- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

VÀI NHẬN XÉT VỀ HAI BÀI THƠ CỦA QUÁCH TẤN

23 Tháng Tám 20197:53 CH(Xem: 17403)

 

QuachTan-1910-1992
Nhà thơ Quách Tấn
(1910-1992)




Cách đây không lâu, tôi đọc được bài viết “Ảnh hưởng của thơ Đường đối với thơ mới” của TS Nguyễn Xuân Diện và Trần Văn Toàn trên Tạp chí Hán Nôm số 3 (36) năm 1998, trang 46-53, đăng lại trên blog của tác giả Nguyễn Xuân Diện (http://nguyenxuandien.blogspot.com/2010/10/anh-huong-cua-tho-uong-oi-voi-tho-moi.html). 

Phải nói đây là một bài viết công phu, tuy chưa lý giải thấu đáo đến mọi khía cạnh của vần đề. Một số vấn đề cần có sự trao đổi thêm. Trước mắt, tôi xin có một vài nhận xét.

Trong bài trên, các tác giả viết: "Hai bài Đá vọng phu và Đêm thu nghe quạ kêu của Quách Tấn dường như chỉ là dịch từ Hán sang Việt hai bài thơ Vọng phu thạch của Vương Kiến và Ô dạ đề của Lý Bạch".

E rằng nhận định này là không thỏa đáng. 

Lý Bạch (701- 762), được xưng tụng là bậc “thi thánh” trong văn học cổ điển Trung Hoa và Vương Kiến (751 - 835) cũng là một nhà thơ nổi tiếng thời nhà Đường đã để lại cho hậu thế những vần thơ bất hủ của thời Thịnh Đường. 

Bài thơ “Ô dạ đề” là một trong những bài thơ nổi tiếng của Lý Bạch, viết theo lối cổ thể, là tiếng lòng thổn thức của cô gái Tần Xuyên trong chốn buồng thêu nhớ người ngoài ngàn dặm khi nghe tiếng kêu thê thiết của con quạ bay tìm chỗ ngủ, dễ khiến ta liên tưởng đến tâm trạng của người thiếu phụ trong chốn khuê phòng trong bài “Khuê oán” của “Thi thiên tử” Vương Xương Linh (698 – 756), người cùng thời với Lý Bạch.

Đình thoa trướng nhiên tư viễn nhân
Độc túc cô phòng lệ như vũ. 

Tản Đà dịch:

Dừng thoi buồn bã nhớ ai
Phòng không gối chiếc giọt dài tuôn mưa. 

Bài thơ “Vọng phu thạch” của Vương Kiến là một trong những bài thơ nổi tiếng, cũng được viết theo thể cổ phong. Bài thơ dạt dào cảm xúc, bật lên thành tiếng khóc não lòng, không biết là của người hay đá vẫn ngàn năm đợi chồng bên bến sông.

Vọng phu xứ
Giang du du
Hóa vi thạch
Bất hồi đầu 

Hải Đà dịch:

Bên sông ngồi ngóng trông chồng
Trăm năm khắc khoải một lòng sắt son
Hóa thân thành đá mỏi mòn
Gió mưa vần vũ ... đầu không ngoảnh về

Còn hai bài thơ “Đêm thu nghe quạ kêu” và “Đá vọng phu” là hai bài thơ của nhà thơ “cổ điển” nổi tiếng của nền thơ ca Việt Nam đương đại: Quách Tấn.

Quách Tấn (1910-1992), người gốc Minh hương, cùng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên và Yến Lan được mệnh danh là “Bàn thành tứ hữu”. Ông quê ở Bình Định nhưng sống, làm việc chủ yếu ở Khánh Hòa như quê hương thứ hai của ông, và ông mất tại Nha Trang, Khánh Hòa. Ông là tác giả của tác phẩm “Xứ trầm hương” nổi tiếng. Ông làm thơ, viết biên khảo, dịch thơ Đường... Thơ ông chỉ thuần nhất là thơ Đường luật, nổi tiếng nhất là các tập “Một tấm lòng” (1939), “Mùa cổ điển” (1941), “Đọng bóng chiều” (1965)…

Giữa lúc phong trào thơ mới (1932-1945) rầm rộ, Quách Tấn chỉ làm thơ luật và đã dựng nên cả một mùa cổ điển trong vườn hoa đầy hương sắc của thời kỳ này. Ông chủ trương “bình cũ rượu mới”. Ngoài Tản Đà, ông là tác giả duy nhất đại diện cho phái “thơ cũ” có mặt trong “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh - Hoài Chân (1942). Trong “Thi nhân Việt Nam”, Hoài Thanh đã trích đến 9 bài thơ luật của Quách Tấn, chủ yếu trong tập “Mùa cổ điển”, trong đó có bài “Đêm thu nghe quạ kêu” được tác giả phân tích khá sâu sắc trong phần bài viết [1]. 

Bài thơ “Đêm thu nghe quạ kêu” là một trong những bài thơ hay nhất của nhà thơ Quách Tấn, được sáng tác vào năm 1939. Bài thơ tuy viết theo thể Đường luật, dùng nhiều điển cố nhưng ý tứ mới và dễ hiểu. Cả bài thơ là một mạch tràn đầy cảm xúc của tác giả.  

Vào năm 1963, trong một bài viết [2], Quách Tấn đã kể lại khá kỹ về “tiểu sử”, tức là quá trình sáng tác bài thơ. Theo tác giả, bài thơ được thai nghén từ năm 1927 lúc còn ở quê nhà Bình Định trong một hoàn cảnh khá đặc biệt. Mãi đến mười hai năm sau, vào năm 1939, trong lúc hồi tưởng về những kỷ niệm xưa ở quê nhà Bình Định tại ngôi nhà mình ở bên bờ đầm Xương Huân, Nha Trang, tác giả đã xúc cảm viết nên bài thơ “Đêm nghe quạ kêu”. Những hình ảnh trong bài thơ như xóm Ô Y hạng đan xen giữa thực và hư, hiện tại và quá khứ, hình ảnh bến Phong Kiều, sông Xích Bích là sự liên tưởng từ bến sông An Thái, con sông Côn nơi quê nhà, mang chút hơi thở của thế sự trong tâm trạng “thương kẻ nương song bạc”… Bài thơ được tác giả gửi đăng trên một tờ báo đương thời nhưng tác giả vẵn chưa cảm thấy hài lòng. Mãi đến hai năm sau (1941), khi chuẩn bị in tập “Mùa cổ điển”, trong một đêm trăng sáng, tác giả mới có cảm xúc để tiếp tục hoàn chỉnh bài thơ, như câu:

Thắc thỏm chăng ai quả ấn vàng

Được thay bằng:

          Lạnh lẽo sầu ai rụng giếng vàng

Hoặc câu:

          Tình lan man gợi tứ lan man

Được thay bằng:

          Tình hoang mang gợi tứ hoang mang

Ngay cả tên bài thơ ban đầu “Đêm nghe quạ kêu” được Chế Lan Viên góp ý thêm vào chữ “thu” thành ra “Đêm thu nghe quạ kêu” nghe thơ và hay hơn hẳn. 

Ở đây cũng xin nói thêm, nhận xét của Hoài Thanh về việc dùng điển cố “Ô y hạng” sai trong bài thơ “Đêm thu nghe quạ kêu” của Quách Tấn thì cũng nên xem lại. Quách Tấn đã từng học Hán văn từ nhỏ, là nhà thơ chuyên về Đường luật thì không lý gì lại không hiểu “Ô y hạng” nghĩa là “Xóm áo đen” của hai họ Vương, Tạ. Theo tôi, đây chỉ là sự liên tưởng của nhà thơ trong mạch cảm xúc mà thôi.

So sánh hai bài thơ, một bài của Lý Bạch, một bài của Quách Tấn, tuy cùng một nhan đề, nhưng hai bài thơ khác nhau hoàn toàn, từ nội dung, hình thức thể hiện đến mạch cảm xúc của cả hai nhà thơ.

Bên cạnh bài “Đêm thu nghe quạ kêu” thì bài “Đá vọng phu” tuy không hay bằng nhưng cũng là một trong những bài thơ tác giả rất thích và cũng thường được trích trong các tập thi tuyển.

Trong nền thi ca cổ điển Phương Đông, hình ảnh đá vọng phu là một hình ảnh ước lệ, tượng trưng cho tấm lòng chung thủy của người chinh phụ chờ chồng. Các nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam hay Trung Hoa đều có thơ về đề tài này như “Vọng phu sơn” của Lưu Vũ Tích, “Vọng phu thạch” của đại thi hào Nguyễn Du, “Núi vọng phu” của Hồ Dzếnh… Và thậm chí trong âm nhạc, nhạc sĩ Lê Thương cũng đã để lại cho chúng ta 3 bài “Hòn vọng phu” bât hủ.

Trên đất nước Việt Nam chiến tranh liên miên từ đời này sang đời khác có hai nơi có hình ảnh đá vọng phu gắn liền với những sự tích trong dân gian. Một là đá vọng phu ở Lạng Sơn được tả trong bài “Vọng phu thạch” của Nguyễn Du. Hai là đá vọng phu ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, quê hương của nhà thơ Quách Tấn. Bài thơ “Đá vọng phu” của Quách Tấn gắn liền với truyền thuyết và hình ảnh Đá vọng phu ở Bình Định. “Đá vọng phu” của Quách Tấn là một cặp hai bài thơ, gồm “bài chị” và “bài em”. Hai bài thơ tả cảnh chờ chồng của người thiếu phụ với tấm lòng chung thủy, sắt son. Mặc cho dâu bể đổi dời, mưa sa, gió cuốn, người thiếu phụ dù khô đôi dòng lệ, vẫn một lòng kiên trinh, ghi tạc lời thề, ôm con đứng đợi trong cảnh thảm sầu, bất chấp tất cả thời gian… “Bài chị” có đôi câu thực tả cảnh kết hợp tả tình thật hay, thật thần tình, từ dùng rất mới, đầy hình ảnh:

Lụy nhớ mưa ngàn tuôn nượp nượp,
Tóc thề mây núi bạc phơ phơ.

Tôi đã đọc những bài thơ này của Quách Tấn từ rất lâu. Đây là những bài thơ rất hay, rất riêng của ông, so với những bài thơ của Lý Bạch, Vương Kiến là những bài thơ có nội dung, cảm xúc hoàn toàn khác nhau. Không lẽ các tác giả chỉ căn cứ vào tên của các bài thơ mà kết luận rằng các bài thơ của Quách Tấn chỉ là những bài thơ dịch từ Hán sang Việt của các tác giả Trung Hoa thôi sao? 

Xin chép lại những bài thơ này để các bậc thức giả đọc lại và nhận xét.

Ô dạ đề 

(Lý Bạch)

Hoàng vân thành biên ô dục thê
Qui phi á á chi thượng đề
Cơ trung chức cẩm Tần Xuyên nữ
Bích sa như yên cách song ngữ
Đình thoa trướng nhiên tư viễn nhân
Độc túc cô phòng lệ như vũ. 

Quạ kêu đêm 

Mây vàng chiếc quạ bên thành
Nó bay tìm ngủ trên cành nó kêu
Tần Xuyên* cô gái buồng thêu**
Song sa khói toả như khêu chuyện ngoài
Dừng thoi buồn bã nhớ ai
Phòng không gối chiếc giọt dài tuôn mưa. 

(Bản dịch của Tản Đà)
* Câu này dùng nói về điển tích vợ Đậu Thao là nàng Tô Huệ dệt gấm hồi văn.
** Tần Xuyên: thuộc Trường An

Quạ kêu đêm

Quạ tìm chốn đậu bên thành bụi

Bay về kêu quang quác khắp cành cây

Cô gái Tần Xuyên đang dệt gấm

Nghe tiếng ngoài song, qua rèm mây

Ngừng thoi mong nhớ người muôn dặm

Phòng không hiu quạnh lệ tuôn đây.

(Nguyễn Xuân Diện dịch)

Đêm thu nghe quạ kêu

(Quách Tấn)

Từ Ô Y hạng rủ rê sang
Bóng lẫn đêm thâu tiếng rộn ràng...
Trời bến Phong Kiều sương thấp thoáng
Thu sông Xích Bích nguyệt mơ màng
Bồn chồn thương kẻ nương song bạc
Lạnh lẽo sầu ai rụng giếng vàng
Tiếng dội lưng mây đồng vọng mãi
Tình hoang mang gợi tứ hoang mang...

(Mùa cổ điển - 1941)

Vọng Phu thạch
(Vương Kiến )


Vọng phu xứ
Giang du du
Hóa vi thạch
Bất hồi đầu
Sơn đầu nhật nhật phong hòa vũ
Hành nhân qui lai thạch ưng ngữ

 Đá Chờ chồng


Bên sông ngồi ngóng trông chồng
Trăm năm khắc khoải một lòng sắt son
Hóa thân thành đá mỏi mòn
Gió mưa vần vũ ... đầu không ngoảnh về
Phải chăng nàng giữ lời thề
Đến khi đá nói....lúc nghe chàng về !
(Hải Đà phỏng dịch)

Đá vọng phu

(Quách Tấn)
(Bài chị)

Chồng đi biệt tích tự bao giờ,
Đất đổi trời thay cũng cứ chờ.
Lụy nhớ mưa ngàn tuôn nượp nượp,
Tóc thề mây núi bạc phơ phơ.
Non chồng nghĩa nặng cao vòi vọi,
Nước vướng tình sâu chảy lững lờ.
Dâu bể đã bao đời kiếp trải,
Lòng son một tấm mãi trơ trơ.

Đá vọng phu
(Quách Tấn)

(Bài em)
Người đã không về tin cũng không,
Đầu non dắt trẻ đứng trông chồng
Nước mây quạnh vắng tròng khô lệ,
Mưa nắng phôi pha má lợt hồng.
Lời thệ vững ghi lòng sắt đá,
Khối tình riêng nặng gánh non sông.
Nỗi niềm ai biết ai không biết,
Gương nguyệt nghìn thu rạng biển đông.

(Một tấm lòng - 1932-1939)

NP phan

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

[1] Hoài Thanh - Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam (1932-1941), NXB Văn học, H., 1998

[2] Nguyễn Tấn Long - Nguyễn Hữu Trọng, Việt Nam thi nhân tiền chiến, NXB Sống Mới, Sài gòn, 1968

[3] http://www.thivien.net/

[4] http://vi.wikipedia.org/

[5] http://www.vuonghaida.com/VAN/VongPhuThach.htm

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
13 Tháng Hai 202312:43 SA(Xem: 6663)
順天者存,逆天者亡 Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong Thuận với thiên nhiên thì còn. Nghịch với thiên nhiên thì mất. [Mạnh Tử] “Kế hoạch phát triển nào cũng phải tính tới cái giá môi sinh phải trả – environmental costs – đối với sức khoẻ của người dân và cả trên nguồn tài nguyên lâu dài của đất nước.” Ngô Thế Vinh
06 Tháng Giêng 202312:11 SA(Xem: 6428)
Nguyễn Du chỉ thốt lên một lần duy nhất: Ta vốn có tính yêu núi khi ông Bắc hành, ở đoạn cuối sứ trình; nhưng cái tính đó, ông đã bộc lộ biết bao lần trong 254 bài qua cả ba tập thơ chữ Hán của mình! Ai ham đọc sách mà không biết câu nói có tự cổ xưa: Trí giả lạc thủy, nhân giả lạc sơn (Kẻ trí thì vui với sông nước, người nhân thì vui với núi non); song cái ý tưởng sách vở thể hiện khát vọng thoát tục thanh cao, mơ ước được tựa vào non xanh để tìm sự yên tĩnh vĩnh hằng của nội tâm đó đã được Nguyễn Du trải nghiệm bằng toàn bộ cảm giác buồn, vui, qua các đoạn đời phong trần của mình, và ông miêu tả chúng qua bao vần thơ chữ Hán thực thấm thía, rung động.
14 Tháng Mười 202211:28 CH(Xem: 7613)
Năm 2020, đã có một lúc bao nhiêu triệu cư dân vùng hạ lưu sông Mekong thở phào nhẹ nhõm khi nghe tin Bộ Điện Lực Cam Bốt tuyên bố hoãn mọi dự án thuỷ điện trên sông Mekong trong 10 năm tới [1], như vậy là ít nhất có một thời kỳ dưỡng thương cho dòng sông bị đầy những vết cắt do chuỗi đập thuỷ điện của Trung Quốc và Lào phía thượng nguồn. Nhưng rồi mới đây, chỉ hai năm sau, 2022, là một tin chấn động khác: Phnom Penh tuyên bố cho tái phục hoạt / resurrection dự án thủy điện Stung Treng 1.400 MW trên dòng chính sông Mekong phía đông bắc Cam Bốt sát ranh giới với Lào. Dự án này không chỉ sẽ tàn phá sinh cảnh các khu đất ngập được bảo vệ bởi Công ước Ramsar ký kết từ năm 1971, mà còn gây tác hại vô lường trên hai vùng châu thổ phì nhiêu Tonlé Sap và ĐBSCL. Đây là bài đầu tiên trong loạt 3 bài viết nhìn lại toàn cảnh cuộc hành trình gian truân của một dòng sông – Sông Mekong hơn nửa thế kỷ qua.
13 Tháng Chín 20221:26 CH(Xem: 7369)
Tôi biết đến tên tuổi nhà thơ Thạch Quỳ từ hồi sinh viên văn khoa, từng đọc thơ ông, nhưng lần đầu tiên mới được gặp ông tại một đám đông hội hè, giữa khu lưu niệm Nguyễn Du - Nghi Xuân, Hà Tĩnh đầu năm 2019. Đó là một ông già gầy gò, người quắt lại như lõi lim, đôi mắt sáng có vẻ hơi chế diễu nhưng không mất đi sự nhân hậu đằm thắm…
31 Tháng Tám 202210:27 CH(Xem: 7617)
Những năm qua, công luận kêu ca phàn nàn nhiều về tình trạng khá suy đồi của sinh hoạt Tôn giáo - nổi bật ở đạo Phật Việt Nam, trước sự tàn phá thiên nhiên để xây dựng những khu Du lịch Tâm linh trá hình khủng nhằm lợi dụng Tôn giáo để kinh doanh… Và mới đây nhất, tràn ngập Mạng Xã hội là hình ảnh những con chim phóng sinh tội nghiệp bị nhốt trong lồng sắt để rồi sau đó ngắc ngoải trước cửa chùa, hình ảnh các vị sư đạo mạo mãn nguyện đặt tay lên đầu phụ nữ, trẻ em đang cúi rạp sát đất tựa Đức Chúa Trời ban phước lành, hình ảnh nhà sư ôm bát vàng đi “khất thực” song lại quơ tay vơ tiền cúng dường, v.v.
10 Tháng Tám 202210:45 CH(Xem: 8738)
Lời Dẫn Nhập: Bài viết về TS Eric Henry với dự kiến ban đầu kết hợp với Chân Dung Phạm Duy. Nhưng rồi, riêng phần Phạm Duy đã dài tới ngót 50 trang giấy, nên Chân Dung Eric Henry phải tách ra một bài khác, vẫn mong bạn đọc có cái nhìn kết hợp hai chân dung do tính bổ sung của hai nhân vật Phạm Duy và Eric Henry trên chặng đường tìm hiểu nền Tân nhạc Việt Nam cùng với các bước gian truân để hình thành và xuất bản bộ Hồi Ký tiếng Anh The Memoirs of Phạm Duy, dự trù sẽ do Cornell University Press xuất bản. Tưởng cũng cần nói thêm,Thư viện Đại Học Cornell là nơi còn lưu trữ đầy đủ nhất di sản 20 năm Văn học Miền Nam 1954-1975, và “ngọn lửa phần thư” của những người Cộng sản Việt Nam muốn tận diệt nền văn hóa ấy đã không sao lan tới được.
01 Tháng Tám 20226:34 CH(Xem: 8057)
Trong cái thời buổi “Mạt” đủ thứ này, biết bao hiện tượng được gọi là “văn hóa” giống như “Huyền thoại” liên tục nảy nở, khiến thiên hạ khóc dở mếu dở, cười trong chua chát, thậm chí lo âu và hoảng sợ đến thót tim…
03 Tháng Bảy 20222:06 CH(Xem: 7572)
Cám ơn bạn hữu gần xa, những người yêu mến nhạc và cả con người Phạm Duy,trong sự tin cậy,đã gửi và cả cho phép sử dụng các nguồn tài liệu quý giá trong đó có những thư từ trao đổi riêng tư với Phạm Duy cách đây cũng đã ngót30 năm,không ngoài mục đích giúp người viết có chất liệu –đủ cho một cuốn sách,nhưng đó là công trình của tương lai. Đây chỉ một bài viết ngắn, nhưng cũng mong phác thảo được đôi nét chân dung của một nghệ sĩ lớn Phạm Duy -- thần tượng của nhiều người qua nhiều thế hệ,với một cuộc sống đầy cảm hứngnhưng cũngrất phức tạp.Phạm Duy đã sống qua hai thế kỷ,“khóc cười theo vận nước nổi trôi”trong suốt chiều dài của một bi kịch Việt Nam cận đại,vừa hào hùng và cũng vô cùng bi thảm.(NTV)
22 Tháng Sáu 20221:34 SA(Xem: 7815)
I. Mấy câu hỏi, đúng hơn là những ý tưởng như bâng quơ, có gì hơi cổ lỗ, song vốn nằm sâu trong tiềm thức và có khả năng đánh thức sự lười biếng của tư duy giữa bao lo toan bề bộn đời thường lắm khi thấm máu và nước mắt: “Vì sao tôi viết“, “Văn học có ích gì cho xã hội?”, “Ngày hôm nay, văn học có cần thiết lắm không? Cần cho ai?”, “Văn học với thực tại xã hội?”, “Điện ảnh cần gì ở văn học”, v.v.
11 Tháng Sáu 202211:28 CH(Xem: 8532)
Nhiều người đã kể rõ và lý giải hiện tượng CHẠY cho đến nay đã trở thành những guồng quay điên cuồng trên các lĩnh vực, trong các giới xã hội - chạy Quyền, chạy Chức, chạy Dự án, chạy Danh hiệu, chạy Bằng cấp, chạy Giải thưởng, chạy Cúp vàng, chạy Thành tích, chạy Điểm, chạy Vai diễn, chạy Lớp, v.v. Đã “Chạy” thì phải bắt buộc “Mua”, mua bằng bất cứ giá nào, thậm chí bằng cả nhân phẩm.