- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

VÀI NHẬN XÉT VỀ HAI BÀI THƠ CỦA QUÁCH TẤN

23 Tháng Tám 20197:53 CH(Xem: 17515)

 

QuachTan-1910-1992
Nhà thơ Quách Tấn
(1910-1992)




Cách đây không lâu, tôi đọc được bài viết “Ảnh hưởng của thơ Đường đối với thơ mới” của TS Nguyễn Xuân Diện và Trần Văn Toàn trên Tạp chí Hán Nôm số 3 (36) năm 1998, trang 46-53, đăng lại trên blog của tác giả Nguyễn Xuân Diện (http://nguyenxuandien.blogspot.com/2010/10/anh-huong-cua-tho-uong-oi-voi-tho-moi.html). 

Phải nói đây là một bài viết công phu, tuy chưa lý giải thấu đáo đến mọi khía cạnh của vần đề. Một số vấn đề cần có sự trao đổi thêm. Trước mắt, tôi xin có một vài nhận xét.

Trong bài trên, các tác giả viết: "Hai bài Đá vọng phu và Đêm thu nghe quạ kêu của Quách Tấn dường như chỉ là dịch từ Hán sang Việt hai bài thơ Vọng phu thạch của Vương Kiến và Ô dạ đề của Lý Bạch".

E rằng nhận định này là không thỏa đáng. 

Lý Bạch (701- 762), được xưng tụng là bậc “thi thánh” trong văn học cổ điển Trung Hoa và Vương Kiến (751 - 835) cũng là một nhà thơ nổi tiếng thời nhà Đường đã để lại cho hậu thế những vần thơ bất hủ của thời Thịnh Đường. 

Bài thơ “Ô dạ đề” là một trong những bài thơ nổi tiếng của Lý Bạch, viết theo lối cổ thể, là tiếng lòng thổn thức của cô gái Tần Xuyên trong chốn buồng thêu nhớ người ngoài ngàn dặm khi nghe tiếng kêu thê thiết của con quạ bay tìm chỗ ngủ, dễ khiến ta liên tưởng đến tâm trạng của người thiếu phụ trong chốn khuê phòng trong bài “Khuê oán” của “Thi thiên tử” Vương Xương Linh (698 – 756), người cùng thời với Lý Bạch.

Đình thoa trướng nhiên tư viễn nhân
Độc túc cô phòng lệ như vũ. 

Tản Đà dịch:

Dừng thoi buồn bã nhớ ai
Phòng không gối chiếc giọt dài tuôn mưa. 

Bài thơ “Vọng phu thạch” của Vương Kiến là một trong những bài thơ nổi tiếng, cũng được viết theo thể cổ phong. Bài thơ dạt dào cảm xúc, bật lên thành tiếng khóc não lòng, không biết là của người hay đá vẫn ngàn năm đợi chồng bên bến sông.

Vọng phu xứ
Giang du du
Hóa vi thạch
Bất hồi đầu 

Hải Đà dịch:

Bên sông ngồi ngóng trông chồng
Trăm năm khắc khoải một lòng sắt son
Hóa thân thành đá mỏi mòn
Gió mưa vần vũ ... đầu không ngoảnh về

Còn hai bài thơ “Đêm thu nghe quạ kêu” và “Đá vọng phu” là hai bài thơ của nhà thơ “cổ điển” nổi tiếng của nền thơ ca Việt Nam đương đại: Quách Tấn.

Quách Tấn (1910-1992), người gốc Minh hương, cùng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên và Yến Lan được mệnh danh là “Bàn thành tứ hữu”. Ông quê ở Bình Định nhưng sống, làm việc chủ yếu ở Khánh Hòa như quê hương thứ hai của ông, và ông mất tại Nha Trang, Khánh Hòa. Ông là tác giả của tác phẩm “Xứ trầm hương” nổi tiếng. Ông làm thơ, viết biên khảo, dịch thơ Đường... Thơ ông chỉ thuần nhất là thơ Đường luật, nổi tiếng nhất là các tập “Một tấm lòng” (1939), “Mùa cổ điển” (1941), “Đọng bóng chiều” (1965)…

Giữa lúc phong trào thơ mới (1932-1945) rầm rộ, Quách Tấn chỉ làm thơ luật và đã dựng nên cả một mùa cổ điển trong vườn hoa đầy hương sắc của thời kỳ này. Ông chủ trương “bình cũ rượu mới”. Ngoài Tản Đà, ông là tác giả duy nhất đại diện cho phái “thơ cũ” có mặt trong “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh - Hoài Chân (1942). Trong “Thi nhân Việt Nam”, Hoài Thanh đã trích đến 9 bài thơ luật của Quách Tấn, chủ yếu trong tập “Mùa cổ điển”, trong đó có bài “Đêm thu nghe quạ kêu” được tác giả phân tích khá sâu sắc trong phần bài viết [1]. 

Bài thơ “Đêm thu nghe quạ kêu” là một trong những bài thơ hay nhất của nhà thơ Quách Tấn, được sáng tác vào năm 1939. Bài thơ tuy viết theo thể Đường luật, dùng nhiều điển cố nhưng ý tứ mới và dễ hiểu. Cả bài thơ là một mạch tràn đầy cảm xúc của tác giả.  

Vào năm 1963, trong một bài viết [2], Quách Tấn đã kể lại khá kỹ về “tiểu sử”, tức là quá trình sáng tác bài thơ. Theo tác giả, bài thơ được thai nghén từ năm 1927 lúc còn ở quê nhà Bình Định trong một hoàn cảnh khá đặc biệt. Mãi đến mười hai năm sau, vào năm 1939, trong lúc hồi tưởng về những kỷ niệm xưa ở quê nhà Bình Định tại ngôi nhà mình ở bên bờ đầm Xương Huân, Nha Trang, tác giả đã xúc cảm viết nên bài thơ “Đêm nghe quạ kêu”. Những hình ảnh trong bài thơ như xóm Ô Y hạng đan xen giữa thực và hư, hiện tại và quá khứ, hình ảnh bến Phong Kiều, sông Xích Bích là sự liên tưởng từ bến sông An Thái, con sông Côn nơi quê nhà, mang chút hơi thở của thế sự trong tâm trạng “thương kẻ nương song bạc”… Bài thơ được tác giả gửi đăng trên một tờ báo đương thời nhưng tác giả vẵn chưa cảm thấy hài lòng. Mãi đến hai năm sau (1941), khi chuẩn bị in tập “Mùa cổ điển”, trong một đêm trăng sáng, tác giả mới có cảm xúc để tiếp tục hoàn chỉnh bài thơ, như câu:

Thắc thỏm chăng ai quả ấn vàng

Được thay bằng:

          Lạnh lẽo sầu ai rụng giếng vàng

Hoặc câu:

          Tình lan man gợi tứ lan man

Được thay bằng:

          Tình hoang mang gợi tứ hoang mang

Ngay cả tên bài thơ ban đầu “Đêm nghe quạ kêu” được Chế Lan Viên góp ý thêm vào chữ “thu” thành ra “Đêm thu nghe quạ kêu” nghe thơ và hay hơn hẳn. 

Ở đây cũng xin nói thêm, nhận xét của Hoài Thanh về việc dùng điển cố “Ô y hạng” sai trong bài thơ “Đêm thu nghe quạ kêu” của Quách Tấn thì cũng nên xem lại. Quách Tấn đã từng học Hán văn từ nhỏ, là nhà thơ chuyên về Đường luật thì không lý gì lại không hiểu “Ô y hạng” nghĩa là “Xóm áo đen” của hai họ Vương, Tạ. Theo tôi, đây chỉ là sự liên tưởng của nhà thơ trong mạch cảm xúc mà thôi.

So sánh hai bài thơ, một bài của Lý Bạch, một bài của Quách Tấn, tuy cùng một nhan đề, nhưng hai bài thơ khác nhau hoàn toàn, từ nội dung, hình thức thể hiện đến mạch cảm xúc của cả hai nhà thơ.

Bên cạnh bài “Đêm thu nghe quạ kêu” thì bài “Đá vọng phu” tuy không hay bằng nhưng cũng là một trong những bài thơ tác giả rất thích và cũng thường được trích trong các tập thi tuyển.

Trong nền thi ca cổ điển Phương Đông, hình ảnh đá vọng phu là một hình ảnh ước lệ, tượng trưng cho tấm lòng chung thủy của người chinh phụ chờ chồng. Các nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam hay Trung Hoa đều có thơ về đề tài này như “Vọng phu sơn” của Lưu Vũ Tích, “Vọng phu thạch” của đại thi hào Nguyễn Du, “Núi vọng phu” của Hồ Dzếnh… Và thậm chí trong âm nhạc, nhạc sĩ Lê Thương cũng đã để lại cho chúng ta 3 bài “Hòn vọng phu” bât hủ.

Trên đất nước Việt Nam chiến tranh liên miên từ đời này sang đời khác có hai nơi có hình ảnh đá vọng phu gắn liền với những sự tích trong dân gian. Một là đá vọng phu ở Lạng Sơn được tả trong bài “Vọng phu thạch” của Nguyễn Du. Hai là đá vọng phu ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, quê hương của nhà thơ Quách Tấn. Bài thơ “Đá vọng phu” của Quách Tấn gắn liền với truyền thuyết và hình ảnh Đá vọng phu ở Bình Định. “Đá vọng phu” của Quách Tấn là một cặp hai bài thơ, gồm “bài chị” và “bài em”. Hai bài thơ tả cảnh chờ chồng của người thiếu phụ với tấm lòng chung thủy, sắt son. Mặc cho dâu bể đổi dời, mưa sa, gió cuốn, người thiếu phụ dù khô đôi dòng lệ, vẫn một lòng kiên trinh, ghi tạc lời thề, ôm con đứng đợi trong cảnh thảm sầu, bất chấp tất cả thời gian… “Bài chị” có đôi câu thực tả cảnh kết hợp tả tình thật hay, thật thần tình, từ dùng rất mới, đầy hình ảnh:

Lụy nhớ mưa ngàn tuôn nượp nượp,
Tóc thề mây núi bạc phơ phơ.

Tôi đã đọc những bài thơ này của Quách Tấn từ rất lâu. Đây là những bài thơ rất hay, rất riêng của ông, so với những bài thơ của Lý Bạch, Vương Kiến là những bài thơ có nội dung, cảm xúc hoàn toàn khác nhau. Không lẽ các tác giả chỉ căn cứ vào tên của các bài thơ mà kết luận rằng các bài thơ của Quách Tấn chỉ là những bài thơ dịch từ Hán sang Việt của các tác giả Trung Hoa thôi sao? 

Xin chép lại những bài thơ này để các bậc thức giả đọc lại và nhận xét.

Ô dạ đề 

(Lý Bạch)

Hoàng vân thành biên ô dục thê
Qui phi á á chi thượng đề
Cơ trung chức cẩm Tần Xuyên nữ
Bích sa như yên cách song ngữ
Đình thoa trướng nhiên tư viễn nhân
Độc túc cô phòng lệ như vũ. 

Quạ kêu đêm 

Mây vàng chiếc quạ bên thành
Nó bay tìm ngủ trên cành nó kêu
Tần Xuyên* cô gái buồng thêu**
Song sa khói toả như khêu chuyện ngoài
Dừng thoi buồn bã nhớ ai
Phòng không gối chiếc giọt dài tuôn mưa. 

(Bản dịch của Tản Đà)
* Câu này dùng nói về điển tích vợ Đậu Thao là nàng Tô Huệ dệt gấm hồi văn.
** Tần Xuyên: thuộc Trường An

Quạ kêu đêm

Quạ tìm chốn đậu bên thành bụi

Bay về kêu quang quác khắp cành cây

Cô gái Tần Xuyên đang dệt gấm

Nghe tiếng ngoài song, qua rèm mây

Ngừng thoi mong nhớ người muôn dặm

Phòng không hiu quạnh lệ tuôn đây.

(Nguyễn Xuân Diện dịch)

Đêm thu nghe quạ kêu

(Quách Tấn)

Từ Ô Y hạng rủ rê sang
Bóng lẫn đêm thâu tiếng rộn ràng...
Trời bến Phong Kiều sương thấp thoáng
Thu sông Xích Bích nguyệt mơ màng
Bồn chồn thương kẻ nương song bạc
Lạnh lẽo sầu ai rụng giếng vàng
Tiếng dội lưng mây đồng vọng mãi
Tình hoang mang gợi tứ hoang mang...

(Mùa cổ điển - 1941)

Vọng Phu thạch
(Vương Kiến )


Vọng phu xứ
Giang du du
Hóa vi thạch
Bất hồi đầu
Sơn đầu nhật nhật phong hòa vũ
Hành nhân qui lai thạch ưng ngữ

 Đá Chờ chồng


Bên sông ngồi ngóng trông chồng
Trăm năm khắc khoải một lòng sắt son
Hóa thân thành đá mỏi mòn
Gió mưa vần vũ ... đầu không ngoảnh về
Phải chăng nàng giữ lời thề
Đến khi đá nói....lúc nghe chàng về !
(Hải Đà phỏng dịch)

Đá vọng phu

(Quách Tấn)
(Bài chị)

Chồng đi biệt tích tự bao giờ,
Đất đổi trời thay cũng cứ chờ.
Lụy nhớ mưa ngàn tuôn nượp nượp,
Tóc thề mây núi bạc phơ phơ.
Non chồng nghĩa nặng cao vòi vọi,
Nước vướng tình sâu chảy lững lờ.
Dâu bể đã bao đời kiếp trải,
Lòng son một tấm mãi trơ trơ.

Đá vọng phu
(Quách Tấn)

(Bài em)
Người đã không về tin cũng không,
Đầu non dắt trẻ đứng trông chồng
Nước mây quạnh vắng tròng khô lệ,
Mưa nắng phôi pha má lợt hồng.
Lời thệ vững ghi lòng sắt đá,
Khối tình riêng nặng gánh non sông.
Nỗi niềm ai biết ai không biết,
Gương nguyệt nghìn thu rạng biển đông.

(Một tấm lòng - 1932-1939)

NP phan

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

[1] Hoài Thanh - Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam (1932-1941), NXB Văn học, H., 1998

[2] Nguyễn Tấn Long - Nguyễn Hữu Trọng, Việt Nam thi nhân tiền chiến, NXB Sống Mới, Sài gòn, 1968

[3] http://www.thivien.net/

[4] http://vi.wikipedia.org/

[5] http://www.vuonghaida.com/VAN/VongPhuThach.htm

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
24 Tháng Chín 20212:08 SA(Xem: 11179)
Dẫn nhập: Việt Nam Một Thế Kỷ Qua, Nguyễn Tường Bách và Tôi là tên hai tác phẩm hồi ký của bác sĩ Nguyễn Tường Bách và cô giáo Hứa Bảo Liên, người bạn trăm năm của Nguyễn Tường Bách. Đây là hai bộ hồi ký đặc sắc về cuộc tình lãng mạn của một chàng trai Việt và một cô gái người Hoa ở Hà Nội cùng nổi trôi theo vận nước cho tới khi họ gặp lại nhau trên đất Côn Minh Vân Nam và trở thành đôi vợ chồng sắt son thuỷ chung với bao nhiêu tận tuỵ và hy sinh – nhưng quan trọng hơn thế nữa, đây chính là một phần của lịch sử sinh động và đầy biến động trong ngót một thế kỷ qua trong những cơn bão táp của Cách Mạng Việt Nam và cả lục địa Trung Hoa.
12 Tháng Chín 20218:12 CH(Xem: 9950)
Thật công bằng mà xét thì nhân vật cô câm (tên Cam, với nghĩa cam chịu, nhẫn nhịn) là sáng tạo có ý nghĩa hơn cả của bộ phim. Nếu không có nhân vật này, phim sẽ “nghèo” đi nhiều lắm. Cô câm giống như một “con mắt thứ hai” của khán giả cảm nhận, quan sát, đánh giá nhân vật chính là ông chủ Nguyễn- người mà cô yêu một cách say đắm, nhẫn nại và nô lệ, kể cả khi ông ta đã trở nên dại cuồng mất hết nhân tính! Hành động đáng kể nhất, mang tính chất nổi loạn và bộc lộ rõ tình yêu mù quáng của cô câm là hành động kéo lê cái tượng gỗ to bằng người thật quẳng xuống sông (hình như có hàm nghĩa là cô vứt bỏ thần tượng yêu trộm nhớ thầm của mình!) Và cô đã bị trả giá: ông chủ ấp Mê Thảo hạ lệnh bỏ rọ cô trôi sông để thế mạng!
07 Tháng Chín 20218:48 CH(Xem: 10799)
Đã từng quen thuộc với tác phẩm văn học “Đất nước đứng lên” của nhà văn Nguyên Ngọc từ những ngày ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, lại vốn rất có cảm tình với nhà văn này, nên hồi phim điện ảnh “Đất nước đứng lên” xuất xưởng, tôi đã háo hức tìm xem ngay. Song, trái ngược với dự đoán và mong đợi, bộ phim đồ sộ, tốn kém này đã gây cho tôi nhiều phản cảm, nhiều nỗi ấm ức muốn được giải tỏa. Rồi khi VTV thời gian vừa qua liên tục phát sóng lại bộ phim này, nhân các dịp lễ lạt kỷ niệm nào đó, tôi đã xem thêm lần nữa và thấy cần phải nói đôi lời.
14 Tháng Bảy 20215:36 CH(Xem: 11382)
Cứ mỗi lần được đi trên sông Hồng, tôi lại mê mải nhìn sang hai bên làng xóm trù phú, và cố tìm những luỹ tre làng đang bị mất dần đi… Thế mà, suốt bao đời nay, luỹ tre làng là một trong những biểu hiện quen thuộc nhất, sinh động nhất của châu thổ Bắc bộ. Nhà thơ dân dã Nguyễn Duy từng thốt lên: Thân gầy guộc, lá mong manh Mà sao nên luỹ, nên thành tre ơi!
02 Tháng Bảy 20216:30 CH(Xem: 10232)
Giữa những ngày nóng nực tháng 6 này, giữa cơn "địa chấn" của lòng người trước chủ quyền Đất Nước bị xâm phạm trắng trợn từ nhiều năm nay, tôi đã bỗng nhớ đến một bài thơ yêu nước Tây Ban Nha do chính nhà văn Lưu Trọng Lư đọc cho nghe, cách đây gần ba chục năm, trong căn buồng của nhà văn đối diện phía sau Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
30 Tháng Sáu 20211:14 SA(Xem: 10502)
Kết thúc ba ngày hội thảo từ 11 đến 13 tháng 6 vừa qua tại Cornwall thuộc miền nam Anh Quốc, Nhóm G7 – một tổ chức gồm bẩy nước dân chủ có nền kinh tế phát triển lớn nhất là Pháp, Đức, Ý, Nhật, Mỹ, Anh và Gia Nã Đại – cùng đồng ý tham gia vào một đề xướng đầy tham vọng, đó là hỗ trợ dự án giúp các quốc gia nghèo có nhu cầu phát triển xây dựng hạ tầng cơ sở trên toàn thế giới.
28 Tháng Sáu 202112:51 CH(Xem: 10840)
1957 một tạp chí có tên Bách Khoa do hai ôngHuỳnh Văn Lang, Hoàng Minh Tuynh sáng lập, xuất bản mỗi tháng hai kỳ, với quan niệm là: “Diễn đàn chung của tất cả những người tha thiết đến các vấn đề Chính trị, Kinh tế, Văn hoá, Xã hội.” Nguồn tài chánh ban đầu của Bách Khoa là do đóng góp của một nhóm 30 người, gồm những nhà giáo, nhà báo, chuyên viên hay công tư chức cao cấp thời bấy giờ; mỗi người góp 1.000 đồng (lương tháng hàng giám đốc lúc đó khoảng 5.000 đồng) , tổng cộng được 29.500 đồng, một số tiền phải nói là khá lớn (theo TS Phạm Đỗ Chí, thì 1 US$ = 35 VN$ và số tiền ấy tương đương với hơn 20 lạng vàng theo thời giá 1957 lúc bấy giờ).
03 Tháng Sáu 202110:29 CH(Xem: 10661)
Kịch bản tuồng "Liệu đố" (chữa bệnh ghen) có thể nói là một kịch bản văn học khá kỳ lạ. Khoác cái vỏ lụng thụng của những điển tích cổ, thơ Đường, Kinh thi..., nhưng kịch bản được viết ra từ trên một thế kỷ này tận cốt lõi lại là sự sống dân gian Việt, và điều đặc biệt nhất là chứa đựng nhiều yếu tố hiện đại trong nội dung tâm lý cũng như về hình thức biểu hiện. Tôi xin mạn phép được minh chứng điều này bằng chính văn bản vở tuồng "Liệu đố" mà tôi có được trong tay nhờ các nhà nghiên cứu dịch thuật Hán Nôm của Trời Văn Bình Định (“Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu - ông đồ nghệ sĩ” - Nxb Sân khấu, 2011).
16 Tháng Năm 20219:48 CH(Xem: 12506)
Ngày 5/5, TAND tỉnh Hoà Bình đã tuyên án 16 năm tù cho chị Cấn Thị Thêu và con trai Trịnh Bá Tư. Trước đó, người con trai khác của chị, Trịnh Bá Phương bị công an chuyển từ trại giam vào viện tâm thần. Sự đàn áp khắc nghiệt của lãnh đạo ĐCS đối với gia đình chị, vô tình lại giúp tôi cảm nhận được cái “sức sống mãnh liệt” của những nông dân này. Và như Ls Đặng Đình Mạnh, tôi cũng rơi nước mắt khi đọc những chia sẻ của anh:"Chứng kiến sự đanh thép, bất khuất ... của họ tại tòa, mất tự chủ, tôi chảy nước mắt vì xấu hổ".
15 Tháng Năm 20214:04 CH(Xem: 11833)
"Gần đây, qua bao nhiêu biến cố dồn dập trong cuộc đời Trần Hoài Thư, đã đến lúc không thể không có một bài viết về người bạn văn, như một tấm thiệp mừng 50 năm ngày cưới – 50th Gold anniversary của đôi vợ chồng Nguyễn Ngọc Yến – Trần Hoài Thư, một “đám cưới nhà binh” của thế kỷ, với rất nhiều hạnh phúc cùng với nhiều khổ đau khi cả hai sắp bước vào tuổi 80. Cũng nhân đây, có một gợi ý với các bạn trẻ trong và ngoài nước đang chuẩn bị luận án tiến sĩ văn học, thì chân dung văn hoá của Trần Hoài Thư cùng với nỗ lực phục hồi Di Sản Văn Học Miền Nam 1954 – 1975 là một đề tài vô cùng phong phú và hấp dẫn, rất xứng đáng để các bạn khám phá và dấn thân vào. Các bạn cũng không còn nhiều thời gian – nói theo cách ví von của nhà văn trẻ Trần Vũ, chiếc kim đồng hồ trên tay anh Trần Hoài Thư đã chỉ 12 giờ kém 5 phút sắp qua nửa đêm và chỉ sau năm phút phù du đó, khi Trần Hoài Thư trở thành “người của trăm năm cũ”, tất cả sẽ bị lớp bụi thời gian mau chóng phủ mờ." (NTV)