- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

ĐỨA CON CỦA NGƯỜI TÌNH

23 Tháng Sáu 20224:49 CH(Xem: 14642)
di tru - tranh LMP
Di trú - tranh Lê Minh Phong

Truyện ngắn

Đứa Con của Người Tình

Trương thi Kim Chi

 

 

 

 Ngâu mở cổng. Người cô bỗng lạnh cóng, tê cứng lại như muốn đóng băng.

 Phản xạ tự vệ, Ngâu đưa đôi bàn tay lên che mặt, nhắm nghiền mắt lại.

− Ô kìa! Cô… cô làm sao thế?

_ ...

 − ... Ồ! Xin lỗi! Tôi hiểu rồi… Tôi đến đây không phải để tạt axit, hay làm bất cứ điều gì khác làm tổn thương cô. Cô hãy yên tâm.

Cơn lạnh đi qua nhưng chân Ngâu lại bủn rủn, muốn quỵ xuống. Cô vẫn đứng im, run rẩy, hé mắt nhìn qua kẻ ngón tay. Người đàn bà trông hiền lành, đang quan sát cô với ánh mắt đầy trắc ẩn, thương hại.

 Cô buông thỏng tay xuống. Cúi đầu xấu hổ tủi nhục cùng cực, đến độ chỉ muốn tan biến đi.

Người đàn bà nói nhỏ nhẹ:

 − Cô Ngâu có thể mời tôi vào nhà được không? Chúng ta cần nói chuyện.

 − Dạ… Xin lỗi … Dạ mời… vào nhà.

Ngâu lúng túng đến nỗi vấp chân vào ngạch cửa nhà mình, suýt té.

 Có vẻ thấu hiểu tâm trạng Ngâu, người đàn bà tiếp tục trấn an, rất dịu dàng:

 − Ngâu à, nhấn mạnh lần nữa là tôi đến đây không phải vì ghen. Anh Thước đã kể hết mọi chuyện với tôi từ lâu rồi… Và tôi thật lòng muốn giúp hai người. À, để tiện việc xưng hô, cô hãy kêu tôi là chị…

 Ngâu vẫn chưa thôi cơn khiếp hãi.

 − Dạ…

_ Thú thật thì tôi cũng có một chút… tò mò. Chút chút thôi. Mà lạ ghê, cô đúng như trong tưởng tượng của tôi.

 − Dạ…

Có lẽ người đàn bà lớn tuổi hơn Ngâu nhiều nhưng còn phảng phất nét đẹp thanh tú, đằm thắm. Bà trang điểm nhẹ, rất khéo. Không đeo nữ trang. Quần tây đen và chiếc áo pull tím màu hoa khế. Tất cả đều giản dị mà lại toát lên vẻ lịch lãm, sang trọng.

 − Tôi hi vọng cô sẽ hiểu và tin sau khi nghe tôi nói. Trên đời nầy chuyện gì cũng có thể xảy ra kia mà!

 _ Dạ…

 − Thật ra thì cũng nhân tiện về thăm quê nhà, chứ tôi không tốt đến nỗi bỏ thời gian và tiền bạc đi lo chuyện… cho chồng tôi và cô.

 −  Dạ…

 Vợ Thước đan đôi bàn tay vào nhau, đặt trên quai túi xách. Đôi tay trắng trẻo, nổi đầy gân xanh, lấm tấm những đốm nâu lão hóa. Mà sao chị ấy không đeo nhẫn cưới?

 − Ngâu à, cô và anh Thước rất hợp nhau. Đúng không? Vừa mới gặp cô, tôi đã nhận ra điều ấy.

− Dạ…

Chị ấy quá nhạy cảm. Mà sao những móng chân của chị ấy không hề sơn phết? Đúng là Thước và Ngâu rất hợp nhau. Họ còn có thể hiểu nhau kể cả khi im lặng nữa kìa. Họ đã cùng học một ngôi trường lớn trong tỉnh. Cùng học một số thầy cô. Cùng biết nhiều người trong trường, trong thị xã… Những đề tài giữa hai người tưởng chừng không bao giờ cạn. Mà càng nói càng thú vị! Họ có thể ngồi bên nhau thâu đêm suốt sáng không chán. Ngâu say sưa nghe Thước kể về những phương trời xa lạ chàng đã từng đến. Còn Thước thì cứ đi từ ngạc nhiên nầy đến ngạc nhiên khác về Ngâu. Ngâu không còn trẻ, không đẹp, lại có vẻ lạnh lùng. Lạnh lùng một cách kiêu kỳ. Lạnh lùng đến khô khan. Nhưng trò chuyện với Ngâu thì quá tuyệt, Ngâu thông minh, dí dỏm lạ lùng.

Vợ Thước điềm tĩnh:

 − Đương nhiên cô phải thắc mắc. Anh Thước đâu phải là một người đàn ông mất giá, càng không phải là người chồng để vợ phải chán chê. Thậm chí, có thể nói tuy  lớn tuổi nhưng anh vẫn còn phong độ, lại trí thức, lịch thiệp, khá giả. Tôi biết, cỡ như ảnh, về đây có thể tìm được cô gái trẻ đẹp hơn Ngâu nhiều. Nhưng ảnh đã chọn Ngâu.

 − Dạ…

 Chị ấy duyên dáng quá! Vẻ duyên dáng tự nhiên vốn có. Vậy anh ấy có so sánh khi nhìn Ngâu không?

 Chuyện bắt đầu từ hai bên bờ của con sông nho nhỏ quanh năm nước xanh biêng biếc, chảy hiền hòa. Tình cờ trong lần về Việt Nam thăm cha mẹ, Thước để ý cứ sáng sáng chiều chiều nơi vườn hoa lung linh sắc vàng bên kia sông thấp thoáng bóng dáng con gái. Thước chợt thấy vui vui khi tưởng tượng thuở nhỏ, lúc chàng và lũ bạn trần truồng bơi lội bên nầy sông, hẳn bên kia sông, cô gái đó còn quấn tã nằm nôi.

 − Tôi còn biết Ngâu đến với anh Thước không hề vì tiền, hay vì ham ra nước ngoài.

 − Dạ…

Dường như lối đi bí ẩn của số phận đã kéo chân Thước sang đây. Hôm đầu tiên, Thước không có gì để chú ý ngoài việc tự hỏi sao Ngâu có thể sống một mình trong căn nhà cổ kính, mênh mông, âm u lạnh lẽo thế kia!

− Hai người đã thực sự yêu nhau?

− Dạ…

Thước luôn âu yếm, chiều chuộng, nâng niu, tôn trọng Ngâu hết mực. Và chính Ngâu đã tự nguyện dâng hiến. “Nếu em thấy bất tiện, chúng ta lấy hai phòng.” Thước đã nói vậy khi họ đứng trước quầy lễ tân, nhưng Ngâu đã im lặng. Rồi họ thực sự tận hưởng tuần trăng mật ở một khu resort có những căn phòng mang hình dáng gốc cây cổ thụ, đứng riêng biệt, cách xa nhau, kín đáo, vắng vẻ. Họ đã chọn một phòng sát bờ biển, có lối đi nhỏ giữa hai hàng dương liễu non vừa mới cao bằng đầu người dẫn ra mé nước. Đó là những buổi sáng biển trời bao la mênh mang màu ngọc bích. Nắng mai óng ả như mật ong chảy lai láng tràn trề trên mọi vật; từng con sóng nhỏ rụt rè trườn vào, vỗ về bờ cát nóng. Đó là những buổi chiều ấm áp hoặc lay phay mưa phùn se lạnh. Là những đêm rất sâu, mềm mại mượt mát như lụa, vang vọng tiếng sóng nhè nhẹ rì rầm. Biển ở đó độ mặn cao và êm như mặt hồ nên Ngâu tha hồ nhẹ nhàng bơi cạnh Thước. Bơi mỏi, họ cùng thả người bên nhau trên ghế dựa dưới mái che bằng lá dừa có hình chiếc vỏ sò, nhìn ra khơi xa nghìn trùng. Và cùng chung ly vang đỏ lấp lánh ánh chiều, sóng sánh sắc trời sắc biển. Đó là những ngày mà nhiều lúc Ngâu không biết mình đang lạc ở góc nào của vườn địa đàng.

− Ồ, vậy là rất good!

− Dạ…

Ngâu choáng ngợp, bồng bềnh trong hạnh phúc rõ ràng có thật mà cô chưa từng biết đến trong đời. Trong nỗi đam mê nguyên thủy của tổ tông, cô tiếc lắm cho nửa phần đời đã trôi qua. Sao mình lại dại khờ mông muội đến như vậy trong khi cuộc sống thì ngắn ngủi quá chừng?

 − Tôi còn biết, những ngày qua, hai người rất hạnh phúc. Nhất là Ngâu. Ồ, xin lỗi… Tôi cũng là đàn bà và đã từng đi qua chặng đường đó. Tôi hơi ghen chút khi hình dung cảnh hai người bên nhau. Hơi chút chút rồi thôi.

 − Dạ… Em…

 Ngâu lạ lẫm, bỡ ngỡ trong căn phòng mát lạnh, nệm gối êm ái trắng muốt của khách sạn. Ngâu bối rối, bẽn lẽn trước ánh mắt chàng mãnh liệt, nồng nàn men say. Cái ranh giới tưởng chừng vững chắc lắm mà lại rất đỗi mong manh kia đã không còn. Ngâu ngất ngây, buông trôi tất cả. Ngâu mê say đón nhận và mê say trong tình yêu dồn nén bao tháng năm dài. Còn Thước, xúc động lạ lùng khi nhận ra niềm tin giản đơn và tình yêu trong trẻo của người con gái trinh bạch. Thước cuống quýt, say đắm, cuồng si như chàng trai biết yêu lần đầu.

 − Có điều, Ngâu chưa trải nghiệm cuộc sống vợ chồng trong đời thường. Nó không phải là tuần trăng mật đâu. Cuộc sống vợ chồng của đời thường là những va chạm rất vụn vặt, nhỏ xíu như những hạt cát. Lắng đọng mỗi ngày. Im lặng… Chờ.

 – Dạ…

 Trong cơn mê tình ái, Ngâu nhắm mắt quên tất cả. Thế nhưng đôi lúc tỉnh ra, cô bỗng giật thót, không rõ mình là ai nữa. Sở dĩ cô vẫn còn cô độc, có thể vì duyên nợ, mà cũng có thể vì cô vốn khép kín, quá nền nếp, nết na. Ngày nao dưới giàn thiên lý trước hiên nhà, Doãn đã bao lần ngỏ lời. Nhưng Ngâu ngượng ngùng, mắc cỡ, chỉ biết cúi mặt im lặng. Có lần Doãn bạo dạn cầm tay Ngâu, Ngâu xấu hổ hất ra bỏ chạy. Rồi Doãn nản. Bỏ cuộc. Đến Văn, Ngâu cũng cứ như vậy… Những chàng trai đã đến rồi đi. Chỉ còn lại mình Ngâu. Và tất cả tình yêu còn lại giờ đây Ngâu dồn cho Thước.

 Giọng người đàn bà bỗng trầm xuống, gần như tâm sự.

− Yêu nhau thì dễ. Sống với nhau cả đời mới khó. Vả lại … bọn tôi cũng gần cả đời rồi, chán nhau rồi. Giờ tôi lại thích ở một mình. Tự do. Hoàn toàn tự do. Không còn bất kì ràng buộc, gò bó, vướng mắc, lệ thuộc nào; ngay cả những thói quen cố hữu của một gia đình trong sinh họat hàng ngày. Nói chung tôi mong muốn được giải thoát. Được nhẹ thênh. Được sống hoàn toàn theo ý mình.

 − Dạ…

− Thêm nữa, khi không cần đến nhau thì chung sống chỉ là gánh nặng cho nhau… Gánh nặng! Ngâu hiểu không? Gánh nặng!

 Hiểu ư? Ngâu không thể nào hiểu được. Tại sao đến nông nổi đó? Nếu được trở lại từ đầu, nếu được chọn lựa, Ngâu vẫn chọn Thước, dù chỉ để có được vài khoảnh khắc yêu thương và bao ngày đêm đằng đẵng mong chờ.

Hôm đó, Thước tiện tay lấy cây đàn guitar treo trên tường. So dây. Vài hợp âm réo rắt, rộn ràng tuôn ra, luồn vào từng ngóc ngách trong căn nhà hiu quạnh. Rồi Thước chơi vài bản nhạc tiền chiến quen thuộc. Cây đàn ngân lên những giai điệu xao xuyến, thiết tha. Rồi Thước hát. Giọng Thước vẫn khỏe, ấm và truyền cảm, âm vực rộng. Ngâu ngơ ngác. Ngẩn ngơ. Bần thần. Thước đã khuấy động bao cảm xúc trong tâm hồn cô vốn đã lãng quên, lắng chìm từ lâu. Thước cứ vừa đàn vừa hát, hết bài nọ đến bài kia. Ngâu ngồi đó mà như chìm trong cõi mộng. “Hôm xưa tôi đến nhà em, ra về mới nhớ rằng quên cây đàn. Tình tang tính tính tình tang…” “Nắng chia nửa bãi chiều rồi. Vườn hoang trinh nữ, xếp đôi lá sầu. Sợi buồn con nhện giăng mau. Em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây…”

 Cả thời tuổi trẻ mộng mơ sống lại. Ánh mắt Ngâu khao khát, đợi chờ. Thước bỏ cây đàn xuống, ôm Ngâu vào lòng. Cô run rẩy, rùng mình.

 − Nhưng Ngâu thì ok. Bởi… cũ ta mới người. Mà thôi, tất cả rồi cũng chẳng có nghĩa gì trong cõi ta bà vô thường nầy.

 − Dạ…

Với Ngâu, giờ đây cả thế giới nầy chỉ có Thước. Thước. Và Thước… Miệng cô lúc nào nói ra cũng có tên Thước. Từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn, cô luôn tìm cách đưa Thước vào, giọng êm như ru, ngọt ngào, nồng nhiệt. Mắt cô bỗng sáng long lanh, má bỗng hồng và môi bỗng thắm. Cứ như có phép lạ. Hình ảnh Ngâu chính là hiện thân của hạnh phúc cả thế gian. Họ hàng, bà con lối xóm bắt đầu xì xèo dị nghị, dù Ngâu khéo léo che chắn bằng mọi cách nhưng không thể qua được những con mắt tò mò của họ. Bọn trẻ con rất khoái rình. Chúng về nhà kể cho người lớn nghe những gì chúng thấy. Các bậc chú bác, cô dì lúc đầu còn nói xa nói gần. Sau đi thẳng vào vấn đề, rằng Ngâu không thể sống già nhân ngãi non vợ chồng như vậy. Phải rõ ràng, phải đâu ra đó!

 − Mà thôi, tôi đã chừng tuổi nầy, những cái lẽ đời ấy nói ra cũng bằng thừa. Vậy chuyện nãy giờ chắc đủ để Ngâu hiểu vì sao tôi có thành ý muốn giúp hai người? Nói rõ ra, tôi tự nguyện nhường anh ấy cho Ngâu. Nói trắng ra, nghe như phũ phàng với Thước, nhưng tôi đành nói để cô hiểu và tin: Tôi phải cám ơn Ngâu…

− Dạ… Em… 

Nàng công chúa Ngâu đang ngủ quên trong rừng bỗng được chàng hoàng tử Thước đặt nụ hôn trên môi khiến nàng thức dậy.Thước khiến cô nhận ra cuộc sống trước đây của mình hiu hắt ảm đạm, tẻ nhạt biết chừng nào. Tuổi tác và thời gian không cho phép họ chần chừ, chậm chạp. Nên họ phải bay. Bay. Bay… kẻo không kịp. Họ bàn bạc: Một là, Thước qua bển li dị vợ rồi cưới cô, bảo lãnh cô sang. Hai là Thước về bên nầy sống với cô.

 − Có lẽ anh Thước về đây sống với Ngâu là tiện nhất. Anh ấy đã nói ý đó với tôi. Được vậy, phần tôi cũng nhẹ nhàng.

Ngâu như bị đóng đinh trên ghế. Mắt cay cay mà không hiểu vì cớ gì. Sự thẳng thắn, sòng phẳng hết mức của vợ Thước khiến cô tự dưng thấy bẽ bàng. Sư thành thực đến trần trụi, mà lại tinh tế sắc sảo của vợ Thước làm cô vừa kinh ngạc, khâm phục vừa mơ hồ âu lo. Ừ thì cũ người mới ta. Vậy là cô đã có Thước. Rồi cô sẽ được công khai mặc chiếc đầm bầu dễ thương. Cô sẽ cùng Thước đi sắm những bộ quần áo, mũ vớ em bé sơ sinh xinh xắn. Rồi căn nhà nầy sẽ rộn rã tiếng nói cười, tiếng bi bô của trẻ con. Hạnh phúc biết dường nào!

***

Đóng kín cửa lại. Ngâu đếm viên gạch thứ bảy tính từ góc bếp ra. Cạy lên. Túi vàng nặng trịch. Gia tài của cha mẹ để lại. Ngâu kêu người sửa sang lại nhà cửa. Cô chạy tới chạy lui. Lăng xăng. Tíu tít. Bận rộn trong niềm vui chất ngất, Ngâu nâng niu chăm chút từng chi tiết. Có cả phòng dành cho em bé. Một lâu đài hạnh phúc nho nhỏ, tiện nghi, êm ái, lãng mạn.

Cuối cùng, ngày đợi mong cũng đến! Ngâu lên phi trường đón Thước. Ngâu có mặt từ tám giờ sáng dù giờ máy bay đến là mười một giờ. Nhưng mãi đến khuya, trong dòng người từ phòng thủ tục đi ra, không hề có Thước! Và điện thoại, email của Thước bỗng bặt tăm. Lòng Ngâu như có lửa đốt. Ngâu liên tục gọi cell phone của Thước nhưng không được trả lời.

 Thước ơi! Sao anh nỡ đối xử với em như vậy?

***


Lòng tự trọng của người đàn bà trong tình yêu không cho phép Ngâu tìm cách liên lạc với Thước nữa. Với lại, Ngâu còn đang dồn sức đối mặt hàng ngày với những lời dè bĩu, ánh mắt khinh bỉ của xung quanh.

 Nhưng Thước ơi, tận đáy lòng em vẫn không tin là anh lừa dối em. Hẳn có một nguyên nhân nào đó?

 Dù sao em vẫn cảm ơn anh. Nếu quay lại từ đầu, em vẫn làm như vậy. Em đã sung sướng đến nhường nào khi được cùng anh bay lên miền hạnh phúc. Anh biết không, giờ đây, trong từng hơi thở, trong mỗi giấc mơ, em vẫn đang bay lên, bay lên cùng anh khi em sống lại những giây phút đó.

***


Bọn nhóc tì rất thích rình nhà Ngâu. Hiếu kỳ nhất là những lúc chúng thấy Ngâu ôm cái gối trong lòng, kiểu như mẹ ôm con. Cái gối nho nhỏ, được mặc quần áo hệt như em bé. Ngâu vừa hát ru, vừa vạch áo cho “con” bú. Hoặc Ngâu áp vào tai cái vỏ ốc màu trắng chừng bằng nắm tay, nói với “con”: “Sóng biển đang vỗ vào bờ nè con!”. Hoặc Ngâu ôm “con” đi tới đi lui, vỗ về… Ngâu hay ru: “Ầu ơ… Gió đưa cây cải về trời. Rau răm ở lại chịu lời đắng cay.” Có bữa, để “con” nằm trên giường, Ngâu ngồi cạnh vừa ôm đàn, vừa hát, hết bài nọ tới bài kia : “Ngủ đi mộng vẫn bình thường. À ơi có tiếng thùy dương mấy bờ. Cây dài bóng xế ngẩn ngơ. Hồn em đã chín mấy mùa buồn đau...”

 Thỉnh thoảng, Ngâu bồng “con” ra cửa, nhìn xa xăm về phía mặt sông lăn tăn sóng nhỏ, loang loáng, hanh hao nắng chiều, thầm thì dỗ dành con:

 − Nín đi con! Ba con về kìa!

 Bọn nhóc lè lưỡi, bỏ chạy.

***


Ở một nơi rất xa. Xa hàng muôn dặm. Thước đang nằm trên giường bỗng giật mình muốn chồm dậy nhưng không thể. (Thước đã nằm một chỗ chừng vài tháng nay, sau tai nạn hôm tới sân bay để về Việt Nam). Thước thở một cách khó nhọc. Trái tim đau đớn đến nhức nhối. Nước mắt ứa ra.

 Hình như giọng Ngâu thoang thoảng đâu đây, rưng rưng, như gần như xa.

Thước ao ước đựơc nói với Ngâu rằng, khi yêu người ta có thể vượt qua tất cả, nhưng không bao giờ bước qua được định mệnh.

 Tuy nhiên Thước đã im lặng sau nhiều ngày đêm suy nghĩ kỹ càng.

 

Trương thi Kim Chi

 

______________

  (Cây đàn bỏ quên- Nhạc Phạm Duy. Ngậm ngùi- Thơ Huy Cận. Nhạc Phạm Duy)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Bảy 202211:05 CH(Xem: 13530)
Ngày X, tôi tỉnh dậy trên giường, bác sỹ, y tá và cả hộ lý nhìn tôi, cái nhìn từ trên xuống, còn tôi thấy họ chụm đầu, vài đôi mắt kính của họ lấp loáng những tia sáng, những ngọn đèn trên trần cũng hắt xuống một thứ ánh sáng dịu.
07 Tháng Bảy 20222:40 CH(Xem: 13788)
Sau gần mười năm “gió bụi”, Nguyễn Du mới trở về quê hương, với sông Lam, núi Hồng. Hai anh em đều ngỡ ngàng vì làng Tiên Điền trở nên tiêu điều xơ xác. Những ngôi nhà xinh xắn, những vườn cây sum suê trái ngọt đã bị đốt phá, ngổn ngang nền nhà gạch đá nham nhở, những cây cổ thụ trơ gốc cháy xém. Đó là quang cảnh sau cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Quýnh- anh cùng cha khác mẹ của Nguyễn Du năm Tân Hợi 1791.
03 Tháng Bảy 202211:33 SA(Xem: 14300)
Ở nhà thường gọi là chị Xíu. Tên của chị là Lan Vy - chị họ của tôi. Chị em tôi chơi thân với nhau như chị em ruột. Tôi không có chị gái nên hình mẫu của tôi chính là chị để mà học hỏi. Chị nổi tiếng xinh đẹp và hiền thục ngay từ lúc còn là nữ sinh đệ nhất cấp. Khi vào lớp đệ thất (lớp 6 bây giờ) bác tôi có mời một anh sinh viên tên là Vinh về kèm cho chị học. Anh ấy nhiệt tình, kiến thức vững và tính cách cũng đàng hoàng. Năm tháng trôi đi học xong đệ nhất cấp, chị thi đỗ vào trường Nữ trung học Thành Nội. Mẹ chị là một người phụ nữ đẹp, phúc hậu và đặc biệt là có giọng hát ru và những làn điệu dân ca xứ Huế rất hay. Ngoài giờ học chị được mẹ kèm cặp, nữ công gia chánh như đan lát, thêu thùa, làm các loại bánh trái, nấu được những món ăn đặc trưng xứ Huế rất ngon.
29 Tháng Sáu 20226:22 CH(Xem: 15050)
...lần nầy bà quyết tâm bỏ nhà ra đi. Mà đi đâu? Tới nhà con trai thì ngại với dâu. Tới nhà con gái thì ngại với rể! Suy đi tính lại, bà quyết định sẽ đi share một căn phòng, ở một mình cho sướng cái thân. / Thôi thì ráng chịu đựng đêm nay. Chỉ một đêm nay thôi. Rồi sáng mai bà sẽ đi mua mấy tờ báo kiếm phòng thuê. Bà sẽ kiếm cái nhà nào gần chợ Việt Nam cho tiện. Người bạn thân của bà, có lão chồng tòng teng bồ bịch ở Việt Nam, tức mình bỏ ra ngoài share phòng ở, đã hùng hồn phát biểu rằng sướng như tiên. Người ta làm được, mắc gì bà không làm được. Sáng bà sẽ đi bộ với mấy người bạn, rồi tiện ghé chợ. Chiều coi ti vi. Tối đọc sách. Tự do thoải mái, không bị vướng bận gì hết. Khỏe ru rù rù.
15 Tháng Sáu 20221:33 SA(Xem: 15310)
Em cúi đầu, giọng thấp hẳn xuống: - Cô ơi, theo em được biết, hồi xưa, một trong những hình phạt vô cùng kinh hãi là tứ mã phanh thây. - Ừ, chỉ hình dung thôi cũng đủ khiếp sợ. - Dạ, tay chân của phạm nhân bị cột vào bốn sợi dây nối vào chân bốn con ngựa. Khi hành hình, các nài ngựa sẽ thúc ngựa phi ra bốn hướng; nếu không có nài ngựa, người ta sẽ thét to lên hoặc đánh ngựa để chúng hoảng sợ bỏ chạy. Và bốn sợi dây sẽ kéo tay chân phạm nhân đến khi thân thể của họ bị xé ra. - Ôi thôi! Nghe sợ quá! Sao bỗng dưng em lại nói đến chuyện đó? Em chậm rãi: - Dạ, em đã tìm đọc nhiều thiệt nhiều những kiểu hành hình đau đớn nhất để coi cái đau của mình cỡ nào. Cô ơi, em đã từng bị hành hình theo cách tứ mã phanh thây! - Hả?
02 Tháng Sáu 202210:20 CH(Xem: 13444)
Mãi rồi cũng về đến núi. Chính xác là về đến chân núi, đèo Ngao. Vượt qua con đèo dài 32 cây số cả lên lẫn xuống này, mới đến bản Tồng, quê Mìn. Nhảy xuống khỏi thùng cái xe tải chở hàng cứu trợ, nằm vật xuống bãi cỏ bên một búi tre chân đèo. Thở dốc. Mệt mỏi. Mìn ngửa mặt nhìn trời. Trời đầu thu xanh thẳm không một gợn mây, nắng vàng rười rượi ấm áp tỏa khắp nhân gian. Vậy mà sao Mìn thấy lạnh lẽo quá. Lạnh từ trong tâm can ruột rà sâu thẳm lạnh ra. Xung quanh không một bóng người, không một tiếng gà kêu chó sủa. Con đường quốc lộ chạy qua chân đèo, con đường đèo nối mấy huyện vùng cao thường ngày tấp nập người xe, vậy mà nay vắng lạnh. Mà mới chỉ đầu giờ chiều. Mọi thứ như có một cái phép thần của mụ phù thủy, vung lên một cái, biến sạch. Khi dời bản bỏ núi xuống phố làm thuê, ba tay Mìn, Lù, Phủ đã uống rượu thề sống chết có nhau. Thế mà bây giờ, về tới chân núi chỉ còn có một mình…
20 Tháng Tư 202210:00 CH(Xem: 15034)
Năm em lên ba, bố tôi bỏ lại người vợ trẻ và hai đứa con thơ lên đường tập kết. Tôi hơn em sáu tuổi. Chín tuổi con nhà nghèo khôn lắm, tôi đủ khôn để thấy khuôn mặt mẹ buồn hiu hắt, những tiếng thở dài và những giọt nước mắt âm thầm của mẹ trong đêm. Chín tuổi, tôi đã biết mình là người nam độc nhất trong gia đình, đã biết ẵm bồng đút cơm cho em và vỗ về em mỗi khi em khóc. Chín tuổi, tôi đã biết tắm rửa, thay áo thay quần cho em, cõng em đi chơi và dỗ cho em ngủ.
19 Tháng Ba 202211:54 CH(Xem: 14767)
Sau một đợt công tác phía Nam, hắn bị, đúng hơn là tự nhốt mình trên tầng ba để bảo vệ gia đình hắn: vợ trẻ, hai đứa con gái chưa trưởng thành và bà mẹ đang gần đất xa trời… Trước đợt hắn đi xa, cả Hà Nội đã nháo nhác lên vì F0, ở đâu cũng thấy F0, bạn bè hắn liên tục báo tin bị F0! Cho nên, lúc trở về, hắn tình nguyện cách ly với mọi người, kiểu “i-zô-lê” (isolé) mà hắn sực nhớ ra khái niệm được biết từ hồi làm phim về một người tù số vuông bị lao ở ngục đá Sơn La. Sau 4 hôm bình thường, người bỗng mệt mỏi, họng đau rát. “Thế là ông bị rồi! Đi như ngựa vía mà không bị mới tài!” - vợ hắn kêu lên như cha chết.
28 Tháng Giêng 202211:34 CH(Xem: 16311)
Thả chiếc bánh tét cuối cùng vào nồi , mợ Hai phủi tay đứng dậy. — Phần mợ xong rồi đó. Tụi bây chia nhau thức canh nồi bánh nghe . Nhi dạ một tiếng đáp lời mợ . Quang tranh thủ chớp ngay thời cơ : — Có gì ăn để khỏi buồn ngủ không mợ ? Mợ hai cười dễ dãi : — Cái thằng này chỉ ăn là giỏi . Nhi vào lấy đậu , đường trong bếp ra nấu chè cho tụi bạn ăn đi con. Thà từ ngoài vườn bước vào , quăng mạnh bó tàu lá dừa xuống đất . Thấy Nhi đang lúi húi nạo dừa, Thà đi đến giành lấy bàn nạo : — Để tui làm cho. Nhi nghỉ tay đi . Có tiếng Lài “e hèm “ liền sau câu nói của Thà.
28 Tháng Giêng 202211:19 CH(Xem: 15032)
Trong một ngôi nhà của quan lại ở Kinh thành Thăng Long, có một cuộc gặp kín giữa vài nho sĩ vốn là tôi trung của nhà Lê, cùng đôi người thuộc phe chúa Trịnh. Siêu quận công, danh sĩ Ôn Như Nguyễn Gia Thiều cũng ở đó. Sau mấy câu bàn luận về thời cuộc, một vị cầm tờ giấy viết đặc chữ Nho, đứng dậy vẻ hể hả: - Tôi xin hiến các vị một bài hành, vừa viết đêm trước đây!