- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

VỀ HAI NGƯỜI PHỤ NỮ

26 Tháng Mười 202011:50 CH(Xem: 12787)


hai nguoi dan ba-NQ

Ta là gì ? Ta cần thiết cho ai? (Nguyễn Duy)

Phiên toà xử người dân Đồng Tâm cùng cái án tử hình, chung thân dành cho con cháu cụ Kình đã phủ xuống tâm trạng u ám cho tất cả chúng ta. Nhưng sự việc không dừng ở đó, công an đã bắt giam nhà báo Phạm Đoan Trang, đồng tác giả của ấn bản “Báo Cáo Đồng Tâm”. Đây là một ấn phẩm song ngữ Anh-Việt nhằm công bố với dư luận quốc tế về tội ác của lãnh đạo CS trong vụ án tranh chấp đất đai với người dân tại Đồng Tâm.

Vụ án đã làm chấn động tâm tư người VN đến cùng cực. Nhìn những người được toà án tha về khóc ai oán trước mộ cụ Kình hỏi ai không rơi lệ, hỏi tim ai không quặn thắt, hỏi ai không muốn ôm những con người vô tội ấy thật chặt vào lòng. Sự cô thế đến tội nghiệp của họ trước cái man rợ của bọn cường quyền làm lòng người ta tan nát. Nhiều người chỉ thốt lên được: “đau, đau, đau lắm…” đau đớn cho đất nước, đau cho người, đau cho chính mình, vừa đau vừa hổ thẹn trước sự lạc hậu, càn rỡ của luật pháp.

Nhưng lẽ ra chúng ta không nên đau nhiều như thế !? Để chấm dứt cái ác thì chỉ có hành động. Nhà báo Đoan Trang đã chọn thái độ ấy. Không phải tự nhiên mà các nhà nghiên cứu, các triết gia, các nhà sử học trên thế giới, những người chuyên nghiên cứu sâu về các chế độ độc tài như Phát-xít và Cộng Sản đều gọi hai chế độ này là “quỷ dữ”. Nhà sử học người Anh, Richard Overy thì gọi họ bằng cụm từ “nhà nước của sự khiếp hãi, nhà nước của khủng bố”.

***

Thật vậy, ngay chính cụ Kình, ông Bùi Viết Hiếu, bà Bùi Thị Nối, những người bị lực lượng chức năng bắn thẳng vào ngực, cũng không thể nào hiểu được tại sao họ lại bị bắn? Cả cuộc đời 29 người nông dân ấy cũng không thể nào hiểu được điều gì đã xảy ra cho mình? tại sao họ lại trở thành những tội phạm giết người?

Công lý ở các phiên toà nước ta chỉ là trò hề không hơn không kém. Và trò hề đó được diễn đi diễn lại như diễu cợt thân phận con người. Điều cay đắng, chúng ta lại là một phần trong cái bi hài kịch ấy!

Không đâu trên thế giới này lại có những điều thật ấn tượng như các phiên toà ở đây. Xin chia sẻ một trong những ấn tượng ấy là các phát biểu về những điều “không cần thiết” của các vị đại diện viện kiểm sát. Nhưng trước khi nói về những thứ “không cần thiết” đó, tôi muốn kể một chuyện hài. Bạn có thể cười vui, cười buồn, cười chua xót, hoặc cười ra nước mắt, … Dù sao, nó cũng minh hoạ khá chính xác về cái càn rỡ của nghành tư pháp nước ta.

 

Có hai vợ chồng nhà kia đi nghỉ mát bên cạnh một bờ hồ. Trong lúc người chồng say ngủ, người vợ lấy chiếc thuyền bơi ra giữa hồ ngồi đọc sách. Một cảnh sát bơi thuyền đến bên bà và nói:

-          Thưa bà, ở đây cấm câu cá, tôi phải bắt bà.

-          Nhưng tôi đâu có câu cá.

-          Tôi vẫn phải bắt bà, thưa bà, vì thuyền bà có chứa đầy đủ các dụng cụ để câu cá.

-          Khoan đã, nếu thế tôi sẽ thưa với quan toà là ông cưỡng hiếp tôi.

-          Tôi đâu có, tôi chưa hề đụng vào người bà.

-          Nhưng thưa ông, ông có đầy đủ các dụng cụ để thực hiện hành vi đó.

 

Những phiên toà loại “đầy đủ dụng cụ” này đã gán ghép bao nhiêu công dân lương thiện vào những tội họ không có hành động cũng như hoàn toàn không có khả năng vi phạm. Thế nhưng họ vẫn bị ghép vào những tội danh kinh khủng như “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, “tàng trữ tài liệu, tuyên truyền chống phá nhà nước”, ... Khi ra trước toà, họ cũng như 29 nông dân kia, những điều luật để bảo vệ họ đều bị vị thẩm phán chủ toạ khẳng định: “không cần thiết”.

Xin đơn cử những điều “không cần thiết” trong phiên toà được cho là với tội danh nghiêm trọng “giết người” của 29 nông dân xã Đồng Tâm:

-          Hồ sơ vụ án có quá nhiều điểm mâu thuẫn, nhưng đề nghị trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung của các luật sư là “hoàn toàn không cần thiết”.

-          Việc các Luật sư yêu cầu được gặp các bị cáo tại phiên toà là “không cần thiết”.

-          Việc Luật sư yêu cầu sự có mặt của các nhân chứng quan trọng (cụ bà Dư thị Thành, viên công an bắn chết cụ Kình) là “ không cần thiết”.

-          Việc các Luật sư yêu cầu thực nghiệm hiện trường để làm rõ cái chết của 3 công an là “không cần thiết”.

-          Việc Luật sư yêu cầu khởi tố vụ án giết người liên quan đến cái chết công dân Lê Đình Kình là “không cần thiết”.

-          …

Ngoài những điều bạch văn trên, còn có biết bao những điều không cần thiết khác mà người dân Đồng Tâm phải đối mặt: sự có mặt của thân nhân các bị cáo tại phiên toà là không cần thiết; phiên toà dự định diễn ra 10 ngày là không cần thiết, chỉ bốn ngày là nghị án được rồi; phần bào chữa của các luật sư bị tước bỏ vì không cần thiết; …

Tòa án là nơi diễn giải luật pháp và phán xét dựa trên luật pháp, thế nhưng ở phiên toà Đồng Tâm, một vị thẩm phán đã liên tục ngắt lời các luật sư và nói thẳng với Ls Luân Lê rằng: “Ở đây không nói luật nữa, không giải thích luật”?!

Suy cho cùng, tôi cho rằng vị thẩm phán đó rất thật lòng và ông có cái lý của ông. Giải thích luật ở các phiên toà này là vô ích, ngay đến bản thân ông hay thân phận vị chánh án cũng vậy, cũng không cần thiết. Án bỏ túi, chỉ cần người vào vai chánh án, lôi ra đọc và gõ búa là xong; chỉ tội cho những người chết oan trong cuộc và gia đình họ. Tôi chắc rằng đối với thân nhân của 3 sĩ quan, những huân chương chiến công hạng nhất đó, mới thực sự là không cần thiết!

Khi con người bất lực trước dối trá, khi sự dối trá đã lên đến đỉnh điểm người ta mới khao khát một lời nói thật, người ta mới thấy rằng sự thật là một báu vật. Sự Thật giúp người ta được sống với nhân phẩm, nó giữ người ta thoát khỏi sự hèn mọn. Nhìn thái độ của nông dân Bùi thị Nối trước toà, người ta nhớ đến hình ảnh khóc lóc, cầu xin của các tướng lĩnh, các quan chức CS mà thấy tiếc cho họ. Dù ít học, người phụ nữ này đã làm sống lại giá trị của một con người. Có lẽ điều này mới chính là điều cần thiết nhất cho chúng ta trong lúc này, ở ngay tại phiên toà này.

Trong khi hầu hết 28 người khác đã nhận tội, đã từ chối luật sư, bà Bùi thị Nối đã chọn nói thật. Bà bước lên mọi dối trá, mọi thứ đồ giả chung quanh bằng nỗi khát khao từ đáy tim bà. Bà cầu xin mọi người VN, thế giới, các luật sư, các trí thức hãy tìm ra con đường sáng sủa nhất cho những con người cùng khổ trên đất nước này:

“Tôi có một vấn đề: Tôi là người dân Đồng Tâm, vì bát cơm manh áo mà tại thời đại hoà bình, bố tôi, ông Kình 58 tuổi Đảng, là người nông dân mẫu mực; thời đại hoà bình mà để mất các chiến sĩ hy sinh; chỉ vì một đêm thôi, tôi đã bị một viên đạn xuyên vào ngực. Những người nông dân không có đất, để kiếm bát cơm manh áo; yêu cầu Đảng, Chính phủ, Thế giới này, giúp người dân lao động. Những Luật sư, nhà trí thức, cố gắng tìm ra con đường sáng sủa nhất cho người dân lao động, cho thế giới loài người, để sống cuộc sống thanh bình nhất, đẹp đẽ nhất”

***

Nghe câu nói đứt quãng của bà Bùi thị Nối người ta hiểu vì sao Đoan Trang kiên trì đấu tranh, và vì sao chị viết “Báo Cáo Đồng Tâm”. Cả hai người phụ nữ cùng bị bắt giam, cùng đối mặt với tù đầy, nhưng cả hai cùng đánh cược những rủi ro của mình vì người khác. Tôi nghĩ đến 90 triệu con người đang lầm lũi sống giữa thiên tai và nhân tai. Gần 200 ngàn căn hộ đã chìm sâu trong nước, hơn 100 sinh mạng con người dập vùi trong lũ hết năm này sang năm khác mà vẫn không ai hỏi tại sao?!

   

Trong những ngày mưa bão trắng miền Trung, tôi nghĩ về hai người phụ nữ ấy. Cả hai cùng bé nhỏ, cô thế, yếu đuối, nhưng họ thật lớn lao và cần thiết. Đọc tâm thư “nếu tôi có đi tù” của Đoan Trang tôi nghĩ đến người phụ nữ thương tật ấy và những hy sinh âm thầm của chị mà xúc động. Tôi tự hỏi chính mình, và nghe trong mưa gió, trên những mái nhà ngập nước, câu hỏi như đang truyền đi trong gió bão: “Chúng Ta là gì? Ta cần thiết cho ai?

 

Nguyệt Quỳnh

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
24 Tháng Chín 20212:08 SA(Xem: 11158)
Dẫn nhập: Việt Nam Một Thế Kỷ Qua, Nguyễn Tường Bách và Tôi là tên hai tác phẩm hồi ký của bác sĩ Nguyễn Tường Bách và cô giáo Hứa Bảo Liên, người bạn trăm năm của Nguyễn Tường Bách. Đây là hai bộ hồi ký đặc sắc về cuộc tình lãng mạn của một chàng trai Việt và một cô gái người Hoa ở Hà Nội cùng nổi trôi theo vận nước cho tới khi họ gặp lại nhau trên đất Côn Minh Vân Nam và trở thành đôi vợ chồng sắt son thuỷ chung với bao nhiêu tận tuỵ và hy sinh – nhưng quan trọng hơn thế nữa, đây chính là một phần của lịch sử sinh động và đầy biến động trong ngót một thế kỷ qua trong những cơn bão táp của Cách Mạng Việt Nam và cả lục địa Trung Hoa.
12 Tháng Chín 20218:12 CH(Xem: 9923)
Thật công bằng mà xét thì nhân vật cô câm (tên Cam, với nghĩa cam chịu, nhẫn nhịn) là sáng tạo có ý nghĩa hơn cả của bộ phim. Nếu không có nhân vật này, phim sẽ “nghèo” đi nhiều lắm. Cô câm giống như một “con mắt thứ hai” của khán giả cảm nhận, quan sát, đánh giá nhân vật chính là ông chủ Nguyễn- người mà cô yêu một cách say đắm, nhẫn nại và nô lệ, kể cả khi ông ta đã trở nên dại cuồng mất hết nhân tính! Hành động đáng kể nhất, mang tính chất nổi loạn và bộc lộ rõ tình yêu mù quáng của cô câm là hành động kéo lê cái tượng gỗ to bằng người thật quẳng xuống sông (hình như có hàm nghĩa là cô vứt bỏ thần tượng yêu trộm nhớ thầm của mình!) Và cô đã bị trả giá: ông chủ ấp Mê Thảo hạ lệnh bỏ rọ cô trôi sông để thế mạng!
07 Tháng Chín 20218:48 CH(Xem: 10775)
Đã từng quen thuộc với tác phẩm văn học “Đất nước đứng lên” của nhà văn Nguyên Ngọc từ những ngày ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, lại vốn rất có cảm tình với nhà văn này, nên hồi phim điện ảnh “Đất nước đứng lên” xuất xưởng, tôi đã háo hức tìm xem ngay. Song, trái ngược với dự đoán và mong đợi, bộ phim đồ sộ, tốn kém này đã gây cho tôi nhiều phản cảm, nhiều nỗi ấm ức muốn được giải tỏa. Rồi khi VTV thời gian vừa qua liên tục phát sóng lại bộ phim này, nhân các dịp lễ lạt kỷ niệm nào đó, tôi đã xem thêm lần nữa và thấy cần phải nói đôi lời.
14 Tháng Bảy 20215:36 CH(Xem: 11346)
Cứ mỗi lần được đi trên sông Hồng, tôi lại mê mải nhìn sang hai bên làng xóm trù phú, và cố tìm những luỹ tre làng đang bị mất dần đi… Thế mà, suốt bao đời nay, luỹ tre làng là một trong những biểu hiện quen thuộc nhất, sinh động nhất của châu thổ Bắc bộ. Nhà thơ dân dã Nguyễn Duy từng thốt lên: Thân gầy guộc, lá mong manh Mà sao nên luỹ, nên thành tre ơi!
02 Tháng Bảy 20216:30 CH(Xem: 10193)
Giữa những ngày nóng nực tháng 6 này, giữa cơn "địa chấn" của lòng người trước chủ quyền Đất Nước bị xâm phạm trắng trợn từ nhiều năm nay, tôi đã bỗng nhớ đến một bài thơ yêu nước Tây Ban Nha do chính nhà văn Lưu Trọng Lư đọc cho nghe, cách đây gần ba chục năm, trong căn buồng của nhà văn đối diện phía sau Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
30 Tháng Sáu 20211:14 SA(Xem: 10474)
Kết thúc ba ngày hội thảo từ 11 đến 13 tháng 6 vừa qua tại Cornwall thuộc miền nam Anh Quốc, Nhóm G7 – một tổ chức gồm bẩy nước dân chủ có nền kinh tế phát triển lớn nhất là Pháp, Đức, Ý, Nhật, Mỹ, Anh và Gia Nã Đại – cùng đồng ý tham gia vào một đề xướng đầy tham vọng, đó là hỗ trợ dự án giúp các quốc gia nghèo có nhu cầu phát triển xây dựng hạ tầng cơ sở trên toàn thế giới.
28 Tháng Sáu 202112:51 CH(Xem: 10780)
1957 một tạp chí có tên Bách Khoa do hai ôngHuỳnh Văn Lang, Hoàng Minh Tuynh sáng lập, xuất bản mỗi tháng hai kỳ, với quan niệm là: “Diễn đàn chung của tất cả những người tha thiết đến các vấn đề Chính trị, Kinh tế, Văn hoá, Xã hội.” Nguồn tài chánh ban đầu của Bách Khoa là do đóng góp của một nhóm 30 người, gồm những nhà giáo, nhà báo, chuyên viên hay công tư chức cao cấp thời bấy giờ; mỗi người góp 1.000 đồng (lương tháng hàng giám đốc lúc đó khoảng 5.000 đồng) , tổng cộng được 29.500 đồng, một số tiền phải nói là khá lớn (theo TS Phạm Đỗ Chí, thì 1 US$ = 35 VN$ và số tiền ấy tương đương với hơn 20 lạng vàng theo thời giá 1957 lúc bấy giờ).
03 Tháng Sáu 202110:29 CH(Xem: 10627)
Kịch bản tuồng "Liệu đố" (chữa bệnh ghen) có thể nói là một kịch bản văn học khá kỳ lạ. Khoác cái vỏ lụng thụng của những điển tích cổ, thơ Đường, Kinh thi..., nhưng kịch bản được viết ra từ trên một thế kỷ này tận cốt lõi lại là sự sống dân gian Việt, và điều đặc biệt nhất là chứa đựng nhiều yếu tố hiện đại trong nội dung tâm lý cũng như về hình thức biểu hiện. Tôi xin mạn phép được minh chứng điều này bằng chính văn bản vở tuồng "Liệu đố" mà tôi có được trong tay nhờ các nhà nghiên cứu dịch thuật Hán Nôm của Trời Văn Bình Định (“Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu - ông đồ nghệ sĩ” - Nxb Sân khấu, 2011).
16 Tháng Năm 20219:48 CH(Xem: 12479)
Ngày 5/5, TAND tỉnh Hoà Bình đã tuyên án 16 năm tù cho chị Cấn Thị Thêu và con trai Trịnh Bá Tư. Trước đó, người con trai khác của chị, Trịnh Bá Phương bị công an chuyển từ trại giam vào viện tâm thần. Sự đàn áp khắc nghiệt của lãnh đạo ĐCS đối với gia đình chị, vô tình lại giúp tôi cảm nhận được cái “sức sống mãnh liệt” của những nông dân này. Và như Ls Đặng Đình Mạnh, tôi cũng rơi nước mắt khi đọc những chia sẻ của anh:"Chứng kiến sự đanh thép, bất khuất ... của họ tại tòa, mất tự chủ, tôi chảy nước mắt vì xấu hổ".
15 Tháng Năm 20214:04 CH(Xem: 11805)
"Gần đây, qua bao nhiêu biến cố dồn dập trong cuộc đời Trần Hoài Thư, đã đến lúc không thể không có một bài viết về người bạn văn, như một tấm thiệp mừng 50 năm ngày cưới – 50th Gold anniversary của đôi vợ chồng Nguyễn Ngọc Yến – Trần Hoài Thư, một “đám cưới nhà binh” của thế kỷ, với rất nhiều hạnh phúc cùng với nhiều khổ đau khi cả hai sắp bước vào tuổi 80. Cũng nhân đây, có một gợi ý với các bạn trẻ trong và ngoài nước đang chuẩn bị luận án tiến sĩ văn học, thì chân dung văn hoá của Trần Hoài Thư cùng với nỗ lực phục hồi Di Sản Văn Học Miền Nam 1954 – 1975 là một đề tài vô cùng phong phú và hấp dẫn, rất xứng đáng để các bạn khám phá và dấn thân vào. Các bạn cũng không còn nhiều thời gian – nói theo cách ví von của nhà văn trẻ Trần Vũ, chiếc kim đồng hồ trên tay anh Trần Hoài Thư đã chỉ 12 giờ kém 5 phút sắp qua nửa đêm và chỉ sau năm phút phù du đó, khi Trần Hoài Thư trở thành “người của trăm năm cũ”, tất cả sẽ bị lớp bụi thời gian mau chóng phủ mờ." (NTV)