- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

THƯƠNG MÃI NỤ QUỲNH HƯƠNG

01 Tháng Tám 20227:00 CH(Xem: 7922)


 

 hoa quynh 1

 

 

 

Hoàng Thị Bích Hà

THƯƠNG MÃI NỤ QUỲNH HƯƠNG

 

“Những cái nắm tay thời thanh xuân chưa đủ để thành duyên nợ

Sông cứ lở bồi làm cho người sợ những chuyến sang sông”.

(Thơ: Trần Đình Thọ)

 

 

Hai chị em Quỳnh Trâm và Bội Trâm hôm nay được mẹ dạy làm món bánh trái cây bằng bột đậu xanh để đón anh gia sư của hai nàng. Những chiếc bánh xinh xinh đủ màu sắc của trái khế vàng, trái ớt đỏ, trái mảng cầu…được bày sẵn trên khay thật hấp dẫn.

Quỳnh Trâm năm nay 13 tuổi, Bội Trâm 10 tuổi. Hai chị em rất dễ thương, nét mặt thanh tú, thông minh giống nhau đến mức như búp bê chị và búp bê em. Hai nàng sinh trưởng trong một gia đình thương gia có cửa hiệu buôn bán ở đường Phan Bội Châu, Huế. Dân gian thường gọi là đường Ngã Giữa (Từ1976 đường đổi tên Phan Đăng Lưu). Cửa hiệu lúc nào cũng khách khứa vào ra tấp nập. Để đáp ứng nhu cầu công việc làm ăn ngày càng phát đạt, ba mẹ mướn thêm người làm. Còn hai chị em chỉ có mỗi chuyện học hành và học nữ công gia chánh ở trên tầng lầu. Trước ban công bác Tâm (ba của hai nàng) đặt một chậu cây quỳnh. Đó là loại hoa mà qua sách vở hai chị em rất thích. Ba dặn hai chị em rằng:

-  Cây quỳnh thường trồng ở chỗ có nhiều nắng chiếu vào nhưng tránh ánh nắng trực tiếp. Vì vậy, luôn để đất của chậu quỳnh khô mặt, rồi mới tưới nước. Không nên tưới thường xuyên. Vì cây quỳnh chịu khô hạn. Tưới nhiều nước, rễ sẽ bị úng, cây trồng mãi không thấy có lộc non và không có hoa.

Lúc rảnh rỗi hai chị em thường ra đứng ban công ngắm cây quỳnh và chờ đợi mùa hoa nở sớm. 

Bắt đầu từ hôm nay, bác Tâm mời một anh sinh viên về dạy kèm cho hai chị em. Anh tên là Dương Duy Phước, người ở Nguyệt Sương- Một xã vùng ven thành phố.  Anh là người thông minh, hiếu học và rất chịu thương, chịu khó. Anh hiểu gia cảnh khó khăn của mình. Ba của anh mất sớm, nhà chỉ có hai mẹ con nên sớm tự lập từ lúc bắt đầu bước vào lớp Đệ tam Trường Quốc Học. Ngoài giờ học, anh đi làm thêm như làm gia sư cho con cái các gia đình có điều kiện trong thành phố. Năm nay được người bạn giới thiệu anh với gia đình Bác Tâm.

Buổi hẹn gặp đầu Bác Tâm chịu anh liền vì thấy dung mạo khôi ngô, dáng vẻ học thức, ăn nói lễ phép, lịch thiệp. Bác Tâm rất lấy làm hài lòng khi gửi hai cô con gái cưng cho anh kèm cặp để bước trên con đường học vấn mà gia đình rất kỳ vọng.

Quỳnh Trâm năm nay học lớp đệ lục của trung học đệ nhất cấp. Bội Trâm học lớp nhì cấp tiểu học.

Hôm nay là buổi học đầu tiên, hai chị em tiếp thu rất tốt. Làm anh gia sư cũng vui trong lòng. Hai bé ngoan, chăm học và dễ thương. Duy Phước thấy lòng ấm áp khi được gia đình Bác Tâm tin cậy và đặc biệt hai cô trò nhỏ quý mến.

Cứ mỗi tuần, ngày ba buổi, sau bữa cơm tối là anh Duy Phước tới căn phòng học trên lầu nhà bác Tâm để hướng dẫn hai chị em học. Duy Phước dạy đủ các môn trong chương trình học cho hai em. Quỳnh Trâm và Bội Trâm thông minh sáng dạ nên tiếp thu rất nhanh. Nhiều bữa làm xong bài tập sớm 15 phút  thì anh gia sư lại kể chuyện văn chương, khi thì một truyện ngắn của một nhà văn tên tuổi, khi thì giảng giải những điều các em thắc mắc về hiện tượng tự nhiên hay cuộc sống.  Hôm nay, làm bài xong sớm đạt kết quả tốt, thầy giáo trẻ và hai cô trò nhỏ ra ban công chơi thư giản một chút. Cây hoa quỳnh đã bắt đầu tỏa ra những nhánh mới, hứa hẹn mùa hoa sẽ tới. Bội Trâm nói:

- Em chờ dài cả cổ mà chưa thấy Quỳnh trổ bông?

Anh Duy Phước ân cần giảng giải:

-Trong thiên nhiên, có nhiều loài cây phải rất lâu mới ra hoa một lần như hoa Quỳnh, khi hoa nở dân gian vẫn quan niệm hoa Quỳnh mang lại điềm lành cho gia chủ (nhưng chỉ nở về đêm).

Quỳnh Trâm mỉm cười rồi thỏ thẻ:

-      Tên em có chữ Quỳnh chắc là ba mẹ yêu hoa quỳnh lắm mới đặt tên con gái đầu có hơi hướng của Quỳnh. Vậy anh có thể cho em biết thêm về hoa Quỳnh?

Hoa quỳnh (tên chính xác là Chi Quỳnh) –thuộc họ xương rồng, có nguồn gốc từ Trung Mỹ.

Đó là loài hoa chỉ nở về đêm, hương nhẹ nhàng thanh tao và quyến rũ, những bông hoa rất đẹp với màu trắng tinh khôi nhưng chỉ nở được hai tiếng là hoa sẽ tàn và đó là phút giây đẹp nhất của nó.

Bội Trâm hỏi:

- Vậy Quỳnh nở bông vào mùa nào trong năm? Sao em nghe nói nó không chịu nở vào ban ngày. Đợi mọi người ngủ rồi mới nở là sao?

Anh lại ôn tồn nói tiếp:

-Quỳnh thường nở vào cuối mùa hè và đầu mùa thu. Hoa quỳnh nở vào ban đêm trong khoảng thời gian từ 8 – 9 giờ tối. Bởi vậy, nhiều người có thú vui tao nhã ngắm hoa quỳnh nở.

Bội Trâm nhún vai tiếc rẻ: Hoa đẹp và hương thơm vậy mà chỉ nở về đêm.

Anh Duy Phước nói:

-Nguyên nhân hoa quỳnh nở về đêm được các nhà sinh vật học lý giải rằng nhằm để tránh cái ánh nắng ban ngày của mặt trời. Và vì sao hoa quỳnh chỉ tồn tại từ 3 – 4 tiếng là do hoa quỳnh cần giảm sự bốc hơi nước. Do vậy, hoa quỳnh nở rồi lại tàn ngay, đây cũng là đặc tính để hoa này có thể thích nghi được với cuộc sống. Nó khiêm nhường nở về đêm và chỉ dành cho những tâm hồn thanh tao biết đợi chờ. Hoa Quỳnh còn có ý nghĩa là loài hoa tượng trưng cho một “vẻ đẹp thủy chung”, như một tình yêu chung thủy, dâng hiến cho người tình trăm năm với một tâm hồn thanh tao và chỉ nở một lần cho tình yêu rồi phai tàn.

Cả ba im lặng hồi lâu chìm vào suy tưởng.

Gia sư họ Dương tiếp: 

-Trong những đêm trăng thanh, bên khung cửa sổ, cầm một tách trà ngắm nhìn những cánh hoa trắng tinh khiết, quyến rũ đua nhau nở trong đêm, tỏa hương thơm dìu dịu, là một thú vui tao nhã. Các cụ ngày xưa canh thời gian hoa quỳnh nở, mời bạn bè đến ngắm hoa nở, đối ẩm bên tách trà, luận sự đời cũng là một một thú vui nhàn nhã, cũng là một trong những cách hưởng thụ cuộc sống. Nghe anh giải thích, hai chị em càng mong chờ quỳnh nở hoa!

Quỳnh Trâm dặn:

 - Khi hoa nở, em sẽ báo anh qua ngắm hoa cùng tụi em!

Duy Phước đáp:

-Anh nhớ rồi và rất vui vì điều đó!

Phải nói anh giỏi đều các môn và dạy rất có tâm. Anh truyền đạt kiến thức dễ hiểu. Vì vậy, từ nhỏ anh đã có nguyện vọng thi vào sư phạm. Từ ngày có anh Duy Phước kèm cặp hai chị em học hành tiến bộ nhanh lắm. Hai chị em quý “anh thầy trẻ”của mình và cũng rất hứng thú trong học tập. Đặc biệt là Quỳnh Trâm tỏ ra rất có cảm tình với thầy giáo trẻ. Thời gian thấm thoắt mới đó mà năm nay Quỳnh Trâm đã đậu vào lớp đệ tam của trường Trung học Nữ Thành nội, còn Bội Trâm vào lớp đệ lục. Hai chị em cũng muốn sau này sẽ làm cô giáo. 

 

Hai chị em, mỗi người mỗi vẻ nhưng đều toát lên vẻ thanh tú. Bội Trâm đôi mắt rất có hồn, da trắng, mái tóc vàng mơ mỏng như tơ. Quỳnh Trâm 16 tuổi đã ra dáng thiếu nữ rồi! Đôi mắt đen láy, hàng mi cong dài. Đôi má ửng hồng trên khuôn mặt trái xoan. Mái tóc thề đen nhánh xỏa bờ vai thơm ngát hương bồ kết. Mỗi lần đi học về trong tà áo dài, bước đi nhẹ nhàng khoan thai. Cô làm việc gì cũng giỏi từ nấu các món, làm bánh hay đan lát thêu thùa rất khéo tay. Những ngày không có giờ dạy, nàng cảm thấy nhà thiếu vắng một người, nàng trộm nghĩ: “chẳng lẽ con tim bắt đầu xao xuyến rồi sao! Nhưng không được, phải học trước đã! Thương ai, để trong lòng còn chuyện học vẫn là ưu tiên một.”

 Còn Duy Phước không hiểu sao ngồi cạnh Quỳnh Trâm thì có cảm giác bồi hồi khó tả, nên anh thường ý tứ, bổn phận người gia sư và ngồi nghiêm túc, phía đối diện để chỉ vẻ cho hai em học bài một cách cặn kẽ, dễ hiểu nhất có thể.

Thấm thoắt thời gian trôi qua, anh Duy phước đã là một chàng thanh niên rắn rỏi cương nghị mà lịch thiệp, còn hai cô tiểu thư cũng mặn mà duyên dáng lắm. Mỗi lần làm bài tập, Quỳnh Trâm và Duy Phước vô tình chạm tay nhau, rồi ánh nhìn trìu mến của cả hai dành cho nhau báo hiệu cho một cuộc tình mới chớm. Mỗi lần Duy Phước về dưới quê với mẹ mấy ngày, Quỳnh Trâm cảm thấy thật trống trãi. Cô tự hỏi lòng: “hay là mình đã yêu?”. Vì mỗi lần bắt gặp ánh mắt của trìu mến của Duy Phước, nàng đem lòng thương tự bao giờ. Nhưng con nhà gia giáo, Quỳnh Trâm luôn e dè đúng mực. Vẫn cung cách lễ độ, chăm lo học hành dù “Tình trong như đã, mặt ngoài còn e”. Duy Phước rất quý hai chị em và đặc biệt trong anh hình bóng Quỳnh Trâm mỗi ngày một đậm nét hơn. Anh biết là con tim mình cũng đập những nhịp khác thường nhưng nghĩ rằng mình sẽ phải đi học xa, thêm gia cảnh mình sẽ không xứng với nàng, phần vì mình có người thân đi hoạt động Việt Minh mà ba mẹ nàng là dân kinh doanh (nói theo cách hồi đó là nhà tư sản) thì liệu có dung hòa. Dù nàng và gia đình nàng không nghĩ vậy!

Mấy hôm nữa là chàng phải chia tay với hai bé và gia đình Bác Tâm để vào nam học sư phạm.

Hôm nay, Bác Tâm bảo:

- Hết giờ dạy vào thư phòng gặp bác có chút chuyện.

Duy Phước nghe hồi hộp quá! Không biết chuyện vui hay buồn?

Duy Phước bước vào phòng gặp bác Tâm đang ngồi bên khay trà mới pha sẵn, chỉ chiếc ghế đối diện cháu ngồi xuống đây, uống tách trà với bác.

Bác nhấp ngụm trà rồi thong thả bảo:

-      Con dạy các em đã ba năm qua, các em tiến bộ lắm! Bác rất tiếc khi phải xa con. Vì chuyện học hành của con và tương lai còn dài phía trước. Nhưng con hãy xem nhà bác như nhà con, sau này mỗi lần về Huế con cứ tới chơi với gia đình. Bác biết con đã nhiệt tâm dạy dỗ các em. Hai bác rất quý cháu! Bác có lời thế này:

-       Con có muốn làm rể nhà bác? Thì một trong hai đứa, Quỳnh Trâm, Bội Trâm, đợi khi hai đứa đậu vào sư phạm, đi dạy. Lúc đó con thích đứa nào bác sẽ gả cho con!

 

Duy Phước cảm động quá, rưng rưng không nói nên lời. Anh ra chiều suy nghĩ rồi cung kính trả lời:

 

-      Con thưa bác, con rất vui khi được bác thương, trước hết con xin cảm ơn tấm chân tình của bác dành cho con, chuyện trăm năm là chuyện hệ trọng bác cho con thêm thời gian. Con phải cố gắng học hành rồi có công việc làm ổn định .Vì con nghĩ mình bây chừ chưa xứng với em Quỳnh Trâm.

 

-      Thế rồi, chàng từ biệt hai em, nắm tay Quỳnh Trâm và dặn dò chuyện học hành kỹ lưỡng. Anh từ biệt gia đình, khăn gói vào nam học sư phạm. Những ngày sống xa Huế, Duy Phước lòng đầy nhung nhớ, nhớ lời hẹn ngắm nụ quỳnh sẽ nở vào đầu thu năm tới. Phước biết mình đã yêu nhưng lòng đầy mặc cảm hoàn cảnh nghèo khó, mẹ góa con côi. Và một rào cản gia đình bác Tâm lại là tư sản thành thị không thể môn đăng hộ đối.

Sau biến cố 75, anh về dạy rồi làm hiệu một trường trong thành phố. Còn chị Quỳnh Trâm vào làm trong ban phụ trách đời sống của trường sư phạm.

 

Khi tôi nhập học tại trường, có dịp gặp chị - giai nhân một thời của Huế, với nét mặn mà duyên dáng, nét đi dáng đứng chuẩn mực. Mỗi lần tới gặp chị để nhận các nhu yếu phẩm dành cho sinh viên ngoại trú, tôi rất ấn tượng với chị- một vẻ đẹp đài các, phúc hậu, điềm đạm chỉnh chu. Một vẻ đẹp phải nói là của các cô gái Huế xưa mà tôi lấy làm ngưỡng mộ. Tôi rất thích phong cách làm việc của chị lúc nào cũng nhiệt tình, ân cần chu đáo.

 

Thế rồi tôi ra trường, xa chị từ đó. Tôi được điều động đi dạy ở một huyện miền núi cách Huế 100km. Nói sao hết những gian khổ của cuộc sống và công việc nơi rừng heo hút gió, hai bên đường thì lau lách bao phủ. Người dân tộc thiểu số chiếm phần lớn. Đường sá đi lại khó khăn. Ăn uống thiếu thốn. Ra đi, được phát 2 lọ thuốc chống sốt rét và một cái chăn bông, chừng đó thôi là đã hiểu phải đối mặt với những gì. Nên khi có quyết định cho về Huế học tiếp là mừng lắm!

 

Sau hai năm giảng dạy nơi đây, tôi được đi học cbql thời gian 1 năm tại TP Huế. Được về nhà, là vui rồi! Mừng khấp khởi khi được về xuôi chứ cũng chẳng mơ mộng gì làm quản lý. Mặt non choẹt nói ai nghe! Chủ nhiệm mấy đứa học trò thôi mà nhiều khi mệt bở hơi tai với tụi nó rồi (nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò mà). Mình cũng từng trải qua hạng thứ 3 này rồi nên không lạ gì! Về nhà mình còn sà vào lòng mẹ nhỏng nhẽo thì quản lý, quản liếc gì. Chỉ là về đi học để gần nhà ăn cơm mẹ nấu thôi. Nghĩ đến đó mừng khấp khởi rồi!

 

Khi về nhập học tại trường cbql, gặp lại chị Quỳnh Trâm, chị đã đổi về công tác tại đây, chị em gặp nhau như người thân lâu ngày gặp lại.  Bỗng tôi có quyết định điều động đột xuất tới dạy trường do anh Dương Duy Phước làm hiệu trưởng. Thế là tôi kể với chị là bữa nay mới đổi về dạy một trường gần trung tâm thành phố, sếp của em là anh Dương Duy Phước. Nghe nhắc đến tên anh, ánh mắt chị vui hẳn lên. Thả ánh nhìn vào cõi xa xăm như đưa chị về lại những năm tháng thuở thiếu thời. Chị kể cho tôi nghe mối tình đầu của chị là tình yêu chị dành cho anh Duy Phước- thầy dạy kèm của chị. Chị nói do duyên nợ không thành chứ chị thương anh Phước lắm! Mà chị cũng tin rằng anh cũng thương chị. Nhưng thôi, giờ mỗi người có một ngã rẽ khác nhau, chị giữ lại cho riêng mình những kỷ niệm êm đềm, trong sáng với anh! Thế là đủ, lòng thầm mong anh luôn hạnh phúc! Tôi có cảm giác là chị càng thương quý tôi hơn sau khi biết tôi là lính lác của anh Duy Phước. Chứng tỏ tình cảm chị dành cho anh rất sâu đậm. Nếu tôi là em gái của anh Phước thì chị sẽ thương tôi biết chừng nào! Hai chị em thường ngồi bên nhau những lúc rảnh rỗi tâm sự chuyện đời, chuyện người không biết bao nhiêu là đủ. Tôi cũng kể với sếp tôi về những câu chuyện tâm tình của chị em tôi, anh nhìn xa xăm, như ngược về miền quá khứ. Tôi có cảm giác họ không thể quên nhau, nhưng ai cũng có bổn phận của mình, phải sống cho cả những cuộc đời khác nữa. Nên tất cả đều gửi trọn vào ký ức ngọt ngào một thuở, lòng thương mãi nụ hương quỳnh hương chưa kịp nở.

 

…Bẵng đi một thời gian, do hoàn cảnh riêng, tôi trôi dạt vào Nam và từ bấy đến giờ không gặp lại chị. Mỗi lần về Huế, tôi cũng dò hỏi nhưng nay chị không làm ở trường cũ nữa, không biết giờ chị ở đâu? Nhưng rõ ràng chị cũng có một chỗ đứng trong lòng tôi đầy mến mộ. Tôi quý cả hai người nên lòng cũng chạnh thương những nụ quỳnh chưa nở.

 

 Với tôi, vẫn mong đầu thu tới, trong một đêm trăng thanh sẽ có dịp ngắm hoa quỳnh bên tách trà thơm hàn huyên cùng những người tôi trân quý!

 

 

Sài gòn ngày, 7/7/2022

Hoàng Thị Bích Hà

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Mười 20219:45 CH(Xem: 11614)
Tháng Mười của lễ hội bắt đầu, người người tấp nập trong các cửa hàng, mặc kệ những cơn gió mang theo hơi lạnh giá của cơn mưa dầm của mùa thu, hay cái nắng vàng óng ả của những chiếc lá vàng đang bay trong gió lộng. Lòng đường đầy xác lá làm tôi nhớ đến cảnh người phu quét lá ở quê nhà, chiếc xe bằng gổ và cây chổi dài họ cứ quét và lá cứ rơi và gió cứ thổi tung và quay tròn rồi rơi xuống đường. Ngày cứ trôi qua và đêm đổ xuống trên những ngọn đèn vàng của những con đường đầy bóng cây và chiếc xe gổ cùng như người quét lá mang lại trong tôi một hình ảnh thân quen của thành phố Sài Gòn, nơi tôi đã sinh ra, lớn lên và ra đi để đến một miền đất khác. Tháng Mười mang theo khá nhiều kỷ niệm, của thời trẻ cho đến ngày già, Những ngày cuối thu mang theo chút tiếc nhớ của ngày xưa, dịu dàng hơn như một hớp rượu nho ướp vào mùa thu trước, cơn say dịu dàng như những âm giai trầm bổng trong một trường khúc concerto duy nhất của Jean Sibelius...
26 Tháng Chín 20218:35 CH(Xem: 10781)
Hôm hết đợt “3 cùng” chống dịch ở bên khu công nghiệp, Mìn, Lù, Phủ về phòng trọ không thấy Giắng đâu. Hỏi. Chị chủ bảo: “Mình nhận A Giắng làm em nuôi rồi. Đưa nó lên nhà trên ở cho tiện. Ở dưới một mình hôm nọ ốm đói suýt chết đấy.” / “Thế…thế… tối nay có ‘xúc than đóng gạch’ nữa không?” / Mặt chị chủ thốt nhiên đỏ bừng. Hạ giọng thì thầm: “Thôi. Từ giờ thôi nhé. Chuyện đâu bỏ đó coi như không có gì nhé.”
14 Tháng Chín 20218:20 CH(Xem: 10392)
Tay Giắng quờ quạng vơ vào ngực áo chị, miệng khô khốc nhóp nhép như bé con đòi bú. Giắng nhắm nghiền mắt thều thào: “nước ước…”. Chị nhìn quanh, cả phòng chả có cái gì gọi là nước. Cái xô nhựa đựng nước nấu ăn cũng khô rang lăn lóc góc phòng. Chị tắc lưỡi vén áo lên, kề bầu ngực căng mọng sữa vào miệng Giắng bóp nhẹ. Một tia sữa trắng thơm nức phun xuống đôi môi khô nứt. Giắng nhóp nhép nuốt. Rồi nuốt ừng ực. Chị áp cả bầu vú vào miệng Giắng. Nắn. Hết bầu này sang bầu kia. Giắng vẫn nhắm nghiền mắt nuốt. Khuôn mặt dần hồng lên. Chị nhìn xuống, mãn nguyện… / Giắng mở mắt ra. Nhìn. Hồi lâu. Bỗng òa khóc, ôm chầm lấy chị nức nở: “Chị ơiiiiii…”
13 Tháng Chín 202112:18 SA(Xem: 12146)
Nhà tôi ở lưng chừng đồi. Ngôi nhà nhỏ như tổ chim ghé vai dựa vào vách sỏi cách mặt đường ba chục bậc cấp ấy có một cây mộc hương bốn mùa lặng lẽ buông từ nách lá những nhánh bông li ti màu vàng ngà điểm đôi chấm ngả sang trắng sữa và một khoảnh sân bé xíu lát bằng những viên gạch gốm, màu men đất thâm trầm lấp lánh ánh đen. Đứng ở đấy, nhìn về phía trước sẽ thấy trọn vẹn một hồ nước mênh mông thấu cả đáy sỏi vàng – Hồ Bến Tắm. Giữa hồ có một hòn đảo rất lớn, tách biệt hẳn với đất liền vì con đường độc đạo dẫn vào đó bao giờ cũng chìm sâu trong nước. Mẹ tôi gọi đảo ấy là Đảo Mộc Hương…
24 Tháng Tám 202110:46 CH(Xem: 12449)
Tôi từ từ từ đứng dậy, như thoát ra khỏi một lớp vỏ nào đó, bước tới vài bước rồi quay lại nhìn chính mình. Tôi vẫn còn ngồi ôm đầu trên sofa, quằn quại trong đau đớn. Tôi bỏ mặc tôi ngồi đó để quay vào bên trong, bây giờ đã thấy trong người nhẹ nhàng đôi chút. Tôi bỏ lại cả cơn đau và cơn say, lướt đi như không chạm đất, lần về phía cái cầu thang gỗ dẫn lên căn gác xép. Mùi ẩm mốc của nơi ít người lui tới tràn ngập căn gác tối. Tiếng mưa vỗ trên nóc nhà nghe rõ mồn một. / Tôi bắt đầu lục lọi những món đồ đã từ lâu không đụng tới, không biết mình đang tìm kiếm gì. Mấy cuốn sách cũ bay mùi ngai ngái. Vài tập nhật ký bám đầy bụi. Những album ảnh dày cộm, chất chứa biết bao nhiêu nhân vật trong đó, người còn, kẻ mất. Tôi thẫn thờ lật qua vài trang bất chợt, những quãng đời đã qua như từng phân đoạn trong một cuốn phim dài, lúc thì đen trắng, lúc thì nhiều màu sắc, hiển hiện như chưa bao giờ mất đi. Cơn mưa hiện tại vẫn còn rạt rào trên mái.
17 Tháng Tám 202110:48 CH(Xem: 10121)
Vòng quay trái đất hai mươi bốn giờ một ngày, ba trăm sáu mươi lăm vòng một năm, ba ngàn sáu trăm năm mươi vòng mười năm. Vòng quay thời gian nhớ thương, đợi chờ, tuyệt vọng. Vòng quay bánh xe ra đi chắc nàng còn ngủ say, vòng quay bánh xe trở về không biết nàng giờ ra sao.
04 Tháng Tám 202111:49 CH(Xem: 9864)
Tần Cuồng ngồi đó, mắt láo liên, môi tím ngắt, nhưng khóe miệng ngạo nghễ, không rõ là cười ruồi, cười đểu, cười khẩy hay đang suy nghĩ, âm mưu, dự tính hoặc đắc thắc việc gì. /Mọi người chửi Đ. M. thời Covid, có kẻ phát điên lên, mất trí vì căm ghét, thù hận, nhưng Cuồng thì đắc trí, và đắc trí như giới thượng cấp của y.
26 Tháng Bảy 20219:22 CH(Xem: 9817)
Đó là vào những ngày mùa thu Canh Thìn, năm Minh Mạng thứ nhất (1820), "dịch phát ở Hà Tiên rồi lan ra toàn quốc" (Đại Nam Thực lục). Khi vua bảo các quan: "Theo sách vở chép thì bệnh dịch chẳng qua chỉ ở một châu một huyện, chưa có bao giờ theo mặt đất lan khắp như ngày nay", triều thần Phạm Đăng Hưng đã tâu rằng: "Thần nghe dịch bệnh từ Tây dương sang", nghĩa là triều đình đã có nhiều người biết dịch bệnh truyền qua các thuyền buôn đến từ Ấn Độ, và dịch tràn lan do khí độc (lệ khí) phát tán. “Thực lục” còn viết: "Vua lấy bạch đậu khấu trong kho và phương thuốc chữa dịch sai người ban cấp", cho ta biết đây là một trận dịch tả.
14 Tháng Bảy 20215:45 CH(Xem: 10405)
Cái loa phường treo trên trụ điện đọc tin ra rả, ngày ba buổi. Sáng, trưa, chiều. Tin tức luôn sốt dẻo có từ trung ương tới địa phương, nhưng mấy ngày rày, thời lượng tin dành phần lớn nói về tình hình bệnh dịch cúm cô vi – Vũ Hán. Sau một năm, tình hình bệnh dịch tạm thời lắng xuống, theo lời từ cái loa phường phát ra trên trụ điện, đó là chiến công hiển hách của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương, chống dịch như chống giặc. Những thành quả gặt hái được năm qua như mặt trời luôn tỏa sáng ở xứ ta, như cái trụ điện ở Mỹ nếu nó biết đi, nó cũng cố lết về. Câu ví von của cấp lãnh đạo làm nức lòng mọi người.
15 Tháng Sáu 20211:10 SA(Xem: 11700)
Tin tay lái xe của văn phòng Bộ dương tính covid, đưa về cơ quan lúc cuối giờ chiều. Choáng váng. Chưa ai kịp định thần xem nên làm gì thì xe cấp cứu 115 đã hú còi inh ỏi, lao đến trụ sở Bộ nhấc ngay đi điều trị tập trung. Công an, dân phòng rầm rập đến theo sau, kéo dây thép gai, dựng hàng rào phong tỏa cách ly luôn tòa nhà trụ sở Bộ nằm trên một con phố sầm uất nhất thủ đô.