- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

THỦ THIÊM: NHÀ HÁT NGHÌN TỶ VÀ TIẾNG OAN DẬY ĐẤT

11 Tháng Mười 20189:26 CH(Xem: 22988)

tien si NGUYEN THI HAUNguyễn Thị Hậu

Tiến sĩ Khảo cổ học

Giảng dạy và nghiên cứu về khảo cổ học, lịch sử, văn hóa.

Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt nam

Tổng Thư ký Hội Sử học TP Hồ Chí Minh

Quê quán An Giang, Sinh tại Hà Nội, Sống ở Sài Gòn

 

 

 

Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh trong phiên họp bất thường ngày 8.10.2018 đã biểu quyết 100% thông qua dự án đầu tư xây dựng Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch tại Khu đô thị Thủ Thiêm, nguồn kinh phí 1.500 tỷ từ ngân sách nhà nước.

Quyết định này đã làm dấy lên nhiều phản ứng của người dân thông qua mạng xã hội và những ý kiến trên báo chí (1) xoay quanh hai vấn đề: 1. Thủ Thiêm là khu vực đang “nóng” do những sai phạm về đất đai của chính quyền thành phố gần 20 năm qua; 2. Sự cần thiết của công trình văn hóa này so với nhu cầu bức thiết về những công trình dân sinh khác như bệnh viện, đường xá...

Thành phố Hồ Chí Minh trong quá trình “hiện đại hóa” rất cần xây dựng thêm những công trình dân sinh và công trình văn hóa... phục vụ nhu cầu vật chất và tinh thần trước mắt cũng như lâu dài cho người dân. Khu vực nào, lĩnh vực nào cũng mong được “ưu tiên” phát triển, tuy nhiên sức ép từ vị trí “trung tâm kinh tế” của cả nước khiến nhiều năm nay trong lĩnh vực an sinh xã hội và văn hóa, thành phố hầu như không được xây dựng công trình nào đáng kể. Chưa nói đến sự phá hủy, xuống cấp của hầu hết công trình xây dựng từ trước năm 1975.

Tuy nhiên quy hoạch Thủ Thiêm trở thành một đô thị hiện đại, văn minh với nhiều công trình hoành tráng gồm quảng trường, trung tâm tài chính, nhà hát, bảo tàng, sân vân động, nhiều khu cư trú cao cấp... lại được xây dựng trên những sai phạm, thậm chí là tội ác trong quản lý đất đai và hành xử với người dân Thủ Thiêm. Ở đây bao nhiêu con người, ruộng vườn, xóm làng, đình chùa, nhà thờ… hiện hữu gần hai trăm năm đã bị gần như giải tỏa “trắng”. Bao nhiêu số phận con người và một phần lịch sử thành phố bỗng nhiên như không còn hiện hữu trong những bản quy hoạch lạnh lùng vô cảm.

Nhiều năm nay những vụ việc của “dân oan Thủ Thiêm” không được các đại biểu HĐND quan tâm, từ khi “ung nhọt” quy hoạch Thủ Thiêm được công khai cũng chưa có một phiên họp “bất thường” nào của HĐND ra “nghị quyết” để chính quyền phải giải quyết nhanh chóng và triệt để, bao nhiêu bức xúc oan khuất của bà con còn đó... Cho nên việc Hội đồng nhân dân thành phố quyết định xây một công trình đồ sộ về quy mô và kinh phí quá lớn tại Thủ Thiêm trong thời điểm này trước hết là không phải đạo với bà con Thủ Thiêm nói riêng và nhân dân TP nói chung. Sau nữa, một phiên họp bất thường của HĐND nhằm quyết định “ngay và luôn” việc chi đến 1.500 tỷ cho một “dự án nhóm A”, dù có vài dự án quan trọng khác cũng cả nghìn tỷ “đi kèm”, thì vẫn thể hiện sự vô tâm, vô cảm của các “đại biểu nhân dân” đối với vấn đề đất đai đặc biệt nhức nhối của thành phố và rất nhiều vấn đề bức xúc khác hiện nay.

Sự phản ứng của dư luận là do quyết định “bất thường” kém nhạy bén về chính trị và thiếu nhân văn này!

***

Đây không phải là lần đầu tiên những quyết định của chính quyền, của cơ quan dân cử như HĐND hay quốc hội không nhận được sự đồng thuận của nhân dân mà còn bị phản ứng thậm chí gay gắt. Có thể lấy vài ví dụ từ việc nhỏ đến việc lớn, quy mô từ tầm địa phương đến cả nước.

 Ở thành phố Hồ Chí Minh việc nhỏ như màu sơn của tòa nhà Bưu điện, lớn hơn chút như việc phá Dinh Thượng Thơ, lớn hơn nữa như xây Nhà hát giao hưởng tại Thủ Thiêm. Ở tầm quốc gia thì việc lớn như dự thảo Luật đặc khu, trong lĩnh vực giao thông là các BOT... đến việc “nhỏ xíu” mà ảnh hưởng không hề nhỏ là hai lần tăng giá xăng ngay trong những ngày “quốc tang” vừa qua... Bỏ qua một bên “thuyết âm mưu” về lợi ích của một, vài nhóm nào đó, phản ứng của người dân đều bắt nguồn từ thực tế: những sự việc như vậy đã làm thiệt hại đến quyền lợi của người dân về vật chất và tinh thần, ở những mức độ khác nhau, cả trước mắt và lâu dài, ảnh hưởng trực tiếp với địa phương này và gián tiếp với địa phương khác.

Vì sao những chính sách, việc làm “vì nhu cầu của người dân” như chính quyền các cấp giải thích, lại vấp phải sự phản ứng trái chiều của dư luận? Từ vài trường hợp liên quan đến di sản đô thị Sài Gòn có thể phân tích hiện tượng này.

Cách đây vài năm, khi tòa nhà Bưu điện thành phố được sơn lại chỉ mới một mảng nhỏ, lập tức có nhiều ý kiến cho rằng đó không phải là màu sơn “truyền thống”, quen thuộc của công trình này. Mặc dù kinh phí thực hiện việc sơn sửa công trình không phải từ ngân sách nhà nước mà được tài trợ, nhưng lãnh đạo Bưu điện thành phố đã kịp thời ghi nhận ý kiến của người dân và các chuyên gia kiến trúc, bảo tồn, sau đó nghiên cứu lại về màu sơn tường, cửa sổ cũng như những sửa chữa trong nội thất... Kết quả đã đảm bảo tính khoa học của việc trùng tu, tòa nhà Bưu điện không trở nên xa lạ với tâm thức của cộng đồng, do đó giá trị lịch sử - văn hóa được bảo tồn và nâng cao hơn khi người dân thành phố coi đó là “di sản của mình”.

Phản ứng của nhiều tầng lớp nhân dân với quyết định đập bỏ Thương xá Tax, chặt hàng cây trên đường Tôn Đức Thắng hay mới đây là đập bỏ công trình Dinh Thượng Thơ để “mở rộng, cải tạo, nâng cấp trụ sở UBNDTP”... và nhiều trường hợp khác cũng từ nguyên nhân tương tự: đó là hành động xâm hại, phá hủy di sản và tài sản đô thị (về mặt vật chất) và xóa bỏ lịch sử thành phố, ký ức cộng đồng (về mặt tinh thần).

Xung quanh việc bảo tồn di sản của thành phố cũng có ý kiến cho rằng, để hiện đại thì cần phải “hy sinh” di sản, rồi đánh giá hình thức kiến trúc của các công trình này không có gì đặc biệt, hay như Dinh Thượng Thơ thì ít người biết đến trước khi có quyết định đập bỏ, có nghĩa là giá trị lịch sử của nó không cao... Tuy nhiên cần đặt những kiến trúc này vào bối cảnh của lịch sử đô thị Sài Gòn chỉ hơn 100 năm, trong tương quan với cảnh quan khu trung tâm hiện nay, vì chỉ mới hơn mười năm gần đây khu vực này đã mất gần hết các công trình đặc trưng của Sài Gòn. Cần đặt bảo tồn di sản trong bối cảnh từ sau năm 1975 đến nay, những biến động và thay đổi lớn về dân cư, về cảnh quan... đã làm biến mất nhiều đặc trưng lịch sử - văn hóa đặc sắc của thành phố này! Có như vậy mới thấy hết giá trị và có cách ứng xử phù hợp đối với di sản. Mặt khác, khi cộng đồng chưa hiểu biết giá trị của những công trình lịch sử - văn hóa dù ít “nổi tiếng”, có thể chưa đồng thuận trong việc gìn giữ di sản thì không có nghĩa là chúng không có giá trị, mà đó là do các chính quyền, nhà quản lý, nhà chuyên môn chưa làm tốt chức trách của mình.

Thái độ của chính quyền, của nhà quản lý trước những phản ứng của cộng đồng là không nên coi ý kiến của người dân phản ánh bằng nhiều hình thức khác nhau (trên báo chí, mạng xã hội hay tập hợp chữ ký trong một văn bản) về các vấn đề xã hội là “hành vi mang tính cảm xúc”. Cần tôn trọng những phản ứng này vì đã thể hiện sự quan tâm, hiểu biết và ý thức trách nhiệm của người dân, nhất là giới trẻ. Cũng cần tôn trọng cảm xúc của cộng đồng, vì đó chính là tình cảm, sự gắn bó với thành phố. Nếu không có trách nhiệm và tình cảm của người dân đối với thành phố thì chính quyền không thể “quản lý” được. Ý thức của cộng đồng càng cao thì vai trò và trách nhiệm quản lý của chính quyền càng phải càng cao hơn.

Từ góc độ xã hội “phát triển bền vững”, một hành động vô cảm dù nhỏ của chính quyền cũng gây ra thiệt hại tinh thần cho người dân là không thể đong đếm và nguy hiểm gấp nhiều lần sự thiệt hại về vật chất. Đó là sự tổn hại niềm tin vào lẽ công bằng, vào sự tôn trọng con người và tính chính danh của chính quyền. Sự tồn tại của chính quyền không phải dựa trên những “công trình nghìn tỷ” mà phải được nâng đỡ bởi niềm tin của nhân dân. Một chính quyền “của dân” không phải chỉ “vì dân” bằng ngôn từ mà luôn cần thấu hiểu và hành động thực sự vì dân.

Nguyễn Thị Hậu

Sài Gòn, 9.10.2018

nguồn: https://nguoidothi.net.vn/thu-thiem-nha-hat-nghin-ty-va-tieng-oan-day-dat-15818.html

1 Vídụ: https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/tp-hcm-xay-nha-hat-1-500-ty-tai-thu-thiem-vi-can-cho-nguoi-dan-3820751.html

quy_hoach_thu_thiem_1

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
10 Tháng Hai 201012:00 SA(Xem: 91696)
Xuân vừa về trên bãi cỏ non… Nghe câu hát ấy của Phạm Duy, ta nghe mùa xuân về đâu đó quanh đây, về trên những thảm cỏ xanh mướt, về trên những bông hoa dại đủ sắc mầu dọc theo con đường chúng ta đi.
18 Tháng Giêng 201012:00 SA(Xem: 23830)
Võ Đình đi đi, lại lại, bứt rứt, bực bội, tìm cách "vẽ" Ôn Như Hầu, nhưng câu thơ hắc búa của Gia Thiều cứ trơ ra như một "ảo giác" không thể "vẽ" được. Võ xoay ngang, chém dọc, bổ đôi, chẻ ba lời thơ, bước vào trong, chạy ra ngoài, mắt nhìn trời, tay vạch đất...
17 Tháng Giêng 201012:00 SA(Xem: 26017)
Nằm trong lịch sử sân khấu phương Tây với những nghi lễ tôn giáo từ thời Hi Lạp cổ đại, sân khấu Pháp đã có sự phát triển bền bỉ và có nhiều thành tựu theo chiều dài các thế kỉ. Trước chiến tranh thế giới lần thứ nhất, tình hình kịch Pháp về cơ bản là kế thừa kịch nửa sau thế kỉ XIX.
26 Tháng Mười 200912:00 SA(Xem: 26714)
Literary fiction commits a double arbitrariness: that of invention itself and the arbitrariness with which it imitates what is essentially arbitrary: reality. (Văn chương phạm vào hai lần vũ đoán: một là cái vũ đoán của tự thân sự sáng tạo, và hai là cái vũ đoán của sự mô phỏng một thứ mà chính nó, tự bản chất, cũng là một sự vũ đoán: hiện thực) Añicos/ Bits (Những mảnh vụn) / Juan Calzadilla
20 Tháng Chín 200912:00 SA(Xem: 24266)
Là một trong những nhà văn tài hoa nhất và sáng tác sung mãn nhất của thế hệ ông, văn chương Mai Thảo bao trùm một giai đoạn dài từ kháng chiến chống Pháp đến di tản hải ngoại; ở khoảng nào, ông cũng có những tác phẩm xuất sắc, vẽ nên những chân dung con người với một nội dung siêu hình, một tâm thức lãng mạn, đớn đau.
20 Tháng Chín 200912:00 SA(Xem: 96847)
Gần đây tôi có dịp đọc một số tài liệu của người trong nước viết về văn học miền Nam 1954-1975. Rải rác đó đây không ít, nhưng gom vào một mối thì có thể kể ra hai nguồn. Thứ nhất là bài phỏng vấn khá thú vị của chị Thụy Khuê, đài RFI bên Pháp, với nhà phê bình Vương Trí Nhàn, hiện sống tại Hànội, xung quanh đề tài văn học miền Nam từ 1954-1975 (*).
17 Tháng Chín 200912:00 SA(Xem: 88806)
Vào những giờ phút cuồng dại vì tâm chúng ta mù quáng thì bất cứ việc gì cũng có thể xảy ra, kể cả chiến tranh. Cho nên, sự thực hành lòng từ bi và trí tuệ là điều hữu ích cho tất cả, nhất là đối với những người có trách nhiệm điều hành công việc quốc gia, khi mà họ nắm trong tay quyền lực và phương tiện có thể tạo dựng nền hòa bình cho thế giới.
29 Tháng Tám 200912:00 SA(Xem: 29863)
Mọi Rợ văn hóa [cultural barbarism]. Thoạt nghe có vẻ lạ tai, nhưng suy nghĩ kỹ, mới thấy thấm thía. Đọc cổ thư Trung Hoa, thường thấy những người tự xưng là “người Hoa hạ” rất tự hào về tập tục đội mũ, mặc áo, dinh thự nguy nga, ăn uống tiếp khách ngồi bàn, ngồi ghế, có chữ viết, sách vở.
16 Tháng Tám 200912:00 SA(Xem: 28344)
1945, Võ Phiến gia nhập bộ đội trong một thời gian ngắn, sang 1946 ra Hà Nội học trường Văn Lang; đến tháng 12/1946, trở về Bình Định tham gia kháng chiến, sang năm 1947 về làm thuế quan tại Gò Bồi. Năm 1948, ông kết hôn với cô Võ Thị Viễn Phố (Võ Phiến là Viễn Phố nói lái) và ông dạy học ở trường trung học bình dân Liên Khu V.
15 Tháng Tám 200912:00 SA(Xem: 35692)
Khác với Nam Cao, người trí thức của Nguyễn Mộng Giác không rơi vào dằn vặt vì vật chất "cơm áo gạo tiền". Ông ý thức sự quan trọng của vật chất nhưng không bao giờ cho đó là vấn đề lớn đối với trí thức. Sau chiến tranh, ông hiểu khó khăn, thiếu thốn là đương nhiên. Điều ông khắc khoải là bị đứng bên lề cuộc sống.