- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

ĐỨA CON CỦA NGƯỜI TÌNH

23 Tháng Sáu 20224:49 CH(Xem: 8534)
di tru - tranh LMP
Di trú - tranh Lê Minh Phong

Truyện ngắn

Đứa Con của Người Tình

Trương thi Kim Chi

 

 

 

 Ngâu mở cổng. Người cô bỗng lạnh cóng, tê cứng lại như muốn đóng băng.

 Phản xạ tự vệ, Ngâu đưa đôi bàn tay lên che mặt, nhắm nghiền mắt lại.

− Ô kìa! Cô… cô làm sao thế?

_ ...

 − ... Ồ! Xin lỗi! Tôi hiểu rồi… Tôi đến đây không phải để tạt axit, hay làm bất cứ điều gì khác làm tổn thương cô. Cô hãy yên tâm.

Cơn lạnh đi qua nhưng chân Ngâu lại bủn rủn, muốn quỵ xuống. Cô vẫn đứng im, run rẩy, hé mắt nhìn qua kẻ ngón tay. Người đàn bà trông hiền lành, đang quan sát cô với ánh mắt đầy trắc ẩn, thương hại.

 Cô buông thỏng tay xuống. Cúi đầu xấu hổ tủi nhục cùng cực, đến độ chỉ muốn tan biến đi.

Người đàn bà nói nhỏ nhẹ:

 − Cô Ngâu có thể mời tôi vào nhà được không? Chúng ta cần nói chuyện.

 − Dạ… Xin lỗi … Dạ mời… vào nhà.

Ngâu lúng túng đến nỗi vấp chân vào ngạch cửa nhà mình, suýt té.

 Có vẻ thấu hiểu tâm trạng Ngâu, người đàn bà tiếp tục trấn an, rất dịu dàng:

 − Ngâu à, nhấn mạnh lần nữa là tôi đến đây không phải vì ghen. Anh Thước đã kể hết mọi chuyện với tôi từ lâu rồi… Và tôi thật lòng muốn giúp hai người. À, để tiện việc xưng hô, cô hãy kêu tôi là chị…

 Ngâu vẫn chưa thôi cơn khiếp hãi.

 − Dạ…

_ Thú thật thì tôi cũng có một chút… tò mò. Chút chút thôi. Mà lạ ghê, cô đúng như trong tưởng tượng của tôi.

 − Dạ…

Có lẽ người đàn bà lớn tuổi hơn Ngâu nhiều nhưng còn phảng phất nét đẹp thanh tú, đằm thắm. Bà trang điểm nhẹ, rất khéo. Không đeo nữ trang. Quần tây đen và chiếc áo pull tím màu hoa khế. Tất cả đều giản dị mà lại toát lên vẻ lịch lãm, sang trọng.

 − Tôi hi vọng cô sẽ hiểu và tin sau khi nghe tôi nói. Trên đời nầy chuyện gì cũng có thể xảy ra kia mà!

 _ Dạ…

 − Thật ra thì cũng nhân tiện về thăm quê nhà, chứ tôi không tốt đến nỗi bỏ thời gian và tiền bạc đi lo chuyện… cho chồng tôi và cô.

 −  Dạ…

 Vợ Thước đan đôi bàn tay vào nhau, đặt trên quai túi xách. Đôi tay trắng trẻo, nổi đầy gân xanh, lấm tấm những đốm nâu lão hóa. Mà sao chị ấy không đeo nhẫn cưới?

 − Ngâu à, cô và anh Thước rất hợp nhau. Đúng không? Vừa mới gặp cô, tôi đã nhận ra điều ấy.

− Dạ…

Chị ấy quá nhạy cảm. Mà sao những móng chân của chị ấy không hề sơn phết? Đúng là Thước và Ngâu rất hợp nhau. Họ còn có thể hiểu nhau kể cả khi im lặng nữa kìa. Họ đã cùng học một ngôi trường lớn trong tỉnh. Cùng học một số thầy cô. Cùng biết nhiều người trong trường, trong thị xã… Những đề tài giữa hai người tưởng chừng không bao giờ cạn. Mà càng nói càng thú vị! Họ có thể ngồi bên nhau thâu đêm suốt sáng không chán. Ngâu say sưa nghe Thước kể về những phương trời xa lạ chàng đã từng đến. Còn Thước thì cứ đi từ ngạc nhiên nầy đến ngạc nhiên khác về Ngâu. Ngâu không còn trẻ, không đẹp, lại có vẻ lạnh lùng. Lạnh lùng một cách kiêu kỳ. Lạnh lùng đến khô khan. Nhưng trò chuyện với Ngâu thì quá tuyệt, Ngâu thông minh, dí dỏm lạ lùng.

Vợ Thước điềm tĩnh:

 − Đương nhiên cô phải thắc mắc. Anh Thước đâu phải là một người đàn ông mất giá, càng không phải là người chồng để vợ phải chán chê. Thậm chí, có thể nói tuy  lớn tuổi nhưng anh vẫn còn phong độ, lại trí thức, lịch thiệp, khá giả. Tôi biết, cỡ như ảnh, về đây có thể tìm được cô gái trẻ đẹp hơn Ngâu nhiều. Nhưng ảnh đã chọn Ngâu.

 − Dạ…

 Chị ấy duyên dáng quá! Vẻ duyên dáng tự nhiên vốn có. Vậy anh ấy có so sánh khi nhìn Ngâu không?

 Chuyện bắt đầu từ hai bên bờ của con sông nho nhỏ quanh năm nước xanh biêng biếc, chảy hiền hòa. Tình cờ trong lần về Việt Nam thăm cha mẹ, Thước để ý cứ sáng sáng chiều chiều nơi vườn hoa lung linh sắc vàng bên kia sông thấp thoáng bóng dáng con gái. Thước chợt thấy vui vui khi tưởng tượng thuở nhỏ, lúc chàng và lũ bạn trần truồng bơi lội bên nầy sông, hẳn bên kia sông, cô gái đó còn quấn tã nằm nôi.

 − Tôi còn biết Ngâu đến với anh Thước không hề vì tiền, hay vì ham ra nước ngoài.

 − Dạ…

Dường như lối đi bí ẩn của số phận đã kéo chân Thước sang đây. Hôm đầu tiên, Thước không có gì để chú ý ngoài việc tự hỏi sao Ngâu có thể sống một mình trong căn nhà cổ kính, mênh mông, âm u lạnh lẽo thế kia!

− Hai người đã thực sự yêu nhau?

− Dạ…

Thước luôn âu yếm, chiều chuộng, nâng niu, tôn trọng Ngâu hết mực. Và chính Ngâu đã tự nguyện dâng hiến. “Nếu em thấy bất tiện, chúng ta lấy hai phòng.” Thước đã nói vậy khi họ đứng trước quầy lễ tân, nhưng Ngâu đã im lặng. Rồi họ thực sự tận hưởng tuần trăng mật ở một khu resort có những căn phòng mang hình dáng gốc cây cổ thụ, đứng riêng biệt, cách xa nhau, kín đáo, vắng vẻ. Họ đã chọn một phòng sát bờ biển, có lối đi nhỏ giữa hai hàng dương liễu non vừa mới cao bằng đầu người dẫn ra mé nước. Đó là những buổi sáng biển trời bao la mênh mang màu ngọc bích. Nắng mai óng ả như mật ong chảy lai láng tràn trề trên mọi vật; từng con sóng nhỏ rụt rè trườn vào, vỗ về bờ cát nóng. Đó là những buổi chiều ấm áp hoặc lay phay mưa phùn se lạnh. Là những đêm rất sâu, mềm mại mượt mát như lụa, vang vọng tiếng sóng nhè nhẹ rì rầm. Biển ở đó độ mặn cao và êm như mặt hồ nên Ngâu tha hồ nhẹ nhàng bơi cạnh Thước. Bơi mỏi, họ cùng thả người bên nhau trên ghế dựa dưới mái che bằng lá dừa có hình chiếc vỏ sò, nhìn ra khơi xa nghìn trùng. Và cùng chung ly vang đỏ lấp lánh ánh chiều, sóng sánh sắc trời sắc biển. Đó là những ngày mà nhiều lúc Ngâu không biết mình đang lạc ở góc nào của vườn địa đàng.

− Ồ, vậy là rất good!

− Dạ…

Ngâu choáng ngợp, bồng bềnh trong hạnh phúc rõ ràng có thật mà cô chưa từng biết đến trong đời. Trong nỗi đam mê nguyên thủy của tổ tông, cô tiếc lắm cho nửa phần đời đã trôi qua. Sao mình lại dại khờ mông muội đến như vậy trong khi cuộc sống thì ngắn ngủi quá chừng?

 − Tôi còn biết, những ngày qua, hai người rất hạnh phúc. Nhất là Ngâu. Ồ, xin lỗi… Tôi cũng là đàn bà và đã từng đi qua chặng đường đó. Tôi hơi ghen chút khi hình dung cảnh hai người bên nhau. Hơi chút chút rồi thôi.

 − Dạ… Em…

 Ngâu lạ lẫm, bỡ ngỡ trong căn phòng mát lạnh, nệm gối êm ái trắng muốt của khách sạn. Ngâu bối rối, bẽn lẽn trước ánh mắt chàng mãnh liệt, nồng nàn men say. Cái ranh giới tưởng chừng vững chắc lắm mà lại rất đỗi mong manh kia đã không còn. Ngâu ngất ngây, buông trôi tất cả. Ngâu mê say đón nhận và mê say trong tình yêu dồn nén bao tháng năm dài. Còn Thước, xúc động lạ lùng khi nhận ra niềm tin giản đơn và tình yêu trong trẻo của người con gái trinh bạch. Thước cuống quýt, say đắm, cuồng si như chàng trai biết yêu lần đầu.

 − Có điều, Ngâu chưa trải nghiệm cuộc sống vợ chồng trong đời thường. Nó không phải là tuần trăng mật đâu. Cuộc sống vợ chồng của đời thường là những va chạm rất vụn vặt, nhỏ xíu như những hạt cát. Lắng đọng mỗi ngày. Im lặng… Chờ.

 – Dạ…

 Trong cơn mê tình ái, Ngâu nhắm mắt quên tất cả. Thế nhưng đôi lúc tỉnh ra, cô bỗng giật thót, không rõ mình là ai nữa. Sở dĩ cô vẫn còn cô độc, có thể vì duyên nợ, mà cũng có thể vì cô vốn khép kín, quá nền nếp, nết na. Ngày nao dưới giàn thiên lý trước hiên nhà, Doãn đã bao lần ngỏ lời. Nhưng Ngâu ngượng ngùng, mắc cỡ, chỉ biết cúi mặt im lặng. Có lần Doãn bạo dạn cầm tay Ngâu, Ngâu xấu hổ hất ra bỏ chạy. Rồi Doãn nản. Bỏ cuộc. Đến Văn, Ngâu cũng cứ như vậy… Những chàng trai đã đến rồi đi. Chỉ còn lại mình Ngâu. Và tất cả tình yêu còn lại giờ đây Ngâu dồn cho Thước.

 Giọng người đàn bà bỗng trầm xuống, gần như tâm sự.

− Yêu nhau thì dễ. Sống với nhau cả đời mới khó. Vả lại … bọn tôi cũng gần cả đời rồi, chán nhau rồi. Giờ tôi lại thích ở một mình. Tự do. Hoàn toàn tự do. Không còn bất kì ràng buộc, gò bó, vướng mắc, lệ thuộc nào; ngay cả những thói quen cố hữu của một gia đình trong sinh họat hàng ngày. Nói chung tôi mong muốn được giải thoát. Được nhẹ thênh. Được sống hoàn toàn theo ý mình.

 − Dạ…

− Thêm nữa, khi không cần đến nhau thì chung sống chỉ là gánh nặng cho nhau… Gánh nặng! Ngâu hiểu không? Gánh nặng!

 Hiểu ư? Ngâu không thể nào hiểu được. Tại sao đến nông nổi đó? Nếu được trở lại từ đầu, nếu được chọn lựa, Ngâu vẫn chọn Thước, dù chỉ để có được vài khoảnh khắc yêu thương và bao ngày đêm đằng đẵng mong chờ.

Hôm đó, Thước tiện tay lấy cây đàn guitar treo trên tường. So dây. Vài hợp âm réo rắt, rộn ràng tuôn ra, luồn vào từng ngóc ngách trong căn nhà hiu quạnh. Rồi Thước chơi vài bản nhạc tiền chiến quen thuộc. Cây đàn ngân lên những giai điệu xao xuyến, thiết tha. Rồi Thước hát. Giọng Thước vẫn khỏe, ấm và truyền cảm, âm vực rộng. Ngâu ngơ ngác. Ngẩn ngơ. Bần thần. Thước đã khuấy động bao cảm xúc trong tâm hồn cô vốn đã lãng quên, lắng chìm từ lâu. Thước cứ vừa đàn vừa hát, hết bài nọ đến bài kia. Ngâu ngồi đó mà như chìm trong cõi mộng. “Hôm xưa tôi đến nhà em, ra về mới nhớ rằng quên cây đàn. Tình tang tính tính tình tang…” “Nắng chia nửa bãi chiều rồi. Vườn hoang trinh nữ, xếp đôi lá sầu. Sợi buồn con nhện giăng mau. Em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây…”

 Cả thời tuổi trẻ mộng mơ sống lại. Ánh mắt Ngâu khao khát, đợi chờ. Thước bỏ cây đàn xuống, ôm Ngâu vào lòng. Cô run rẩy, rùng mình.

 − Nhưng Ngâu thì ok. Bởi… cũ ta mới người. Mà thôi, tất cả rồi cũng chẳng có nghĩa gì trong cõi ta bà vô thường nầy.

 − Dạ…

Với Ngâu, giờ đây cả thế giới nầy chỉ có Thước. Thước. Và Thước… Miệng cô lúc nào nói ra cũng có tên Thước. Từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn, cô luôn tìm cách đưa Thước vào, giọng êm như ru, ngọt ngào, nồng nhiệt. Mắt cô bỗng sáng long lanh, má bỗng hồng và môi bỗng thắm. Cứ như có phép lạ. Hình ảnh Ngâu chính là hiện thân của hạnh phúc cả thế gian. Họ hàng, bà con lối xóm bắt đầu xì xèo dị nghị, dù Ngâu khéo léo che chắn bằng mọi cách nhưng không thể qua được những con mắt tò mò của họ. Bọn trẻ con rất khoái rình. Chúng về nhà kể cho người lớn nghe những gì chúng thấy. Các bậc chú bác, cô dì lúc đầu còn nói xa nói gần. Sau đi thẳng vào vấn đề, rằng Ngâu không thể sống già nhân ngãi non vợ chồng như vậy. Phải rõ ràng, phải đâu ra đó!

 − Mà thôi, tôi đã chừng tuổi nầy, những cái lẽ đời ấy nói ra cũng bằng thừa. Vậy chuyện nãy giờ chắc đủ để Ngâu hiểu vì sao tôi có thành ý muốn giúp hai người? Nói rõ ra, tôi tự nguyện nhường anh ấy cho Ngâu. Nói trắng ra, nghe như phũ phàng với Thước, nhưng tôi đành nói để cô hiểu và tin: Tôi phải cám ơn Ngâu…

− Dạ… Em… 

Nàng công chúa Ngâu đang ngủ quên trong rừng bỗng được chàng hoàng tử Thước đặt nụ hôn trên môi khiến nàng thức dậy.Thước khiến cô nhận ra cuộc sống trước đây của mình hiu hắt ảm đạm, tẻ nhạt biết chừng nào. Tuổi tác và thời gian không cho phép họ chần chừ, chậm chạp. Nên họ phải bay. Bay. Bay… kẻo không kịp. Họ bàn bạc: Một là, Thước qua bển li dị vợ rồi cưới cô, bảo lãnh cô sang. Hai là Thước về bên nầy sống với cô.

 − Có lẽ anh Thước về đây sống với Ngâu là tiện nhất. Anh ấy đã nói ý đó với tôi. Được vậy, phần tôi cũng nhẹ nhàng.

Ngâu như bị đóng đinh trên ghế. Mắt cay cay mà không hiểu vì cớ gì. Sự thẳng thắn, sòng phẳng hết mức của vợ Thước khiến cô tự dưng thấy bẽ bàng. Sư thành thực đến trần trụi, mà lại tinh tế sắc sảo của vợ Thước làm cô vừa kinh ngạc, khâm phục vừa mơ hồ âu lo. Ừ thì cũ người mới ta. Vậy là cô đã có Thước. Rồi cô sẽ được công khai mặc chiếc đầm bầu dễ thương. Cô sẽ cùng Thước đi sắm những bộ quần áo, mũ vớ em bé sơ sinh xinh xắn. Rồi căn nhà nầy sẽ rộn rã tiếng nói cười, tiếng bi bô của trẻ con. Hạnh phúc biết dường nào!

***

Đóng kín cửa lại. Ngâu đếm viên gạch thứ bảy tính từ góc bếp ra. Cạy lên. Túi vàng nặng trịch. Gia tài của cha mẹ để lại. Ngâu kêu người sửa sang lại nhà cửa. Cô chạy tới chạy lui. Lăng xăng. Tíu tít. Bận rộn trong niềm vui chất ngất, Ngâu nâng niu chăm chút từng chi tiết. Có cả phòng dành cho em bé. Một lâu đài hạnh phúc nho nhỏ, tiện nghi, êm ái, lãng mạn.

Cuối cùng, ngày đợi mong cũng đến! Ngâu lên phi trường đón Thước. Ngâu có mặt từ tám giờ sáng dù giờ máy bay đến là mười một giờ. Nhưng mãi đến khuya, trong dòng người từ phòng thủ tục đi ra, không hề có Thước! Và điện thoại, email của Thước bỗng bặt tăm. Lòng Ngâu như có lửa đốt. Ngâu liên tục gọi cell phone của Thước nhưng không được trả lời.

 Thước ơi! Sao anh nỡ đối xử với em như vậy?

***


Lòng tự trọng của người đàn bà trong tình yêu không cho phép Ngâu tìm cách liên lạc với Thước nữa. Với lại, Ngâu còn đang dồn sức đối mặt hàng ngày với những lời dè bĩu, ánh mắt khinh bỉ của xung quanh.

 Nhưng Thước ơi, tận đáy lòng em vẫn không tin là anh lừa dối em. Hẳn có một nguyên nhân nào đó?

 Dù sao em vẫn cảm ơn anh. Nếu quay lại từ đầu, em vẫn làm như vậy. Em đã sung sướng đến nhường nào khi được cùng anh bay lên miền hạnh phúc. Anh biết không, giờ đây, trong từng hơi thở, trong mỗi giấc mơ, em vẫn đang bay lên, bay lên cùng anh khi em sống lại những giây phút đó.

***


Bọn nhóc tì rất thích rình nhà Ngâu. Hiếu kỳ nhất là những lúc chúng thấy Ngâu ôm cái gối trong lòng, kiểu như mẹ ôm con. Cái gối nho nhỏ, được mặc quần áo hệt như em bé. Ngâu vừa hát ru, vừa vạch áo cho “con” bú. Hoặc Ngâu áp vào tai cái vỏ ốc màu trắng chừng bằng nắm tay, nói với “con”: “Sóng biển đang vỗ vào bờ nè con!”. Hoặc Ngâu ôm “con” đi tới đi lui, vỗ về… Ngâu hay ru: “Ầu ơ… Gió đưa cây cải về trời. Rau răm ở lại chịu lời đắng cay.” Có bữa, để “con” nằm trên giường, Ngâu ngồi cạnh vừa ôm đàn, vừa hát, hết bài nọ tới bài kia : “Ngủ đi mộng vẫn bình thường. À ơi có tiếng thùy dương mấy bờ. Cây dài bóng xế ngẩn ngơ. Hồn em đã chín mấy mùa buồn đau...”

 Thỉnh thoảng, Ngâu bồng “con” ra cửa, nhìn xa xăm về phía mặt sông lăn tăn sóng nhỏ, loang loáng, hanh hao nắng chiều, thầm thì dỗ dành con:

 − Nín đi con! Ba con về kìa!

 Bọn nhóc lè lưỡi, bỏ chạy.

***


Ở một nơi rất xa. Xa hàng muôn dặm. Thước đang nằm trên giường bỗng giật mình muốn chồm dậy nhưng không thể. (Thước đã nằm một chỗ chừng vài tháng nay, sau tai nạn hôm tới sân bay để về Việt Nam). Thước thở một cách khó nhọc. Trái tim đau đớn đến nhức nhối. Nước mắt ứa ra.

 Hình như giọng Ngâu thoang thoảng đâu đây, rưng rưng, như gần như xa.

Thước ao ước đựơc nói với Ngâu rằng, khi yêu người ta có thể vượt qua tất cả, nhưng không bao giờ bước qua được định mệnh.

 Tuy nhiên Thước đã im lặng sau nhiều ngày đêm suy nghĩ kỹ càng.

 

Trương thi Kim Chi

 

______________

  (Cây đàn bỏ quên- Nhạc Phạm Duy. Ngậm ngùi- Thơ Huy Cận. Nhạc Phạm Duy)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
28 Tháng Giêng 202211:19 CH(Xem: 8946)
Trong một ngôi nhà của quan lại ở Kinh thành Thăng Long, có một cuộc gặp kín giữa vài nho sĩ vốn là tôi trung của nhà Lê, cùng đôi người thuộc phe chúa Trịnh. Siêu quận công, danh sĩ Ôn Như Nguyễn Gia Thiều cũng ở đó. Sau mấy câu bàn luận về thời cuộc, một vị cầm tờ giấy viết đặc chữ Nho, đứng dậy vẻ hể hả: - Tôi xin hiến các vị một bài hành, vừa viết đêm trước đây!
25 Tháng Giêng 202210:43 CH(Xem: 9061)
Lật bật mà Tết lại sắp tới. Làng xóm đó đây thảy đều chộn rộn đón xuân về, mỗi nhà mỗi kiểu. Mấy năm trước, lúc nào cô Thơm cũng thấy lòng mình dửng dưng trước những dấu hiệu của một mùa xuân đang trở lại. Chợ búa thay màu đổi sắc, rực rỡ hẳn lên với những mặt hàng dành riêng cho tết nhứt. Từ hai mươi tháng Chạp trở đi, ba má cô đã háo hức sửa soạn mọi thứ như vẫn làm từ năm này qua năm khác. Nhắm mắt lại, cô Thơm có thể mường tượng ra cảnh dưới bếp, má cô lễ mễ mang về những món cần thiết để chuẩn bị nấu mâm cơm cúng giao thừa và đầu năm. Hay trên gian nhà chính, ba cô đang dọn dẹp lại bàn thờ tổ tiên, lau chùi bộ lư đồng và chân đèn sáng loáng đến ngó vào cũng thấy rõ mặt mình.
24 Tháng Giêng 20229:38 CH(Xem: 9231)
“Trong khi giáo hội từ lâu đã nói rõ với thầy rằng nếu buộc phải xen vào việc chính trị, quyền bính, thì phải yêu cầu đồng thời cả hai phía đang đánh nhau kia bỏ dao, bỏ súng xuống, để cùng cứu toàn thể chúng sinh, chứ không chỉ yêu cầu có một bên, để rồi khi một bên có chính nghĩa yếu đi, thì bên tà quyền kia sẽ tiêu diệt họ, đầy đọa muôn dân toàn cõi chìm trong bể khổ, khi chúng nắm quyền bính được trong tay,” Công Lý nói thêm.
02 Tháng Giêng 20223:37 CH(Xem: 9343)
Một chương trình đại nhạc hội vinh danh, một loạt series trên truyền thông và truyền hình với vợ con cùng xuất hiện ôn lại thành tích và vinh quang của một đặc tình cỡ tá với hàng chục năm hoạt động, chui sâu leo cao ngay trước mũi phản gián của họ, rồi một chỗ làm mới chính danh và một tương lai không tồi ngồi sau một chiếc bàn đầy quyền lực. / Chen Li điểm lại những thông tin mới mà người điều khiển nói với y, trong lần liên lạc truyền tin mới nhất, mà hôm nay y sẽ phải hồi đáp cụ thể bằng hành động, bởi vì vé hồi cư cho y và gia đình, cùng các giấy tờ và tiền bạc, thẻ tín dụng ngân hàng v.v… cũng đã được gửi tới tay y theo đường giây, y hẹn.
24 Tháng Mười Hai 20214:53 CH(Xem: 9805)
“ Anh sẽ về trên chuyến bay DL1111, đến Phi trường TSN vào 10:45 pm ngày 22/12. Sẽ kịp đón Giáng Sinh cùng em . Nhớ và yêu em thật nhiều. Phan Vũ.” Bức email chỉ có vài dòng như thế, nhưng Vy đọc đi đọc lại mãi không chán. Cô nhảy chân sáo khắp nhà, cười khoe tíu tít với mọi người. Chỉ còn hơn một tuần nữa thôi, là cô sẽ gặp lại anh sau 4 năm dài xa cách. Giáng sinh năm nay là Giáng sinh hội ngộ và cũng là ngày dạm ngõ của 2 gia đình. — Tiểu đăng khoa rồi đại đăng khoa nhé. Nhất anh Vũ của mày. — Thế là một con cá lại mắc câu. Bạn bè mỗi người một câu , trêu cô. Cô mỉm cười , hồng đôi má.
24 Tháng Mười Hai 20213:50 CH(Xem: 9915)
Bi quay sang nhìn bạn, đằng sau ồn ào bên ngoài còn có một nỗi buồn gì đó. Mà cũng lạ, cô giáo cho thằng khỉ rệp nửa máu Ả Rập này đóng vai Giuse chẳng khác nào chưởi bố dân Do Thái! Ông Giuse biết được chắc phải cựa mình húng hắng ho dưới mồ. Ngoài tên và họ tìm hoài không thấy một mẫu tự latin: Mustapha Khalid Mahomed, nó còn có một bộ tóc đen quăn tít như những chiếc lò xo nhỏ mọc lộn xộn trên đầu, đặc thù của giống Bắc Phi. Ông bố Maroc mà biết đươc thằng con yêu dấu đóng vai Do Thái, dù là thánh Do Thái đi nữa, hẳn sẽ đứng tim trào máu họng! Được cái những “linh kiện” còn lại là của bà mẹ Tây Phương chính hiệu nên trông nó không đến nỗi quá lộ liễu: mắt xanh, mũi lõ, da trắng hồng, môi đỏ thắm.
08 Tháng Mười Hai 20219:20 CH(Xem: 10227)
Tôi vừa gặp một người có ít nhiều liên quan đến quãng đời xưa cũ, xa lăng lắc của mình. Đang đứng tần ngần nhìn các cây thông Giáng Sinh bằng nhựa đủ kiểu, đủ cỡ bày trong một cửa tiệm, chưa biết lựa cây nào thì tôi nghe có tiếng người hỏi từ phía sau: – Xin lỗi, cậu là cậu Việt, phải không? Tôi hơi giật mình, quay lại, thấy một người đàn ông đứng tuổi mà trước đây tôi chưa bao giờ gặp. – Dạ phải. —Tôi e dè đáp. – Tôi hơi đường đột, cậu bỏ qua cho. —Người đàn ông nói tiếp— Tôi là Nhơn, em của ông Quới, trung sĩ Quới ngày trước làm chung chỗ với ông thân của cậu.
23 Tháng Mười Một 20214:03 CH(Xem: 9971)
Chi bằng dành dụm tiền đi học luật, sau này sinh nhai bằng nghề thầy cải nhưng gã không màng, lại dốc hết tiền túi để xuất bản một tập thơ. Tập thơ là một tai họa, mỗi dòng chữ trong thơ là một nỗi cô đơn. Ngay đến xã hội gã đang sống nhưng gã luôn đắm chìm nỗi cô đơn trong đó. Gã đứng giữa đám đông nhưng luôn cảm thấy mình lạnh lẽo như đang đứng trong bốn vách tường lạnh lẽo này . Gã biến cái thuần túy cô đơn thành tâm hồn, như một thực tế bên ngoài thế giới, toàn bộ cuộc sống của gã như tan chảy vào trong. Đứng giữa đám đông nhưng tâm hồn gã luôn bất an, muốn đạp bằng tất cả mọi tầm thường, dung tục. Gã từ chối mọi thống trị của cái hời hợt, nông cạn của những thị hiếu tầm thường, chây lười , những đua đòi dục vọng thấp hèn của đám đông khiến gã chán ngán quá đổi.
23 Tháng Mười Một 20213:54 CH(Xem: 12258)
— Về Việt Nam để mua đất đầu tư... Đó là câu nói anh lặp đi lặp lại không biết chán trong những cuộc chuyện trò giữa hai vợ chồng. Bao nhiêu lần , chị nhẹ nhàng nhắc nhở cho anh nghe về chế độ mà cả anh và chị đều hiểu rất rõ ràng. Nhưng anh dường như quên tất cả . Anh tặc lưỡi , cố chấp : — Ngày trước khác. Bây giờ mọi thứ đã thay đổi hết.
18 Tháng Mười Một 20214:08 CH(Xem: 11907)
Chúng tôi đang ngồi trên bãi cỏ ven bờ hồ Xuân Hương, ngắm mặt nước phẳng lặng như chiếc gương khổng lồ. Bãi cỏ xanh dày mềm mại, sạch sẽ êm ái giống một chiếc đệm tuyệt hảo. Đầu tôi chợt nảy ra ý nghĩ, nếu bây giờ mà hai đứa tuột phăng quần áo, cùng nhau lăn lộn, làm tình trên đó thì thú biết bao. Nhưng trên con đường vòng quanh hồ, buổi sáng người xe vẫn thong thả qua. Không ồn ào gào rú như nơi thành phố chúng tôi sống. Những người, những xe lướt đi, tiếng động cơ như vọng về từ nơi xa lắm…