- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

BA ĐIỀU ƯỚC CỦA BÉ

27 Tháng Năm 202411:00 SA(Xem: 8198)
IMG_0055
Ảnh minh họa của MA NAT

Mai An Nguyễn Anh Tuấn

BA ĐIỀU ƯỚC CỦA BÉ

Truyện ngắn

 

   Đã hai giờ đồng hồ, trong lớp học của bé, 31 bạn học với 02 cô giáo cùng 03 mẹ phụ huynh vẫn còn vui liên hoan cuối năm, còn bé thì cứ mong ngóng bố mẹ tới đón từ lâu, lâu tựa cả một buổi học mà không được ra chơi ấy chứ…

     Bé lúc thì ngó qua cửa nhòm vào lớp ồn ào, lúc thì nhìn ra ngoài cổng trường vắng tanh, chán chê cả hai nơi. Thấy những vỏ lon nước ngọt ngổn ngang, bé bỗng dưng khát. Khát cồn cào. Nếu không có “thiên đường” nước ngọt kia mời gọi, dẫn dụ, chắc bé không đến nỗi khát thảm hại đến thế! Giá có bạn từng biết khát cháy cổ là thế nào và thương mình, lén lấy một lon đem ra cho mình thì hay biết bao…

     Không ngờ, đó lại là điều ước đầu tiên sắp thành sự thật: quả là có cô bạn thân ngồi cùng trên lớp đã thấy bé chầu chực bên ngoài từ lúc nãy, dường hiểu được ước mơ nhỏ xíu nhưng lớn lao này của bé, lấm lét lấy trộm được một lon 7up, giấu vào trong áo vờ xin đi vệ sinh để sẽ dúi vào tay bé, ừ, chứ còn cho ai vào đây nữa? Hành vi mà các cô giáo vẫn bảo là dối trá, trộm cắp này lập tức bị cô giáo chủ nhiệm phát hiện ngay tắp lự: cô bước nhanh tới nắm lấy cổ áo “vị cứu tinh” của bé, nói khẽ bằng một giọng có thể khiến một cậu con trai lỳ nhất lớp cũng phải tè ra quần: “Con định đem cho nó à? Con không biết rằng cả lớp đang trừng phạt bố mẹ nó hay sao?”

     Cô bạn bé sợ hãi, song chắc tình thương bạn đã giúp nó thốt lên được câu trong nước mắt rân rấn: “Nhưng thưa cô… bạn ấy có tội tình gì đâu ạ? Bạn ấy chắc đang khát lắm…” – “Các cô cũng thương bạn ấy, thương hơn là con kia! Nhưng nếu bố mẹ các con mà như bố mẹ bạn ấy, thì các con cũng phải chịu tội thay cho bố mẹ, hiểu chưa? Lẽ công bằng cần áp dụng ngay ở môi trường giáo dục thiêng liêng này dành cho các con!”

Kết thúc bài “giáo dục công dân” ngắn song hệ trọng đó, cô chủ nhiệm đẩy vai cô bạn bé về chỗ cũ, giật lấy lon nước ngọt và dịu dàng đưa cho một đứa đang ngồi cạnh cô. Cả lớp biết rằng nó được cô săn sóc đặc biệt vì bố là Trưởng phòng Giáo dục, nhưng bé hơn các bạn là có cơ hội để quan sát trực quan sinh động, trong cảnh ngộ của bé...

     Một mẹ gật gù: “Đúng đấy cô ạ! Lẽ công bằng cần được giáo dục ngay ở tuổi mầm non!”. Mẹ khác chêm vào tán thưởng: “Khổ, có mấy trăm ngàn góp quỹ phụ huynh mà bà ấy lần nào cũng cò kè, tính đếm thiệt hơn! Quyền lợi tinh thần của con đấy, sao lại đem tiền nong vặt vãnh ra mà so đo với thầy cô giáo… Nhà ấy từng đi du lịch ở Dubai cơ đấy!”

Mẹ thứ ba chợt nhăn mặt lại: “Này các mẹ, nói khẽ thôi, kẻo con bé ấy nó nghe thấy hết…” Cô giáo lớp bên tham dự liên hoan đáp luôn: “Chị việc gì phải sợ vớ vẩn thế! Lũ “đại học chữ to” thì biết quái gì! Mà có biết thì càng hay, nó sẽ về thông ngôn bẩm báo lại cho phụ huynh, tác động giáo dục gián tiếp tới cha mẹ nó thì càng hiệu quả chứ sao!”

     Mẹ thứ nhất hả hê bằng lời lẽ mà bé thấy hao hao những lời kết án trong một phim hình sự truyền hình nội địa bé mới được xem lén: “Các trưởng Ban đại diện Cha Mẹ như tôi từ nay sẽ đỡ khốn khổ hơn rất nhiều, không phải rát cổ mỏi miệng trơ mặt thớt như kẻ ngửa tay xin tiền cần thiết cho lũ trẻ nữa, bởi sự trừng phạt thích đáng này của các cô giáo sẽ là bài học nhỡn tiền đắt giá cho các bậc phụ huynh chây lỳ lắm điều khác!”

Như để tán thưởng cho sự đồng lòng của các mẹ đại diện trong “buổi liên hoan sẽ in sâu vào quãng đời thơ ấu của bọn trẻ” - lời một mẹ vừa tuyên ngôn lúc khai mạc, cô chủ nhiệm bắt nhịp cho các con yêu của mình hát bài: “Cô giáo như mẹ hiền”…

Những lời đối thoại như phim ảnh trên bé nghe được không sót một từ nào, tựa một cái máy thu tín hiệu, bé phải căng cái bộ óc non nớt ra để hiểu từng từ, từng khái niệm xa lạ với bé nên không thể có cảm xúc gì. Nhưng đến bài hát quen thuộc từ hồi còn là mẫu giáo Mầm – Chồi - Lá thì bé ứa nước mắt… Bé thấy thương mình quá, sao bé không được hát cùng các bạn lúc này, lúc chuẩn bị nghỉ hè để lên lớp Hai, bước vào thế hệ đàn chị của các em mới nhập trường…

     Bé chợt nảy điều ước thứ hai – sau mấy giờ vất vưởng chờ đợi tình yêu thương của các cô các mẹ, đó là: cô chủ nhiệm sẽ nhớ tới giọng hát của bé, giọng hát hay nhất trường từng đoạt giải “Sơn ca nhí” ở Quận, mời bé vào lĩnh xướng cho các bạn hát đều hơn, làm các cô các mẹ cảm động hơn, thấy bài hát hay hơn, và vì thế, chắc sẽ thôi ý định trừng phạt bố mẹ bé bởi cái lý do mà bé bắt đầu lơ mơ hiểu ra chút ít…

Nhưng hết bài hát kể về cô giáo Mẹ hiền, sang tới bài hát “Em yêu trường em”, bé thấy rõ là: ngay từ đầu buổi liên hoan bé đã không là gì hết trong mắt các cô và các mẹ ở chốn này. Bé chợt hiểu cái khái niệm “Trừng phạt” các cô các mẹ vừa nói ra kia có thể đáng sợ đến thế nào khi bé bị gạt ra, bị cô lập khỏi tập thể lớp của bé - cái tập thể không phải bạn nào bé cũng thân, cũng quý, song nếu phải nghỉ học một buổi bởi bất cứ ký do gì cũng khiến bé nhớ nhung các bạn, các cô giáo… Bé vỡ mộng.

     Nhưng thật lạ, vào lúc điều ước thứ hai tiêu tan, bé chợt nhớ đến lời bố đọc và giảng cho chị của bé học lớp 10 bài ca dao nói về người nông dân khi đếm trứng tới 9 quả đều bị ung, vẫn tin tưởng sao yêu thế: “Còn da lông mọc còn chồi nảy cây”…  Thế là bé bỗng nảy ra điều ước thứ ba, mà nếu những lúc bình thường ở nhà hay ở trường, chẳng có nỗi buồn chán niềm thất vọng nào như bé lần đầu tiên mới được nếm trải, thì bé không thể nghĩ ra được, mặc dù nó đã có sẵn trong bé tích lũy từ bao truyện cổ tích mẹ kể lúc bé chuẩn bị ngủ. Ấy là điều ước: các bạn bé biến thành các thiên thần nhỏ bé có cánh, còn các cô giáo và mấy mẹ trong kia trở thành các bà Tiên xinh đẹp có nụ cười trìu mến và sẵn sàng vung đũa thần lên bảo vệ lũ trẻ thiên thần tội nghiệp khi có yêu quái đe dọa…

     Đói, khát, mệt, và nhất là nỗi buồn bé chưa thể giải thích nổi đã khiến điều ước kia càng trở nên lung linh, thắm thiết trong lòng bé… Bé dựa lưng vào tường chỗ sát cửa ra vào lớp, mắt bé lim dim như để mong chờ ước mơ hóa thành sự thực. Câu ca “Còn da lông mọc còn chồi nảy cây” lại trở về ngân nga trong tâm trí bé, và bé ngất xỉu đi.

 

Mai An Nguyễn Anh Tuấn

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Tư 202112:08 SA(Xem: 19756)
"Chiến thích được vuốt ve, âu yếm. Tôi cũng thích được vuốt ve, âu yếm. Nhưng tôi không thích làm cái chuyện đó với chàng. Chiến thích hôn môi, nhưng tôi cố tránh, vì không thích mùi thuốc lá quá nặng. Răng của thằng chả cũng không được đẹp, đôi lúc dính thịt gà, thịt vịt… thật khủng khiếp. Cho nên tôi luôn xoay mặt tránh chỗ khác. Chàng có hơi bực với thái độ hờ hững này…" (Nguyễn Thạch Giang)
21 Tháng Tư 202110:34 CH(Xem: 18908)
Sáng ngày 22, toàn bộ các lãnh đạo, y bác sỹ, y tá, hộ lý , kể cả nhân viên xét nghiệm, điều dưỡng v.v… đều được huy động xuống phòng họp của bệnh viện phụ sản, theo lệnh Ban giám đốc, chỉ trừ ê-kíp trực đang chờ các cuộc lâm bồn mới. “Đề nghị báo cáo số trẻ sinh ngày 22 đến giờ này và tôi cần một vài bé sinh đúng 0h00 giờ”, ông Giám đốc bệnh viện phụ sản nói. / “Dạ, báo cáo đồng chí, rất tiếc là tới giờ, không hiểu sao vẫn chỉ có một trẻ thôi, không có nhiều hơn, và không có trẻ nào sinh vào giờ đồng chí cần ạ,” bà Phó Giám đốc nói. “Thế à, khỉ thật! Đúng lúc mình cần thì các bà không đẻ cho. Bình thường thì đẻ như gà!”, Giám đốc bực và có vẻ hơi lo. / Đâu đó có tiếng cười khúc khích, hình như trong đám cán bộ, y tá, điều dưỡng trẻ.
14 Tháng Tư 20216:58 CH(Xem: 18657)
Từ trung tâm Luân Đôn, hãng tuyển dụng do tòa báo X thuê gọi cho một nhà báo là tài năng của hãng BBS (Bờ bờ Sông) có trụ sở quốc gia đặt tại xứ Tô Cách Lan: “Này, bọn keo đó trả cô cậu bao nhiêu một năm?” “Dạ ngần này ạ”, tài năng đáp. “Cái gì? Thật chó chết! À, chỉ định nói là chết tiệt thôi, gấp rưỡi nhé?”, nhà tư vấn tuyển dụng bảo. “Ôi tuyệt vời ạ! Em đang trên mặt Trăng ư?,” tài năng đáp, ngất ngây.
14 Tháng Tư 20216:52 CH(Xem: 18603)
Ngày tôi theo chồng đến thành phố này sinh sống, vì thường nhớ nhà nên tôi cũng thường khóc bởi cảnh vật nơi đây quá im lìm và hoang vắng đúng như cái tên Buồn Muôn Thuở mà người nào đó đã đặt. Tôi có nhiều bạn ở quê nhà nhưng ở thành phố này tôi chưa có bạn. Người bạn gái đầu tiên tôi quen là người Thượng còn rất trẻ tên là Sai Luông. Sai Luông một tuần một lần đem rau muống từ trong buôn làng của cô ra chợ Ban Mê Thuột bán. Sai Luông chỉ bán mỗi một thứ là rau muống thôi. Mỗi lần đi bán như vậy, Sai Luông gùi trên lưng hai mươi lăm bó, có đôi khi hơn được một vài bó. Tôi nghĩ, Sai Luông bán như vậy sẽ không được bao nhiêu tiền nên tôi thường mua ủng hộ mỗi lần ba bốn bó. Mua riết rồi Sai Luông và tôi quen nhau.
12 Tháng Tư 202111:48 CH(Xem: 18837)
Thầy tôi là anh trai tráng trong làng, học cuối đệ nhất cấp, lớp đệ tứ, tức lớp 9 bây giờ, thầy về làng dạy học. Ngôi trường- đình làng đó cách xa với khu dân cư, nó tọa lạc trong khu đất rộng. Ban ngày, khu đó náo nhiệt với lũ học trò chúng tôi, quậy lên đó không khí của sự sống, vô tư hồn nhiên. Nhưng khi bóng chiều buông xuống thì khu đình đó bước sang một thế giới khác, thế giới của loài dơi, của lũ chim ăn đêm và là thế giới của sự tưởng tượng, hoang tưởng phong phú của con người.
08 Tháng Ba 20217:22 CH(Xem: 20162)
Cristian Cortez (1972 - ) là kịch tác gia người Ecuador. Kịch phẩm của ông thường là kịch phi lý, hài kịch và bi kịch. Ông có bằng tiến sĩ về ngành khoa học thông tin và bằng cao học về viết kịch bản. Ông giảng dạy tại trường Universidad Católica de Santiago de Guayaquil (cũng là nơi chôn nhau cắt rốn của ông) từ năm 2002 đến nay. Ông đoạt giải nhất cuộc thi kịch nghệ toàn quốc của Nhà Văn Hoá Ecuador hai lần, lần thứ nhất vào năm 2000 và lần thứ nhì vào năm 2010. Vở kịch “Noctámbulos” dưới đây của ông ra mắt vào năm 1992.
14 Tháng Hai 20219:45 CH(Xem: 20221)
Lần đầu cộng tác cùng Tạp Chí Hợp-Lưu, dịch giả Trần C. Trí cư ngụ tại Little Saigon, Orange County, tiểu bang California và hiện đang dạy tiếng Việt & Ngôn Ngữ học tại University Of California Irvine. Chúng tôi hân hạnh gởi đến quí độc giả và văn hữu truyện ngắn “Enterrar los dientos blancos” của tác giả Guillermo Barquero từ tiếng Tây Ban đo Trần C. Trí chuyển ngữ.
31 Tháng Giêng 202112:30 SA(Xem: 20675)
Hắn ở một tỉnh xa, mới chuyển về thủ đô chưa lâu. Do công việc. Nhưng cũng đã kịp hòa nhập ngay với vài nếp sống kinh kỳ. Người kinh kỳ thanh lịch, tết đến không chỉ là ăn, mà chủ yếu là chơi tết. Tết đến xuân về là phải đi chợ hoa. Ngắm và mua một vài thức gì đó mang về bày ngắm chơi, nghênh xuân.
23 Tháng Mười Hai 202012:01 SA(Xem: 19876)
Một vụ án mạng cực kỳ nghiêm trọng xảy ra hồi tối hôm qua ở bưu điện y. Nạn nhân là hai cô gái độ khoản 23 tuổi, là nhân viên bưu điện. Hai nạn nhân bị giết bởi một dụng cụ đặc biệt, hung thủ đã cao bay xa chạy. Cơ quan chức năng đang điều tra để làm rõ sự việc vụ án.
28 Tháng Mười 20205:47 CH(Xem: 21574)
Cũng gần một chục năm, khi tôi còn trụ tại trường tiểu học Washington. Văn phòng của tôi chuyên về nghiên cứu và hướng dẫn phụ huynh trong việc giáo dục nhi đồng. Có một ngày, một cô giáo( ở đây dạy mẫu giáo hay trung học cũng phải tốt nghiệp ít nhất là cử nhân và trung bình là cao học về giáo dục hay chuyên ngành về sư phạm). Cô ấy gõ cửa văn phòng của tôi và hỏi tôi có thể giúp đở cô ấy không?