- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

NHỮNG GIỜ PHÚT BI TRÁNG BÊN LƯỠI KIẾM CỦA ĐAO PHỦ

27 Tháng Giêng 20253:16 SA(Xem: 3792)
NGUYEN THAI HOC

Mai An Nguyễn Anh Tuấn

 

NHỮNG GIỜ PHÚT BI TRÁNG BÊN LƯỠI KIẾM CỦA ĐAO PHỦ

Truyện lịch sử

 

“Yen Bay, Quel est vocable qui rappelle qu’on ne bâillone pas un peuple qu’on ne le mate pas avec le sabre du bourreau - Yên Bái, đây là cái điều nhắc nhở ta rằng, không thể bịt miệng một dân tộc, mà người ta không thể khuất phục bằng lưỡi kiếm của đao phủ” (Louis Aragon).

 

 

Trong nhà khách của Đề lao Yên Bái, nhà báo Louis Roubaud đang lơ mơ với những mảnh của một giấc mộng khó hiểu bỗng choàng tỉnh giấc bởi tiếng nói, mệnh lệnh, tiếng búa nện bên ngoài. Mồ hôi toát đầy trán, ông giơ tay xem đồng hồ. Đã 4h. Nhà báo nhỏm dậy, vẫn nguyên quần áo ngủ, xách máy ảnh bước ra ngoài. Hai ngọn đèn pha đang chiếu sáng. Cách chỗ ông nghỉ 50m, một chiếc máy chém đang được dựng lên, xung quanh toàn lính khố xanh, khố đỏ, và các quan tài được xếp như quân cờ đô-mi-nô. Ông đếm nhẩm, rồi  bước tới gần một lính lê-dương.

- Sao xử chém 13 người mà lại có những 15 quan tài? (Tiếng Pháp)

       Lính lê-dương:

- Đề phòng có người xem sợ quá, vỡ tim mà chết tại chỗ! (Tiếng Pháp)

       Roubaud quay trở lại phòng khách. Ông ngồi thần người bên chiếc màn chưa kịp vén lên, có những con châu chấu bay vù vù đập vào màn, hoặc chạm vào chiếc bóng đèn điện đang sáng. Ông chăm chú ngắm nhìn sự tuyệt vọng của chúng như để mong phát hiện ra điều gì hệ trọng liên quan tới những gì ông sắp chứng kiến. Ấn tượng đêm qua trên chuyến tàu tử thần còn chấn động tâm hồn ông, có lẽ bắt đầu từ âm hưởng tiếng hát của đoàn tử tù vẳng ra từ đoàn tàu lắc lư xuyên đêm tối và trải dài trên mặt nước sông Hồng tối đen, lấp loáng ánh đèn tựa các vệt máu loang:

Ngàn lau vi vu ngàn lau vi vu

Hồn Việt Nam muôn đời! Hồn Việt Nam muôn đời, cất lên lời ca

Gian nan trải dài qua năm tháng

Qua bao thác ghềnh bão táp phong ba…

     Roubaud đeo các đồ nghề lỉnh kỉnh hớt hải chạy vào ga Hàng Cỏ đúng lúc 13 người tù đang bị điểm danh để lên một toa tàu đặc biệt, để sau đó lính tập, thông ngôn, cố đạo Pháp lên sau cùng. Viên mật thám nhìn thấy ông liền giơ ngón tay cái lên:

- Ô, ký giả Le Petit Parisien! Quả là ngài được đặc ân của Toàn quyền Paskier cho đi theo một cuộc xử tử những tên nổi loạn khét tiếng nhất, do một hội đồng Đề hình tầm thế kỷ kết án! (Tiếng Pháp).

     Roubaud lịch sự trả lời:

- Cảm ơn các ngài! Tuy nhiên, kèm theo đặc ân đó là một lời đe dọa ngầm: anh hãy dùng sự trung thực của một ngòi bút cho quyền lợi của những người cai trị tại xứ sở này! (Tiếng Pháp).

     Thấy ông định trèo lên toa đặc biệt, viên mật thám chỉ tay cho ông toa sang trọng dành cho cảnh binh, mật thám.

- Mời ông sang toa này! (Tiếng Pháp).

     Nhưng Roubaud nhảy lên toa các tử tù.

- Không, đó không phải là chỗ dành cho “các ngòi bút trung thực” như các ông nói! (Tiếng Pháp).

     Roubaud được chứng kiến toàn bộ những gì đã xảy ra trên toa tàu le lói ánh sáng Địa phủ vàng vọt  đó.

Khi những tử tù vừa dừng hát, thì liền rộ lên tiếng cười đùa náo động của tuổi trẻ. Linh mục Drouet lắc đầu thở dài:

- Còn hát, còn đùa vui được ư? Ôi, những linh hồn chưa biết sợ… (Tiếng Pháp).

     Viên thông ngôn định mở lời phiên dịch thì Phó Đức Chính gạt anh ta ra.

- Cái sợ lâu nay là thứ xa sỉ phẩm đối với chúng tôi, thưa ngài! (Tiếng Pháp).

     Linh mục Drouet làm dấu thánh:

- Lạy Chúa tôi! Thật tội nghiệp! (Tiếng Pháp).

     Phó Đức Chính:

- E rằng người đáng tội nghiệp không phải là chúng tôi! Và chúng tôi chẳng có tội gì khiến ông phải rửa cả! (Tiếng Pháp).

     Nguyễn Thái Học lừ mắt với Chính:

- Ông Cố Ân của nhà thờ Lớn Hà Nội cũng đi theo lần này là một vinh dự hiếm có đối với chúng ta đó! - Anh quay sang vị linh mục - Thưa ngài, tôi rất kính trọng ngài, nhà ngôn ngữ học đã biên soạn tự vị Phalangsa-Annam. Lần này hy vọng cũng là dịp để ngài sẽ nói với nhân dân nước ngài hiểu thêm về chúng tôi… (tiếng Pháp).

     Phó Đức Chính cướp lời:

- …Rằng chúng tôi không phải là một tổ chức của đảng chuyên cướp bóc, khủng bố như các ngài vẫn tuyên truyền! (tiếng Pháp).

     Vị linh mục làm dấu Cha – Con - Thánh thần. Nguyễn Thái Học tiếp:

- Và trong cuốn tự vị sẽ tái bản của ngài, cần có thêm mục viết rõ về chúng tôi, là con em của một dân tộc anh hùng bị đày đọa trong tăm tối, có cơ quan ngôn luận là tờ báo Hồn Nước (L’Âme Nationale), với tôn chỉ hành động là cứu Tổ quốc tôi thoát khỏi ách áp bức của ngoại bang! (tiếng Pháp).

     Vị linh mục lấy khăn lau mồ hôi trán.

- Lạy Chúa nhân từ! (tiếng Pháp).

     Roubaud mở túi xách, lấy ra một tờ báo đưa cho linh mục xem.

- Đây, tôi mới sưu tầm được. Họ đúng là một tổ chức đáng kính trọng đó! Ngài toàn quyền Robin đã ví sức mạnh của người Pháp chẳng khác gì mãnh hổ vồ đàn ong trước họ (tiếng Pháp).

     Linh mục cầm tờ báo, sửa lại kính, chú mục đọc trong ánh đèn vàng khè đung đưa của bóng đèn nhỏ duy nhất trên toa tàu. Trên măng-sét tờ Hồn Nước ghi: “Cơ quan tuyên truyền của Tổng bộ Việt Nam Quốc dân Đảng” với dòng phụ chú: “Hỡi đồng bào! Chúng ta sẽ mãi mãi bị khổ sở khi đất nước Việt Nam còn mang cùm chân của những người Pháp!

     Linh mục nói với Roubaud:

- Nếu như nước Pháp phải cảm ơn người La Mã đã đem lại văn minh cho dân tộc Gô-loa, thì họ cũng phải thừa nhận những điều tốt đẹp mà người Pháp đã làm cho Việt Nam, phải cảm ơn người Pháp chứ! Nhưng họ đã chống lại nước Pháp, họ là những kẻ có tội! Và họ phải hối hận! (Tiếng Pháp).

     Nguyễn Thái Học nghe thấy thế liền bước sấn tới, cố ghìm phẫn nộ.

- Phải cảm ơn người Pháp ư? Chúng tôi phải cảm ơn kẻ đã đạp giày săng-đá vào bụng cô thợ 17 tuổi đến tàn phế, chỉ vì nghi ngờ cô ăn cắp một cuốn sợi nhỏ? Đã có hàng vạn người vô tội bị giết; bởi bom dội xuống làng, hoặc bởi chết đói chết khát do chính phủ Đông Pháp đã đốt mất nhà mất cửa - Anh nói với nhà báo Pháp - Chính ông đã kể lại trung thực những điều đó trên tờ báo của ông! (Tiếng Pháp).

     Phó Đức Chính:

- Kẻ có tội là là thực dân Pháp! Còn chúng tôi không có tội. Đuổi Pháp về Pháp, cứu nước Nam chưa thành, đâu phải là tội? (Tiếng Pháp).

     Nguyễn Thái Học:

- Và chúng tôi không có gì phải hối hận cả! - Anh cất giọng ngâm - Mourir pour sa partie/ C’est le sort le plus bau/Le plus digne d’envie… Chết cho Tổ quốc/ Hiến thân tuyệt vời/ Ước ao chính đáng nhất (Tiếng Pháp).

      Linh mục và Roubaud chỉ biết nhìn nhau, rồi nhún vai.

      Roubaud ngẩng tai lắng nghe không gian tràn ngập tiếng côn trùng, ễnh ương, thạch sùng, tắc kè, châu chấu như đang dạo bản hòa tấu thiên nhiên bi thảm… Lúc đó, tiếng kèn la-vầy bên trại lính bắt đầu nổi lên thúc dục. Ông đứng dậy, trút bỏ bộ đồ ngủ, mặc quần áo rất cẩn thận, rồi tắt đèn, bước ra ngoài.

       Ở trại lính, lính khố xanh khố đỏ đang xếp thành hình vuông quanh sân. Dân chúng đang lục tục kéo đến pháp trường mỗi lúc một đông.

       Còn trong đề lao Yên Bái, các tù nhân bị nhốt chung một gian nhà, vẫn bị xích.

       Tiếng kèn la-vầy như một tiếng gọi thức tỉnh tất cả tử tù. Mọi người ngơ ngác, ngái ngủ, bỗng choàng dậy. Nguyễn Thái Học vỗ nhẹ hai tay:

- Anh em ơi, tỉnh táo lên đi! Sắp tới lúc cho người Pháp xâm lược thêm lần nữa biết thế nào là người yêu nước Việt Nam!

       Phó Đức Chính che miệng ngáp, bảo:

- Anh Học ơi, cả đêm qua chúng ta có “bạn đồng hành” là cái máy chém ở toa tàu bên cạnh. Anh có dịp đọc sách báo nhiều chắc biết lai lịch của nó, kể cho anh em vui lên tý đi?

      Nguyễn Thái Học cười:

- Ồ, nó do kỹ sư Pháp Jô-jep Ghi-lôt-tin (J. Guilottine) sáng chế ra cuối thế kỷ trước, với thiện chí làm giảm bớt đau đớn cho tội nhân… Nhưng, sự thật thì nó trấn áp thần kinh người thực khủng khiếp!

       Phó Đức Chính nằn nì:

- Anh có thể miêu tả rõ hơn được không?

       Nguyễn Thái Học gật đầu:

- Thế này nhé: Tử tù phải nằm trên một tấm ván, cổ bị gông lại. Chỉ cần giật nút hãm là lưỡi dao rơi tự do phập xuống. Ai yếu bóng vía, chỉ trông hoặc nghe tiếng phập nhanh như thái chuối là đủ chết ngất…

       Phó Đức Chính giơ nắm tay lên:

- Thế thì, trong mọi cách hành hình, thì đây là cách hành hình tưởng “văn minh”, nhưng hóa ra lại man rợ nhất!

       Nghe tới đó, hai người tù liền nép mình trong góc, ngồi xổm và run bắn lên. Còn người tử tù tên là Ngô Văn Du ôm mặt khóc lóc thảm thiết. Chính nhìn Học như muốn hỏi nên xử lý thế nào. Học bước tới Du.

- Chúng ta là những kẻ thất bại nhưng không đớn hèn, các bạn! Đừng để bọn chúng khinh thường chúng ta!

       Du nói như sắp khóc:

- Nhưng đảng trưởng ơi, tôi còn có mẹ già và hai con gái nhỏ, tôi chưa muốn chết… Liệu họ có đưa đơn ân xá của tôi lên Chính phủ không anh?

       Nguyễn Thái Học chợt dấy niềm thương hại sâu sắc:

- Chắc có đấy, họ là quân xâm lược, nhưng cũng thuộc thế giới văn minh, họ sẽ làm theo thủ tục của tư pháp. Nhưng…

       Phó Đức Chính xấn tới.

- Anh thôi khóc lóc đi! Đừng làm nhục thanh danh người Việt Nam yêu nước làm cách mạng! - Quay sang hai người đang ngồi rúm ró - Các anh đứng thẳng lên đi! Ông Von-te chẳng đã bảo: Người ta có đứng thẳng lưng lên thì cũng đã gần mặt đất lắm rồi!

       Học kín đáo bấm tay Chính. Rồi nuốt nước mắt vào lòng, Học thì thầm song rõ ràng, rành mạch:

- Các anh ạ, tôi rất ân hận đã để chúng ta thất bại… Nhưng chúng ta chết đi, để cả thế giới biết cái tinh thần dân tộc này còn đang sống… Chúng ta chết, nhưng sẽ để lại cái gương hy sinh phấn đấu cho người sau nối bước! Các bạn ơi, chúng ta cùng đồng hành… Không thành công, thôi thì thành nhân vậy…

       Chính cũng chợt lén lau giọt lệ chợt ứa ra. Anh nắm chặt tay Học, thầm thì: “Cảm ơn anh… Cảm ơn…”

       Nguyễn Thái Học giật tay bạn ra:

- Chúng ta hãy cảm ơn những người đã chết, và những người còn sống đang tiếp tục sự nghiệp của chúng ta… Những đảng viên trung kiên của ta vẫn không ngừng hoạt động ở nhiều nơi…

       Phó Đức Chính:

- Còn nếu đại sự không thành, chết là vinh!

       Lúc đó, đao phủ Công dáng lùn tịt bước vào, đi cùng phụ tá, đến bên các tù nhân. Đến trước Nguyễn Thái Học và Phó Đức Chính thì Công dừng lại, quỳ phục xuống, khóc rưng rức. 

- Mong các ông xá tội cho… Các ông chết trẻ sẽ thiêng lắm… Tôi biết tôi trọng tội, nhưng vì miếng cơm manh áo phải làm theo phận sự. Xin các ông mở lượng hải hà khoan lượng…

       Nguyễn Thái Học bước tới đỡ Cai Công đứng dậy:

- Ông Cai Công ạ! Đừng biến mình thành cái máy bên máy chém. Giải nghệ đi, kẻo tội lỗi chất chồng tội lỗi, Diêm Vương cũng không chấp nhận ông đâu!

      Cai Công ấp úng nói: “Vâng”, và bước lùi ra. Công sứ Yên Bái Bottini bước vào, cùng thông ngôn. Viên Công sứ đọc bức điện văn bằng tiếng Pháp. Thông ngôn dịch: “Chính phủ Pháp đã bác tất cả những đơn xin ân xá đợt này!”

       Ngô Văn Du và hai người nghe thấy thế, đổ sụp người xuống. Du khóc rống lên, chắp tay van lạy, kêu xin. Công sứ nhún vai, rồi bệ vệ bước ra. Chính xông tới định giơ tay tát Du. Học giữ tay Chính lại, tiến tới Du, đỡ anh ta đứng lên, và nói bằng giọng cố ghìm bớt sự nghẹn ngào:

- Anh Du… Tôi thương các anh lắm… Tôi có nợ với các anh… Nhưng anh ơi, tất cả chúng ta còn mắc nợ với non sông này… Đứng lên anh! Số mệnh bắt chúng ta phải chết khi còn dở dang đại nghiệp… Nhưng số mệnh dân tộc này sẽ vẻ vang, bởi có máu của chúng ta…

       Du Lau nước mắt.

- Cảm ơn đảng trưởng… Hãy tha thứ cho sự yếu đuối thoáng qua của tôi…

       Hai người lính bưng hai cái tráp lớn sơn son đựng bao thuốc lá, mấy điếu xì gà, một chai rượu Rum, 13 cái ly. Người lính rót rượu Rum ra, đưa khay đến cho từng người, nhưng mọi người lắc đầu.

       Nguyễn Thái Học cầm các ly rượu lên đưa cho từng người.

- Đừng từ chối, các anh! Đây là chén rượu quan hà, chén rượu ly biệt! - Ông ngâm thơ Kiều - Tiễn đưa một chén quan hà

       Ngọc Tỉnh hồ hởi:

- Ồ, đảng trưởng nói chí phải! Nào, chúng ta uống cùng cụ Nguyễn Du thôi: Tiễn đưa một chén quan hà…

       Và Nguyễn Thái Học sau khi cụng ly, cạn chén, liền ung dung cầm lấy điếu xì gà, rồi ra hiệu cho tên lính châm thuốc cho.

       Đồng hồ Đề lao chỉ 5 giờ.

       Pháp trường là bãi cỏ lớn cách bãi lính tập 100m, trước khu nhà thờ, có hàng cây bàng và cây báng súng bao quanh. Đoạn đầu đài dựng trên bãi cỏ, vươn lên hai cột xám xịt. Hơn ba trăm cảnh binh, cảnh sát, mật thám và lê-dương đã giăng ra bảo vệ khu hành quyết tù nhân. Người dân kéo đến đã đông nghịt, lặng lẽ chen chân đứng quanh bãi cỏ pháp trường. Trên đoạn đường trải đá bên cạnh pháp trường là dăm bảy chiếc xe bò chờ sẵn để chở xác người đi chôn. Bãi bên, đã xếp những chiếc quan tài bằng mây.

       Nhà báo Roubaud bắt đầu quan sát căng thẳng. Phía núi xa, rạng đông đang xuất hiện bằng một vệt mây màu máu. Một toán người hình sillouett tối xẫm chuyển động trên nền trời ấy - đi đầu là Công sứ Bottini, đi sau là một tiểu đội lính lê-dương lực lưỡng cầm súng cắm lưỡi lê dẫn giải 13 người tử tù đi tới pháp trường. Nguyễn Thái Học vừa đi vừa lấy từ trong ngực ra lọn tóc của Cô Giang ngắm nghía giây lát, rồi lại cất kỹ chỗ cũ.

       Cai Công và trợ lý cũng đã bước tới pháp trường. Nhìn thấy một người tử tù mặt xám ngoét, run lẩy bẩy, Cai Công bước tới vỗ vai anh.

- Đừng sợ anh! Chẳng cảm thấy đau đớn gì đâu!

       Lần lượt 13 nghĩa sĩ lên đoạn đầu đài. Tất cả đều bình thản bước tới theo danh sách được gọi.

- Học sinh Nguyễn Như Liên!

- Thầy lang Bùi Tư Toàn!

- Lính pháo thủ Bùi Văn Chuẩn!

- Lính pháo thủ Nguyễn An!

- Lính cấp dưỡng Đào Văn Nhít!

- Lính pháo thủ Ngô Văn Du!

- Lính pháo thủ Nguyễn Văn Cửu!

- Lính pháo thủ Hà Văn lao!

- Lính pháo thủ Đỗ Văn Tứ!

- Lính pháo thủ Nguyễn Văn Thịnh!

- Cai pháo thủ Nguyễn Văn Tiềm!

- Tham tá Phó Đức Chính!

- Sinh viên Nguyễn Thái Học!

       Khi cố đạo Drouet đề nghị rửa tội cho từng người bước tới máy chém, tất cả đều lắc đầu khước từ. Ông ta tới Nguyễn Thái Học là người cuối cùng, chưa kịp mở lời đề nghị thì anh đã ngắt lời một cách đanh thép song lịch sự:

- Thưa ngài cố đạo! Mong ngài hãy rửa tội cho những người đã gây ra thảm cảnh đối với nhân dân tôi! (Tiếng Pháp).

       Đứng ở xa, vợ của đảng trưởng Nguyễn Thái Học là Nguyễn Thị Giang trong bộ ria mép, chiếc kính râm và quần áo cải trang, cô len tới gần. Cảnh binh ngăn đám đông đang xô tới, trong đó có Cô Giang là người dữ dội nhất. Hai tên cảnh bính xốc tay Cô Giang ra xa đám đông. Cô Giang cắn chặt răng lại, kìm nén nước mắt đang ứa ra. Hai chân cô cứ chực khụy xuống. Nhà báo Roubaud nhìn thấy Cô Giang, và chăm chú quan sát cô, vẻ thương cảm.

       Nguyễn Thái Học chứng kiến lần lượt từng người bước lên máy chém. Người nào đi qua, anh đều giơ hai nắm tay chụm lên cao để chào. Và tất cả mọi người đều gật đầu chào từ biệt anh, rồi cất to tiếng hô: “Việt Nam vạn tuế!”.

       Những tiếng hô “Việt Nam vạn tuế!” lần lượt vang lên, tới tường nhà thờ dội ra đường phố Yên Bái. Mỗi lần như thế, Nguyễn Thái Học đều mỉm cười sung sướng, tự hào. Phó Đức Chính là người thứ 12 lên đoạn đầu đài. Nguyễn Thái Học giơ tay chào lần cuối cùng. Phó Đức Chính hô: “Việt Nam vạn tuế!”

       Linh mục Drouet bước tới gần Chính:

- Cậu chết trẻ vậy, có ân hận gì không? (Tiếng Pháp)

       Phó Đức Chính:

- Ở đời, mong làm lấy một việc lớn mà việc ấy không thành thì chết có gì ân hận? (Tiếng Pháp) - Rồi anh nói lớn - Hãy cho ta nằm ngửa để nhìn lưỡi máy chém của Ghi-lôt-tin!

       Nhiều người ngoảnh mặt đi không dám ngó. Nhiều người lấy khăn lén lau nước mắt. Linh mục Drouet làm dấu thánh, thì thào:

- Anh ta mới ngoài hai mươi tuổi… Thực ghê gớm! (Tiếng Pháp)

       Nhà báo Roubaud gật đầu đồng tình, rồi lấy khăn mù xoa lau nước mắt. Máy ảnh bỏ thõng trước ngực, ông không hề chụp được một tấm hình nào từ đầu cuộc xử trảm, chỉ ngây người ra trước những tiếng hô “Việt Nam” và bộc lộ một cảm xúc đặc biệt...

       Từ đầu, Nguyễn Thái Học vẫn ngậm điếu xì gà to hút dở đã tắt. Khi gọi đến tên mình, anh phì điếu thuốc ra khỏi miệng, thong thả bước tới máy chém. Vừa đi, anh vừa dõng dạc đọc to câu thơ bằng tiếng Pháp: “Mourir pour sa patrie/ C’est le sort le plus beau/ La plus digne d’envie” (Chết cho đất nước của mình/ Là cái chết đẹp nhất/ Thanh thản tuyệt vời nhất). Và anh hô lớn: “Việt Nam vạn tuế!”

       Một tiếng “phập” cuối cùng của lưỡi dao máy chém.

       Cô Giang bất giác giơ hai bàn tay lên ôm mặt. Cô gần như ngã gục xuống đất, nếu như không có một người đàn ông kịp thời đỡ lấy cô. Phía dân chúng đứng xem bỗng vang lên tiếng hô ầm ầm: “Đả đảo thực dân Pháp dã man!”. Những tiếng phụ họa “đả đảo, đả đảo” ầm ầm, buộc đám cảnh binh phải dùng dùi cui tới tấp.

       Viên công sứ De Bottini giơ tay xem đồng hồ. 5 giờ 35 phút.

       Gần chục chiếc xe bò chở xác tù nhân lăn dọc theo đường bờ sông. Nguyễn Thị Giang vẫn phải đứng nhìn từ xa. Cho tới tận lúc này cô vẫn không thể rơi một giọt nước mắt nào trước những cái chết bi tráng của chồng và các chiến hữu.

       Hôm đó là ngày 17 tháng 6 năm 1930.

 

Mai An Nguyễn Anh Tuấn

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
13 Tháng Hai 20232:10 SA(Xem: 20874)
Dắt xe vào cổng, đập ngay vào mắt tôi là một bộ nâu sồng trong phòng khách. Không lẽ là vị Đại đức yêu văn chương - điện ảnh kết nối FB với tôi mấy tháng trước đã tìm đến, sau khi tôi cho địa chỉ nhà riêng? “Bố! Mẹ Thơm đã về!” Con gái lớn của tôi reo lên hồ hởi khi thấy tôi bước vào. “Mẹ đừng nói, xem bố có nhớ mẹ Thơm của con không?”. Tôi thoáng ngỡ ngàng trước vị ni cô vẻ tiều tụy, rồi nhận ra ngay cô hàng xóm của mình gần 10 năm trước…
11 Tháng Mười Một 202212:44 SA(Xem: 18982)
Bình minh bừng lên trên sông Tiền mênh mông. Những con sóng lấp lánh, cuồn cuộn chảy xuôi cuốn theo những bè lục bình như đoàn chiến mã đuổi nhau vô tận về phía hạ nguồn. Ánh ban mai rực lên khắp Cồn Phụng, lên cổng lăng Minh Mạng được đắp vẽ cầu kỳ. Những mảnh thủy tinh hắt ánh sáng sang hàng bần ven bờ sông những đường kỳ ảo muôn màu muôn vẻ làm Mỹ Lan cứ hết nhìn ra sông lại nhìn cảnh vật trên cồn với nhiều tò mò, thích thú.
13 Tháng Chín 20221:55 CH(Xem: 20293)
Thượng Hải, 19h, một ngày tháng Tám Hầy à, ngày xưa… bố... hoạt động thế là để đánh... lũ thực dân, đế quốc, cứu nước, bây giờ... con làm thế để... làm gì? Cẩn thận... chỉ mang oán khổ... cho dân! vị Đại tá già trong lần tỉnh táo hiếm hoi bên giường bệnh, khó nhọc nói với người con trai cùng ngành mới từ nước ngoài về. Thôi, pá pa đừng nói nhiều nữa, mệt rồi, đầu óc ít tỉnh táo, pá pa nghỉ đi! Con ra với mẹ và các em, người con trai có quân hàm khá cao cấp của ngành vừa nói, vừa kéo chăn che phần ngực gầy hơi hở ra của bệnh nhân già, trong phòng gắn máy lạnh.
01 Tháng Chín 20224:24 CH(Xem: 21789)
Ông kể, ông đã đến nơi này hơn năm mươi năm về trước, thời mà ông còn là chàng trai hai mươi tuổi. Với đôi chân trai trẻ, ông đã xẻ dọc trường sơn đi cứu nước. Người ta thường nói “ chân cứng đá mềm” thì đúng đã rơi vào trường hợp của ông Trần Duy. Ngày ấy, chàng đã đến nơi này bằng đôi chân khỏe , dẻo dai, đã băng rừng vượt suối , len lỏi vào tận rừng Trường Sơn ngút ngàn đá, ngút ngàn cây, ngút ngàn những vắt và muỗi mòng, đi giữa cái sống và cái chết. Ông kể với tâm trạng đầy tự hào về một giai đoạn mà cuộc đời con người khó có lần thứ hai. Nơi mà bây giờ, tôi và cụ Duy, chỉ qua một đêm đã đến được nơi này.
28 Tháng Tám 202210:03 CH(Xem: 16107)
...có người cho nó coi trên mạng hình ảnh của những người đảng tân nọ, đảng cựu kia, phe mới ấy… ở hải ngoại, đảng viên tiền phong lãnh đạo gì, nhất là nhóm trẻ, trung niên, mà toàn trưng diện uống champaigne, ôm trai xinh, gái đẹp, gái trẻ, đi xe sang, chơi ở resort xịn, ngủ hotel xịn, đồng hồ, âu phục mắc tiền, nhà lầu xe hơi giàu sang, hào nhoáng… ở xứ người, rồi lại còn về cả mấy quốc gia tư bổn láng giềng bên châu lục nhà nữa để trưng diện, khoe khoang, chẳng kém gì bọn con ông cháu cha bên thắng cuộc và cán bộ giàu sang của chúng đang làm, vậy thì mấy “tiền phong” đó kêu gọi đồng bào đau khổ thế nào? Vậy thì họ giác ngộ, lãnh đạo quần chúng cần lao, dân lành ra sao?
12 Tháng Tám 20224:28 CH(Xem: 20888)
Sau khi mãn tang ba, Thy vướng phải một chuyện lùm xùm tranh chấp kiện tụng ở tòa án rất đau đầu. Khoảng thời gian này để tâm vơi bớt muộn phiền, Thy hay về chùa và đi lên mộ thắp hương cho ba và cho bà nội nàng ở Nghĩa địa Phật giáo Qui nhơn - mong tìm chút bình yên. Thường Thy đi chỉ một mình.
08 Tháng Tám 20225:48 CH(Xem: 21497)
Thiếu tá Hân lấy lại tư thế ngồi trước vô lăng một cách điệu nghệ như chứng tỏ cho người bạn dạy lái xe mà anh hình dung đang ở bên cạnh rằng: “Cậu xem, “tay lái lụa” của tớ đã đạt tới trình độ nghệ sĩ chứ không phải là anh thợ lái - dù là thợ lái chuyên nghiệp cho ba tớ trước đây hay cho tớ hiện giờ…”.
01 Tháng Tám 20227:00 CH(Xem: 22364)
Hai chị em Quỳnh Trâm và Bội Trâm hôm nay được mẹ dạy làm món bánh trái cây bằng bột đậu xanh để đón anh gia sư của hai nàng. Những chiếc bánh xinh xinh đủ màu sắc của trái khế vàng, trái ớt đỏ, trái mảng cầu…được bày sẵn trên khay thật hấp dẫn.
28 Tháng Bảy 20225:29 CH(Xem: 22586)
Ông Đình ngồi bên lan can tầng một, với be rượu đế Gò Đen, một đĩa đậu phộng. Dưới chân là con đường Đào Duy Anh, quận Phú Nhuận, có hàng cây sao thấp thoáng mấy con sóc nhí nhảnh chuyền cành, thỉnh thoảng xòe đuôi dài đú đởn với nhau. Chúng không quan tâm đến xe cộ như dòng thác lũ cuồn cuộn chảy. Thói quen uống rượu một mình với đậu phộng rang, có từ hồi tham gia kháng chiến chống Pháp trên đất Bắc. Quê ông, một tỉnh cực Nam Trung bộ, nắng gió nên ít người nhâm nhi ly rượu với lạc rang như ở Thủ đô. Năm nay ông đã 82 tuổi, có năm mươi năm làm nghề, ông đã tham gia khai quật hàng trăm ngôi mộ cổ. Về hưu đã lâu, nhưng nhờ vốn kiến thức, ông vẫn được mời tham gia vào những đợt khảo cổ. Ông thông thạo chữ Pháp, chữ Hán, ngôn ngữ rất cần cho việc khám phá thư tịch cổ.
21 Tháng Bảy 202211:05 CH(Xem: 19237)
Ngày X, tôi tỉnh dậy trên giường, bác sỹ, y tá và cả hộ lý nhìn tôi, cái nhìn từ trên xuống, còn tôi thấy họ chụm đầu, vài đôi mắt kính của họ lấp loáng những tia sáng, những ngọn đèn trên trần cũng hắt xuống một thứ ánh sáng dịu.