- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

THẢM KỊCH

20 Tháng Mười 202010:35 CH(Xem: 12082)

 
trump-biden-and Viet BOLSA
Trump- Biden- và Người Mỹ Gốc Việt ở Bolsa 2020 -ảnh Internet

Tôi xuất thân từ miền Nam, lớn lên trong chiến tranh. Gần nửa đời sống trên quê hương, trải nghiệm hay chứng kiến bao thảm kịch kinh hoàng của đất nước. Nửa đời còn lại, sống tha hương. Nhìn lại cả khoảng đời dài, bỏ qua bên bao mất mát, bao tàn phá, bao cay đắng từ cuộc chiến cùng cách kết thúc của nó, tôi vẫn thấy mình có nhiều may mắn, như rất nhiều đồng bào khác đang sống ở Mỹ. Một trong những may mắn lớn nhất là đã được hưởng một nền giáo dục có tính khoa học và tính nhân văn cao của miền Nam Việt Nam, và sau đó, ở Mỹ. Rồi, sống và làm việc trong một xã hội nhân bản và đa sắc tộc.


Đối với những di dân Việt Nam phải rời bỏ đất nước mình cho một tương lai bất định, không thể quên những cái may mắn khác cùng với những ân sủng, những thông cảm, những đón nhận hào hiệp mà quê hương mới đã dành cho. Ở Mỹ, bắt đầu với chương trình đón nhận 130 ngàn tỵ nạn (con số này trong thực tế tăng lên khoảng 150 ngàn) theo quyết định của Tổng Thống Gerald Ford vào tháng 4 năm 1975. Sau đó, kể từ đầu năm 1977, khi hàng trăm ngàn thuyền nhân Việt Nam bất kể sống chết rời bỏ quê hương, đương đầu với bao thảm kịch trên Biển Đông, Tổng Thống Jimmy Carter đã ra lệnh cho hải quân Mỹ phải cứu vớt, giúp đỡ họ và đưa đến nơi an toàn. Ông cũng kêu gọi các quốc gia khác tiếp tay đón nhận người tỵ nạn VN, đồng thời quyết định tăng gấp đôi số di dân được nhập cảnh và mở rộng chương trình giúp đỡ người tỵ nạn hội nhập vào xã hội Mỹ. Quan trọng nhất là quyết định phối hợp với Liên Hiệp Quốc và chính phủ Việt Nam thực hiện chương trình Ra Đi Trong Trật Tự ODP (Orderly Departure Program) vào năm 1979, giúp đoàn tụ những gia đình chia cách. Kế tiếp là một nỗ lực phi thường của Thượng Nghị Sĩ John McCain, đưa đến kết quả thành công của chương trình HO (Humanitarian Operation) giúp các cựu sĩ quan và viên chức Việt Nam Cộng Hòa bị tù cải tạo từ ba năm trở lên, và gia đình họ, được rời Việt Nam sang Mỹ.  


Từ một xã hội luôn phải xưng tụng lãnh tụ, luôn phải nhứt trí với chính quyền, tôi càng ấn tượng với nếp sống tự do và dân chủ ở Mỹ, dù sống và làm việc trong thời kỳ tổng thống thuộc đảng nào, Cộng Hòa hay Dân Chủ. Chính cái nếp sống đó, cái xã hội đó, cùng với những nền giáo dục đã hấp thụ giúp tôi được sống thực hơn với chính mình. Và, ý thức rõ hơn cái quyền của con người được sống một đời có phẩm cách. Nghĩa là, được sống và hành xử theo lương tri, theo nhân sinh quan của mình và tôn trọng quyền của người khác cũng được sống như vậy. Trong suốt hơn bốn mươi năm, từ ngày đặt chân đến Mỹ, giữa bạn bè, hay cả trong gia đình, vẫn luôn có những tranh biện sôi nổi về những chọn lựa khác nhau. Nhưng, những tranh biện đó thường diễn ra trong không khí lành mạnh, lắng nghe, thuyết phục, tôn trọng sự thật, và tôn trọng sự khác biệt về quan điểm. Những đổ vỡ thật ra cũng có nhưng không nhiều và không trầm trọng. Chính những khác biệt về quan điểm làm nên sức mạnh của xã hội. Trong một xã hội tự do, dân chủ, mọi quan điểm khác biệt, trong bất cứ lãnh vực nào, có thể được chấp nhận hay không, được đánh giá cao hay thấp, nhưng nó không thể tạo nên kẻ thù. Càng không thể tạo nên “kẻ thù của nhân dân” như tôi từng kinh động trong những ngày còn ở lại trên quê hương sau khi chiến tranh chấm dứt.

Dĩ nhiên, xã hội Mỹ không phải lúc nào cũng hoàn toàn lý tưởng như vậy. Cũng có lúc này lúc khác. Nhìn chung, suốt qua bao thập kỷ, nó luôn luôn là một quốc gia đứng hàng đầu về khả năng thu hút tài năng của thế giới. Chính sự thu hút đó làm nước Mỹ càng mạnh hơn, giàu hơn, đẹp hơn, và trở thành siêu cường số một. Tuy nhiên, trong thời gian vài năm gần đây, và đặc biệt khi càng đến cận ngày bầu cử 3 tháng 11 năm 2020, nước Mỹ khác hẳn trước. Cả thế giới nhận thấy điều đó. Tốt hơn hay xấu hơn, tùy cách nhìn, nhưng quả thật, có khác. Khác nhiều. Những đối chọi về chính trị, xã hội, và cả về khoa học đang trở nên trầm trọng một cách đáng báo động. Không thể không nhìn thấy sự chia rẽ sâu sắc ở mức độ có khả năng tạo nên những thù hận rất khó hòa giải. Nỗ lực để hồi phục lại một không khí lành mạnh như đã từng hiện hữu dài lâu ở Mỹ, như đã nhắc đến trên đây, sẽ phải là một nỗ lực phi thường. Cần rất nhiều, rất nhiều thời gian, thông cảm, và kiên nhẫn.

VAN HOA BOLSA2i
Biden - Trump ở BOLSA 10- 2020 - ảnh Internet


Nhìn vào Cộng Đồng Việt Nam Hải Ngoại (CĐVNHN), tình trạng còn tệ hại hơn. Không giết nhau bằng súng đạn nhưng những chữ nghĩa độc hại, những nhận thức hời hợt về nhân văn hay khoa học, những tấn công không dựa trên sự thật, những tin tức bị cắt xén ráp nối, những hình ảnh được photoshop với ác ý, cùng những biểu lộ không nhằm thuyết phục bằng logic hay thiện ý mà chỉ nhằm thể hiện sự ngạo mạn và xem thường khả năng phán đoán của người khác, khiến cộng đồng như đang lao vào một cuộc nội chiến. Không khác gì cuộc nội chiến trên quê hương hơn 45 năm trước, nhưng trong một phạm vi nhỏ hơn. Ở đây, tôi không nhằm phê phán ai đúng hơn ai sai hơn. Tôi cũng không nhằm đưa ra những phân tích cá nhân về lý do khởi nguồn. Tôi chỉ muốn trình bày cái thấy của mình về những gì đang xảy ra và nhận định về các hậu quả mà tôi cho là vô cùng tai hại cho cộng đồng. Tai hại ở mức độ của một thảm kịch.


Về tình trạng phân hóa của cộng đồng, mỗi người trong chúng ta đều thấy. Nhiều lắm. Ở đây, tôi chỉ muốn nêu ra một dữ kiện điển hình. Nhân đọc bài “BS Fauci khuyên dân Mỹ ẩn mình chống Covid mùa Thu, Đông sắp tới” trên diễn đàn VOA Tiếng Việt ngày 12/09/2020, tôi đọc được những dòng bình luận sau đây của một độc giả về BS Anthony Fauci:

Lại là thằng chó già chuyên thọc gậy bánh xe. Hơn lúc nào hết người dân Mỹ cần sinh hoạt bình thường để đi làm, đi học, vui chơi giải trí. Cứ nhè lúc tình hình bớt căng thẳng thì thằng chó này lại gây hoang mang. Mà cha nó, từ lúc có dịch bệnh tới nay chỉ thấy nó bàn ra không thôi còn chưa thấy nó đưa ra được một biện pháp cụ thể nào! Nói kiểu nó thì đứa thất học nói cũng được…”


BS Anthony Fauci là chuyên gia hàng đầu của Mỹ và của cả thế giới về bệnh nhiễm trùng. Ông phụ trách Trung Tâm Quốc Gia Chống Bệnh Nhiễm Trùng của Hoa Kỳ từ 1984 đến nay, trải qua sáu đời Tổng Thống. Ông cũng là vị bác sĩ tận tình chữa trị Ebola cho nữ y tá gốc Việt, Nina Pham, vào năm 2014. Ông cũng đã giúp chận đứng thành công đại dịch Ebola ở Mỹ. Tôi thật sự kinh hoàng khi đọc những dòng chữ trên đây. Trong thời gian chiến tranh Việt Nam tôi thường có cảm giác ghê rợn khi nghe từ đài phát thanh Hà Nội những từ ngữ dành cho những lãnh tụ chính trị của miền Nam, đại khái như, “thằng Diệm”, “thằng Thiệu”, v.v... Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ đọc được những lời lẽ tương tự như những lời lẽ ghi trên dành cho bất cứ một khoa học gia nào bên này hay bên kia chiến tuyến, trên một diễn đàn có tầm cỡ như VOA Tiếng Việt, kể cả trên các báo lá cải.


VAN HOA BOLSA 3VAN HOA BOLSA -f
Văn Hóa Bolsa - Ảnh Internet


Nếu theo dõi những bài vở, những lời lẽ công kích nhau trên báo Việt, trên Internet, trên một số đài phát thanh tiếng Việt, trên các mạng xã hội, khó ai không nhận ra những rạn nứt sâu đậm trong cộng đồng Việt Nam ở Mỹ. Kinh hoàng hơn, khi nhìn một số video clip về cảnh chửi bới hung hãn chưa từng thấy khi hai phe vận động bầu cử của người Việt chạm trán nhau.  Chia rẽ hay công kích luôn luôn có trong bất cứ cuộc bầu cử nào trong một quốc gia tự do, dân chủ. Tuy nhiên, chưa bao giờ tệ hại như trong cuộc bầu cử này, trong cộng đồng Việt Nam. Ở đây, biểu lộ sự khác biệt không còn là một biểu hiện giá trị của tự do, dân chủ, hay của nhân bản, của lý trí mà rất lắm khi chỉ là biểu hiện của nông cạn, ngạo mạn và hoang tưởng. Nó không làm nên sức mạnh của cộng đồng. Nó tàn phá cộng đồng và tàn phá nhân cách. Nó chia rẽ gia đình, chia rẽ bạn bè, chia cách thế hệ này với thế hệ khác. Nếu cứ tiếp tục, sẽ vô cùng khó để hàn gắn. Nó cần được chấm dứt.

Cách đây vài tuần, tôi đọc được lời nhắn gởi cho một người thân trong gia đình. Đại ý của lời nhắn là nếu bạn bỏ phiếu cho ứng cử viên X và ứng cử viên X đắc cử, bạn sẽ phải ân hận suốt đời. Những lời nhắn với nội dung như thế này, tôi cũng từng được nhận và nghe khá nhiều. Do đó, tôi muốn nhân đây đưa ra một góp ý. Nếu tôi bầu cho một ứng cử viên X nào đó chỉ nên là vì tôi dựa vào sự hiểu biết của tôi về X, và dựa trên quan điểm chính trị, xã hội, văn hóa, v.v... của tôi. Tôi có thể sai, dĩ nhiên. Cũng giống như mỗi người trong chúng ta đều có thể sai, có thể đúng. Ngay cả sự lên tiếng vào ngày 2 tháng 9 năm 2020 của 81 nhà khoa học và trí thức Mỹ đoạt giải Nobel trong đó có đề nghị “những lãnh tụ chính trị nên tôn trọng các giá trị của khoa học khi làm chính sách”, cũng có thể sai. Cũng giống như chuyện tạp chí khoa học The Scientific American đã mới đây phá vỡ một truyền thống đã giữ suốt 175 năm để lên tiếng ủng hộ một ứng cử viên nào đó, là một sai lầm. Riêng tôi, nếu sai, tôi có thể buồn, có thể tự điều chỉnh mình để có những quyết định đúng trong tương lai. Nhưng chắc là không có chuyện ân hận suốt đời. Trừ phi, sau đó, tôi nhận ra rằng cái quyết định sai lầm của mình chỉ vì mình đã dựa trên sự thiếu hiểu biết, dựa trên sự tin tưởng mù quáng vào người khác, hay, dựa trên những định kiến, dựa trên những cái không hay vốn tiềm ẩn trong chính con người mình. Dầu sao, trong bất cứ hoàn cảnh nào, điều tốt nhất là không tiếp tục nuôi dưỡng sân hận, cho chính mình hay cho người khác, chỉ vì kết quả không như ý từ một cuộc bầu cử.

Trong cái không khí rất không bình thường của cuộc bầu cử này, cuối cùng rồi tôi phải tự đi tìm cho mình và người thân của mình những cái phao cho những niềm tin tốt đẹp vào tương lai. Tôi nghĩ đến cái cách kết thúc cuộc nội chiến ở Hoa Kỳ cách đây 155 năm. Tôi cũng nghĩ đến một vài cuộc tranh biện chính trị mà tôi đang theo dõi hàng tuần trên truyền hình Mỹ.

Nội chiến Nam Bắc trong thế kỷ 19 dưới thời Tổng Thống Abraham Lincoln là một thảm kịch của nước Mỹ. Tuy nhiên, cách kết thúc của nó, nói đúng ra, cách ứng xử giữa vị chỉ huy phe thắng trận (tướng Ulysses Grant) và vị chỉ huy phe bại trận (tướng Robert Lee) đã giúp nước Mỹ xây dựng lại nhanh chóng từ những chia rẽ, đổ vỡ kinh hoàng trong nội chiến. Thắng hay bại, Grant và Lee có những nhân cách lớn. Nội chiến Việt Nam là một thảm kịch. Bi đát hơn nữa là vì nó không được kết thúc như nội chiến Mỹ. Lãnh tụ chính trị và quân sự của hai phe Việt Nam có thể giỏi hay dở, khôn hay dại nhưng không hề có nhân cách lớn.


Về nội tình nước Mỹ hiện nay và đặc biệt khi theo dõi những tranh luận chính trị giữa hai phe trong cuộc bầu cử, khó ai lạc quan về những gì sẽ đến. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hy vọng. Tôi thường theo dõi cuộc tranh luận trên truyền hình giữa Jennifer Granholm và Scott Jennings. Jennifer Granholm, thuộc đảng Dân Chủ, tốt nghiệp cử nhân ở Berkeley và tốt nghiệp luật ở Harvard, là người đàn bà đầu tiên đắc cử Thống Đốc Michigan (2003-2011). Scott Jennings, thuộc đảng Cộng Hòa, tốt nghiệp cử nhân ở University of Louisville, thường trú Học Viện Chính Trị của Đại học Harvard (2018), Phụ Tá Đặc Biệt (2005-2006) của Tổng Thống George Bush. Trong những tranh luận chính trị, cả hai đều bênh vực quyết liệt các chính sách hay nhân vật chính trị của đảng mình, nhưng luôn giữ một cung cách rất trí thức, rất hòa nhã với nhau. Không thấy họ đem những sự kiện không có thật vào tranh luận. Cũng không thấy họ dùng những phương thức hạ cấp để thủ thắng. Nếu bị thuyết phục, họ mỉm cười, hoặc im lặng, hoặc gật đầu. Tôi tin rằng, nước Mỹ sẽ qua được những vấn nạn của họ nhờ những con người như vậy.

Trở lại chuyện cộng đồng chúng ta, tôi chỉ có một đề nghị:

Hãy đi bầu.

Bầu theo lương tri.

Chấp nhận kết quả bầu cử.

Xem kết quả như cách kết thúc hoàn toàn một cuộc chiến.

 

Trương Vũ

Maryland, tháng 10 năm 2020


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Chín 20218:48 CH(Xem: 10616)
Đã từng quen thuộc với tác phẩm văn học “Đất nước đứng lên” của nhà văn Nguyên Ngọc từ những ngày ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, lại vốn rất có cảm tình với nhà văn này, nên hồi phim điện ảnh “Đất nước đứng lên” xuất xưởng, tôi đã háo hức tìm xem ngay. Song, trái ngược với dự đoán và mong đợi, bộ phim đồ sộ, tốn kém này đã gây cho tôi nhiều phản cảm, nhiều nỗi ấm ức muốn được giải tỏa. Rồi khi VTV thời gian vừa qua liên tục phát sóng lại bộ phim này, nhân các dịp lễ lạt kỷ niệm nào đó, tôi đã xem thêm lần nữa và thấy cần phải nói đôi lời.
14 Tháng Bảy 20215:36 CH(Xem: 11286)
Cứ mỗi lần được đi trên sông Hồng, tôi lại mê mải nhìn sang hai bên làng xóm trù phú, và cố tìm những luỹ tre làng đang bị mất dần đi… Thế mà, suốt bao đời nay, luỹ tre làng là một trong những biểu hiện quen thuộc nhất, sinh động nhất của châu thổ Bắc bộ. Nhà thơ dân dã Nguyễn Duy từng thốt lên: Thân gầy guộc, lá mong manh Mà sao nên luỹ, nên thành tre ơi!
02 Tháng Bảy 20216:30 CH(Xem: 10136)
Giữa những ngày nóng nực tháng 6 này, giữa cơn "địa chấn" của lòng người trước chủ quyền Đất Nước bị xâm phạm trắng trợn từ nhiều năm nay, tôi đã bỗng nhớ đến một bài thơ yêu nước Tây Ban Nha do chính nhà văn Lưu Trọng Lư đọc cho nghe, cách đây gần ba chục năm, trong căn buồng của nhà văn đối diện phía sau Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
30 Tháng Sáu 20211:14 SA(Xem: 10430)
Kết thúc ba ngày hội thảo từ 11 đến 13 tháng 6 vừa qua tại Cornwall thuộc miền nam Anh Quốc, Nhóm G7 – một tổ chức gồm bẩy nước dân chủ có nền kinh tế phát triển lớn nhất là Pháp, Đức, Ý, Nhật, Mỹ, Anh và Gia Nã Đại – cùng đồng ý tham gia vào một đề xướng đầy tham vọng, đó là hỗ trợ dự án giúp các quốc gia nghèo có nhu cầu phát triển xây dựng hạ tầng cơ sở trên toàn thế giới.
28 Tháng Sáu 202112:51 CH(Xem: 10735)
1957 một tạp chí có tên Bách Khoa do hai ôngHuỳnh Văn Lang, Hoàng Minh Tuynh sáng lập, xuất bản mỗi tháng hai kỳ, với quan niệm là: “Diễn đàn chung của tất cả những người tha thiết đến các vấn đề Chính trị, Kinh tế, Văn hoá, Xã hội.” Nguồn tài chánh ban đầu của Bách Khoa là do đóng góp của một nhóm 30 người, gồm những nhà giáo, nhà báo, chuyên viên hay công tư chức cao cấp thời bấy giờ; mỗi người góp 1.000 đồng (lương tháng hàng giám đốc lúc đó khoảng 5.000 đồng) , tổng cộng được 29.500 đồng, một số tiền phải nói là khá lớn (theo TS Phạm Đỗ Chí, thì 1 US$ = 35 VN$ và số tiền ấy tương đương với hơn 20 lạng vàng theo thời giá 1957 lúc bấy giờ).
03 Tháng Sáu 202110:29 CH(Xem: 10579)
Kịch bản tuồng "Liệu đố" (chữa bệnh ghen) có thể nói là một kịch bản văn học khá kỳ lạ. Khoác cái vỏ lụng thụng của những điển tích cổ, thơ Đường, Kinh thi..., nhưng kịch bản được viết ra từ trên một thế kỷ này tận cốt lõi lại là sự sống dân gian Việt, và điều đặc biệt nhất là chứa đựng nhiều yếu tố hiện đại trong nội dung tâm lý cũng như về hình thức biểu hiện. Tôi xin mạn phép được minh chứng điều này bằng chính văn bản vở tuồng "Liệu đố" mà tôi có được trong tay nhờ các nhà nghiên cứu dịch thuật Hán Nôm của Trời Văn Bình Định (“Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu - ông đồ nghệ sĩ” - Nxb Sân khấu, 2011).
16 Tháng Năm 20219:48 CH(Xem: 12437)
Ngày 5/5, TAND tỉnh Hoà Bình đã tuyên án 16 năm tù cho chị Cấn Thị Thêu và con trai Trịnh Bá Tư. Trước đó, người con trai khác của chị, Trịnh Bá Phương bị công an chuyển từ trại giam vào viện tâm thần. Sự đàn áp khắc nghiệt của lãnh đạo ĐCS đối với gia đình chị, vô tình lại giúp tôi cảm nhận được cái “sức sống mãnh liệt” của những nông dân này. Và như Ls Đặng Đình Mạnh, tôi cũng rơi nước mắt khi đọc những chia sẻ của anh:"Chứng kiến sự đanh thép, bất khuất ... của họ tại tòa, mất tự chủ, tôi chảy nước mắt vì xấu hổ".
15 Tháng Năm 20214:04 CH(Xem: 11755)
"Gần đây, qua bao nhiêu biến cố dồn dập trong cuộc đời Trần Hoài Thư, đã đến lúc không thể không có một bài viết về người bạn văn, như một tấm thiệp mừng 50 năm ngày cưới – 50th Gold anniversary của đôi vợ chồng Nguyễn Ngọc Yến – Trần Hoài Thư, một “đám cưới nhà binh” của thế kỷ, với rất nhiều hạnh phúc cùng với nhiều khổ đau khi cả hai sắp bước vào tuổi 80. Cũng nhân đây, có một gợi ý với các bạn trẻ trong và ngoài nước đang chuẩn bị luận án tiến sĩ văn học, thì chân dung văn hoá của Trần Hoài Thư cùng với nỗ lực phục hồi Di Sản Văn Học Miền Nam 1954 – 1975 là một đề tài vô cùng phong phú và hấp dẫn, rất xứng đáng để các bạn khám phá và dấn thân vào. Các bạn cũng không còn nhiều thời gian – nói theo cách ví von của nhà văn trẻ Trần Vũ, chiếc kim đồng hồ trên tay anh Trần Hoài Thư đã chỉ 12 giờ kém 5 phút sắp qua nửa đêm và chỉ sau năm phút phù du đó, khi Trần Hoài Thư trở thành “người của trăm năm cũ”, tất cả sẽ bị lớp bụi thời gian mau chóng phủ mờ." (NTV)
26 Tháng Tư 20215:05 CH(Xem: 13225)
Thế kỷ chúng tôi trót buồn trong mắt Dăm bảy nụ cười không đủ xóa ưu tư. {Bây giờ} Qua hai câu thơ đó Nguyên Sa đã diễn tả tâm trạng của thế hệ ông, thế hệ của những người trai trẻ ở miền Nam thời 1954-75, đã nuôi nhiều kỳ vọng cho tương lai đất nước, nhưng chẳng bao lâu đầy tuyệt vọng trong một quê hương khói lửa.
17 Tháng Tư 202112:36 SA(Xem: 10835)
Trong cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử Những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng Hoà, của Trần Mai Hạnh (đăng nhiều kỳ trên tuần báo Văn Nghệ từ số 12 ra ngày 18.3.2000), tác giả tưởng tượng ra cuộc đối thoại như sau giữa Trung tướng Ngô Quang Trưởng Tư lệnh Quân đoàn 1 và viên Tổng lãnh sự Mỹ tại Đà nẵng: “An Phran-xít xộc vào giữa lúc Trưởng đang hối thúc đám tay chân thân tín tiêu hủy tài liệu. Thấy An Phran-xít, Trưởng không trịnh trọng bước tới bắt tay như mọi khi mà chỉ cất tiếng chào: - Xin chào Ngài Tổng lãnh sự! Tôi tưởng Ngài đã ra đi. - Sân bay hỗn loạn. Không một máy bay nào lên xuống được. Người của tôi đi chưa hết. Không một ai giúp tôi. Tôi phải can thiệp và tụi lính của ngài đã xông vào hành hung tôi.