- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc
Lượt người xem
307,192

KÝ ĐINH QUANG ANH THÁI, NHỮNG KIẾP PHONG TRẦN...

16 Tháng Bảy 201911:23 CH(Xem: 13476)


dinh quang anh thai

Lần đầu được đọc tập ký hoàn chỉnh của nhà báo Đinh Quang Anh Thái, một tác giả người Việt hải ngoại, tự nhiên trong đầu tôi nảy ra sự so sánh với hàng ngàn vạn bài ký “mậu dịch” của hơn tám trăm tờ báo dưới sự chăn dắt của Ban Tuyên giáo Trung ương. Hóa ra, đó toàn là những sản phẩm đồng phục được chế tác bởi những tác giả, qua sự đào luyện của hệ thống trường ốc, trong đó, cá tính đã được mài nhẵn, tư tưởng được kiểm soát chặt chẽ, mọi phản biện xã hội đều bị giới hạn trong phạm vi cho phép, vì thế, cái gọi là ký ấy chỉ là những văn bản véo von ca ngợi, tự sướng của những cây bút thủ dâm chính trị, tự huyễn hoặc mình. Loại báo chí ấy chẳng những không có lợi, mà trái lại, rất có hại, bởi nó thực chất là dối trá, lừa phỉnh nhân quần. Dẫn chứng thì không thiếu, chỉ xin nêu ra trường hợp “Trong xà lim án chém” (hồi ký của Phạm Hùng) và “Bất khuất” (hồi ký của Nguyễn Đức Thuận), mà chính người được giao trách nhiệm viết là nhà văn Trần Đĩnh đã hơn một lần khẳng định là bịa đặt theo sự chỉ đạo...

Vì thế, tiếp cận ký Đinh Quang Anh Thái, người đọc nhận ra ngay, nó thuộc một hệ hình thẩm mỹ khác, một đẳng cấp khác, cho dù văn bản vẫn nằm trong phạm trù Chủ nghĩa Hiện thực cổ điển mà những nhà văn Việt Nam tiền chiến viết rất thành công như Vũ Trọng Phụng, Vũ Bằng, Tam Lang...

Viết ký dễ mà lại khó. Dễ là viết theo kiểu “người tốt việc tốt” ăn theo  Nghị quyết. Ai cũng có thể làm được miễn là đọc thông viết thạo chữ Quốc ngữ. Khó là cần có một tư tưởng nào đó, một cá tính riêng biệt, và cuối cùng là chất văn. Ký dù là báo chí hay văn chương, không có “văn” là vứt.

Theo tôi, ký Đinh Quang Anh Thái sống được trong lòng độc giả là bởi, trước hết nó có tư tưởng, trong đó, bao hàm cả tư tưởng thẩm mỹ bằng thứ văn mang đậm phong cách cổ điển, sang trọng, lịch lãm và cô đọng. Văn bản của Đinh Quang Anh Thái dồn nén, đậm đặc đến mức hàm súc khiến người đọc lắm lúc tiếc nuối bởi ông tỉnh lược đến mức tối đa những chi tiết, tình tiết đáng lý ra phải được trình bày kỹ lưỡng cho dù nó chưa hẳn là cần thiết. Trong ký, có một sự nghịch lý là, đôi khi những sự kiện không mấy quan yếu lại tạo cho tác phẩm một sức hấp dẫn, một trường liên tưởng dẫn dụ người đọc khám phá giá trị ngoài văn bản.

Đinh Quang Anh Thái có thế mạnh để viết ký. Trước hết, ông đã từng lớn lên trong một chế độ xã hội tương đối cởi mở, được tiếp cận một nền giáo dục khai phóng, không bị nhồi sọ những tư tưởng giáo điều. Thứ nữa, ông đã từng là một chính trị phạm với hơn 6 năm bị đày đọa trong các nhà tù “Bên thắng cuộc”. Vì thế, ông hiểu đến chân tơ kẽ tóc bản chất của Chủ nghĩa Cộng sản kiểu Staline và Mao Trạch Đông. Trong cái rủi có cái may.  Về một mặt nào đó, có thể nói, đây là môi trường tuyệt hảo để ông múa bút viết những thiên hồi ký thấm đẫm tinh thần nhân văn như “Nhớ thương cậu Tiến” hay “Bác Năm Tường Phi Lạc náo Chí Hòa”.

Cũng như “Nguyễn Tất Nhiên, chiếc quần mới và bữa thịt chó cuối năm cũ” hay “Đỗ Ngọc Yến, con người bí ẩn”, các bài về Như Phong Lê Văn Tiến hay Hồ Hữu Tường đều là tác phẩm ký họa chân dung nhưng mỗi bài tác giả lại có cách diễn dịch riêng, khi thì khái quát, khi lại rất chi tiết, cụ thể chỉ với mục địch khắc họa cho được cá tính nhân vật, đặc biệt là nhân vật lớn có tầm ảnh hưởng trong xã hội.

Sự độc đáo của các nhân vật ấy lại được tác giả chọn đúng hoàn cảnh nên hiệu ứng thẩm mỹ càng tăng lên gấp bội. Ấy là hoàn cảnh trong tù. “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”. Phải đặt vào tình trạng cùng quẫn như thế ta mới thấy nhân cách của họ “cùng tắc biến” như thế nào. Chi tiết bác Năm Tường nâng tô canh tù sứt mẻ lõng bõng nước húp cũng như phải chia đều gói đậu phộng rang muối ít ỏi cho nhiều bữa ăn mới thấy chế độ nhà tù Cộng sản khắc nghiệt, coi thường tính mệnh và nhân phẩm con người như thế nào.

Về mặt phương pháp sáng tác, ký Đinh Quang Anh Thái không thiên về đổi mới hình thức, thậm chí còn cổ điển hơn cả cổ điển, nhưng về nội dung biểu đạt, tác giả đã “kể” về nhân vật của mình thông qua một hệ giá trị mới mà trọng tâm là sự trung thực đến tận cùng, tính nhân bản và nhất là tạo được một dòng chảy ngầm chuyên chở tư tưởng thẩm mỹ. Bởi lẽ, ký Đinh Quang Anh Thái luôn lược bỏ những chi tiết rườm rà, chỉ giữ lại phần tinh chất, nên khi đọc, ta phải đào bới vào chiều sâu không gian, thời gian, thậm chí cả chiều sâu tâm lý nữa mới nhìn ra bản chất sự kiện.

Cách “kể” của Đinh Quang Anh Thái cũng không có gì khác người, chủ yếu vẫn nương theo trình tự thời gian tuyến tính kết hợp với những đoạn hồi tưởng, nhưng ông toàn chọn được những chi tiết đắt làm xương sống cho bài viết của mình. Với ký, càng nhiều chi tiết đắt tác phẩm càng sáng giá. Chính vì thế, cái làm nên diện mạo Nguyễn Tất Nhiên đọng lại trong ký ức chúng ta tất yếu phải là giấc mộng Nobel văn chương và bữa thịt chó cuối năm bằng số tiền bán chiếc quần ông bố mới mua cho. Cái chết của Nguyễn Tất Nhiên sau khi đã vượt biên sang Mỹ cũng là một bi kịch của lớp trí thức bị sang chấn tinh thần sau khi đã nếm trải đủ nỗi cay đắng của một kiếp người nơi cố quốc.

Cũng như vậy, hai nhân vật thuộc vào hàng tinh hoa dân tộc, trí tuệ mẫn cán, nặng lòng với vận mệnh đất nước là Lê Văn Tiến và Hồ Hữu Tường, được tác giả viết với thái độ vô cùng trân trọng nhưng đâu đó vẫn chen vào những dòng hài hước, phúng dụ về sự     hoang tưởng hay quá tự tin vào bản thân mà chưa nhìn nhận thấu đáo về hiện trạng xã hội. Theo tôi, nguyên nhân là bởi, cả hai ông đều sống dưới chính thể Việt Nam cộng hòa, ít nhiều đã được hưởng không khí dân chủ, tự do bày tỏ chính kiến của mình mà không hiểu được bản chất của nhà nước độc tài toàn trị núp dưới danh xưng “Chủ nghĩa xã hội”. Đó là một thể chế chính trị luôn phủ nhận những giá trị phổ quát của nhân loại tiến bộ, chưa bao giờ tôn trọng những giá trị cơ bản của con người, và, điều cốt lõi là, họ không bao giờ chịu nhường quyền lãnh đạo quốc gia cho bất thế lực chính trị nào. Những dự án về tương lai đất nước của Lê Văn Tiến hay Hồ Hữu Tường thật ra đều chỉ là giả định. Đương nhiên hai ông không phải là chính khách xa lông nhưng vì không hiểu thời cuộc nên cách hành xử giống như chính khách xa lông.

Câu chuyện về Lê Văn Tiến và Hồ Hữu Tường là những chuyện buồn, một người chết bởi chế độ hà khắc của nhà tù trong nước, một người chết nơi tha hương, đều đươc tác giả kể lại với tư cách người trong cuộc nên có độ tin cậy cao qua những chi tiết đắt giá. Chẳng hạn như chuyện “bắt gà” trong trại giam. Từ chuyện “bắt gà" chuyển trại, chúng ta hiểu thêm được cách thủ tiêu trọng phạm cũng như sự xáo trộn luân chuyển qua các trại giam cách xa nhau là một chủ trương đã được lên kế hoạch từ cấp có thẩm quyền, chỉ với mục đích cô lập, khuất phục làm tiêu ma ý chí phản kháng của người tù. Trong hoàn cảnh bi đát như vậy mà Lê văn Tiến, Hồ Hữu Tường vẫn ung dung tự tại, vẫn lạc quan truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ để họ tiếp tục đấu tranh vì một Việt Nam tươi sáng trong tương lai thì quả là đáng kính phục. Đúng là bạo quyền không khuất phục được những nhân cách lớn.

Với những người bạn cùng trang lứa thì ngòi bút Đinh Quang Anh Thái đôi khi  nhấn mạnh vào những tính cách khác thường, có khi nghiêm túc nhưng cũng không hiếm trường hợp tỏ ra hài hước. Câu chuyện Nguyễn Tất Nhiên mê con gái Bắc Kỳ đến nỗi phải làm thơ để ký thác “lời nguyền truyền kiếp” là một ví dụ khá điển hình. Còn Đỗ Ngọc Yến, “cháu Đỗ Mười” thì đúng là “con người bí ẩn”. Chính con người lịch lãm, lễ phép ấy đã đặt nền móng cho “Người Việt”, tờ báo lớn của cộng đồng người Việt Hải ngoại mà sau này Đinh Quang Anh Thái là người trong ban quản trị. Theo tác giả, Đỗ Ngọc Yến là một tài năng thiên bẩm, giỏi biện thuyết, giỏi lập kế hoạch, là kẻ tử thù trong mắt những người Cộng sản nhưng lại có tật... đánh trống bỏ dùi. Với Đinh Quang Anh Thái, dù là vĩ nhân cũng không bao giờ hoàn hảo, bởi như thế mới chính là con người. Tôi cho rằng, đó là bản lĩnh của người cầm bút chân chính.

Ngoài những chân dung nhân vật từng sống dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa, hoặc bị tù đày sau khi Sài Gòn thất thủ, hoặc đã vượt biên đến xứ sở tự do, được khắc họa từ nhiều góc độ khác nhau làm nổi bật tính cách của họ như một kỷ niệm khó quên, Đinh Quang Anh Thái còn có những trang hồi ký về cộng đồng lưu học sinh hay công nhân lao động miền Bắc trên đất Đông Âu hay nước Nga sau khi bức tường Berlin sụp đổ. Về mặt này, phải ghi nhận tác giả là một tay lãng tử, một kẻ theo chủ nghĩa xê dịch còn hơn cả Nguyễn Tuân. Chỉ riêng việc, đã nhiều lần, cứ vào dịp cuối năm, Đinh Quang Anh Thái lại sang Tiệp ăn tết với đám bạn bè thậm chí chưa biết mặt cũng đã làm chúng ta ngả mũ cúi chào.        

“Đêm giao thừa trên đất Tiệp” và “Về một chuyến đi Nga” là hai thiên ký sự nói về cuộc sống của cộng đồng người Việt sau khi hệ thống Xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ và nước Nga Xô Viết giải thể sau 74 năm tồn tại. Khác với nguời Việt thuyền nhân trên lãnh thổ Hoa Kỳ, người Việt Đông Âu và nước Nga thời Hậu Cộng sản hầu hết là lớp trẻ, trước khi “xuất ngoại” đã được sàng lọc về thành phần giai cấp, “lý lịch trong sạch” và lập trường cách mạng kiên định, nhưng sau một thời gian tiếp xúc với nền văn hóa, văn minh nước sở tại, họ mới nhận ra rằng, hệ thống truyền thông đồ sộ trong nước đã làm cho người dân ngu đi. Vậy là họ tự phản tỉnh, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Họ cũng tham gia biểu tình, cũng ra báo cổ xúy cho “Cách mạng Nhung”. Quá trình vận động dân chủ Đông Âu đã thức tỉnh người Việt, thậm chí một Bí thư chi bộ, xuất thân từ một gia đình “có truyền thống cách mạng” lại là người hăng hái nhất chủ trường tờ “Điểm tin báo chí”, hay một anh bạn dân tộc thiểu số Nông Đình Bửu còn giải thiêng thần tượng bằng bài hát “chế” trong đó có câu “Bác kính yêu đang cùng bác gái hành quân” rồi rú lên “đéo tin thì thôi”.

Cũng qua các thiên ký sự, người đọc thấy được thân phận người Việt xa xứ đầy bất trắc, mỗi người một số phận, và cũng không hiếm trường hợp bế tắc phải tìm đến cái chết để giải thoát như Cù Lần Trần Hồng Hà kết thúc cuộc đời bằng cách treo cổ trong một khu rừng gần Praha.

Qua cách kể của Đinh Quang Anh Thái, hẳn là có dụng ý nhưng không phải ai cũng nhận ra về sự khu biệt giữa người Việt ở Nga và người Việt Đông Âu. Các nước Đông Âu Xã hội chủ nghĩa có nền kinh tế khá hơn, công nghiệp tiêu dùng phát triển hơn nước Nga Xô Viết nên con người sống bớt nhếch nhác hơn. Và điều cơ bản là, ý thức đấu tranh dân chủ của Đông Âu mạnh hơn Nga Xô Viết, tác động sâu sắc hơn đến tâm lý người Việt. Chính vì thế Đông Âu (bao gồm cả Đông Đức) mới có “Cánh én”, “Diễn đàn” rồi “Điểm tin báo chí”...

Trong khi ấy, nước Nga Xô Viết, sau khi tan rã, cuộc sống cộng đồng người Việt vô cùng phức tạp. Chỉ riêng chi tiết tác giả bay từ Mỹ sang mà không tìm được đồ ăn ngay cả trong khách sạn bốn sao tại thủ đô Moscou cũng làm người đọc giật mình về sự nhếch nhác của một cường quốc từng cầm đầu phe Xã hội chủ nghĩa.

Những đáng sợ nhất vẫn là những hệ lụy phát sinh sau khi chính thể Xã hội chủ nghĩa Liên Bang Xô Viết cáo chung. Tệ nạn tham nhũng hoành hành ngay tại phi trường quốc tế. Nhân viên hải quan, nhân viên an ninh vòi ngoại tệ, bọn lưu manh được công an bảo kê bắt chẹt khách, chúng sẵn sàng đâm thủng lốp taxi, thậm chí giết người mà vẫn vô can. Trong khách sạn thì nhân viên lễ tân kiêm gái điếm, chèo kéo khách bằng ngoại tệ mạnh với giá trên trời. Nước Nga trở thành một nhà nước vô chính phủ do bọn mafia điều hành. Đó chính là nguyên nhân, đồng thời cũng là động lực để cộng đồng người Việt  biến ốp Búa Liềm thành một cái chợ tạp pí lù với đủ loại hình kinh doanh kể cả nấu rượu lậu, thịt chó và gá bạc. Các mánh khóe làm ăn của người Việt tại nước Nga thời Hậu Cộng sản nổi tiếng đến nỗi, một phụ nữ Nga, cô Janna Menshikova đã phải thốt lên khi tác giả hỏi về đồng bào mình: “Có chứ, chẳng có gì tốt đẹp về họ cả. Buôn chui bán lận, gấu ó lẫn nhau là tất cả chuyện về họ”.

Nhưng thật ra, “Về một chuyến đi Nga”, Đinh Quang Anh Thái không chủ trương nói về người Việt mà chỉ dùng người Việt như một nhịp cầu để phản ánh về một nước Nga tàn tạ, suy sụp bởi hiệu ứng domino “Bức tường Berlin sụp đổ”. Chỉ cần nhìn qua 5 tiểu mục người đọc dễ dàng nhận ra điều này: “Aeroflot: Một lần cho biết”, “Intourist: Có tiền mua tiên... thì được; thực phẩm... thì không”, “Ốp Búa Liềm: Một khía cạnh sinh hoạt của người Việt trên đất Nga”; “Ở tận sông Hồng em có biết... quê hương Nga hổng có gì ăn”; “Quảng Trường Đỏ và phố Arbat”. Ở mỗi tiểu mục như vậy, tác giả đều ghim một điểm nhấn qua cái nhìn khái quát về thực trạng kinh tế, văn hóa, xã hội Nga vào lúc chính trị khủng hoảng. Ở đó, trong mọi lĩnh vực sinh hoạt, đồng rouble mất giả thảm hại, người Nga đói ăn, bất chấp sĩ diện, coi “tờ xanh” (dollar) như là biểu tượng của nền văn minh thế giới nhưng vẫn biểu tình và rủ nhau giật đổ tượng đài Lenine.

Ký Đinh Quang Anh Thái luôn có cái nhìn sắc sảo bằng cặp mắt của người từng trải, hiểu rộng, biết nhiều nhưng khi viết không bao giờ cực đoan mà ngòi bút luôn độ lượng ngay cả với những kẻ đã hành hạ mình trong nhà tù Cộng sản. Văn ông đầy nội lực nhưng không đao to búa lớn, đầy tâm trạng nhưng lại hóm hỉnh trào lộng tạo nên sự liên tưởng đa chiều về kiếp người trong cõi nhân gian dâu bể. Qua những trang văn, dù là thấp thoáng vài chân dung bạn bè tha hương hay những con số thống kê cơ học về một xã hội tôn sùng bạo lực, giam cầm, đày ải chính công dân của mình, chúng ta đều nhận ra phẩm chất đáng quý của một người cầm bút có trách nhiệm với đất nước và dân tộc Việt Nam.

 Sống ở miền đất hứa, quyền con người được tôn trọng đến mức tối đa nhưng Đinh Quang Anh Thái không quên Tổ Quốc, cho dù chính mảnh đất quê hương đã buộc ông phải trở thành “thuyền nhân”.

 

ĐẶNG VĂN SINH

Chí Linh, 10.7.2019, những ngày hè nóng bỏng

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
26 Tháng Tư 20215:05 CH(Xem: 8081)
Thế kỷ chúng tôi trót buồn trong mắt Dăm bảy nụ cười không đủ xóa ưu tư. {Bây giờ} Qua hai câu thơ đó Nguyên Sa đã diễn tả tâm trạng của thế hệ ông, thế hệ của những người trai trẻ ở miền Nam thời 1954-75, đã nuôi nhiều kỳ vọng cho tương lai đất nước, nhưng chẳng bao lâu đầy tuyệt vọng trong một quê hương khói lửa.
17 Tháng Tư 202112:36 SA(Xem: 6257)
Trong cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử Những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng Hoà, của Trần Mai Hạnh (đăng nhiều kỳ trên tuần báo Văn Nghệ từ số 12 ra ngày 18.3.2000), tác giả tưởng tượng ra cuộc đối thoại như sau giữa Trung tướng Ngô Quang Trưởng Tư lệnh Quân đoàn 1 và viên Tổng lãnh sự Mỹ tại Đà nẵng: “An Phran-xít xộc vào giữa lúc Trưởng đang hối thúc đám tay chân thân tín tiêu hủy tài liệu. Thấy An Phran-xít, Trưởng không trịnh trọng bước tới bắt tay như mọi khi mà chỉ cất tiếng chào: - Xin chào Ngài Tổng lãnh sự! Tôi tưởng Ngài đã ra đi. - Sân bay hỗn loạn. Không một máy bay nào lên xuống được. Người của tôi đi chưa hết. Không một ai giúp tôi. Tôi phải can thiệp và tụi lính của ngài đã xông vào hành hung tôi.
15 Tháng Tư 202112:16 SA(Xem: 6133)
Trong số những «thắng lợi của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa» ..., tất nhiên có cả ngày 30 tháng 4 năm 1975. Do đó, xác định lại nó như ngày thất bại chính trị văn hoá bi thảm nhất của lịch sử dân tộc, chính là góp phần giải ảo một huyền thoại nguy hại, thức tỉnh những ai còn chút lương tri để suy nghĩ một cách thực tế và trách nhiệm về tương lai đất nước. Đây không thể là một chiến thắng chính trị, vì sau đó đất nước trở lại mô hình Bắc thuộc tưởng đâu đã vĩnh viễn trôi qua, dân tộc bị phân hoá trầm trọng thành bao mảnh đối kháng (Bắc / Nam, cai trị / bị trị, trong nước / ngoài nước, trong đảng / ngoài đảng). Đây cũng không thể là một chiến thắng văn hoá khi kẻ cầm quyền đã tự tay tổ chức sự tụt hậu về mọi mặt của quốc gia (giáo dục, y tế...), phá hủy nền đạo lý cổ truyền thoát thai từ các đạo giáo toàn nhân loại mà không thay thế nổi bằng bất cứ chủ trương, chính sách giáo điều nào.
29 Tháng Ba 202111:52 CH(Xem: 7147)
JOHN STEINBECK, NOBEL VĂN CHƯƠNG 1962 Sinh ngày 27/02/1902 tại Salinas, miền trung California. Sống và lớn lên trong một vùng thung lũng đồng quê xanh tươi, còn được gọi là “Salad Bowl” với dòng sông Salinas. Xong trung học (1919), có ước vọng viết văn, Steinbeck ghi tên học môn Văn chương Anh và cả lớp Viết văn / Creative writings tại Đại học danh tiếng Stanford, Palo Alto. Năm 1923, Steinbeck ghi tên học thêm môn Sinh Học / Biology tại Hopkins Marine Station, tại đây Steinbeck quen biết với William E. Ritter và quan tâm nhiều hơn tới Môi sinh / Ecology. Do theo học thất thường, ông rời Stanford 6 năm sau (1925) và không có một học vị nào. Steinbeck quyết định sang New York lập nghiệp, ông làm đủ loại công việc lao động tay chân để kiếm sống và tập sự làm báo, viết văn nhưng không thành công, không nhà xuất bản nào nhận in cuốn sách đầu tay của ông.
25 Tháng Ba 202110:32 CH(Xem: 6223)
Cách đây hơn hai chục năm, tôi có được xem một bộ phim tài liệu nghệ thuật (nhựa màu 3 cuốn) về chân dung nhạc sĩ Văn Cao, và có một tình tiết khiến tôi bị ám ảnh mãi - không phải vì sự sáng tạo nghệ thuật độc đáo, mà bởi sự thiếu "sang trọng" rất phản cảm của nó: những người làm phim đã buộc nhạc sĩ ngồi bên cây đàn piano, giơ cả hai khuỷu tay đập mạnh vào phím đàn như một người mất trí, hoặc căm hận ai đó, và không chỉ một lần! Người nghệ sĩ chân chính bao giờ cũng tôn trọng phương tiện nghệ thuật của mình, trong thực tế không ai làm như vậy!
09 Tháng Ba 20212:38 CH(Xem: 7608)
Nếu Picasso có mặt, tôi đoan chắc ông sẽ vẽ bức tranh sự thật từ cái lỗ đạn trên vai áo người mẹ Đồng Tâm này. Nếu nghệ sĩ Damien Hirst chứng kiến phiên toà, ông sẽ đem tượng đồng Verity (Sự Thật) từ cảng Ilfracombe xa xôi về đặt giữa lòng Việt Nam. Bởi chỉ nơi này mới có hình ảnh người mẹ bằng xương bằng thịt đứng hai chân trên hàng tá sách luật, tay cầm thanh gươm công lý, bụng mang hình hài Việt Nam.
26 Tháng Giêng 20218:20 CH(Xem: 7497)
Dẫn nhập: Cuộc đời 88 năm của GS Hoàng Tiến Bảo quá phong phú và đa dạng, phải cần tới một cuốn sách mới có thể phác hoạ được một chân dung đầy đủ về Thầy. Đây chỉ là một bài viết ngắn xen lẫn với cả những điều riêng tư, nhân dịp Tưởng niệm 101 Năm ngày Sinh của Thầy. Với tất cả sự thận trọng, người viết mong rằng bài tưởng niệm này, có thể chưa đầy đủ nhưng sẽ không có các chi tiết sai lạc. Cám ơn GS Trần Ngọc Ninh, GS Đào Hữu Anh, cùng các Bạn đồng môn từ các khoá Y khoa Đại học Sài Gòn đã cung cấp cho tư liệu, hình ảnh và cả những thông tin còn nhớ được qua các cuộc nói chuyện trao đổi để có thể hoàn thành bài viết.
23 Tháng Mười Hai 20201:43 SA(Xem: 7669)
Trong không khí se lạnh của mùa Giáng sinh, mùa hồng ân của thiên chúa tôi muốn gởi đến bạn đọc tâm tình của tù nhân lương tâm Trần Hoàng Phúc. Trong cái không gian hẹp của một mùa Noel bị cách ly vì đại dịch, Phúc giống như một vì sao nhỏ lấp lánh trên nền trời đêm kia. Và ước mơ của anh cùng những gì anh nghĩ, những gì anh làm khiến cuộc sống vì anh mà có ý nghĩa.
26 Tháng Mười 202011:50 CH(Xem: 7844)
Phiên toà xử người dân Đồng Tâm cùng cái án tử hình, chung thân dành cho con cháu cụ Kình đã phủ xuống tâm trạng u ám cho tất cả chúng ta. Nhưng sự việc không dừng ở đó, công an đã bắt giam nhà báo Phạm Đoan Trang, đồng tác giả của ấn bản “Báo Cáo Đồng Tâm”. Đây là một ấn phẩm song ngữ Anh-Việt nhằm công bố với dư luận quốc tế về tội ác của lãnh đạo CS trong vụ án tranh chấp đất đai với người dân tại Đồng Tâm.
20 Tháng Mười 202010:35 CH(Xem: 8280)
Nhìn vào Cộng Đồng Việt Nam Hải Ngoại (CĐVNHN), tình trạng còn tệ hại hơn. Không giết nhau bằng súng đạn nhưng những chữ nghĩa độc hại, những nhận thức hời hợt về nhân văn hay khoa học, những tấn công không dựa trên sự thật, những tin tức bị cắt xén ráp nối, những hình ảnh được photoshop với ác ý, cùng những biểu lộ không nhằm thuyết phục bằng logic hay thiện ý mà chỉ nhằm thể hiện sự ngạo mạn và xem thường khả năng phán đoán của người khác, khiến cộng đồng như đang lao vào một cuộc nội chiến. Không khác gì cuộc nội chiến trên quê hương hơn 45 năm trước, nhưng trong một phạm vi nhỏ hơn.