- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

BÍ MẬT VỀ ÔNG NGUYỄN THÁI HỌC

30 Tháng Tư 20233:45 SA(Xem: 12455)
nguyen thai hoc 

Mai An Nguyễn Anh Tuấn

Truyện ngắn

BÍ MẬT VỀ ÔNG NGUYỄN THÁI HỌC

  "giọt sương của lòng trắc ẩn là nước mắt..."
L.BYRON

 

                                   

 

Con gái hắn, ở tuổi 17 đã hỏi sau một giờ học môn lịch sử: “Bố ơi, thế điều gì có tính quyết định khiến ông Nguyễn Thái Học đứng ra thành lập tổ chức Việt Nam Quốc dân Đảng ạ? Sao còn trẻ thế mà ông ấy lôi cuốn được nhiều người vậy? Bí mật gì, hở bố?”.

Thói quen “bí mật hóa” mọi chuyện của con gái hắn có từ lâu, như: “góc bí mật của con trong phòng bố”, “chuyện bí mật chỉ hai bố con biết thôi nhé”, v.v, từng làm hắn vui thích, giờ lại thành ra tình huống khó xử, đánh mất sự thanh thản của hắn.

Hắn đã nhiệt tình giảng giải, với kiến thức lỗ mỗ của một “lều sử học” - như hắn vẫn tự nhận với kẻ nửa trẻ con nửa người lớn ấy. Hắn còn kể lại, thậm chí còn đọc lại nhiều đoạn văn, đoạn kịch viết về nhà Cách mạng lớn đó nhằm giải tỏa thắc mắc của con trẻ:

“Những câu thơ cảm động “Chiêu hồn nước” của Phạm Tất Đắc đã làm cho Học lén lau nước mắt:

Ngọn gió lọt đèn tàn hiu hắt

Tiếng cuốc kêu đầy mặt anh hùng

Nghiến răng nuốt cái thẹn thùng

Mà chiêu hồn cũ lại cùng non sông…”

“Đất nước tang thương. Vua quan thối nát. Dân tình khổ đau. Đấy là bức tranh xám xịt hằng ngày ta phải chứng kiến… Bọn Pháp thì vơ vét tài nguyên. Quan lại thì khom lưng uốn gối, vinh thân phì gia. Trăm nỗi khổ đau đè nặng lên tấm thân người nghèo khổ…”

“Gương Đề Thám, của Đội Cấn còn đó. Tất cả bị dìm trong máu. Rồi Phạm Hồng Thái mưu sát Henri Merlin Toàn quyền Đông Dương ở Sa Diện bên Tàu. Rồi cụ Phan Chu Trinh, cụ Phan Bội Châu với trí năng uyên thâm mong tìm con đường cứu lấy nước nhà, hết Duy Tân đến Đông Du, nhưng đều bất lực trước cường quyền…”

“Năm ngoái tôi đã đđơn yêu cầu mở mang nền công nghệ và lập trường Cao đẳng công nghệ Bắc Kỳ cho con em bản xứ, cải cách nền công thương vốn dĩ lạc hậu què quặt. Nhưng không được phúc đáp. Tôi cũng đã trực tiếp gặp viên Toàn quyền Varenne, nhưng thái độ của ông ta rất lừng chừng... ”

“Muốn có Tự do, Bình đẳng, Bác ái, không thể không bảo đảm các quyền Dân tộc, Dân quyền, Dân sinh. Phải thiết lập được thể chế dân chủ cộng hoà, mới mong thoát khỏi vòng nô lệ…”

                             ( Tiểu thuyết NGANG TRỜI MÂY ĐỎ - Ngọc Bái)

 

 “Chúng tôi đấu tranh cho một nước Việt Nam dân chủ và giàu mạnh. Nhân dân tôi phải được mở rộng quyền tự do dân chủ trong đời sống riêng tư và đời sống xã hội…”

“Chúng tôi phát động một cuộc đấu tranh chống lại sự áp đặt chính trị của người Pháp, của người ngoại quốc. Chúng tôi đấu tranh cho sự độc lập về nhân cách chính trị của người Việt Nam…”

“Những hoạt động của chúng tôi chỉ có ý nghĩa thức tỉnh lòng dân… Cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên vô nghĩa xiết bao nếu chúng ta không vì dân mà tranh đấu? Người ta chỉ được nhân dân biết tới khi họ dám hy sinh cuộc đời cá nhân họ ra cống hiến cho nhân dân mà thôi…”

                            ( Kịch CÒN LẠI TÌNH YÊU - Nguyễn Huy Thiệp)

 

“GỞI NIỀM TIN NƠI ANH NGUYỄN THÁI HỌC.

Anh đứng ra gánh vác lấy đại sự, làm việc lấp bể vá trời, cứu nguy cho giống nòi đất nước, tôi rất lấy làm khâm phục….”

“Năm đó anh khoảng 25, 26 tuổi, nghĩa là anh kém tôi trên 10 tuổi. Tuy cách xa nhau về tuổi tác, nhưng tự nhiên trong lòng tôi thấy kính trọng anh hẳn. Sự kính trọng pha lẫn phần ngưỡng mộ, tôi nghĩ rõ ràng “Những bậc anh hùng nhiều khi không hẹn tuổi”. Về sau hỏi ra tất cả những người được gặp anh đều có cảm nghĩ như tôi. Nơi anh, ai cũng nhận thấy toát ra một hấp lực huyền hoặc, rồi từ nơi đây mọi người phải công nhận anh quả xứng đáng là một vị chỉ huy…”

  (Hồi ký TỪ YÊN BÁY ĐẾN CÔN LÔN - Ký Thân Nguyễn Hải Hàm)

V.v.


Song mọi cố gắng của hắn không thuyết phục nổi con bé. Nó vẫn đăm chiêu như bà cụ non. Duy có chi tiết tiểu sử này khiến nó chăm chú: ông Nguyễn Thái Học thời học trò trường làng gặp mẹ ông Đội Cấn co ro rét ngoài đồng, về xin mẹ mua cho bà ấy chiếc áo bông…

Mấy tháng sau, bước vào năm cuối cấp phổ thông trung học, con bé lại hỏi điều đó, diễn đạt khác chút, nhưng vẫn là cái “bí mật chết người” kia về ông Nguyễn Thái Học… Từ bực mình vu vơ, hắn đến chỗ thất vọng, bất lực. Hắn cố quên đi câu chuyện này cùng sự bất lực vô duyên của hắn. Khi nó hỏi một lần nữa, hắn giả vờ không nghe thấy, im lặng dắt xe đi.

Ha Noi  xx

Trên đường tới chỗ hẹn làm việc, hắn vô tình đi qua phố Nguyễn Thái Học, con phố tuổi thơ của anh em hắn. Tới Bảo tàng Mỹ thuật ở quãng giữa phố Hàng Đẫy xưa, đối diện phía sau Văn Miếu - Quốc Tử Giám, không hiểu một thế lực quái quỷ nào buộc hắn dừng xe rồi bước vào, quên bẵng cuộc hẹn…

Thời gian qua, đôi ba lần hắn đến Bảo tàng này vì chuyện phim ảnh liên quan tới Mỹ thuật dân gian. Nhưng hôm nay hắn mới sực nhớ tới lai lịch của nó - từ cuốn sách viết về Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX đọc được đã lâu - một cơ sở của nhà Chung làm ký túc xá cho học sinh sinh viên người Pháp không có gia đình ở Hà Nội, mang tên Jeanne d’ Arc. Đó là nhân vật lịch sử mà chiến sĩ quả cảm Nguyễn Thị Bắc (Cô Bắc) trong một Tòa Đề hình thực dân đã nhắc đến - qua miêu tả của báo chí thời ấy, trước sự chứng kiến của Nguyễn Thái Học và các đồng chí bị xử án cùng đợt: “Ta không có gì để nói, chỉ muốn bảo các người: hãy về đạp đổ tượng Jeanne d’ Arc đi rồi sang đây kết án ta!”… Có một bộ phim Pháp: “La passion de Jeanne d’ Arc” kể về nữ anh hùng trẻ tuổi này trước tòa án Giáo hội Anh được thực hiện năm 1928 - giai đoạn cuối của thời đại phim câm; bộ phim chắc chắn đã được đem chiếu kinh doanh tại các thành phố lớn thuộc địa, và các sinh viên Cao đẳng từng đọc sử về Jeanne d’ Arc bằng tiếng Pháp và thuộc lòng diễn văn của Danton(1) từ nguyên tác như Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Hồ Văn Mịch… không thể không tìm xem. Cô đào trẻ Falconetti lần đầu đóng phim vào vai Jeanne cũng bằng tuổi con gái hắn… Một tia chớp lóe trong óc hắn: biết đâu, đây chính là đầu mối giúp hắn khám phá ra cái “bí mật” mà con gái hắn đang khao khát? Nhưng tia chớp đó lập tức bị chìm biến đi giữa những ánh chớp sáng lòe và tiếng sấm dữ dằn của một cơn bão đang ập tới bên ngoài.

Lang thang trong gian Mỹ thuật thời hiện đại, hắn bỗng chú ý đến một bức tranh lụa vẽ cảnh Đà Lạt của một danh họa Việt Nam trường phái École des Baux Art(2), và chợt nhớ mấy năm trước đưa con gái tới thăm một khuôn viên tuyệt đẹp từng là Dinh thự Toàn quyền ở miền Trung… Hai bố con đang ngồi trên ghế đá ngắm cảnh, có một người đàn bà lớn tuổi thọt chân bưng thúng bánh lá tới chào hàng. Hắn nhìn qua vào lòng thúng, rồi lắc đầu… Con gái hắn, một lúc sau lay vai hắn, nước mắt lưng tròng. “Bố ơi, mua cho bà ấy đi, bố”. Nó kéo tay hắn tới chỗ bà bán rong, ngồi sụp xuống chọn nhanh mấy chiếc bánh, rồi chủ động lục ví hắn để trả tiền. Thì ra, trong lúc hắn mải mê ngắm cảnh thơ mộng, đứa con gái mười một tuổi lại chăm chú theo dõi nỗi vất vả của bà bán rong. Một nỗi bàng hoàng chợt xông lên làm nhòa mắt hắn. Lúc đó, hắn lờ mờ hiểu ra cái bí mật sâu thẳm đang điều hành cơ chế tâm hồn con gái lâu nay, như muốn biến thành bí mật chung của hai bố con và làm hành trang còi cọc song chưa có gì thay thế nổi để phân biệt những giá trị Thật - Giả trong cõi đời phù du này…

Rồi, như có sự “đạo diễn” hình ảnh cố tình, giữa lúc mưa ào ạt bên ngoài, một bức tranh sơn dầu cỡ lớn vẽ phu mỏ thời thuộc địa chợt xuất hiện trước hắn. Và một chiếc giày đinh to đùng của lính trận thường được dân gian gọi là giày săng-đá(3) như được ống kính máy quay chơi cú close-up - cận cảnh đập vào mắt hắn. Chiếc giày săng-đá có gì hao hao với khuôn mặt trơ lỳ thâm hiểm của viên pháp quan trong bộ phim câm “La passion de Jeanne d’ Arc” nọ, kẻ đang thi thố mọi mưu mô nhằm dồn cô Jeanne bằng được lên dàn lửa thiêu đã chuẩn bị sẵn ngoài tòa…

…Trong ngôi nhà nhỏ của Nam Đồng Thư Xã(4) gần hồ Trúc Bạch, Nguyễn Thái Học rời tờ báo Le Petit Parisien (Người Pa-ri nhỏ). Bàn tay anh nắm chặt lại đau đớn, thân người vạm vỡ run lên, khuôn mặt khắc khổ đầm đìa nước mắt. Ký giả Louis Roubaud mà tên tuổi gắn với lòng trung thực từng quen thuộc với các trí thức trẻ nhóm Nam Đồng Thư Xã, được các anh kính nể qua nhiều thiên phóng sự nóng hổi, lúc này đã khiến người thanh niên cương nghị có vẻ ngoài sắt đá ấy phải lặng khóc như chưa từng khóc thế bao giờ. Bài báo mới nhất của ông tường thuật chi tiết một vụ nghi ngờ mất cắp cuộn len nhỏ, tên cai trưởng Thérésaux to như gấu đã đạp giày săng-đá liên tục vào bụng cô thợ Thị Va bé nhỏ chỉ biết kêu oan thảm thiết, kiến cô gái 17 tuổi xinh đẹp khỏe mạnh trở thành kẻ tàn phế!… Nguyễn vùng đứng dậy và loạng choạng bước ra ngoài để tránh cho các bạn khỏi nhìn thấy nước mắt giàn rụa đã lau vội của mình.

Trời bắt đầu cơn sấm sét mưa giông. Chẳng ai có thể cản anh. Tâm hồn anh tràn ngập hình bóng quằn quại đau đớn của cô bé xa lạ giờ bỗng trở nên gần gụi, cô bé cùng lứa với hai cô em gái của anh, của các bạn trẻ Phó Đức Chính, Hồ Văn Mịch, Nguyễn Đức Sơn, bằng tuổi những thiếu nữ làng Thổ Tang mà anh thường âu yếm véo má nghịch khi chúng đến chơi với em gái thứ hai của anh, khiến chúng vờ che mặt khóc ầm ĩ chạy tới mách mẹ anh rồi cùng ré lên cười thích thú…

Bước chân gần như mộng du không phương hướng đưa Nguyễn tới trước một vườn hoa nhìn sang khu phủ Toàn quyền. Từ viên Toàn quyền đầu tiên Jean Antoine Ernest Constans đến đương kim Toàn quyền Alexandre Varenne, đã có gần ba mươi vị “thống lĩnh khai thác xứ sở toàn Đông Dương” ngự trị tại chốn này. Đó là một khu đất rộng mênh mông, mặt trước là con đường lúc đầu mang tên Avenue Thành Thái có dãy lan can hình trụ đẹp, bên ngoài có hàng rào cây xanh; ở giữa là con hào nông. Mặt sau giáp với vườn Bách Thảo, ngoài cùng có hào sâu. Khu phủ Toàn quyền có ngôi nhà chính là Dinh Toàn quyền cao to đồ sộ, cổng lớn bằng sắt hoa, hai bên xây vọng gác; qua một sân rộng rải sỏi mới tới thềm cao hơn mười bậc, dẫn tới nơi làm việc của Toàn quyền và các phòng riêng của gia đình Toàn quyền. Cạnh đó là một ngôi nhà lớn hai tầng nhiều gian là nơi làm việc của các nhân viên văn phòng phủ Toàn quyền - tất cả đều trang hoàng nội thất kiểu châu Âu cổ điển cực kỳ trang nhã, sang trọng. Chung quanh các ngôi nhà là vườn rộng, bồn hoa, ao sen, đường rải sỏi. Đằng cổng trông ra Quảng trường tròn có bồn hoa lớn, dãy tường cao uốn theo hình vòng cung có mái, có vọng gác… Một người bạn sinh viên của Nguyễn Thái Học sau khi toại nguyện mơ ước vào làm việc ở chốn “quý tộc” đó đã say sưa miêu tả lại quang cảnh nội - ngoại thất nơi đây như muốn truyền thêm cảm hứng và nguyện vọng phục vụ Chính phủ Bảo hộ cho anh, người chuẩn bị được phân nhiệm! 

Nhưng tâm trí Nguyễn mau chóng rời bỏ mẩu hồi ức giống những bộ phim hài rẻ tiền hoặc yêu đương mùi mẫn mà anh không xem nổi tới một phút đang ngập ngụa ở các rạp chiếu bóng khiến người ta tạm quên đi cảnh nô lệ nhục nhã. Đè trĩu lòng anh lúc này là bóng dáng âm u nặng nề của cả khu phủ Toàn quyền trong mưa gió tựa một chiếc giày săng-đá khổng lồ đang dẫm đạp một cách ngạo mạn và thô bỉ lên cựu kinh thành Thăng Long xơ xác, rớm máu, khóc than… Tiếng khóc than ấy được phụ họa thêm bởi tiếng mưa âm thầm dội xuống mặt đất đương chìm ngập thương đau đói khổ của bao kiếp người…

Không buồn chùi nước mắt, bởi chẳng hiểu nước mưa hay nước mắt, Nguyễn bất giác quay nhìn khắp bãi đất trống rộng đằng trước mặt phủ Toàn quyền vốn là nhà kho - bệnh viện giờ thành vườn hoa, như muốn tìm cái gì đó. Mấy năm trước, khi mới là sinh viên trường Cao đẳng Thương Mại anh từng qua vườn hoa này, còn thấy tượng một phụ nữ Pháp to béo ngồi trên một quả cầu lớn trang trí rồng phượng và rùa đội thiên thư, có thêm tượng hai cô gái Việt gầy gò xõa tóc bơi dưới bệ gạch tượng trưng cho hai con sông: sông Hồng và sông Cửu Long. Chắc do dư luận chế nhạo là xấu xí, lố lăng, lai tạp, nên người ta đã đập bỏ nó sau gần hai chục năm bẽ bàng phơi mưa nắng…

Còn phủ Toàn quyền kia! Đầu não của một bộ máy cai trị khủng khiếp, vô luân, tàn ác! Mi cũng đã tới lúc không thể tồn tại được nữa rồi! Các người hãy đợi đấy! Chúng ta là con em của một Dân tộc bị chôn vùi trong tăm tối nhưng không thể chịu nhục, không thể chịu tăm tối thêm một ngày nào nữa!…

Trong mưa, và trong nước mắt xót xa căm giận lại một lần nữa trào ra hòa mưa, Nguyễn đã thốt lên những lời như vậy của một Nhà Tiên Tri sấm sét, tích tụ nỗi đau thương của một Dân tộc cho tới hôm đó đã trải qua ngót hai thiên niên kỷ nhuốm máu và nước mắt.

Nguyễn vội vã trở về, người ướt như chuột lột; thay áo xống song, lại cả đêm thao thức. Sớm hôm sau anh tức tốc triệu tập một cuộc họp tối quan trọng của Nam Đồng Thư Xã. Đó là cuộc họp lịch sử đi tới quyết định thành lập một tổ chức “thiết huyết cách mạng” mang tên Việt Nam Quốc dân Đảng mà Nam Đồng Thư Xã là Đệ nhất Chi bộ, bắt đầu cho một cao trào mới của Cách mạng Việt Nam dưới sự chỉ huy của Đảng trưởng Nguyễn Thái Học và các thủ lĩnh kiên trung, khiến mấy vị Toàn quyền điên đầu mất ăn mất ngủ nhiều ngày tháng ròng trong Dinh Toàn quyền Hà Nội, hoặc các Dinh thự Toàn quyền ở Sài Gòn, Đà Lạt.

Viết thêm

Có một điều Đảng trưởng Nguyễn Thái Học không ngờ được, là chỉ mấy năm sau anh đã có dịp được tiếp xúc trực tiếp ba lần với nhà báo Pháp mà anh mang ơn: lần đầu tại một Tòa Đề hình Yên Bái, lần thứ hai trên con tàu đêm của Công ty Hỏa xa Đông Dương đưa 13 chiến sĩ Việt Nam Quốc dân Đảng lên xử chém tại Yên Bái, và lần cuối tại pháp trường sáng hôm sau. Giữa lúc tàu đang lăn về chốn Âm phủ, vào 11h 30 đêm 16/6/1930, sau khi nghe viên cố đạo Drouet trách các tử tù: “Nếu như nước Pháp phải cảm ơn người La Mã đã đem lại văn minh cho dân tộc Gauloir, thì các ông cũng phải thừa nhận những điều tốt đẹp mà người Pháp đã làm cho Việt Nam, phải cảm ơn người Pháp chứ!”, Nguyễn đã phẫn nộ đáp trả bằng tiếng Pháp át tiếng ầm ầm của đoàn tàu băng đêm tối: “Phải cảm ơn người Pháp xâm lược ư? Chúng tôi phải cảm ơn kẻ đã đạp giày đinh nhiều lần vào bụng cô thợ dệt còn là một đứa trẻ, chỉ vì nghi ngờ cô ăn cắp một cuốn sợi nhỏ? Đã có hàng vạn người vô tội bị giết bởi bom dội xuống làng, hoặc chết đói chết khát do Chính phủ Đông Pháp đốt mất nhà cửa, cướp bóc lương thực và phương kế sinh nhai! - Anh hạ giọng nói với nhà báo Pháp đi cùng đoàn tử tù - Chính ông đã viết những điều đó trên tờ báo của ông! Xin cám ơn ông!”

Nhà báo L. Roubaud ngay trong năm 1931, cách cuộc hành hình tại Yên Bái khiến ông tỉnh ngộ thêm nhiều điều khoảng tám tháng sau, đã cho xuất bản cuốn sách chấn động dư luận nước Pháp và xứ Đông Dương thuộc địa: “Viet-Nam La Tragédie Indo-chinoise” (Việt Nam, tấn thảm kịch Đông Dương); trong đó ông dành rất nhiều trang, nhiều chương viết về cuộc Khởi nghĩa Yên Bái, về các yếu nhân của Việt Nam Quốc dân Đảng, đặc biệt là Nguyễn Thái Học và Phó Đức Chính mà ông trân trọng mệnh danh: LE GRAND PROFESSEUR (Đại giáo sư) và DROIT ET VERTU (Quyền hạn và Đức độ) rồi đặt làm tên cho hai chương sách. Dĩ nhiên, trong khi kể lại các thảm kịch của làng quê Việt Nam, của người nông dân và công nhân Việt Nam thời ấy, ông chẳng những không quên mà còn miêu tả kỹ hơn, buồn bã hơn câu chuyện về cô bé thợ dệt Thị Va bị tàn phế suốt đời bởi giày săng-đá của tên cai thực dân độc ác. Nhưng ông không thể hình dung nổi rằng: đó chính là một đầu mối quan trọng giải tỏa cho bí mật riêng của hai bố con nhà báo quèn nước Việt ngót một thế kỷ sau…

_____________

1. G. J. Danton: một trong những nhân vật lãnh đạo của Cách mạng Pháp nhằm lật đổ chế độ quân chủ và thành lập nền Đệ Nhất Cộng hòa Pháp, sau bị đưa lên máy chém.

2. Tức trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội.

3. Từ chữ soldat (lính), tức loại giày dã chiến cao cổ có đóng đinh và cá sắt.

4. Tiệm sách (Tùng thư) do một nhóm trí thức trẻ lập ra vào cuối năm 1926, gồm các ông Phạm Tuấn Lâm (Dật Công), Phạm Tuấn Tài (Mộng Tiên), Hoàng Phạm Trân (Nhượng Tống), Nguyễn Cát Ngạc (Nam Xương), sau đó Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính… cũng tham gia làm thành viên chủ chốt; đã xuất bản nhiều sách báo yêu nước, cách mạng. Nam Đồng Thư Xã là tiền thân của tổ chức VNQDĐ.


Hà Nội, 2022-2023
Mai An Nguyễn Anh Tuấn

  

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
15 Tháng Tám 20236:52 CH(Xem: 11887)
Chẳng biết tôi có tưởng tượng hay không, nhưng hôm nay rõ ràng là mặt biển nhìn cao hơn bờ, dù hãy còn thấp thoáng từ xa lắm. Trời trưa nắng gắt, lối đi dẫn xuống bãi biển dường như cứ tiếp tục trải dài thêm theo từng bước chân của tôi. Chưa thấy nhà của ông Morpheus ở đâu cả. Hai bên đường là những cụm xương rồng tua tủa trông dữ tợn, nhưng lại lác đác điểm những bông hoa màu sắc rực rỡ. Gió biển khô khốc, nồng nồng trong mũi tôi. Tiếng sóng vỗ nghe chập chờn từ tít ngoài xa. Tôi cố nhìn xem có những dấu hiệu gì đặc biệt hai bên đường để khi quay về có thể lần theo ra lại đường cái. Toàn là xương rồng và xương rồng, không có lấy một cái cây cao hay một mỏm đá. Dưới chân tôi là cát trắng lẫn vào sỏi đá, khiến đường đi thấy gập ghềnh, không mời gọi.
18 Tháng Sáu 20235:32 CH(Xem: 11566)
“Lễ tang của cậu qua đi đã lâu nhưng không khí trong nhà tôi vẫn chùng xuống. Không ai biết phải làm gì để tiếp tục sống, ngoài số tiền ít ỏi của cậu dành dụm được khi trước. Sau cuộc chiến “Bão sa mạc” với Mỹ cùng các nước đồng minh, Iraq thất thủ, bị cấm vận. Bao phủ Baghdad là một bầu không khí ngột ngạt, không có bất cứ việc gì để làm. Dù không quá sung túc, nhưng chẳng bao giờ chúng tôi để thức ăn thừa từ bữa trưa sang bữa tối, mà đều phải vứt đi. Các chủ gia đình sẽ lấy làm xấu hổ nếu họ mua dưới 50 cân gạo một lần, thường đặt hàng cả con cừu, thịt tại nhà và ăn tươi. Tiết kiệm là tính từ không khi nào xuất hiện trong tiêu dùng của người Baghdad. Và bây giờ thì chúng tôi ăn khoai tây, chà là, bánh mỳ làm từ bột mỳ đen vốn chỉ dành cho gia súc. Thế nhưng vẫn có những gia đình còn tệ hơn. Thuốc men hạn chế, đồ ăn không có. Đói. ..."
18 Tháng Sáu 20235:12 CH(Xem: 11880)
Tiết học đầu tiên ở trường Võ Tánh, tôi gặp thầy Đỗ Đức Trí. Hôm ấy thầy trông đạo mạo, mẫu mực, áo quần chỉn chu, thẳng nép chứ không luộm thuộm, nhếch nhác như những lần gặp ở trường Kim Yến. Gặp lại tôi, thầy có vẻ đồng tình là tôi theo nghiệp văn chương, cố nỗ lực để được vào học ở trường công lập. Đối với ông Sáu, thành tích của tôi được vào trường công lập, không kinh qua lớp đệ tam, điều đó ông không quan tâm chút nào. Điều quan tâm của ông là thân xác tôi ngày càng phát lớn, trổ mã trông thấy, cái giọng ồ ề, sức vóc phổng phao như con gà trống đã gây phiền toái cho ông Sáu . Nhà có hai gã đàn ông đang vào tuổi lính tráng là đầu mối cho mọi sự dòm ngó của những con mắt cú vọ, đôi tai thính của những “con chó săn” . Đó là những kẻ mà ông ám chỉ cho những tên cạo giấy, bọn ngồi mát ăn bát vàng, bọn tham nhũng đầy rẫy ở phố phường hoa lệ này.
09 Tháng Sáu 20234:17 CH(Xem: 12806)
Thằng anh ngồi trên bậc thềm ngó mông lung về ngọn núi phía bên kia cánh đồng. Mặt trời dần sụp xuống, những ngọn cỏ chuyển sang màu tím thẩm, gió nồm Nam thổi về lồng lộng. Thằng em khe khẽ ngồi xuống bên cạnh, cả hai cùng lắng nghe tiếng bò hụ từng hồi trên con đường trở về chuồng. Ba, mẹ nó đã từng ngồi như thế…
19 Tháng Năm 20234:11 CH(Xem: 11221)
Ngày chị Tư gặp tôi ở San Jose, chị mừng ứa nước mắt hai hàng. Vừa lấy tay quẹt ngang mắt, cái điệu quen thuộc i như ngày xưa, chị vừa cười: - Gặp cô ba tui mừng quá à. Lâu lắm rồi tui mới khóc được. Vừa khóc mà vừa cười. Tôi nhìn chị trân trân. Chị Tư Trợn da đen nhẻm ẳm tôi ngang hông ngày xưa bây giờ trắng da dài tóc, không hẹn nhau trước chắc tôi không thể nhận ra. Lúc chia tay chị, tôi hỏi: - Em kể chuyện của chị được không? - Chuyện đời tui có chi đâu mà kể, dị òm. - Em kể chuyện mộ gió nha. - Ờ, cô ba còn nhớ chuyện mộ gió hả- mắt chị chợt buồn xa xăm- tui thì quên lâu rồi. Sao mà tôi quên chuyện mộ gió được.
12 Tháng Tư 20239:53 CH(Xem: 11360)
Có lẽ, phải vào lúc sống một mình giữa không gian tối tăm, sau hai ngày cả mấy cha con bị xích tay vào trại tạm giam, ông mới sực láng máng nhớ đến cái khái niệm “Tư tưởng của Ruồi” mà một nhà báo nhà văn có số má từng nói với ông gần 10 năm trước. Nó được thốt ra, đúng hơn là được nhắc lại, giữa men rượu Tây hảo hạng do ông chiêu đãi tại một restaurant sang trọng bậc nhất Sài Thành, giữa các nhà văn nhà báo ông sưu tập được qua mấy năm kinh doanh vào quy mô khủng, mà trung tâm là tay nhà văn cộm cán từng kiếm nhiều tiền nhất của gia tộc ông và các doanh nghiệp nổi như cồn, có biệt danh “Ruồi Trâu” do anh ta tự đặt.
20 Tháng Ba 20235:55 CH(Xem: 10740)
Lần đầu tiên anh đến, Mẹ chỉ nhìn anh một lần, từ góc nhà rồi im lặng.Trong khi cô quấn lấy anh, mắt môi ngơ ngơ chìm đắm. Đêm đó, nằm cạnh cô, mẹ khẽ khàng nói; - Khí chất nồng nàn, nhưng tính cách rất lạnh. Mắt rất lạnh nhưng tia nhìn lại giấu kín. Tia nhìn giấu kín, nhưng sắc bén như dao, xuyên thấu tâm can người khác. Con mắc nợ tiền khiên với người này.
08 Tháng Ba 20235:31 CH(Xem: 12022)
Nhân ngày Tết trung thu, trùng với thứ bảy, chủ nhật, Trung phóng xe máy về Cần Giờ. Con đường từ phà Bình Khánh về thị trấn Cần Thạnh được mở rộng, đường vắng, xe cứ phóng thả ga. Hai bên đường, suốt hơn bốn chục cây số chỉ thấy rừng là rừng. Những cây đước vươn thẳng tắp, cành lá xòe ô che kín bầu trời, xe chạy trong màu xanh ngút ngàn của rừng cây như trôi trong không gian huyền thoại.
26 Tháng Hai 202310:19 CH(Xem: 12271)
Tôi yêu em. Thật là lố bịch khi một kẻ như tôi nói ra câu ấy, nhưng tôi yêu em. Cồn cào trong tôi nỗi nhớ được nhìn thấy em vào khoảnh khắc ngắn ngủi trống trải khi chiều tàn. Tình yêu của tôi đến muộn và mặn mòi. Nhỏ giọt như những tin nhắn tôi gửi cho em. “Hôm nay em muốn gặp ở đâu?” Tôi ẩn dấu tình yêu của mình trong những điều nhỏ nhặt, và cần mẫn góp nhặt từng hạt cát. Thứ tình yêu tội lỗi. Mẹ đã từng rì rầm hàng đêm vào tai tôi thứ bà gọi là tội lỗi này. Và giờ, tôi vướng vào nó như một lời nguyền không phép màu hoá giải. Độc dược làm tôi yếu đi mỗi ngày. Còn em, thứ thuốc giải duy nhất vẫn cứ thơm ngát đầy quyến rũ trước mắt mà không thể chạm vào.
13 Tháng Hai 20232:10 SA(Xem: 12653)
Dắt xe vào cổng, đập ngay vào mắt tôi là một bộ nâu sồng trong phòng khách. Không lẽ là vị Đại đức yêu văn chương - điện ảnh kết nối FB với tôi mấy tháng trước đã tìm đến, sau khi tôi cho địa chỉ nhà riêng? “Bố! Mẹ Thơm đã về!” Con gái lớn của tôi reo lên hồ hởi khi thấy tôi bước vào. “Mẹ đừng nói, xem bố có nhớ mẹ Thơm của con không?”. Tôi thoáng ngỡ ngàng trước vị ni cô vẻ tiều tụy, rồi nhận ra ngay cô hàng xóm của mình gần 10 năm trước…