Mai An Nguyễn Anh Tuấn
BA ĐIỀU ƯỚC CỦA BÉ
Truyện ngắn
Đã hai giờ đồng hồ, trong lớp học của bé, 31 bạn học với 02 cô giáo cùng 03 mẹ phụ huynh vẫn còn vui liên hoan cuối năm, còn bé thì cứ mong ngóng bố mẹ tới đón từ lâu, lâu tựa cả một buổi học mà không được ra chơi ấy chứ…
Bé lúc thì ngó qua cửa nhòm vào lớp ồn ào, lúc thì nhìn ra ngoài cổng trường vắng tanh, chán chê cả hai nơi. Thấy những vỏ lon nước ngọt ngổn ngang, bé bỗng dưng khát. Khát cồn cào. Nếu không có “thiên đường” nước ngọt kia mời gọi, dẫn dụ, chắc bé không đến nỗi khát thảm hại đến thế! Giá có bạn từng biết khát cháy cổ là thế nào và thương mình, lén lấy một lon đem ra cho mình thì hay biết bao…
Không ngờ, đó lại là điều ước đầu tiên sắp thành sự thật: quả là có cô bạn thân ngồi cùng trên lớp đã thấy bé chầu chực bên ngoài từ lúc nãy, dường hiểu được ước mơ nhỏ xíu nhưng lớn lao này của bé, lấm lét lấy trộm được một lon 7up, giấu vào trong áo vờ xin đi vệ sinh để sẽ dúi vào tay bé, ừ, chứ còn cho ai vào đây nữa? Hành vi mà các cô giáo vẫn bảo là dối trá, trộm cắp này lập tức bị cô giáo chủ nhiệm phát hiện ngay tắp lự: cô bước nhanh tới nắm lấy cổ áo “vị cứu tinh” của bé, nói khẽ bằng một giọng có thể khiến một cậu con trai lỳ nhất lớp cũng phải tè ra quần: “Con định đem cho nó à? Con không biết rằng cả lớp đang trừng phạt bố mẹ nó hay sao?”
Cô bạn bé sợ hãi, song chắc tình thương bạn đã giúp nó thốt lên được câu trong nước mắt rân rấn: “Nhưng thưa cô… bạn ấy có tội tình gì đâu ạ? Bạn ấy chắc đang khát lắm…” – “Các cô cũng thương bạn ấy, thương hơn là con kia! Nhưng nếu bố mẹ các con mà như bố mẹ bạn ấy, thì các con cũng phải chịu tội thay cho bố mẹ, hiểu chưa? Lẽ công bằng cần áp dụng ngay ở môi trường giáo dục thiêng liêng này dành cho các con!”
Kết thúc bài “giáo dục công dân” ngắn song hệ trọng đó, cô chủ nhiệm đẩy vai cô bạn bé về chỗ cũ, giật lấy lon nước ngọt và dịu dàng đưa cho một đứa đang ngồi cạnh cô. Cả lớp biết rằng nó được cô săn sóc đặc biệt vì bố là Trưởng phòng Giáo dục, nhưng bé hơn các bạn là có cơ hội để quan sát trực quan sinh động, trong cảnh ngộ của bé...
Một mẹ gật gù: “Đúng đấy cô ạ! Lẽ công bằng cần được giáo dục ngay ở tuổi mầm non!”. Mẹ khác chêm vào tán thưởng: “Khổ, có mấy trăm ngàn góp quỹ phụ huynh mà bà ấy lần nào cũng cò kè, tính đếm thiệt hơn! Quyền lợi tinh thần của con đấy, sao lại đem tiền nong vặt vãnh ra mà so đo với thầy cô giáo… Nhà ấy từng đi du lịch ở Dubai cơ đấy!”
Mẹ thứ ba chợt nhăn mặt lại: “Này các mẹ, nói khẽ thôi, kẻo con bé ấy nó nghe thấy hết…” Cô giáo lớp bên tham dự liên hoan đáp luôn: “Chị việc gì phải sợ vớ vẩn thế! Lũ “đại học chữ to” thì biết quái gì! Mà có biết thì càng hay, nó sẽ về thông ngôn bẩm báo lại cho phụ huynh, tác động giáo dục gián tiếp tới cha mẹ nó thì càng hiệu quả chứ sao!”
Mẹ thứ nhất hả hê bằng lời lẽ mà bé thấy hao hao những lời kết án trong một phim hình sự truyền hình nội địa bé mới được xem lén: “Các trưởng Ban đại diện Cha Mẹ như tôi từ nay sẽ đỡ khốn khổ hơn rất nhiều, không phải rát cổ mỏi miệng trơ mặt thớt như kẻ ngửa tay xin tiền cần thiết cho lũ trẻ nữa, bởi sự trừng phạt thích đáng này của các cô giáo sẽ là bài học nhỡn tiền đắt giá cho các bậc phụ huynh chây lỳ lắm điều khác!”
Như để tán thưởng cho sự đồng lòng của các mẹ đại diện trong “buổi liên hoan sẽ in sâu vào quãng đời thơ ấu của bọn trẻ” - lời một mẹ vừa tuyên ngôn lúc khai mạc, cô chủ nhiệm bắt nhịp cho các con yêu của mình hát bài: “Cô giáo như mẹ hiền”…
Những lời đối thoại như phim ảnh trên bé nghe được không sót một từ nào, tựa một cái máy thu tín hiệu, bé phải căng cái bộ óc non nớt ra để hiểu từng từ, từng khái niệm xa lạ với bé nên không thể có cảm xúc gì. Nhưng đến bài hát quen thuộc từ hồi còn là mẫu giáo Mầm – Chồi - Lá thì bé ứa nước mắt… Bé thấy thương mình quá, sao bé không được hát cùng các bạn lúc này, lúc chuẩn bị nghỉ hè để lên lớp Hai, bước vào thế hệ đàn chị của các em mới nhập trường…
Bé chợt nảy điều ước thứ hai – sau mấy giờ vất vưởng chờ đợi tình yêu thương của các cô các mẹ, đó là: cô chủ nhiệm sẽ nhớ tới giọng hát của bé, giọng hát hay nhất trường từng đoạt giải “Sơn ca nhí” ở Quận, mời bé vào lĩnh xướng cho các bạn hát đều hơn, làm các cô các mẹ cảm động hơn, thấy bài hát hay hơn, và vì thế, chắc sẽ thôi ý định trừng phạt bố mẹ bé bởi cái lý do mà bé bắt đầu lơ mơ hiểu ra chút ít…
Nhưng hết bài hát kể về cô giáo Mẹ hiền, sang tới bài hát “Em yêu trường em”, bé thấy rõ là: ngay từ đầu buổi liên hoan bé đã không là gì hết trong mắt các cô và các mẹ ở chốn này. Bé chợt hiểu cái khái niệm “Trừng phạt” các cô các mẹ vừa nói ra kia có thể đáng sợ đến thế nào khi bé bị gạt ra, bị cô lập khỏi tập thể lớp của bé - cái tập thể không phải bạn nào bé cũng thân, cũng quý, song nếu phải nghỉ học một buổi bởi bất cứ ký do gì cũng khiến bé nhớ nhung các bạn, các cô giáo… Bé vỡ mộng.
Nhưng thật lạ, vào lúc điều ước thứ hai tiêu tan, bé chợt nhớ đến lời bố đọc và giảng cho chị của bé học lớp 10 bài ca dao nói về người nông dân khi đếm trứng tới 9 quả đều bị ung, vẫn tin tưởng sao yêu thế: “Còn da lông mọc còn chồi nảy cây”… Thế là bé bỗng nảy ra điều ước thứ ba, mà nếu những lúc bình thường ở nhà hay ở trường, chẳng có nỗi buồn chán niềm thất vọng nào như bé lần đầu tiên mới được nếm trải, thì bé không thể nghĩ ra được, mặc dù nó đã có sẵn trong bé tích lũy từ bao truyện cổ tích mẹ kể lúc bé chuẩn bị ngủ. Ấy là điều ước: các bạn bé biến thành các thiên thần nhỏ bé có cánh, còn các cô giáo và mấy mẹ trong kia trở thành các bà Tiên xinh đẹp có nụ cười trìu mến và sẵn sàng vung đũa thần lên bảo vệ lũ trẻ thiên thần tội nghiệp khi có yêu quái đe dọa…
Đói, khát, mệt, và nhất là nỗi buồn bé chưa thể giải thích nổi đã khiến điều ước kia càng trở nên lung linh, thắm thiết trong lòng bé… Bé dựa lưng vào tường chỗ sát cửa ra vào lớp, mắt bé lim dim như để mong chờ ước mơ hóa thành sự thực. Câu ca “Còn da lông mọc còn chồi nảy cây” lại trở về ngân nga trong tâm trí bé, và bé ngất xỉu đi.
Mai An Nguyễn Anh Tuấn
- Từ khóa :
- MAI AN NGUYỄN ANH TUẤN