và Ấn Độ. Do hành trình va chạm dữ dội của hai khối tiền lục địa Gondwanaland và Laurasia tạo nên cơn địa chấn với sức ép khổng lồ từ khối đất Ấn Độ dồn lên phía bắc tạo thành dãy Hy Mã Lạp Sơn và Cao nguyên Tây Tạng. Với lịch sử địa chất ấy, Tây Tạng là vùng đất cao từ 3500 tới 5000 m – được mệnh danh là "xứ tuyết", “nóc của trái đất”, hay "Cực Thứ Ba / Third Pole" -- hai cực kia là Bắc Cực và Nam Cực.
02 Tháng Giêng 201711:18 CH(Xem: 29187)
Tanaka Aki, tên cô gái Nhật Bản, Aki có nghĩa là "Mùa Thu", cô đã không có may mắn được gặp nhà văn Nguyễn-Xuân Hoàng mà cô rất ngưỡng mộ nhất là sau này khi được đọc tác phẩm Người Đi Trên Mây, Sa Mạc, Bụi và Rác. Aki đã bị cuốn hút ngay với tác phẩm Người Đi Trên Mây vì mối quan tâm của cô về môi trường, hoàn cảnh sinh hoạt của Sài Gòn trước 1975. Aki đã từng sống và làm việc ở Việt Nam hơn 13 năm nhưng là thời kỳ sau 1975. Và cô có ý muốn dịch Người Đi Trên Mây sang tiếng Nhật nhằm chia sẻ một tác phẩm hay với độc giả người Nhật.
11 Tháng Mười Hai 201612:35 CH(Xem: 28492)
"Có lẽ một ngày nào đó Việt Nam sẽ tự do và tôi có thể trở về. Tôi đang hạnh phúc ở đây nhưng nội tâm thì rất buồn bã. Buồn cho dân tộc tôi. Tôi không biết liệu chúng tôi có còn một tương lai. Xa rời quê hương, thật khó mà duy trì truyền thống của chúng tôi. Chúng tôi cảm thấy như bị đánh mất phần hồn." Đã 36 năm kể từ ngày Mai Thảo trả lời cuộc phỏng vấn của Jane Katz 7.10.1980, hai năm sau ngày anh đặt chân tới Mỹ và cũng đã 18 năm kể từ ngày anh mất: Việt Nam vẫn chưa có tự do và thân xác anh thì nay đã vùi nông trên một lục địa mới rất xa với một nơi được gọi là quê nhà. NGÔ THẾ VINH
17 Tháng Mười Một 201610:47 CH(Xem: 34646)
LTS. Nhà văn Cao Xuân Huy mất ngày 12 tháng 11 năm 2010; vậy mà cũng đã 6 năm rồi. Sau đây là bài viết kết hợp của Ngô Thế Vinh, Nguyễn Xuân Hoàng, Trịnh Y Thư để tưởng niệm tác giả Tháng Ba Gãy Súng, nhân ngày giỗ thứ 6 của Anh.
31 Tháng Mười 20163:02 SA(Xem: 27171)
Một bài học lịch sử từ cổ đại: Các siêu cường thường suy tàn vì chia rẽ, tranh chấp nội bộ. Liệu Liên Bang Mỹ có suy nghiệm về điều này để tự vượt thắng hay chăng? Siêu cường Mỹ có những khó khăn và rạn nứt; nhưng cũng dư thừa khả năng điều chỉnh, thắng vượt và hàn gắn. Tôn giáo đích thực của đại đa số dân Mỹ trầm lặng là hy vọng và tương lai.
11 Tháng Mười 20161:41 SA(Xem: 28419)
Isaan là một vùng châu thổ rộng lớn trên cao nguyên Khorat trong lưu vực Sông Mekong, bao gồm 20 tỉnh đông bắc Thái Lan, chiếm đến 1/3 toàn diện tích 514,000 km2 của Thái với hơn 20 triệu dân cũng chiếm khoảng 1/3 dân số Thái nhưng vẫn còn là một vùng nghèo và khô hạn, cho dù được bao quanh bởi con sông Mekong như một biên giới thiên nhiên giữa Thái - Lào. Do sự toa rập giữa thực dân Pháp và Anh, họ đã cắt một phần đất Lào sát nhập vào Thái từ 1941, do đó cư dân Isaan đa số là người Lào còn được gọi là Thay Isaan, nói cùng ngôn ngữ, chủ yếu sống bằng nghề nông, tơ lụa và chài lưới. Còn phải kể tới một số không ít người Việt sinh sống lâu năm tại đây.