- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

BA ĐIỀU ƯỚC CỦA BÉ

27 Tháng Năm 202411:00 SA(Xem: 7422)
IMG_0055
Ảnh minh họa của MA NAT

Mai An Nguyễn Anh Tuấn

BA ĐIỀU ƯỚC CỦA BÉ

Truyện ngắn

 

   Đã hai giờ đồng hồ, trong lớp học của bé, 31 bạn học với 02 cô giáo cùng 03 mẹ phụ huynh vẫn còn vui liên hoan cuối năm, còn bé thì cứ mong ngóng bố mẹ tới đón từ lâu, lâu tựa cả một buổi học mà không được ra chơi ấy chứ…

     Bé lúc thì ngó qua cửa nhòm vào lớp ồn ào, lúc thì nhìn ra ngoài cổng trường vắng tanh, chán chê cả hai nơi. Thấy những vỏ lon nước ngọt ngổn ngang, bé bỗng dưng khát. Khát cồn cào. Nếu không có “thiên đường” nước ngọt kia mời gọi, dẫn dụ, chắc bé không đến nỗi khát thảm hại đến thế! Giá có bạn từng biết khát cháy cổ là thế nào và thương mình, lén lấy một lon đem ra cho mình thì hay biết bao…

     Không ngờ, đó lại là điều ước đầu tiên sắp thành sự thật: quả là có cô bạn thân ngồi cùng trên lớp đã thấy bé chầu chực bên ngoài từ lúc nãy, dường hiểu được ước mơ nhỏ xíu nhưng lớn lao này của bé, lấm lét lấy trộm được một lon 7up, giấu vào trong áo vờ xin đi vệ sinh để sẽ dúi vào tay bé, ừ, chứ còn cho ai vào đây nữa? Hành vi mà các cô giáo vẫn bảo là dối trá, trộm cắp này lập tức bị cô giáo chủ nhiệm phát hiện ngay tắp lự: cô bước nhanh tới nắm lấy cổ áo “vị cứu tinh” của bé, nói khẽ bằng một giọng có thể khiến một cậu con trai lỳ nhất lớp cũng phải tè ra quần: “Con định đem cho nó à? Con không biết rằng cả lớp đang trừng phạt bố mẹ nó hay sao?”

     Cô bạn bé sợ hãi, song chắc tình thương bạn đã giúp nó thốt lên được câu trong nước mắt rân rấn: “Nhưng thưa cô… bạn ấy có tội tình gì đâu ạ? Bạn ấy chắc đang khát lắm…” – “Các cô cũng thương bạn ấy, thương hơn là con kia! Nhưng nếu bố mẹ các con mà như bố mẹ bạn ấy, thì các con cũng phải chịu tội thay cho bố mẹ, hiểu chưa? Lẽ công bằng cần áp dụng ngay ở môi trường giáo dục thiêng liêng này dành cho các con!”

Kết thúc bài “giáo dục công dân” ngắn song hệ trọng đó, cô chủ nhiệm đẩy vai cô bạn bé về chỗ cũ, giật lấy lon nước ngọt và dịu dàng đưa cho một đứa đang ngồi cạnh cô. Cả lớp biết rằng nó được cô săn sóc đặc biệt vì bố là Trưởng phòng Giáo dục, nhưng bé hơn các bạn là có cơ hội để quan sát trực quan sinh động, trong cảnh ngộ của bé...

     Một mẹ gật gù: “Đúng đấy cô ạ! Lẽ công bằng cần được giáo dục ngay ở tuổi mầm non!”. Mẹ khác chêm vào tán thưởng: “Khổ, có mấy trăm ngàn góp quỹ phụ huynh mà bà ấy lần nào cũng cò kè, tính đếm thiệt hơn! Quyền lợi tinh thần của con đấy, sao lại đem tiền nong vặt vãnh ra mà so đo với thầy cô giáo… Nhà ấy từng đi du lịch ở Dubai cơ đấy!”

Mẹ thứ ba chợt nhăn mặt lại: “Này các mẹ, nói khẽ thôi, kẻo con bé ấy nó nghe thấy hết…” Cô giáo lớp bên tham dự liên hoan đáp luôn: “Chị việc gì phải sợ vớ vẩn thế! Lũ “đại học chữ to” thì biết quái gì! Mà có biết thì càng hay, nó sẽ về thông ngôn bẩm báo lại cho phụ huynh, tác động giáo dục gián tiếp tới cha mẹ nó thì càng hiệu quả chứ sao!”

     Mẹ thứ nhất hả hê bằng lời lẽ mà bé thấy hao hao những lời kết án trong một phim hình sự truyền hình nội địa bé mới được xem lén: “Các trưởng Ban đại diện Cha Mẹ như tôi từ nay sẽ đỡ khốn khổ hơn rất nhiều, không phải rát cổ mỏi miệng trơ mặt thớt như kẻ ngửa tay xin tiền cần thiết cho lũ trẻ nữa, bởi sự trừng phạt thích đáng này của các cô giáo sẽ là bài học nhỡn tiền đắt giá cho các bậc phụ huynh chây lỳ lắm điều khác!”

Như để tán thưởng cho sự đồng lòng của các mẹ đại diện trong “buổi liên hoan sẽ in sâu vào quãng đời thơ ấu của bọn trẻ” - lời một mẹ vừa tuyên ngôn lúc khai mạc, cô chủ nhiệm bắt nhịp cho các con yêu của mình hát bài: “Cô giáo như mẹ hiền”…

Những lời đối thoại như phim ảnh trên bé nghe được không sót một từ nào, tựa một cái máy thu tín hiệu, bé phải căng cái bộ óc non nớt ra để hiểu từng từ, từng khái niệm xa lạ với bé nên không thể có cảm xúc gì. Nhưng đến bài hát quen thuộc từ hồi còn là mẫu giáo Mầm – Chồi - Lá thì bé ứa nước mắt… Bé thấy thương mình quá, sao bé không được hát cùng các bạn lúc này, lúc chuẩn bị nghỉ hè để lên lớp Hai, bước vào thế hệ đàn chị của các em mới nhập trường…

     Bé chợt nảy điều ước thứ hai – sau mấy giờ vất vưởng chờ đợi tình yêu thương của các cô các mẹ, đó là: cô chủ nhiệm sẽ nhớ tới giọng hát của bé, giọng hát hay nhất trường từng đoạt giải “Sơn ca nhí” ở Quận, mời bé vào lĩnh xướng cho các bạn hát đều hơn, làm các cô các mẹ cảm động hơn, thấy bài hát hay hơn, và vì thế, chắc sẽ thôi ý định trừng phạt bố mẹ bé bởi cái lý do mà bé bắt đầu lơ mơ hiểu ra chút ít…

Nhưng hết bài hát kể về cô giáo Mẹ hiền, sang tới bài hát “Em yêu trường em”, bé thấy rõ là: ngay từ đầu buổi liên hoan bé đã không là gì hết trong mắt các cô và các mẹ ở chốn này. Bé chợt hiểu cái khái niệm “Trừng phạt” các cô các mẹ vừa nói ra kia có thể đáng sợ đến thế nào khi bé bị gạt ra, bị cô lập khỏi tập thể lớp của bé - cái tập thể không phải bạn nào bé cũng thân, cũng quý, song nếu phải nghỉ học một buổi bởi bất cứ ký do gì cũng khiến bé nhớ nhung các bạn, các cô giáo… Bé vỡ mộng.

     Nhưng thật lạ, vào lúc điều ước thứ hai tiêu tan, bé chợt nhớ đến lời bố đọc và giảng cho chị của bé học lớp 10 bài ca dao nói về người nông dân khi đếm trứng tới 9 quả đều bị ung, vẫn tin tưởng sao yêu thế: “Còn da lông mọc còn chồi nảy cây”…  Thế là bé bỗng nảy ra điều ước thứ ba, mà nếu những lúc bình thường ở nhà hay ở trường, chẳng có nỗi buồn chán niềm thất vọng nào như bé lần đầu tiên mới được nếm trải, thì bé không thể nghĩ ra được, mặc dù nó đã có sẵn trong bé tích lũy từ bao truyện cổ tích mẹ kể lúc bé chuẩn bị ngủ. Ấy là điều ước: các bạn bé biến thành các thiên thần nhỏ bé có cánh, còn các cô giáo và mấy mẹ trong kia trở thành các bà Tiên xinh đẹp có nụ cười trìu mến và sẵn sàng vung đũa thần lên bảo vệ lũ trẻ thiên thần tội nghiệp khi có yêu quái đe dọa…

     Đói, khát, mệt, và nhất là nỗi buồn bé chưa thể giải thích nổi đã khiến điều ước kia càng trở nên lung linh, thắm thiết trong lòng bé… Bé dựa lưng vào tường chỗ sát cửa ra vào lớp, mắt bé lim dim như để mong chờ ước mơ hóa thành sự thực. Câu ca “Còn da lông mọc còn chồi nảy cây” lại trở về ngân nga trong tâm trí bé, và bé ngất xỉu đi.

 

Mai An Nguyễn Anh Tuấn

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
02 Tháng Mười Một 202412:17 SA(Xem: 1234)
Anh Phước là con ông cậu ruột của tôi. Nhà tôi ở kế bên nhà anh. Anh thứ nhất mà cũng là con duy nhất của cậu tôi nên anh em chúng tôi thường gọi anh là anh Hai Phước. / Anh mồ côi cha từ thuở chưa lọt lòng. Anh có tuổi thơ thật “dữ dội”. (Tuổi thơ dữ dội- tên tác phẩm của nhà văn Phùng Quán). Trong tác phẩm, các cậu thiếu niên trẻ tuổi ấy đều có một câu chuyện riêng đầy cảm xúc, những hoàn cảnh éo le không ngờ tới nhưng họ vẫn đối diện bằng tinh thần lạc quan, vui vẻ. Mỗi người có một số phận riêng và tôi nhìn thấy hình ảnh một thế hệ và bóng dáng anh cũng có phần trong đó.
02 Tháng Mười 20245:02 CH(Xem: 2742)
Chồng tôi bị bạo bệnh qua đời được vài năm thì tôi quyết định bán căn nhà cũ và văn phòng địa ốc của anh ấy để dời đi nơi khác, cố quên đi môt dĩ vãng đau thương. Tôi đã quá mệt mỏi với công việc làm ăn mà xưa kia anh ấy luôn gánh vác những phần nặng nhọc nhất. Chồng tôi là một người hiền hòa, hoạt bát rất lo cho vợ con, cho nên sự ra đi của anh ấy đã mang theo không những một chỗ dựa vững chắc cho mẹ con tôi mà cả linh hồn và thể xác của tôi.
02 Tháng Mười 20244:46 CH(Xem: 2699)
Đối với người xa quê, cứ đồng hương là thân nhau rồi, hà huống lại là nhà văn. Thường các nhà văn rất thích gặp nhau, có thể bàn với nhau những dự định sáng tác, động viên nhau khám phá thi pháp mới. Thân hơn nữa, đọc bản thảo của nhau, góp ý để sửa chữa tác phẩm tốt hơn, hay hơn... Tôi viết rất chậm, ba bốn tháng mới viết được một truyện ngắn. Còn Nguyễn Anh thì ngược lại, chỉ vài tháng đã có tiểu thuyết gáy dày như hòn gạch. Bao giờ viết xong anh cũng in ra, đóng thành tập, có bìa giả như một luận văn tiến sĩ, đưa tôi đọc, nhờ góp ý. Tiểu thuyết của anh là loại tình cảm xã hội nên hấp dẫn, tôi đọc một hai bữa là xong mà không thấy quá vất vả. Mới có mấy năm anh đã có hơn năm mươi đầu sách. Tác phẩm ra ào ạt nhưng anh vẫn chưa nổi tiếng trên văn đàn. Trong giới viết lách chẳng mấy người biết đến Nguyễn Anh.
23 Tháng Chín 202412:02 SA(Xem: 2915)
Cây thị tỏa bóng mát thâm u giữa cánh đồng, đón những ngọn gió lồng lộng mát rượi từ phương xa thổi lại, đây là nơi các bác nông dân nghỉ ngơi tránh cái nóng ban trưa, hoặc các khách bộ hành nghỉ chân trên con đường thiên lý mệt mỏi. Đây là nơi lũ trẻ của trường tiểu học cộng đồng Hòa Do thường tụ tập nô đùa trong những ngày nghỉ học.
22 Tháng Chín 202411:17 CH(Xem: 3419)
Chắc bạn cũng có nghe câu chuyện về ông Phó Thủ Tướng Đức gốc Việt, từng là đứa trẻ mồ côi bên Việt Nam. Tôi thật sự cảm động muốn khóc, không phải vì ông là người có tài, đẹp trai, ăn nói khôn ngoan hay làm lớn mà vì nếu cha mẹ nuôi không mang ông về Đức, có thể hôm nay ông cũng đã là kẻ lang thang đầu đường xó chợ ở một nơi nào đó trên đất nước Việt Nam. Bạn tôi muốn kể cho quý vị nghe về một đứa trẻ bụi đời, lang thang đầu đường xó chợ trên đất Hoa Kỳ, nhờ mẹ nuôi Việt Nam mang về chăm sóc, dậy dỗ đã trở nên người hữu dụng.
12 Tháng Chín 20243:39 CH(Xem: 4150)
Lúc ngồi trong xe với Hiệp rồi, anh vẫn còn thắc mắc: “Tôi vẫn không hiểu tại sao ông lại cùng nhận tin Lê mất. Ông đâu có biết hắn là ai.” Hiệp ngồi thẳng người, chăm chú nhìn ra phía trước. Gương mặt hắn bình thản như một ngày biển lặng. Lần chót anh gặp hắn là lúc hai người đang đi ngược phía với nhau trong khuôn viên đại học, vội vã đến lớp cho kịp giờ dạy. Sau hai năm đại dịch, cả hai mới gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng, hứa hẹn sẽ lại cùng đi uống cà-phê hay ăn phở như ngày trước. Thế mà một năm học đã trôi qua, không ai gọi ai, hẹn hò gì cả. Anh buồn buồn nghĩ, mỗi người ai cũng bận bịu với vợ con, làm gì mà có thì giờ nhàn rỗi để tán dóc với nhau.
12 Tháng Chín 20242:26 CH(Xem: 3848)
Kiều Thu 15 tuổi đang học cấp 2 của một trường trung học cơ sở tại Quy Nhơn trong một vùng quê êm đềm. Nhưng chữ nghĩa và sách vở càng ngày không mấy hấp dẫn cô nàng đang tuổi dậy thì. 16 tuổi, Kiều Thu gặp Hải có biệt danh là “Hải đại bàng”. Thế là những cuộc picnic, vui chơi với bạn bè hấp dẫn nàng hơn, nàng bắt đầu biết thế nào ăn chơi, những điều mới lạ với những cuộc vui không chỉ giới hạn trong Thành Phố ven biển mà tiến xa hơn. Kiều Thu quyết định nghỉ học vào năm 17 tuổi bắt đầu sống chung với Hải đại bàng.
18 Tháng Tám 20242:40 SA(Xem: 4881)
Thu Yến sinh ra trong một gia đình công chức bình thường ở nông thôn thuộc một xã miền Tây Nam Bộ. Ba má Yến là nhân viên văn phòng tại một đợn vị sản xuất và phân phối vật tư nông nghiệp vùng ven Tây Đô. Nhà có ba chị em. Chị Hai là Thu Miên hơn Thu Yến ba tuổi nhưng bị khiếm khuyết, chậm phát triển bẩm sinh nên không đi học được chỉ quanh quẩn ở nhà với em. Đứa em trai út cũng bị khiếm khuyết về thể trạng, thường xuyên bị động kinh nên cũng chậm lớn không đi học được. Như vậy trong ba đứa con, chỉ có Thu Yến là xinh xắn, thông minh. Vì thế Yến là niềm kỳ vọng duy nhất của ba mẹ có thể ăn học nên người sau này phụ giúp ba mẹ nuôi chị và em, chăm lo gia đình.
15 Tháng Tám 202412:35 SA(Xem: 4678)
Những khối gạch đá đen trùi trũi trong ánh trăng lu chìm giữa những đám mây nặng trĩu đè lên thành Kim Lăng (Nam Kinh). Tiếng quạ kêu thảng thốt. Trong Viện Thái y, hơn chục viên Ngự y chắp tay cúi đầu vẻ ăn năn biết lỗi, xếp hàng trước viên Tổng quản của Hồng Vũ đế đang cao giọng: - Các vị Ngự y! Hoàng đế rất tức giận, và hoàn toàn thất vọng về các vị! Được hưởng ân huệ của triều đình không ít, nhưng đã mấy tuần trăng rồi, tính mạng vàng ngọc của Vương phi trao cho các vị, các vị đã làm được gì? Hơi thở của Vương phi ngày một mỏng manh như sợi cước…
17 Tháng Bảy 20244:12 CH(Xem: 5795)
Nàng ngồi lặng lẽ trên ghế sô-pha. Chiếc váy màu đen mở ra khoảng trống vô hình. Hai cánh tay rã rời đặt lên thành ghế. Ánh đèn màu nhập nhòa hắt trên phố vắng. Nàng ngồi chờ hắn về. Hắn sẽ đi trên chiếc xe bịt kín màu đen, gương mặt lạnh lùng. Hắn có mùi đàn ông pha hương gai cầu. Gót giày thường lấm một thứ gì đó rất ít, nhưng cũng đủ cho nàng phát hiện ra: cát bờ sông, bùn đất quánh đặc, than cháy, hoặc thứ gì không màu mùi vị mà lẩn quất xô đẩy chen lấn tanh tanh mùi đỏ nhầy nhụa. Hắn không thích nàng nói gì. Chỉ sở hữu một cách chậm rãi và ngông cuồng. Sau đó hắn đưa cho nàng một tập những tờ màu xanh. Chuông điện thoại reo. Nàng nhích người ể oải đứng lên với cái máy, ể oải a lô. Cánh tay mỏi đã có thể đưa lên, chậm rãi như chờ sự đồng lõa. Phía bên kia im lặng. Lạ thật, có lẽ ai nhầm máy. Ném máy xuống bàn, nàng lại co chân lên ghế trong tư thế chuẩn bị ngủ. Nhưng rồi điện thoại lại reo. Nàng không buồn đứng dậy nữa. Tự nhiên cơn buồn ngủ kéo đến. Nhưng chuông cứ reo...