- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

IM LẶNG CỦA ĐẤT

09 Tháng Sáu 20234:17 CH(Xem: 14633)

Cheo qua ngay- tranh Dinh Truong Chinh
Chèo Qua Ngày - Tranh Đinh Trường Chinh

 


Trần Quang Phong

IM LẶNG CỦA ĐẤT

 


                                                         Đất loang lổ lòng đen

                                                         Rừng lam nham mắt trắng

         



Thằng anh ngồi trên bậc thềm ngó mông lung về ngọn núi phía bên kia cánh đồng. Mặt trời dần sụp xuống, những ngọn cỏ chuyển sang màu tím thẩm, gió nồm Nam thổi về lồng lộng. Thằng em khe khẽ ngồi xuống bên cạnh, cả hai cùng lắng nghe tiếng bò hụ từng hồi trên con đường trở về chuồng.

      Ba, mẹ nó đã từng ngồi như thế…

      Ba nó học xong trung học phổ thông liền lên đường đi bộ đội. Sau hai năm canh giữ biển đảo quê hương, ba nó trở về phụng dưỡng cha mẹ già và nuôi em trai ăn học. Mẹ nó học xong khoa Văn trường Cao đẳng Sư phạm trở về dạy trường Trung học Cơ Sở gần nhà.

       Ba, mẹ kết hôn đúng như lời hẹn ước lúc còn học phổ thông. Đám cưới đơn sơ như chính cuộc sống của họ. Ba chăm chỉ làm lụng nên ngoài tiền gửi cho chú ăn học ở Sài Gòn, còn xây được ngôi nhà cấp bốn trên mảnh đất ông bà nội để lại và mua năm ngàn mét vuông đất trên cánh đồng dưới chân ngọn núi.

      Cả hai lần lượt ra đời trong mái nhà hạnh phúc.

      Mẹ nó chân chất, thật thà chỉ biết trau giồi chuyên môn và toàn tâm, toàn ý lo dạy dỗ học sinh, không để ý gì đến việc tạo mối quan hệ với các quan chức. Mẹ nó không hiểu vì sao đang dạy khối 9 và bồi dưỡng học sinh giỏi Văn lại chuyển xuống dạy khối 6. Từ khối 6 lại chuyển sang phòng sách và thiết bị dạy học. Ba nó cũng không hiểu vì sao năm ngàn mét vuông đất đang canh tác, mùa màng năm nào cũng bội thu lại nằm trong khu qui hoạch, tiền bồi thường một mét vuông đất chỉ đủ mua một quả trứng.

      Và chắc chắn rằng ba, mẹ nó lại càng không hiểu vì sao đang lưu thông trên con đường Quốc lộ 1, lại bị chiếc xe tải chở cát từ con đường đầy bụi đỏ đâm thẳng vào.

      Ba, mẹ nó được an táng dưới chân ngọn núi phía bên kia cánh đồng. Thằng anh không khóc, thằng em cũng không. Chỉ bốn con mắt ngầu đỏ. Chiếc xe tải chở cát biến mất vài ngày rồi lại nghênh ngang chạy trên con đường bụi đỏ!!!

      Thằng anh nuôi con bò, thằng em nuôi mấy chục con gà. Nhờ bó rau, ngọn cỏ trong vườn, nhờ sự cưu mang hàng xóm láng giềng, hai anh em lần lửa nuôi nhau và vẫn cắp sách đến trường. Chúng nó  luôn nhớ đến lời dặn dò của ba mẹ lúc còn sống… Cố gắng học hành cho tử tế...

      Mỗi chiều, hai anh em thay ba mẹ ngồi ngó mông lung về ngọn núi phía bên kia cánh đồng. Lòng chúng nó đau, nỗi đau mất ba mẹ, nỗi đau mất đất, nỗi đau đất bị bỏ hoang phế. Như ba, giọt máu nông dân đang chảy trong người chúng nó, những ký ức cứ theo đó mà hiện về…

                                                              *

       Hai anh em đứa xách rựa, đứa xách chiếc giỏ tre đựng cơm và bầu nước vừa nô giỡn vừa chạy theo bước chân ba đi rẫy, đầu chúng đội những tia nắng dịu dàng đầu tiên và chân dẫm lên những ngọn cỏ xanh đẫm ướt sương đêm. Đến rẫy, trong khi ba trỉa những hạt bắp xuống đất, bọn chúng lại nhảy cẫng hò hét đuổi những chú chim sẻ sà xuống mặt đất, hoặc nhẹ nhàng từng bước chân lần theo tiếng dế gáy trong bụi cỏ rậm. Buổi trưa, mấy ba con ăn uống và nghỉ ngơi dưới cội cốc rừng hàng trăm năm tuổi tỏa bóng mát thâm u còn sót lại. Hai đứa đánh một giấc ngon lành, khi thức giấc trời đã xế chiều, bóng ba chúng đội nón cời nhịp nhàng vung từng nhát cuốc dưới ánh nắng xiên khoai. Và  cứ như thế… vạt bắp, nương mì, luống khoai… dưới cái nắng đổ lửa vẫn xanh biêng biếc. Người ta vì một mục đích, một tham vọng nào đó nên họ cố tình không hiểu đất không chỉ là tài sản vật chất mà còn là tài sản tinh thần quí báu của người nông dân.

        Dường như chúng hiểu nỗi buồn nhớ của đất. Đất buồn nhớ những luống cày thẳng tắp dưới hoàng hôn, nhớ vạt ngô non, nhớ ngọn lúa đòng đòng xanh biếc, nhớ cánh cò chao nghiêng, nhớ tiếng chim hót líu lo trên tán cây xanh mát, nhớ ngọn gió mát rượi buổi trưa hè, nhớ cơn mưa tầm tã đêm đông. Nhớ bóng người tần tảo sớm hôm. Đất đai như bổn mạng người nông dân, người nông dân mất đất như mất đi bổn mạng của mình.

 Khi sống, thỉnh thoảng thằng anh thấy ba gọi điện cho chú một đôi lần rồi bặt tăm. Ngày tang lễ, hàng xóm có người gọi điện cho chú nhưng cũng bặt tăm. Chú nó về như trên trời rớt xuống. Chiếc xe con bóng loáng đỗ xịch trước nhà. Người đàn ông trắng trẻo, sang trọng bước xuống. Theo sau, là người đàn bà mặc váy, mắt xanh, môi đỏ, chân đi giày cao gót như người mẫu chân dài mà chúng nó thường thấy trên tivi. Người đàn bà liếc qua hai anh em, liếc qua ngôi nhà tồi tàn rồi trở ra xe, ngã đầu trên ghế mắt nhắm hững hờ trong tiếng nhạc. Chú nó thắp ba cây nhang, xá xá ba cái rồi trở ra xe, sau khi dặn thằng anh mấy câu. Chú nó đi du lịch, nhân tiện ghé qua nhà...

      Thằng anh ra trước vào sau… Đến bên con bò vuốt ve, lại lấy mấy cục cơm nguội còn sót lại dưới đáy nồi ném cho mấy con gà đang bưới trước sân. Đôi mắt đau đáu đỏ hơn thường ngày, đôi lúc lại vò đầu. Thằng em đứng trong ngách cửa dõi theo thằng anh đôi mắt cũng đau đáu đỏ. Mấy chiều nay, thằng anh ngồi trên bậc thềm ngó mông lung về ngọn núi phía bên kia cánh đồng mãi đến tận khuya, mãi đến khi sương xuống ướt đẫm đôi vai gầy gò. Thằng em cũng thế…

      Thằng anh lục lọi hết đống quần áo của thằng em, lựa ra đôi ba bộ đồ còn lành lặn, đôi giày vẫn còn mới vì thằng em chuyên đi đôi dép cũ. Chưa vừa ý, nó lại lôi quần áo của nó ra. Cái này bỏ, cái kia lấy lại. Chiếc dây nịt, cái mũ… Chừng như đã chán, nó lấy những gì mà nó cho là tốt nhất, sắp xếp gọn gàng rồi bỏ vào chiếc túi du lịch của mẹ nó khi còn sống thường hay nâng niu. Thằng em bỏ ra ngồi dưới gốc xoài đang độ trĩu quả, nhìn luống rau xanh mát mắt vừa trồng tháng trước mà ầng ậc nước mắt.

     Chiếc xe con dừng lại trước nhà, thằng anh dắt em ra xe. Cửa mở, thằng em chui vào ôm chiếc túi du lịch ngồi thu lu trên ghế sau, thằng anh nhét vội mấy tờ bạc mệnh giá năm trăm ngàn đồng vào tay em. Đó là gia tài của hai anh em nó. Ông chú thở dài, mặt người đàn bà chợt thậm thượt. Chiếc xe vụt chạy, bỏ lại phía sau một làn khói bụi đậm đặc. Thằng anh nhìn theo chiếc xe đến khi mất hút.

                                                                       *

      Chiều hôm nay lạnh hơn thường ngày, thằng anh cảm thấy thế khi bỏ cơm chiều ngồi ngó mông lung về phía ngọn núi bên kia cánh đồng. Ngọn núi tím sẫm,  đôi đốm lửa trên sườn đồi, tiếng bò hụ từng hồi trên con đường mòn trở về chuồng. Nơi đó có năm ngàn mét vuông của ba mẹ chúng đang trở thành đất hoang, cỏ dại lan tràn. Nơi đó là cả một bầu trời tuổi thơ mật ngọt của chúng, là mồ hôi, nước mắt và cả máu của cha mẹ. Nơi đó cha mẹ nó đang yên giấc nghìn thu.

     Người dân cần an cư, có an cư mới lạc nghiệp. Những cái qui hoạch treo quái ác kia đã làm xáo trộn cuộc sống của họ, đã làm cho họ sống trong nỗi thấp thỏm lo âu. Có những cụ già sống cảnh đói khát ngay trên chính mảnh đất màu mỡ của mình. Có những người đã phải chết vì uất ức.

     Đất im lặng. Bằng sự im lặng đó, đất nuôi dưỡng con người. Đất dạy dỗ con người phải biết kiên trì, nhẫn nại. Đất khuyên răn con người phải thật thà, trong sạch không mưu mô, toan tính. Đất sâu thẳm tình thương. Người ơi! Hãy bảo vệ đất. Đừng làm đất tủi buồn, giận dỗi.

     Sao Hôm đã mọc cao trên bầu trời mùa hè trong văn vắt, sương xuống đầm đìa. Bếp lửa chợt bật sáng, bóng người len lén đến ngồi bên cạnh thằng anh.

     Thằng em đã tính trước trong bụng. Xe chạy vài cây số, nó kêu chú dừng xe đi vệ sinh. Xuống xe, nó đi liền một mạch về ngồi ở sau vườn.

     Thằng anh quàng vai em, ấm áp, bốn con mắt rưng rưng trong đêm tối. Ngày mai chủ nhật, hai đứa lại đèo nhau trên chiếc xe đạp cọt kẹt đi thăm mộ ba, mẹ. Chúng nó lại nhổ từng ngọn cỏ dại, thủ thỉ chuyện đã xảy ra.

 

                                                                                                                         

 Cam Ranh 15/04/2023

TRẦN QUANG PHONG

Ý kiến bạn đọc
11 Tháng Sáu 20231:24 SA
Khách
Hay ,chân thật, ngôn từ mộc mạc nhưng xúc động ..một cái nhìn sâu trong bộn bề nhân sinh.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
25 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 35596)
Gió thì chết già trên những tán lá rậm rạp. Nhưng gió thu không chết già mà chết trẻ. Heo may thế, mỏng manh thế làm sao sống quá vài phút dưới tầng tầng lớp lớp cơ man lá cành cổ thụ không có tuổi? Huệ mơ màng mộng mị sờ nắn những lớp vẩy cổ thụ đang chà xát vào tấm lưng trần của mình. Huệ không dám bóc lớp vẩy, như thế sẽ làm cổ thụ đau. Huệ chẳng muốn ai đau bao giờ. Lớp lụa mỏng líu ríu trên người Huệ, líu ríu gốc cổ thụ. Gió đang vướng vít chúng với nhau. Nhưng cổ thụ sẽ không làm hư chiếc váy lụa của Huệ, Huệ biết điều ấy.
25 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 32836)
Asada Jiro sinh năm 1951 tại Tokyo. Bắt đầu viết văn từ 1991 khi đã 40. Chỉ ba năm sau, ông được tặng giải Tài Năng Mới mang tên nhà văn Yoshikawa Eiji qua tác phẩm Lấy Xe Điện Ngầm (Metoro ni Notte). Năm 1997, Nhân Viên Đường Sắt (Poppoya) mang về cho ông giải Naoki. Năm 2000, ông lại đoạt giải văn học mang tên nhà văn Shibata Renzaburo với Nghĩa Sĩ Đất Kinh Thành (Mibu Gishiden). Văn ông nhẹ nhàng, điềm đạm, mang mang hoài cảm, trầm trầm như bài thơ bình thanh. Độc giả Nhật bình thường, nhất là phụ nữ rất yêu thích.
24 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 38959)
Con Rếch bật dậy lao nhanh ra ngoài cửa theo phản xạ. Giờ này Hoa đi làm về và bao giờ chị cũng nhấn ba nhát chuông báo hiệu cho con Rếch biết. Trong khi chủ mở cửa, Rếch quẫy đuôi mừng tíu tít. Nó chồm lên cửa, nó cào sồn sột xuống nền nhà, cổ họng rít ăng ẳng. Hoa vừa hé cửa, nó đã xục cái mõm vào khe cố lách qua để chồm lên người chị liếm láp. Quen rồi chị vẫn cứ thấy buồn cười.
24 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 32976)
Danh xưng cho những địa ốc sang trọng bề thế như vậy là, biệt thự, villa. Vài định tính bổ túc: cổ kính, trầm tịnh, và đúng hơn cả: hoang sơ. Tổng quát, đó là kết luận của những người đứng ngoài, những du khách. Ngoài những cảm nghĩ trên, từ họ, nếu gợn thêm lượng nào trắc ẩn thì nó cũng chỉ như vệt sơn mới, khó sức nhòa nhóa hết mọi vết tích trần thế phong sương của kiến trúc hơn nửa thế kỷ
24 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 45613)
Triệu Nguyên người Nguyên Thuỷ tỉnh Cam Túc, mồ côi cha mẹ từ hồi còn bé, đến nay cũng chẳng vợ con gì. Năm Diên Hựu nhà Nguyên, Triệu đến học ở Tiền Đường, trọ tại Cát Lãnh bên bờ Tây Hồ. Lân cận với nơi chàng ở trọ, là ngôi nhà của Thừa Tứơng Gỉa Tự Đạo đời Nam Tống. Triệu ở một mình, nên cảm thấy nhàn hạ thảnh thơi, thường quanh quẩn bồi hồi ra đứng ngoài cửa những khi chiều xuống.
23 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 135155)
Ngủ đi nhé à ơi, cái sâu làm tổ, cái bọ đi chùa, chuồn chuồn thì bơi (Tặng Kiên và sự điên rồ của đêm)
21 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 34628)
Điều ấy quả là có thật. Mỗi lần nhìn đến chiếc áo ấy, hắn thấy gai ốc nổi lên, xương sống ớn lạnh. Nhưng hắn vẫn thích giữ nó, hắn vẫn thèm được mặc nó. Đã bao lần hắn định lấy ra mặc nhưng rồi hắn dừng lại. Hắn sợ. Chiếc áo ấy là quà của tên bạn thân tặng hắn sau chuyến du lịch Châu Á.
21 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 36326)
Xe qua lại tấp nập, người đông hơn, hình thức cũng thay đổi như tấm thân lâu nay mặc áo vá, áo cũ hôm nay khoác lên chiếc váy lửng và chiếc áo hai dây, chân đi dép hộp, tình cảnh phố phường như người dàn bà sống trong thủ dâm đã lâu, nay có chàng trai đến gõ cửa, chẳng biết phải dâng phần nào cho chàng. Nàng lại nghĩ tấm thân nàng. Tấm thân như tàu lá cải muối rách bươn, nhầu nhĩ lên men mặn chát và chờ người mua.
21 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 43753)
Đêm đặc như lớp nhựa trải trên mặt đường. Chàng ngồi trong vũng keo đặc ấy, cố tìm một hình bóng thân quen. Mưa ngoài khung kính. Không khí mát dịu. Những mảnh vụn của giấc mơ dán chập lên nhau. Rồi một mảnh vụn tuột ra, rơi xuống nền nhà. Cơn mơ nồng cháy bị cắt ngang vì tiếng đấu kiếm loang choang bên ngoài. Chàng mở choàng con mắt. Qua cái khe hẹp dưới khung cửa, ánh đèn phòng khách nhập nhòa.
21 Tháng Chín 200812:00 SA(Xem: 42302)
Có tiếng nổ uỳnh uỳnh như tiếng cà nông, tiếng bánh xe lộc cộc trên đá dăm lao vào ngõ, gạt cánh cổng gỗ đánh xoẹt. “Thằng mất dạy nào đấy, có biết nhà ai đây không mà láo lếu thế hở? Thằng nào? Bà có ra mà lôi cổ nó vào đây tôi dạy cho một bài không! Con cái nhà ai thế không biết?”. “Bố! Con đây chứ thằng nào. Bố lại đang uống rượu à, may quá, con về đúng lúc. Đang thèm rượu muốn chết đây bố ạ”.