- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

TÌNH GIÀ

04 Tháng Chín 20238:36 CH(Xem: 13627)
 

                                                       

MuonNeoTinhGia-ảnh PhanTuanAnh
Muôn Nẻo Tình Già- ảnh Phan Tuấn Anh

 

Mạc Dung

TÌNH GIÀ

 

                                                                       

Dáng đi cô gái làm tôi bâng khuâng ngưỡng mộ như chứng kiến một tuyệt tác tạo hóa vừa ban tặng cho nữ giới. Vóc người cao cao, thanh mảnh với những bước chân bắt chéo uyển chuyển, nhẹ nhàng. Điều tôi muốn lưu ý: Cô ấy đi rất tự nhiên, không như các cô người mẫu luôn luôn sượng sùng vì cố phô trương những điều khác, hơn các bước đi được mẹ thiên nhiên ban tặng...

Ngày ấy quả là ngọt ngào, quả sảng khoái như khi ta bước ra từ một thế giới ảo để trở về đời thực, với những con người thực, được chứng kiến vẻ đẹp đời thường chưa bị hiện đại hóa, khoa học hóa, cuối cùng là loạn thị... hóa...

Khi mọi người biết tôi là đệ tử trung thành của Lão, Trang nên thông cảm chút ít về quan điểm nhìn nhận, cũng như cách đánh giá vốn lỗi thời từ gã đạo sĩ sống nhầm thời đại phải đeo kính mới nhìn thấy... Vả lại tôi nghĩ, tư cách cá nhân mình vốn đã không cao, chẳng tội chi người khác để ý học đòi. Vì vậy hãy thoải mái chút ít để bàn về vẻ đẹp tự nhiên...

Tư tưởng đạo gia cho rằng, cái gì gần với tự nhiên sẽ tiếp cận với đạo, bởi đạo vốn thuận theo tự nhiên. Con vịt cổ lùn kéo dài ra nó sẽ đau, con hạc chân dài cắt ngắn đi sẽ chết. Con ngựa sinh ra từ hoang dã, bị con người thuần hóa rồi bắt kéo xe còn đâu là ngựa. Ngựa phải lồng lên, hí vang, tung vó trên bình nguyên hoang dã mới thật sự ra nó với nét vẽ hoang sơ về “Bát Tuấn Hùng Phong” nhiều người sưu tập treo lên tường nhà. Tự nhiên là hòa đồng không cưỡng cầu, gượng ép. Trở về với tự nhiên không có nghĩa kéo lùi lịch sử hay tôn trọng lạc hậu, lại chính như hành trình tìm về cội nguồn với vẻ đẹp đích thực của vạn vật chi mẫu (mẹ muôn loài). Vì vậy sự đẹp vốn nhiều, nhưng đẹp tự nhiên ngày càng hiếm. Người xưa có câu: Hảo cảnh bất thường tại (cảnh đẹp thường rất hiếm). Thế nhưng ngày nay cứ xuất hiện một cái đẹp con người lại thích chen vào. Rồi trùng tu, kiến tạo như thế nào không biết, khiến nhiều phiên bản ra đời như chớp mắt, cuối cùng chẳng còn cái gì thuộc về thiên nhiên “nguyên thủy”. Lấy các ngôi chùa làm hình mẫu minh họa sẽ cực kỳ thiết thực. Một ngôi chùa được công nhận là di sản văn hóa phải có lịch sử lâu đời, kiến trúc độc đáo, ấy vậy con người cứ chê bai sự lạc hậu về kiến trúc, rồi thi nhau kêu gọi “hùn phước” để cải tạo, xây dựng, đập nhỏ xây to v.v... Cuối cùng chỉ có mới không có cũ, mà cũ... lâu, chính là “cổ” vậy... Vậy “chùa cổ” ở đây phải hiểu theo nghĩa “giả cổ”, chứ hoàn toàn không phụ thuộc vào thời gian hay tính lịch sử của nó.

Có lần tôi đi hớt tóc, ngay ghế cạnh bên có một “chú anh” cứ mãi than thở (tôi gọi “chú anh”, bởi ông ta lớn hơn nhưng gọi anh thấy hơi kỳ, còn gọi chú lại sao sao ấy!): “Tóc gì mới nhuộm đôi hôm, chân bạc đã lộ ra. Phải chi... phải chi... nhuộm một lần đã hết... già...”

Cạnh bên, tôi không sao ngăn được. “Cái đó tại không biết cách nhuộm thôi”. Như bắt được của, người khách lập tức nhổm dậy. Tôi tiếp luôn để ông ấy khỏi phải háo hức: “Lúc tiêu nhiều muối ít, nhuộm đen. Còn khi muối nhiều tiêu ít, nhuộm bạc quách cho rồi...” Đến đây cả tiệm đều cười...

Ngang cửa nhà tôi có một “chú anh” vừa đi nhuộm tóc. Ông ta nhuộm cách chi bỏ quên bộ râu. Sáng ngày vừa mở cửa, tôi muốn ngã ngửa luôn. Rồi tôi lại nghĩ, nếu như ông ta không quên bộ râu cũng chẳng ổn lắm. Khi người ta già đi tóc phải bạc, da phải nhăn nheo, mắt mờ, tai lảng là chuyện tự nhiên. Nếu có người già còng lưng, mặt quá nhiều “đường hẻm” nhưng răng không rụng, tóc vẫn xanh đen, xem chừng lại bị giới trẻ gọi là “râu xanh” nữa đó.

Nói những chuyện này chẳng qua tôi muốn chứng minh học thuyết mình đang theo đuổi. Cái gì trái với tự nhiên sẽ mang tác dụng phản, bị xem là dị kỳ. Thế đạo gia mới có câu: Cái  không phải của mình mà cho rằng của mình là tự rước họa vào thân vậy!

Như vậy nếu ta uốn cong tính tự nhiên, đi ngược với quy luật, sẽ tự làm xấu đi hình ảnh chân thực tạo hóa ban tặng. Nhiều người không thấy rằng, khi quy luật tự nhiên lấy đi của ta một thứ, lại sinh ra thứ khác để bù vào. Vì vậy khi già, mặt mũi nhăn nheo, phải có mái tóc bạc trang điểm mới gọi “đẹp lão” ấy...

Tóm lại, cái gì của tự nhiên hãy để tự nhiên quyết định, con người đừng nhúng tay “cải tạo bừa” làm thui chột mất cái đẹp lại không hay.

Cho nên, khi chứng kiến bước đi thanh thoát, nhẹ nhàng của cô gái, mới thấy cái đáng quý, đáng ngưỡng mộ biết nhường nào...

Là một người thích không gian yên tĩnh, mỗi chiều sau khi xong việc riêng, tôi lại ra công viên ngồi hóng mát đợi rước thằng con trai. Rồi một hôm có người hỏi tôi chạy “xe ôm” không? Chuyện này làm tôi nhớ lại những ngày đầu đi khởi nghiệp. Ở đất Saigon hầu như nghề nào tôi cũng làm qua, ngay cả việc chạy “xe ôm” cũng từng. Vậy để “phá chấp”, còn ngần ngại chi nữa khi có thêm kinh phí đổ xăng hằng ngày. Điều kiện này giúp tôi tiếp cận cô gái một cách hợp lý, còn hơn để người ta dị nghị: “già dzịch”, kiếm chuyện ra công viên ngồi ngắm gái...!

Từ hôm thấy dáng đi “hoàn hảo” ấy, tôi như bị thôi miên, cứ trông chờ sự “diệu kỳ” lặp lại. Nơi tôi ngồi, nhìn xiên qua đường đến nhà cô ta ước khoảng hơn trăm mét, ngày còn trẻ như thế đã quá đủ để quan sát tổng thể. Có hôm cô ta ra khỏi nhà với người đàn ông trông đã lớn tuổi, tôi độ chừng phải gọi bằng “bố” kia đấy! Hai người có khi đi bộ về phía siêu thị, lúc dùng xe tay ga với lỉnh kỉnh mấy túi nylon đựng thực phẩm ăn liền chi đó. Tất cả “thu thập” này tôi đều quan sát từ phía sau với khoảng cách xa lơ, xa lắc... Và tôi vẫn kiên nhẫn chờ đợi phút giây diện kiến trực diện con người thần tiên đó...

Rồi cuối cùng ngày ấy cũng đến!

Hôm đó vào buổi chiều, tôi đang thơ thẫn với nàng thơ lai láng trong đầu chợt nhìn thấy “nàng”. Điều làm tôi kinh ngạc đến sửng sốt là cô gái ấy, “cô gái” tôi lầm tưởng lại ra một “bà chị” tuổi đã ngoài sáu mươi, với những bước chân sáo ngay cả giới teen cũng phải ngấm ngầm ghen tị. Gương mặt người đàn bà quá lục tuần hằn những vết chân chim, dấu ấn năm tháng vẫn nằm đấy nhưng không mất đi điệu bước diệu kỳ...

Không thể diễn tả hết nỗi ngạc nhiên trong tôi khi chứng kiến cảnh tượng quá dị thường. Bước đi một cô gái, gương mặt của “lão bà”, với hơn sáu mươi năm cuộc đời đang thách thức với thời gian. Trong chiếc váy ngắn phớt nâu, dáng đi uyển chuyển đó vẫn cuốn hút nhiều ánh mắt hướng về với tất cả sự ngưỡng mộ lớn lao. Dĩ nhiên trong những ánh mắt ngưỡng mộ, phần tôi là lớn nhất...

Mọi cái phút chốc đảo lộn. Người đàn ông tôi ngỡ “bố”, hóa ra là chồng một “bà chị”, đang tạo ra cặp đôi đi giữa công viên dưới ánh tà dương sắp tắt. Buổi chiều ấy, trở nên đẹp lạ lùng với đôi bạn tình đã trải qua gần suốt đời người vẫn tâm đắc như ngày “còn son”. Tôi nói lên điều này, bởi có đôi bạn tình khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh thay đổi nhiều thứ lắm. Có lúc chồng ngó đằng đông, vợ ngó đằng tây. Lúc đàn ông nói “mưa”, đàn bà nói “nắng”. Chén bát trong chạn khua múa suốt cả ngày như không biết mệt vậy...!

Nhìn hai vợ chồng này lại không thế! Họ đi bên nhau, trò chuyện thư thái, nhẹ nhàng, như hai người bạn tâm giao “kính nhau như chồng vợ”. Động thái vui vẻ, tự nguyện, thật sự thoải mái trong cuộc hội thoại riêng tư giữa công viên đầy ắp bóng người...

Mùa Hạ về với những cơn mưa bất chợt không lời báo trước. Chính điều này là duyên số đưa đẩy tôi quen biết với đôi vợ chồng ấy. Khi trời đổ mưa, suốt dãy phố chỉ căn hộ của họ có mái che, thế là tôi đưa xe qua đó trú.

Vừa yên chỗ, cánh cửa xịch mở. Người đàn bà bước ra nhìn tôi với nụ cười trên khóe mắt, xen chút ngạc nhiên. “Chú chạy xe à?” Tôi xác nhận nhanh bằng cách gật đầu, rồi lên tiếng: “Trời mưa lớn quá nên phải tìm chỗ trú. Đậu xe ở đây có làm phiền nhà chị không?

Chị ta khoát tay cười rất tươi tắn: “Không sao đâu! Chú cứ qua đây khi trời có mưa.”

Câu nói ấy chứng tỏ tôi đã trở thành tay xe ôm chuyên nghiệp khi vị trí đậu xe không còn lạ với mọi người. “Chú cứ qua đây” có nghĩa là “bên kia” sẽ bị ướt, điều này khiến tôi kinh ngạc.

Rồi không ngờ chính người đàn bà lại mở lòng thăm hỏi công việc của tôi một cách rất vô tư hồn nhiên...

Từ lúc đó, khi trời vần vũ, u ám tôi lại sang căn hộ của họ. Cũng chính tại đây tôi lại quen thêm mấy đứa em thuê chỗ bán bình ac-quy. Qua mấy tháng quan hệ khăng khít, tôi mới biết hai vợ chồng có con trai hiện sống tại Cali, nhưng họ chọn cuộc  sống quê nhà với tiền cho thuê mặt bằng hằng tháng. Kinh tế hoàn toàn ổn định, nên chiều chiều vợ chồng già lại song đôi đi tìm nhà hàng ngồi đối ẩm. Hôm nào nhà hàng chán, hai người lại xách xe xuống nhà mấy đứa em với lỉnh kỉnh bao nhiêu là đồ... nhắm! Về tửu lượng, chị ta có thể tiếp chồng khoảng sáu chai bia cơ đấy! Mọi việc cứ thế... diễn ra...

Ngày cuối năm tôi nhận cuộc điện thoại của đứa em bạn, mời ra chỗ bán ac-quy nhậu tất niên. Khi đến nơi, chủ nhà đã vui với người thuê rồi, nên tôi không gặp mặt hai vợ chồng. Nhưng uống được mấy chai bia thì hai vợ chồng trở về nhà và ngồi tiếp chuyện tôi bên hè phố. Lúc này đã có chút bia, tôi đâm ra bạo dạn:

“Có điều lâu nay tôi muốn nói với vợ chồng chị... Tôi thật sự ngưỡng mộ sinh hoạt của hai ông bà với những chiều bách phố bên nhau, một điều rất hiếm thấy... Một việc thán phục nữa là dáng đi của... chị... thật khiến người ta rất bất ngờ...

Người đàn bà nở nụ cười tươi tắn, trong khi đuôi mắt hằn lên những nếp nhăn không thể xóa nhòa.

“Tôi đi liên hệ công việc, nhiều đứa gái cũng nói vậy. Chúng nói: “Cháu rất ngưỡng mộ dáng đi cô, nhưng nghĩ rằng không thể học hỏi được gì...”

Lúc này suy nghĩ tôi không còn là những bước đi... khi nhớ đến chuyện lục đục trong gia đình thằng bạn và... cả tôi nữa ấy!

“Nhìn anh chị thật hạnh phúc... Tôi ước gì ở tuổi này lại có điều tương tự...”

Ánh mắt người đàn bà trở nên xa xôi, nhưng lời nói lại gần với thực tại.

“Tôi nói chú nghe chuyện này... Trong hai vợ chồng, nếu... tôi ra đi trước, ổng ở lại thui thủi một mình liệu có vui không? Ngược lại, nếu ổng đi trước, tâm trạng tôi cũng vậy!... Người ta nói: “Gừng càng già càng cay. Tình càng già càng nồng...” Tại tuổi trẻ bây giờ không suy nghĩ sâu xa nên lãng phí thời gian... bên nhau...”

Tôi như kẻ vừa nhận chiếc gậy Lâm Tế vào đầu... “Tuổi trẻ bây giờ không suy nghĩ sâu xa nên lãng phí thời gian... bên nhau...” Trời đất! Cái “tuổi trẻ” ấy có tôi không? Dù sao tôi cũng nhỏ hơn chị ấy kia mà!?

Người chồng vui chuyện, vào nhà mang thêm mấy lon bia ra. Tôi mời chị uống cho vui nhưng bị khước từ.

“Chú thông cảm! Từ chiều tới giờ chị uống sáu, bảy lon bia rồi. Chú cứ vui với... ổng đi.”

Người chồng vui say rồi đọc thơ ngẫu hứng, tôi độ chừng hay thì không hay, nhưng... so với việc bảy... bước ra thơ lại... hơn xa. Rồi tôi như chìm vào câu nói: “...lãng phí thời gian bên nhau...” Trong cuộc đời này có bao nhiêu kẻ đang “lãng phí” thời gian quý báu ấy. Còn tôi... Liệu tôi có liệt vào số đông ấy không!?

Tiết lập xuân mơn man trên khu phố về khuya. Hè phố vắng vẻ bóng người, trơ một kẻ bâng khuâng về câu nói được bỏ ngõ...

Sau này, khi đêm tàn trở lạnh, câu chuyện người đàn bà có dáng đi “thần tiên” vẫn ám ảnh tôi trong giấc ngủ. Xa trong góc giường, vợ tôi vẫn vùi ngủ bên chiếc chăn ấm... “Nàng” của tôi đâu được nghe câu nói ấy. Còn tôi... Một kẻ không muốn lãng phí thời gian lại... thao thức một mình...

 

Saigon - 21.3.2015

Mạc Dung

 

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
06 Tháng Mười Hai 202412:57 SA(Xem: 783)
Tôi đứng ngay tại Ngã Ba Hàm Rồng nhìn dáo dác chung quanh. Buổi trưa nắng chang chang. Thỉnh thoảng một cơn gió nổi lên cuốn theo những đám bụi đỏ mù trời. Tôi dụi mắt mấy lần cố tìm những gì thân quen của một quá khứ yêu dấu xa xưa. Người tài xế của hãng du lịch chạy đến bên tôi thắc mắc
23 Tháng Mười Một 20248:37 CH(Xem: 1229)
Tuy Hòa, nơi tôi sống quãng đời thơ ấu, là một thành phố nhỏ hiền hòa nằm sát bờ biển, giống như nàng “Mỹ Nhân Ngư” phơi tấm thân kiều diễm trên bãi cát trắng tinh. Nàng dựa đầu trên núi Chóp Chài, đôi mắt mơ màng nhìn ra biển Đông, nghe gió thổi vi vu qua những bãi thùy dương dày đặc trên bãi biển Đại Lãnh, đầu đội vương miện hình Tháp. Ai từng đi qua Tuy Hòa, nhìn lên Tháp Nhạn đứng hiên ngang trên đỉnh núi, soi mình bên dòng Đà Giang lững lờ trôi, đều ngậm ngùi cho nền văn minh một thời rất huy hoàng của nước Chiêm Thành.
02 Tháng Mười Một 202412:17 SA(Xem: 3252)
Anh Phước là con ông cậu ruột của tôi. Nhà tôi ở kế bên nhà anh. Anh thứ nhất mà cũng là con duy nhất của cậu tôi nên anh em chúng tôi thường gọi anh là anh Hai Phước. / Anh mồ côi cha từ thuở chưa lọt lòng. Anh có tuổi thơ thật “dữ dội”. (Tuổi thơ dữ dội- tên tác phẩm của nhà văn Phùng Quán). Trong tác phẩm, các cậu thiếu niên trẻ tuổi ấy đều có một câu chuyện riêng đầy cảm xúc, những hoàn cảnh éo le không ngờ tới nhưng họ vẫn đối diện bằng tinh thần lạc quan, vui vẻ. Mỗi người có một số phận riêng và tôi nhìn thấy hình ảnh một thế hệ và bóng dáng anh cũng có phần trong đó.
02 Tháng Mười 20245:02 CH(Xem: 3855)
Chồng tôi bị bạo bệnh qua đời được vài năm thì tôi quyết định bán căn nhà cũ và văn phòng địa ốc của anh ấy để dời đi nơi khác, cố quên đi môt dĩ vãng đau thương. Tôi đã quá mệt mỏi với công việc làm ăn mà xưa kia anh ấy luôn gánh vác những phần nặng nhọc nhất. Chồng tôi là một người hiền hòa, hoạt bát rất lo cho vợ con, cho nên sự ra đi của anh ấy đã mang theo không những một chỗ dựa vững chắc cho mẹ con tôi mà cả linh hồn và thể xác của tôi.
02 Tháng Mười 20244:46 CH(Xem: 3985)
Đối với người xa quê, cứ đồng hương là thân nhau rồi, hà huống lại là nhà văn. Thường các nhà văn rất thích gặp nhau, có thể bàn với nhau những dự định sáng tác, động viên nhau khám phá thi pháp mới. Thân hơn nữa, đọc bản thảo của nhau, góp ý để sửa chữa tác phẩm tốt hơn, hay hơn... Tôi viết rất chậm, ba bốn tháng mới viết được một truyện ngắn. Còn Nguyễn Anh thì ngược lại, chỉ vài tháng đã có tiểu thuyết gáy dày như hòn gạch. Bao giờ viết xong anh cũng in ra, đóng thành tập, có bìa giả như một luận văn tiến sĩ, đưa tôi đọc, nhờ góp ý. Tiểu thuyết của anh là loại tình cảm xã hội nên hấp dẫn, tôi đọc một hai bữa là xong mà không thấy quá vất vả. Mới có mấy năm anh đã có hơn năm mươi đầu sách. Tác phẩm ra ào ạt nhưng anh vẫn chưa nổi tiếng trên văn đàn. Trong giới viết lách chẳng mấy người biết đến Nguyễn Anh.
23 Tháng Chín 202412:02 SA(Xem: 4087)
Cây thị tỏa bóng mát thâm u giữa cánh đồng, đón những ngọn gió lồng lộng mát rượi từ phương xa thổi lại, đây là nơi các bác nông dân nghỉ ngơi tránh cái nóng ban trưa, hoặc các khách bộ hành nghỉ chân trên con đường thiên lý mệt mỏi. Đây là nơi lũ trẻ của trường tiểu học cộng đồng Hòa Do thường tụ tập nô đùa trong những ngày nghỉ học.
22 Tháng Chín 202411:17 CH(Xem: 4332)
Chắc bạn cũng có nghe câu chuyện về ông Phó Thủ Tướng Đức gốc Việt, từng là đứa trẻ mồ côi bên Việt Nam. Tôi thật sự cảm động muốn khóc, không phải vì ông là người có tài, đẹp trai, ăn nói khôn ngoan hay làm lớn mà vì nếu cha mẹ nuôi không mang ông về Đức, có thể hôm nay ông cũng đã là kẻ lang thang đầu đường xó chợ ở một nơi nào đó trên đất nước Việt Nam. Bạn tôi muốn kể cho quý vị nghe về một đứa trẻ bụi đời, lang thang đầu đường xó chợ trên đất Hoa Kỳ, nhờ mẹ nuôi Việt Nam mang về chăm sóc, dậy dỗ đã trở nên người hữu dụng.
12 Tháng Chín 20243:39 CH(Xem: 4916)
Lúc ngồi trong xe với Hiệp rồi, anh vẫn còn thắc mắc: “Tôi vẫn không hiểu tại sao ông lại cùng nhận tin Lê mất. Ông đâu có biết hắn là ai.” Hiệp ngồi thẳng người, chăm chú nhìn ra phía trước. Gương mặt hắn bình thản như một ngày biển lặng. Lần chót anh gặp hắn là lúc hai người đang đi ngược phía với nhau trong khuôn viên đại học, vội vã đến lớp cho kịp giờ dạy. Sau hai năm đại dịch, cả hai mới gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng, hứa hẹn sẽ lại cùng đi uống cà-phê hay ăn phở như ngày trước. Thế mà một năm học đã trôi qua, không ai gọi ai, hẹn hò gì cả. Anh buồn buồn nghĩ, mỗi người ai cũng bận bịu với vợ con, làm gì mà có thì giờ nhàn rỗi để tán dóc với nhau.
12 Tháng Chín 20242:26 CH(Xem: 4694)
Kiều Thu 15 tuổi đang học cấp 2 của một trường trung học cơ sở tại Quy Nhơn trong một vùng quê êm đềm. Nhưng chữ nghĩa và sách vở càng ngày không mấy hấp dẫn cô nàng đang tuổi dậy thì. 16 tuổi, Kiều Thu gặp Hải có biệt danh là “Hải đại bàng”. Thế là những cuộc picnic, vui chơi với bạn bè hấp dẫn nàng hơn, nàng bắt đầu biết thế nào ăn chơi, những điều mới lạ với những cuộc vui không chỉ giới hạn trong Thành Phố ven biển mà tiến xa hơn. Kiều Thu quyết định nghỉ học vào năm 17 tuổi bắt đầu sống chung với Hải đại bàng.
18 Tháng Tám 20242:40 SA(Xem: 5698)
Thu Yến sinh ra trong một gia đình công chức bình thường ở nông thôn thuộc một xã miền Tây Nam Bộ. Ba má Yến là nhân viên văn phòng tại một đợn vị sản xuất và phân phối vật tư nông nghiệp vùng ven Tây Đô. Nhà có ba chị em. Chị Hai là Thu Miên hơn Thu Yến ba tuổi nhưng bị khiếm khuyết, chậm phát triển bẩm sinh nên không đi học được chỉ quanh quẩn ở nhà với em. Đứa em trai út cũng bị khiếm khuyết về thể trạng, thường xuyên bị động kinh nên cũng chậm lớn không đi học được. Như vậy trong ba đứa con, chỉ có Thu Yến là xinh xắn, thông minh. Vì thế Yến là niềm kỳ vọng duy nhất của ba mẹ có thể ăn học nên người sau này phụ giúp ba mẹ nuôi chị và em, chăm lo gia đình.