- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

MỘC HƯƠNG CUỐI MÙA THU

13 Tháng Chín 202112:18 SA(Xem: 20582)
NguyenHaiYen
Nhà văn Nguyễn Hải Yến


 

Truyện ngắn    

Nguyễn Hải Yến   

MỘC HƯƠNG CUỐI MÙA THU   

 



LGT: “Mộc hương cuối mùa thu” là truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Hải Yến về gia đình họ Mai có mấy thế hệ làm nghề gốm, từng xảy ra một vụ huyết án liên quan đến chiếc bình Thanh Hoa Ngũ Thái được chế tác rất tinh xảo vào thời Khang Hy nhà Thanh.

“Mộc hương cuối mùa thu” là một truyện lạ nhưng cách viết của Nguyễn Hải Yến còn lạ hơn bởi tác giả sử dụng cấu trúc phân mảnh kết hợp nhiều hình thức diễn ngôn cũng như luôn thay đổi vai trò của người dẫn chuyện tạo nên một văn bản phức hợp, đa tầng mà nếu không chú ý theo dõi, người đọc sẽ bị rơi vào trận đồ ma phương. Để tạo dựng văn bản, Nguyễn Hải Yến áp dụng thủ pháp đồng hiện, gián cách hay gối nhau hình thành những tiểu đoạn qua lời kể trực tiếp hoặc hồi ức của nhân vật. Trong khi vai trò của tác giả - người dẫn chuyện bị ẩn đi, thì mọi diễn biến lại được hiển lộ từ những lời kể của cô bé, bà nội, mẹ (khi còn sống) và ông thợ cả đứng lò. Với cấu trúc phân mảnh, cốt truyện diễn biến không liên tục, thậm chí còn có những khoảng lặng, “Mộc hương cuối mùa thu” giống như bản giao hưởng mà đọc nó, người ta nhận ra, những mảnh hồn gốm đã hòa nhập vào hồn người, thức tỉnh và che chở con người như một tín ngưỡng dân gian…

- Đặng Văn Sinh

*

 

          Nhà tôi ở lưng chừng đồi. Ngôi nhà nhỏ như tổ chim ghé vai dựa vào vách sỏi cách mặt đường ba chục bậc cấp ấy có một cây mộc hương bốn mùa lặng lẽ buông từ nách lá những nhánh bông li ti màu vàng ngà điểm đôi chấm ngả sang trắng sữa và một khoảnh sân bé xíu lát bằng những viên gạch gốm, màu men đất thâm trầm lấp lánh ánh đen. Đứng ở đấy, nhìn về phía trước sẽ thấy trọn vẹn một hồ nước mênh mông thấu cả đáy sỏi vàng – Hồ Bến Tắm. Giữa hồ có một hòn đảo rất lớn, tách biệt hẳn với đất liền vì con đường độc đạo dẫn vào đó bao giờ cũng chìm sâu trong nước.

          Mẹ tôi gọi đảo ấy là Đảo Mộc Hương…
                                             ***

          “Sao nhà mình lại ở tận trong đây? Mọi người ngoài kia hết mà mẹ?”.

          Tôi hỏi câu ấy vào một buổi sáng mùa thu hanh hao nắng, khi mẹ gượng ngồi dậy để cho tôi chải tóc trước hiên nhà.

Năm ấy tôi tròn 8 tuổi nhưng mới lần đầu tiên theo chú Vinh ra Trúc Ổ, gặp một người để làm thủ tục để đến trường như lời chú nói. Hồ Bến Tắm nằm cuối Trúc Thôn, cách nơi ấy vài giờ đi bộ. Chỗ này ngày xưa là đất hoang, là ranh giới ngăn phần đất linh của rừng Ngũ Nhạc, cửa Hàm Long, đỉnh Phượng Hoàng với làng mạc, xóm thôn.

“Sao nhà mình lại ở tận trong đây?”…

Trong trí nhớ của tôi, bao giờ mẹ cũng hệt như một cô bé, mắt sáng, hai má bầu bầu, tóc ngắn, nhẹ và bồng lên như sóng, rất hay cười, sáng nào cũng ngồi bên hiên, cạnh cây mộc trà, nhìn mông lung sang đảo mãi rồi mới quay lại, cùng tôi vuốt gốm trên chiếc bàn xoay bằng đôi bàn tay có những ngón tay biến dạng, dính vào nhau bởi những mảng da nhăn nhúm, từ khuỷu trở xuống dọc ngang chằng chịt những vệt sẹo dài.

Nhưng đến nửa tháng nay thì không…

Nắm đất sét hoa đào nằm im nhạt màu trên khay gỗ. Chú Vinh đứng cuối hiên, bên giàn giá phơi, tần ngần nâng trên tay những bình gốm mộc đã khô, màu hoa sim đã chuyển sang ánh trắng, chạm vào từng nét khắc. Rất lâu, rồi mới buông tay thả xuống dưới chân mình.

Tôi quay đi, không nhìn nhưng vẫn đếm đủ từng tiếng đất vỡ. Những âm thanh trầm nhưng gọn và vang. Còn một lần rơi cuối cùng. Còn chiếc bình ở giữa, lớn nhất trong số đống hàng phơ chú Vinh vừa đập bỏ, dáng tì bà, cao chừng 60cm, có bức tranh ngôi nhà nhỏ nhìn ra hồ nước mênh mông. Trong số những bình gốm mộc chạm nổi, nó được mẹ tôi chuốt sau cùng. Làm một mình. Không biết từ bao giờ.  Khi đất se, tôi tỉ mẩn ngồi hàng giờ vuốt từng cánh hoa đất bé xíu, hỏi chú Vinh làm được những màu gì cho bức tranh của cháu. Chú có làm được men Mộc Hương không?

 Hồ nước…

 Đảo xanh…

 Ngôi nhà và cây mộc hương hoa vàng trước cửa…

Chú Vinh chỉ cần buông tay là trọn vẹn tiếng vỡ cuối cùng…

                                       ***

                                               

Nửa tháng sau buổi sáng mùa thu ấy, một lần nữa chú Vinh đưa tôi ra ngoài Trúc Ổ. Qua khúc ngoặt cuối cùng âm u bóng cây tất cả khuất dạng sau rừng thông cao vượt hẳn lên như cánh cửa xanh che khuất lối vào. Mẹ ở lại ngoài đảo cạnh bố. Trong mặt nước hồ xanh. Trong đồi đất sét màu sim. Trong hai nấm mộ gió nằm bên nhau quay mặt về chiếc lò gốm cũ, sạt một nửa, dây bìm bìm hoa tím leo gần kín nóc. Và trong cả hai chiếc bình gốm nhỏ đựng cốt tro tôi mang bên mình. Tuổi thơ tôi khóa lại trong căn nhà lưng đồi. Cây mộc hương bị phạt ngang gốc héo rũ trong heo may. Chú Vinh bảo phải chặt, nếu nó khỏe mầm sẽ nảy lại chứ để cao thế này xòa xuống không khác gì cành leo, nặng mái. Tôi lặng im theo chú, cố không hỏi bao giờ quay lại vì mẹ dặn cứ đi theo chú là có gia đình.

Qua ngã tư có lối rẽ về thị trấn là một con đường đất xuyên cánh đồng đi tít  về phía xa. Phía ấy không xanh mà bàng bạc màu trời. Chú Vinh dừng lại nhìn hàng dấu chân tôi in trên con đường đầy bụi đỏ. Thi mỏi chân, lên chú cõng. Tôi lắc đầu. Tay nải của tôi thấm gì với cái hòm nặng trĩu chú đang vác trên vai.

Cây mộc hương cắt gốc, hòn đảo mang tên hoa, lò gốm đổ bên hai nấm mộ tròn mỗi bước một xa… Chân trời gần lại mang theo hơi gió nước. Phía trước là bến đò. Đón chúng tôi là người đàn ông chú Vinh và tôi gặp ngoài Trúc Ổ hôm nào. Ánh mắt sượt qua tôi: “Chu đáo hết cả chưa?”. Tôi giật mình ngẩng lên, nhìn thẳng, mồ hôi lạnh toát dọc sống lưng. Người đàn ông này tôi mới gặp lần hai nhưng giọng nói thì nhớ từ bao nhiêu năm trước. Chú Vinh khẽ nhắc: “Thi chào bác cả, anh trai bố… - rồi chỉ tay về phía trước – Thấy chân trời không? Hết dòng sông này là đến nhà…”.

Con đò dọc đưa chúng tôi qua tận xế chiều. Nơi tôi đến là một ngôi làng hệt như ốc đảo, lưng tựa vào dãy đồi núi thấp đang sẫm lại dưới hoàng hôn. Con đường trục chính trên tầng tầng gốm vỡ chạy dài theo mép sóng vuông góc với chi chít nhánh ngõ sâu hun hút dẫn vào những ngôi nhà quây giữa bốn bề tường bao cũng được ghép bằng gốm. Ngõ hẹp, nhà chật, tất cả đều om om tối trừ một ngôi nhà cổ dựng trên nền đất cao, phía trước là khoảng sân rộng lát gạch nung, đằng sau có rất nhiều nhà xưởng và một lò gốm đang lên khói trắng.

Đó là nhà ông nội tôi.

 Chú Vinh từ chối lời bà  mời ở lại, bảo trở ra ngay mới kịp chuyến đò rồi vuốt tóc tôi: “Thi ở với bác, với ông bà nội. Bao giờ lớn nhớ về thăm bố mẹ nghe chưa? Đồ của bố mẹ nhớ giữ cẩn thận…”. “Chú có về đón cháu?”. “Không biết lúc nào. Nhưng chắc chắn sẽ về…”.

Tính từ buổi chiều ấy, chú Vinh đi liền một mạch hơn hai mươi năm…

                                      ***

“Quê chú Vinh ở đâu bà có biết không? Khi nào lớn con đi tìm chú…”.

Bà tôi ngồi dậy, gục đầu xuống gối, im lặng rất lâu rồi mới vén lá màn đôi, bước xuống giường đi về phía cái thồi gỗ mít. Chỗ tôi và bà đang nằm đây là một gian nhà ngói mũi, tường ghép bằng những chiếc tiểu sành tím đen màu men đất, tách hẳn ra khỏi nhà chính, khuất giữa vườn cây, chẳng mấy khi có người nhà trên ghé xuống. Giang sơn của hai bà cháu bốn mùa chỉ nghe tiếng vườn và nghe gốm thở - tiếng thở lúc mát ngọt, nhẹ và trong veo như hương cây mộc trà cổ thụ bên hiên trong những buổi chiều thu, có lúc lại ấm sực và nồng nàn như hương bạch trầm mỗi năm bà đốt một lần, đêm giao thừa, trong lư gốm, khói xanh lên cao vươn thành sợi dài như tơ chỉ.

Có tiếng hỉ mũi. Bà đang khóc. Lần thứ hai tôi thấy bà khóc kể từ cái chiều một mình chờ trước cổng đón tôi từ Trúc Thôn, Trúc Ổ trở về. Tôi nghe tiếng rì rầm. Bà như đang nói với ai đứng lẫn trong bóng tối: “Đến mẹ mày còn không biết... Ngày về đây làm thuê đã thấy dắt theo, bảo là em nuôi, cưu mang từ bé. Bồ côi bồ cút nương tựa vào nhau. Mà toàn những đứa tài…”. “Con biết rồi. Mẹ con vẽ. Mẫu khó chỉ cần đóng cửa vài ngày luyện bút là y hệt. Chú Vinh chuốt gốm bén như diễn. Còn bố con chuyên men gốm cổ. Nâu mật. Hoàng lưu ly. Xanh lưu ly. Men Lý – Trần bà ạ…”. “Sao con biết?”. “Mẹ con kể! Bảo bố giỏi nhất nhà…”.

Hơn hai mươi năm trước, vào một buổi sáng cuối mùa thu, mẹ tôi dắt chú Vinh rời bến, lên một con đò dọc xuôi dòng sông Sặt vào cửa Thái Bình rồi ngược Lục Đầu Giang men hữu ngạn sông Cầu tìm đến đất gốm xin làm thuê. Hai ngày lênh đênh gần gần trăm cây số, mái chèo dừng lại lúc lưng lửng chiều, người đàn ông chân sào chỉ tay về phía dãy thuyền buôn đang chờ cập bờ bảo phía ấy là bến gốm Nguyệt Đức, ngày xưa cả bốn mùa mặt nước rợp bóng thuyền. Bến đò ngang vì thế phải lui xuống tận cuối làng. Nhà tôi quãng đó. Lò gốm hai chị em cô tìm phải đi hết con đường dọc bến đến tận đầu kia. Cứ hỏi ông chủ họ Mai thì ai cũng biết.

Chiều mùa thu ấy trong veo. Chờ hai chị em cuối con đường gốm vỡ là một góc bãi sông những giá hàng phơ, màu đất se rời rợi hắt ngược lên trong nắng. Chú Vinh kéo tay mẹ tôi bảo gốm kìa chị. Em chưa bao giờ nhìn thấy nhiều hàng mộc thế này. Nhà mình tìm kia phải không? Khói gốm! Lâu lắm rồi em mới ngửi thấy mùi gốm chín. Mẹ tôi gật đầu: “Ấm và bắt đầu đanh. Nhưng chuẩn bị rút lửa thôi. Quá thêm là xé…”.

Ông chủ lò - người đàn ông ngoài năm mươi tuổi, yên lặng nhìn hai chị em rất lâu rồi mới mở lá thư mẹ tôi vừa lấy từ cái túi cói ôm trước ngực suốt dọc hành trình, lật đi lật lại, săm soi từng chữ, mãi mới ngẩng lên, mặt vẫn thản nhiên không nét động: “Cháu cụ Tâm làng Cậy? Cứ biết thế đã. Cháu ai cũng phải thử nghề. Tháng trước nhóm thợ Bát Tràng xuống, không trụ được cũng bạt sới. Lò này không phải ai cũng nhận…”. Mẹ tôi bảo cháu biết. Ông cháu cũng dặn rồi. Đất nghề thợ xứ, người xa đến không giỏi không trụ được. Bác cứ cho chị em cháu thử việc. Không được chúng cháu đi nơi khác…

Cất lá thư trở lại túi, mẹ tôi nắm tay chú Vinh - lúc ấy đang nhìn hút mắt như bị thôi miên về phía sau vườn: “Lúc vào, chúng cháu ngửi thấy mùi gốm chín. Nếu cháu đúng thì lò phía trước chỉ tầm mười phút nữa bác sẽ cho dồn củi thúc rồi bít lỗ giòi để om. Lò này bác dùng củi nhãn. Lửa chắc và quyện. Mùi gốm chín ấm và đằm. Lò sau mùi gốm tươi ngái hơn bác ạ …”.

Người đàn ông trước sau vẫn không đổi nét mặt, chằm chằm nhìn hai chị em thêm vài lượt nữa rồi quay sang bảo người thanh niên nãy giờ đứng cạnh: “Chuẩn bị thúc lò!”.

Người chủ lò gốm ấy sau này là ông nội tôi…

                                      ***

Vào một ngày không nắng cuối mùa thu, có một cô gái trẻ dẫn em trai ngược dòng hàng trăm cây số tìm đến đất gốm xin làm thuê.

Lúc ấy khoảng ba giờ chiều. Mảnh sân rộng trước sân nhà lớn ngập gió từ triền đê xoài xuống. Những cơn gió vuốt những vệt dài mướt như lụa nõn, gặp dãy xưởng dài liền lật chiều ngược lại kéo nhau chạy tít xuống cuối rặng ô rô xanh thẫm mới dừng. “Gió ở đây cũng thơm mùi gốm.  Không như gió sông Sặt quê cháu. Đậm phù sa…”. “Ông cụ gốm Cậy mất lâu chưa?”. “Hai hôm trước là tròn trăm ngày bác ạ. Ông cháu dặn lửa gốm làng mình lụi, các con phải đi nơi khác, làm thuê làm mướn cũng được. Để giữ nghề. Có thế ông mới nhắm mắt.  Ông cháu bảo phải đi ngay cơ. Nhưng đi như này chưa biết ngày nào về nên cháu phải cúng cơm tròn trăm ngày, cúng tốt khốc tiễn ông qua đủ tám cửa âm xong mới yên tâm lên đường… Chúng cháu không cần nghỉ. Bác cứ cho thử việc. Ông cháu dạy chúng cháu làm đất, chuốt, vào men và nung nhưng cháu chuyên hơn về vẽ. Em cháu chuốt… Bác muốn chúng cháu tạo mẫu hay làm theo mẫu? ”. “Làm theo mẫu! Cháu cụ gốm Cậy chắc cũng không phải thường. Góc cao lanh kia cô chọn lấy một cái vẽ cho tôi hoa văn này! ”. “Bác muốn cháu vẽ trên men hay dưới men?”. “Ý cô thế nào?”. “Mẫu này giả Ngũ Thái. Vẽ dưới men bác ạ!”. “Sao cô biết là Ngũ Thái? Nhỡ Đấu Thái thì sao?”. “Không nhầm được bác ạ. Một cái sứ nhà Minh. Một cái sứ nhà Thanh. Chủ đạo là cùng màu lam nhưng Đấu Thái nhạt, hoa văn có đường viền, Ngũ Thái đậm buông bút tự do hơn. Mẫu này hôm nay cháu làm không dám đảm bảo giống tuyệt đối. Muốn y hệt cần luyện bút vài ngày... Cháu sẽ cố căn cho chuẩn nhưng sau khi vào men, qua lửa có thể hỏa biến. Cái này cháu chưa học được nhiều vì gốm Cậy của ông cháu chủ yếu tự tiết men không tráng men bác ạ!”…

Ngoài kia nắng bất chợt bừng lên. Dãy nhà xưởng hướng tây đón trọn cả một miền trong veo nắng. Người con gái mở túi lấy chiếc ống tre đựng bút vẽ rồi ngồi bó gối ngay trước ngưỡng cửa, trong thênh thang gió, lặng im nhìn mẫu. Rất lâu sau mới bắt đầu đặt nét bút đầu tiên…

Bên cạnh, cậu em trai dừng bàn xoay, kết thúc vệt chuốt cuối cùng chiếc bình giọt lệ. Dáng đất mềm như nốt son lấp lánh mặt trời.

                                                ***

… Bao nhiêu đêm rồi trong ngôi nhà gốm cổ giữa vườn cây tôi đều nghe tiếng bà rì rầm lẫn trong mùi mộc hương đằm và mát như mùi mật ong mùa nhãn vừa lướt trên da thiếu nữ rồi lững thững qua thềm như một dải mây. Cây hoa này mẹ mày trồng ngày về đây. Cái túi mang theo có vài bộ quần áo. Hộp bút vẽ. Cái bầu đất nhỏ giâm mầm cây gầy như que củi, bảo bà là bác cho con đặt nhờ vào cái bình gốm vỡ, nếu ông chủ không ưng con mang ra sau vườn. Cây này con ươm từ nhà cũ. Ông con trồng trước hiên... Bốn mùa hoa…

Cây mộc hương bên hiên ngôi nhà trên sườn đồi nhìn sang đảo của tôi cũng đủ bốn mùa hoa.

Tôi ngồi trên bậc thềm vun đầy cái ang sành trước mặt những chùm mộc hương khô. Màu vàng sẫm thoáng nghiêng sang nâu ánh tím. Lửa loang tròn quanh miệng ang theo gió. Khói lên quẩn bốn bề ngọt như mùi sữa lúa rồi tụ về đậu xuống đám tàn tro mịn như bột qua rây.

“Đủ hết cả chưa ông?”.

“Tro tứ thiết. Bột vôi. Bột sỏi. Bùn sa… Cả rồi đây. Chỉ chờ  mộc hương tro”.

“ Mẻ hoa này mình lấy cuối mùa thu nên màu tro đằm hơn thì phải? Không xám bạc mà ngả nâu hoàng thổ. Ông thấy thế không?”.

Cái bóng gầy râu tóc bạc phơ nghiêng xuống chạm nhẹ đầu ngón tay vào lớp bột  mềm, rất lâu rồi mới ngẩng lên, nhìn thẳng, ánh mắt không cười hiền như mọi bận.

 “ Lần này cô định thế nào?”.

“Con mạo hiểm chút. Những mẻ trước hỏng cả, lần này con sẽ thêm hai phần mộc hương… Con dành hẳn một bầu để vào men này. Thế mới rõ sự biến nhiệt chuyển màu men…”.

“Tôi không hỏi điều đó. Ý tôi là cô lấy đâu ra tiền để làm lò mới? Đừng nói hàng tháng nay cô đóng cửa chỉ để chuẩn bị cái ang này…”.

Tôi lặng im ngồi bó gối nhìn sang đảo. Mãi lâu sau mới bảo ông nhìn kìa, mấy chục năm đảo giờ chỉ thấy toàn cây dại. Lùm cao nhất là lò gốm cũ còn cái vòm bìm bìm hoa tím là chỗ mộ gió bà với bố mẹ con nằm… Con cũng biết làm thế là không được. Bà và bố mẹ con cũng không ai đồng ý. Họ bỏ quê đi gửi tàn tro xứ người cũng bởi thế… Nhưng không còn cách… Ông giúp con lần này... Có tiền, con về đây dựng lại lò, làm gốm men hoa…

“Nhưng tôi hỏi cô làm bằng cách nào? Có mẫu còn chưa ai làm nổi. Đằng này…”.

“Con có mẫu…”.

Tôi đứng dậy, bước về phía chái nhà ngày xưa là phòng ngủ. Nắng lưng lửng chiều rọi qua song cửa ẩn hiện trên nền gốm sẫm màu. Lật viên gạch giáp tường ngay dưới chân cửa sổ, tôi lấy từ cái hốc ăn lan vào nền đá móng chiếc hòm gỗ, cẩn trọng mở ra. Trên nền lụa lót, chiếc bình sứ men lam đón vạt nắng chiều, hắt trả lại luồng ánh sáng trong suốt như bảo thạch. Cái bóng gầy run run quỳ xuống, những ngón tay chạm khẽ vào lớp men sứ trong veo.

“Làm sao cô có được thứ này?”.

“Mẹ con giữ cho con ông ạ! Nếu mẹ không giữ kiểu ấy con mất nó lâu rồi!”.

                                       ***

Ngày ấy, về với bà, gia tài tôi mang theo chỉ là tay nải đựng hai bộ quần áo cũ và cái hòm gỗ nặng trịch chú Vinh vác trên vai. Bà tôi bảo con mang xuống nhà gốm. Hai bà con mình ở đấy. Bác Phú ngăn lại, để xem bố mẹ nó để lại cho nó cái gì. Nắp mở ra. Bên cạnh ống bút vẽ quấn trong cái áo của mẹ tôi có lá thư viết tay  của cụ gốm Cậy đã nhòe hết mực, cuốn sách ghi công thức màu men của bố và một hộp gỗ bốn bề lót vải đựng cái bình gốm phơ vẽ ngôi nhà có cây mộc hương trước cửa. Tôi bảo cái bình này trước khi mất mẹ dạy cháu học đắp nổi. Cháu giữ. Bác Phú quay sang bà: “ Đẻ sáng mắt ra chưa? Cứ bênh đi! Chúng nó bán mất rồi. May còn cuốn sách…”. Đêm ấy bà bảo tôi con đừng buồn, sẽ có lúc bà tìm cách lấy lại cho con. Tôi thì thầm con thuộc hết rồi bà ạ. Mẹ con dạy... Bà kiếm cho con giấy bút… Ừ thế chép lại. Giấu trong ruột bình phơ. Sau này có lúc cần… Bác Phú mày không làm được men gốm cổ đâu. Nghề này mà tâm không sáng thì gốm làm ra không ấm, chạm vào sẽ không thấy mạch gốm đập trên đầu ngón tay, lửa lò cũng không bền… Giời không thương bà bắt bố mẹ mày đi sớm quá. Gốm cổ mình khéo thất truyền… Bà không giữ được nghề tổ tiên, chết không nhắm mắt…”.

Bà hay nói với tôi điều đó - bao nhiêu lần trong những đêm nằm trong căn nhà giữa vườn cây. Bà bảo ngày xưa Nguyệt Đức mình sầm uất lắm. Thuyền ăn gốm bốn mùa về chật cửa sông. Đất này phía đông thắt eo giống hình con rồng quay về chầu chốn Tổ. Phía tây cong như lưng hổ ngồi. Còn phía nam, đỉnh núi con vẫn nhìn thấy là đỉnh Nguyệt Sơn. Dễ chừng ngàn năm tuổi. Thế đất làm nên làng nghề. Ngày ấy, gốm quê mình đi khắp nơi. Chum, vại, ang, bình, tĩn, vò… đủ cả. Nhất là tiểu sành thì không đâu sánh được. Để trong lòng đất mấy chục năm mà khi lên gõ vẫn coong coong như thép… Tôi bảo bà mẹ con kể gốm quê mình được như thế là nhờ kĩ từ hàng năm trời ủ đất, kĩ đến phơi phải xoay trở bốn bên cho tròn nắng gió, kĩ đến nung bằng củi phải canh lửa lên hơn ngàn độ rồi điều chỉnh theo chu trình sin mới cho gốm tím đanh, óng như dội mật. Không bao giờ thấm nước. Ngàn năm không mất màu… Ngày ấy lâu lắm rồi hả bà?

“Ừ, lâu lắm… Mấy chục năm… Ngày mẹ mày dẫn chú Vinh về đất này tìm gốm, lửa nghề làng đã phập phù… Gốm cổ làng mình lụi từ ngày ấy…”.

                                      ***

… “Cô nói đúng. Gốm cổ làng mình lụi từ ngày ấy. Trừ lò gốm nhà họ Mai. Ông nội cô bỏ gốm truyền thống chuyển sang hàng giả cổ. Ngày mẹ cô về, tôi đã là thợ đứng lò chính ở đấy ngót hai mươi năm…”

“Vâng. Ông sau này còn chuyên men cổ đời Minh – Thanh. Bố con gốm Việt, dòng Lý – Trần. Mẹ con vẽ. Bà con và chú Vinh thì chuốt… - ngũ quái “cơm dương gian - nghề âm phủ” làm nên tên tuổi gốm họ Mai lẫy lừng danh tiếng một thời…”.

Tôi đặt chiếc bình sứ lên mặt bàn tre, giữa những đốm nắng nhảy nhót xôn xao theo chiều lá. Dưới kia, mặt hồ hắt những luồng ánh sáng lấp loáng ẩm hơi nước lên tận trên này rồi tụ vào lấp lánh trong đáy mắt ông lão đang ngồi trước mặt tôi.

Nghề âm phủ là do bà con gọi… Bà là con nhà nòi, bị đất bỏ bùa từ trong bụng mẹ, lớn lên thành phù thủy chuốt gốm nổi tiếng khắp vùng, bà bảo gọi thế là bởi gốm do mình làm ra nhưng tốt xấu thế nào không biết trước chỉ đến khi ra lò, nâng trên tay mới biết dở hay. Tổ cho nghề nhưng hồn gốm lại do tâm. Tâm không sáng, gốm làm ra không ấm, chạm vào không thấy thở, không thấy mạch gốm thì sớm muộn lửa cũng tàn… Và con còn biết điều này nữa. Điều này bà không nói nhưng mẹ con kể. Mẹ con bảo ông thương bà con hơn thương gốm”…

Cái bóng gầy trước mặt tôi thoáng giật mình. Những ngón tay khô như củi và sậm màu men đất run run chạm vào lớp vải lót bên thành hộp gỗ. Nắng cuối thu trong suốt, tĩnh như gương nhưng hình như có gió từ đảo thổi về vì tôi ngửi thấy mùi gốm cũ lẫn trong mùi hoa bìm bìm cánh mỏng như sương tím.

“ Mẹ nói chắc tại ông nghĩ mình nghèo, chỉ là dân thợ xứ đến làm thuê nên thương bà mà không dám ngỏ. Đến khi bà con có nơi có chốn vẫn không lấy ai, vẫn ở lại làm kiếp thợ nghèo, quẩn quanh buồn vui mừng vọng… Bảo bố con sau này thành thợ men giỏi cũng nhờ ông… Mà ông có biết ai chỉ cho con tìm ông không… Bà con đấy… Bà nói với con điều đó trước khi mất. Một đêm cuối mùa thu... Mười năm rồi nhưng con còn nhớ lúc bà bảo mở cửa cho hương mộc vào ủ trong tường gốm, sương cũng vào theo. Nhưng sương nặng lắm. Nhìn qua vườn không thấy nhà trên…”.

                                                ***

Đã thành lệ, từ ngày tôi về với bà, cứ mỗi mùa thu, những đêm mộc hương nở rộ, bà lại bảo tôi mở cửa để đón mùi hoa vào ủ cho gốm thở, thâu đêm. Bà bảo làng mình xưa nhà với tường toàn xây bằng gốm vỡ. Chỉ cần cát vôi và mật mía rồi khéo tay đan gác là thành khối nên hình. Căn nhà bà con mình đang ở đây cụ ngoại kén từng cái tiểu sành. Mấy trăm cái, cái nào cũng là hàng quá lửa. Dẫu bị co, lún hay bị xé đều lên mã mật, nắng chiếu vào đổi ánh xanh như ánh thép. Kiểu nhà này tường rỗng, khi hương mộc đựng đầy trong đó sẽ cả bốn mùa thơm. Bà không biết điều này, đến tận khi mẹ con đem cây về trồng, qua mấy mùa hoa mới phát hiện ra. Mùi mộc hương ngọt sâu quẩn trong mùi gốm ấm mỗi năm một đằm. Mùi hoa đất đấy con... Cơ nghiệp tổ tiên để lại bà chẳng còn giữ được gì ngoài căn nhà và khoảnh vườn này. Ông nội con và bác Phú bảy lượt dăm lần đòi phá nên bà đã di chúc, giấy tờ  đủ cả… Giờ chỉ trông vào con. Nhờ con sau này…

Tôi nâng đôi bàn tay bà lên trước ánh đèn. Đôi bàn tay phù thủy gốm với những ngón dài héo quắt nằm im trong tay tôi – đôi bàn tay hơn mười năm dạy tôi chuốt gốm bằng bàn xoay trong góc xưởng của riêng mình. Tôi bảo bà cười một lần cho con xem. Từ ngày về chẳng khi nào con thấy bà vui… Con biết bà khổ tâm. Bên chồng, bên con, bên cơ nghiệp tổ tiên, xô phía nào cũng vỡ. Ông nội con là người giỏi. Lại thức thời, đầu tư cho hai con theo nghề chứ không chỉ loanh quanh cha truyền con nối… Bố con tốt nghiệp chuyên ngành gốm Mĩ thuật Công nghiệp. Bác cả  được gửi sang tận Cảnh Đức Trấn  học… Mới đầu ông nhà mình cũng chỉ là mê chỗ đồ cổ bố vợ để lại, sau đi khắp nơi lùng tìm thêm gốm cổ của Việt Nam và Trung Quốc. Rồi cho nghiên cứu. Từ kiểu dáng, hoa văn đến chất liệu xương gốm, tuổi men. Cả độ nung… Thử nghiệm kì đến khi thành công mới tung ra hàng loạt. Cả một vùng chỉ duy nhất lò gốm họ Mai làm được hàng giả cổ cao cấp thế... Trừ chi phí ban đầu, vốn bỏ ra ít mà thu lời cao… Ông nội con tài. Cả vùng ai cũng phục…

Bà nhắm mắt. Tôi lặng im nghe. Ngoài kia gió nổi đưa sương đêm theo hương mộc tràn vào lẫn với ánh đèn nhập nhòa quầng đục. Bóng bà sẫm, ẩn trên màu tường gốm, chảy xuôi xuống, loang như vệt gốm thở dài.

 “Chỉ tiếc sau này ông ấy chuyển sang làm đồ cổ giả. Cái đấy là lừa người. Tiền nhiều lắm nhưng cái tâm nghề gốm không còn… Bố mẹ  mày bỏ đi cũng là vì thế”.

 “ Đêm ấy bà cũng biết nhưng không cản phải không bà?”.

 “Bà biết... Kể cả chuyện chúng nó mang theo một chiếc trong  đôi bình “Vĩnh kết đồng tâm”...

                                                ***

 “Đúng rồi cô! Trong số những món đồ cổ cụ ngoại cô để lại có đôi bình sứ Khang Hi cực kì đặc biệt. Trước sau chưa từng thấy bao giờ…”.

Ông lão đỡ chiếc bình đặt vào vạt nắng bên cửa sổ. Một dải mắt hoa gạo bé xíu rỗng mờ trên thân bình bắt nắng sáng rực lên, nối tiếp nhau chuyển động thành một dòng sông trong suốt, chảy không ngừng.

“Đây là chiếc bình sứ Thanh Hoa Ngũ Thái. Nhìn bằng mắt thường cũng thấy, chỉ một màu xanh cobalt nhưng tùy bút lông người vẽ đẫm hay lướt mà thành năm màu hoa văn đậm nhạt khác nhau trên nền trắng phủ men trong. Loại sứ này còn được gọi là Thanh Bạch Từ Khí. Được làm giữa đời Khang Hi…”.

“Con chỉ nhìn bên ngoài, chuốt theo dáng và vẽ theo mẫu. Còn đời nào thì chưa rõ lắm…”.

“Thế mới nói. Ngày xưa chúng tôi làm đồ giả cổ cũng mỗi người một khâu. Ai chuyên việc nấy. Loại bảo vật này một người làm không nổi cô ạ. Cô nhìn đây, cái bình này là đồ sứ cao cấp lò quan, sử dụng Minh Châu Liệu, một màu men của tỉnh Vân Nam nên hoa văn tươi, trong suốt, sáng nhưng êm chứ không chóe mắt như đồ sứ mới. Thai thổ tinh luyện không lẫn tạp chất nên đáy bình vẫn nguyên màu trắng ngọc, không biến đỏ như sứ thời Minh. Thai thể mỏng như giấy, gõ nghe đanh, ngân nét dài và mảnh như chuông… Còn nữa, hiệu đề “Đại Thanh Khang Hi niên chế” dưới đáy này được viết tự do chứ không đậm nét như thời kì đầu cũng không khuôn thước như giai đoạn cuối… Nhưng tất cả những cái đó không tạo nên giá trị đặc biệt của chiếc bình này…”.

“Con biết. Đặc biệt ở chỗ nó có một đôi. Nếu đặt cạnh nhau sẽ thành một bức tranh…”.

“Cũng cùng đề tài “Vĩnh kết đồng tâm” nhưng cực kì phóng khoáng, không theo bất cứ một mẫu nào. Chiếc bình kia vẽ xuôi từ trên xuống. Núi rừng, đầu nguồn, gốc cổ thụ... Còn chiếc này vẽ ngược lên, tiếp tán cây, dòng sông, ruộng đồng... Đặt chúng cạnh nhau, nhìn từ phía nào cũng thấy cây chung gốc, núi liền núi, sông liền sông”.

“Vâng ông! Còn kĩ thuật chạm rỗng men thủy tinh cả một dòng sông. Nếu bắt sáng sẽ chuyển động không ngừng … Sứ Linh Lung và Thanh Hoa Ngũ Thái  Cảnh Trấn Đức Trung Hoa kết hợp đến đỉnh cao. Độc bản. Gần như còn mới nguyên. Mấy mươi năm trước nó đã có giá tính bằng vàng. Mười cây cho cả bộ… Ấy là giá lúc đầu ông ạ. Sau đó còn được đẩy cao gấp nhiều lần… Không chỉ vì nó đẹp mà còn bởi có truyền thuyết rằng ai sở hữu đôi bình này thì làm gì cũng thuận. Việc lớn việc nhỏ, nội gia ngoại quốc chỉ cần hô một câu là trên dưới đồng lòng, rồi mát mái xuôi chèo thuận dòng, êm như nước… Giới cổ vật săn đôi này ghê lắm… Vì thế ông con mới quyết tâm làm giả… Gia đình con li tán cũng bắt đầu từ đây… ”.

                                                ***

Tôi ngồi xuống, đối diện với ông lão. Giữa chúng tôi, trên chiếc bình Thanh Hoa Ngũ Thái, dòng sông ánh sáng vẫn chảy không ngừng.

“ Thực ra từ trước đó chúng tôi đã làm nhiều món đồ giả theo ý ông nội cô. Nhưng đến đôi bình này thì có chuyện. Bố cô phản đối. Bảo với tôi rằng thầy con bắt mọi người đem gà tráo phụng như thế đủ rồi. Người ta mê cổ vật, bỏ cả đống tiền, có khi khuynh gia bại sản mà chỉ rước về đồ giả, lừa nhau thất đức thế này con không làm nữa. Con mê gốm, chú biết rồi. Chú cũng biết con ước có một lò gốm của riêng con, nhỏ  cũng được, nhưng chuyên gốm Việt. Gốm ấy chuốt từ đất mình, men tro men hoa biến màu theo ý thích, nồng hơi lửa và biết thở trên tay người, chứ cứ làm giả theo mẫu mãi như thế này chúng con chỉ thành thợ chép… Bố cô nói điều này vào một buổi chiều cuối mùa thu. Lúc ấy, xưởng gốm ngập hoàng hôn. Mẹ cô và cậu Vinh đang dọn đồ chuẩn bị nghỉ. Vẫn giống bao nhiêu ngày khác. Thản nhiên như không. Thế mà đến đêm, chúng nó trốn đi lúc nào không biết... Ông nội cô giận lắm. Thuê cả người đi tìm. Còn bảo nếu thấy cứ đánh nát hai tay trước rồi dẫn về sau. Cô bảo ông ấy ác? Đúng thế. Chung quy tất cả cũng vì tiền. Ba thợ giỏi nhất bỏ đi, lửa lò thành lom rom, làm việc gì cũng khó. Lại thêm cái bình Vĩnh Kết Đồng Tâm… Tôi hiểu bố cô mang theo không phải vì tiền mà chính là chặn cơ hội làm giả nhưng ông cô thì không nghĩ thế… Cả chuyện mẹ cô...”.

“Con biết… Ông muốn mẹ con lấy bác Phú… Ông đánh tiếng lâu rồi nhưng mẹ con không đồng ý…”.

“ Khi vỡ lẽ, cậu Phú hận lắm. Cũng thuê lùng đông kiếm tây. Ba bề bốn bên cứ nơi nào có đất gốm là tìm. Thế mà mấy đứa giỏi, bặt tích dễ đến bảy năm. Mãi sau này tôi mới biết, ông cụ gốm Cậy trước khi mất có kể cho cháu nghe về một vùng đồi hoang vu sâu trong rừng Ngũ Nhạc. Là Trúc Thôn, Trúc Ổ bây giờ. Ở đó có mỏ đất sét nạc, lại đủ cả hai màu hoa đào và hoa sim. Ông cụ phát hiện ra trong một lần ngược dòng Thái Bình lên Chí Linh tìm đất, cũng chưa từng nói với ai nên ông nội cô mới không tìm thấy. Sau này bố mẹ cô xảy ra chuyện, tôi cũng đến nhưng muộn mất rồi. Nói thật với cô, tôi cố nún nán mãi ở nhà họ Mai cũng chỉ vì thương bà lão. Nhưng sau đận ấy, tôi đi. Tiền và hận thù biến người ta thành ác, không nhìn mặt nhau được nữa…”.

“Đêm ấy lạnh và mưa phùn... Bố con ở lại bên xưởng. Chú Vinh không có nhà. Con còn nhớ mẹ bảo chú về gốm Cậy thắp hương cho cụ. Sắp tết rồi. Giờ con ngủ đi. Tí mẹ cũng sang bên đảo. Phải chuẩn bị nhiều thứ lắm. Nhà mình sẽ đốt lò vào đúng ba mươi. Lửa gốm sẽ cháy qua giao thừa sang năm mới. Con sẽ có đồ chơi bằng gốm do chính tay mình làm. Cửa sổ cứ để mở thế này, mưa mờ nhưng vẫn thấy đảo. Bố mẹ ở chỗ quầng đèn vàng kia. Giờ sang đấy phải chèo thuyền nhưng đến khi con lớn mẹ sẽ có một con đường nối đôi bờ bằng gốm vỡ. Lúc ấy, mẹ sẽ trồng hai bên đường chỉ một loài hoa để ủ hương cho gốm… Thế rồi mẹ con đi ông ạ... Mưa nặng hạt. Con không thấy ánh đèn mà chỉ nghe tiếng sóng… Cả tiếng mưa trên mặt hồ… Đêm ấy, con cũng ngồi đây, đúng chỗ cửa sổ này, lắng theo tiếng mẹ. Bờ bên kia không mưa vì con thấy vệt đèn trôi về phía xưởng. Rồi bất chợt con nghe tiếng người... Lúc đầu nhỏ. Sau ồn ào mãi lên thành quát tháo... Tiếng đập phá… Rồi lửa bùng lên từ chỗ bố con đang ngồi. Tiếng mẹ con gào khóc… Lúc ấy, con mở cửa định chạy xuống nhưng chợt nhớ lời mẹ dặn, lại quay vào… Vâng! Mẹ con dặn khi có chuyện chỉ cần lật viên gạch gốm này lên, chui xuống, nằm im bên hòm gỗ. Nếu ngoan không khóc thì mẹ sẽ về... Đêm ấy con không khóc. Kể cả lúc có tiếng chân người lạ vào nhà, lục tìm gì đó, soi đến từng ngách nhỏ. Rồi tiếng người… Giọng nói ấy con không bao giờ quên… Sau này gặp, nghe là nhận ra ngay ông ạ…”.

“Xưởng bốn bề là củi. Lối ra còn bị chặn. Kẻ ấy cố tình thiêu bố cô cùng gốm. Mẹ cô không cứu nổi chồng. Lửa ăn gần hết đôi bàn tay chuyên cầm bút vẽ… Khi biết tin, tôi đến, đã muộn rồi…”.

“Sau chuyến ấy ông cũng bỏ đi. Không còn thợ giỏi làm hàng cao cấp, lò gốm nhà họ Mai đành quay về hàng chợ, rót khuôn hàng loạt, chập chờn lửa lò tháng có tháng không. Ngày con về bà đã xuống ở hẳn nhà gốm giữa vườn cây. Một xưởng nhỏ và một lò gốm nhỏ, con quẩn quanh với bà ở đó học nghề... Người làng đồn con là thần đồng. Là con của Tổ gốm. Muốn làm cái gì cứ đặt tay vào là được… Nhưng con không nghĩ thế. Con nên nghề là bởi được học bà và mẹ. Nhưng hai người ấy chỉ giỏi chuốt, giỏi vẽ mà không giỏi về men. Và bà nói đúng, một mình con không làm nổi gốm. Con kể ông nghe, ngày bà mất để lại cho con khoảnh vườn có ngôi nhà và lò gốm, con bảo bác Phú tất cả gia tài của bà giờ là của cháu, sơ đồ đất đây, bác nhìn đi, nếu cháu xây tường bao cái sân sẽ chia đôi và lối vào xưởng gốm của bác sẽ không còn. Bác đừng dọa. Bà là chủ sở hữu đất này, giấy tờ công chứng đủ cả, bác không kiện cháu được đâu. Giờ cháu chưa dùng đến, tạm thời cho bác mượn, nhưng cháu đòi lúc nào nên lúc bấy giờ. Còn nữa, nếu bác vẫn muốn thuê cháu làm thợ chính phải đồng ý với cháu hai điều. Thứ nhất, lương tháng của cháu sẽ gấp đôi thợ thường. Thứ hai, cháu không thích chỉ làm hàng rót khuôn, men công nghiệp, đốt lò gas, bác phải khôi phục một lò truyền thống. Lò nhà bác sẽ bắt đầu làm lại gốm cổ. Hàng chuốt, vẽ tay, men đất, men hoa, mỗi cái một thần thái do hỏa biến sẽ được giá hơn hàng trăm cái một khuôn. Và mỗi lần vào lò củi bác phải dành riêng cho cháu một bầu. Cháu làm hàng của cháu…”.

“Thế bác cô đồng ý ngay à?”.

“ Không ông ạ. Bác ấy bảo cháu hợm tài, chỉ biết đến tiền, bắt ép người nhà quá đáng. Bảo mày được thế là từ đâu mà ra. Còn cháu chỉ bảo bác nghĩ kĩ đi. Thời buổi này thợ như cháu không sẵn. Nếu thuê cháu bác được nhiều hơn mất…”.

Ông lão trước mặt tôi gật đầu cười. Ánh mắt hiền và lấp lánh vui,  hệt như ánh mắt bà tôi trong buổi chiều ngồi nghe tôi nói sau này con dành tiền rồi mở lò gốm của riêng mình. Lò gốm ấy ở giữa hồ, trên đảo Mộc Hương. Sẽ chỉ làm gốm Việt từ đất, từ nước, từ lửa của mình như bà, như bố mẹ và chú Vinh con. Bà bảo ừ, ngày bố mẹ mày bỏ đi tìm đất gốm mới bà đã định đi theo nhưng giời buộc chân bắt ở. Sau này nhớ lấy nắm đất trên mộ bà đem về bên bố mẹ. Nếu giời thương, còn nhen lại được lửa gốm cổ, cả nhà mình sẽ cùng làm… Mày chuốt gốm giờ giỏi hơn bà lại giống mẹ giời cho tay vẽ nhưng đơn thương độc mã. Muốn thành phải tìm người giúp… Người ấy ở lò gốm cổ ở chân đồi Ngũ Nhạc, cách Trúc Ổ chừng hơn chục cây số đường đèo... Bà con nói điều đó trước khi mất. Năm ấy con tròn hai mươi tuổi…

“Thế mà bảy năm sau cô mới về Ngũ Nhạc tìm tôi. Cô bảo muốn quay về đảo, tất cả làm lại từ đầu phải có tiền. Côở lại làm thuê cho bác cả cũng vì tiền… Nhưng tôi biết đấy chỉ là cái cớ. Còn điều này quan trọng hơn. Mấy năm cuối đời ông cô nằm liệt. Cô đón ông ấy xuống nhà gốm giữa vườn cây…”.

“Vâng ông. Có lần con kể cho ông con nghe về  giọng nói của người đàn ông trong cái đêm xưởng cháy. Bảo sau này khi gặp bác Phú ở bến đò con nhận ra ngay. Bác ấy nợ con nhiều thứ lắm. Bây giờ con chỉ còn ông. Ông đừng lo. Con không bỏ đi đâu.  Bao giờ ông mất con mới về đảo gốm… Mà nhanh ông nhỉ. Loáng cái hơn hai mươi năm...”.

                                                ***

Hơn hai mươi năm, ngôi nhà gốm lưng chừng dồi đón tôi trở về vẫn nguyên màu cũ. Bây giờ là cuối mùa thu, cây mộc hương vẫn  lặng lẽ buông từ nách lá những nhánh bông li ti màu vàng ngà điểm đôi chấm ngả sang trắng sữa. Đứng ở bất cứ đâu trong ngôi nhà này, bên hiên mộc hương, trên khoảnh sân bé xíu lát bằng những viên gạch gốm trầm trầm màu men đất  hay sau khung cửa sổ song tiện nhìn về phía trước vẫn thấy trọn vẹn một hồ nước mênh mông thấu cả đáy sỏi vàng. Hòn đảo giữa hồ vẫn thế, tách biệt hẳn với đất liền vì con đường độc đạo bằng gốm vỡ dẫn từ đó ra hơn hai mươi năm vẫn chìm sâu trong nước. Tôi bảo mẹ con gọi đảo ấy là Đảo Mộc Hương… Con cám ơn ông vì mấy mươi năm ông vẫn đi lại quẩn quanh dọn dẹp chờ ngày con trở về.  Nhưng ông vẫn ngạc nhiên về cái bình Vĩnh Kết? Con không biết có nó cho đến tận cái đêm trước khi bà mất. Bà bảo con mở nắp hòm gỗ, cầm tay con đặt lên từng cánh mộc hương trên thân bình rồi bảo con có cả một gia tài. Lúc đầu con chỉ nghĩ đó là tập công thức men gốm cổ ngày xưa con chép lại. Nhưng sau này mới phát hiện ra chiếc bình ấy dày và nặng hơn bình thường. Hóa ra mẹ con chuốt bình mộc hương bao quanh nó. Bác Phú không biết cứ tưởng đấy chỉ là chiếc bình phơ bình thường. Thế con mới còn ông ạ. Tiền tỉ đấy ông. Nếu nguyên đôi giá còn gấp nhiều lần. Bác Phú đinh ninh bố mẹ con bán nó đi rồi. Giới cổ vật bao năm nay vẫn săn nhưng biệt tích. Giờ con sẽ nhờ ông dùng nó đòi bác Phú những gì đã mất… Vâng, con biết không đơn giản. Làm giả được loại bảo vật này phải hạng kì nhân… Con không biết mình có là kì nhân không nhưng mấy tuần nay con đóng cửa để chuốt và vẽ. Cái khó là mình chỉ có một chiếc, phải tưởng tượng họa tiết bên kia đối xứng thế nào cho chuẩn không sai một li. Nhưng ổn rồi ông ạ. Còn đất và men thì có lẽ ông phải sang bên kia một chuyến hộ con. … Men phải từ Vân Nam. Và cao lanh phải từ Cảnh Đức Trấn. Đất ấy có thành phần hóa học đặc biệt khác hẳn những nơi khác mới tạo nên xương gốm màu này. Ông bảo từng xử lí loại men này rồi. Chỉ là ông chưa từng làm sứ Linh Lung?”.

          “Đúng thế! Ở Cảnh Đức Trấn mà cô vẫn gọi là kinh đô gốm sứ thế giới ấy, trong bốn loại đồ sứ truyền thống trứ danh là sứ Thanh Hoa, sứ Men Hồng, sứ Men Màu thì huyền ảo hơn cả phải kể đến sứ Linh Lung. Muốn làm được nó phải hiểu về nguồn gốc của nó. Cô nói tôi nghe!”.

          “Dòng sứ này khởi đầu từ một sản phẩm bị lỗi trong quá trình tráng men ông ạ! Thời Tống, sứ Cảnh Đức Trấn có một loại sản phẩm gọi là lò xông. Nắp lò chạm rỗng. Trong quá trình nung, men nóng chảy tràn vào lấp đầy lỗ chạm thành các vệt sáng mờ trong bóng tối và trong suốt khi ra ánh sáng. Cảm hứng về loại đồ sứ chạm rỗng dát thủy tinh ra đời”.

          “Đúng đấy! Bây giờ cô nhìn nhé! Mỗi mắt linh lung hoa gạo trên chiếc bình này tưởng chỉ đơn giản hợp thành dòng sông chảy. Nhưng kì thực là có quy luật và cực kì đối xứng. Mắt linh lung có nhiều dạng. Hình tròn. Hình lưỡi liềm. Hình thoi. Đa giác… Nhưng ở đây họ chọn dạng truyền thống hình hạt gạo – dạng muốt hai đầu đều nhau chằn chặn như này là khó nhất đấy cô!”.

          “Cái này con làm được. Khó nhất phải là men thủy tinh. Làm thế nào để khi nóng chảy, nó không chỉ kết dính vào bề mặt xương thành lớp men như lớp kính mà còn phải chảy tràn lấp đầy hoa gạo. Bình kín nhưng thoạt nhìn tưởng rỗng, kĩ thuật lừa cả mắt người. Muốn được như thế ta phải kiểm soát được từ độ ẩm của gốm mộc đến cả lực khắc, nhiệt độ, thời gian nung và độ dày của men. Đặc biệt phải kết hợp với họa tiết hoa lam thì mới thành chiếc bình sứ Linh Lung chạm rỗng men xanh Vĩnh Kết Đồng Tâm giá hàng tỉ đồng đang lưu lạc dân gian trong truyền thuyết của dân chơi đồ cổ”.

          “Đồ giả mà ngược giá như thế cô sẽ bán cho ai?”.

          “Bác Phú con ông ạ! Bác ấy đang giữ chiếc bình kia. Giờ nếu có một đôi, giá sẽ đội lên bao nhiêu lần là tùy bác ấy. Cái này con hiểu bác ấy hơn ông…”.

          Ông lão lặng im đứng dậy, đặt chiếc bình trở về chỗ cũ, rồi cúi xuống bưng chiếc ang đựng đầy tro hoa mộc cẩn trọng trút vào chiếc hũ sành.

          “ Bây giờ ta về đồi Ngũ Nhạc…

 Nếu cô đã nghĩ ra cách lừa được bác cô…”.

                                                          ***

          Đi theo ông hôm ấy tôi đem theo cả bình tro mộc hương cuối mùa. Mộc hương hiền nhưng men mộc hương đỏng đảnh, hỏa biến đủ màu chưa ra nổi sắc hoa. Tôi bảo ông nói đúng, có những màu men chỉ kĩ thuật thôi chưa đủ. Phải chờ duyên… Con nhớ ngày xưa chú Vinh hứa sẽ làm men mộc hương cho chiếc bình phơ. Mấy chục năm rồi, không biết còn nhớ hay không. Ông bảo có tài thì có tật. Nếu còn sống mà không về chắc chắn phải có nguyên nhân. Con cũng nghĩ thế. Giờ con quay về, dựng xưởng. Cả nhà mình lại làm gốm cổ. Ông tin con đi. Còn sống hay đã chết chú ấy cũng sẽ về …

          Ông lão ngồi trước mặt tôi nãy giờ vẫn lặng im nhìn về phía đảo. Dưới đáy hồ trong suốt như nền trời không mây giữa mùa thu, lớp sỏi vàng hắt lên màu cầu vồng lấp lánh. Con đường gốm vỡ vẫn chìm trong nước cũng lấp lánh theo.

          “Nhưng cô có chắc bác cả cô không bao giờ nhận ra cái bình Vĩnh Kết vừa mua bằng cả gia tài là giả không?”.

          “Chắc ông ạ. Ông con mình đã kĩ đến thế rồi. Nhận được ra thì phải là cao thủ. Mà nó qua được ải lão trùm thì chẳng ngại gì nữa…”.

          “Ờ... Lại nói… Sao cô biết cửa này mà lách?”.

          “Từ năm ngoái cơ ông. Ngày ông con chưa mất. Hôm ấy tối rồi nhưng con vẫn đang dở việc ngoài bể lọc đất phía sau xưởng, chưa về. Bác Phú nói chuyện điện thoại với ai đó về cái bình Vĩnh Kết. Bảo nó trả 800 cho một cái bình đơn? Nếu tìm được đủ đôi thì ít nhất cũng phải là đôi tỉ? Ca này hơi khó. Tôi cũng không biết chúng nó bán cho ai mà biệt tích mấy chục năm. Có lẽ tôi phải nghe ông nhờ trùm Nguyễn.  Thấy bảo thằng này đánh hơi đồ cổ thính hơn chó nghiệp vụ. Biết đâu tìm ra thì hay… Lúc ấy mà mua được thì giá bao nhiêu là ở tay mình. Ông nhắn cho tôi số điện thoại của nó… Được rồi… Để tôi gọi luôn… Bác Phú dùng mạng Viettel. Con nhờ một người bạn làm ở tổng đài tra hộ số thuê bao bác ấy liên lạc vào thời điểm đấy, lưu lại, chờ đến lúc cần… Mà ông đừng lo. Con tính kĩ rồi. Con trước giờ ẩn danh, mọi giao dịch, kể cả giao hàng đều là ông qua trung gian. Bên kia kiểm tra, giám định đủ kiểu, không phát hiện giả, đồng ý chuyển tiền rồi bán sang tay cho bác Phú. Thế là xong. Tiền bác Phú giờ là của mình. Lò gốm đã xây xong. Mẻ này con lại thử một bầu men mộc hương. Nhưng bên trùm Nguyễn sang tay lãi của bác Phú hơn trăm triệu cái bình mà lại chuyển hết vào tài khoản của con thì họ nhầm ông ạ. Ông gọi cho họ hộ con. Bảo đưa tài khoản tôi nhờ người chuyển trả. Bây giờ con sang đảo. Ông vẫn neo thuyền chỗ gốc sim cổ thụ phải không ông?”.

          Mùa thu rải cánh mộc hương vàng như chấm sao xuống khoảng sân sẫm bóng trước hiên nhà và trên những bậc cấp đầu tiên, nơi tôi dừng chân hơn hai mươi năm trước ngẩng nhìn lên, thấy giữa ngổn ngang gốm vỡ những nhánh mộc hương héo nhàu. Đêm trước khi đưa tôi đi, chú Vinh đập bỏ hết tất cả những chiếc bình phơ nham nhở bụi khói mang từ đảo về sau vụ cháy, xếp thành đống trong lán bên hiên. Tôi nghe tiếng chú khóc lẫn trong tiếng gốm. Tiếng rì rầm kể về một chuyến đi xa…

          … “Điện thoại của cô chuông nãy giờ…”. “Con khóa máy lâu, mới mở lại nên không để ý. Số lạ như này…”. “Họ vừa gọi tôi. Bảo đưa máy cho cô. Tôi nói không biết”. “Ai hả ông?”. “Trùm Nguyễn… Gọi đích danh. Còn bảo biết cô đang ngoài đảo gốm. Cứ cẩn thận. Tốt nhất không nghe…”. “Không biết có chuyện gì… Con nghĩ không phải liên quan đến tiền vì nếu nhầm họ sẽ làm việc với ngân hàng. Chỉ còn khả năng…”. “Cái bình Vĩnh Kết?”. “Có khi phải nghe ông ạ. Xem họ nói cái gì…”.

          Tôi ngồi trên bậc cấp đầu tiên, ngay dưới chân mộc hương. Chiều mùa thu nắng bắt đầu mang hơi lạnh hong những cánh hoa khô sẫm lại lác đác buông quanh dấu người. Phía bên kia, giọng đàn ông trầm và vang như tiếng chuông gốm gõ trong lòng đất.

          “Chào cô!”…

                                                          ***

          “Ông gọi tôi? Chúng ta chưa gặp nhau và chẳng có việc gì liên quan đến nhau thì phải!”.

          “Có đấy. Có món tiền gần một tỉ đồng. Chưa kể lần chuyển sau. Hơn trăm triệu. Cô đừng bảo tôi nhầm người. Cô là Thi, chủ nhân của chiếc bình Vĩnh Kết Đồng Tâm vừa được tôi bán sang tay cho chính bác ruột của cô. Cô giỏi lắm. Suýt nữa lừa được cả tôi”.

“Tôi không hiểu ông đang nói gì”.

“Cô hiểu. Chiếc bình ấy là đồ giả… Tôi có căn cứ. Không nói bừa. Nguyên bản của nó là hàng cao cấp, lại được bảo quản theo kiểu quý tộc, chưa hề lưu lạc dân gian, gần như còn mới nguyên nên không thể dùng các phương pháp thông thường như quan sát đáy, ngửi mùi đất hay kiểm tra ngấn nước. Nó cũng kĩ đến nỗi, khi dùng kính hiển vi để phân tích bọt khí, tôi cũng không phát hiện ra vì nó cũng được nung thủ công theo kiểu lò cổ xếp sản phẩm theo phương thẳng đứng, bọt khí hướng lên trên, kích thước bọt khí cũng không đều. Hoa văn vẽ trên thân bình cũng được làm từ khoáng chất tự nhiên. Cũng áp dụng họa pháp “tuyển nhiễm” – dùng bút lông thấm đẫm màu cobalt, tô nhiều lần trên thai cốt rồi mới phủ Minh Châu Liệu. Cũng chỉ nung một lần - 1.350℃… Khi hai cái bình đặt cạnh nhau nó thành cặp đôi hoàn hảo, không tì vết. Cô nên nhớ, bác cô là một tay sành sỏi. Tất cả các phương pháp tôi giám định, bác cô cũng làm. Kể cả đòi phân tích quang phổ và công nghệ đo Carbon14… Cô hiểu gì về phương pháp này?”.

“Là cách giám định tuổi cổ vật chính xác nhất hiện nay. C14 là chất phóng xạ có trong đồ vật. Sẽ mất dần khối lượng theo thời gian. Vật càng cổ, càng ít các nguyên tử này… Nhưng hạn chế của nó là phải tách mẫu cổ vật…  Ông sẽ không làm như thế”.

“Cô nói đúng. Tôi thuyết phục chú cô như thế”.

“Còn phân tích quang phổ? Ông lừa chú tôi bằng cách nào?”.

“Cô thẳng thắn rồi đấy. Tôi thích cô thêm ở điểm này. Tất nhiên là cho đính những dấu hiệu giả. Kết quả cho ra chính xác, chinh phục chú cô hoàn toàn. Và giao dịch thành công. Cô phải cảm ơn tôi về điều đó”.

“Nói như thế có nghĩa ông nhận ra nó là đồ giả từ khi mua. Bằng cách nào?”.

“Bằng những dấu hiệu cô cố ý để lại. Ngoài tôi khó có người thứ hai phát hiện ra. Nó ở dưới đáy bình. Kính lúp soi thật kĩ mới nhìn ra được. Những chấm Hắc Thung Nhan rất mờ viết tắt tên cô…”.

Tôi im lặng ngồi nguyên trong quầng gió heo may cuối mùa sóng sánh mùi mộc hương. Bên kia cũng lặng yên như thế. Rất lâu sau tôi mới đứng dậy, bước xuống đường. Mộc hương quẩn theo chân.

“Những bậc cấp cô đang bước xuống đều ghép bằng gốm vỡ. Bên kia đường, cạnh hồ nước có một gốc sim già. Dưới đáy nước, chỗ cô neo thuyền, còn một con thuyền nữa. Nó bị đánh chìm đã hơn hai mươi năm nhưng không hỏng đâu vì gỗ kiền kiền càng ngâm nước càng chắc. Ngày xưa mẹ cô sang đảo bằng con thuyền ấy… Cô đừng hỏi tôi biết điều đó vì sao”.

Nắng từ đảo bất chợt bừng lên. Qua hồ nước về đến chỗ tôi hóa màu men thủy tinh chảy tràn trên mặt gốm. Gió vẫn quẩn dưới chân. Mùi hoa đất nồng nàn.

“Tôi không cần hỏi. Xin cảm ơn ông vì tất cả. Giờ tôi ngắt máy. Không mong gặp lại ông. Nhưng tôi biết ông sẽ phải tìm về trả cho tôi món nợ màu men…”.

                                                ***

          Nhà tôi ở lưng chừng đồi. Ngôi nhà nhỏ như tổ chim ghé vai dựa vào vách sỏi cách mặt đường ba chục bậc cấp ấy có một cây mộc hương bốn mùa lặng lẽ buông từ nách lá những nhánh bông li ti màu vàng ngà điểm đôi chấm ngả sang trắng sữa và một khoảnh sân bé xíu lát bằng những viên gạch gốm, màu men đất thâm trầm lấp lánh ánh đen. Đứng ở đấy, nhìn về phía trước sẽ thấy trọn vẹn một hồ nước mênh mông thấu cả đáy sỏi vàng – Hồ Bến Tắm. Giữa hồ có một hòn đảo rất lớn nối với đất liền bằng con đường lát đầy gốm vỡ.

          Người đàn ông cao lớn tóc điểm nhiều sợi bạc vẫn đang lúi húi vun đất vào những gốc mộc hương trồng dọc hai bên đường, nghe tôi hỏi quay lại, giọng nói trầm và vang như tiếng chuông gốm gõ trong lòng đất.

          “Em hỏi vì sao bao nhiêu năm tôi không trở về? Cũng là do mẹ em dặn nghề gốm bạc, nếu bỏ được thì bỏ đừng tiếc làm gì. Đất, nước, lửa, mồ hôi và nước mắt… bao nhiêu thứ quyện vào mới làm nên gốm mà nung xong còn nặng hơn lúc ướt. Đấy là nặng ở tình. Nhọc nhằn thế mà sẩy tay là tan nát hết. Sau này nếu không làm nữa thì cũng đừng về để cháu nó quên dần chuyện cũ… Thế là tôi đi. Không làm gốm nhưng vẫn dính vào gốm thành tay buôn đồ cổ. Lừng lẫy gầm trời nhưng nói thực có lúc nhớ phát khóc cái màu men đất, cứ hình dung từ sắc nâu trầm rồi hỏa biến xôn xao. Cho tận đến khi…”

          “Giờ men Mộc Hương thành công. Con đường đã nối. Gốm Việt đã có người làm. Chú lại đi phải không?”.

          “Thế em không nhớ tôi nói điều gì trước khi trở về?”.

          “Em nhớ. Chú bảo nếu tôi làm được men Mộc Hương chúng ta chuyển sang mối quan hệ khác. Sẽ thành một gia đình…”.

          Người đàn ông nhìn tôi cười giữa heo may chiều lộng gió, giữa những cánh hoa vàng trong nắng lấp lánh như sao rồi đưa cho tôi chiếc bình sứ. Trên thân bình, dòng sông vẫn đang chảy xuôi trong nắng, lung linh.

          “Bác Phú thua toàn cục trong phiên đấu giá bán đôi bình Vĩnh Kết là do chú phải không? Giá đẩy lên chục tỉ, đã chốt, chuẩn bị trao tay cho khách thì bị chỉ ra là hàng giả. Bảo sao không sốc. Nghe nói bác ấy đập tan cái bình ấy trước mặt mọi người. Em cũng tiếc. Kì công lắm mới làm được nó…”

          “Còn cái này em nghĩ kĩ chưa?”.

          Tôi gật đầu, ôm vào lòng chiếc bình sứ hoa lam lần cuối rồi buông tay, lặng im nghe tiếng vỡ. Người đàn ông cúi xuống nhặt từng mảnh sứ ghép nốt con đường gốm nối hòn đảo ngập hoa vàng.

 Hòn đảo ấy mẹ tôi gọi là Đảo Mộc Hương.

 

        Nguyễn Hải Yến

         

 

 

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
15 Tháng Tám 202412:35 SA(Xem: 5720)
Những khối gạch đá đen trùi trũi trong ánh trăng lu chìm giữa những đám mây nặng trĩu đè lên thành Kim Lăng (Nam Kinh). Tiếng quạ kêu thảng thốt. Trong Viện Thái y, hơn chục viên Ngự y chắp tay cúi đầu vẻ ăn năn biết lỗi, xếp hàng trước viên Tổng quản của Hồng Vũ đế đang cao giọng: - Các vị Ngự y! Hoàng đế rất tức giận, và hoàn toàn thất vọng về các vị! Được hưởng ân huệ của triều đình không ít, nhưng đã mấy tuần trăng rồi, tính mạng vàng ngọc của Vương phi trao cho các vị, các vị đã làm được gì? Hơi thở của Vương phi ngày một mỏng manh như sợi cước…
17 Tháng Bảy 20244:12 CH(Xem: 6628)
Nàng ngồi lặng lẽ trên ghế sô-pha. Chiếc váy màu đen mở ra khoảng trống vô hình. Hai cánh tay rã rời đặt lên thành ghế. Ánh đèn màu nhập nhòa hắt trên phố vắng. Nàng ngồi chờ hắn về. Hắn sẽ đi trên chiếc xe bịt kín màu đen, gương mặt lạnh lùng. Hắn có mùi đàn ông pha hương gai cầu. Gót giày thường lấm một thứ gì đó rất ít, nhưng cũng đủ cho nàng phát hiện ra: cát bờ sông, bùn đất quánh đặc, than cháy, hoặc thứ gì không màu mùi vị mà lẩn quất xô đẩy chen lấn tanh tanh mùi đỏ nhầy nhụa. Hắn không thích nàng nói gì. Chỉ sở hữu một cách chậm rãi và ngông cuồng. Sau đó hắn đưa cho nàng một tập những tờ màu xanh. Chuông điện thoại reo. Nàng nhích người ể oải đứng lên với cái máy, ể oải a lô. Cánh tay mỏi đã có thể đưa lên, chậm rãi như chờ sự đồng lõa. Phía bên kia im lặng. Lạ thật, có lẽ ai nhầm máy. Ném máy xuống bàn, nàng lại co chân lên ghế trong tư thế chuẩn bị ngủ. Nhưng rồi điện thoại lại reo. Nàng không buồn đứng dậy nữa. Tự nhiên cơn buồn ngủ kéo đến. Nhưng chuông cứ reo...
17 Tháng Bảy 202411:26 SA(Xem: 5713)
Sáng hôm đó, lễ đón tân sinh viên trường ĐH Kinh Tế diễn ra thật vui. Đặc biệt mấy anh sinh viên lớp trên lúc nào cũng háo hức chào đón tân sinh viên hơn cả. Hoàng Tùng cũng vậy, anh cùng với nhóm bạn hôm nay đến trường sớm hơn mọi khi. Áo quần thẳng nếp, đầu tóc gọn ghẽ phong thái lịch lãm nhất có thể. Trong buổi này có nhóm tân sinh viên nữ làm anh và nhóm bạn chú ý nhất là ba em trong trang phục áo dài trắng, vàng và xanh thiên thanh ngồi gần nhau bên góc trái hội trường
17 Tháng Bảy 20241:05 SA(Xem: 6939)
Mấy tuần qua, nổi lên thống trị thế giới thông tin cả vỉa hè lẫn chính thống là biết bao lời rao giảng ồn ào về Nhân Quả, Nghiệp báo Luân hồi từ không ít vị “mũ cao áo dài” trong giới tu hành đạo Phật nhằm dẫn dụ Phật tử và đông đảo dân chúng vào mê hồn trận “Cúng dường”, “Giải oan”, “Giải nghiệp”, “Thỉnh vong”, “Trục vong Thỉnh linh bào thai”, v.v. Hắn chợt nhớ lại mồn một cái chết bi thảm của một ông Giám đốc dường phải trả nghiệp báo của ông bằng một tai nạn khủng khiếp mà nhiều năm qua, hắn tìm mọi cách cố tình rũ bỏ khỏi trí nhớ mệt mỏi của hắn nhưng không sao làm nổi…
05 Tháng Bảy 202410:12 CH(Xem: 7004)
Hắn đắm mình cả giờ trong khung cảnh tịch mịch và thiêng liêng của ngôi chùa giữa mưa bụi đầu xuân miền châu thổ sông Hồng… Đó là chùa Hương Hải Thiền, xã Lệ Chi, Huyện Đông Anh Hà Nội, ngôi chùa lần đầu tiên hắn tới trong dịp về thắp hương tưởng niệm 10 năm Hòa thượng Thích Thông Lạc viên tịch.
15 Tháng Sáu 20244:23 SA(Xem: 7133)
Sau một tháng ròng rã ngoài khơi. Bành gọi điện thoại di động về nhà cho cô vợ yêu rằng con tàu anh đang ở hải phận Quy Nhơn. Bành nắm vô lăng từ suốt đêm qua sau khi rời khỏi hải phận ngư trường quen thuộc Trường Sa một vài hải lý. Đang trên đường trở về và hẳn sẽ có một chuyền bội thu. Gần bảy mươi con cá bò gù (cá ngừ đại dương), dự kiến khỏan trên ba tấn cá.
05 Tháng Sáu 20241:44 SA(Xem: 7838)
Toát mồ hôi, loạng choạng đứng dậy, nhìn cái túi thức ăn đầy sợ hãi. Tôi cầm lấy ném tất cả vào thùng rác, rồi lết trên vỉa hè gọi một chiếc taxi đưa đến khách sạn gần đấy. Tôi chỉ kịp gọi cho một ông bạn lính cũ, nói gọn lỏn “huỷ nhậu”, rồi vật ra giường. Nằm liệt. Tôi nhanh chóng chìm vào trong một cơn ác mộng. Tôi nhìn thấy khuôn mặt của hai cô gái cùng chuyến tàu đêm năm nào. Họ đang bay ngay phía trên tôi, trong bầu trời mùa xuân đầy hoa thơm cỏ lạ chim hót ríu ran. Còn tôi đang nằm trong cái toa tàu đen sì nhìn lên.
27 Tháng Năm 202411:00 SA(Xem: 8359)
Đã hai giờ đồng hồ, trong lớp học của bé, 31 bạn học với 02 cô giáo cùng 03 mẹ phụ huynh vẫn còn vui liên hoan cuối năm, còn bé thì cứ mong ngóng bố mẹ tới đón từ lâu, lâu tựa cả một buổi học mà không được ra chơi ấy chứ…
23 Tháng Năm 202412:21 SA(Xem: 9123)
Anh Trần Đình Đài là con trai thứ trong một gia đình trung lưu ở quận 3, Saigon xưa. Mẹ anh cũng là hậu duệ của hoàng gia triều Nguyễn. Cha anh là một trí thức vì vậy cả đàn con, bảy đứa ba mẹ đều cho ăn học đến nơi đến chốn. Những năm tháng ấy, đất nước bất ổn, tiếng súng vẫn hăm he đau đó trên đầu, bên cạnh cuộc sống bất an là vậy nhưng cha mẹ anh vẫn cố làm lụng để chăm lo cho con cái, trang trải cuộc sống. Mẹ anh tần tảo đủ mọi việc như buôn bán, chạy hàng chợ trên chợ dưới để làm sao các con đều được học hành nên người.
23 Tháng Năm 202412:01 SA(Xem: 8054)
Ánh hoàng hôn cuối cùng lóe lên trên đường cái quan. Trời nhập nhoạng. Hành giả nhìn trước nhìn sau, rời đường nhựa, lẻn bước vào một lối mòn. Một cô gái trạc 28 tuổi đeo túi xách và máy ảnh từ xa chạy tới và rảo bước theo ông.