- Tạp Chí Hợp Lưu  18939 Magnolia St. Fountain Valley, CA 92708 - USA Điện thoại: (714) 381-8780 E-mail: tapchihopluu@aol.com
Tác Giả
Tìm đọc

Vu Vơ Ở Lưng Chừng Trời

26 Tháng Chín 201012:00 SA(Xem: 32368)

dophan_hl110_0_300x178_11. Cơn bão hậm hực đằng đông suốt từ nửa đêm. Những ánh chớp man dại nhì nhằng rạch từng vết buốt trên ô cửa sổ. Ánh chớp kéo dài xuyên qua lớp kính dày. Loãng tan qua tấm rèm đổ xuống nền nhà chập chờn như đe doạ. Lại như vỗ về năn nỉ một không gian thao thức huyền ảo những đồ vật vô hồn.

Căn hộ tầng mười bốn. Ở giữa lưng chừng trời. Thành phố bàng bạc xám bên dưới còn chưa thức giấc. Và hình như cũng chưa hề hay biết về một cơn bão đã mon men đến rất gần. Nàng ngồi thu mình trong thứ ánh sáng lờ lợ rạng đông. Không hẳn là bóng đêm nhưng cũng chưa thể gọi là bình minh. Toà nhà có lối kiến trúc hiện đại. Chẳng biết theo cách hiểu của ai? Nghĩa là các căn hộ quay lưng vào một hành lang âm u ở giữa. Leo lét ánh đèn ngày cũng như đêm. Giống nhau từ tầng thứ ba trở lên. Đến tận tầng mười sáu. Ở trên tầng cao, sự cách biệt đã dần biến thành nỗi cô đơn gần như tuyệt đối. Cách biệt với thành phố bên dưới. Cách biệt với phần còn lại của toà nhà bên trên. Và cách biệt với ngay cả hàng xóm láng giềng là căn hộ đối diện chung có nhau một hành lang tối. Nhưng có lẽ lại rất gần với nắng mưa thất thường của thời tiết. Gần với những đám mây ngùn ngụt đang kéo về trong cơn bão.

 

2. Nhận lời với nàng từ chiều hôm trước qua điện thoại. Buổi sáng, tôi chạy đến cơ quan vờ vịt lăng xăng cho có mặt. Đầu tiên phải ghé vào phòng thường trực. Lục tìm trong hòm thư xem có những gì người ta gửi cho mình. Cũng là một cách thông báo với lão bảo vệ cơ quan sự có mặt của mình. Lão cười móm mém, vừa lấy thư hôm qua rồi, độ này có em nào không mà chăm lục lọi thế, chả bù cho có khi hàng tháng? Tôi vờ lóng ngóng, có thư nhờ bác cất hộ tôi nhé, tôi sẽ lấy sau, đừng mang lên phòng! Lão bảo vệ gật đầu cười sảng khoái như vừa ban ơn cho tôi. Hình như không chỉ mình lão ở cái cơ quan này muốn có những dịp may như vậy. Vốn là kẻ bất cần, tôi chẳng bao giờ dự phần vào những bon chen kèn cựa lợi lộc. Bởi thế nên cơ hội để cho người khác phải nhường nhịn mình hầu như rất hiếm. Hiếm đến mức hình như mọi người tự cảm thấy có lỗi. Thường để ý đến cái thằng độc thân gàn dở là tôi xem có thể giúp đỡ nó được việc gì dù là nhỏ nhất. Ví dụ như khen tôi đẹp trai chẳng hạn. Và khen tiếp là có thể dễ dàng lấy ai cũng được. Thực ra đó là sự xúc phạm. Tôi chẳng chấp. Đẹp trai tưởng để làm gì?

Chín giờ sáng. Tôi có mặt ở nhà nàng. Sau những phiền toái dành cho khách đến thăm ở một chung cư cao cấp. Gửi xe vào tầng hầm. Tìm số cầu thang trong bốn chiếc cổng giống nhau như hệt. Phải gửi lại chứng minh thư ở phòng bảo vệ. Đeo lên ngực chiếc thẻ khách. Vào thang máy. Bấm số tầng 14. Bấm chuông phòng 1402.

Cô gái xuất hiện trước mặt tôi không giống với tưởng tượng của tôi về nàng. Cũng không giống như miêu tả của thằng Huấn ở cơ quan. Cái thằng suốt ngày vùi đầu vào bản vẽ hòng kiếm chác đủ chi phí cho đàn con ba đứa gửi học ở trường quốc tế. Chỉ với khát khao chúng nó sẽ thông thạo tiếng Anh ngay từ khi học phổ thông. Nó khoe con gái út học lớp một đã có thể nói chuyện với cô giáo bằng tiếng Anh. Tôi hỏi, thế cô giáo người nước nào? Tất nhiên, người Việt!

Tôi thường nhường nó rất nhiều công việc có thu nhập béo bở. Để tri ân, thỉnh thoảng nó cũng nhường tôi những việc tương đối dễ. Nó bảo, khách hàng là một cô gái mới thôi chồng, sống một mình trên căn hộ tầng 14, yêu cầu giản đơn, chỉ nhờ thiết kế lại phòng tắm cho thật hiện đại theo sở thích! Tôi chần chừ, làm thế nào để hiện đại hơn được thiết kế của khu chung cư vào hàng sang nhất thành phố? Nó an ủi, anh cứ đến đi, biết đâu lại cần bỏ bớt những tiện nghi chứ không phải là thêm vào, em đã thấy nhiều người có yêu cầu oái oăm như vậy, thiết kế đủ cả tắm đứng tắm nằm lại bắt bỏ đi hết để tắm gáo cho an toàn!

Nàng phong phanh trong chiếc áo ngủ trắng dài thượt. Thứ áo rất dễ làm cho người ta liên tưỏng đến sự mất ngủ. Nó lùng bùng mơ hồ một khoảng không giữa thân thể và lần vải mỏng tang. Nhưng lại dán sát vào những nhấp nhô cần thiết. Chẳng khó khăn gì để tưởng tượng nốt những phần khuất lấp.

Nụ cười tươi tắn trên gương mặt trang điểm kĩ lưỡng, nàng thánh thót, em cứ ngỡ mưa bão, anh không đến? Tôi luống cuống nhưng cố trấn tĩnh, đã hẹn rồi thì bão cũng phải đến, may mà bão đã không như dự đoán, cũng thường thôi! Anh vào đi, để em lấy khăn, ướt hết tóc rồi!

 

3. Bước chân vào căn hộ mới thấy rõ bộ mặt xâm lăng của lối sống phương tây hiển hiện. Thứ mà các nhà nghiên cứu nghệ thuật Việt thường trực coi là kẻ thù. Tất cả những sắp xếp bố trí hoàn toàn chỉ với mục đích chiều chuộng con người thực dụng. Chẳng có một khoảng không tôn nghiêm nào dành cho việc thờ cúng. Cũng không có cách biệt đáng kể giữa không gian khách khứa lịch sự và bếp núc eo xèo.

Nàng bảo, người Việt hàng ngàn năm co mình lại mà sống với những giáo điều dở hơi, bếp phải cách xa phòng khách để chặt thịt gà lỡ rơi ra đất còn có cơ hội nhặt lại thổi phù, toilet càng cần phải xa hơn để bớt phải nghe những âm thanh không mong muốn!

Tôi cười, đó là người Việt ở cái thời hai chục triệu dân, gần trăm triệu người chen chúc bây giờ có muốn cũng chẳng được!

Nàng dẫn tôi xem xét hai khu phụ nối liền với hai phòng ngủ. Chúng được thiết kế y hệt nhau. Dù căn hộ bảy mươi mét vuông cũng chẳng lấy gì làm rộng. Chuyện này thì tôi biết quá rõ. Nó nằm trong tính toán của các nhà đầu tư căn cứ trên yêu cầu của khách hàng. Có thể vừa ở vừa cho thuê? Tôi biết rằng tâm lí ấy của người Việt là một thành trì bền vững. Rất khó bị xâm lăng bởi được chung sức giữ gìn của cả người mua nhà lẫn người thiết kế nhà để bán.

Nhưng việc của tôi là phải khen. Cứ khen thật lực những chỗ không thể sửa chữa đụng chạm đến kết cấu ngôi nhà. Nào là phòng khách nhìn thẳng vào bếp rất thuận tiện cho việc nấu nướng đông người. Bạn bè có thể mỗi người một tay giúp sức cho những bữa ăn đột xuất. Mà những bữa ăn kiểu ấy thường xuyên xảy ra. Nào là phòng ngủ nhỏ xinh xắn giúp ta có cảm giác làm chủ không gian ấm cúng quanh mình. Thực ra thì giấc ngủ có thể diễn ra trên chiếc giường tầng của xe lửa mà không cần phải rộng rãi.

Tôi khéo léo để ngỏ câu chuyện. Không bàn gì về hai chiếc toilet giống hệt nhau. Nàng sẽ có chỗ để bình luận và đưa ra yêu cầu của mình. Đó là thủ thuật thương thảo tôi học được của Huấn. Bao giờ cũng phải dành chỗ cho khách hàng nói lên hiểu biết của mình. Dù chẳng hiểu biết gì cả...

Nụ cười bí ẩn luôn hiện trên môi nàng. Hình như nó ở đấy từ lúc tôi chưa bước chân vào? Nàng điềm nhiên rót rượu. Chai whisky đắt tiền. Nhưng chín giờ sáng? Ngay cả các bợm rượu cũng còn ngần ngại. Tôi dĩ nhiên còn ngại hơn vì thằng Huấn ở cơ quan vừa thông báo một mẩu tin nó nhặt nhạnh đâu đó trong những tờ báo lá cải. Rằng một li rượu mạnh vào lúc chín giờ sáng là hành động liều mạng. Nó cùng một lúc đốt cháy hai bộ phận tối quan trọng trong cơ thể con người. Đó là gan và bộ máy sinh dục. Sợ thật! Gan hỏng chưa sợ bằng gan tốt mà súng hỏng. Có gan góc đầy mình cũng phải xin hàng.

Nhưng có thể từ chối không? Rượu cuốc lủi thì dù thèm mấy tôi cũng lắc đầu. Đơn giản vì nó chả ngon lành gì. Vài bác nhà nghèo cao đạo cứ việc thả sức mà khen. Tôi chả tiền bạc của nả gì nhưng có chút kiến thức hoá học phổ thông. Cái thứ rượu nấu chui nấu lủi ấy đậm đặc aldehit. Gọi nôm na là men sống. Uống vào người, nó vẫn tiếp tục lên men. Người nam bộ gọi bọn nát rượu là cái "hũ hèm" quả không sai tí nào so với khoa học.

Rượu whisky nàng rót là thứ đóng chai nhãn hiệu nổi tiếng. Johnnie Walker Black label. Tôi thuộc lòng cái nhãn hiệu cheo chéo bên thành chiếc chai vuông từ ngày thỉnh thoảng được đi tiếp khách với sếp. Cũng là hạng khách thông thường. Khách sang phải uống Blue label. Tôi chưa bao giờ được tham gia. Chỉ nghe kể đã thấy hình như rượu chảy thẳng vào mạch máu. Nhìn ai cũng thấy đẹp như hoa hậu. Mỗi lần ở nhà hàng karaoke uống Blue label về sếp đều khen mấy em ca ve ở đấy là hoa hậu. Tôi chả lạ gì. Váy ngắn thì tưởng chân dài, môi son thì tưởng chưa ai động vào!

Nâng cốc. Nàng chúc tôi có nhiều ý tưởng cho những công trình mới. Thú thực tôi rất ngượng. Tôi thay mặt anh em làm kiến trúc mà ngấm ngầm xấu hổ. Xưa nay chỉ có ý tưởng của chủ công trình. Kiến trúc sư làm cái việc phiên dịch các ý tưởng ấy ra bản vẽ kĩ thuật. Làm gì được phép có ý tưởng. Cứ nhìn bộ mặt kiến trúc thành phố thì biết.

Hết li thứ nhất, nàng len lén thở dài. Bên ngoài khung cửa sổ, bầu trời đen kịt mây. Cái im ắng của căn phòng trên cao làm người ta lầm tưởng về cơn thịnh nộ của đất trời. Không một tiếng gió lùa. Không một ngả nghiêng cành lá. Chỉ lác đác những hạt mưa sắc lạnh vạch lên mặt tấm kính đã gắn chết vào khuôn cửa sổ.

Nàng không đả động gì đến công việc. Cứ như tôi đến đây chỉ để uống rượu giải buồn. Hay cung cấp cho căn phòng thêm một ít hơi thở đàn ông?

 

4. Thằng Huấn kéo tôi ra quán cà phê gần cơ quan. Bao giờ cũng thế. Phòng thiết kế có hơn hai chục người nhưng công việc thường diễn ra trong từng nhóm nhỏ. Tối đa cũng chỉ bốn người là cùng. Ai biết việc người nấy. Không thảo luận sang việc người khác. Trưởng phòng là người rất ghét thảo luận. Ông cho rằng diện mạo kiến trúc đô thị chúng ta hôm nay ra đời chính là do thảo luận. Những thảo luận để khoe khoang kiến thức hoặc phản biện có lợi. Kết quả là một đô thị bát nháo huênh hoang. Ngôi nhà nào ra đời cũng muốn trở thành tâm điểm của sự chú ý. Nhưng đã chẳng có một công trình nào đáng chú ý cả. Những chóp nhọn củ hành, mái đền Pantheon, penthouse lợp ngói xám theo kiểu kiến trúc thuộc địa Pháp chỉ gây được sự chú ý bởi nó lố bịch đua đòi.

Quán cà phê mười giờ sáng đông nghịt. Có cảm giác dân thành phố dùng rất nhiều thời gian cho việc uống cà phê. Hay cũng là một cách đua đòi? Vào giờ này thường hay xuất hiện những nhân vật nổi tiếng. Mấy em diễn viên ẻo lả thẫn thờ ngồi phun khói thuốc lá như chưa kịp bước chân ra khỏi vai diễn của mình. Vài ông đạo diễn bận rộn với chiếc laptop để trước mặt. Cứ như thể chạy đua trong cơn bão giá lạm phát. Nhóm hoạ sĩ tóc tai râu ria khinh bạc ngồi im lặng nhìn đời. Chẳng biết ghi nhớ được bao nhiêu hình ảnh nghệ thuật cuộc đời? Chỉ biết triển lãm tranh độ này rất hiếm hoạ sĩ còn vẽ nổi một bức chân dung cho ra hồn. Hay giá trị đích thực của hội hoạ đã ẩn náu hết cả vào chiều sâu tâm tưởng? Cái còn lại trên mặt tranh chỉ là những thao tác vụng về ngớ ngẩn bôi bẩn thị giác?

Chưa kịp gọi nước, thằng Huấn đã thì thào vào tai tôi, cô ấy gọi điện cho em từ hôm qua rồi, có vẻ như rất ưng ý với đề xuất sửa chữa căn hộ của anh, thể nào hôm nay cũng gọi trực tiếp cho anh! Tôi sững người thầm nghĩ, đã đề xuất gì đâu nhỉ? Nhưng lấy lại bình tĩnh, việc giản đơn đến thế ai chả làm được? Anh đừng coi thường, khách hàng nhiều khi tai quái, nói rã bọt mép vài buổi chưa thông qua thiết kế!

Tôi cười, uống nước đi, mới giậm giạp thế thôi, khi nào có kết quả tớ với cậu phải làm một chầu rượu tây cho đã! Huấn trầm ngâm ngồi rít thuốc. Tôi biết với nó giờ này nghĩ đến chuyện nhậu nhẹt đã là quá xa vời. Đàn con ba đứa và cô vợ suốt ngày rang lạc nhặt rau trông cả vào nó. Cứ nhìn nó vội vàng sấp ngửa uống từng ngụm lớn cà phê thì biết. Tự nhiên thấy yêu quý cuộc sống độc thân của mình biết nhường bao...

 

5. Buổi chiều nàng gọi điện cho tôi, hết giờ làm việc anh ghé qua em nhé! Tôi đùa, có lệnh là đi, ngay bây giờ cũng được! Nàng cười khoan thai trong máy, bây giờ thì người ra lệnh cũng không có nhà, anh không thể đến được, bảo vệ không cho vào!

Sẩm tối, tôi nhấm nháp vài thứ đồ nguội trong tủ lạnh. Uống một li vodka. Thần khí đã trở lại sau một ngày bạc nhược miệt mài với công việc. Mặc chiếc áo phông sặc sỡ thằng Huấn mua ở Bangkok mang về tặng. Chiếc quần bò nhiều túi cũng mang ra. Chưa bao giờ có dịp xỏ chân. Hình như nó đã trở nên sành điệu thái quá so với lứa tuổi của tôi. Nhưng ngoài giờ làm việc cứ mặc đại.

Nàng đón tôi từ dưới chân cầu thang máy. Duyên dáng nhí nhảnh trong bộ đồ rất mốt. Và mùi nước hoa thoảng nhẹ bâng khuâng như chực bay đi mất.

Căn phòng hôm nay rực sáng ánh đèn. Trên mặt chiếc bàn kính ở phòng khách bày biện rất nhiều đồ ăn thức uống. Tôi chột dạ, thôi chết, nhà em hôm nay có tiệc, không báo trước để tôi ăn mặc cho cẩn thận! Nàng cười. Mắt sóng sánh, chỉ có em và anh thôi, ta uống một trận cho cẩn thận không được sao, hôm nọ em hơi tiếc không kịp chuẩn bị bởi cứ nghĩ cái cậu Huấn cù lần sẽ đến! Tôi bảo, cậu ấy mà cù lần, chuyên gia giỏi nhất phòng tôi đấy! Nàng xuê xoa, ừ thì giỏi, nhưng việc của em ở đây cũng không cần đến người giỏi quá thế làm gì! Tôi nắm ngay cơ hội vào việc, hôm nọ mải uống rượu quên biến chưa hỏi em xem định tu sửa những gì cho căn hộ! Anh biết rồi còn hỏi làm gì, chỉ có mỗi cái toilet bất hợp lí thôi! Ý em là...? Ý em là anh làm thế nào cho nó trở nên hợp lí! Đúng như mong muốn tôi đã chuẩn bị sẵn. Chỉ mất mươi phút đồng hồ, tôi đã giải thích cho nàng hiểu rõ ý đồ sửa chữa. Đơn giản là biến cái toilet thừa thành một phòng xông hơi có bể tắm sauna. Nhiều gia đình khá giả trong thành phố đã sử dụng. Tiện nghi hơn hẳn nồi nước xông truyền thống. Chỉ có việc chọn mua thiết bị về lắp đặt theo ý muốn. Không cần phải đục phá thay đổi gì nhiều những bố trí điện nước sẵn có trong phòng.

Nàng hững hờ nghe. Cũng không tỏ ra sốt sắng về những thay đổi mà tôi đề nghị. Chỉ ngắn gọn đưa ra kết luận, anh muốn làm thế nào thì tuỳ, em lo đủ tiền cho anh tha hồ lựa chọn thiết bị!

Chai rượu mới nàng lấy trên ngăn tủ kính xuống là một chai Blue. Chất rượu nâu sánh trong vỏ chai xanh biếc. Hộp đựng lót sa tanh vàng nhễ nhại óng ánh theo từng ngón tay lúc nàng nâng chai rượu lên. Có cảm tưởng như cái màu vàng nhễ nhại ấy trôi cả sang chiếc li thuỷ tinh dày nặng trịch. Tôi và nàng nâng cốc...

Hết li thứ tư, nàng đứng dậy bước sang ghế tôi ngồi. Đôi má ngào ngạt hồng dạn dĩ, em ngồi đây rót rượu cho anh nhé, hơi say rồi, ngồi xa quá rót ra ngoài? Tôi đánh bạo vòng tay qua tấm lưng thon thả của nàng. Từ từ xiết chặt. Nàng đột ngột đặt chai rượu xuống bàn. Ngẩng mặt. Ánh mắt như một luồng hơi nóng lan toả khắp thân thể tôi. Tôi cúi xuống đặt lên môi nàng một nụ hôn dè dặt thảng thốt.

Nàng cũng vòng hai tay đu người kéo tôi nằm xuống. Tôi vẫn còn kịp nhận ra tính năng đặc biệt của chiếc ghế xa lông khổng lồ. Nếu chỉ để ngồi thì rất ít ai có đủ chiều dài cặp đùi mà dựa được vào lưng ghế. Kể cả hoa hậu. Nhưng lại rất vừa cho một cuộc làm tình.

Nàng khao khát dụi đầu vào ngực tôi. Giúp tôi lột bỏ chiếc áo phông sặc sỡ. Lôi tuột chiếc thắt lưng da to bản đeo toòng teng chiếc máy điện thoại di động. Tôi chậm rãi hôn lên vành tai và chiếc cổ trắng ngần của nàng. Hôn lên bộ ngực căng tràn nhấp nhô tiếng thở. Xuống chiếc bụng thon mềm dẻo dai mát lịm như hút chặt lấy đôi môi. Xuống nữa. Xuống nữa...

 

6. Buổi sáng. Tôi tỉnh dậy lúc bảy giờ. Đêm hôm qua chiếc đồng hồ điện tử treo trên tường cứ khụt khịt uể oải theo từng nấc kim giây. Nó đã làm tôi mất ngủ. Mấy lần định dậy tháo nó ra cất vào trong tủ. Nhưng chợt cảm thấy vô duyên khi ở nhà người khác. Lại thôi. Căn phòng yên tĩnh đến mức lần đầu tiên tôi nghe thấy tiếng đồng hồ điện tử chạy. Bây giờ vẫn nghe thấy. Khắc khoải. Ngày cũng như đêm. Nàng vẫn còn mê mệt trong vòng tay tôi.

Ánh sáng lọt qua ô cửa sổ mở toang hai lá rèm. Không ai có thể nhìn thấy gì diễn ra sau những ô cửa kính ở độ cao như vậy nên cũng chẳng cần phải kín đáo che chắn. Ánh nắng vu vơ nhàn nhạt bò lan trên thân thể. Đọng lại thanh thản ở từng vết lõm trên da thịt nàng. Bầu trời ngăn ngắt xanh. Bao nhiêu mây mưa sấm chớp hình như đã tiêu phí hết vào cơn bão từ sáng hôm qua?

Có giống như tôi đã tiêu phí hết tuổi trẻ vào những bon chen phố phường? Để rồi nhận lấy kết quả thắng thua chẳng có ý nghĩa gì khi mình vẫn là một phần của nó? Và vẫn phải bon chen? Nàng có khi tỉnh táo hơn tôi nghĩ? Thoát ra khỏi những chật chội phố phường. Theo chiều thẳng đứng? Ở lưng chừng trời. Đã không còn bận lòng với những thay đổi cho dù công việc cần phải như thế. Dâng hiến và đón nhận tuỳ theo khả năng cảm hứng. Tận hưởng những gì cuộc sống mang lại với niềm say mê cuồng nhiệt không phô phang? Nằm yên mở mắt nhìn ra ngoài trời. Tôi lắng nghe tiếng thở đều đều nóng hổi của nàng bên tai. Không còn khó chịu với tiếng động tấm tức phát ra từ chiếc đồng hồ điện tử. Chỉ thấy da thịt nàng như một cơn gió sớm mai mát rượi mơn man bên mình... 

Đỗ Phấn
Hà Nội

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
23 Tháng Mười Một 20248:37 CH(Xem: 741)
Tuy Hòa, nơi tôi sống quãng đời thơ ấu, là một thành phố nhỏ hiền hòa nằm sát bờ biển, giống như nàng “Mỹ Nhân Ngư” phơi tấm thân kiều diễm trên bãi cát trắng tinh. Nàng dựa đầu trên núi Chóp Chài, đôi mắt mơ màng nhìn ra biển Đông, nghe gió thổi vi vu qua những bãi thùy dương dày đặc trên bãi biển Đại Lãnh, đầu đội vương miện hình Tháp. Ai từng đi qua Tuy Hòa, nhìn lên Tháp Nhạn đứng hiên ngang trên đỉnh núi, soi mình bên dòng Đà Giang lững lờ trôi, đều ngậm ngùi cho nền văn minh một thời rất huy hoàng của nước Chiêm Thành.
02 Tháng Mười Một 202412:17 SA(Xem: 2575)
Anh Phước là con ông cậu ruột của tôi. Nhà tôi ở kế bên nhà anh. Anh thứ nhất mà cũng là con duy nhất của cậu tôi nên anh em chúng tôi thường gọi anh là anh Hai Phước. / Anh mồ côi cha từ thuở chưa lọt lòng. Anh có tuổi thơ thật “dữ dội”. (Tuổi thơ dữ dội- tên tác phẩm của nhà văn Phùng Quán). Trong tác phẩm, các cậu thiếu niên trẻ tuổi ấy đều có một câu chuyện riêng đầy cảm xúc, những hoàn cảnh éo le không ngờ tới nhưng họ vẫn đối diện bằng tinh thần lạc quan, vui vẻ. Mỗi người có một số phận riêng và tôi nhìn thấy hình ảnh một thế hệ và bóng dáng anh cũng có phần trong đó.
02 Tháng Mười 20245:02 CH(Xem: 3355)
Chồng tôi bị bạo bệnh qua đời được vài năm thì tôi quyết định bán căn nhà cũ và văn phòng địa ốc của anh ấy để dời đi nơi khác, cố quên đi môt dĩ vãng đau thương. Tôi đã quá mệt mỏi với công việc làm ăn mà xưa kia anh ấy luôn gánh vác những phần nặng nhọc nhất. Chồng tôi là một người hiền hòa, hoạt bát rất lo cho vợ con, cho nên sự ra đi của anh ấy đã mang theo không những một chỗ dựa vững chắc cho mẹ con tôi mà cả linh hồn và thể xác của tôi.
02 Tháng Mười 20244:46 CH(Xem: 3532)
Đối với người xa quê, cứ đồng hương là thân nhau rồi, hà huống lại là nhà văn. Thường các nhà văn rất thích gặp nhau, có thể bàn với nhau những dự định sáng tác, động viên nhau khám phá thi pháp mới. Thân hơn nữa, đọc bản thảo của nhau, góp ý để sửa chữa tác phẩm tốt hơn, hay hơn... Tôi viết rất chậm, ba bốn tháng mới viết được một truyện ngắn. Còn Nguyễn Anh thì ngược lại, chỉ vài tháng đã có tiểu thuyết gáy dày như hòn gạch. Bao giờ viết xong anh cũng in ra, đóng thành tập, có bìa giả như một luận văn tiến sĩ, đưa tôi đọc, nhờ góp ý. Tiểu thuyết của anh là loại tình cảm xã hội nên hấp dẫn, tôi đọc một hai bữa là xong mà không thấy quá vất vả. Mới có mấy năm anh đã có hơn năm mươi đầu sách. Tác phẩm ra ào ạt nhưng anh vẫn chưa nổi tiếng trên văn đàn. Trong giới viết lách chẳng mấy người biết đến Nguyễn Anh.
23 Tháng Chín 202412:02 SA(Xem: 3644)
Cây thị tỏa bóng mát thâm u giữa cánh đồng, đón những ngọn gió lồng lộng mát rượi từ phương xa thổi lại, đây là nơi các bác nông dân nghỉ ngơi tránh cái nóng ban trưa, hoặc các khách bộ hành nghỉ chân trên con đường thiên lý mệt mỏi. Đây là nơi lũ trẻ của trường tiểu học cộng đồng Hòa Do thường tụ tập nô đùa trong những ngày nghỉ học.
22 Tháng Chín 202411:17 CH(Xem: 3974)
Chắc bạn cũng có nghe câu chuyện về ông Phó Thủ Tướng Đức gốc Việt, từng là đứa trẻ mồ côi bên Việt Nam. Tôi thật sự cảm động muốn khóc, không phải vì ông là người có tài, đẹp trai, ăn nói khôn ngoan hay làm lớn mà vì nếu cha mẹ nuôi không mang ông về Đức, có thể hôm nay ông cũng đã là kẻ lang thang đầu đường xó chợ ở một nơi nào đó trên đất nước Việt Nam. Bạn tôi muốn kể cho quý vị nghe về một đứa trẻ bụi đời, lang thang đầu đường xó chợ trên đất Hoa Kỳ, nhờ mẹ nuôi Việt Nam mang về chăm sóc, dậy dỗ đã trở nên người hữu dụng.
12 Tháng Chín 20243:39 CH(Xem: 4816)
Lúc ngồi trong xe với Hiệp rồi, anh vẫn còn thắc mắc: “Tôi vẫn không hiểu tại sao ông lại cùng nhận tin Lê mất. Ông đâu có biết hắn là ai.” Hiệp ngồi thẳng người, chăm chú nhìn ra phía trước. Gương mặt hắn bình thản như một ngày biển lặng. Lần chót anh gặp hắn là lúc hai người đang đi ngược phía với nhau trong khuôn viên đại học, vội vã đến lớp cho kịp giờ dạy. Sau hai năm đại dịch, cả hai mới gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng, hứa hẹn sẽ lại cùng đi uống cà-phê hay ăn phở như ngày trước. Thế mà một năm học đã trôi qua, không ai gọi ai, hẹn hò gì cả. Anh buồn buồn nghĩ, mỗi người ai cũng bận bịu với vợ con, làm gì mà có thì giờ nhàn rỗi để tán dóc với nhau.
12 Tháng Chín 20242:26 CH(Xem: 4499)
Kiều Thu 15 tuổi đang học cấp 2 của một trường trung học cơ sở tại Quy Nhơn trong một vùng quê êm đềm. Nhưng chữ nghĩa và sách vở càng ngày không mấy hấp dẫn cô nàng đang tuổi dậy thì. 16 tuổi, Kiều Thu gặp Hải có biệt danh là “Hải đại bàng”. Thế là những cuộc picnic, vui chơi với bạn bè hấp dẫn nàng hơn, nàng bắt đầu biết thế nào ăn chơi, những điều mới lạ với những cuộc vui không chỉ giới hạn trong Thành Phố ven biển mà tiến xa hơn. Kiều Thu quyết định nghỉ học vào năm 17 tuổi bắt đầu sống chung với Hải đại bàng.
18 Tháng Tám 20242:40 SA(Xem: 5394)
Thu Yến sinh ra trong một gia đình công chức bình thường ở nông thôn thuộc một xã miền Tây Nam Bộ. Ba má Yến là nhân viên văn phòng tại một đợn vị sản xuất và phân phối vật tư nông nghiệp vùng ven Tây Đô. Nhà có ba chị em. Chị Hai là Thu Miên hơn Thu Yến ba tuổi nhưng bị khiếm khuyết, chậm phát triển bẩm sinh nên không đi học được chỉ quanh quẩn ở nhà với em. Đứa em trai út cũng bị khiếm khuyết về thể trạng, thường xuyên bị động kinh nên cũng chậm lớn không đi học được. Như vậy trong ba đứa con, chỉ có Thu Yến là xinh xắn, thông minh. Vì thế Yến là niềm kỳ vọng duy nhất của ba mẹ có thể ăn học nên người sau này phụ giúp ba mẹ nuôi chị và em, chăm lo gia đình.
15 Tháng Tám 202412:35 SA(Xem: 5599)
Những khối gạch đá đen trùi trũi trong ánh trăng lu chìm giữa những đám mây nặng trĩu đè lên thành Kim Lăng (Nam Kinh). Tiếng quạ kêu thảng thốt. Trong Viện Thái y, hơn chục viên Ngự y chắp tay cúi đầu vẻ ăn năn biết lỗi, xếp hàng trước viên Tổng quản của Hồng Vũ đế đang cao giọng: - Các vị Ngự y! Hoàng đế rất tức giận, và hoàn toàn thất vọng về các vị! Được hưởng ân huệ của triều đình không ít, nhưng đã mấy tuần trăng rồi, tính mạng vàng ngọc của Vương phi trao cho các vị, các vị đã làm được gì? Hơi thở của Vương phi ngày một mỏng manh như sợi cước…