- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

BẠN CÓ NGHE NGƯỜI NÔNG DÂN KHÓC

16 Tháng Năm 20219:48 CH(Xem: 12490)

Bà Cấn Thị Thêu và 2 con Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư
Bà Cấn Thị Thêu và 2 con trai Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá Phương


Bạn Có Nghe Người Nông Dân Khóc
NGUYỆT QUỲNH

 

Ngày 5/5, TAND tỉnh Hoà Bình đã tuyên án 16 năm tù cho chị Cấn Thị Thêu và con trai Trịnh Bá Tư. Trước đó, người con trai khác của chị, Trịnh Bá Phương bị công an chuyển từ trại giam vào viện tâm thần. Sự đàn áp khắc nghiệt của lãnh đạo ĐCS đối với gia đình chị, vô tình lại giúp tôi cảm nhận được cái “sức sống mãnh liệt” của những nông dân này. Và như Ls Đặng Đình Mạnh, tôi cũng rơi nước mắt khi đọc những chia sẻ của anh:"Chứng kiến sự đanh thép, bất khuất ... của họ tại tòa, mất tự chủ, tôi chảy nước mắt vì xấu hổ".

 

Ngày 22/3 gia đình Trịnh Bá Phương được công an báo tin rằng họ đã chuyển anh vào viện tâm thần, đến ngày 30/3 họ buộc lòng phải trả anh về lại Trại Giam Số 1. Chúng ta không biết chuyện gì đã xảy ra cho anh. Liệu một chế độ dày dạn kinh nghiệm với những thủ thuật tinh vi nhằm bẻ gãy con người đã lỏng tay cho Phương, hay một bác sĩ có lương tâm nào đó đã giúp đỡ anh? Tôi không chắc. Nhớ lại những điều anh dặn dò gia đình trước khi bị bắt và với tất cả lòng kính trọng dành cho một người lâm nạn cô thế, tôi thầm cầu nguyện cho anh. Anh làm tôi chạnh nghĩ đến câu chuyện của một nhà huyền môn người Ấn, ngài Dandamis:

 

Trên đường chinh phục thế giới, Đại đế Alexander đã chiếm hữu được tất cả mọi báu vật ở những nơi ông đi qua. Thế nhưng, chưa thoả lòng, khi đến Ấn Độ cái mà ông muốn đem về với mình là một con người - một nhà huyền môn.

 

Dĩ nhiên, mọi chuyện đâu có “xuôi chèo mát mái” như ý muốn của Alexander. Khi binh lính về báo với ông rằng Dandamis không chịu rời đi và nói rằng tốt nhất Đại đế hãy tới gặp ông ta. Đại đế Alexander bèn tới gặp Dandamis với lưỡi kiếm tuốt trần trong tay. Trông thấy ông, nhà huyền môn phá lên cười lớn: “Cất kiếm đi, nó vô dụng ở đây. Đây là đầu ta, ông có thể chặt nó. Khi chiếc đầu rơi xuống, ông sẽ thấy nó rơi trên cát và ta cũng thấy nó rơi trên cát, bởi vì ta không là thân thể. Ta là nhân chứng.

 

Bất ngờ trước thái độ của Dandamis, trong vô thức, Alexander đã tra gươm vào vỏ. Và đó là lần đầu tiên Alexander đã làm theo lệnh của một người khác.

 

Ta có thể nói người bình thường thì không thể hành xử như Dandamis, vì ông là một nhà huyền môn. Nhưng điều khác nhau giữa một Dandamis và một người bình thường chỉ là sự nhận thức. Ông ta biết điều gì nên sợ, và điều gì chúng ta cần đối đầu. Trịnh Bá Phương đâu có phải là một nhà huyền môn. Anh là nông dân, là một người bán cua, là dân oan Dương Nội, nhưng anh hành xử không khác Dandamis. Biết mình sắp bị bắt, biết mình có thể bị nghiền nát bởi bộ máy quan liêu, tham nhũng và nhẫn tâm, anh nhắn lại: “Nếu tôi có chết trong trại giam hay đồn công an. Đề nghị gia đình, hàng xóm không ai được chôn xác tôi. Hãy để xác đó như bằng chứng tội ác của chế độ cộng sản Việt Nam”.

 

Khi Dandamis chọn làm chứng nhân, ông chứng tỏ cho Alexander thấy cái giá trị của sự sống ở một con người. Ông có thể bị chém đầu, nhưng với thái độ đó, ông vẫn sống ngay cả khi đầu ông đã nằm trên cát. Thái độ của chị Cấn thị Thêu và hai con trai cũng thế. Họ như những hạt ngọc long lanh, họ sở hữu những đặc tính hiếm quý giữa một xã hội bị vùi dập trong sợ hãi.

 

Thể chế cộng sản rất tinh vi trong cách huỷ diệt con người. Trong thế giới cộng sản, con người bị nhấn chìm và mọi giá trị đều vỡ vụn. Tất cả đều sợ hãi. Tôi nhớ hình ảnh Chế Lan Viên tự phác hoạ mình qua bài thơ “bánh vẽ”: Trước những giá trị ảo, công trình ma, giải thưởng dổm, dự án bánh vẽ, … cả một thế hệ trí thức, những văn nghệ sĩ tinh hoa của Hà Nội đều biến thành những hình nộm - Nói như Chế Lan Viên -  dù biết là đồ giả, là bánh vẽ, tất cả vẫn gật gù, vẫn cùng nhau “nhai ngồm ngoàm” các thứ.

 

Rốt cuộc anh lại ngồi vào bàn 

Như không có gì xảy ra hết 

Và những người khác thấy anh ngồi, 

Họ cũng ngồi thôi 

Nhai ngồm ngoàm...

 

Một nửa thế kỷ đã trôi qua, chúng ta vẫn không muốn soi vào lịch sử để nhìn ra nhân dáng mình. Nhân loại đã có biết bao đổi thay, hầu hết các quốc gia theo cộng sản đã sống sót qua bảy mươi năm ảm đạm rồi bừng tỉnh để chào đón một bình minh nhưng chúng ta thì không. Xã hội Việt Nam vẫn thế, vẫn nhẫn nhục cúi đầu tuân phục. Chúng ta có thể có phố xá, hạ tầng cơ sở hơn hẳn các nước Á châu khác như Cam Bốt hay Miến Điện, nhưng chúng ta không thể nào có được một đám đông vững vàng nhiệt huyết như Hồng Kông hay Miến Điện. Khi đối diện với trấn áp, chúng ta quên ngay lập tức, quên mọi thứ, quên đi những giá trị đích thực của chính mình. Tôi muốn mở ngoặc ở đây để nhắc về một phiên toà xử hai cán bộ nghành tư pháp. Khi toà tuyên án, cựu giảng viên Viện Kiểm Sát Lâm Hoàng Tùng đã ngất xỉu trong khi cựu phó chánh án Nguyễn Hải Nam thì gào khóc, gọi bố kêu oan!

 

Tôi thực lòng không khỏi cảm thấy bất nhẫn khi đọc về họ. Rõ ràng hai cán bộ Viện Kiểm Sát chỉ muốn một phiên toà công bằng nhưng một nền tư pháp công bằng sẽ không đến vì nước mắt hay tiếng gào khóc của họ. Chính nỗi sợ hãi đã khiến cho người dân VN phó thác số phận mình cho kẻ cầm quyền, và đó mới là điều đáng sợ. Chúng ta giao phó hết cho những kẻ bất xứng làm những quyết định quan trọng: họ ra phán quyết về tư pháp, về kinh tế, về an ninh quốc gia và định hình cả cuộc sống hàng ngày của mọi người, trong đó có gia đình và con cháu chúng ta.

 

Bạn có từng nghe chị Cấn thị Thêu khóc chưa? Khi chị khóc những cánh đồng mênh mông Dương Nội khóc cùng chị. Khi chị nói, trái tim chúng ta lắng nghe chị vì đó là tiếng nói của những con người cùng khổ nhưng sự dũng cảm đã khiến chị đứng cao hơn hoàn cảnh. Và nếu sự sợ hãi có thể lan truyền thì thái độ sống tích cực cùng những giá trị chúng ta đề cao cũng có khả năng ảnh hưởng sâu rộng lên mọi người chung quanh.

 

Bạn có thể gọi những nông dân Dương Nội là những nhà hoạt động, lãnh đạo cộng sản thì chụp mũ họ là những kẻ phản động nhận tiền nước ngoài; nhưng việc làm của họ chỉ đơn giản là một dân oan, một nông dân bảo vệ mảnh đất của mình, một nông dân bảo vệ một nông dân cô thế khác. Và họ hành xử vững vàng, vững vàng và tự tin như câu trả lời của chị Cấn thị Thêu trước toà. Khi đại diện viện kiểm sát hỏi chị rằng chị có nhận tiền từ ai đó không, chị đã nhấn mạnh bằng cách lập đi lập lại một cụm từ: “khi nào các ông bị cướp đất, khi nào các ông bị đàn áp, khi nào các ông bị bỏ tù như gia đình chúng tôi thì các ông sẽ biết đấu tranh chứ ở đó mà hỏi nhận tiền”.

 

Tôi yêu những nông dân thôn Hoành, tôi yêu những nông dân Dương Nội. Yêu cái hồn của đất – nơi con người đang phải đối mặt với phong ba bão táp; nơi con người bước trên nghịch cảnh bằng sự cao quý và khí phách của riêng mình. Tôi có một niềm tin vững chắc rằng lòng tử tế và sự dũng cảm của họ sẽ lan toả và lan rộng.

 

Bạn ơi! bạn đã từng nghe người nông dân khóc chưa? Hãy cùng tôi lắng nghe lại Nỗi Đau Mất Đất của nông dân Dương Nội https://www.youtube.com/watch?v=-w_PeHoO7d8 . Và rồi, nối thêm một vòng tay cho vòng tròn đáng tự hào ấy được lan tỏa …

 

Nguyệt Quỳnh

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
06 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 108709)
T rong thế giới " không có vua ", cha con, anh em gầm gừ, chửi bới, cạnh khóe, cấu xé nhau, không tiếc lời nanh độc giành cho nhau; em "sòng phẳng" trả "tiền công" cắt tóc cho anh trai; cha chồng nhìn trộm con dâu tắm, em chồng ngang nhiên sàm sỡ, đòi ngủ với chị dâu; con giơ tay biểu quyết để cha chết...
28 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 81637)
...C ó người cho rằng Hàn Mặc Tử chịu ảnh hưởng lớn chủ nghĩa siêu thực của Baudelaire.[20] Ông đã thụ lĩnh từ tác giả “Hoa ác” một cảm quan ma quái để đi vào thế giới đau thương, rồi cứ bị thôi miên bởi vẻ đẹp kỳ lạ, kinh dị.[13] Tuy nhiên, theo tôi chúng ta cần lý giải theo chiều hướng khác, dưới góc nhìn của văn học so sánh. Đây chính là hiện tượng tương đồng khi có cùng hoàn cảnh sáng tác trong sáng tạo nghệ thuật...
23 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 85294)
LTS : ... Chúng tôi trân trọng gởi đến quí văn hữu và bạn đọc bài viết “Nỗi niềm thế hệ trong ký và tự truyện của Văn học Di dân Việt Nam” của Nguyễn Hạnh Nguyên, một người viết trẻ, sinh ra và lớn lên sau chiến tranh, nhìn về quá khứ xuyên qua tâm tư của thế hệ sinh trưởng trong thập niên 60 ở miền Nam, từ sau biến cố lịch sử 30 tháng 4 năm 1975. Tạp Chí Hợp Lưu
10 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 86371)
Đ ổi mới, không thể viết như cũ, họ biết thế. Nhưng bắt đầu từ đâu? Họ chưa cơ hội nhận được thông tin đa chiều hay tiếp nhận nền thơ ca thế giới với bao nhiêu trào lưu như thứ cửa hàng bách hóa tổng hợp để tha hồ chọn lựa, như thế hệ thơ hậu đổi mới. Mở cửa, họ đối mặt với khoảng trắng mênh mông của sáng tạo, của ý thức và trách nhiệm của nghệ sĩ tự do. Họ cần làm mới, thức nhận rằng mình phải khác. Phải gánh lấy trách nhiệm định phận thi sĩ của thế hệ, của thời đại.
08 Tháng Tư 201112:00 SA(Xem: 81511)
T hơ Việt đi về đâu? Đây là câu hỏi mà tập thể các nhà thơ và giới làm văn hoá-giáo dục VN phải trả lời, với sự đóng góp của ý thức và bản lĩnh từ mỗi cá nhân. Những trang dông dài trên đây chỉ muốn phác họa quang cảnh và vài xu thế chính mà các nhà văn nhà thơ VN đang chứng kiến và đối diện: Sự hình thành nền cộng hòa văn chương VN trong bối cảnh toàn cầu hóa một chiều, cộng thêm bóng đen của toàn trị-mafia và vòng kim cô tự kiểm duyệt trên đầu. May mắn được làm một người quan sát từ ngoài nước [...] Chỉ xin đóng góp ở đây vài ý kiến nghề nghiệp.
25 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 81852)
"Tôi mang đất nước tôi trong tim như một chàng trai mang chiếc bào thai đôi. Đó là sự nối kết dị thường. Nối kết với quê hương tôi và vì vậy bào thai đôi này phải được che đậy, bóp nghẹt, công nhận và cũng đồng thời bị từ chối. Thế là ta mang nó như mang một đứa trẻ đã chết. Sự nối kết dị thường buộc tôi phải có mối quan hệ với một đất nước khác.
11 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 90768)
G iấc mơ thổ kể chuyện một lũ người hoá điên vì ám ảnh quá khứ. Quá khứ ở trong mọi ý nghĩ, đè nặng lên từng số phận. Quá khứ hằn dấu lên ngôn ngữ, trong những lời nói đã trở thành thói quen, được phát ra như những khẩu hiệu trơ cứng, như trong câu của Quý với Vĩnh lúc đi săn rồng “ Khẩn trương lên giặc lái đến bây giờ ”. Quá khứ ở trong từng thức ăn, đồ uống, trong giải trí, trong thịt rồng, tim phượng, trong “rượu Armagnac Marquis de Caussade, đóng chai năm 71” , và trong “trận World Cup của năm 66” .
18 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 84226)
Bích Khê tên thật là Lê Quang Lương, sinh ngày 24/3/1916 tại quê ngoại, xã Phước Lộc, quận Sơn Tịnh, nhưng lớn lên tại quê nội thị xã Thu Xà, xã Nghiã Hoà. Hai nơi đều thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Mất ngày 17/1/ 1946, tại Thu Xà.
13 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 94062)
Khảo sát trên những văn bản tác phẩm của Trần Vũ, tôi thu được một kết quả khá thú vị: có tổng số 13 trên 27 truyện ngắn mà trong đó có sự hiện diện hình ảnh của những cơn mưa. Điều này đủ để nói lên rằng mưa chiếm một vị trí nhất định trong ký ức của anh ― có thể nói gần như một nỗi ám ảnh.
19 Tháng Giêng 201112:00 SA(Xem: 89752)
...Chết tuy biết vì sao mình chết, do đâu mình chết mà không làm gì được. Chết một lần dưới làn đạn Tây dương. Chết thêm một lần về tinh thần bởi lòng trung bị khủng hoảng, bị phản bội, ấy là thời đại của những con người như Hoàng Diệu, ấy là những anh hùng cứu nước như Hoàng Diệu...