- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

HƯ CẤU HAI TÌNH HẬN

01 Tháng Mười Một 202111:35 CH(Xem: 18574)
Con thuyền của tôi, sơn dầu trên bố- tranh LE MINH PHONG
Con thuyền của tôi- tranh Lê Minh Phong

  

Truyện ngắn     

Mỹ Ca    

HƯ CẤU HAI TÌNH HẬN   

 

 

 

Tôi hẹn với Pauline ở café Nostalgie vào buổi chiều thứ sáu, đúng sáu giờ.

Mặc dù đã đầu tháng mười một nhưng thời tiết thật dễ chịu, nắng nhẹ trời êm không một chút gió. Những hạt nắng cuối thu nhẹ nhàng nhảy múa trên những khóm cây. Nếu không có những chiếc lá vàng rơi lả tả từ những cành khô của cây du giữa công viên Place de la Contrescarpe, ta có cảm tưởng trời mới vừa chớm thu. 

Tối thứ sáu, hàng quán tấp nập người qua lại. Dân Paris túa ra đường kiếm một chỗ trong lễ hội vui chơi cuối tuần: ăn uống ngoài hiên quán, khiêu vũ trong phòng trà hay nhảy nhót trong những hộp đêm. Tiếng phong cầm của nghệ sĩ hát rong vang lên điệu valse quyến rũ. Tôi thầm ghen tương tiếng cười nói của hai cô gái trẻ vừa đi qua, âm vang của những chiếc khánh rung rinh trong gió.

Nostalgie là một quán cà phê nhỏ, nơi tụ tập của các cây viết lưu vong. Họ ra đây gặp gỡ và ôn lại những thành tích sáng chói quá khứ như những con sư tử già trong Thảo Cầm Viên nằm liếm những vết thương những ngày xưa tung hoành dọc ngang khu rừng văn học đã mất.

Những năm mới mở quán lúc nào cũng nhôn nhịp, ồn ào áo thụng tụng nhau, xôn xao chiếu trên chiếu dưới, tưng bừng bút chiến khẳng định chỗ đứng trong vườn văn học lưu vong; nhưng sau năm mươi năm, chỉ còn lác đác vài cụ ông tóc bạc phơ, tay cầm ly cà-phê mà như thần tử thấy long nhan hai lần.

Thế hệ mất trắng bởi chiến tranh, bởi ý thức hệ, bởi khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng giá trị đạo đức với nhưng triết thuyết du nhập từ phương Tây; họ ngửa mặt nhìn mặt trời, can đảm đi hết con đường khổ nạn với hy vọng cuối đường sẽ là ánh sáng hòa bình nhưng thân phận nhược tiểu chỉ là một con cờ trên bàn cờ thế giới. Sau hai mươi năm đồng hành, đồng minh đã bỏ cuộc phủi tay không thương tiếc. Đây không là lần đầu và chắc chắn không là lần cuối, những con tốt nhược tiểu còn quá nhiều trên bàn cờ trái đất.

Với thời gian, đất nước dung thân sẽ là mồ chôn của nền văn chương bại trận. Hết một thế kỷ, những viên ngọc văn chương chiến bại sẽ bị rong rêu phủ kín dưới đáy đại dương, trong ngõ ngách u tối của một chiếc tàu đánh đắm. Những người trẻ không cùng ngôn ngữ sẽ không ai tìm đọc những áng văn mượt mà óng ả của ông Catca. Có lẽ những nhà nghiên cứu sử sẽ dùng máy móc hiện đại để làm công việc dịch thuật nhưng làm sao máy có thể đọc giữa những hàng chữ để hiểu được thâm thúy câu truyện?

Tôi may mắn thoát sớm sau vài năm sống cùng kẻ chiến thắng. Đủ để thấy ngõ cụt của nhược tiểu mù quáng chạy theo một ý thức hệ không tưởng và áp đặt nó lên những người đã từng biết thế nào là tự do nhân bản. Nếu ở lại tôi đã nằm trong thế hệ trẻ mất trắng trong bưng bít đói nghèo và nghi kỵ.               

Từ mấy tháng nay – chính xác bốn tháng - ngày nào tôi cũng đến quán cà phê này vì không thể chịu đựng cảnh ngồi trong căn gác nhỏ đối diện với cô đơn, cố gắng viết cuốn tiểu thuyết cuối cùng của đời mình.

Mỗi sáng, tôi đi bộ từ căn phòng nhỏ khu Quartier Latin, băng qua đường Mouffetard, tới quán vào đúng chín giờ, kêu một ly café crème, trả hai quan cho chạy bàn rồi ngồi viết tới khoảng xế chiều. 

Chọn chiếc bàn ngoài hiên, ghế dựa vào tường, qua những chậu hoa thủy tiên đặt trên giá gỗ phân chia hàng hiên - phần của quán cà phê và phần dành cho người đi bộ - tôi có thể ngắm người qua lại nhộn nhịp, ngẫm nghĩ về cuộc đời và những nhân vật trong chuyện.

Tôi nhớ ngày má dẫn đi xem bói. Lúc đó tôi mới bẩy, tám tuổi. Với cái nhìn báo mộng đầy kịch tính, bà thày bói phán khi tôi lớn lên, đời tôi sẽ dính dáng tới máu. Má tôi, trong lạc quan tràn trề của một bà mẹ hằng mong con thành tựu trên trường đời, đã nghĩ rằng tôi sẽ là một bác sĩ giải phẫu hoặc một cái gì đó tương tự trong ngành y. Bà thày bói đoán không sai, đời tôi dính máu nhưng má tôi chắc không đời nào nghĩ ra đó là loại máu gì...

Bốn tháng thất nghiệp kể từ khi bác sĩ phát hiện thứ máu lạ tôi nhiễm phải. Trước sức tàn phá của bệnh, tôi được mời nghỉ tạm trong lúc y học tìm phương chữa trị.

Mick xuất hiện như cơn gió trong chiếc xe sport đỏ tươi, vừa đi vừa vén tóc che tai. Hắn kéo ghế ngồi đối diện:

-   Hem, toa nhớ Pauline không?

-   Toa với ẻn đi chơi với nhau hơn năm nay, sao không nhớ.

-   Ẻn bỏ moa đi với thằng khác rồi.

-   Chia vui, cửa này đóng cửa khác sẽ mở, lo gì.

-   Hận cái là ẻn lấy xe sport xịn moa tậu đưa cho bồ mới chạy, tức ói máu!

-   Há miệng cho moa coi!

-   Đừng giỡn nhột.

Pauline, Mick và tôi cùng học ban Văn Chương ở Sorbon. Pauline từng cặp với tôi một thời gian rồi bỏ đi với sinh viên khác. Nàng là típ người không thể ở lâu với bất cứ ai, ít nhất qua những gì tôi biết thời còn sinh viên. Nàng sẵn sàng làm người tình năm trăm hơn là người tình trăm năm. Sau này thấy nàng cặp với Mick, tôi mừng cho hắn vì biết Mick rất thích và dư khả năng vật chất để chiều chuộng nàng.

Mick con nhà giàu nhưng không đẹp trai, thêm cặp tai vểnh quá độ như chú chuột nổi tiếng trong phim hoạt hình. Tôi gọi hắn Mickey. Mick chơi vĩ cầm rất hay, có lẽ nhờ vào lỗ tai đặc biệt. Tiếng vĩ cầm của hắn réo rắt như đang vuốt ve nhẹ nhàng nỗi lòng người nghe. Đầu nghiêng kẹp đàn, tai hắn như đang mơn trớn thân đàn, âu yếm một người tình. Tôi thường hỏi Mick sao không dự thi những cuộc thi nhạc cổ điển, hắn lắc đầu chưa đủ trình độ. Tôi đoán có lẽ vì Mickey.

- Toa phải giúp moa cho ẻn biết mùi đời bệnh hoạn.

- Giúp làm sao?

- Tặng ẻn chút gì để nhớ trong người toa!

Tôi ngẩn người vẻ không hiểu.

- Toa cho ẻn xin tí huyết… Hắn giải thích, ngón trỏ tay trái thọt tới lui trong lòng tay phải chụm lại, miệng cười đểu.

Tôi không trả lời ngay. Mick là người bạn chí thân từ những ngày đại học. Chia phòng ngủ trong ký túc xá. Tôi gọi hắn Mickey mà hắn không buồn một ly. Chúng tôi hợp nhau ở đam mê văn chương. Ra trường, dù làm công việc khác nhau nhưng mỗi mùa hè, tôi thường vác xác tới căn biệt thự của gia đình hắn ở Canne, tắm biển, ăn chơi hội hè, những mùa hè rực rỡ tuổi trẻ vô tư. Từ lúc tôi nhiễm bệnh, Mick là người duy nhất lui tới thăm hỏi và động viên tinh thần. Một người bạn trong hoạn nạn. Phải nói rõ ở đây là về khuynh hướng tình dục, tôi với Mick đều thẳng thớm, hoàn toàn không nằm trong tập thể khả ái mà khái niệm tình yêu là cùng nhìn về một hướng theo định nghĩa của bạn văn St-Exupéry.

Ngày xưa ở vườn địa đàng, Ève đã xúi Adam ăn trái cấm, bị tống cổ khỏi vườn và biết đau khổ trần gian thì nay Ève Pauline sẽ biết khổ đau bệnh hoạn cho chừa cái tật quyến rũ và lợi dụng đàn ông. Tôi gõ búa gỗ quan tòa. Mick đã cho tôi quá nhiều, đến phiên tôi trả lại hết cho cộng đồng.

- Cho biết kế hoạch của toa.

- Ẻn muốn ra một cuốn truyện, cần người đọc trước và góp ý sửa chính tả. Toa có thể làm chuyện này.

- Làm sao có thể?

- Toa nổi tiếng với cuốn “Paris Một Ngày Hội”, chỉ cần đề nghị giúp, ẻn sẽ chịu liền.

“Paris Một Ngày Hội” được biết đến vì một biến cố không ăn nhập gì tới văn chương. Số là năm ngoái, một nhóm khủng bố quá khích tấn công buổi trình diễn nhạc rock ở hộp đêm Bata-Blanc, số người chết không nhỏ. Bà ngoại của Mick, người duy nhất đọc cuốn truyện từ đầu tới cuối, đã mang cuốn sách đặt bên những bó hoa tưởng niệm. Được hỏi tại sao, bà chỉ tựa sách và nói Paris đã đang và sẽ mãi là một ngày hội, không ai có thể cản được. Nhờ bà quảng cáo, cuốn sách được nhiều người tìm đọc. Trong cuốn sách, tôi hư cấu những ngày vui chơi Paris của một nhóm bạn trẻ mê văn nghệ, xác xơ nghèo nhưng giàu mộng lớn tỏa sáng vòm trời nghệ thuật và kết thúc với câu: “Nếu tuổi trẻ bạn may mắn được sống và vui chơi ở Paris thì mãi về sau, dù có rời đi chốn nào, Paris vẫn mãi ở trong tim bạn vì đó là thời cảnh đẹp nhất một đời người.”

Tôi viết cuốn sách ấy ở những ngày còn trẻ mắt sáng tóc mượt da căng sức sống, sở hữu thời gian, sức khỏe dồi dào - tất cả những gì người già và bệnh tật không có. Lúc ấy, tôi nghĩ có thể làm một cuộc cách mạng ôn hòa cứu cả thế giới đọa đày; giờ đây tôi tự hỏi làm sao cứu được chính mình khỏi kết cục tàn nhẫn đang rình rập ở góc đường.

Tôi gật đầu nhìn Mick. Không, tôi uống một hơi cạn ly café crème, nhìn Mick, rồi gật đầu. Mắt hắn sáng lên một niềm vui kỳ lạ.

Cho tới giờ tôi vẫn không hiểu tại sao típ người như Mick lại miệt mài với chữ nghĩa. Hắn có dư điều kiện vật chất để hưởng thụ, đánh golf, chơi tennis, du lịch, gái ghiếch ăn chơi sa đọa…những điều mà một công tử con nhà giàu thường làm. Hay một vết thương tâm hồn thời niên thiếu đã đẩy hắn vào con đường tăm tối này? Bị từ chối lời tỏ tình đầu tiên vì nhà quá giàu? Bị chế nhạo bắt nạt vì hai lỗ tai vểnh quá độ như Mickey?  Cô đơn lẻ loi vì không có ai chơi nên lủi thủi sống trong biệt thự bao quanh bởi bốn bức tường? Cha mẹ quá nghiêm khắc? Chỉ có trời mới biết.

Ở mỗi vết thương tâm hồn có một con quái vật không yên ngủ, luôn cựa quậy nhắc gào thét “ngộ sẽ báo chù!”

Phần tôi, chữ nghĩa không phải lựa chọn đầu tiên. Nhưng rà soát khả năng văn nghệ: ca hát không đủ hơi để hét, hội họa không đủ loạn thị, nhảy múa không đủ cao, tài tử không đủ đẹp, âm nhạc không đủ nốt trưởng thứ nên văn chương tới với tôi như một cánh cửa cuối cùng để bước vào nghệ thuật. Dư tưởng tượng, đủ tự trào, tôi có thể dùng chữ nghĩa để báo chù số phần nghiệt ngã, tạo dựng những nhân vật đẹp trai đàn nhuyễn hát hay vẽ giỏi hơn tất cả quí nghệ nhân hiện hữu trên cõi đời này…

Thử làm một thống kê có bao nhiêu tài tử, minh tinh, ca sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, văn thi sĩ…trên thế giới này, sẽ thấy lượng người cầm bút chiếm đại đa số. Đa số thầm lặng lầm lũi cô đơn đi trong ngõ hẻm lầy lội chữ nghĩa, không một chút ánh sáng sân khấu, chỉ hắt hiu vàng vọt ánh điện câu.

Vuốt lại hai bên tóc che tai, Mick đứng lên:

- Chờ moa chút, moa phải vào nói chuyện với ông nhà văn Catca, đời sắp trang điểm vì ung thư. Cho ông bạn của tôi thêm một ly café crème nữa! Mick gọi với cô chạy bàn rồi bước hẳn vào quán.

Qua kiếng lớn cửa sổ, tôi thấy hai người chuyện trò với nhau rất hào hứng. Mick ghi chép liên miên, thỉnh thoảng gạch xóa theo chỉ tay của nhà văn Catca. Văn tôi thuộc loại tả chân không vớ nên mùi mẫn, không thể sánh với văn phong của ông ấy, chải chuốt và đằng đẵng như những viên ngọc tuyền nối nhau đi mãi vào những ngõ ngách u khuất tâm hồn. Truyện của ông tôi gối đầu giường, đọc mỗi khi lên cơn đau khó ngủ. Tôi thầm cám ơn ông vì nhờ ngủ ngon mà tôi cầm cự được với cơn bệnh âm ỉ trong người cho tới nay.

Mick bước ra, hắn xoa tay:

- Xong rồi, tất cả nằm gọn trong túi! Khi người thân vừa báo tin ổng mất moa sẻ là người đầu tiên đăng bài tưởng niệm với nhiều giai thoại thú vị!

Nhạc sĩ xoa tay khi người yêu vào đời, bạn tôi xoa tay khi nghệ nhân sắp lìa đời!

Bây giờ tôi mới hiểu tại sao Mick lại có những bài thương tiễn sống động đến thế, như thể hắn quen với các nhà văn vừa mất tự thuở nào. Có bài tưởng tiếc nào hay hơn bài viết cho cái chết của chính mình? Bà nội tôi khi biết mình sắp mất, đã bắt mua một cỗ quan tài gỗ chạm trổ thật đẹp về đặt cạnh giường, mới yên lòng bước qua bên kia thế giới. Biết có bài viết những điều tốt đẹp về mình, nhà văn sẽ yên tâm ra đi không nuối tiếc cõi đời tạm bợ này.

Không ai bủn xỉn lời bốc thơm một người chết dù ghét cay ghét đắng. Những biệt kích văn hóa bị đì dưới tận đáy bùn, khi chết đi vẫn được độc quyền ban phát những lời ngợi khen nồng nàn nhất vì biết chắc người chết không thể hại chế độ thêm hơn.

Sáu giờ kém năm. Tôi chợt buồn nôn. Triệu chứng bệnh phát tác hay phản ứng bình thường của một tên lính đánh thuê trước khi lâm trận? Pauline sẽ đến, bản thảo trong tay. Chúng tôi sẽ nói chuyện văn học, tôi sẽ nắm tay nàng, sẽ hôn say đắm - à la française - và sẽ đưa nàng vào khách sạn. Ở đó mối hận tình của Mick và một phần nào của tôi sẽ được rửa. Kế hoạch trả thù tuyệt hảo, không chê vào đâu. Tôi mường tượng vẻ mặt hớn hở của Mick khi tôi báo tin nhiệm vụ hoàn thành tốt đẹp.

Chín giờ tối. Toàn thân tôi lạnh cóng vì gió khuya nhưng trong người hầm hập nóng, mồ hôi rịn hai bên thái dương. Pauline không thấy đâu, chỉ còn tôi với cơn sốt hoành hành. Tôi gượng tựa mặt bàn đứng dậy, đầu quay vòng vòng chóng mặt, chới với và té sõng xoài trên nền gạch.

Âm thanh cuối cùng mà tôi còn nghe được là tiếng hét thất thanh của cô chạy bàn…

 

Mỹ Ca

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
08 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 121303)
Con Thạch Sùng chẳng hiểu gì. Tất nhiên. Em không chấp nó. Anh nhỉ. Đứa con của chúng ta đã lớn rồi đấy
08 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 36644)
Người đàn ông nhìn qua khung kính. Cổng bệnh viện nhộn nhịp người ra kẻ vào. Con mắt hắn dừng lại ở một bóng người. Dáng nhỏ, vạt tóc ngang trán, khuôn mặt trẻ thơ, hai má bầu bĩnh dụ dỗ những ngón tay thích nựng.
07 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 31812)
Anh, anh… chưa nói yêu em, sao anh đã... tụt quần em ra?" Câu hỏi của An rơi vào vùng không khí đặc quánh giữa hai người. Câu hỏi treo lơ lửng trên ngực nàng, câu hỏi nằm nghiêng ngả trên mặt anh. Anh khựng lại, xìu xuống như chiếc bóng xì hơi.
07 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 103664)
Giữa tháng 4, bố có tranh được treo triển lãm. Cả nhà kéo đi xem. Tranh vẽ một cụ già đang ngồi bên ngọn đèn, mắt mũi kèm nhèm, khâu áo. Ai cũng nhận ra khuôn mặt của bà. Triển lãm nhan đề: “Mẹ - tôi”. Bà bảo: “Lũ đểu”.
07 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 37082)
Chẳng ngờ khi tôi đến bên kia đồi, khung cảnh hiện ra như một vùng không gian huyền hoặc của chuyện cổ tích thơ mộng.
06 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 127901)
Không ai biết tại sao giữa dòng sông ấy lại nhô lên một bãi đất. Rồi cũng không ai biết người ta đến đấy ở từ bao giờ. Họ chia đều những khoảng đất, họ trồng ngô, trồng rau xanh rì, họ dựng nhà họ nuôi con. Họ không nuôi đàn ông. Con họ nuôi chó, nuôi mèo.
04 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 30758)
Hắn gầm gừ như con cọp đói vờn con mồi nhỏ bé trước khi ăn tươi nuốt sống nó. Những âm thanh lí nhí, khùng khục thoát ra từ cổ họng hắn làm tôi hoảng sợ. Đôi chân tôi run lên bần bật, những ngón chân vội xòe ra bám chặt xuống mặt đất. Tôi dáo dác nhìn quanh, mong tìm một lối thoát thân.
04 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 35984)
Tôi là dân thợ mộc, quanh năm xách cưa đục đi kiếm ăn thiên hạ, thỉnh thoảng mới về làng, mỗi lần về lại được nghe một chuyện về Doãng, thật có mà người ta thêu dệt thành giai thoại cũng có, cứ rối tung rối mù chẳng biết đâu mà lần.
01 Tháng Mười Hai 200812:00 SA(Xem: 114844)
Hoàn hơi bị ấm đầu, cho nên để phân biệt với những Hoàn khác, người ta gọi Hoàn là Hoàn âm lịch. Vì âm lịch Hoàn lấy vợ muộn- mãi đến năm Hoàn đã ở cái tuổi 37, lão Thủ (bố Hoàn) mới lo được vợ cho Hoàn.
29 Tháng Mười Một 200812:00 SA(Xem: 34184)
Thời Pháp thuộc Liên Bang Đông Dương, cha tôi là công chức ngân khố làm việc ở Nam Vang, thủ đô Cao Miên.Tuy làm việc cho Pháp,ông có cảm tình với Việt Minh.